Phật giáo truyền vào Tây Tạng được xem là trễ hơn so với các nước khác, vào khoảng thể kỷ thứ VII. Phật giáo Tây Tạng có nhiều đặc điểm khác hơn các quốc gia khác vì người đứng đầu đất nước vừa gánh vác vai trò tâm linh vừa lãnh đạo chính trị. Tây Tạng là một quốc gia hùng cường về chính trị quân sự. Nói đến Phật giáo Tây Tạng chúng ta không thể không nhắc đến công lao của vua Songtsen Gampo (Tùng Tán Cang Bố: 617–650) được xem là người có công đóng góp cho sự truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng.
I. Bối cảnh lịch sử Phật giáo du nhập vào Tây Tạng
1. Bối cảnh tôn giáo
Tây Tạng được xem là nóc nhà của thế giới, biệt lập với các nước lân cận, chính vì thế đã nung đúc nên một nền tảng tôn giáo mãnh liệt, hướng về nội tâm. Những tín ngưỡng nguyên thuỷ ở Tây Tạng gọi là Bổng giáo (Bonisn), hình thành lâu đời trước thời Đức Phật (VI BC), chi phối tất cả đời sống của người Tây Tạng, sức ảnh hưởng của nó kéo dài cho đến khoảng thế kỷ XIV. Trước Bổng giáo đã hình thành một tôn giáo lâu đời là Tát mãn giáo (Shamanism) phát tích từ Siberi và tín ngưỡng cổ xưa của Tây Tạng hình thành nên Bổng giáo (Bon) tiếng Mông Cổ có nghĩa là thầy Mo (Wu) chứng tỏ Bổng giáo là một chi phái của Tát mãn giáo. Bổng giáo có thể chia làm 3 giai đoạn(1)
+ Thứ nhất: thời kỳ đầu - thế kỷ I AD “Bổng giáo nguyên thuỷ” (Hjol bon): Đây là thời của Bổng giáo sư, thời này chưa đặc định ra nghi thức dùng để sùng bái Tinh Linh(2), cũng như chưa hoàn chỉnh giáo nghĩa để có thể truyền bá. Công việc chính đem lại yếu tố tích cực mọi đời sống tâm linh, cúng tế giao thiệp của mọi thần linh. Những nghi lễ chưa được soạn thảo bằng văn bản còn sơ khai, và những gì liên quan đến phong thuỷ các Tu sĩ Bon giáo đều lo hết.
+ Thứ hai: thế kỷ thứ I - X AD “Bổng giáo có bước chuyển mình tiến bộ” đây là thời của Hỗn Tạp Bổng giáo (Hkhyar- bon), thời kỳ này nhân có ba vị Tăng từ Ca Tư Di La vào Tây Tạng vì đức vua Kiết Lợi Cống Cán Phổ (Gri-gum-bcan-po) mà cử hành nghi thức cho người chết. Vì thế, thời này được gọi là Phần mộ Bổng giáo. Thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ IX thời điểm này đã có mặt Phật giáo, họ đã vay mượn nhiều yếu tố Phật giáo, tạo thành hệ thống triết thuyết có nguyên tắc hành trì, nghi lễ có hệ thống, và được biên tập có sự tương tác giữa Phật giáo và Bổng giáo (ví dụ Bổng giáo trước đây nghi lễ tế vật hiến máu, trong giai đoạn này thì Bổng giáo chịu ảnh hưởng Phật giáo là không sát sanh), và ngược lại Phật giáo cũng đã vay mượn từ Bổng giáo, là lập đàn cầu thần, ở giai đoạn này dường như không có sự xung đột giữa Bổng giáo và Phật giáo.
+ Thứ ba: thế kỷ thứ XI - XIV AD “thời kỳ Bổng giáo cách tân” (Bsgyur bon): Đây là thời sau khi chịu ảnh hưởng Phật giáo, nội dung của Bổng giáo trong thời kỳ này là biến cải, cách tân để phát triển. Bổng giáo thay đổi hoàn toàn 80% nội dung giáo điển vay mượn từ Phật giáo. Tổ chức giáo đoàn hoàn toàn mới, tổ chức đời sống không gia đình, xây hệ thống tu viện giống như Phật giáo, xuất hiện nhiều người xuất gia giống như Phật giáo, những vị Tu sĩ Bổng giáo cũng giữ giới luật như Tu sĩ Phật giáo.
