Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, đã có nhiều tạp chí Phật học ra đời với vai trò là phương tiện truyền thông, để các hội Phật học truyền bá chân lý Phật đến với quần chúng nhân dân một cách hiệu quả. Tham gia công tác viết bài ngoài các vị tăng sĩ cư sĩ còn có các vị ni sư và nữ cư sĩ, họ là những người đại diện tiếng nói chung cho nữ giới Phật giáo giai đoạn này. Bài viết góp phần làm rõ vai trò và vị trí nữ giới trên diễn đàn báo chí Phật giáo qua các bài viết của ni sư và nữ cư sĩ đã đóng góp cho tạp chí Đuốc Tuệ.
I. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT TẠP CHÍ ĐUỐC TUỆ
1.1. Nguyên nhân ra đời
Báo chí là phương tiện không thể thiếu đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo, mục đích chấn chỉnh lại các giá trị tư tưởng của chân lý Phật, dần hướng dẫn các tín đồ thực hành đúng theo tinh thần chính tín xóa bỏ mê tín dị đoan.
Tạp chí Đuốc Tuệ ra đời vào ngày 10/12/1935. Trước đó tháng 5/1935, lời nói đầu của tập kỷ yếu Hội Phật Giáo đã tuyên bố: “Trước là biên chép những bài của các vị trong ban chứng minh đạo sư cùng các cư sĩ trong ban khảo cứu đã diễn giảng, để làm cái cơ quan chấn hưng Phật học ở nước nhà, sau là để truyền bá những công việc đang tiến hành của hội” [1, p. 302]. Qua đây hội này đã “phát hành được bốn số”. Cũng trong “lời nói đầu” của “tập kỷ yếu số 1”, hội Phật giáo Bắc kỳ đã nêu lên quan điểm rất rõ: “Sau này theo sự mở mang cách xếp đặt và tình thế của hội, tập kỷ yếu này sẽ đổi làm tạp chí” [1, p. 302]. Như vậy “Tập kỷ yếu của Hội Phật giáo” là bước đệm đầu tiên cho tạp chí Đuốc Tuệ ra đời.
Tạp chí Đuốc Tuệ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ 1934 (Association bouddhique du Tonkin) cùng với tờ Viên Âm của Hội An Nam Phật học 1932 (Société d’Etude et d’Exercice de la Religion Bouddhique) và tờ Từ Bi Âm của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học 1931 (Association pour l'etude et la conservation du Bouddhisme en Cochinchine) là ba tờ báo có sức ảnh hưởng lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam.
1.2. Chủ nhiệm tạp chí
Tạp chí Đuốc Tuệ được đề đơn xin phép xuất bản tại Thống sứ Bắc Kỳ vào ngày 30/9/1935 do ông Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm, ông Cung Đình Bính làm quản lý, sư cụ Phan Trung Thứ (chùa Bằng Sở) làm Chánh Chủ bút, Phó Chủ bút được sự đảm nhiệm của Dương Văn Hiền (sư cụ Tế Cát). Trong giai đoạn từ năm 1935 đến 1941, sau đó từ 1942 trở đi chánh chủ Bút do sự cụ Tế Cát đảm nhiệm với lý do được ghi rất rõ trong “Báo Đuốc Tuệ số ra ngày 15/5/1942 và 1/6/1942 đã đưa tin từ số báo này trở đi Chủ bút báo Đuốc Tuệ là HT.Dương Văn Hiển, thay HT.Phan Trung Thứ vừa thị tịch” [2, p. 183]. Báo quán được đặt tại “Chùa Quán Sứ, số 73 phố Richaud sau 9/3/1945 đổi tên là Phố Quán Sứ, Hà Nội” [3, p. 55].
1.3. Các giai đoạn của tạp chí
Trong hơn một thập kỷ tạp chí Đuốc Tuệ xuất bản tổng cộng được 255 số và 4 tập kỷ yếu. Trong đó 9 số được dành cho sự kiện “suy tôn sư tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị thuyền gia Pháp chủ” [1, p. 304], vì đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Bắc.
