1. Khái quát
Khái niệm sinh hoạt Phật giáo (SHPG)
Căn cứ theo quy định tại khoản 10 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH13 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), khái niệm sinh hoạt tôn giáo được hiểu là “việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo.” [2]
Theo quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), sinh hoạt Phật giáo (SHPG) là những hoạt động và nghi lễ theo đạo Phật mà người tu hành và cộng đồng phật tử thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, được tổ chức theo định hướng “văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, do đó cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.” [3]
Các hình thức SHPG và yếu tố ảnh hưởng
GHPGVN xác định SHPG bao gồm việc tu tập, học tập, trì tụng kinh sách, thực hành việc lành và giúp đỡ cộng đồng. Đây là những hoạt động nhằm rèn luyện tâm linh và nâng cao nhận thức về tư duy và hạnh phúc trong cuộc sống. SHPG cũng có thể bao gồm tham gia vào các buổi lễ Phật giáo, tham quan chùa cửa Phật, tham dự các khóa học và diễn đàn về đạo Phật.
Mục đích của SHPG là giúp con người thấu hiểu và áp dụng triết lý của đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày để đạt tới sự giác ngộ và an lạc tâm linh. Theo đó, SHPG sẽ có các hình thức sau: Thiền định, cúng dường, lễ Phật đản, học tập Phật giáo, hoạt động từ thiện và thực hành Phật giáo.
SHPG chịu sự ảnh hưởng của những yếu tố sau: Văn hóa Phật giáo (giúp hình thành và duy trì các nghi lễ và quy tắc thực hành, tạo điều kiện để cộng đồng Phật giáo phát triển tập quán chuẩn mực và đạo đức, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của đền chùa và các tổ chức Phật giáo).
Văn hóa địa phương (tạo ra sự độc đáo trong thực hành Phật giáo, ảnh hưởng đến việc nắm bắt và hiểu rõ các nguyên tắc và giáo lý Phật giáo, ảnh hưởng đến sự phát triển và quản lý của các cộng đồng Phật giáo), chính sách quản lý của nước sở tại (có thể có tác động lớn đến sinh hoạt và phát triển của phật giáo, từ các khía cạnh pháp lý, tài chính, giáo dục đến văn hóa và quốc tế).
Đặc điểm dân cư sở tại (có ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của phật giáo từ các khía cạnh văn hóa, xã hội, địa lý đến chính trị và kinh tế; sự hiểu biết và thích nghi với các yếu tố này là quan trọng để các cộng đồng phật tử có thể tồn tại và phát triển trong môi trường đa dạng ngày nay).
2. Đôi nét về Phật giáo ở Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức
Hội Phật giáo đầu tiên được thành lập ở Ðức vào năm 1903 tại thành phố Leipzig, đó là Giáo hội Phật giáo Ðức (Deutsche Buddhistische Union) do đạo hữu Kant Seidenstuker (1876-1936) sáng lập và lãnh đạo. Dưới thời thống trị của chính quyền Nazi (1933-1945) do Adolf Hitler (1889-1945) cầm quyền, tất cả các hội đoàn Phật giáo đã bị cấm hoạt động. Ðến thời kỳ hậu chiến, có nhiều tổ chức Phật giáo ra đời.
Tại Stuttgart, năm 1952, cộng đồng Phật giáo được thành lập, đến năm 1955, cộng đồng này và nhiều hội đoàn Phật giáo khác được khôi phục và thống nhất với danh xưng Liên hội Phật giáo Ðức (German Buddhist Union), đây là một tổ chức đã tập hợp và thống nhất tất cả các hội đoàn Phật giáo trên khắp nước Ðức.
Nhiều tạp chí và báo của hội lần lượt ra đời, hiện nay nổi bật nhất là hai tạp chí tiếng Ðức Liên hoa (Lotusblatter) và Những người thời hiện đại (Mitwelt).
Năm 1992, Hội cùng với Liên hội Phật giáo châu Âu (European Buddhist Union) tổ chức hội nghị tại thủ đô Berlin; và cuối tháng 10 năm 1945, hội cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập tại Müchen.
Ngày nay, có khoảng 300.000 đến 350.000 phật tử tại Đức, có hàng chục hiệp hội Phật giáo với hơn 600 điểm liên lạc (trung tâm, chùa, nhóm thiền và nghiên cứu, tu viện, nhà hội thảo, ...).
Phật giáo Đức ban đầu chủ yếu là các pháp môn của Phật giáo Nguyên thủy, sau đó dần mở rộng ra các truyền thống như, Phật giáo Đại thừa, và Thiền tông Nhật Bản được biết đến sau Thế chiến thứ II. Một số triết gia Nhật Bản chịu ảnh hưởng của Thiền tông đã bị thu hút bởi triết học của Martin Heidegger, một số trong số họ thậm chí còn học với ông tại Đại học Freiburg, ví dụ như Tanabe Hajime.
Cách diễn giải về hư vô của Heidegger đã được so sánh với giáo lý về tính không của Phật giáo Đại thừa. Hisamatsu Shinichi và đặc biệt là Suzuki thông qua nhiều ấn phẩm của ông đã giới thiệu Phật giáo Thiền tông đến với nhiều thính phòng hơn. Từ những năm sáu mươi trở đi, các nhóm Phật giáo Thiền tông đã lan rộng khắp cả nước. Sau thời kỳ tiếp nhận Phật giáo về mặt trí tuệ, việc thực hành thiền định ngày càng trở thành trung tâm của sự quan tâm đối với các tín đồ Phật giáo ở Đức.
3. Sinh hoạt Phật giáo của cộng đồng người Việt ở CHLB Đức
3.1. Về tu sĩ
Phật Giáo Việt Nam tại Đức nói riêng và Âu Châu nói chung có phần khả quan hơn ở những Châu lục và quốc gia khác. Bắt đầu từ những năm 1984, Tỷ khiêu Thích Như Điển (người đã đặt nền móng khai sinh Phật giáo Việt Nam tại Đức) đã thế phát xuất gia cho quý thầy, cô và huynh đệ tại Chùa Viên Giác.
Đến nay chính thức có khoảng 30 vị tăng, ni; tuy nhiên lứa tuổi phát tâm xuất gia trong độ tuổi từ 14 đến dưới 20 tuổi hầu như chưa có, mặc dù dựa theo số lượng giới trẻ học và tu Phật không phải là ít.
Các em ở lứa tuổi 14 đến 18 rất ham tu, ham học, thích gần gũi với quý Thầy Cô, muốn được xuất gia trong tương lai. Tuy nhiên các em chưa có khái niệm thật sự về cuộc sống của một người xuất gia, nhất là xuất gia và sinh sống ở hải ngoại. Nếu trong tương lai các em xuất gia với lứa tuổi 19, 20 sau khi tốt nhiệp trung học hoặc đại học thì các em sẽ không ít bỡ ngỡ khi va chạm với sự thật, với đời sống xuất gia.
Nếu cứ tiếp tục như hiện tại (vì cấp bách mà bảo lãnh quý thầy cô từ Việt Nam sang) thì chỉ đáp ứng nhu cầu cho các phật tử trung và cao niên; giới trẻ sẽ không được lợi lạc vì phật pháp không được hướng dẫn và giảng dạy bằng tiếng Đức, ngôn ngữ địa phương. Hữu hiệu nhất cho thế hệ trẻ hiểu phật pháp, để Phật pháp được truyền bá đến người bản xứ, trong đó có các con em chúng ta, thì người truyền đạt phải thành thạo ngôn ngữ và thông hiểu về văn hóa, tập quán của người bản xứ.
3.2. Về lối tu tập
Chùa Linh Thứu Berlin, chùa Bảo Quang Hamburg, chùa Viên Giác Hannover, chùa Bảo Thành Koblenz, chùa Tùng Lâm Linh Sơn Limoges, Pháp quốc, thường được Thầy Hạnh Tấn và Thầy Hạnh Giới hướng dẫn các khóa tu Phật thất hay những khóa tu nhiều ngày.
Thông thường những người tham gia Phật thất hay dậy sớm hơn thường lệ để làm vệ sinh cá nhân, tập thể dục, sau đó là thiền tọa cũng như trì tụng Thần chú Thủ Lăng Nghiêm.
Ăn sáng, trưa và tối trong chính niệm. Đôi khi có người lo dọn cơm nước sẵn trước, nhưng cũng có lúc hành giả phải tự lấy thức ăn cho mình. Sau đó là những giờ huân tu niệm Phật hoặc nghe giảng. Nếu Phật thất có 7 ngày thì trong đó có 2 ngày niệm Phật miên mật hoặc tọa thiền. Gần cuối khóa có lễ đốt đèn cúng dường cũng như các lễ sám hối đi kèm. Trong khi những khóa tu miên mật có thể tổ chức vào cuối tuần hay từ 4 đến 7 ngày thì Phật thất luôn giữ đúng thời khóa biểu của 7 ngày như vậy.
3.3. Về cộng đồng Phật tử
Chi Bộ Phật giáo Việt Nam tại Đức được thành lập tại Hannover vào năm 1979, các Chi Hội Phật tử và cộng đồng cư sĩ tại gia thành lập Gia đình Phật tử đầu tiên vào năm 1987. Nhiệm vụ của người phật tử tại gia là hộ trì chính pháp, hộ trì chư tăng, ni hoằng dương Phật pháp. Nhiều người Việt Nam khi qua đến Đức mới biết đến Chùa, biết đi nghe Pháp, quy y Tam Bảo, thọ Ngũ giới, Thập thiện, Bồ Tát Giới tại gia, biết ngồi Thiền, tụng Kinh, bái sám…
Nhiều người tham gia trong những Ban Hộ Trì Tam Bảo của Chùa, giúp làm phật sự, công quả của Chùa. Những vị trong Ban Hộ Trì này thường là những quý bác, chú, những phật tử thuần thành ở gần chùa, Niệm Phật Đường hoặc đang sinh hoạt trong các Chi Hội Phật tử tại các địa phương.
