Như Lai trong kinh điển Nikāya là danh xưng chỉ đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và các vị Phật trong quá khứ. Thập hiệu của Phật trong kinh điển Theravada đã được các nhà Đại thừa thêm danh xưng Tāthagata - Như Lai vào vị trí đầu tiên trong thập hiệu, với ý nghĩa bao trùm tất cả các danh xưng khác.

Tác giả: Thích nữ Tuệ Như Học viên Ths Khóa 5, Học viện PGVN tại TP.HCM

A. DẪN NHẬP

Danh xưng “Như Lai” là Phật hiệu đầu tiên trong mười danh hiệu cao quí của Phật, thường được hiểu là thể tính thanh tịnh của mười phương chư Phật, nó bao gồm tất cả đức tính cao đẹp, bất cả tư nghì của các Phật hiệu còn lại. Mười danh hiệu chỉ cho công đức và sự đoạn tận lậu hoặc, chứng đạt được giác ngộ của Phật.

Trong mười danh hiệu thì danh hiệu “Như Lai” được liệt kê đầu tiên và là danh hiệu mà đức Phật đã sử dụng để danh xưng chính Ngài khi Ngài còn tại thế. Nội hàm của danh hiệu “Như Lai” chứa đựng ý nghĩa về pháp thâm sâu, về những đặc tính tu chứng của đức Phật. Danh hiệu “Như Lai” được sử dụng trong cả kinh điển nguyên thủy và đại thừa. Nghiên cứu danh hiệu “Như Lai” sẽ cho hành giả sự hiểu biết sâu rộng hơn về quả vị tu chứng của đức Phật, từ đó làm kim chỉ nam cho đường lối tu học và chứng nghiệm của bản thân và giúp đỡ tha nhân cũng vững bước trên con đường Bồ-tát hạnh.

B.NỘI DUNG

1.ĐỊNH NGHĨA “NHƯ LAI

1.1.Ngữ nguyên “Như Lai”

“Như Lai” tiếng Saṅskrit có nguyên ngữ là “Tathāgata”, là một danh hiệu của Đức Phật. Chiết tự của tathāgata là tathā + āgata, có nghĩa là “Người đã đến như thế” hoặc “Người đã đến từ cõi chân như”.

“Gata” có nghĩa là “đã đi” vì nó làm vai trò là động-tính thụ động quá khứ của động từ căn “gam” (đi).”Agata” có nghĩa là "đã đến" nó làm động-tính thụ động quá khứ của động từ căn “gam” có nghĩa là (đến). “Tathā” với ý là “chân như”, “nhất như”, hay “như thực”.

Nếu theo cách thứ nhất thì có nghĩa là noi theo đạo Chân như mà đến quả Phật Niết bàn, cho nên gọi là Như khứ; còn nếu theo cách thứ 2 thì có nghĩa là từ chân lí mà đến (như thực mà đến) và thành Chính giác, cho nên gọi là “Như Lai”. Vì đức Phật theo chân lí mà đến và từ chân như mà hiện thân, nên tôn xưng Ngài là “Như Lai”.

Dựa trên sự phân tích ngữ pháp Saṅskrit của học giả Richard Gombrich, khi được sử dụng như là một hậu tố từ trong hợp từ “Tathāgata”, đuôi “-gata” thường mất ý nghĩa đen của nó và thay vì được hiểu là "được, đi, thành tựu/v.v.."; từ đó, “Như Lai” sẽ được hiểu theo nghĩa "Nhất như", không có sự dịch chuyển theo cả hai hướng.

