Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải (1938-2003) là bậc danh ni đã để lại cho hàng hậu học số lượng đồ sộ các trước tác, dịch phẩm liên quan tới nhiều chủ đề khác nhau trong Phật giáo, trong đó có một dòng các dịch phẩm Mật tông đã được Ni trưởng dày công chuyển dịch từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Khi giáo pháp Mật tạng lan tỏa mạnh mẽ tại các nước phương Tây, nhiều kinh văn đã được chuyển dịch sang ngôn ngữ các nước này, bằng tài năng, sự mẫn cảm và trí tuệ to lớn, Ni trưởng đã giành nhiều tâm huyết để tiếp cận, chuyển dịch những bộ luận căn bản của Mật tạng, giúp cho hàng hậu học có được cơ hội học hỏi, có hiểu biết về những tư tưởng thâm diệu của một dòng tu Phật giáo đang có sức ảnh hưởng to lớn trên thế giới ngày nay.

Tác phẩm Bồ Đề Đăng Đạo luận

Tác phẩm này được trước tác bởi tôn giả Atisha (982-1054), Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải chuyển dịch từ bản Anh ngữ là Atisha’ Lamp for the Path to Enlightenment do Richard Sherbune dịch gồm gồm 216 trang do nhà xuất bản Snow Lion ấn hành năm 1987, bản tiếng Việt làm tại Tuệ Uyển gồm 232 trang.

Atisha là vương tử của vương quốc Tát Hạ Nhĩ thuộc Ấn Độ cổ, sinh năm 980. Xuất gia từ khi còn trẻ tuổi, năm 29 tuổi thọ giới Tỳ kheo, pháp danh là Cát Tường Nhiên Đăng Trí. Về sau ngài nghiên cứu kinh điển Tam Tạng Phật giáo và kinh luận Đại thừa bằng tiếng Phạn, theo học tổ sư Tiểu Trí Quyên mà được truyền thừa phái Thâm quán, lại theo học tổ sư Kim Châu học truyền thừa phái Quảng hành, tinh thông luật chế hành pháp các phái, trở thành một đại sự Phật giáo trứ danh. Khi 44 tuổi, ngài được mọi người tôn sùng là vị tôn giả có quyền uy tối cao trong các giáo giới của Phật giáo Ấn Độ lúc bấy giờ.

Vào thời kỳ này Phật giáo Tây Tạng đang trải qua thời kỳ đầu phục hưng sau hơn 100 năm Lãng Đạt Ma diệt Phật tuy nhiên giáo pháp tại đây rơi vào tình trạng không hoàn chỉnh, không thuần chính, thậm chí còn lẫn lộn khó phân biệt với Bản giáo. Để cải cách tận gốc, hai chú cháu Trí Quang Vương và Đề Quang Vương thỉnh cầu tha thiết cao tăng Ấn Độ tới Tây Tạng để chỉnh đốn Phật giáo. Năm 1042, tôn giả Atisha đến Tây Tạng và nhận được sự cung đón nồng nhiệt của vương thất.

Khi truyền thụ giáo pháp tại Tây Tạng, ngài đã chỉnh đốn tư tưởng nhiều hành giả tu tập Mật pháp xem nhẹ nhân quả, tâm quy y Tam bảo không vững chắc, vì thế ngài còn có tôn xưng là “Quy y lạt ma”. Atisha để lại hàng trăm trước tác nhưng ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với việc tu tập của hậu thế phải kể đến Bồ đề đạo đăng luận. Tác phẩm này là tập đại thành tổng hợp học thuyết của các luận sư Long Thọ, Vô Trước, Phật Đà Bạt Đà La, thể hiện tư tưởng phái Cát Đương và chỉnh thể Phật giáo Nguyên Thủy, Đại thừa, Mật thừa, nhận thức Mật thừa, Hiển giáo trong chỉnh thể, có địa vị quan trọng trong lịch sử Phật giáo Tạng truyền.

