Thượng tọa Thích Thiện Hạnh Phó Viện Trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội

Từ khi đạo Phật được truyền vào nước ta đã có sự gắn bó mật thiết không thể phân ly giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp, sự mầu nhiệm của Chính pháp đã đem lại một cuộc sống an vui, dung hợp các luồng tín ngưỡng trên đất nước Việt Nam.

Sự kế thừa truyền thống đã được hun đúc bởi các bậc Tổ sư tiền bối trong hơn 20 thế kỷ, trong hơn 40 năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kế thừa, tiếp nối truyền thống, thống nhất ý chí và hành động, phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội.

Trong suốt quá trình du nhập, giao thoa, và phát triển, Phật giáo tùy thuận và thích nghi với văn hóa, phong tục truyền thống và đức tin bản địa của người Việt, mặt khác lại có những tác động sâu sắc tới bản sắc văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa về đạo đức.

Giáo hội quan tâm hướng dẫn tín đồ, phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, dựa trên nền tảng giáo lý mang tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng từ bi, hỉ xả, “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”; lấy phương châm “Phật pháp bất ly thế gian giác”, cho đường hướng hành đạo.

Việc hành đạo thể hiện qua công tác từ thiện, Giáo hội đã nuôi dưỡng, giúp đỡ người cô đơn, người không nơi nương tựa, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng chất độc da cam, nuôi dạy trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; mổ mắt miễn phí cho người bệnh đục thủy tinh thể, tặng nhà tình nghĩa, vận động tài chính, lương thực, hỗ trợ cộng đồng, tặng xe lăn cho người khuyết tật, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng; khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, xây cầu, làm đường, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sỹ ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Dịp Tết cổ truyền hằng năm, Giáo hội tổ chức phát quà tết cho người nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Từ đó đã làm tăng thêm truyền thống của dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách”, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trên tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật được gắn liền với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Các vị tăng, ni tiếp tục đẩy mạnh việc truyền bá đạo pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo, để tinh thần Phật giáo tiếp tục được lan tỏa nơi con người, thông qua những nguyên tắc đạo đức căn bản, góp phần định hướng tư duy và điều chỉnh hành vi của cộng đồng, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu, trại hè, các hoạt động Phật pháp… dành cho thanh thiếu niên. Thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phúc, sự biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu cha mẹ, thầy cô, có nếp sống lành mạnh, văn minh và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Tuyên truyền và giảng giải ý nghĩa của việc hạn chế sát sinh, không săn bắt các loài thú hoang dã, không phá rừng mà tăng cường trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-giao-giao-duc-con-nguoi-song-co-dao-duc.html

Thông qua những nhận thức về mối quan hệ nhân quả với các đặc điểm: (1) Sự tương quan về nhân và quả, (2) Các yếu tố quyết định liên quan đến quan hệ nhân quả của cuộc sống, (3) Sự tương tác có chủ tâm, (4) Đạo đức.

Đức Phật phủ định mọi “đầu cơ” về đạo đức và thực hành thiền định, nghiệp quả không phải là những yếu tố có tính chất siêu hình mà cần phải cụ thể hóa bằng các hành động cụ thể. Đó là yêu cầu đạo đức, đòi hỏi những thực nghiệm và khả năng của các hành động trong những giây phút hiện tại. Cho nên phạm trù đạo đức được xác định và thể hiện, dưới ánh sáng của kinh điển Phật Giáo là rất rõ ràng.

Ví dụ như cách chúng ta phản ứng với các vấn đề đương đại như nghèo đói, lạm dụng các nguồn tài nguyên, ô nhiễm và phá hủy môi trường và phát triển bền vững. Trách nhiệm nghiệp quả đối với những người khác, động vật và môi trường không phải là một phạm trù bên ngoài, cũng không phải hoàn toàn phạm trù có tính cách qui chuẩn. Với tư cách là hiệu quả đạo đức liên quan đến nhân quả, nó là một hành động mang tính logic hợp lý và một phần tử thiết yếu cho việc tham gia giải quyết những tình huống khó xử về đạo đức và môi trường hiện tại.