Tạp chí với khổ giấy 14×23cm, mỗi một số gồm có 32 trang, được in 5000 bản. Từ năm 1935-1936 có thể nói trong hai năm này dù được xuất bản một cách ổn định, tuy nhiên về mặt hình thức trang bìa vẫn còn nhiều mặt hạn chế về thẫm mỹ như theo sự nhận định của TS.Ninh Thị Sinh: “Bìa báo, theo thứ tự từ trên xuống dưới gồm các thông tin số báo-ngày sản xuất, tên hội bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp, tên báo được in to và đậm, báo quán, Ban trị sự, huy hiệu hình tròn giữa có hoa sen, xung quanh viền là dòng chữ Hán, giá báo, địa chỉ liên hệ để mua báo. Nhìn chung trang bìa nhiều chữ, nhìn rối mắt” [1, p. 304].
Từ báo tuần tạp chí đã được chuyển sang mỗi tháng hai kỳ từ năm 1937-1939. Nhưng số lượng in đã giảm xuống từ 5000 bản xuống còn 3300 bản, mặc khác số trang lại tăng lên 48 trang đồng thời trong thời gian này báo đã được xuất bản 71 số và có một số ghép (121-122). Hai năm đầu về phần thẩm mỹ chưa được hoàn thiện thì đến đây đã được trình bày đẹp mắt với hình ảnh biểu tượng trang bìa có hình đức Phật và in bằng giấy màu. Vì vậy sẽ thu hút hơn cho đọc giả và đây chính là giai đoạn tạp chí có được sự phát triển với những thuận lợi nhất định.
Năm 1940-1941 tạp chí có nhiều thay đổi về số trang từ 32 trang là số duy trì thường xuyên nhất còn lại có số 24 hoặc 28 trang. Bên cạnh đó trong bốn tháng cuối năm 1941 chỉ ra một số trong mỗi tháng. Ngoài ra báo chỉ ra đúng một số trong tháng 10 và 11/1940 nhưng đã đánh số ghép từ 144 -146. Qua sự thay đổi trên cho ta thấy rằng tờ báo đang ở giai đoạn tiền khó khăn, tài chính đã không còn ổn định như lúc ban đầu.
Khoảng thời gian khó khăn nhất của tạp chí Đuốc Tuệ rơi vào ba năm cuối 1942 đến tháng 8/1945. Thể hiện rõ ở sự gia tăng giá báo với một số lý do như vật liệu gia tăng, cũng như tình hình chiến tranh đang diễn ra gây ảnh hưởng đến quá trình xuất bản. “Giá báo cả năm từ 2 đồng Đông Dương tăng lên 3 đồng rồi 5 đồng, giá nửa năm từ 1 đồng 20 xu đến 2 đồng, 3 đồng, giá một số 4 lần thay đổi, 10 xu-20 xu, 30 xu-50 xu” [1, p. 304]. Các bản in dao động từ 1400 đến 1740 bản và xuất bản được 44 số. Hơn thế nữa, trong chất liệu giấy để in không đảm bảo về mặt chất lượng, mực không còn sáng rõ và khổ tạp chí nhỏ hơn so với các giai đoạn trước đó, cho nên “Đuốc Tuệ phải tăng lên 2$ một năm và từ đây sẽ in hai kỳ làm thành một số tức là mỗi tháng gửi một lần cho đỡ tiền bưu phí” [2, p. 182]. Điều khác biệt nhất đó chính là ở hai số báo cuối tên hội có sự thay đổi “Tên hội chuyển thành Hội Phật giáo Việt Nam bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ” [1, p. 305].
Như vậy đến ngày 5/8/1945 tạp chí đã bị đình bản, không những chỉ có Đuốc Tuệ mà một vài tạp chí ở các miền cũng phải chịu chung số phận, vì chiến tranh đang bùng nổ bên cạnh đó các “Hội Cứu Quốc ra đời trong đó có Phật giáo Cứu Quốc”. Mặc dù vậy, các bài tạp chí vẫn là một món ăn tinh thần quan trọng không thể thiếu trong đời sống người dân.