Bồ đề đạo đăng luận tổng kết yếu nghĩa của tất cả các kinh điển Phật giáo từ thế kỷ VI về trước, từ hai phương diện bề rộng và bề sâu, có pháp tu tập của hai tông là thông đạt mấu chốt của tất cả kinh luận, chỉ ra thứ lớp tu hành và tinh thần thống nhất giáo nghĩa Hiển, Mật, từ đó đã đưa đông đảo tín đồ Phật giáo đi vào quỹ đạo chính. Tác phẩm liệt ra một cách cụ thể, rõ ràng công việc cần làm của một người thực hành Phật giáo, từ khi bắt đầu bái sư học Phật đến tu thành quả vị tối thượng, hướng dẫn người học Phật từ nông đến sâu, tuần tự từng bước tiến vào điện đường của Mật tông.

Nội dung tu tập trình bày trong tác phẩm có thể tóm lược ở năm đề mục chính: thứ nhất, quy y Tam bảo, tức lễ nghi tín ngưỡng, cung phụng Tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Thứ hai, luận về phát nguyện tâm Bồ đề và hành tâm Bồ đề, phát tâm Bồ đề là nguyện tâm lợi ích chúng sinh mà cầu Phật quả. Hành tâm Bồ đề tức thọ Bồ tát giới, trì giữ Bồ tát giới làm quy phạm hành vi. Thứ ba, luận thuyết về mối quan hệ giữa tu tập Thiền định và phát dẫn thần thông. Thứ tư, luận thuyết về trí tuệ và phương tiện, thành Phật phải tích lũy hai loại tư lương trí tuệ và phúc đức. Thứ năm, luận về tu trì Mật tông, tu tập Mật pháp phải nương theo bậc thầy, tiếp nhận các nghi thức quán đỉnh.

Bồ đề Đạo đăng luận phân chia người tu học thành ba loại: Hạ sỹ, Trung sỹ và Thượng sỹ. Hạ sĩ không mong cầu giải thoát khỏi khổ thế gian mà chỉ cầu lợi lạc đời hiện tại, hy vọng trong tương lai có thể chuyển thế thành người hay tránh ác hành thiện, nên gọi là Nhân thiên thừa; loại thứ hai là Trung sỹ, chỉ cầu giải thoát cho mình khỏi khổ luân hồi, gọi là Thanh văn Thừa, Duyên giác thừa; loại thứ ba là thượng sỹ, không những tự mình cầu giải thoát mà còn muốn phổ độ chúng sinh, gọi là Bồ tát thừa, Đại thừa.

“Người nào chỉ lo chấm dứt hoàn toàn

Những khổ đau của người khác

Vì tâm họ luôn nghĩ tới nỗi khổ chúng sinh

Kẻ ấy thuộc hạng người thù thắng (kệ 5)” (1)

Giáo nghĩa của Hiển, Mật không đối lập nhau và tu hành nên tuân thủ theo thứ tự trước Hiển, sau Mật, chỉ thị tinh thần thứ tự tu hành và giáo nghĩa Hiển Mật thống nhất, từ đó dựa quảng đại giáo độ Phật giáo vào quy củ.

“Giáo lý mật tông rất thù thắng

Khi được nắm vững bởi một người lợi căn

Do nhiều phương tiện giáo pháp này không khắc khổ

Miễn là mục đích duy nhất Giác ngộ được duy trì.”(2)

Có thể nói Atisha đã phát huy tác dụng quan trọng trong việc phục hưng Phật giáo Tây Tạng ở thời kỳ hoằng dương sau, thành một trong những tổ sư của phái Phật giáo Tạng truyền Cát Đương.

Tôn giả Atisha có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với Phật giáo Tây Tạng, trong mỗi tế bào của Phật giáo Tây Tạng đều có hình bóng giáo pháp của ngài. Tác phẩm này lời ít mà lý nghĩa sâu rộng, luận giải rõ ràng nhiều tri kiến lầm sai tồn tại trong Phật giáo Tạng truyền khi ấy, cũng là hệ thống giáo pháp hoàn bị để tôn giả Atisha thành lập nên dòng tu Phật giáo Cát Đường tại đây.

Tác phẩm Nhập Bồ tát hạnh

Tác phẩm này do luận sư Tịch Thiên (Shantideva - Ấn Độ) trước tác, ni trưởng Thích Nữ Trí Hải đã chuyển dịch tác phẩm này sang tiếng Việt từ bản Anh ngữ The Way of the Bodhisattva: Bodhicaryavatara do nhóm Padmakara dịch gồm 256 trang, nhà xuất bản Shambhala ấn hành năm 1983; bản tiếng Việt do nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh ấn hành năm 1999 gồm 407 trang.

Tịch Thiên là một triết gia, một cao tăng Ấn Độ sống vào khoảng cuối thế kỷ VII và nửa đầu thế kỷ VIII Tây lịch. Ngài từng là một vương tử xứ Saurastra, vùng ven biển thuộc bang Gujarat miền Tây Ấn Độ hiện nay. Ngài xuất gia tu học tại đại học tự viện Nalanda. Tại đây, Tịch Thiên đã trước tác nên Nhập Bồ tát hạnh (Sankrit: Bodhicaryāvatāra), tác phẩm trình bày về giá trị, mục đích và phương cách thực hành con đường Bồ tát. Đây là tác phẩm Phật giáo đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc trong vùng Phật giáo Tây Tạng suốt hơn 1000 năm qua. Tại Tây Tạng, có người tu hành dùng thời gian cả đời để giảng tập, diễn thuyết, tu trì theo bộ luận này. Thể văn của bộ luận trên đều dùng tụng tán viết thành, lại có hàng ngàn bài tụng, tổng cộng có mười phẩm, phân biệt rõ cách thức phát tâm Bồ đề và cách hành tâm Bồ đề. Tới nay tác phẩm đã được dịch ra gần 30 ngôn ngữ trên thế giới.

Trong toàn bộ tác phẩm, Tịch Thiên đề cập tới việc xây dựng một mẫu người lý tưởng trong cuộc đời đó là người có phẩm hạnh tròn đầy, biết khởi phát và nuôi dưỡng Bồ đề tâm. Toàn bộ ba chương đầu, tác giả tập trung luận giảng về Bồ đề tâm, lợi lạc và mục đích của Bồ đề tâm, khát ngưỡng đạt tới giác ngộ tối thượng để làm lợi ích tối đa cho chúng sinh. Trong bảy chương tiếp theo, tác giả trình bày những lý do cần thiết để phát Bồ đề tâm và những cách thức để nuôi dưỡng, giữ vững Bồ đề tâm.

Theo Tịch Thiên, Bồ đề tâm là dòng tâm khát ngưỡng đạt tới quả vị Phật và an trụ trong luân hồi để làm lợi lạc chúng sinh, cho tới khi tất thảy chúng sinh được cứu vớt khỏi bể khổ khôn cùng. Ông viết: “Hư không còn, chúng sinh còn, nguyện con an trụ mãi để tận trừ thống khổ cho chúng sinh”(3). Bất kỳ một ai biết nuôi dưỡng Bồ đề tâm, biết từ bỏ những vị kỷ cá nhân và sống vì lợi lạc của tha nhân thì ngay khi ấy họ trở thành một vị Bồ tát. Tịch Thiên viết, Đức Phật ở trong quá khứ, đã phát khởi tâm Bồ đề và cứu vô số chúng sinh ra khỏi biển khổ. Và những người ở trong cuộc đời khổ ải này, nếu phát khởi được Bồ đề tâm thì đó chính là người con của Phật, và xứng đáng được tôn kính. Do đó, một người muốn vượt thoát khỏi những khổ đau, cần phải giữ Bồ đề tâm.

Có tâm Bồ đề tức là có được gốc của pháp Đại thừa, thì dù là Hiển tông hay Mật tông, thành tựu hay không thành tựu Đại thừa tất cả đều quyết định ở việc có hay không tâm Bồ đề. Nếu trong tâm không có tâm Bồ đề thì dù tu tập Mật pháp có ảo diệu sâu sắc đến mức nào thì cuối cùng cũng chẳng có nhân thành Phật được, ngay cả Đạo tư lương Đại thừa cũng chẳng có cách nào bước vào được, thậm chí không thể tu pháp Đại thừa; ngược lại, nếu phát khởi tâm Bồ đề, chỉ cần tụng niệm một lần sáu chữ chân ngôn, tức là pháp Đại thừa, cũng chính là nhân thành Phật.