Mục đích của đạo Phật là vì sự an lạc của chư thiên và loài người, đem lại an vui hạnh phúc cho chúng sinh. Trong Kinh Tương Ưng, đức Phật dạy các đệ tử xuất gia rằng: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”[1] Cho nên, đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc và an lạc cho mọi loài chúng sinh, đặc biệt là loài người chúng ta. Như vậy, đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc an lạc, nếp sống ấy cũng là một nếp sống đề cao con người, đưa con người vào một vị trí tối thượng, xác định con người có khả năng đoạn trừ mọi khổ não, chấm dứt sinh tử luân hồi, và chứng minh rằng con người có khả năng đạt đến giải thoát tối thượng, nếu con người có đủ ý chí và nỗ lực của con người, và tăng trưởng được niệm lực, định lực, thiền lực của con người, nếu con người phát huy được tuệ lực, giải thoát lực.

Đạo đức Phật giáo là một nếp sống trong sạch, thanh tịnh và lành mạnh, vì chỉ có một đời sống thanh tịnh mới bảo đảm được một đời sống hạnh phúc.

Đạo đức Phật giáo là một nếp sống hài hòa với thiên nhiên, làm cho môi trường sống vừa lành vừa đẹp.

Hình ảnh đức Phật Đản sinh ở ngoài trời, dưới một gốc cây, thành đạo ở ngoài trời, dưới một gốc cây, thuyết pháp lần đầu tiên ở ngoài trời, tại vườn nai, và thị tịch cũng ở ngoài trời dưới gốc cây Ta la Song thọ. Ðời sống của Ngài rất gần gũi với thiên nhiên, thân cận với núi rừng, hoa viên và cành lá. Ðời sống của các vị xuất gia, đại đệ tử của Ngài cũng thường là đời sống trong rừng núi, xa chốn thị thành, phần lớn chùa chiền Việt Nam đều có vườn cảnh, vườn hoa, có hòn non bộ, có hồ nước, có các loài cá bơi qua bơi lại. Những hình ảnh này chứng minh một điều là đời sống của các nhà xuất gia theo đạo Phật được gắn trong môi trường thiên nhiên trong sạch, hài hoà với phong cảnh xung quanh, tĩnh tâm hài hoà với tĩnh vật, trăng sao soi sáng thiền tâm.

Như vậy đạo đức Phật giáo là một nếp sống mang lại hạnh phúc cho con người, đề cao giá trị con người, một nếp sống trong sạch thanh tịnh, lành mạnh, sống hài hòa với thiên nhiên, với con người, một nếp sống vô ngã vị tha.

Vì vậy, mỗi phật tử đến với đạo Phật bằng cả niềm tin, bằng sự nhiệt tâm, mong muốn được học và thực hành theo lời Phật dạy trong thực tiễn để được giải thoát an lạc.

Bằng triết lý duyên sinh, đạo Phật đã thể nhập vào triết lý sống của người Việt trong các mối quan hệ, ứng xử với thiên nhiên, xã hội, và bản thân.

Tăng, ni, phật tử luôn ý thức và thực hiện tốt bổn phận của người công dân, để sửa đổi tự thân, trau dồi kiến thức phật pháp, tăng trưởng đạo hạnh nhằm mục đích giữ gìn quy củ thiền gia, nâng cao hiểu biết về pháp luật và quy định của Giáo hội, hòa vào nhịp sống đạo - đời cùng với các mối quan hệ xã hội khác, để việc hành đạo có hiệu quả với tôn chỉ “tốt đạo - đẹp đời”.

Phật giáo đã ảnh hưởng khá sâu đậm đến đời sống phong tục tập quán, lối sống và văn hóa nghệ thuật của người dân, với đạo lý sống nhân ái, vị tha, hướng thiện, có tình, có nghĩa, sống giản dị, chân tình.

Một trong những đóng góp quan trọng của văn hóa Phật giáo, là cơ sở tự viện (chùa) có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và góp phần tích cực hình thành tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho người dân.

