Tác giả: Thích Nguyên Nhật

Chúng ta thấy rằng giai đoạn lịch sử Ấn Độ thời kỳ tiền Phật giáo, cho đến khi Đức Phật thị hiện là một giai đoạn đầy khủng hoảng về mọi mặt: Văn hóa, chính trị, xã hội, đời sống con người và cả triết học, niềm tin tôn giáo.

Các hệ tư tưởng trước kia và đương thời chưa đáp ứng được nhu cầu trong sự phát triển xã hội, chưa thỏa mãn hoài bão giải thoát tối thượng của con người. Cho nên cần có một tư tưởng mới, một nghệ thuật sống mới để thõa mãn nhu cầu cấp thiết của thời đại. Đó là nguyên nhân đạo Phật xuất hiện tại đất Ấn và ánh sáng chân lý của Phật giáo ngày càng tỏa rạng khắp mọi nơi. Trong tác phẩm “Early Indian Religious Thought”, P.D. Mehta viết rằng: “Tôn giáo được đức Phật đề xuất thì rất độc đáo, nó khác biệt một cách sửng sốt với tất cả các tôn giáo lớn khác. Chính pháp mà không phải là một con người thần thánh hay tuyệt đối, là suối nguồn. Mục đích là vô ngã, sự chấm dứt khổ đau và sự chứng ngộ Niết bàn bất tử”[1]. Thật vậy, Phật giáo cùng với triết lý của mình đã trở thành giải pháp tối ưu cho một xã hội đầy khủng hoảng và biến động, như Nietzche nhận định: Phật giáo chính là giải pháp khả thi cho một nền văn minh mòn mỏi.

Ở đây, người viết xin trình bày một vài ý nghĩa tiêu biểu về sự ra đời của Phật giáo tại Ấn Độ.

Thứ nhất, Phật giáo chủ trương con người là của nhân ông của nghiệp, chính con người quyết định sự khổ đau hay giải thoát của bản thân.

Thứ hai, đạo Phật ra đời với quan điểm bình đẳng, không phân biệt đẳng cấp xã hội, giới tính. Đây có thể được xem là một cuộc cách mạng tử tưởng mới để phản đối lại sự bất công về quyền con người trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.

Thứ ba, Đức Phật phê bình những nghi lễ, cúng bái lạc hậu không đem đến lợi ích cho lý tưởng giải thoát và phương pháp tu khổ hạnh để mong cầu giác ngộ. Thứ tư, Phật giáo xuất hiện để chỉ bày nguyên nhân khổ đau của con người và con đường đưa đến khổ não đoạn tận, chứng ngộ niết bàn.

Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào tìm hiểu những ý nghĩa trên, chúng ta cùng điểm sơ về lịch sử cuộc đời của Thế Tôn.

1. Lược sử cuộc đời và sự từ bỏ vĩ đại của Sa-môn Gotama

Có thể nói đức Phật là một trong những vị giáo chủ hiếm thấy trong lịch sử tôn giáo của nhân loại được biết đến là một con người có thật trong lịch sử. Cho nên, có rất nhiều quan điểm về niên đại của Đức Phật mà hiện nay chưa xác định được đâu là thuyết đúng nhất. Tuy nhiên, tất cả tạm chấp nhận niên đại mà Đại hội Phật giáo Thế giới đưa ra tại kỳ họp lần thứ II ở Tokyo (Nhật Bản) năm 1952. Theo đó, ngày Phật đản sinh là ngày trăng tròn tháng Vesaskha của Ấn Độ, năm 624 trước Tây lịch và Phật nhập Niết bàn vào năm 544 trước Tây lịch. Niên đại này được dựa vào truyền thống của Phật giáo Tích Lan[2].

Thái tử Siddhattha thuộc dòng dõi Sakya, giai cấp  Khattya. Cha là vua Suddhodana, mẹ là hoàng hậu Maya, di mẫu của thái tử là Mahapajapati. Sợ Ngài sẽ xuất gia theo lời tiên đoán của tiên nhân Asita nên nhà vua chăm lo cho thái tử một đời sống với đầy đủ vật chất, dục thú của trần gian. Nhất là cuộc hôn nhân giữa Siddhattha và công chúa Yasodhara được diễn ra nhằm ràng buộc lí tưởng xuất thế của thái tử.