Tuy nhiên, trong biên bản trình họp của Phó Hội Trưởng Nguyễn Thiện Căn đã có báo cáo đối với việc “Ban phát hành báo Đuốc Tuệ”: “Từ ngày 1/6/1941 đến 31/7/1942 đã thu được 1613$86, chi hết 1573$26, dư 40$60 còn số tiền thu ở đọc giả từ 1940 đến nay là 1820$00. Nếu thu được sòng phẳng thì báo còn dư được một số tiền lớn. Đang lúc giấy cao, nhân công đắt, tiền tem gửi báo lại mới tăng cao mà báo Đuốc Tuệ được nền tài chính vững vàng như thế là nhờ nhà in giúp đỡ, vì BQT Trung Ương họp ngày 20/2/1941 đã quyết định sáp nhập báo Đuốc Tuệ với Nhà in” [2, p. 188], Tạp chí có thể duy trì được là phần nào hậu thuẫn vững chắc từ nhà in. Ngoài ra cũng đã in được bộ từ điển Hán Việt, đây chính là bộ sách rất có giá trị về mặt học thuật, đã được lưu hành khắp nơi trong thời gian này. Góp phần cho các nhà nghiên cứu của các tầng lớp tu sĩ cũng như cư sĩ thuận tiện tìm hiểu về Phật pháp.
1.4. Những cây bút tiêu biểu
Tạp chí Đuốc Tuệ với đội ngũ biên tập gồm cả hai giới Cư sĩ và Tăng sĩ như cử nhân Hán học Dương Bá Trạc, Phó bảng Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Can Mộng…, đối với tầng lớp tu sĩ với những gương mặt tiêu biểu Thượng tọa Thái Hòa, Tố Liên, Trí Hải…đồng thời giữ chức vụ Trưởng Ban đối với ông Trần Trọng Kim và cư sĩ Nguyễn Trọng Thuật làm thư ký tòa soạn. Đến “năm 1943, ông Trần Trọng Kim đi Singapore thì Thiền Chửu Nguyễn Hữu Kha thay thế” [3, p. 55].
Nhìn vào đội ngũ biên soạn cũng như một số gương mặt tiêu biểu cộng tác viên của tạp chí cho thấy rằng đây là đội ngũ nhân sĩ tri thức nổi tiếng. Bên cạnh đó phải có được sự am tường về Phật pháp cùng chung hoài bão cho việc chấn hưng Phật giáo. Như ông Nguyễn Năng Quốc được biết với vai trò là “tổng đốc hưu trí, Thái Hà ấp Hà Đông” [1, p. 101]. Ngoài ra nhà trí thức Trần Trọng Kim là một nhân vật không kém phần quan trọng, ông rất uyên thâm về hai lĩnh vực văn học và sử học trước khi ông quy hướng đến Phật giáo. Với trình độ Phật học uyên bác từ đó ông đã cho ra đời một số bài diễn thuyết, nội dung về “Phật giáo đối với cuộc nhân sinh”, “Thập nhị nhân duyên” và còn một số bài viết có giá trị khác. Trong tác phẩm “Phật giáo đối với cuộc nhân sinh” quan điểm của ông như sau: “chúng tôi rủ nhau lập nên hội Phật giáo này, chủ ý là làm cho sáng cái đạo đã mờ, muốn trau chuốt cho đẹp đẽ hơn trước và lại thích hợp hơn với sự nhu yếu của người đời” [4, p. 12].
Ngoài ra còn có Bùi Kỷ đã đăng bài trên tạp chí như số 6-12 nói về “Tôn chỉ của đạo Phật”, “Học Thiểu Thặng và Đại Thặng” đăng trên Đuốc Tuệ số 16-31. Hơn nữa tại chùa Quán Sứ khi lễ Phật đản diễn ra, ông đã có bài diễn thuyết nói về nội dung “Vì lẽ gì mà chúng ta nên tin theo đạo Phật” vào ngày 16/5/1937 đã nêu ra 4 vai trò quan trọng của Phật giáo đối với 4 lĩnh vực quan trọng đó là con người, xã hội, tôn giáo và khoa học từ đó đưa ra kết luận: “Theo như bốn lẽ kể trên tuy cách diễn giải còn sơ lược, song nếu ta lưu tâm mà suy xét thêm ra thì chúng ta sẽ nhận rõ cái chân tướng của đạo Phật là một đạo gồm cả khoa học, luân lý học, chính trị học, xã hội học, không phải chỉ là một nền tôn giáo, mà lại là một nền giáo dục hoàn toàn quán thống từ bậc thấp tới bậc tối cao, ở vào thời nào, chỗ nào cũng thích hợp, mà thứ nhất lại cần cho xã hội ta về thời bây giờ”.