1.2. Danh xưng “Như Lai”: Thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Ngài sử dụng “Tathāgata”  để tránh sử dụng ngôi thứ nhất "ta", "tôi" – self, ego, trong lúc giảng dạy, thuyết pháp, đây cũng là một phong cách thể hiện sự khiêm tốn của Ngài. Sau này, “Tathāgata” – “Như Lai” được dùng như một danh hiệu chỉ một Thánh nhân đã đạt đến bậc giác ngộ cao nhất, bậc Chính đẳng trong mười danh hiệu của một vị Phật.Trong các danh hiệu, “Như Lai” là danh hiệu thường được sử dụng nhất.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Danh Hieu Nhu Lai Trong Phat Giao 1

2. Ý NGHĨA “NHƯ LAI

2.1. Thế nào gọi là “Như Lai”

Trong Phật thuyết Thập hiệu Kinh có ghi:” A Nan bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Trong mười hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, thì thế nào là Như Lai? Phật nói: Này Bí-sô! Ta xưa kia khi còn ở quả vị Bồ-tát, vì cầu đạo quả Vô thượng Chính đẳng Chính giác đã từng tu tập tất cả các hạnh, nên nay được Bồ-đề Niết-bàn chân thật hoàn toàn. Do chứng được cả tám Thánh đạo bằng Chính kiến nên gọi là Như Lai. Như các Bậc Chính Đẳng Giác trong quá khứ đã điều phục được tâm, đạt đến Niết-bàn, nên gọi là Như Lai.”[1] “Như Lai” là một trong thập hiệu của đức Phật theo kinh điển Đại Thừa, là danh hiệu đầu tiên, và được cho rằng bao hàm hết giá trị của tất cả các danh hiệu còn lại. Trong tạng kinh Pāḷi thì mười danh hiệu của Phật thường được tụng đọc hàng ngày bao gồm: “Iti pi so Bhāgava Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjā-cārana-sampanno, Sugāto, Lokāvidu, Anuttāro, Purisa-dhamma-sārathi, Satthā-deva-manussānaṃ, Buddho, Bhāgava’ti”, dịch sang tiếng Việt: “Thật vậy, Đức Thế Tôn có hiệu Ứng cúng, Chính biến tri, Minh Hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự Trượng phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.” [2]

Trong kinh sách Bắc Tông danh hiệu Như Lai được thêm vào đầu tiên và Hòa thượng Thích Trí Tịnh trong bộ Đại Bát Niết Bàn (Hán Tạng)[3] đã ghép danh hiệu “Phật – Thế Tôn” thành một, để còn lại Thập hiệu. Ở đây “Như Lai” là tư tưởng Bát nhã, cốt tủy của Phật giáo Đại thừa đó là Tính Không – Suññāya bao trùm tất cả khắp các pháp giới.

Trong Kinh Đại Bảo Tích, “Như Lai” được mô tả trong phẩm Pháp Hội: Vì chỉ có Như Lai trí tuệ giải thoát cứu cánh Niết-bàn, không còn thừa nào khác mà được độ thoát, vì lẽ ấy mà gọi là Như Lai. Vì như thật giác liễu như, nên gọi là Như Lai. Vì biết rõ các chúng sinh nhiều thứ nguyện cầu, đều hay thị hiện nên gọi là Như Lai. Vì thành tựu tất cả căn bản thiện pháp, dứt trừ tất cả căn bản bất thiện nên gọi là Như Lai. Vì hay khai thị con đường giải thoát cho chúng sinh nên gọi là Như Lai. Vì hay khiến chúng sinh an trụ chính đạo mà xa rời tà đạo nên gọi là Như Lai. Vì diễn thuyết nghĩa như thật không của các pháp nên gọi là Như Lai.[4]

2.2.Như Lai và A La Hán

Điểm khác biệt giữa một vị Như Lai, vị Phật toàn giác, chính đẳng giác với một vị A La Hán được thể hiện trong kinh Tăng Chi Bộ: “Này các Tỳ kheo, Như Lai, bậc A La Hán, bậc Toàn Giác, là người khởi sinh của con đường chưa được khởi sinh trước đó, là người tạo ra con đường chưa được tạo ra trước đó, là người tuyên bố về con đường chưa được tuyên bố trước đó. Bậc ấy là người hiểu biết thế gian, người khám phá ra con đường, người thiện xảo trong con đường. Và những người đệ tử của bậc ấy giờ đi theo con đường đó và sau đó sẽ có được (chứng đắc) con đường đó.