Tóm lại, đạo Bon có công năng quy lực về bùa chú phép thuật là chính, cho nên khi Phật giáo Mật Tông được truyền vào Tây Tạng thì nó rất thích hợp. Bởi vì, bản thân của Mật Tông cũng chuyên sâu chú thuật, chính vì thế hai đạo gặp nhau tạo điều kiện cho sự phát triển đất nước Tây Tạng.
2. Bối cảnh chính trị xã hội
Trên phương diện kinh tế chính trị thì Tây Tạng và Trung Hoa có một sự liên hệ bang giao rất sớm, rõ nét nhất là trong triều đại nhà Đường. Vào tiền bán thế kỷ thứ VII Tây Tạng là quốc gia rất là hùng cường, là quốc gia có một thể chế quân sự chính trị rất mạnh, không thua gì thời Đường Trung Hoa. Tây Tạng tự xây dựng cho mình một thể chế chính trị rất vững chắc và không có quốc gia nào có tư tưởng xâm chiếm đất nước nhưng ngược lại Tây Tạng có tư tưởng bành trướng quốc gia của mình.
Trước sức mạnh quân sự của quân đội của Tây Tạng, thì Tùng Tán Cang Bố đã đem quân đi đánh một số quốc gia thuộc vùng Trung Á của nhà Đường và nhân cơ hội đó tấn công vào Trường An, người lãnh đạo bấy giờ là vua Đường Thái Tông(3). Sau khi tấn công vào nhà Đường vua Songtsen Gampo đã ra một yếu sách là phải gả một người công chúa nhà Đường cho vua Tây Tạng. Trước tình thế đó buộc vua nhà Đường phải gả công chúa Văn Thành(4) cho vua Songtsen Gampo về xứ Tây Tạng. Văn Thành công chúa là cháu gái của Đường Thái Tông. Từ bỏ cuộc sống nhung lụa, Văn Thành trở thành hoàng hậu của xứ Tây Tạng, khi đó đất nước còn hoang sơ, bà được biết đến là người đã tích cực truyền bá văn hóa Phật giáo vào xứ sở này. Ngoài ra, Văn Thành công chúa cũng được xem là người có nhiều công lao trong việc phát triển Phật giáo Tây Tạng.
Khi công chúa Văn Thành vào Tây Tạng ngoài của hồi môn tư trang ra công chúa Văn Thành còn đem theo có văn hoá Phật giáo, Kinh sách, và văn hoá phẩm, tượng Phật, Di Lặc, tượng Phật Đản sanh cũng mang theo, kinh sách các thư tịch khổng giáo, sách y học kinh dịch. Tất cả là những của hồi môn của công chúa Văn Thành mang theo xứ mệnh của quốc gia, chính trị. Bởi vì, công chúa Văn Thành là tín đồ thuần hành của Phật giáo. Năm công chúa Văn Thành rời khỏi Trung Hoa để đi theo vua Songtsen Gampo về đất nước Tây Tạng vào niên đại 641. Cũng chính là năm Phật giáo được truyền vào Tây Tạng từ đó. Trước khi xâm chiếm Tây Tạng thì vua Songtsen Gampo đã đem quân xâm lược nước Nepal và cũng ra yếu sách buộc gả công chúa cho vua Tây Tạng, sau đó công chúa Ba Lợi Khố Cơ (Bhrkuti) được gả cho vua Songtsen Gampo. Từ những yếu tố trên cho thấy đế quốc Tây Tạng thời ấy rất mạnh.
Bối cảnh Phật giáo truyền vào Tây Tạng khác với bối cảnh lịch sử một số quốc gia như Trung Hoa thì Phật giáo truyền vào thông qua con đường văn hoá và tôn giáo. Phật giáo truyền vào Tây Tạng thông qua cuộc “cướp hôn”, hay còn gọi là thông qua con đường chính trị. Vì vậy, Phật giáo truyền vào Tây Tạng thông qua con đường chính trị vào giữa thế kỷ thứ VII năm 641. Vua Songtsen Gampo được xem là người có công tiếp nhận Phật giáo từ hai người vợ.
Do hai công chúa đều là những vị sùng tín Phật giáo nên khi đi sang Tây Tạng 2 vị đều thỉnh Tượng Phật và kinh sách mang theo, cũng từ đó mà Phật giáo được truyền vào Tây Tạng.