Với chí xuất trần dõng mãnh, thái tử đã vượt thành để tầm cầu chân lí giác ngộ vào năm 29 tuổi (có thuyết nói là 19 tuổi). Đạo sĩ Gotama trải qua quá trình học đạo, tu tập với hai vị đạo sĩ nổi tiếng đương thời là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta, rồi đến sáu năm khổ hạnh cùng năm anh em ông Kiều-trần-như ở khu rừng Uruvela. Do vì chưa thỏa mãn với lý tưởng giải thoát cao tột của mình, Ngài từ giã các vị thầy, từ bỏ lối tu khổ hạnh sai lầm. Sau đó, đi đến Bồ-đề đạo tràng phát đại thệ nguyện, thực hành thiền định đưới cội Bồ đề. Sau 49 ngày, Ngài viên thành quả vị Chính đẳng chính giác vào năm 35 tuổi. Sau khi chứng đạo, Ngài bắt đầu vận chuyển bánh xe pháp. Suốt 45 năm (có thuyết nói 49 năm) hoằng pháp, Thế Tôn giáo hóa vô lượng đệ tử, khiến họ đoạn trừ được khổ đau và chứng được thánh quả như Ngài. Đến năm 80 tuổi, Phật nhập Niết bàn tại Kusinara.

Nhìn về cuộc đời của Thiện Thệ, chúng ta thấy được rằng con người trở nên cao thượng không phải vì dòng họ, của cải vật chất mà họ cao thượng bời vì cách hành xử và nhân cách sống. Đức Phật thị hiện nơi trần gian này cũng bình thường như bao con người khác nhưng phong cách sống của Người thật phi thường và vĩ đại. Phi thường ở chỗ mỗi bước đi, từng lời nói hay cả trong ý nghĩ của Ngài đều “đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”[3]. Ngài vĩ đại không phải vì Người là thái tử tương lai sẽ là vua cai trị thiên hạ, cũng chẳng phải ở đời sống mà nơi đó Ngài có đủ các thứ dục lạc. Thế gian tôn quý Phật vì đứng trước ngũ dục - thứ mà con người cả đời đánh đổi tất cả để tìm cầu thì Ngài đều từ bỏ; để rồi lên đường “từ bỏ gia đình sống không gia đình” tìm ra nguyên nhân của khổ và con đường đưa đến khổ diệt, giải thoát cho tự thân và chỉ bày cho tha nhân con đường ấy. Cả tam giới này đều cúi đầu kính ngưỡng trước sự vĩ đại, trước trí tuệ và lòng từ của đức Phật. Chính vì thế mà nhà triết gia Bà-la-môn trứ danh Rabindranath Tagore vô cùng cung kính Thế Tôn và ông nhận định rằng: “Đức Phật là người đã thánh hóa cuộc đời bằng một lần thị hiện tại mảnh đất trần thế qua hình ảnh bằng xương bằng thịt”[4].

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

2. Phật giáo chủ trương con người là chủ nhân ông của nghiệp

Sau khi viên mãn Phật qủa, thay vì Thế Tôn tự tôn vinh thành quả vĩ đại của mình, tự hào rằng chỉ có mình là người duy nhất đắc được Phật quả. Từ đó đặt con người trước sự nô lệ của thần linh vạn năng vô hình. Nhưng không, đức Phật đã không làm như vậy mà Ngài đặt con người lên địa vị tối thượng “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Chính tuyên ngôn này đã khẳng định vị thế của con người là chủ nhân của cuộc đời mình: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”[5].

Trong khi con người chìm trong mê tín, vị thế của con người lúc bấy giờ chỉ có thể là con của thượng đế, luôn luôn trong mặc định là nô lệ của thánh thần chứ không bao giờ trở thành đấng tối thượng được. Khi đó, đức Phật thị hiện. Ngài đi từ một con người lịch sử trở thành bậc Thánh. Điều này mang đến cho nhân loại một thông điệp là tất cả mọi người ai ai cũng đều có thể thành Phật nếu chúng ta tinh tấn, nỗ lực dũng mãnh như Ngài. Vì vậy, giải thoát hay trầm luân, khổ đau hay hạnh phúc, si mê hay giác ngộ,.. đó là do con người quyết định chứ không do một đáng tạo hóa nào có thể áp đặt được:

"Tự mình, làm điều ác,

Tự mình làm nhiễm ô

Tự mình không làm ác,

Tự mình làm thanh tịnh

Tịnh, không tịnh tự mình,

Không ai thanh tịnh ai”[6].