Này các Tỳ kheo, đây là sự phân biệt, sự không tương đồng, sự khác biệt giữa Như Lai, bậc A La Hán, bậc Toàn Giác (tức một vị Phật ) với một Tỳ kheo được giải thoát bằng-trí-tuệ.”[5]

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, Như Lai, bậc Toàn Giác là người đã tìm ra chân lý, Ngài đã tu hành vô lượng kiếp và có đầy đủ Bi, Trí, Dũng. Ngài chỉ dạy lại con đường dẫn đến Niết bàn cho chúng sinh. Tuy Niết bàn của Như Lai và A La Hán có đồng nhau nhưng công đức tu hành, thần lực thì không đồng.

2.3. Như Lai là bậc nói và hành tương ưng

Trong kinh Thanh Tịnh thuộc Kinh Trường Bộ, đức Phật đã nói về phẩm chất lời nói đi đôi với việc làm của Như Lai: “Này Cunda, Như Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy nên được gọi là Như Lai. Đối với thế giới với chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc Toàn Thắng, không ai có thể thắng nổi, bậc Toàn kiến, bậc Tự Tại”.[6]

Từ đức tính nói hành tương ưng của Như Lai, áp dụng vào thực tế tu học của hành giả để nhận chân được vị thiện tri thức thân cận tu học là rất quan trọng và mang lại lợi ích thiết thực.

2.4. Thập lực Như Lai:

Trong kinh Bi Hoa, đức Phật có thuyết giảng rất rõ ràng mười lực của Như Lai như sau:

Tri thị xứ phi xứ trí lực (知是處非處智力, Pāli: ṭhānāṭhāna-ñāṇa): Biết rõ tính khả thi và tính bất khả thi trong mọi trường hợp.

Tri tam thế nghiệp báo trí lực (知三世業報智力, Pāli: kammavipāka-ñāṇa): Biết rõ luật nhân quả (hay nghiệp quả), tức là nhân nào tạo thành quả nào trong ba đời.

Tri nhất thiết sở đạo trí lực (知一切所道智力, Pāli: sabbattha-gāminī-paṭipadāñāṇa): Biết rõ nguyên nhân dẫn đến sự tái sinh.

Tri chủng chủng giới trí lực (知種種界智力, Pāli: anekadhātu-nānādhātu-ñāṇa): Biết rõ các thế giới với những yếu tố hình thành.

Tri chủng chủng giải trí lực (知種種解智力, Pāli: nānādhimuttikatāñāṇa): Biết rõ cá tính của mỗi chúng sinh.

Tri nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực (知一切眾生心性智力, Pāli: indriyaparopariyatta-ñāṇa): Biết rõ căn cơ học đạo cao thấp của mỗi chúng sinh.

Tri chư thiền giải thoát tam-muội trí lực (知諸禪解脫三昧智力, Pāli: jhāna-vimokkha-ñāṇa): Biết rõ tất cả các phương thức thiền định.

Tri túc mệnh vô lậu trí lực (知宿命無漏智力, Pāli: pubbennivāsānussati-ñāṇa): Biết rõ các tiền kiếp của chính mình.

Tri thiên nhãn vô ngại trí lực (知天眼無礙智力, Pāli: cutūpapāta-ñāṇa): Biết rõ sự hoại diệt và tái sinh của chúng sinh.

Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực (知永斷習氣智力, Pāli: āsavakkhaya-ñāṇa): Biết các pháp ô nhiễm sẽ chấm dứt như thế nào. Các trí lực thứ 8, thứ 9 và thứ 10 cũng chính là Tam minh của chư Phật.[7]

