1. Nghĩ lầm rằng Bụt không phải là một con người

Có một số người lấy làm hứng thú tìm cách chứng minh rằng Bụt không phải là một con người. Họ trích dẫn một đoạn trong kinh Anguttara Nikãya (Hán-Việt: Tăng Nhất A Hàm), dịch sai nó đi và hiểu lầm nó. Câu chuyện diễn ra như sau:

Một lần Bụt ngồi bên một gốc cây trong tư thế thiền, các giác quan của Ngài đã lắng dịu, tâm trí của Ngài thật yên lặng và đạt tới sự điều ngự và thanh thản cao nhất. Khi ấy một người Bà La Môn, tên là Dona đến gần Bụt và hỏi rằng:

- Thưa Ngài, có phải Ngài là một vị Trời (một “deva”) không?

- Không phải đâu, ông Bà La Môn.

- Thưa Ngài, hay Ngài là một thiên thần (một “gandhabba”)?

- Không phải đâu, ông Bà La Môn.

- Thưa Ngài, hay Ngài là một ma vương (một “yakkha”)?

- Không phải đâu, ông Bà La Môn.

- Thưa Ngài, hay Ngài là một con người (một “manussa”)?

- Không phải đâu, ông Bà La Môn.

- Thế thì, thưa Ngài, thật ra Ngài là cái gì vậy? Bây giờ hãy hiểu cho kĩ câu trả lời của Bụt:

- “Này ông Bà La Môn, cho dù có bất kì những vẩn bợn (ãsavas) nào, mà bởi sự có mặt của chúng, một người đồng nhất với một vị Trời, hoặc một thiên thần, hoặc một ma vương, hoặc một con người; thì trong ta tất cả những vẩn bợn như thế đã bị loại bỏ hẳn rồi, đã bị bứng tận gốc rồi như một gốc cọ đã bị đào, đã bị lìa xa hẳn, và sau này không còn có thể có vấn đề nảy sinh nữa”.

“Này ông Bà La Môn, đúng như một bông sen màu xanh, hoặc màu hồng, hoặc màu trắng ở trong nước, nó mọc ra từ trong nước, vươn lên trên mặt nước và không còn dính thấm nước nữa. Cũng như vậy, ta đã sinh ra từ thế giới, lớn lên trong thế giới, vượt lên trên thế giới và đang sống mà không bị dính mắc bởi thế giới nữa. Hãy nhớ rằng ta là một người đã được giải thoát (Buddhoti mam dhãrehi brahmana)”.

Điều Bụt nói chính là ở chỗ Ngài không phải là một vị Trời, hoặc một thiên thần, hoặc một ma vương, hoặc một con người còn chứa đầy những vẩn bợn. Từ đó có thể thấy rõ ràng Bụt muốn cho người Bà La Môn thấy rằng Ngài không phải là một con người còn mang theo những vẩn bợn. Ngài không muốn người Bà La Môn liệt Ngài vào một phạm trù nào mà ông ta nêu ra. Bụt đã ở trong thế giới (đau khổ) mà không còn thuộc vào thế giới (đau khổ) đó nữa. Điều đó có thể được hiểu rõ nhờ so sánh với một bông sen (mọc lên từ nước). Vậy mà những nhà bình luận hấp tấp đã vội lao vào kết luận sai lầm và muốn cho mọi người tin rằng Bụt không phải là một con người.

Cũng trong văn kinh Anguttara Nikãya này còn có một trường hợp trong đó Bụt tuyên bố dứt khoát rằng Ngài chính là một con người:

Này các Tỳ kheo! Có một con người (puggala) mà sự ra đời của người ấy trong thế giới này là vì sự tốt lành và hạnh phúc của số đông, vì lòng thương yêu đối với thế giới, vì sự lợi ích, sự tốt lành và hạnh phúc của loài trời (devas) và loài người. Một người như thế (eka puggala) là ai vậy? Đó là Như Lai (Tathãgata), một Người Đã Hoàn Tất (Arahat; A La Hán), một Người Tỉnh Thức Cao Nhất (Sammã-Sambuddho)... Này hỡi các Tỳ kheo! Ta là một người sinh ra trong thế giới này, là một con người khác thường, một con người đặc biệt (Acchariya manussa)”.

