LTS: Ngày Xuân tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian cũng là cách chúng ta gạn đục khơi trong, củng cố niềm tin về đạo Phật, hiểu rõ đời sống tín ngưỡng dân gian phong phú trong kho tàng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc.
Ảnh: st
Truyền thuyết kể rằng, ở nước Quang Đại Nghiêm Diệu Lạc xa xưa, đức Vua của đất nước này không có người nối dõi. Một đêm, Hoàng hậu nằm mơ thấy Thái Thượng Lão Quân (là Ngài Đạo Đức Thiên Tôn) đến trao cho một đứa trẻ. Sau đó Hoàng hậu mang thai và sinh ra một Vương tử chính là Ngọc Hoàng Thượng Đế sau này. Chứng kiến nỗi khổ của nhân gian, Vương tử bỏ ngôi vua lên núi tu đạo. Trải qua 3200 kiếp tu hành, Ngài đã đạt được kim thân gọi là Thanh Tịnh Giác Vương Như Lai. Theo quan niệm của tín ngưỡng dân gian thì Ngọc Hoàng Thượng Đế là hiện thân nam và đức Phật Mẫu Hoàng Thiên là hiện thân nữ của Đấng tối cao, là những vị được nhân dân đời đời sùng kính, khi có đủ hai Ngài kết hợp với nhau thì vũ trụ vạn vật mới sinh sôi, phát triển. Theo quan niệm của văn hóa, tín ngưỡng các nước phương Đông, phương Tây và giáo lý của một số tôn giáo đức Ngọc Hoàng Thượng Đế được gọi với nhiều danh từ tôn kính khác nhau: Đức Chúa Trời (Công giáo và đạo Tin Lành), Đấng Tạo Hóa, Đấng Thái Cực Thánh Hoàng (Cao Đài giáo), Thiên Chúa (Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo), Đức Allah (đạo Hồi), Brahma (Ấn Độ giáo), Vua Cha Ngọc Hoàng (Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam)...còn nhân dân ta gọi Ngài nôm na là Ông Trời. Nguồn gốc của vũ trụ là Thái cực, Thái cực vừa là nguồn gốc, vừa là điều kiện sinh thành của mọi sự vật, đức nguyên của trời là khí, đức nguyên của đất là hình. Thái Cực là khối chân linh của Thượng Đế được gọi là Đại Linh Quang. Sự khởi đầu của vũ trụ chính là sự phân chia Thái cực thành tam tài (Thiên, Địa, Nhân). Ngọc Hoàng Thượng Đế phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi (Âm quang và Dương quang), rồi biến Lưỡng Nghi thành Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hoá vô cùng mới lập ra Càn khôn thế giới, tạo thành vạn vật. Đức Phật Mẫu Hoàng Thiên chủ phần Thái Cực Âm tính đã phối hợp Lưỡng nghi để tạo ra các tầng Trời, tinh cầu, địa cầu... và chủ trì đầu thai luân hồi, nghiệp quả và chủ quản nhân số của ba cõi. Phật Mẫu Hoàng Thiên sinh ra vạn linh rồi cho đầu kiếp xuống các địa cầu tạo thành vạn vật chúng sinh, trực tiếp quản lý, điều hành 72 cung Tiên Thượng Thiên và các cõi Tiên. Trong đó, Càn khôn thế giới gồm 36 tầng Trời, 3000 thế giới, 72 Địa cầu, tứ đại Bộ Châu. Trong mỗi tầng Trời có một vị Đại La Thiên Đế cai quản. Ngọc Hoàng khai Bát Quái tạo thành Càn khôn thế giới nên gọi là Pháp, Pháp sinh ra càn khôn vạn vật trong đó có người, nên gọi là Tăng. Ngài chủ cả Pháp và Tăng lập thành các tôn giáo. Thiên đình là triều đình trên bầu trời, là cơ quan