II. Cuộc đời của vua Songtsen Gampo
Vua Songtsen Gampo (Tùng Tán Cang Bố: 617– 650) được sinh ra tại Gyama, làng Maldro (một vùng ở phía đông bắc của Lhasa), con trai của Nang Nhật Luận Tán và Thái Bang Trác Tát Thỏa Cát của gia tộc Thái Bang, mà gia tộc này đóng góp một phần quan trọng trong việc thống nhất của Tây Tạng. Vua Songtsen Gampo xuất thân vốn là các vị thánh thần cùng với Quán Thế Âm, là các Lạt Ma hóa thân. Ông được cho là người rất kỳ bí, tay chân có màng bơi, là người kỳ dị nên người Tây Tạng tôn ông lên làm vua. Ông là một trong ba vị Pháp Vương đầu tiên của Tây Tạng, là vị vua đời thứ ba mươi ba trị vì triều đại Yarlung.(5)
Vua Songtsen Gampo có khá nhiều vợ, nhưng 2 người đáng chú ý nhất là: Ba Lợi Khố Cơ (công chúa của nước Nepal) và Văn Thành (công chúa, cháu gái Đường Thái Tông). Cả hai đều là những người phật tử thuần thành. Nhờ những cuộc hôn nhân này nhà vua đã đưa Phật giáo vào đất nước Tây Tạng và thọ lễ quy kính Tam Bảo(6). Từ đó ông cùng hai người vợ trở thành người truyền bá Phật giáo và có vai trò rất quan trọng cho việc phát triển Phật giáo Tây Tạng.
Vua Songtsen Gampo là vị quân chủ thành lập một đế chế hùng mạnh, có thể nói, vua Songtsen Gampo là vị vua vĩ đại nhất của người Tạng.
III. Đóng góp của vua Vua Songtsen Gampo
Vua Songtsen Gampo là người vừa gieo hạt vừa ươm mầm, là người có công đặt nền tảng, nền móng ban đầu cho Phật giáo, chính vua Songtsen Gampo là người có công khai sáng nên văn minh đầu tiên cho Tây Tạng, ở tầng vĩ mô nói chung, Phật giáo Tây Tạng có điều kiện trực tiếp bởi 2 nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ không bị cách xa bởi địa lý. Thông qua việc “cướp hôn” giữa hai vị công chúa nước ngoài vua Songtsen Gampo đã học được từ hai vị công chúa để đọc được kinh sách chưa được khả thi, nhưng về sau thì Tây Tạng có chữ viết mới, kinh sách được dịch ra bằng chữ mới Tây Tạng.
Trên phương diện lịch sử, có người đem vua Songtsen Gampo của Tây Tạng không khác với Asoka(7) đại đế trong lịch sử Ấn Độ. Ngay khi lên ngôi chẳng bao lâu, việc đầu tiên ông làm là chinh phục toàn bộ các tù trưởng lân cận.
Căn cứ trên tư tưởng Phật giáo, vua Songtsen Gampo đã ban hành “10 điều Hiền Thiện”(8) và “Thập lục yết luật”(9) để dân chúng thi hành. Triều đình đã ban lệnh cho cả nước học tập theo “Thập Thiện” và “mười sáu yếu luật” để làm lành mạnh xã hội nêu trên là được viết bằng văn tự mới này này và được phổ biến ra khắp xứ Tây Tạng. Nhà vua thật xứng với danh hiệu là “người cha của nền văn hoá Tây Tạng.”(10) Những văn bản này trở thành văn bản đầu tiên liên quan đến triết lý Phật giáo. Nhiều học giả cho rằng, kể từ đây nước Tây Tạng mới thoát ra khỏi tình trạng hoang sơ hoang dã. Ông cùng với hai người vợ được người Tây Tạng tôn sùng, được cho là 3 người có ảnh hưởng lớn cho Phật giáo tại Tây Tạng.