Đuốc Tuệ số 125 đã có bài viết “Ông Nguyễn Trọng Thuật tịch rồi”, vào ngày 19 tháng giêng năm Mậu Thìn là ngày đau đớn của toàn hội vì sự ra đi của ông. Bởi lẽ ông đã dùng ngòi bút của mình đóng góp vào những áng văn chương, để phục vụ cho phong trào chấn hưng. Có thể nói rằng: “Ông vốn là một tay cự phách, trong phái học cũ, lại sở trường về quốc văn” [5, p. 26]. Ngoài sự ra đi của ông Nguyễn Trọng Thuật, còn một số tác giả đã đi nước ngoài như ông Dương Bá Trạc, Trần Trọng Kim, với lý do “khi Nhật vào Đông Dương, tình hình chính trị trở nên phức tạp. Người Pháp nhượng bộ cho Nhật nhiều quyền lợi, một số nhân vật như Dương Bá Trạc, Trần Trọng Kim xuất dương theo Nhật” [5, pp. 312-313].
1.5. Nội dung tạp chí
Về mặt hình thức phía trên phần các giai đoạn của tạp chí đã nói rõ, về nội dung của tạp chí được đánh giá là có chất lượng vì có sự góp mặt của đội ngũ các học giả nổi tiếng như: Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Thiều Chửu... Trong tạp chí có các mục xã luận, Phật học vấn đáp, biên khảo (như: Việt Nam cao tăng truyện, Việt Nam thiền tông thế hệ…), văn học, tin tức Phật giáo...
Trong số 90 và 91 đã nêu lên một số vấn đề đánh dấu chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa, đã có từ rất lâu qua sự trích dẫn sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, được ghi lại như sau: “Từ Hậu Lê, chúa Nguyễn đệ niên cho đội lính làng An Bình, Quãng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa lấy hải vật, có cả đoạn công văn chúa Nguyễn sai quan phúc đáp quan huyện bên Tàu hộ tống hai tên lính đội Hoàng Sa bị bão dạt sang bên ấy về nước ta. Việc ấy vào năm 1755” [6, p. 41]. Như vậy vấn đề về chủ quyền của đất nước đã được khẳng định từ rất lâu, ắt hẳn không phải là vấn đề đến ngày hôm nay mới được quan tâm mà bàn luận.
Ngoài ra còn mở ra chuyên mục “Phật học vấn đáp” từ số 54 tuy nhiên có đôi lúc bị gián đoạn. “Văn tuyển” cũng là một trong những chủ đề được xuất hiện từ số 57 được các tác giả gồm tăng sĩ và cư sĩ duy trì đều đặn. Hơn thế nữa Đuốc Tuệ 99 đã cho ra đời “Phật học ngụ ngôn”, với nội dung “khảo cứu về các chuyện ngụ ngôn trong nhà Phật” [7, p. 28]. Tạp chí cũng đã tạo điều kiện cho những học Tăng “luyện văn chương, làm cái tài liệu hoằng pháp lợi sinh sau này” [8, pp. 28-29] qua “Trang học Tăng”. Ngày nay điều này được duy trì qua các trang báo Nguyệt san giác ngộ, Tạp chí văn hóa, Hoa đàm giúp cho các Tăng, Ni phát huy vốn học tập của mình trên những bài viết có giá trị học thuật.
