Tác giả: Thích Nữ Huệ Đàm
Thiền Lâm Tế Chúc Thánh do ngài Minh Hải Pháp Bảo biệt kệ lập nên tại chùa Chúc Thánh – Quảng Nam từ thiền phái Lâm Tế. Từ đó góp phần mang đến nhiều dấu ấn mới trong việc thực thi các triết lý sống của Phật giáo Đại Việt được phổ cập đến quần chúng.
Trước tiên chúng ta phải thấy rằng sự có mặt của Thiền phái ở mỗi tỉnh có thời gian dài ngắn khác nhau như: Ở Quảng Nam Thiền phái Chúc Thánh có mặt sớm nhất là năm 1696 như vậy thì đến giữa thế kỷ XIX Thiền phái Chúc Thánh phát triển được 154 năm; Ở Quảng Ngãi Thiền phái có mặt khoảng 1752 - 1753 thì đến giữa thế kỷ XIX được 118 - 119 năm; Bình Định nơi đầu tiên ghi nhận Thiền phái Chúc Thánh là ngài Thiệt Đăng – Chánh Trí khai sơn chùa Long Sơn vào nhưng năm giữa thế kỷ XVIII như vậy ở Bình Định Thiền phái tồn tại đến giữa thế kỷ XIX là khoảng 100 năm; Phú Yên Thiền phái chính thức được ghi nhận vào năm 1797 khi lập chùa Từ Quang như vậy Thiền phái có mặt ở Phú Yên khoảng 53 năm.
Chính vì lẽ đó vai trò và đóng góp của Thiền phái ở mỗi tỉnh cũng khác nhau, có những đặc thù khác nhau.
Đầu tiên là nhân lực lãnh đạo và đông đảo tăng, ni phật tử: Sự ra đời của Thiền phái Chúc Thánh đã đóng góp những bậc danh tăng có uy đức được sự kính trọng đối với triều đình, các cấp chính quyền và tầm ảnh hưởng lớn đối với quần chúng nhân dân, tạo ra một vị trí và tầm quan trọng cho đạo Phật trong lòng người dân đất Việt, có thể kể đến, như:
Ở Quảng Nam: Có những vị tăng tiêu biểu như ngài Thiệt Dinh – Chánh Hiển đào tạo ra một thế hệ kế thừa mạng mạch Phật pháp tiêu biểu như Pháp Ấn – Tường Quang, Pháp Chuyên – Luật Truyền, Pháp Kiêm – Luật Oai, Pháp Tịnh – Luật Phong,… hay ngài Toàn Nhân – Vi Ý là đệ tử ưu tú của ngài Pháp Kiêm kế thừa trụ trì tổ đình Phước Lâm kiêm trụ trì tổ đình Chúc Thánh, được triều đình ban giới đao độ điệp, khai đại giới đàn và trùng tu hai ngôi tổ đình trên.
Ở Quảng Ngãi: Có những vị tăng tiêu biểu như ngài Thiệt Úy – Chánh Thành nhị Tổ chùa Thiên Ấn, trùng tu chùa Thiên Ấn và được chúa Nguyễn ban Sắc tứ. Ngoài ra còn có ngài Pháp Ấn – Tường Quang, Toàn Chiếu – Trí Minh.
Ở Bình Định: Có những vị tăng tiêu biểu như Toàn Định – Vi Bảo được triều đình ban giới đao độ điệp cử làm trụ trì tổ đình Phước Lâm, ngài Toàn Ý – Vi Tri đào tạo được các vị đệ tử ưu tú và vận động trùng khắc bộ Truy Môn Cảnh Huấn, ngài Chương Thiện – Tuyên Giác, Chơn Hương – Chí Bảo.