Tịch Thiên cũng luận giải tâm Bồ đề là sự thống nhất giữa tín nguyện, đại bi, bát nhã. Bồ đề tâm nguyện là phát nguyện rộng lớn, nguyện độ tận mọi nơi, trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh. Bồ đề tâm hạnh là làm làm tất cả những việc lợi mình lợi người và thắng nghĩa Bồ đề tâm là ngộ nhập vào vô sinh pháp nhẫn, chứng được thật tướng của vạn pháp.

Tác phẩm Giải thoát trong lòng bàn tay

Tác phẩm được trước tác bởi Pabongka Rinpoche, ni trưởng Trí Hải đã chuyển dịch từ bản tiếng Anh Liberation in our hands: A series of Oral Discourses do Michael Richards soạn, nhà xuất bản, Mahayana Sutra and Tantra ấn hành năm 1999, bản tiếng Việt do nhà xuất bản Thời đại ấn hành năm 2010, gồm 1136 trang.

Dịch phẩm này của ni trưởng đã được Hòa Thượng Thích Minh Châu đánh giá “là một công trình lớn, chuyển tải nhiều quan điểm và phương pháp thực nghiệm sâu sắc của truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Tác giả là ngài Pabongka Rinpoche, một vị Lama thuộc phái Gelugpa, có kiến thức uyên bác và kinh nghiệm thực hành sâu sắc. Điểm đặc biệt của ngài Pabongka Rinpoche là, trong những bài thuyết giảng của mình, Ngài luôn luôn đặt trọng tâm vào việc thực hành bằng cách chỉ rõ những cách thức đơn giản và cụ thể nhất để mọi người có thể ứng dụng các pháp môn tu tập của đạo Phật.”(4)

Trong tác phẩm này Pabongka Rinpoche dựa trên những kinh nghiệm tu tập của mình đã luận giải hai bộ luận Bồ đề đạo thứ đệ quảng luậnMật tông đạo thứ đệ quảng luận.của tổ sư Tsongkhapa, người khai sáng dòng tu Gelugpa tại Tây Tạng, Những nấc thang tu tập cần thiết trên con đường đến giác ngộ của một hành giả Phật giáo được luận giảng một cách khúc triết, làm rung động sâu xa tâm thức của người đọc.

Tác phẩm Tạng thư sống chết

Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải đã chuyển dịch tác phẩm từ tiếng Anh The Tibetan Book of Living and Dying: The Spiritual Classic and International của tác giả Sogyal Rinpoche, bản tiếng Anh gồm 444 trang do nhà xuất bản Harper San Francisco ấn hành năm 1992. Ấn bản năm 2013 do nhà xuất bản Hồng Đức phát hành đổi tên là Tạng thư sinh tử.

Sogyal Rinpoche (1947-2019) là một trong những bậc thầy Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn của thế kỷ 20. Ngài sinh ra ở tỉnh Kham thuộc miền Đông Tây Tạng, tu học dưới sự hướng đạo của các bậc thầy trong hệ Tạng truyền như Jamyang Khuyentse Chokyi Ledro Kyabje Dudjom Rinpoche và Kyabje Dilg Kyentse Rinpoche. Rinpoche đã sống và hoằng dương Phật pháp rộng khắp các nước phương Tây nửa sau thế kỷ 20. Tạng thư sống chết là một bộ sách trứ danh Rinpoche trước tác, ước tính tới nay có hơn 2 triệu ấn bản đã được in ra trên 26 ngôn ngữ và xuất bản ở 54 quốc gia. Nhiều trường Đại học, Học viện tôn giáo, Y khoa; các y tá, bác sỹ, và chuyên gia chăm sóc sức khỏe đều sử dụng và xem bộ sách như một cẩm nang tinh thần vô giá.