Từ số 107 Đuốc Tuệ đã mở ra mục mới với tên gọi “Luật thế gian”, một số bài “Du ký” của những tăng sĩ và cư sĩ với mục đích mở rộng sự hiểu biết về tình hình Phật giáo đối với những nước khác như “Lào, Xiêm La, Campuchia, Trung Quốc”. Điển hình như bài viết của sư Trí Hải đã viết về “Mấy ngày đi Huế”, song song đó từ một bài “Kính lễ sáu phương” tác giả đã phổ thành 254 câu với 762 từ, chuyển tải đến cho các tín đồ những mối quan hệ trong xã hội một cách đầy đủ qua lời dạy của đức Phật. Từ đó hình thành một đời sống lý tưởng về đạo đức, tạo nên một cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Dưới ngòi bút của Trần Văn Đại đã đưa các giới cấm thành những vần thơ 6/8 với các ca từ đơn giản, dễ hiểu. Đây chính là cách truyền bá Phật pháp hữu hiệu nhất dành cho mọi tầng lớp trong xã hội cho các tín đồ, với phương pháp này tin hiểu và thực hành Phật pháp tiếp thu một cách hiệu quả nhất.
II. Đóng góp của nữ giới trong tạp chí Đuốc Tuệ
2.1. Bà giáo Đinh Trí Nghiêm
Phật giáo ngay từ khi xuất hiện đã quan tâm đến sự bình đẳng, và khi các tạp chí xuất hiện trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo cũng đặt nhiều mối quan tâm sâu sắc đến vấn đề này. Do đó tiếng nói của nữ giới trên diễn đàn báo chí về các lĩnh vực như giáo dục, xã hội, các vấn đề về Phật học luôn xuất hiện mang nhiều màu sắc khác nhau, và đóng vai trò quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Trong tạp chí Đuốc Tuệ với những cây bút nữ giới tiêu biểu tạo nên dấu ấn đậm nét, như bà giáo Đinh Trí Nghiêm với tựa đề Phật giáo với phụ nữ Việt Nam, bài viết này tác giả đã cho rằng: “Đối với nữ lưu thanh niên tu không phải là ở chùa, cạo đầu, ăn chay, tụng kinh, gõ mõ mới là tu. Những nữ lưu thanh niên ở với cha mẹ cũng tu được. Tu ở đây là tu thân sửa lấy mình, gây nên đức tính trong sạch. Tu là tu tính, tu tâm, tu cho trọn bốn đức tính công, dung, ngôn, hạnh” [9, p. 106].
Với quan điểm này quả thật đã ảnh hưởng từ Nho giáo, và trong giai đoạn này đất nước đang phải chịu nhiều sự tác động bởi các tư tưởng của họ, do đó sự giải thích này dưới quan điểm về sự tu tập được nhiều sự ủng hộ và rất thiết thực. Có thể nói rằng bình đẳng đối với nữ giới hầu hết đều do chia rẻ và tác động của chế độ. Do đó trên các tạp chí đều cho rằng: “Nam nữ không khác gì nhau, khác hay không là bởi hoàn cảnh hiện tại và chế độ nhân tạo mà chia rẽ đó thôi” [10, p. 17].
Thông suốt về Phật học trong hoàn cảnh khắc khe của xã hội, giúp tác giả nhận ra quá trình tu tập cốt yếu chính là “nhẫn nhục”, với một vài quan điểm về người phụ nữ “Dẫu cho phụ nữ đa sầu đa khổ, nhưng đã giác ngộ, tâm phụ nữ trở lại tâm Phật, tính phụ nữ quay về tính Phật sẽ nhờ pháp lực Phật lấp bằng được khổ ải vô biên” [11], phù hợp với lời dạy của đức Phật “Mỗi chúng sinh đều có Phật tính” [12, p. 469].
2.2. Sư cô Tâm Nguyệt
Số 27 của tạp chí Từ Bi Âm nêu lên vấn đề đấu tranh đòi quyền bình đẳng trong giáo dục, Đuốc Tuệ số 60 “Lời than phiền của Ni cô Tâm Nguyệt” về vấn đề mở các trường đào tạo Phật pháp đối với nữ giới như sau: “Hiện nay, trong báo giới của Phật giáo vẫn thường thấy nói Ni cô đi thuyết pháp, và bài đăng trên Phật học như sư cô Diệu Không, Cô Huệ Tâm chẳng hạn xét thế đủ biết là nếu ni mà được học tập như Tăng thì có kém gì cho lắm? Sư Tâm Nguyệt mong rằng trường Phật học về bên ni giới mau mau mở cửa để chị em nữ ni niên thiếu có nơi học hành, có thầy dạy bảo, mong một ngày kia cũng xin đương vai gánh vác Phật pháp tuyên dương giáo hóa cho nhân dân, cho khỏi phụ chí hướng xuất gia đầu Phật” [13].