Ở Phú Yên: Có những vị tăng tiêu biểu như ngài Pháp Chuyên – Luật Truyền được xem là Trung Việt luật tông sơ tổ, người nhiều lần truyền giới, để lại nhiều tác phẩm quan trọng và được Hoàng Thái Hậu thỉnh về kinh chứng minh đúc đại Hồng chung và được ban Cà sa Sắc tía, hiện nay vẫn còn thờ ở chùa Từ Quang; ngài Toàn Nhật – Quang Đài là một pháp sư nổi tiếng đương thời “là một trong những nhà văn, nhà thơ lớn của lịch sử văn học dân tộc ta”[1] để lại 20 tác phẩm, 30 bài thơ Nôm, 14 bài thơ chữ Hán, trong đó Hứa Sử Truyện Vãn được đánh giá là một trong những tác phẩm lớn. Ngoài ra, những vị đệ tử thuộc Thiền phái Chúc Thánh mà chúng ta biết được như ngài Toàn Thể – Linh Nguyên; Chương Niệm – Quảng Giác; Ấn Từ – Huệ Viễn; Ấn Thiên – Huệ Nhãn cũng là những bậc tài đức vẹn toàn.
Ngoài việc đào tạo ra những bậc danh tăng thạc đức, gánh vác ngôi nhà Phật pháp thì bên cạnh đó là hàng vạn tăng, ni tham gia vào công tác trụ trì, hoằng pháp và truyền đạo khắp các huyện thị trong tỉnh, tạo ra một sinh khí mãnh liệt trong đội ngũ truyền bá Phật pháp. Đồng thời tạo ra hàng vạn phật tử nối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo hộ trì phật pháp, tạo một tường thành vững chắc để bảo vệ, ủng hộ chùa chiền và chư tăng, ni hành đạo một cách dễ dàng.
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/bai-ke-truyen-phap-cua-thien-phai-chuc-thanh-tai-binh-dinh.htmlPhật tử là một nhân tố quan trọng trong phát triển Phật giáo, không phải ngẫu nhiên mà phật tử được xếp vào hàng thất chúng đệ tử Phật và được xem là hộ pháp đời thực cho Phật giáo.
Thiền phái Chúc Thánh hóa độ hàng vạn phật tử chính là đóng góp một nhân tố lớn trong việc bảo vệ và phát triển Phật giáo. Từ các phật sự như xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, ấn tống kinh sách,… nếu không có sự trợ duyên của phật tử chắc chắn các phật sự không thể có sự phát triển mạnh mẽ như vậy.
Sự giáo hóa chung không riêng gì Chúc Thánh chính là hướng phật tử về Phật, nên các phật tử gặp Phật thì lạy, gặp chùa thì bái, gặp tăng thì chào và ủng hộ tất cả các phật sự chung của Phật giáo, không phải chỉ riêng cho Thiền phái Chúc Thánh. Các phật tử là hạt giống để về sau từ chính những hạt giống đó sẽ sản sinh ra các con em phật tử nối tiếp để vun bồi và giữ đạo lý, nề nếp văn hóa Phật giáo.
Tiếp theo là đóng góp về phát triển tự viện. Từ việc sản sinh ra các bậc danh tăng và đào tạo hàng vạn tăng, ni tài đức đã có rất nhiều ngôi chùa được khai sơn và trụ trì ở những ngôi chùa thiếu vắng người kế tục, điều này đã đóng góp cho Phật giáo một mạng lưới chùa phân bố rộng lớn. Từ cơ sở đầu tiên là tổ đình Chúc Thánh, các tự viện khác lần lượt được thành lập ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, các cơ sở tự viện thuộc thiền phái không ngừng gia tăng.
Sự phát triển đó là sự kế thừa truyền thống văn hóa vân du truyền đạo từ đức Phật, khi đã nhận ra chân hạnh phúc thì việc đem chân lý đến cho mọi người như một trách nhiệm thiêng liêng và bắt buộc, các vị thiền sư Chúc Thánh cũng bắt đầu vân du ở những vùng đất mới, cũng từ những am thất đơn sơ rồi phát triển thành chùa. Có thể nói rằng, để có thể phát triển Phật giáo thì yêu cầu chung không thể thiếu là cơ sở thờ tự để tu học và người hướng dẫn, việc các tăng ni Thiền phái Chúc Thánh đi hành đạo, xây chùa và hoằng pháp chính là đóng góp một yếu tố quan trọng cho Phật giáo phát triển trong lâu dài. Tất nhiên, để có thể làm được việc đó, các vị thiền sư phải là những bậc thâm tu, tinh thông phật pháp, thấu lý đạo đời có như vậy mới có thể tùy duyên mà hóa độ, cảm hóa được tha nhân, điều phục được những chúng sinh cang cường khó độ.