Các vị thường hay lui tới Chùa và Niệm Phật Đường, chủ yếu tham gia các khóa tu tập, phụ giúp Chùa trong nhiều công việc. Quý bác trong Ban Hộ Trì Chùa Viên Giác tích cực trong nhiều công việc Chùa cần đến, thí dụ như làm báo, làm bánh trái để phát hành, nấu ăn, vệ sinh dọn dẹp. Những nơi không có Chùa thì các Chi Hội tự thuê mướn một địa điểm nào đó ở gần nơi cư trú của họ để tổ chức các buổi lễ Phật, cầu an, cầu siêu. Trong những lễ định kỳ hàng tháng Chi Bộ thường cử quý Thầy Cô đến nơi đó để chủ trì và hướng dẫn các buổi lễ.
Cho đến bây giờ có 22 Chi Hội và 8 Gia Đình Phật Tử là thành viên của Hội Phật Tử. Có những Chi Hội được thành lập từ lúc ban đầu và vẫn còn tồn tại sinh hoạt đến hôm nay; cũng có những Chi hội vì nhiều lý do đã không còn sinh hoạt nữa. Đồng thời cũng có vài nơi chưa chính thức có một Chi Hội mà chỉ là một Ban liên lạc.
Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám được cho là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ 20 góp phần vào việc đào tạo Tăng tài và sáng lập đào tạo các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật tử. Hơn 40 năm lịch sử của người Việt tại hải ngoại, không biết bao nhiêu hội đoàn và tổ chức đã được thành lập nhằm trợ giúp người Việt hội nhập và làm quen với đời sống mới trên đất lạ. Tuy nhiên sự tồn tại của những hội đoàn này cũng chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian nào đó, trễ nhất là khi thế hệ thứ hai và thứ ba của người Việt đã được hoàn toàn hội nhập vào xã hội xứ người. Nhưng gia đình Phật tử cần phát huy được sự liên kết của các thành viên ở các thế hệ khác nhau của cộng đồng người Việt ở Đức.
Trong suốt hơn 40 năm qua, Ban hướng dẫn gia đình Phật tử Đức Quốc đã thể hiện sự trung thành đối với Giáo Hội nói chung và Chi Bộ Đức Quốc nói riêng. Các anh chị trong Ban Điều Hành, các Huynh Trưởng và đoàn sinh GĐPT Đức Quốc, bao gồm Minh Hải, Tâm Minh, Chánh Niệm, Chánh Dũng, Pháp Quang, Chánh Giác, Pháp Bảo và Chánh Tín đã đóng góp sức mình vào các Phật sự tại Tổ Đình Viên Giác. Nhiều đoàn sinh đã được huấn luyện qua các Trại chúng trưởng, Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang, v.v…
4. Đánh giá chung
Nhìn lại hơn bốn mươi năm qua, tuy chưa phải là đã tạo được những bước phát triển to lớn, nhưng cộng đồng người Việt tại CHLB Đức đã duy trì được SHPG rất đều đặn và quy củ dù ở trong bất kỳ điều kiện hay hoàn cảnh nào. Sự sinh hoạt của Gia đình Phật tử trong cộng đồng người Việt thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước đều góp phần tạo nên nguồn mạch phát triển Phật giáo Việt Nam tại CHLB Đức nói riêng và ở nước ngoài nói riêng.
Nhìn lại SHPG của Phật tử tại đây cũng là để thẩm thấu và tri ân đến biết bao vị Ân sư đã luôn luôn thương yêu nâng đỡ từ tinh thần đến vật chất, đến những bao tiền bối đã tận lực tận sức vượt mọi gian khó để đặt những viên gạch nền móng cho tổ chức, biết bao thiện tri thức ân nhân cùng chung tay chia sẻ buồn vui trên suốt con đường hành hoạt thuận duyên của chính niệm.
Tác giả: Thích Tâm Nhơn (Lê Văn Đoàn)[1]
***
Chú thích:
[1] Trụ trì chùa Pháp Minh, Trưởng ban Thông tin truyền thông Giáo hội PGVN huyện Bình Chánh
[2] Quốc hội Việt Nam (2016), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (02/2016/QH14), ban hành ngày 18/11/2016, tr.2
[3] Công văn 031 /CV-HĐTS về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo đã được Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành ngày 12/02/2018
Bình luận (0)