Tóm tắt:

Mọi sự trên đời không có việc hại người lợi mình, hại người chính là hại bản thân mình. Người muốn hạnh phúc, mạnh khỏe chân chính là người biết dùng tấm lòng thương yêu, sự hòa hợp thay cho trạng thái tâm lý phẫn nộ, bất mãn, oán hận đối với người khác hoặc trong cuộc sống. Biết gieo những Nhân tốt trong cuộc đời, làm lành tránh dữ để có được Quả nghiệp an lạc, phước lành.

Nhắc đến Nhân Quả, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có thể nhận biết và nói đến Nhân Quả bằng nhận thức của bản thân qua sự giao lưu, nhận thức ngoài xã hội hoặc sự truyền bá nào đó từ những nguồn khác như: có vay có trả, giết người đền mạng, chưa trả kiếp này kiếp sau phải trả… Vậy nhưng những căn cứ nhận thức, kiến giải đó có xuất phát từ kinh điển Phật giáo theo đúng nghĩa hay không?.

Tag: quả báo, nhân quả, Phật giáo, nghiên cứu

Nhân duyên quả báo, định luật Nhân quả trong Phật Pháp không giống với cách kiến giải của thế gian.

Nhân là hạt giống. Những lời chúng ta đã nói, đã làm, đã nghĩ trước kia sẽ trở thành hạt giống, là nhân của nghiệp. Tác dụng Nhân quả nghiệp lực giống như hạt giống từng bước trưởng thành dưới điều kiện thích hợp, cuối cùng cho ra một quả thực. Một hạt giống cần có lượng nước, ánh sáng, thổ nhưỡng thích hợp mới phát triển, mới kết quả.

Duyên là gì? Cũng như tam nghiệp Thân, Khẩu, Ý của chúng ta. Việc đã làm, lời đã nói, điều đã suy nghĩ. Những điều đó không chỉ là Hạt giống, đồng thời còn là các Duyên, trợ lực của hạt giống khác. Như một người muốn đi nơi nào đó chơi, đó là cách nghĩ, là một hạt giống (Nhân), vừa vặn anh ta có tiền, có phúc báo, có thời gian, thời tiết, môi trường thích hợp. Tất cả đều là duyên, thế là đi chơi. Không ngờ anh ta trước đó nợ tiền cờ bạc của người khác, kết quả đến nơi đó gặp chủ nợ, bị đánh một trận, thế là việc đi chơi (Quả của cách nghĩ ban đầu), Quả đó hình thành từ các điều kiện tụ tập, đồng thời lại trở thành cái Duyên mà anh ta bị đánh, một trợ lực của một Quả báo khác.

Nhân quả vận hành là như vậy, mỗi Nhân đều phát triển dưới những điều kiện thích hợp, đồng thời đều phát triển để trở thành tác dụng của Nhân khác, đan xen lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau vô cùng phức tạp, phức tạp tới mức người thường chúng ta khó mà tưởng tượng. Như một tấm lưới trời lộng lộng khôn cùng, ngang dọc trên bề mặt giao thoa trùng điệp các Nhân, Duyên, còn các điều kiện tụ tập lại một điểm hội tụ, đó là Quả báo, vô số Quả báo đó tiếp tục hội tụ với các Nhân duyên khác, tầng tầng lớp lớp vô cùng vô tận. Do đó mới nói, Nhân, Nghiệp Nhân mà chúng ta tạo, dù cho có qua thời gian rất dài vẫn không tổn hại, bất luận chúng ta làm là thiện nhân hay ác nhân đều sẽ trở thành hạt giống, một khi hội tụ đủ điều kiện khác sẽ xuất hiện Quả báo.

Chúng ta gặp phải các sự việc có khổ có vui đều là các Duyên tụ hợp lại mà thành. Nếu Duyên đó chẳng còn thì sẽ không có kết quả như vậy. Còn các Nghiệp lực là tụ tập tùy nơi tâm của bạn, không thể có một sự sai số nào.

Nhân quả nhà Phật hoàn toàn không đơn giản là có vay có trả, giết người đền mạng… Nhân quả mà Phật giảng giải là chỉ ra mọi việc tự thân chúng ta gặp phải vận hành ra sao đều có sự phối hợp Nhân, Duyên trùng điệp mà tạo thành Quả báo sau này.

Nhân quả là tự làm tự chịu

Tác dụng Nhân quả là tự làm tự chịu, tuyệt không có chuyện nghiệp quả bạn tạo ra mà người khác thừa chịu hoặc nghiệp lực mà người khác tạo nên nhưng bạn lại chịu quả báo. Dù là phụ tử tình thâm, nghiệp nhân do người nào tạo cũng không thể vì quan hệ thân duyên mà có sự thay đổi nào đó. Trong cuộc sống chúng ta thường thấy có người tạo tác tội lỗi gì thì kết quả liên quan đến cả nhà đều bị đả kích, thế là nhiều người nhầm lẫn cho rằng nghiệp lực đó có thể truyền dẫn, đây là cách nghĩ hết sức sai lầm. Một người phạm tội, cả nhà bị chê trách vì mỗi người đều đã từng có cái Nhân đó, do vậy mới có Quả báo. Không phải vì hành vi của một người nào đó mà những người khác đều bị Quả báo. Chúng ta cũng thấy rằng, một người cha tốt sinh ra một đứa con bất hạnh, một người chuyên làm ác nhưng người thân lại rất tốt. Nếu dùng lý luận nghiệp lực có thể truyền dẫn, có thể thay thế thì không thể giải thích thông suốt được. Con vua trở thành hoàng tử hoàn toàn không phải vì nguyên nhân của vị quốc vương đó mà là vì nghiệp lực mà người con đó tạo ra có liên quan nhất định tới việc đó, vị vua chỉ là một trong những trợ duyên mà thôi.