Trong tác phẩm này, dựa trên tri kiến Phật giáo, Sogyal Rinpoche đã tập trung luận giải các vấn đề như bản chất, ý nghĩa thực thụ của đời sống, của cái chết, làm sao để thấu hiểu, chấp nhận cái chết và làm sao để giúp đỡ người sắp chết và đã chết. “Chết là một phần tự nhiên của sự sống, mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu không sớm thì muộn. Theo tôi thì có hai cách để xử với cái chết trong khi ta còn sống. Hoặc là ta tảng lờ nó, hoặc là ta chạm trán với viễn ảnh cái chết của chính mình, và bằng cách tư duy sáng suốt về nó, ta cố giảm thiểu những khổ đau mà cái chết có thể mang lại. Tuy nhiên, trong cả hai cách, không cách nào chúng ta có thể thực thụ chinh phục được sự chết.

Là một Phật tử, tôi xem chết là chuyện bình thường, là một thực tại mà tôi phải chấp nhận, khi tôi còn hiện hữu trên trái đất. Đã biết không thể nào thoát khỏi, thì lo lắng làm gì. Tôi có khuynh hướng nghĩ đến sự chết cũng như thay bộ y phục khi nó đã cũ mòn, hơn là một cái gì hoàn toàn chấm dứt. Tuy vậy cái chết không thể biết trước: ta không biết được khi nào cái chết đến với ta, và ta sẽ chết như thế nào. Bởi thế tốt hơn cả là ta hãy dự phòng một số việc trước khi cái chết thực sự xảy ra.

Đương nhiên phần đông chúng ta đều muốn có một cái chết an ổn, nhưng một điều cũng hiển nhiên nữa, là ta không thể hy vọng chết một cách thanh bình nếu đời sống của ta đầy những bạo hành, hoặc nếu tâm ta thường giao động vì những cảm xúc mạnh như giận dữ, ái luyến, hay sợ hãi. Bởi thế, nếu ta muốn chết tốt, ta phải học cách sống tốt. Nếu ta mong có được một cái chết an lành, thì ta phải đào luyện sự bình an trong tâm ta, và trong lối sống của ta.”(5)

Theo quan điểm Phật giáo thì cái kinh nghiệm thực thụ về chết rất quan trọng. Mặc dù sự tái sinh của chúng ta, nơi tái sinh của ta phần lớn tùy thuộc vào năng lực của nghiệp, song tâm trạng ta vào lúc chết có thể ảnh hưởng tới tính chất của tái sanh kế tiếp. Vậy, vào lúc chết, mặc dù ta đã tích lũy đủ loại nghiệp, nhưng nếu ta làm một nỗ lực đặc biệt để phát sinh một tâm lành, thì có thể tăng cường và khởi động một nghiệp thiện, và do đó đem lại một tái sinh hạnh phúc.

Thời điểm chết thực sự cũng là lúc mà những kinh nghiệm nội tâm lợi lạc sâu xa nhất có thể xảy ra. Do thường thực tập tiến trình chết trong khi thiền định, một thiền giả tu cao có thể sử dụng lúc chết của mình để đạt những chứng ngộ lớn lao. Đấy là lý do những hành giả có kinh nghiệm thường nhập định vào lúc họ chết. Một dấu hiệu của sự đắc đạo nơi họ là thi thể họ thường không thối rửa sau khi họ đã chết rất lâu trên phương diện lâm sàng.

Ngoài sự chuẩn bị cái chết của riêng mình, một việc khác không kém phần quan trọng là giúp người khác có một cái chết tốt đẹp. “Khi mới sinh ra đời, chúng ta đều là những hài nhi yếu đuối; nếu không nhờ sự săn sóc tử tế mà chúng đã nhận được, thì chúng ta đã không thể sống còn. Người sắp chết cũng thế, không thể tự túc được, nên ta phải giúp họ thoát khỏi những bất tiện và lo âu, và cố hết sức để giúp họ có một cái chết thanh thản. Điều quan trọng nhất là tránh làm điều gì khiến cho tâm người sắp chết thêm rối loạn. Mục đích trước nhất của chúng ta giúp người sắp chết là làm cho họ được thoải mái. Có nhiều cách để làm việc này. Với người đã quen tu tập, nếu khi họ sắp chết mà ta nhắc nhở chuyện tu hành, tinh thần họ có thể thêm phấn chấn. Một lời trấn an đầy từ ái của ta có thể gợi cho người sắp chết một thái độ bình an, thoải mái.”(6)

Tác phẩm cũng trình bày hai đề mục vô cùng đặc sắc là luận giải về thân trung ấm và phương pháp chuyển di tâm thức. Trung ấm là sự chuyển tiếp giữa tình trạng này sang tình trạng khác. Phép Trung ấm thành tựu chủ yếu nghiên cứu về pháp môn tu hành trong thời gian trung ấm, tức là thời gian từ lúc con người lâm chung tới khi đầu thai.

Con người ở trong khoảng thời gian từ lúc lâm chung đến khi đầu thai, thông thường phải trải qua ba giai đoạn Trung ấm, là Trung ấm lâm chung, Trung ấm pháp tính, Trung ấm đầu thai. Tu tập phép Trung ấm thành tựu có thể chứng đạt ba thành tựu trong ba giai đoạn Trung ấm này, tức là thành tựu pháp thân thanh tịnh, thành tựu thân tịnh báo, thành tựu thân thắng hóa, chứng đạt được Trung ấm đầu thai.

Trong tác phẩm, Sogyal Rinpoche đã luận giải sơ lược về các giai đoạn thân trung ấm, tiến trình tứ đại phân giải dần dần ra sao, những diễn biến tâm lý của người lâm chung và những biểu hiện bên ngoài cơ thể cụ thể ra sao. Cách thức thực hành ở giai đoạn lâm chung mà tự người lâm chung có thể thực hiện hoặc dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy có kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất là phải giữ được trạng thái tỉnh thức để quan sát, cảm nhận rõ ràng toàn bộ quá trình chết. Tác phẩm cũng phân tích kỹ tiến trình thân trung ấm, các cách phân biệt, nhận diện và điều phục tâm, nhận diện các âm thanh, sắc tướng hiện khởi trong giai đoạn trung ấm để có được sự giải thoát, không bị rơi vào bẫy của vòng luân hồi sinh tử. Để điều phục các trạng thái tâm lo âu, sợ hãi, rối loạn, các cách định tâm, khởi tín tâm. Giai đoạn trung ấm lâm chung là cơ hội tốt nhất để giải thoát sinh tử luân hồi và hơn nữa vãng sinh về các cõi tịnh độ.

Bởi vì người thường tuy có công đức và Phật tính nhưng vì mê lầm và che lấp khiến cho cuộc sống thường ngày họ không thể tự nhận biết và thực hiện. Pháp thực hành khi lâm chung và chuyển di tâm thức là Mật pháp yêu cầu nghiêm ngặt, giúp nhận rõ được tướng trạng hiển hiện chân thực của vạn vật trong trạng thái hỗn độn, hiển hiện công đức như chư Phật, sau đó thực hiện thành tựu tức thân thành Phật.

Tác phẩm Đưa vào Mật tông.

Tác phẩm này Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải đã chuyển dịch từ nguyên tác tiếng Anh Introduction to Tantra: The Transformation of Desire được trước tác bởi Lama Thubten Yeshe. Tác phẩm tiếng Anh gồm 192 trang do nhà xuất bản Wisdom ấn hành năm 1987.

Lama Yeshe (1935-1984) là một cao tăng người Tạng. Ngài là một trong những lama thuộc thế hệ đầu tiên hoằng dương Mật tạng tại phương Tây từ những năm 1960. Năm 1975 lama cùng với đệ tử của mình là Lama Zopa thiết lập nên Hội bảo tồn Phật giáo Đại thừa (FMPT) với hơn 160 trung tâm, dự án trên khắp thế giới.

Tác phẩm giới thiệu những kiến thức căn bản về Phật giáo Tạng truyền - một trong những hệ thống Phật giáo thế giới, sự truyền thừa Mật tông, lý luận nền tảng Phật giáo Tạng truyền, các thuật ngữ… Phật giáo Tạng truyền là một hệ thống bao hàm các loại giáo pháp Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa. Trong hệ thống Tạng truyền rất chú trọng tới tu học hệ thống luận lý của Hữu bộ, Kinh bộ trong Nguyên thủy, tu học triết học Duy thức, Trung quán trong Đại thừa. Ở phương diện tu trì, hệ Tạng truyền có phương pháp tu trì của Hiển giáo cũng có phương pháp tu trì của Mật tông. Mật tông coi trọng truyền thừa, chân ngôn, mật chú, tu trì. Mật tạng không phải do các lạt ma tạo nên mà được truyền từ Ấn Độ sang với lịch sử truyền thừa rất rõ ràng. Với vị trí địa lý đặc biệt, Tây Tạng sớm tiếp thu giáo pháp Mật tông, giáo nghĩa được bảo lưu trọn vẹn.