Qua chi tiết trên có thể thấy được vai trò người phụ nữ không được chú trọng trong xã hội, tuy họ đóng vai trò to lớn đối với gia đình. Do đó, việc kêu gọi giáo dục mở trường truyền dạy Phật pháp là vô cùng quan trọng, không chỉ cho người nữ tại gia mà còn có giá trị quan trọng đối với ni giới trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ. Sư cô đưa ra quan điểm về sự bình đẳng trên phương diện học tập, nếu được mở trường dạy học có thể nói nữ giới không thua kém gì nam giới. Hơn thế nữa chư ni cũng là người mang sứ mạng hoằng pháp đến với tất cả chúng sinh. Như vậy nâng cao nhận thức đối với tín đồ Phật tử và hàng ni lưu thích tử đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần được sự quan tâm một cách sâu sắc.
Phật giáo Việt Nam dù có nhiều tác động của xã hội, tuy nhiên về sự khắc khe với ni giới nhất là trên phương diện giáo dục được giảm đi rất nhiều “Tạp chí Duy tâm số 32 có nêu Phật giáo lưu nhập vào nước ta trên một ngàn năm mà cơ quan giáo dục phụ nữ chưa thấy thiệt hiện. Ấy cũng bởi phần nhiều các sư tăng nghĩ rằng. Phụ nữ thường có tính ngã mạn, e cho phụ nữ biết rõ giáo lý của Phật, chẳng khỏi miệt thị tăng già thành thử lâu nay, có đại đa số phụ nữ học Phật, chỉ đem cái đời xuất gia của mình, thù phụng với cái chủ nghĩa, đun nước sửa con, khâu y vá áo, chịu thiệt thòi dưới cái chế độ bất bình đẳng” [14, p. 354]. Chính vì thế giải phóng trí tuệ qua giáo dục của ni lưu là vô cùng cần thiết.
2.3. Sư bà Diệu Tịnh
Sư bà Diệu Tịnh có nhiều đóng góp tích cực, và giá trị cho tạp chí Từ Bi Âm ở Miền Nam, và trong tạp chí Đuốc Tuệ sư bà cũng có những đóng góp tích cực qua bài viết “Ai bảo Phật không có ái dục là lầm”. “Sư bà Diệu Tịnh tên là Phạm Đại Thọ, người Gò Công, thuộc dòng dõi Phạm Đăng, năm 15 tuổi đã vào chùa tu học, 18 tuổi theo học trường ni Giác Hoa ở Bạc Liêu, tại đây đã cầu pháp với HT.Như Hiển Chí Thiền, được pháp danh là Hồng Thọ hiệu là Diệu Tịnh. Sư bà thọ giới Tỳ kheo năm 1930. Trong một trường hương tại chùa Giác Hoàng ở Bà Điểm, sư bà được mời làm Chánh na và sau đó được công nhận là giáo thọ Ni đầu tiên của Gia Định” [15, p. 37].
Trong lời thuyết giảng của mình tại chùa Quốc Công, thị xã Hưng Yên vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, nhìn nhận một cách thấu đáo về sự nhập thế của đức Phật trong xã hội thế kỷ XX, đối với vấn đề đức Phật có ái dục hay không? Sư bà đã mở ra cho con người nhận chân được ái dục, đó chính là yêu thương chúng sinh với lòng từ bi vô lượng. Ái dục theo nghĩa tích cực mang tinh thần Phật pháp, không phải là sự thấp hèn của ham muốn dục lạc thường tình nơi thế gian. Sư bà cho rằng: “Ái dục, phải có ái dục mới gần chúng sinh, không rời xã hội, mới thích hợp với tư trào Phật học ở thế kỷ hai mươi này. Ước mong đạo lữ Bắc, Trung, Nam nhớ rằng Phật pháp với xã hội nhân sinh có quan hệ mật thiết, gắng học đòi gương ái dục của đức Thích Tôn đồng hưởng ứng tiến hành dung hòa hình thức lẫn tinh thần, cùng nhau đấu lưng đấu cật, duy trì Phật pháp tương lai và giúp ích cho xã hội trong buổi điêu linh tàn khóc” [16, p. 13]. Đó là sự đóng góp của Sư bà trên tạp chí.