Chùa cũng tạo thành phong cách kiến trúc độc đáo và thân thuộc, mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa từng vùng, miền. Và văn hóa tín ngưỡng của người Việt luôn gắn liền với lễ hội văn hóa- tín ngưỡng Phật giáo. Vì vậy nếu tách rời lễ hội dân gian với lễ hội văn hóa Phật giáo thì sẽ làm nghèo đi bản sắc văn hóa, hòa đồng của người Việt và việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống ở Việt Nam sẽ khó mà thực hiện được. Từ góc độ này, Phật giáo đã rất tích cực tham gia vào việc khôi phục truyền thống văn hóa – tín ngưỡng dân gian của dân tộc theo xu hướng tìm về cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc.

Phật giáo đưa ra những chuẩn mực đạo đức rất cụ thể đó là 5 giới và 10 điều thiện[2]. Vì vậy Phật giáo luôn nêu cao, hướng con người tới “Thiện”, thiện từ trong tâm, thiện trong lời nói, thiện trong hành động. Phật giáo còn dạy mỗi người phải kiếm sống một cách lương thiện, đúng đắn, không làm tổn hại đến bản thân, tổn hại cho người khác và tới muôn loài. Phương tiện mưu sinh không được gian xảo, bất chính, để con người rèn luyện, hướng con người đến những giá trị nhân bản cao cả, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức cá nhân. Tinh thần từ bi, bác ái trong Phật giáo không chỉ hướng đến con người mà còn đến muôn vật, cỏ cây. Phật giáo kêu gọi lòng nhân đạo, yêu thương, bảo vệ sự sống.

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tam-va-quy-con-duong-thang-tien-dao-duc-2.html

Những giá trị tích cực của Phật giáo càng được nhân lên với những hoạt động cụ thể, thiết thực:

-  Phật giáo tổ chức “Lễ cầu nguyện hòa bình cho biển Đông”. Lãnh đạo Giáo hội và giáo đoàn 180 tăng ni, Phật tử đã trực tiếp ra các đảo Trường Sa cầu nguyện hòa bình và động viên quân, dân trên các đảo tiền tiêu. Thực hiện “Đại lễ Cầu siêu” cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

- Phật giáo rất quan tâm tới việc xây dựng gia đình văn hóa, kiểu mẫu. Hiện nay, tại một số ngôi chùa tổ chức lễ cưới. Đây là một nghi thức cưới đặc biệt được tổ chức trong không gian tâm linh tín ngưỡng Phật giáo nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc. Lễ cưới ở chùa là cây cầu nối giữa đạo và đời, là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa đạo đức dân tộc với đạo đức Phật giáo.

-  Phật giáo đến gần gũi hơn với thế hệ trẻ, nuôi dưỡng tâm từ bi yêu thương, gieo trồng hạt giống thiện lành, nhân ái, chăm học, chăm lao động, hiếu nghĩa, trau dồi nhân cách đạo đức, ngăn cản hành vi bạo lực, nhiều chùa trên cả nước đã mở khóa tu mùa hè nhằm hướng các em học sinh tới đời sống “Chân - Thiện – Mỹ”.

- Đặc biệt, công tác từ thiện xã hội là hoạt động phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi của Phật giáo và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

- Đạo đức Phật giáo cùng những hoạt động cụ thể đã và đang đóng góp tích cực trong việc xây dựng con người Việt Nam giàu lòng nhân ái vị tha, xây dựng nền đạo đức mới tốt đẹp, thực hiện đúng phương châm “tốt đời, đẹp đạo”.

Khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, xã hội ngày càng hiện đại thì con người lại càng có nhu cầu nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần. Hơn lúc nào hết các giá trị đạo đức Phật giáo cần được phát huy thành các định hướng cụ thể, góp phần phát huy những nét đẹp trong quan hệ giữa con người với con người; xây dựng và điều chỉnh nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới.

Thượng tọa Thích Thiện Hạnh Phó Viện Trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội ***

[1] Tương Ưng I, trang 128

[2] “không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu” và 10 điều thiện: “3 điều thuộc về thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; 3 điều thuộc về ý thức: không tham lam, không thù hận, không si mê; 4 điều thuộc về nói năng: không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không nói điều ác”. Những chuẩn mực đạo đức này, cũng chính là những nguyên tắc ứng xử phù hợp giữa người với người, nhằm xây dựng đạo đức xã hội tốt đẹp.

  https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-phap-voi-dao-duc-va-su-tien-hoa.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/dao-phat-va-nen-trat-tu-dao-duc-moi.html