Một khiếm khuyết cho đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa có thể thống kê chính xác, nhưng vẫn có thể nêu ra một số chùa tiêu biểu, như:
Quảng Nam: Tổ đình chính do tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn là Chúc Thánh, nơi đây là cái nôi khai sinh của thiền phái và sản sinh ra các bậc danh tăng đem thiền phái truyền bá khắp các tỉnh như : Thiệt Dinh-Chánh Hiển-Ân Triêm (khai sơn chùa Phước Lâm-Hội An); Thiệt Đăng-Chánh Trí-Bảo Quang (khai sơn chùa Sơn Long-Bình Định); Thiệt Uyên-Chánh Thông-Chí Bảo (khai sơn chùa Bảo Lâm-Quảng Nam); Thiệt Diệu-Chánh Hiền (trụ trì đời thứ 2 tổ đình Chúc Thánh-Hội An); Thiệt Lương (khai sơn chùa Thiên Đức-Hội An); Thiệt Đàm Chánh Luân (hành đạo tại Quảng Ngãi); Thiệt Bảo-Cảm Ứng (khai sơn chùa Tập Phước-Gia Định); tổ đình thứ 2 là Phước Lâm, nơi đây đã đào tạo ra các vị tiêu biểu chữ “Pháp” đời thứ 3 phái Chúc Thánh và Phước Lâm đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền thừa và phát triển, chư sơn môn hay thường nói: “Chúc Thánh là chiếc nôi khai sing, còn Phước Lâm là trung tâm truyền giáo của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh”[2].
Quảng Ngãi: Ngôi chùa được coi là tổ đình chính của phái Chúc Thánh là Thiên Ấn, nơi đây còn giữ quả chuông thần kỳ thời tổ Bảo Ấn và là 1 trong 10 cảnh đẹp của tỉnh, được chúa Nguyễn Phúc Chu ban Sắc tứ năm Bính Thân (1716). Ngoài ra, chùa Viên Quang và Phước Quang cũng được triều đình ban Sắc tứ.
Bình Định: Long Sơn là một trong những tổ đình chính của môn phái Chúc Thánh trải qua 12 đời trụ trì và có lúc thịnh lúc suy nhưng vẫn giữ duy trì được truyền thừa. Tiếp đến là ngôi cổ tự lâu đời truyền theo dòng Lâm Tế Chúc Thánh là tổ đình Thiên Hòa được ngài Viên Quang khai sơn cuối thế kỷ XVIII và tổ đình Phổ Bảo do ngài Toàn Ý – Vi Tri khai sơn và giữ vị trí, vai trò quan trọng, nơi đây có một đội ngũ đã khai sơn và trùng tu các ngôi tự viện như: Chương Nghĩa – Tuyên Đức (trùng kiến chùa Sơn Long); Chương Hải – Tuyên Thâm (khai sơn chùa Thiên Trúc); Chương Hiệp – Tuyên Thủ (trụ trì chùa Phổ Bảo, khai sơn chùa Huỳnh Long, tái thiết chùa Thiên Hòa),v.v…
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-tuong-va-phap-tu-cua-thien-phai-lam-te-chuc-thanh-2.htmlPhú Yên: Ngôi chùa đầu tiên được khai sơn bởi ngài Pháp Chuyên vào năm 1797 trước một năm khi Ngài viên tịch là chùa Từ Quang tọa lạc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ngôi chùa được ban sắc tứ năm 1898; chùa thứ 2 là Viên Quang tại thôn Phong Niên, xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên mà trước đó là thiền sư Đạo Giác, sau ngài Toàn Nhật – Quang Đài về trụ trì, chính nơi đây ngài Toàn Nhựt đã biên tập lại nhiều tác phẩm của ngài Pháp Chuyên, đồng thời trước tác nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó Hứa Sử Truyện Vãn được khắc bản in rất nhiều cả miền Trung và miền Nam; thứ 3 chùa Khánh Sơn tọa lạc tại thôn Minh Đức, xã Bình Kiến, Tuy Hòa, Phú Yên do ngài Toàn Đức – Thiệu Long khai sơn năm 1802; thứ 4 chùa Triều Tôn tại Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, Thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Ngài Chương Tánh là đệ tử của hòa thượng húy Toàn Thể – Vi Lương – Linh Nguyên (chùa Từ Quang, Đá Trắng) về trụ trì đời thứ 2, thừa kế Tổ Liễu Diệu khai sơn trước đó.