quyền lực tối cao của Vũ trụ với hàng trăm ngàn tỷ vũ trụ con, có tổ chức giống như triều đình phong kiến ở Việt Nam ngày xưa, nhưng chặt chẽ, khoa học, quy củ hơn. Thiên đình có 325 cung Trời chính là các tầng trời hay tầng cảnh giới, còn gọi là Thiên đường, trong đó có một cung chính là Ngọc Hư Cung và Điện Linh Tiêu cùng 72 cung Tiên thuộc tầng trời Tối Đại Thượng Thiên; sau đó là 36 cung Nguyên Thủy thuộc tầng trời Đại Thượng Thiên (Thượng Đại Niết Bàn) của các vị Tam Thanh, 144 cung thuộc tầng trời Trung Thượng Thiên (Đại Niết Bàn). Các cung thuộc tầng trời Tiểu Thượng Thiên thuộc khu vực Bạch Ngọc Kinh là nơi hội họp của Thượng Đế với quần thần (Trung Đại Niết bàn). Về góc độ vật lý, số lượng cung Trời ứng với 325 loại hạt hạ nguyên tử nguyên thủy; đó chính là nguyên lý để các nhà khoa học tìm ra bản nguyên của vũ trụ và cội nguồn sinh ra thế giới. Dưới và trong các cung Trời do các vị Thượng Đế Thiên Tôn chủ trì gồm các vũ trụ thành viên, rồi đến các cõi thuộc Trung giới, các Đại thiên hà, các thiên hà tự trị, các Thiên Vương Tinh quân, các Sao và các Thần Tinh.
Ảnh: Minh Nam
Theo tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam thì Tứ phủ Công đồng gồm Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ. Trong đó, Thiên phủ gồm 3 cõi: Vô sắc giới, Sắc giới, Dục giới. Mỗi một cõi đều có một vị vua cai quản, cai quản 3 cõi là đức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Địa phủ (Âm phủ) gồm 10 điện cai quản Am phủ và 18 tầng địa ngục, mỗi điện có 1 vị Diêm Vương cai quản, các điện đều có các quỷ thần phục dịch. Thoải phủ gồm 9 sông 4 biển, có 8 vị cai quản gọi là Bát Hải Long Vương. Nhạc phủ (mặt đất, phương vị, trên núi) gồm 5 phương, 8 hướng, có 5 vị Nhạc phủ cai quản. Theo sách Bách Việt tộc phả và đối chiếu với lịch sử dân tộc thì thấy rõ, Ngài Đế Minh, tức Nguyễn Minh Khiết (Thái Khương Công) trong truyền thuyết Hồng Bàng, lấy bà Đỗ Quý Thị (Hương Vân Cái Bồ Tát) sinh ra người con trai trưởng đặt tên là Lộc Tục. Nhìn tướng mạo Lộc Tục sáng sủa, thông minh, phúc hậu, Đế Minh phong Lộc Tục làm Vua phương Nam; Lộc Tục lên ngôi, xưng là Kinh Dương Vương, lập nước lấy quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương, húy là Nguyễn Lộc Tục tự Phúc Lộc, tức là ông nội Hùng Vương thứ nhất, lấy con gái Vua Hồ Động Đình tên là Động Đình Tiên nữ Đăng Ngạn, sinh con trai đặt tên là Sùng Lãm, còn được gọi là Lạc Long Quân, sau nối ngôi vua cha, dựng nước đặt tên là Văn Lang. Như vậy, căn cứ vào các sự kiện lịch sử đã được sử sách Việt chứng minh thì Kinh Dương Vương chính là thủy tổ của người Việt Nam ngày nay, được nhân dân gọi là cụ Tổ Nam Phương Nguyễn tộc. Là Hoàn Linh Chân Nguyên Đại kiếp đầu tiên của Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng linh cõi thế, nên sau khi mất, nhân dân đã suy tôn Ngài là Ngọc Hoàng giáng sinh. Nơi thờ Ngài được nhân dân gọi là Thiên đình, tượng thờ Kinh Dương Vương gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế nay còn ở nhiều ngôi chùa, miếu cổ(1). Theo tài liệu lưu tại Đền Đậu An (An Viên, Tiên Lữ, Hưng Yên), là đền thờ Ngọc Hoàng đầu tiên và sớm nhất ở Việt Nam, được dựng từ năm 226 trước Công nguyên (TCN) thì vào thời bấy giờ, tục thờ Ngọc Hoàng đã trở thành tín ngưỡng bản địa của người Việt, lúc đó nước ta chưa chịu ảnh hưởng của phương Bắc, bởi đến năm 218 (TCN) nhà Tần mới đánh chiếm nước Bách Việt ta. Trước đó, Văn Lang, Âu Lạc là những quốc gia độc lập, đó cũng là thời kỳ đầu tiên có quốc gia riêng của người Bách Việt. Là Đấng Tối cao của vũ trụ vạn vật và với quyền uy to lớn của Ngài, Ngọc Hoàng Thượng Đế luôn được nhân gian tôn thờ nghiêm cẩn. Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của tư tưởng Tam giáo đồng nguyên, nên trong chùa thờ cả Phật, Mẫu, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tiên, Thần và cả những người có công với đất nước, với dân tộc, tạo nên một thế giới tâm linh chung, không tách biệt, trong đó Phật là trung tâm và ở ngôi cao nhất. Hiện nay, Ngọc Hoàng Thượng Đế được thờ riêng tại Đàn Kính Thiên Tràng An (Ninh Bình) cùng Ngài Nam Tào, Bắc Đẩu; tại chùa Ngọc Hoàng (Quận 1, Tp.HCM) và đền Đậu An (Hưng Yên). Riêng tại đền Đậu An, nơi đức Ngọc Hoàng Thượng Đế được thờ cùng với các Tiên, Thần nằm trên mảnh đất hình đầu rồng, có hồ nước trong xanh bao bọc. Đối với người Việt Nam, chính Ngài đã khai sinh ra thủy Tổ người Việt nên Ngọc Hoàng Thượng Đế được tôn thờ như là Quốc tổ của dân tộc ta cho đến mãi mãi về sau này. Đó cũng là mạch quốc thống, là niềm tự hào truyền đời cho các thế hệ người Việt Nam mãi về sau:

“Đất Rồng Tiên Tổ dựng xây Nam Phương Quốc đạo đủ đầy phúc vinh

Ngàn năm tạo hóa công trình Càn khôn biến đổi, tâm linh dẫn đường”.

Với mỗi người Việt Nam, đức Ngọc Hoàng Thượng Đế luôn được thờ phụng, cúng tế hết sức chu đáo và trọng thể. Cha ông ta đã lấy ngày 9 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm là ngày “Đản sinh” của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vào ngày này, nhân dân chuẩn bị chu đáo các đồ lễ và tổ chức những nghi thức trang trọng, huyền bí; nhiều nơi còn tổ chức múa mâm vàng, ca hát chúc tụng, “phát lộc”; có nơi người dân còn có tục cúng gà trống. Ngày 25/12 (Âm lịch) hàng năm, Ngọc Hoàng đi tuần tra, quan sát hạ giới, xem xét thưởng, phạt phân minh. Do vậy, đêm 24/12 Âm lịch, nhân dân ở nhiều nơi tổ chức nghi lễ cúng Ngài trang nghiêm, xin Ngọc Hoàng ban phúc sang năm mới được nhận điều lành, phúc, thọ, tiền, tài tự đến. Tác giả: Nguyễn Đức Quỳnh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2019
CHÚ THÍCH: 1. Mai Thục, Đạo của Tổ Tiên Việt (Chương trình nghiên cứu tìm hiểu văn hóa cội nguồn dân tộc, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội).