Thích Nữ Hiền Nguyện - Học viên Cao học khóa I - Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022
Tóm tắt: Kiêng húy là một tục ở Việt Nam, tục này có nguồn gốc từ Trung Quốc và truyền vào nước ta từ rất lâu. Trãi qua các triều đại từ nhà Lý cho đến nhà Nguyễn, kiêng húy được định lệ, bắt buộc thực hiện mang tính pháp luật. Vua Thiệu Trị, trong 7 năm ở tại vị vua đã 8 lần xuống dụ ban lệnh kiêng húy. Thực hiện chính sách của triều đình, nhiều đền miếu, chùa chiền thời Thiệu Trị phải đổi tên để tránh kỵ húy của vua như chùa Viên Tông, chùa Liên Tông, chùa Phù Dung, chùa Ấn Tôn… Từ khóa: chùa Liên Tông, chùa Diệu Giác, tư húy, quốc húy, thiệu trị, kiêng húy.
1. Khái quát sơ lược về tục kiêng húy ở Việt Nam
Tục kiêng húy ở nước ta ảnh hưởng từ Trung Quốc, dưới Thời Bắc thuộc, khi các nhà tri thức Nho học truyền dạy chữ Hán đã tạo điều kiện cho nước ta tiếp xúc nền văn hóa Nho giáo, đây cũng là cơ hội chúng ta hiểu sâu hơn về tục kiêng húy. Từ “kiêng” là do người Việt phát âm và chuyển nghĩa còn vốn từ của nó xuất phát từ tiếng Hán là từ “kinh” 驚 mang nghĩa sợ hãi. Húy có nghĩa kiêng húy tức kiêng gọi tục danh hay tên thật của người.
Trải qua các triều đại, tục này không còn giới hạn trong phạm trù đạo đức và gia đình mà mang tính pháp chế quy định của luật pháp [2:30]. Tên húy, từ phạm vi quốc gia là tên vua quá vãng hoặc vua đương nhiệm, Hoàng hậu, mẹ vua… cho đến cá nhân gia đình là lục thân cần phải kiêng. Húy có hai loại là tư húy và quốc húy. Tư húy gồm gia húy (tên của những người trong gia đình), tộc húy (tên của những người trong dòng họ) và hương húy (tên húy các thành hoàng ở các làng, xã). Quốc húy gồm ngự danh hoặc ngự húy là tên húy của vua và Hoàng hậu của vua đương triều, miếu húy là tên húy của các vị vua trước tức là tên húy của cha mẹ ông bà của vua tùy theo quy định cụ thể, được nhà vua quy định thông qua các lệnh, chỉ, dụ mang tính quy định cưỡng chế. Tư húy, thuộc phạm trù đạo đức cộng đồng và tùy theo tục lệ, quy ước mỗi làng xã, dòng họ và gia đình không mang tính cưỡng chế. [2:19]. Từ thời Trần, trở về sau việc kiêng quốc húy ở nước ta được thực hiện khá nghiêm túc, có quy định của pháp luật qua những lần ban dụ của nhà vua.
2. Những lần vua Thiệu Trị ban lệnh kiêng húy
Các ông vua đầu triều Nguyễn đã rất nhiều lần ra chỉ, dụ về kiêng húy. Vua Gia Long 2 lần ban bố lệnh kiêng húy, Vua Minh Mệnh có 5 lần ban bố. Riêng vua Thiệu Trị mặc dù ở ngôi vị 7 năm nhưng có đến 8 lần ban lệnh [2: 124,129].
*Lệnh kiêng húy lần thứ thứ nhất: tháng 2 năm Thiệu Trị 1 (3 – 1841)
Các chữ ngự húy chính âm: nếu làm văn phải dùng chữ khác, địa danh, nhân danh cấm dùng 3 chữ: Tuyền, Dung, Tông. Tuyền đổi thành Minh. Dung đổi thành Chính. Tông tùy nghĩa đổi dùng chữ khác. Các chữ đồng âm với ngự húy làm văn đổi dùng chữ khác, khi đọc phải tránh âm, địa danh, nhân danh cấm chữ: Tuyền, Dung, Tông. Những chữ đồng âm với ngự húy nhưng lại có biệt âm (đồng âm hữu biệt âm), khi đọc tránh âm, thơ phú vẫn theo vần trắc của chính âm, và viết bởi nét [2:141]. Chữ có âm giống nhưng không phải là đồng âm vẫn đọc theo chính âm, khi viết phải viết bớt nét (7 chữ): tông淙, 棕, 琮, 悰, 踪, 賨, 諒, đều đọc là Tung (蹤). Tên húy của Hoàng tỷ (mẹ của vua), về tên người, tên đất cấm dùng (2 chữ): Hoa: 花, Thật: 實 và khi viết phải “giả dạng”.