2.5. Như Lai khởi sinh vì lợi ích số đông

“Này các Tỳ kheo, Như Lai khởi sinh trong thế gian, là một bậc A La Hán, đã giác ngộ hoàn toàn...thầy của những thiên thần và loài người, là bậc Toàn Giác, bậc Thế Tôn. Bậc ấy giảng Giáo Pháp tốt lành ở đầu, tốt lành ở giữa và tốt lành ở cuối, với ý nghĩa và từ ngữ đúng đắn, bậc ấy cho thấy một đời sống tâm linh rõ ràng thật hoàn thiện và tinh khiết. Này các Tỳ kheo, đây là người đầu tiên khởi sinh trong thế gian vì phúc lợi của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì sự tốt lành, phúc lợi, và hạnh phúc của những thiên thần và loài người.”[8]

Tinh thần Đại thừa được kết tinh chính từ đặc tính này của Như Lai. Bồ tát lấy độ tha làm hạnh, ngài thực hành đầy đủ và tựu tất cả các Ba-la-mật bước vào thềm thập địa, hoàn thành tất cả các địa mà không bao giờ quên cứu độ chúng sinh.

2.6. Tính nhất như của Như Lai

Cố Hòa thượng Tuyên Hóa có bài kệ rằng:” Như như bất động tâm quân thái, // Liễu liễu thường minh chủ nhân ông”. Câu này được hiểu “Như như bất động” tức là không có pháp nào mà không như như, tất cả các pháp đều là như pháp. Đây cũng chính là cái tâm chân như, bất sinh bất diệt, mọi phiền não chướng ngại đều không có. Như như bất động là định lực. “Tâm quân thái” là tâm an nhiên tự tại. “ Liễu liễu thường minh chủ nhân ông” – rõ rõ thường biết, chủ nhân ông. “Chủ nhân ông” ở đây chỉ cho chân tâm, Phật tính, hay có thể nói là Như Lai. Trong Luận Đại Trí Độ diễn giải rất rõ về tính nhất như của Như Lai: “Như Lai như, chẳng ở trong quá khứ “như”, quá khứ “như” cũng chẳng ở trong Như Lai như; Như Lai như chẳng ở trong vị lai “như”, vị lai “như” cũng chẳng ở trong Như Lai khứ; Như Lai như chẳng ở trong hiện tại “như”, hiện tại “như” cũng chẳng ở trong Như Lai như. Quá khứ, vị lai, hiện tại như, Như Lai như, là nhất như, không hai không khác. Sắc “như”, Như Lai “như”; thọ, tưởng, hành, thức “như”, Như Lai như....Ngã như, cho đến kẻ biết, kẻ thấy như và Như Lai như là nhất như không hai không khác. Thí Ba-la-mật “như” cho đến Bát-nhã ba-la-mật “như”; nội không “như” cho đến vô pháp hữu pháp không “như”; bốn niệm xứ như, cho đến Nhất thiết chủng trí như và Như Lai như là nhất như không hai, không khác. Tu-bồ-đề, vì Bồ-tát ma-ha-tát được “như” ấy nên gọi là Như Lai”.[9]

Như Lai “như” tức là hết thảy pháp như, thế nên nói sắc pháp như...và Như Lai như không hai không khác. Phàm phu thấy có hai có khác, thánh nhân quán chiếu không hai không khác. Như Lai là như thật mà đi đến trong phật pháp.

C. KẾT LUẬN

Như Lai trong kinh điển Nikāya là danh xưng chỉ đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và các vị Phật trong quá khứ. Thập hiệu của Phật trong kinh điển Theravada đã được các nhà Đại thừa thêm danh xưng Tāthagata - Như Lai vào vị trí đầu tiên trong thập hiệu, với ý nghĩa bao trùm tất cả các danh xưng khác.