Vua Songtsen Gampo được xem là người khai sáng nền văn minh cho Tây Tạng. Ông cho thỉnh tăng già người Hán và Ấn Độ đến Tây Tạng hoằng pháp, đồng thời vua Songtsen Gampo gửi người đến Ấn Độ để nghiên cứu chữ viết cho Tây tạng, để soạn thảo ra qui chế chính trị và hành chánh Tây Tạng.(11) Trong phái đoàn đó có quan đại thần là Thon-mi sambhota (Đoan Mỹ Tam Bồ Đề)(12) cùng với mười tám người đến Ấn Độ lưu học, những người này sau khi học về lại Tây Tạng, họ dùng Phạn văn (Deva nàgari) làm cơ sở để sáng tạo mẫu tự Tây Tạng, rồi dùng tạng văn mới được chế tác để phiên dịch kinh Phật, đích thân Tạng vương cũng tự mình học tập cách sử dụng Tạng văn, cũng từ đó Tây Tạng mới khởi sự tiến vào thời đại văn minh. Quyển quốc bảo được dịch đầu tiên: “Bảo Khiếp Trang Nghiêm”, “Bách Bái Sám Hối”, “Thỉnh Vũ Đại Kinh”. Đây là những bản kinh đầu tiên được dịch tại Tây Tạng, người có công dịch những bản kinh điển đầu tiên là Thon-mi sambhota cùng với một số Tăng sĩ ngoại quốc, và một số đệ tử của ông.
Từ khi Phật giáo du nhập thì kinh sách được hình thành phát triển với tốc độ rất nhanh, Tây Tạng có một bước phát triển rất nhanh. Phật giáo du nhập vào thế kỷ thứ VII là một móc thời gian khá chậm so với tất cả các nước khác (sau Nhật Bản 100 năm, sau Trung Hoa 300 năm), tuy nhiên niềm tin của người Tây Tạng rất sâu đậm. Songtsen Gampo xem giáo lý Phật giáo như là những yếu tố cần thiết nhất quan trọng nhất để thay đổi con người Tây Tạng. Trước khi làm việc đó thì ông đã thâm nhập thấu triệt về triết lý Phật giáo.
Trong 16 điều cương yếu, vu Tùng Tán Cang Bố lại có một yếu sách khác, đầu tiên là cung kính Phật, thì chúng ta có thể nói ngay khi ông viết 16 điều yếu luật này thì hẳn trong tâm, tư tưởng của ông đã thấm nhuần triết lý Phật giáo, lòng tôn kính Phật rất lớn trong ông nên ông mới có thể chế ra 16 yếu lược buộc tất cả người dân phải thi hành trong đời sống cá nhân. Ông đã làm xoay chuyển tính cách từng cá nhân sống có đạo đức tốt, và có niềm tin vào Phật, 5 điều đầu tiên là thuộc đạo đức con người, từ đó thiết lập quy chuẩn đạo đức cho từng cá nhân trong xã hội Tây Tạng, trong đó quan trọng nhất là xác lập niềm tin, tôn kính Đức Phật. Thì đây là đặc điểm rất nổi trội của vua Tùng Tán Cang Bố.
Ngoài việc ông chế ra tôn kính Phật kế đến cách ửng xử trong gia đình là phải hiếu thảo với cha mẹ, và hoà hợp với bà con họ hàng, đây là những điều đạo đức cơ bản nhất của con người trong việc đối nhân xử thế với nhau. Còn đối với việc ứng xử xã hội thì ông ban hành ra không được sanh tâm đố kỵ, phải trả nợ đúng kỳ trong việc buôn bán không được cân đo đong đếm thì phải công bằng, thì rõ ràng chúng ta thấy, tâm đố kỵ của con người khiến cho thế giới này xảy ra chiến tranh, bất hoà bình, nên ông đã dưa trên tư tưởng Phật giáo mà ban hành ra các yếu luật này khiến cho cuộc sống của người dân Tây Tạng được ấm no hạnh phúc. Ông còn cho xây dừng chùa Đại Chiêu Tự thờ công chúa Văn Thành, chùa Tiểu Chiêu Tự thờ công chúa Ba Lợi Khố Cơ, là những ngôi chùa đầu tiên tại Tây Tạng. Nơi giữ lại những sự kiện văn hoá giữa hai quốc gia Tây Tạng và Trung Hoa, Tây Tạng và Ấn Độ. Sau khi tạo vững niềm tin cho người dân Tây Tạng Songtsen Gampo gác lại triều chính, vào những năm cuối đời ông thực hành đời sống ẩn dật, giai đoạn này mặc dầu sơ khai nhưng mọi lĩnh vực quốc gia cũng như tôn giáo rất ổn định và hưng thịnh. Đây là sự đóng góp lớn của vua Songtsen Gampo trong việc truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng.
Như vậy Songtsen Gampo được coi như người khai sáng văn minh văn hóa trên phương diện chữ viết và Phật học và là người đóng góp lớn cho sự truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng.