2.4. Bà giáo Trạc Trí
Bà được mời đến diễn thuyết tại chùa Thắng Sơn ở Phú Thọ nhân ngày tất niên của Hội Phật giáo tỉnh. Bà đã đem quá trình tu tập thực hành tam quy ngũ giới, với sự hiểu biết tinh tường của mình để định hướng cho người tu tập tại gia. Không những hướng cho tất cả mọi người từ bỏ những ác nghiệp nơi tâm tính mà luôn trau dồi đức hạnh của mình, mà còn chỉ ra ba khuôn dấu quan trọng của đạo Phật, giúp cho con người diệt trừ được dục vọng thấp hèn là “khổ không, vô thường, vô ngã”. Điểm đặc biệt quan trọng là nhấn mạnh việc tu tại gia, cần chọn cho mình một vị minh sư để thọ Tam quy và Ngũ giới.
Bà đã nêu ra được rằng: “Tam quy là quy Phật, quy Pháp, quy Tăng không phải là quy ba lần, như tôi thấy phần nhiều quy hai vị sư, rồi lại quy thêm thầy tự chùa làng” [17, p. 15]. Bởi người dân lúc bấy giờ có nhiều hạn chế đối với Phật pháp, nên cần có sự giảng dạy nhiều về các kiến thức Phật học căn bản, để khai mở trí tuệ họ thoát khỏi hiểu biết sai lầm. Song song đó tác giả đã dẫn chứng về Ngũ giới: “Trì ngũ giới là giới sát, giới đạo, giới tà dâm, giới vọng ngữ, giới ẩm tửu thêm cả án giấu thuốc lá và nha phiến nữa” [17, p. 15]. Ngoài hiểu biết trên văn tự, qua giới cấm được truyền thọ theo lời dạy đức Phật bà đã có các dẫn chứng thực tế gần gũi với cuộc sống, các tội đối với thuốc lá và nha phiến. Dựa trên nền tảng của Tam quy và Ngũ giới giúp đời sống an lạc và hạnh phúc.
Cuối cùng còn đưa ra quan điểm Phật giáo rất quan trọng, đó chính là diệt trừ Tam độc “Tham, sân, si tham tài tham sắc, tham danh tham lợi”. Quả thật đây chính là cả một quá trình thực hành, để rút ra được kết luận một cách chuẩn xác, về những điều nên làm và không nên làm, trong đời sống của một chúng sinh qua thân, khẩu, ý hướng đến tất cả những hành động việc làm có lợi cho chính mình và mọi người.
“Hơn mười năm tồn tại, Đuốc Tuệ đã cho ra mắt gần ba mươi bài viết về phụ nữ. Những người có nhiều đóng góp trong phong trào Chấn hưng Phật giáo, và ngày một tăng dần tỷ lệ trong giới tu sĩ. Nổi bật có các bài Địa vị đàn bà con gái đối với đạo Phật (Thiều Chửu), Phải giải thoát trí tuệ cho phụ nữ (Nguyễn Trọng Thuật) giảng tại chùa Quán Sứ Hà Nội đã thu hút rất nhiều thính giả. Bài diễn thuyết Phật giáo với phụ nữ Việt Nam, của bà Đinh Chí Nghiêm tại chùa Sơn Thủy (Non Nước) Ninh Bình, đã có ảnh hưởng lớn trong quần chúng. Lời than phiền của ni cô Tâm Nguyệt; Vấn đề ni học của các sư ni Đàm Hướng, Đàm Hoa phản ánh nhu cầu mở trường Phật học cho ni giới lúc bấy giờ.