3. Quan niệm về bình đẳng của đạo Phật

Bối cảnh của Ấn Độ thời bấy giờ xã hội được phân chia thành bốn đẳng cấp. Sự phân cấp ấy ngày càng khắt khe, tạo nên một xã hội đầy bất công, không bình đẳng. Mâu thuẫn giữa các giai cấp ngày càng lớn. Sự ra đời của Phật giáo như một giải pháp tối ưu để đưa những con người khốn cùng thoát khỏi ách phân biệt giai cấp. Quan niệm bình đẳng của đạo Phật được thể hiện ở chỗ bất luận là đệ tử Phật hay không là đệ tử Phật, khác nhau về giai cấp, địa vị xã hội, sang hèn, giàu nghèo,… Nhưng khi đến với đức Phật thì hết thảy đều như nhau, bình đẳng trong phật pháp, bình đẳng trong công phu hành trì để đoạn trừ khổ ưu, thành tựu chính trí, chứng ngộ niết bàn.

Tất cả đều nếm chung một vị - đó là vị giải thoát: Ví như biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, Pháp và Luật của Như Lai cũng chỉ có một vị là vị giải thoát[7]. Trong kinh Tập thuộc Tiểu Bộ kinh Thế Tôn dạy: Con người không trở nên cao do dòng họ, con người không trở nên hèn hạ vì dòng họ. Người ta trở nên cao quý do hành động, người ta trở nên hèn hạ do hành động.

Đối với đức Phật, bất cứ đối tượng nào đến với Ngài, Ngài cũng đều hướng dẫn họ đến nơi viên mãn nhất, giải quyết hết những vấn đề mà họ thắc mắc trong lòng. Ngài luôn luôn nhấn mạnh tính bình đẳng giữa con người với con người, tất cả đều bình đẳng trong Pháp và luật của Ngài. Bằng chứng là trong giáo đoàn của Như Lai không có sự phân chia giai cấp trong khi xã hội bấy giờ đậm màu phân biệt, Thế Tôn dạy: “Cũng như các con sông lớn, sông Ganges, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu, sông Mahi, khi chúng đổ vào biển thì chúng mất tên gọi trước đây của chúng và được gọi cùng một tên là biển cả. Cũng như vậy, bốn đẳng cấp Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Vệ-xá, Thủ-da-la, một khi họ đã đến với pháp và luật do Như Lai giảng thuyết, từ cuộc sống gia đình cho đến cuộc sống không gia đình thì họ đều mất tên gọi trước đây của họ, bộ lạc cũ của họ và được gọi cùng một tên là các sa môn đệ tử bậc hiền trí”[8]. Điển hình trong hàng đệ tử Phật có đủ các giai tầng xã hội từ vua chúa như : Bimbisara, Pasenadi, Ajatasattu,... Các Bà-la-môn trứ danh như: Kassapa, Sariputta, Moggallana,... Cho đến các giai cấp thấp như: Thợ cạo tóc Upali, Sunita- người hốt rác, Subha con gái người thợ rèn, Sati- người đánh cá,… Hay tên cướp khét tiếng Angulimala, kỹ nữ Ambapali,... Như vậy thôi cũng đủ minh chứng đức Phật là vĩ nhân của các vĩ nhân và sự xuất hiện của Ngài trên trần thế là một điều hy hữu.

4. Con đường tu tập giác ngộ của Phật giáo

Như đã trình bày, thời kì này là thời kì mà con người bị khủng hoảng về niềm tin tôn giáo, triết học. Bởi lẽ, nhiều nhà tư tưởng ra đời, cộng thêm sáu mươi hai luận chấp triết học có mặt tại Ấn Độ khiến cho con người như bị lạc vào rừng sâu, không tìm được lối thoát. Đạo Phật xuất hiện như vầng dương xua tan màn ám muội, như tịnh thủy tưới mát cho tâm hồn khô hạn của kiếp nhân sinh đương thời. Như một cuộc cách mạng tư tưởng, Phật giáo đã phê bình sự chấp chước, tà kiến của sáu mươi hai thuyết triết học: “Đối với vô số học thuyết có chủ trương khác nhau, tất cả đều ở trong sáu mươi hai kiến giải ấy, nằm trọn trong đó, chết nghẹt trong cái lưới kiến giải mà không thể thoát ra ngoài”[9]. Mặt khác, Thế Tôn cũng chỉ trích sự mê tín của ngoại đạo khi chủ trương rữa tội bằng cách dìm mình xuống nước ở các con sông Ganga, Sarassati, Payana, Bahumani, Sundarika, Bahuka không mang lại lợi ích gì:

“Kẻ ngu dầu thường tắm

Ác nghiệp không rửa sạch

Đối kẻ sống thanh tịnh

Ngày nào cũng ngày tốt

Với kẻ sống thanh tịnh

Ngày nào cũng ngày lành

Các tịnh nghiệp thanh tịnh

Luôn thành tựu thiện hạnh

Này vị Bà-la-môn

Chỉ nên tắm ở đây”[10]