- Đối với các chữ ngự húy của Hoàng tỷ (mẹ vua) y chuẩn theo kiến nghị của bộ Lễ viết “gia dạng” hai chữ Hoa, Thật.
- Đối với hai chữ tên vua (ngự danh), khi viết nếu gặp chữ Dung đổi chữ Hy, Tuyền đổi dùng chữ Minh.
- Đối với 2 chữ tiểu tự của vua [Miên Tông 綿宗], khi xưng hô hoặc viết văn cấm dùng liền 2 chữ, nếu từng chữ riêng thì vẫn được dùng. Nếu dùng vào các lễ tế giao và tôn miếu được viết đúng chữ. Nếu đặt tên quan chức và viết văn cần dùng vẫn được phép dùng nhưng viết bớt một nét và đọc Tôn [2: 144].
*Lệnh kiêng húy lần thứ 2: năm Thiệu Trị thứ nhất (1841)
Vua cho sửa lại quy định về việc kiêng húy chữ Hoa 花. Chữ Hoa chỉ cấm dùng để đặt tên đất, tên người chứ không phải viết bớt nét.
*Lệnh kiêng húy lần thứ 3 tháng 7 năm Thiệu Trị 2 (8- 1842)
Xuống dụ cấm dùng chữ 左從本右從高 (tả tùng hữu tùng cao) tức chữ cảo 稿 (Cảo) là chữ đồng âm với Miếu húy của vua Gia Long.[145]
*Lệnh kiêng húy lần thứ 4: tháng 8 năm Thiệu Trị thứ 2 (9 – 1842)
Chuẩn định: Từ năm Minh Mệnh 21 (1840) trở về trước, tất cả giấy tờ, sổ sách có chữ song danh tiểu tự của vua mà viết liền cả hai chữ thì giao lại cho Nội các lưu giữ. Trường hợp viết rời từng chữ một vẫn cho dùng, nhưng phải cắt một miếng giấy vàng dán lên.[2: 146]
*Lệnh kiêng húy lần thứ 5: tháng 11 năm Thiệu Trị thứ 2 (12 – 1842)
Bộ Lễ tâu lên vua: Đối với chữ Miên 綿 xin đọc là Mân 緡, làm văn đổi dùng chữ khác, tên người tên đất cấm dùng. Các giấy tờ hoặc sách có chữ Miên 綿 dùng một mình phải cắt một miếng giấy vàng dán lại. Tên húy các hoàng đệ không cần đổi chữ chỉ cần viết bớt nét. Đối với chữ Tông 宗 quy định viết nguyên dạng, không phải đổi trong các trường hợp: Miếu hiệu của liệt thánh bản triều tức các chúa Nguyễn và các vua đầu triều Nguyễn.Viết đúng tự dạng về văn dùng trong lễ tế Giao, Miếu cùng là văn dùng trong các việc trọng đại như dụ vua đã phê. Sắc văn của bản triều (trong đó có chữ Tông ) cũng vẫn chép đúng tự dạng. Viết bớt một nét: chữ 宗(Miếu hiệu đế vương các đời của nước ta và Trung Quốc nhưng chép các sách vở thì vẫn bình thường). Các chữ có chữ Tông thay bằng chữ Tôn Thay chữ Tôn 尊 như Tông Nhân phủ đổi Tôn Nhân phủ, … ngoài những trường hợp nêu trên các trường hợp còn lại khi làm văn phải tùy theo ý nghĩa mà đổi dung chữ khác.
Các bài vị thờ thần các nơi đã có từ đời trước không cần làm lại mà chỉ cần dán hoặc chữ Miên hoặc chữ Tông. Nhưng phải gia thêm một bộ thiên bằng như chữ Tông thì phải viết thêm cho thành chữ (Sùng崇)… bất kể âm nghĩa có tương hợp hài hòa với nhau hay không đều phải viết bớt một nét.
Chữ Tống 宋 có dáng chữ hơi giống chữ Tông 宗 phải viết rõ nét phẩy bên trái nét mác bên phải không được chấm hai dấu để gây nhầm lẫn với ngự danh. Vua Thiệu Trị chuẩn định: Chữ Tông cứ cung kính được dùng trong văn dùng ở Giao, Miếu và văn soạn Ngọc điệp cùng thực lục các tiên đế, huy hiệu liệt thánh. Ngoài ra, miếu hiệu đế vương các đời, thần hiệu, thần sắc, thần bài đã ban cấp từ trước vẫn phụng thờ như cũ. Cho viết bớt một nét nếu gặp chỗ cần viết ở thực lục, huy hiệu các miếu trong sách ngọc điệp hay các sắc chỉ văn bản từ khi ra dụ.[2: 147,148]
*Lệnh kiêng húy lần thứ sáu: tháng 5 Thiệu Trị thứ 3 (6 – 1843)
Chuẩn định: kiêng húy 5 chữ có âm Triền vì gần âm với Tuyền là tên húy vua.