Nội dung phong phú trong Đuốc Tuệ, đã giúp tín đồ nâng cao vốn tri thức Phật học cho trong giai đoạn này. Đứng trước thời cuộc vấn đề đã và đang được quan tâm cấp thiết nhất đó chính là vấn đề nữ giới, vì thế cho nên luôn được tạp chí quan tâm và tạo điều kiện cho nữ giới được bài tỏ quan điểm của mình về sự bình đẳng và chấn hưng Phật giáo, mặc dù số lượng bài viết của các ni sư và nữ cư sĩ còn hạn chế.
KẾT LUẬN
Báo chí là nơi giúp cho nữ giới có được tiếng nói chung của mình về một số vấn đề, nguyện vọng cần được giúp đỡ và quan tâm của xã hội, cũng như giáo hội về các mặt cần thiết như việc giáo dục nâng cao trí tuệ cho tín đồ Phật giáo. Vai trò Nữ giới vẫn còn lu mờ chưa được quan tâm một cách rốt ráo.
Trên các diễn đàn báo chí Phật giáo nói chung cũng như tạp chí Đuốc Tuệ nói riêng các Ni sư, sư cô tầng lớp tri thức đã đưa ra những nhận định, vấn đề cần được giải quyết khảo cứu với nhiều bài viết để nâng cao trình độ học vấn, văn chương các kiến thức về kỹ năng sống, và quá trình tu tập của tự thân đến với quần chúng. Sự đóng góp này là vốn quý đối với nữ giới Phật giáo, bởi những nội dung Phật học được đề cập sẽ tiếp tục lan tỏa cho các thế hệ về sau. Trên nền tảng tôn trọng giới luật, Ni giới hiện đại ngoài tu học còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội để Phật giáo ngày càng phát triển góp phần phụng sự nhân sinh.
Thích Thiện Bảo - Học viên Thạc sĩ Khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM
--------------------------------TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] N. T. Sinh, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ - trường hợp hội Phật giáo (1934-1945) , Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020. [2] N. Đ. Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc 1920-1953, Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2008. [3] N. Đ. Đồng, Lược khảo báo chí Phật giáo Việt Nam 1929-2008, Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2008. [4] T. T. Kim, Phật giáo với cuộc nhân sinh, Hà Nội: Nhà in Bắc tân văn, 1935. [5] B.K, “Bài điếu từ đọc thay mặt Hội Phật giáo Bắc Kỳ kính viếng ông Nguyễn Trọng Thuật,” Đuốc Tuệ, số 125, 1/2/1940. [6] “Thời sự tin trong nước,” Đuốc Tuệ, số 91, 15/8/1938. [7] “Phật học ngụ ngôn,” Đuốc Tuệ, số 99, 15/12/1938. [8] “Trang học Tăng,” Đuốc Tuệ, số 101, 15/1/1939. [9] “Hội thảo Nữ giáo Phật giáo với lĩnh vực báo chí,” Hà Nội, 11/12/2020. [10] “Địa vị người đàn bà, con gái đối với đạo Phật,” Đuốc Tuệ, số 16, 1936. [11] Đ. T. Nghiêm, “Phật giáo với phụ nữ Việt Nam,” Đuốc Tuệ, số 26, 9/6/1936. [12] T. T. Hoa, “Bài thứ hai: Quán Bất Tịnh,” trong Tám quyển sách quý, TP. Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1992. [13] “Lời than phiền của Ni cô Tâm Nguyệt,” Đuốc Tuệ, số 60, 1/5/1937. [14] T. n. D. Hường, “Ý kiến ni lưu,” Tạp chí Duy Tâm Phật học, số 32, 1936. [15] N. Đức, Lược sử Ni giới Bắc Tông Việt Nam, Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2009. [16] T. n. D. Tịnh, “Ai bảo Phật không có ái dục là lầm,” Đuốc Tuệ, số 94, 1/10/1938. [17] T. Trí, “Bài diễn thuyết của bà Trạc Trí,” Đuốc Tuệ, số 108, 15/5/1939. [18] T. Chửu, “Phương danh các vị công đức cúng dường tiền làm chùa hội quán Trung Ương,” Đuốc Tuệ, số 148.
Bình luận (0)