Hãy lưu ý đến danh từ tiếng Pali “manussa”, nghĩa là một con người. Vâng, Bụt là một con người; nhưng Bụt không phải là con người nào khác, mà là một con người đặc biệt.

Các bản văn của pháp Bụt nói rằng trước kia vị Bồ Tát này - như người ta quen gọi Ngài trước khi Ngài thành Bụt - đã ở cung Trời Đâu Suất (Devaloka) nhưng đã xuống thế giới loài người, sinh ra như một con người (manussatta). Cha mẹ Ngài, chính là Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma Gia (Mahãmãyã), cũng đều là những con người.

Vị Bồ Tát ấy đã sinh ra như một con người, đã đạt tới sự tỉnh thức (Quả Bụt) như một con người và cuối cùng qua đời như một con người để vào đại bát niết bàn (parinibbãna). Ngay cả khi đạt tới Tỉnh Thức Cao Nhất Ngài cũng không hề tự xưng là vị Trời hoặc Phạm Thiên (Bhahma) hoặc là một siêu nhân nào cả, mà chỉ là một con người đặc biệt mà thôi.

2. Gán bừa cho Bụt là người theo đạo Hinđu (Ấn Độ giáo)

Tiến sĩ S.Radhakrishnan, một người theo đạo Hinđu, thấm nhuần lời dạy của bản kinh và triết thuyết Vệ Đà, nói rằng pháp Bụt là một chi nhánh của đạo Hinđu, và thậm chí tới chỗ gọi Bụt là một người theo đạo Hinđu. Ông viết:

“Bụt không cho rằng Ngài đã loan truyền một tôn giáo mới. Ngài sinh ra và lớn lên và chết đi như là một người theo đạo Hindu. Ngài chỉ nói lại cho rõ hơn với một ý nghĩa mới những lí tưởng cổ xưa của nền văn minh Ấn Độ-Arian…”

Nhưng Bụt đã chính thức tuyên bố rằng lời dạy của Ngài là một tiết lộ những lẽ thật do chính Bụt khám phá ra, không thừa hưởng từ một truyền thống quá khứ nào cả và những người cùng thời với Ngài chưa từng biết đến. Trong bài thuyết giảng đầu tiên của Ngài về Bốn Lẽ Thật Sâu Mầu, Ngài nói: “Này các Tỳ kheo, với ý tưởng “Đây là Lẽ Thật Sâu Mầu về đau khổ, đây là nguyên nhân cúa nó, đây là sự chấm dứt đau khổ, đây là đường lối đưa tới sự chấm dứt đau khổ” trong ta nảy sinh ra một tầm nhìn, một tri thức, một trí sáng suốt, một sự thấu hiểu và một nguồn ánh sáng thuộc về những điều chưa từng được nghe nói trước đây (pubbesu ananussutesu, dhammesu)”.

Thêm nữa, trong khi chỉ rõ cho các môn đệ của mình sự khác nhau giữa một Người Giải Thoát Hoàn Toàn với các A La Hán (Người Đã Hoàn Tất), Bụt dạy: “Này các đệ tử, khi đang là một A La Hán, Như Lai được giải thoát hoàn toàn. Chính là Như Lai, người đã công bố về một đường lối tu chưa từng được công bố trước đây, người ấy là người đã biết một đường lối tu, người đã hiểu rõ một đường lối tu, người đã thành thạo trong một đường lối tu (maggannu, maggavidu, maggakovido). Giờ đây các đệ tử của người ấy là những người tu hành (hành giả) tiến bước theo dấu chân người ấy”.

Đường lối Bụt nói tới là Tám Đường Lối Đúng (Bát Chính Đạo) chứ chẳng phải là một lý tưởng nào đó của nền văn minh Ấn Độ-Arian như tiến sĩ Radhakrishnan đã tưởng tượng.

Dẫu sao đi nữa, khi nói tới Bụt Mahatma Gandhi, vị kiến trúc sư của nền độc lập Ấn Độ, đã nói về Bụt rằng: “Bằng đức hi sinh bao la, bằng sự từ bỏ lớn lao và ánh sáng rạng ngời không một chút vẩn bợn của cuộc đời Ngài, Ngài đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ lên đạo Hindu, và đạo Hindu phải mãi mãi mang ơn Người Thầy Vĩ Đại ấy”.

Tác giả: PIYADASSI Dịch: Lê Trọng Cường

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2019