Ở ngôi chùa này vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837), tại chùa Triều Tôn, với sự chứng minh của Hòa thượng Toàn Đức và Hòa thượng Toàn Nhật, Ngài cùng tăng chúng trùng khắc Báo Ân kinh chú nghĩa của tổ Diệu Nghiêm và được ngài Chương Thiện – Tuyên Giác – Hằng Đạo trụ trì chùa Phổ Quang (Bình Định) viết lời bạt. Mộc bảng này được lưu giữ ở Chùa Từ Quang Đá Trắng. Ngoài ra, Ngài còn là vị khai sơn chùa Lăng Nghiêm (chùa này nay không còn); thứ 6 chùa Đức Xuân của ngài Toàn Đạo – Viên Đàm.
Cuối cùng là những mộc bản, kinh sách hay các cổ vật của Thiền phái Chúc Thánh để lại chính là những di sản quý không chỉ đối với thiền phái mà đối với Phật giáo nói chung. Đánh dấu một cột mốc, những chuyển biến của Phật giáo đương thời và những phản ánh của xã hội lúc đó, cho chúng ta thấy một cái nhìn rõ nét hơn về những gì đã xảy ra trong quá khứ và những công hạnh mà các tổ đã dựng xây.
Những di sản đó là những bằng chứng trung thực nhất để chúng ta nhận biết được những giá trị và tầm vóc, tầm nhìn và tư tưởng hành đạo mà các tổ lúc bấy giờ hướng đến, để chúng ta ngày nay noi gương và học hỏi.
Kinh, sách:
+ Phật môn pháp yếu sự tập: ngài Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm soạn, ngài Toàn Nhật – Quang Đài biên tập lại.
+ Đại phương tiện Phật báo ân kinh chú nghĩa, Địa Tạng bồ tát bổn nguyện kinh yếu giải: ngài Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm biên soạn.
+ Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm thiền sư nhân do sự tích chí: ngài Toàn Thể – Vi Lương – Linh Nguyên biên lại.
+ Thiền Môn Chánh Độ: ngài Chương Nghĩa – Liễu Tạng (Bình Định): soạn để làm nghi lễ tế tăng cang Tổ Ấn – Mật Hoằng thị tịch.
Khắc kinh, mộc bản
+ Tổ Minh Hải khắc Sa Di Luật nghi yếu lược tăng chú: 凡 慈 祝 聖 寺 得 智 大 師 法 名 明 海 合 本 寺 等 共 募 化 奉 刊 沙 彌 律 儀 要 略 增 註. 永 慶 四 年 歲 次 壬 子 仲 冬 穀 日 (Nơi chùa Chúc Thánh, Đại sư Đắc Trí pháp danh Minh Hải cùng với Tăng chúng bổn tự quyên góp hóa duyên phụng khắc Sa di luật nghi yếu lược tăng chú. Niên hiệu Vĩnh Khánh thứ tư, nhằm ngày lành tháng 11 năm Nhâm Tý (1732))
+ Ngài Thiệt Đàm – Chánh Luân phát tâm khắc kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm: 廣 義 府 彰 義 縣 波 羅 社 菩 薩 戒 弟 子 法 名 實 曇 字 正 倫 於 壬 子 年 四 月 發 心 立 願 募 化 奉 刻 大 方 廣 佛 華 嚴 經 (Vào tháng 4 năm Nhâm Tý (1732), đệ tử Bồ tát giới pháp danh Thiệt Đàm tự Chánh Luân ở tại xã Ba La , huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi phát tâm lập nguyện quyên góp tài vật khắc in bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh).