Nghiệp Nhân Quả khác nhau, Nhân nào Quả đó

Ngoài đời thực chúng ta thường thấy sức khỏe, tài phú, dung mạo, trí huệ đều mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Có người dung mạo đoan chính, có người sức khỏe khang kiện, trí tuệ hơn người…đó chính là bởi Nhân quả nghiệp báo khác nhau. Có Nhân nhận Quả báo không bệnh tật, có Nhân lại nhận được dung mạo đoan chính trang nghiêm, có Nhân nhận được sự giàu sang phú quý. Nếu bạn tạo ra nghiệp Nhân dung mạo đoan trang thì sẽ có được Quả báo như vậy, còn tài phú lại phải đạt được từ nghiệp Nhân khác. Hiểu được điều này, người có trí huệ sẽ tạo nhiều các Thiện Nhân, Thiện Nghiệp khác nhau để có được các Quả báo khác nhau trong cuộc đời mỗi người.

Bởi thế, chúng ta không nên hỏi rằng tôi đã phóng sinh nhiều như vậy mà vì sao vợ chồng thường xuyên cãi nhau, tôi bố thí nhiều như vậy sao lại vẫn bệnh tật, tôi không tà dâm sao chẳng thấy phát tài… Tất cả câu hỏi đó cần nhớ rằng, các nghiệp lực đều có Quả báo riêng của nó. Những điều chúng ta tu tập, bố thí, phóng sinh là thực hành theo lòng từ bi của đức Phật, tạo phúc chúng sinh, hoằng dương Phật Pháp mang lợi lợi lạc trong cuộc sống hiện tại cho chính chúng ta cũng như nghiệp báo sau này chứ không thể hoàn toàn thay đổi nghiệp lực mà chúng ta đã tạo tác từ ngày trước.

Một nghiệp nhiều Quả, nhiều Nghiệp một Quả

Trong Nhân quả báo ứng của Phật Pháp thường nhắc đến, một loại Nhân có Quả báo khác nhau nhưng các Quả báo đấy đều là cùng loại với nghiệp Nhân đó. Ví như đối với Quả báo của tà dâm, trong “Phật thuyết xuất gia duyên kinh” viết:

Tà dâm có mười việc ác. Những gì là mười?

1. Người chồng thường bị vợ mình tra xét, theo đuổi làm khổ. 2. Nhà cửa tan nát. 3. Pháp thiện tiêu diệt, pháp ác tăng thêm. 4. Nguy ách hại đến thân. 5. Không quản thúc được vợ mình. 6. Không nắm giữ được của cải. 7. Thường bị người nghi ngờ. 8. Dòng họ bà con không tin cậy. 9. Gieo nghiệp như vậy, nha môn không trong sạch lương thiện. 10. Thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục, giả sử được làm thân nữ không riêng một chồng; nếu được làm thân nam giong ruổi theo tà dâm, bỏ rơi vợ mình.

Do đó gieo xuống một Nhân, nhận được có thể nhiều loại Quả báo, cũng giống như hạt giống nảy mầm, phát triển khai hoa đậu quả trong thế giới tự nhiên cũng vậy, quả trái luôn to hơn hạt giống vả lại không chỉ thu được một quả mà rất nhiều quả khác. Những chuyện mà chúng ta gặp phải, có những chuyện chưa chắc đã là Quả báo chính, vấn đề chính e rằng kiếp này còn chưa đến.

Vận hành Nhân duyên quả báo do TÂM kiểm soát

“Kinh Địa Tạng Bồ tát nghiệp báo” viết: “Nghiệp nhân tốt xấu của những đời trước, cũng như những sự khổ vui lành dữ hiện tại đời này, duyên hợp mà có, duyên hết thì tan, nghiệp nhóm theo tâm, tướng hiện quả khởi, chẳng mất, chẳng hư, tương ứng với nhau, không hề sai lạc.”

Chúng ta gặp phải các chuyện hiện thời, vui có khổ có, đều nảy sinh bởi các duyên hội tụ với nhau. Những duyên đó khi hết rồi thì sẽ không còn kết quả đó nữa. Đồng thời những nghiệp lực tụ tập theo tâm của bạn, không có chút sai sót. Nghiệp tập tùy tâm, tụ tập của nghiệp lực là phụ thuộc điều gì? Đó là do tâm đang khống chế. Tất cả các Pháp được khởi từ tâm, với tâm mà tạo ra tướng, hòa hợp mà có, cùng sinh cùng diệt, đồng không dừng trụ. Bởi tất cả cảnh giới chỉ bị duyên của tâm, niệm niệm tiếp nối mà được duy trì, tạm thời được có.

Có bài kệ trong kinh Phật rằng:

“Tội tùng tâm khởi tương tâm sám Tâm nhược diệt thời tội nhược vong Tội vong tâm diệt lưỡng câu không Thị tắc danh vi chân sám hối”

Sự vận hành của Nhân duyên quả báo là tùy vào sự thao túng của tâm. Mọi tội lỗi chúng sinh khởi nguồn từ nơi tâm, do tâm chủ động. Do đó, nhận thức điểm mấu chốt này để chúng ta có thể vận dụng nhằm chuyển biến vận hành Nhân quả của chúng ta, thành tâm sám hối tự tâm để mọi sân si tan biến, tâm sinh diệt lặng mất để chúng ta sống trong trạng thái tịch tịnh, bình yên nơi tâm trí, không còn bị nghiệp lực thúc đẩy.

Nguyễn Thắng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2021