IV. Nhận xét
Tây Tạng có một bước tiến rất nhanh vì chính vua ủng hộ Phật pháp, người dân đặt niềm tin vào Phật pháp rất sâu đậm, bởi lẽ khi người dân di cư đến đâu họ đem theo tín ngưỡng của họ, mặc dầu chưa hình thành một hệ thống nhưng sự hành trì bắt đầu lan toả, như vậy đã có một cộng đồng người tín ngưỡng theo Phật giáo thì cũng có thể là Phật giáo du nhập. “Tài sản tâm linh của người dân” là sự đánh dấu có mặt của một tôn giáo. Từ khi Phật giáo du nhập vào Tây Tạng thông qua cuộc cưỡng hôn, hay nói khác hơn là Phật giáo truyền vào Tây Tạng qua con đường chính trị, trong thời gian ngắn mà kinh sách được dịch khá nhiều, nhiều vị tăng sĩ nước ngoài cũng có mặt, chùa chiền thì được xây dựng, đây là sự thành công lớn bước đầu phát triển nhanh và bền vững. Chính vì thế ông được người dân Tây Tạng xem là hiện thân của vị Bồ tát đại từ bi, Avalokitesvara hay Chenrezi trong tiếng Tây Tạng.(13)
Songtsen Gampo được xem là người đặt nền móng bước đầu, là người gầy dựng nền tảng vững chắc cũng như người khai sáng nền văn minh cho Tây Tạng. Songtsen Gampo đã thể hiện sự thâm nhập Phật giáo trong chính con người và tư tưởng của ông qua 10 điều hiền thiện và 16 yếu luật, được coi là những văn bản sử liệu đầu tiên liên quan đến tư tưởng Phật giáo trên đất nước Tây Tạng.
Tây Tạng là đất nước hùng cường, một học giả Phương tây đã đánh giá về con người Tây Tạng “Tây Tạng Kiến Văn Lục”, trong đó có đoạn viết “so sánh với các dân tộc trên thế giới thì người Tây Tạng vốn là một dân tộc hung hãn, mạnh bạo và giỏi chiến đấu, nếu họ không biết kiên cường giữ lấy tín ngưỡng Phật giáo để tự chế bản tánh hung tợn nguyên thuỷ của mình, có thể nói một ngày nào đó từ trên nóc nhà thế giới, họ sẽ khiến cho cả Châu Á và toàn cầu phải kinh hồn bạc vía với họ”.(14) Chính Songtsen Gampo là người đã chuyển hoá được tính cảnh con người Tây Tạng bằng các nguyên tắc sống đạo đức, dựa trên triết lý Phật giáo, vì thế công lao của Songtsen Gampo vô cùng to lớn đối với đất nước Tây Tạng.
Thích Nữ Tâm Liên - Học viên Cao học Phật học Khoá II tại HV TPHCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2021 ------------------CHÚ THÍCH: (1) Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch Sử Phật Giáo Tây Tạng, NXB bản Phương Đông, 2013, tr 38-39. (2) Tín ngưỡng sùng bái tinh linh, tức tin rằng con người và tất cả loài động thực vật, tự nhiên vật... đều có linh hồn. (3), (4) Văn Thành công chúa (chữ Hán: 文成公主, 628-680), được người Tạng biết tới như là Gyamoza (chữ Tạng: རྒྱ་མོ་ བཟའ་), Hán ngữ là Hán Nữ thị (漢女氏) hoặc Giáp Mộc Tát Hán công chúa (甲木薩漢公主; tức "Người vợ công chúa Trung Hoa") là một hòa thân công chúa nhà Đường, bà đã kết hôn với Songtsen Gampo, Tán Phổ đầu tiên của Đế quốc Thổ Phồn, qua đó thiết lập nền hòa bình giữa hai quốc gia trong thời gian Songtsen Gampo trị vì. (5) Triều đại Yarlung, hay còn gọi là Thổ Phồn tiền Đế quốc, là một quốc gia cổ của người Tạng, các vị vua của triều đại này mang nhiều tính thần thoại. (6) C. Alexander Simpkins and Annellen Simpkins, Ánh sáng Mật Tông con đường tâm linh Tây Tạng, Thích Minh Thành dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014. (7) Ashoka Đại Đế (sa. aśoka, pi. asoka, zh. 阿育王, hv. A Dục) là vị vua thứ ba của vương triều Ma-gát-đa (sa. maurya, zh. 