+ Ngài Thiệt Uyên – Chánh Thông – Chí Bảo: khắc in Long thơ tịnh độ tại chùa Hội Nguyên, thuộc Đông Nam nhị Giáp, châu Kim Bồng, thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam vào năm Cảnh Hưng thứ 7, Bính Dần (1746) (nay thuộc xã Cẩm Kim, Tp. Hội An).
+ Năm 1818, ngài Toàn Thể – Vi Lương – Linh Nguyên và ngài Toàn Nhật - Quang Đài khắc in bộ Địa Tạng bồ tát bổn nguyện kinh yếu giải.
+ Ngài Toàn Nhâm – Quán Thông: khắc bản Pháp quyển (Chánh pháp nhãn tạng) tại chùa Phước Lâm , Hội An.
+ Ngài Chơn Nhật – Quang Minh: khắc in kinh Phổ Môn xuất tượng tại tổ đình chùa Chúc Thánh.
+ Toàn Ý – Vi Tri – Phổ Huệ: năm Tự Đức nguyên niên Mậu Thân (1848) trùng khắc bộ Truy môn cảnh huấn tại chùa Phổ Bảo, phủ Hoài Nhơn.
+ Toàn Thể - Vi Lương – Linh Nguyên: năm Mậu Dần (1818) vận động đứng khắc bản kinh Địa Tạng bồ tát bổn nguyện kinh yếu giải do tổ Pháp Chuyên biên soạn.
Tổ chức giới đàn, tham dự giới đàn, trai đàn:
+ Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác: Năm 1821 được triều đình mời ra tham dự đại trai đàn tổ chức tại chùa Thiên Mụ, Huế.
+ Toàn Nhâm – Vi Ý – Quán Thông: năm Đinh Mùi (1847) khai đại giới đàn tại chùa Chúc Thánh và được cung thỉnh làm Đàn đầu hòa thượng.
+ Toàn Chiếu – Trí Minh – Bảo Ấn: năm Mậu Tuất (1838) khai đại giới đàn tại chùa Thiên Ấn và được cung thỉnh làm Đàn đầu hòa thượng.
+ Chương Nhẫn – Tuyên Tâm – Từ Nhân: có khai một đại giới đàn tại chùa Viên Quang, Bình Sơn nhưng không rõ năm nào.
+ Toàn Định – Vi Quang – Bảo Tạng: năm Đinh Dậu (1837) được cung thỉnh làm giáo thọ A-xà-lê tại giới đàn chùa Linh Phong, Phù Cát; tháng 4 năm Mậu Tuất (1838) thiết lập đàn tràng lễ bái Tam thiên hồng danh, chẩn tế cô hồn, đến tháng 5 được cung thỉnh làm Yết ma A-xà-lê tại giới đàn chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi; năm Nhâm Dần (1842) Ngài dự định tổ chức trường kỳ, mở đàn thí giới cho chư tăng nhưng chưa làm được vì bệnh nặng.
Với những đóng góp đó, Thiền phái Chúc Thánh đã nhanh chóng lan tỏa, phát triển trong các tầng lớp xã hội tại các tỉnh thành. Để lại cho hàng hậu học tài sản quý, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hoằng pháp, ngoài ra còn thể hiện sự tương trợ lẫn nhau trong công việc dịch kinh, viết sách để lưu truyền cho hậu thế và thể hiện tình pháp lữ tông môn trong quá trình xây dựng và phát triển của các dòng phái Phật giáo.
Tác giả: Thích Nữ Huệ Đàm ***CHÚ THÍCH [1] Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr 10. [2] Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông, tr. 149.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông. 2. Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. 3. Thích Thanh Từ (2008), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 4. Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng chư thiền đức xứ Quảng, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội. 5. Thích Đức Trí (2013), Lược khảo Phật giáo sử Đà Nẵng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 6. Thích Minh Tuệ (1993), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Thành hội Phật giáo, Thành phố Hồ Chí Minh. 7. Lê Mạnh Thát (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 8. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa, Sài Gòn. 9. Lê Vinh Bổn (chủ biên) (2011), Lược sử Phật giáo và những ngôi chùa Quảng Ngãi, Nxb. Đà Nẵng.
Bình luận (0)