*Lệnh kiêng húy lần thứ 7: Năm Thiệu Trị 4 (1844)
Chuẩn định tờ tâu của bộ Lễ, tên người tên đất cấm dùng: Tuyền gồm 15 chữ, Dung gồm 2 chữ, Tông 30 chữ, Miên 4 chữ. Các biển ngạch, hoành phi, bi ký chuông khánh ở tất cả dinh thự đền miếu, phàm là có chữ tôn húy và những chữ có thiên bằng gióng với chữ húy thì tùy theo văn nghĩa đổi chữ khắc lại. Nếu các biển ngạch, hoành phi phải làm theo lệnh của vua bản triều có những chữ cần kiêng húy mà vẫn còn đang treo ở các miếu điện thì không phải khắc lại, chỉ cần viết bớt một nét. Nếu không chữ của vua ban thì phải dùng chữ khác như biển đại tự “Sùng Văn đường 崇文堂 ở Văn Miếu đổi thành Hữu Văn đường 右 文堂.
Viết gia dạng đối với 2 chữ Hoa và Thật, tên người tên đất cấm dùng. Đối với các kinh sách Kinh, Truyện, Tử, Sử, thi văn tạp thuyết đã in ra mà ván in còn giữ ở Quốc Tử Giám thì quan ở đấy cần phải duyệt, nếu thấy các chữ quốc húy phải trình lên bộ Lễ để theo văn nghĩa đối khắc chữ khác in ra dùng.
Đổi dùng các chữ khác: chữ húy của vua Gia Long là Noãn 暖, Ánh 映, Chủng種. Chữ húy của vua Minh Mạng: Kiểu, Đảm. Chữ húy vua Thiệu Trị: Tuyền, Dung, Miên, Tông. Viết gia dạng đối với chữ húy của Hưng tổ (cha của vua Gia Long): Cốn, tên đất tên người không được dùng chữ húy Hoa và Thật mẹ của vua Thiệu trị, Đang (mẹ vua Minh Mạng). [2:149]
*Lệnh kiêng húy lần thứ tám: tháng tám năm Thiệu Trị thứ 5 (9 – 1845)
Các tập ngự chế thi, văn đã khắc in ban cấp thì không phải khắc sửa, còn các sách ngự chế thi tập và ngự chế văn sơ tập hiện đang khắc in, và các châu dụ, thơ văn viết trên giấy long tiên trang hoàng thành quyển tập, nếu gặp chữ Tuyền thì đổi thành chữ Minh 明, chữ Dung đổi thành chữ Chính 正.
Tiểu tự song danh của vua [Miên Tông] thì kính viết bớt mỗi chữ một nét, chứ không được đổi thành chữ khác. Các chữ đồng âm không câu nệ giống hay không giống đều phải viết theo nguyên dạng. Các bản sao châu dụ gửi xuống các nha môn, cùng là các tập ngự chế thi, văn sao chép ban cấp cho các nơi được đóng tập đàng hoàng gặp chữ cần viết kiêng thì nên theo quy định. [2: 150]
3. Một số chùa đổi tên vì lệnh kiêng húy
Với lệnh kiêng húy của triều đình, rất nhiều chùa phải thay đổi tên. Chùa Ấn Tông, chùa Viên Tông, chùa Liên Tông, chùa Ba Phong… đều đổi lại tên gọi. Tên Hoa miền Trung đọc trại thành Ba, miền Nam đọc thành Huê hoặc Bông do kiêng húy bà Hồ Thị Hoa, chánh hậu của vua Minh Mệnh nên các chùa hoặc địa danh có tên này đều thay đổi. Chùa Hoa Phong (Quảng Nam) thành lập thời Minh Mệnh đổi tên Ba Phong thời vua Thiệu Trị. Hoa Nghiêm đổi Trang Nghiêm ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Chùa Hoa Nghiêm (Gia Định, nay là thành phố Hồ Chí Minh) đổi thành Huê Nghiêm. Theo bức họa truyền thần và bài vị thờ tại hậu tổ của chùa cho thấy, chùa do một vị cư sĩ cúng dường đất để lập và ban đầu có tên là Hoa Nghiêm, bài vị viết: “Phụng vị Hoa Nghiêm tự, hội chủ Nguyễn Thị Hiên, pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm chánh hồn, Qúy Mùi niên, lương nguyệt, cát thời thọ sinh, Tân Tỵ niên, lục nguyệt, sơ nhất nhật phù thời khứ” [5]. Tạm dịch: Chùa Hoa Nghiêm, hội chủ Nguyễn