孔雀, hv. Khổng Tước) thời Ấn Độ xưa, trị vì Ấn Độ từ năm 273 đến 232 trước CN. Là một trong những hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử Ấn Độ, Ashoka đã toàn thắng trong loạt các cuộc chinh phạt và cai trị phần lớn vùng Nam Á, từ Afghanistan cho đến Bengal hiện nay và đi sâu đến miền Nam tận Mysore. Là một vị vua ủng hộ Phật giáo, nhưng từ thuở mới lên ngôi, ông được mệnh danh là A Dục vương bạo ác, ông lập ra những khung hình phạt tàn ác giống như các cảnh mô tả trong địa ngục để hành hình tội nhân, và ông đặt tên cho các ngục ấy là địa ngục trần gian. Về sau ông Quy y Tam Bảo và ông đã lập nhiều bia đá ghi lại những thánh tích trong cuộc đời Phật Thích-ca Mâu-ni và theo truyền thống Phật giáo, tên ông gắn liền với việc lưu truyền Phật giáo. (8) Mười điều Hiền thiện: Một là không được sát sanh, Hai là không được trộm cướp, Ba là không được tà tâm, Bốn là không được vọng ngữ, Năm là không được lưỡng thiệt, Sáu là không được ác khẩu, Bảy là không được ỷ ngữ, Tám là không được tham dục, chín là không được sân hận, Mười là không được tà kiến. (trích sách Lịch sử Phật Giáo Tây Tạng, Pháp Sư Thánh Nghiêm) (9) Mười sáu Yếu luật gồm có: Nhất yếu thành kính tin Phật, Nhị yếu hiếu thuận cha mẹ, Tam yếu tôn kính các bậc cao đức, Tứ yếu hòa mục thân tộc, Ngũ yếu giúp đỡ xóm giềng, Lục yếu xuất ngôn trung tín, Thất yếu làm việc phải cẩn thận, Bát yếu chăm chỉ làm việc, Cửu yếu tiền tài tri túc, Thập yếu phải biết báo đáp thù ân, Thập nhứt yếu phải trả nợ đúng ước hẹn, Thập nhị yếu cân, đấu, đong đo phải công bằng, Thập tam yếu không sanh lòng đố kỵ, Thập tứ yếu không nghe lời sàm ngôn, Thập ngũ yếu phải xét nét ngôn ngữ trước khi nói, Thập lục yếu phải xử sự khoan hậu. (trích sách Lịch sử Phật Giáo Tây Tạng, Pháp Sư Thánh Nghiêm) (10) Thánh Nghiêm và Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, Nguyễn Đức Sâm, Mai Xuân Hải, Nguyễn Tá Nhí, Thích Thanh Ninh, Nguyễn Văn Pháp, Nguyễn Quế Lai biên dịch, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2008. (11) Trần Quang Thuận, Phật giáo trong dòng lịch sử, văn hoá Tây Tạng, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2015. (12) Tạng: Thon-mi sambhota. Cũng gọi: Thôn mễ tang bố trát. Ông sinh ở Vệ châu (Tạng: Dbus), sống ở khoảng thế kỉ VII, là Tể tướng dưới triều vua Khí tông lộng tán (Tạng: Sroíbtsan-sgam-po, tức Tùng tán cương bố) của Tây tạng. Năm 632, vâng mệnh vua, ông cùng với 16 người khác sang Ấn độ học Phật học và Âm vận học để chuẩn bị cho việc sáng tạo văn tự Tây tạng. (13) Matthew T. kapstein, Dẫn luận về Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhism A Very Short Introduction), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016. (14) Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch Sử Phật Giáo Tây Tạng, NXB bản Phương Đông, 2013, tr 55-56.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thánh Nghiêm và Tịnh Hải, Lịch sử Phật giáo thế giới, Nguyễn Đức Sâm, Mai Xuân Hải, Nguyễn Tá Nhí, Thích Thanh Ninh, Nguyễn Văn Pháp, Nguyễn Quế Lai biên dịch, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2008. 2. Pháp Sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch Sử Phật Giáo Tây Tạng, NXB bản Phương Đông, 2013. 3. C. Alexander Simpkins and Annellen Simpkins, Ánh sáng Mật Tông con đường tâm linh Tây Tạng, Thích Minh Thành dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014. 4. Trần Quang Thuận, Phật giáo trong dòng lịch sử văn hoá Tây Tạng, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2015. 5. Matthew T. kapstein, Dẫn luận về Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhism A Very Short Introduction), Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016.
Bình luận (0)