Trong tác phẩm, Lama Yeshe cũng luận giải, Mật tông được gọi là Kim cương thừa bởi Kim cương là loại vật chất có kết cấu kiên cố trên thế gian, có thể hủy hoại được tất cả mà không có vật nào khác có thể hủy hoại được. Vì thế, Phật giáo dùng kim cương để tương trưng cho ý nghĩa kiên cố, không thể phân tách được. Có nhiều cách phân chia Phật giáo nhưng có thể phân chia Phật giáo thành Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, trong Đại thừa có Đại thừa Hiển giáo Ba-la-mật và Mật giáo Kim cương thừa. Giáo pháp Kim cương thừa tiến thêm một bước làm thăng hoa và tinh thâm với lý luận Nguyên thủy và Đại thừa, “đặc biệt lấy yếu tố quả vị Phật làm đối tượng tu trì nên còn gọi là quả thừa.”(7) Về phương diện tu tập tâm xả ly luân hồi, tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo, tri kiến tính không thì không có sự khác biệt nhưng Kim cương thừa sử dụng nhiều phương tiện đặc thù để tu trì, đặc biệt là Du già Bản tôn. Hạ tam bộ có thể thông qua tu thân để thành Phật. Vô thượng mật có phương pháp nhanh chóng tức thân thành Phật.

Trong tác phẩm Lama Yeshe cũng phân chia việc tu trì Mật tạng thông thường được chia thành bốn giai đoạn, bốn giai đoạn này có sự tương ứng phù hợp với bốn bộ kinh điển tạng Mật. Bốn giai đoạn đó là: Sự bộ, hành bộ, Du già bộ và vô thượng du già bộ.

Từ những năm 2003 tới nay (2003 là năm ni trưởng viên tịch), với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, truyền thông, internet, mạng xã hội,tiếp tục có một số lượng lớn các kinh văn, nghi quỹ Mật tạng đã được dịch sang tiếng Việt. Có thể khẳng định Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải là một trong những dịch giả tiên phong tại Việt Nam dịch thuật dòng các tác phẩm Mật tạng. Những giá trị tư tưởng trong các tác phẩm này vẫn là nguồn tri thức căn bản, vô cùng lợi lạc cho thế hệ các hành giả Phật giáo, những nhà nghiên cứu, dịch giả hàng hậu học tham khảo, học hỏi.

Tác giả: Tỳ kheo ni Thích Nữ Huệ Đức (Quan Âm tu viện)

Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 11/2019

-----------------------------

Tài liệu tham khảo

  1. Thuvienhoasen.org, Atisha, Đèn soi nẻo giác, Thích Nữ Trí Hải dịch tiếng Việt, tr.35
  2. Thuvienhoasen.org, Atisha, sđd, Thích Nữ Trí Hải dịch tiếng Việt, tr.198
  3. Tịch Thiên, Nhập Bồ tát hạnh, Thích Nữ Trí Hải dịch tiếng Việt, Nxb tp Hồ Chí Minh, 1999, tr. 26.
  4. Pabongka Rinpoche, Giải thoát trong lòng bàn tay, Thích Nữ Trí Hải dịch tiếng Việt, tr.5.
  5. Sogyal Rinpoche, Tạng thư sống chết, Thích Nữ Trí Hải dịch tiếng Việt, tr.11.
  6. Sogyal Rinpoche, Tạng thư sống chết, Thích Nữ Trí Hải dịch tiếng Việt, tr.15.
  7. Thuvienhoasen.org, Lama Yeshe, Đưa vào Mật tông, Thích Nữ Trí Hải dịch tiếng Việt, tr.8.