Thị Hiên, pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm. Sinh ngày lành giờ tốt, năm Quý Mùi. Mất năm Tân Tỵ, ngày mùng 1 tháng 6. Chùa Ấn Tông, năm 1703, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho tấm biển “Sắc tứ Ấn Tông Tự”. Dưới thời vua Thiệu Trị (1841) vua sắc chỉ đổi tên “Ấn Tông Tự” thành “Từ Đàm Tự” vì tránh tên húy của vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông) và tên gọi này được giữ cho đến ngày nay. Sự kiện này, còn thấy rõ trên bức hoành phi hiện treo ở nhà thờ tổ, ghi bằng chữ Hán: “Từ Đàm Tự”. Lạc khoản đề Thiệu Trị nguyên niên, tam nguyệt” (tháng ba năm Tân Sửu, 1841). [1:56 ]
Chùa Liên Tông, một ngôi chùa do Thiền sư Như Trừng Lân Giác lập vào năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Năm 1841, vì kỵ húy ngự danh đổi thành Liên Phái và giữ tên này cho đến ngày nay. Chùa Viên Tông ở Quảng Ngãi đổi thành Diệu Giác:
妙 覺 寺 在 高 皁 上 國 初 勅 賜 圓 尊 寺 绍 治 初 改 今 名 前 臨 小 湖 頗 稱 佳 勝. (Diệu giác tự tại cao phụ thượng quốc sơ sắc tứ Viên Tôn tự, Thiệu Trị sơ cải kim danh tiền lâm tiểu hồ xưng giai thắng) [4]
Tạm dịch: Chùa Diệu Giác được dựng trên một gò cao, buổi đầu lập nước và được ban sắc tứ Viên Tôn tự. Đầu thời Thiệu Trị đổi tên Diệu Giác như ngày nay, phía trước có hồ nhỏ cũng gọi được cảnh đẹp. Ở Hà Tiên, chùa Phù Dung đổi Phù Cừ (chân núi Phù Cừ, xã Mỹ Đức, huyện Hà Châu, tỉnh Hà Tiên). Chùa Phù Dung được Đại Nam Nhất Thống Chí, phần lục tỉnh Nam Việt chép tên chùa là Phù Cừ vì kỵ tên húy của vua Thiệu Trị [3:29].
4. Kết luận
Theo giáo lý Phật giáo, tất cả tên gọi chỉ là giả danh dùng để xưng hô và chỉ là một pháp trong muôn pháp vô thường, nhưng trong thế giới nhị nguyên đôi khi chúng ta cần đối đãi qua lại để lợi ích cho tất cả mọi người. Thời đại phong kiến, tục kỵ húy khá nghiêm ngặt và khắt khe, vì kiêng ngự húy các địa danh, nhân danh phải thay đổi tên gọi. Thiệu Trị, ông vua thứ ba của triều Nguyễn có tên húy khá đặc biệt, tên vua trùng với tên gọi nhiều ngôi chùa ở Bắc - Trung - Nam của đất nước. Các ngôi chùa này có điểm chung đều là chốn tổ linh thiêng, đạo tràng hưng thịnh. Từ ngày ấy cho đến nay, gần 3 thế kỷ trôi qua các ngôi phạm vũ này vẫn huy hoàng trong chốn ta bà vốn nguy thúy.
Thích Nữ Hiền Nguyện - Học viên Cao học khóa I - Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: [1] Thích Nữ Hiền Nguyện (2021), Dấu ấn của vua Thiệu Trị đối với ba ngôi danh lam cổ tự, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 171. tr.56. [2] Ngô Đức Thọ (1997), chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb Văn Hóa, Hà Nội. [3] Tu Trai Nguyễn Tạo dịch (1959), Đại Nam nhất thống chí, tập số 3, Nxb Văn hóa, Hà Nội. [4] Quốc sử quán triều, Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán (1909), Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Ngãi, mục tự Quán, Nxb Thuận Hóa. Trang web [5] Pháp Đăng (2021), Huê Nghiêm: Ngôi tổ đình 300 năm tuổi ở đất Sài Gòn - Gia Định, https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/ gia-dinh/hue-nghiem-ngoi-to-dinh-300-nam-tuoi-o-dat-sai-gon-gia-dinh-791349.html, 15/2/2022.
Bình luận (0)