Về niềm tin tôn giáo hay bất kì một việc gì đó, Thế Tôn dạy con người cần chính tín, đừng cuồng tín, cực đoan. Trong kinh Tăng Chi, đức Phật dạy về những điều không nên tin: “Chớ có tin vì nghe theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình”. Như vậy, trong khi các đạo sư, những triết phái khác nổ lực kêu gọi, khuyến dụ quần chúng tin theo chủ trương của họ là chân lý tuyệt đối thì Phật giáo lại dạy con người không nên tin theo một chủ trương hay chỉ vì nghe người ta nói rồi tin nhận liền, thậm chí ngay cả vị thầy của mình cũng đừng tin quá vội. Bởi vì chủ trương của đạo Phật là thực nghiệm qua quá trình tự tu tập, tự chứng ngộ chứ không dựa trên một ai hay một pháp học mà không có sự chứng nghiệm thật thụ.

Phật giáo cũng không đồng tình với chủ thuyết tiền mệnh hay định mệnh. Có nghĩa là ngoại đạo cho rằng mọi cảm thọ khổ, lạc, không khổ không lạc đều do nghiệp nhân quá khứ và cách để đoạn tận khổ đau là thực hành khổ hạnh[11]. Lý thuyết này do giáo chủ đạo Jain tuyên thuyết. Vì ông tự xưng mình là bậc có tri kiến toàn diện nên tín đồ tùy hỷ tin nhận và thực hành một cách tinh cần. Tuy nhiên, theo đạo Phật, sự tu tập do tâm hành quyết định chứ không phải do ép xác khổ hạnh.

Trong Đại kinh Sư Tử Hống, Phật kể lại quá trình tu tập khổ hạnh của Ngài vô cùng thống khổ. Chính vì thế mà Ngài đứng đầu trong phương pháp tu trì ấy không ai có thể vượt qua được. Ngài tuyên bố: “Về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất”. Nếu hành khổ có thể đưa đến giải thoát thì Phật đã không từ bỏ pháp môn này để rồi đến cội Assattha trầm tư thiền quán và thành tựu quả vị Chính đẳng giác. Như vậy, sự nổ lực hành khổ không mang lại giá trị gì cho sự giác ngộ, chỉ có tuệ quán mới thật sự là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh chúng sinh, thành tựu chính trí giải thoát.

Chính sự dũng mãnh, tinh tấn thiền quán về duyên sinh vô ngã cho nên Sa-môn Gotama đã giác ngộ viên mãn, thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề. Theo kinh Tương ưng nhân duyên, bảy Như Lai thời quá khứ cho đến Đức Phật Gotama và cả các Thế Tôn trong vị lai đều chứng ngộ vô thượng Chính đẳng giác từ giáo lý Duyên khởi. Đây được xem là giáo lý tinh tủy của đạo Phật. Trong kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ I) Nguyên lý Duyên khởi được tóm tắt như sau[12]:

Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.

Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt.

Do cái này sinh nên cái kia sinh.

Do cái này diệt nên cái kia diệt.

Sở dĩ chúng sinh trầm luân trong sinh tử, sống một đời sống đầy sầu, bi, khổ, ưu, não là vì không tuệ tri Duyên khởi, không nhận chân được bản chất các pháp vốn vui ít khổ nhiều (Khổ), chịu sự biến hoại (Vô thường) và không có một thực thể thường hằng (Vô ngã). Điều đó được Thế Tôn nhấn mạnh trong kinh Đại Duyên: “Chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sinh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử”[13].

Như vậy, với chân lý Duyên sinh vô ngã, đạo Phật đã bác bỏ các chủ trương về Thần ý luận, Ngẫu nhiên luận, Định mệnh luận. Vì thế, hệ tư tưởng Phật giáo là Nhân duyên luận và con đường để thực chứng Niết bàn là con đường Trung đạo, thực thi lộ trình Giới – Định – Tuệ viên mãn. Đạo lộ ấy, giáo pháp ấy: “Thiết thực hiện tại, không có già lão, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu”[14].

Cho nên, các vua quan, giới trí thức, triết gia đương thời đều kính phục, quy ngưỡng trí tuệ của Phật. Điển hình là vua Pasenadi. Một hôm, vua đến đảnh lễ đức Phật và nêu lên bốn điều mà ngài tôn kính Như Lai tột bậc.

Một trong bốn điều đó là: Giáo pháp của Thế Tôn giảng dạy, phần đầu, phần giữa, phần cuối đều đưa đến sự toàn thiện. Bất cứ ai có cơ hội hành trì lời Phật dạy dù bất cứ lời nào người đó đều được an lạc, hạnh phúc. Cho đến thời hiện đại dù cách thời đức Phật lịch sử Gotama hàng ngìn năm nhưng các nhà khoa học, học giả đại tài cũng cúi đầu bày tỏ lòng quý kính Ngài. Như nhà ngoại giao người Đức H.W.Schumann nhận định: “Đạo giáo do đức Phật sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tinh tế”[15]. Hay giáo sư Rhys Davids – Cựu Chủ tịch Hội Pali Text Society, nhận xét rằng: “Dầu là phật tử hay không phải phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế gian, và trong tất cả, tôi không tìm thấy trong tôn giáo nào có cái gì cao đẹp và toàn vẹn hơn Bát chính đạo của đức Phật”[16]. Đặc biệt nhất là phát biểu của Albert Eisntein - nhà vật lý xuất sắc nhất thế kỷ XX: “Tôn giáo của mai sau là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả bình diện tự nhiên và siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức tâm linh tiềm tàng trong vạn vật – tự nhiên lấy siêu nhiên – như một sự hợp nhất có ý nghĩa. Phật giáo là một tôn giáo như thế, nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng nhu cầu của khoa học hiện đại, tôn giáo ấy là Phật giáo”[17].

Thật vậy, mục đích thị hiện của Thế Tôn thật vĩ đại và phi thường. Bởi lẽ, nếu cuộc đời thật sự hạnh phúc thì Ngài đã không xuất hiện. Cho nên, những gì Phật giảng dạy trong suốt cuộc đời hoằng pháp đều không ngoài hai vấn đề trọng tâm, căn bản của kiếp nhân sinh, đó là: Nguyên nhân của khổ đau và con đường đoạn tận khổ. Quả thật là một diễm phúc cho nhân loại và muôn loài trong ba cõi. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hương hoa hiểu biết và thương yêu, hiện thân của chân lý tự do, là điềm lành cho hết thảy chúng sinh. Thế Tôn như ánh trăng soi rọi đêm trường vô minh, tăm tối.

Tác giả: Thích Nguyên Nhật

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tăng Chi Bộ , NXB Tôn Giáo, Hà Nội. 2. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. 3. Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Trung Bộ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. 4. Thích Thanh Kiểm (2017), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. 5. H.W.Schumann (nguyên tác), Trần Phương Lan dịch (2000), Đức Phật lịch sử, Nxb Tp. Hồ Chí Minh. 6. Thích Chơn Thiện (2018), Khái luận Phật học, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. 7. Viên Trí (2014), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông. 8. Viên Trí (2018), Phật giáo qua lăng kính xã hội, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. 9. Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương (2015), Phật học căn bản, Nxb Phương Đông. 10. Hương Vân dịch (2011), Chuỗi Ngọc Trai, Nxb Phương Đông.

Chú thích [1] Thích Chơn Thiện dịch [2] Thích Chơn Thiện (2018), Khái luận Phật học, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, trang 13. [3] Kinh Tăng Chi Bộ, chương 1, phẩm Một Người, phần Như Lai, VNCPHVN ấn hành, 1996, trang 46. [4] Rabindranath Tagore, Hương Vân dịch (2011), Nghĩ về thánh Phật, Chuỗi Ngọc Trai, Nxb Phương Đông, trang 5. [5] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tăng Chi Bộ II, V. Phẩm Mắng Nhiếc, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, trang 592. [6] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tiểu Bộ  - Tập I, Pháp Cú, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, trang 65. [7] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, trang 329. [8] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tăng Chi Bộ III, NXB Tôn Giáo, trang 562-563. [9] Thích Tịnh Hạnh dịch (2000), kinh Trường A-hàm, Kinh Phạm Võng, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, trang 330. [10] Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Trung Bộ, kinh Ví dụ tấm vải , Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, trang 64-65. [11] Xem Kinh Devadaha số 101, Kinh Trung Bộ, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. [12] Thích Chơn Thiện (2018), Khái luận Phật học, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, trang 175. [13] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Duyên số 15, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, trang 263. [14] Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng 4 Thiên Sáu Xứ, Chương VIII Tương Ưng Thôn Trưởng, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, trang 534. [15] H.W.Schumann (nguyên tác), Trần Phương Lan dịch (2000), Đức Phật lịch sử, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr. 11. [16] Bhikkhu Narada (nguyên tác), Phạm Kim Khánh dịch (2014), Đức Phật và Phật pháp, Nxb Hồng Đức, tr. 281. [17] Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương (2015), Phật học căn bản, Nxb Phương Đông, trang 8.