Kinh điển và sách của các nhà nghiên cứu Tây phương nổi tiếng viết về Tāthagata - Như Lai cho thấy cảnh giới của Như Lai, trí hạnh của Như Lai, gia trì của Như Lai, lực của Như Lai, vô úy của Như Lai, tam muội của Như Lai, sở trụ của Như Lai, tự tại của Như Lai, thân của Như Lai, trí của Như Lai, tất cả thế gian chư Thiên cùng người đời không thông đạt được, không xu nhập được, không tín giải được, không rõ biết được, không nhẫn thọ được, không quán sát được, không giảng trạch được, không khai thị được, không tuyên minh được. Không ai có thể làm cho chúng sinh hiểu rõ, chỉ trừ sức gia bị của Chư Phật... sức thiện căn đời trước của họ, sức nhiếp thọ của thiện tri thức, sức tinh tín sâu, sức minh giải lớn, sức tâm thanh tịnh xu hướng Bồ đề, sức nguyện rộng lớn cầu nhứt thiết trí...[10] Hiểu rõ về nội hàm của danh hiệu “Như Lai” giúp cho hành giả có kiến thức sâu hơn về hạnh nguyện của chư Phật, làm hành trang cho mình trên con đường Bồ tát đạo hướng tới quả vị Vô thượng Bồ đề.

Tác giả: Thích nữ Tuệ Như Học viên Ths Khóa 5, Học viện PGVN tại TP.HCM ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt Kinh Trường Bộ, Thích Minh Châu (dịch),Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991 Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm (Hán dịch),Tuệ Sỹ (Việt dịch), Kinh Trường A - Hàm Tập 1, 17. Kinh Thanh Tịnh, Tôn Giáo, Hà Nội, 2007. Đại Tập 68, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Phật Thuyết Thập Hiệu Kinh, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000. Đại Tập 43 - Bộ Bảo Tích II, Thích Tịnh Hạnh (dịch), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000. Ðại Bát Niết Bàn (Hán tạng),Thích Trí Tịnh (dịch), (Phẩm Phạm Hạnh) 1996. Kinh Đại Bảo Tích - Quyển 90- Pháp Hội 24: Ưu-Ba-Ly, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000. Luận Đại Trí Độ, Thích Thiện Siêu (dịch), Nxb. TPHCM,2001.

English Bhikkhu Bodhi (2005), In the Buddha’s Words An Anthology of Discourses from the Pāḷi Canon, Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pāḷi, Nguyên Nhật Trần Như Mai (dịch), Nxb. Hồng Đức, 2015. Edward Conze, The Perfection of Wisdom in 8,000 Lines, Sri Satguru Publications, Delhi, 1994. Florin Giripescu Sutton (1991), Existence and Enlightenment in the Laṅkāvatāra-sūtra: A Study in the Ontology and Epistemology of the Yogācāra School of Mahāyāna Buddhism. Peter Harvey, The Selfless Mind, Routledge Curzon Press, 1995. Peter Harvey, An Introduction to Buddhism: Teachings, History, and Practices, Cambridge University Press, 1990.

Chú thích:

[1] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 68 - Bộ Kinh Tập XV - Số 729 -> 804, Số 782 - Phật Thuyết Thập Hiệu Kinh, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, Trang 803. [2] Thích Minh Châu (dịch), 1991, Trường Bộ, quyển 1, Kinh Ðại Bát Niết Bàn, trang 573-574. [3] Thích Trí Tịnh (dịch), 1996, Ðại Bát Niết Bàn (Hán tạng)", tập 1, (Phẩm Phạm Hạnh), tr.585. [4] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 43 - Bộ Bảo Tích II - Số 310 (Quyển 41 - 90), Kinh Đại Bảo Tích - Quyển 90- Pháp Hội 24: Ưu-Ba-Ly, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, Trang 1092. [5] SN 22:58; III 65 - 66 [6] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ 2, 29. Kinh Thanh Tịnh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 467. [7] Nguyễn Minh Tiến (Dịch và chú giải), Nguyễn Minh Hiển (Hiệu đính Hán Văn) Kinh Bi Hoa, Phẩm Thứ Hai Đà - La - Ni, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, Trang 104. [8] Tỳ kheo Bồ-Đề (tuyển chọn), Tuyển tập các kinh theo các chủ đề giáo lý, Lê Kim Kha (dịch), Nxb. Hồng Đức, 2017, tr.472 [9] Thích Thiện Siêu, Luận Đại Trí Độ, Tập IV, Nxb. TPHCM,2001, tr.455 [10] Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Hoa Nghiêm,Phẩm Nhập Pháp giới thứ 39,  tr. 784