Dẫn nhập

Thai giáo nói chung đã được ứng dụng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới từ những thế kỷ trước. Cũng giống như âm nhạc, kiến thức đạo Phật không chỉ để dành cho những người có đủ nhận thức để lĩnh hội mà hơn hết, các pháp diệu vi của Phật có thể được bồi đắp cho vợ chồng trẻ trước khi mang thai và tiếp tục giáo dục trong quá trình mang thai đến khi sinh ra và lớn lên. Vấn đề này đã được nhiều người quan tâm, từ hành giả xuất gia cho tới học giả cư sĩ làm nghiên cứu khoa học và khoa học và Phật học. Nhân dịp đầu xuân năm mới, là một đệ tử Phật, con xin phép cung kính những nhận thức sơ khởi trên bước đường tu học được để chia sẻ đến quý đồng tu và hết thảy chư vị, coi như món quà nhỏ cúng dường Phật, Pháp, Tăng.

Một số nội dung và phương pháp

Theo như Đạo sư Hai Lúa(2), chuyện tiền thai giáo là chuyện đã có từ rất lâu, là một quy trình độc đáo của Phật giáo. Cũng theo tác giả Hán Trúc “chuyện thai giáo không phải bây giờ mới có, các gia đình đế vương thời xưa không có ai là không chú trọng việc thai giáo”(3). Trong cuộc đời đi chữa bệnh cho mọi người, Hai Lúa đã đưa ra nhận xét rằng “70% những đứa con khó dạy bảo,... đều là những đứa con đầu lòng”, vì vậy vấn đề giáo dục tiền thai giáo sẽ tạo tiền đề cho sự hình thành mọi mặt của đứa trẻ sau này. Bởi không những là một con đường giáo dục con người trên khía cạnh đạo đức mà còn là một phương pháp tu hành, tức con đường tâm linh Phật giáo. Để đi vào việc trình bày về những phương pháp giáo dục, trước tiên ta phải hiểu Tiền thai giáo như sau:

Đây là phương pháp giáo dục trước khi thụ thai - phương pháp mà có thể khẳng định đối với một phật tử chân chính thì không còn quan niệm “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính” bởi tính cách những gì đứa trẻ đang có hiện nay chính là nhờ phương pháp giáo dục, tu hành của cha mẹ ảnh hưởng đến một đứa trẻ sau này. Đây là một phương pháp mang tính nhân văn sâu sắc của Phật giáo từ trước đến nay.

Trước hết, ảnh hưởng của cha mẹ đến đứa trẻ: Cha mẹ mong muốn sinh ra một đứa con thông minh, tài giỏi, nhưng để được như vậy chúng ta phải xét đến các yếu tố gia đình. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tác phẩm nổi tiếng đó là Đạo Phật của tuổi trẻ; ông đã trình bày phương pháp gia đình để giáo dục con cái theo tinh thần Phật học từ sứ mạng của phụ huynh và khẳng định vai trò của những “huynh trưởng” đó trong việc nuôi dạy và đã kết luận: Gia đình Phật tử là gia đình tâm linh. Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn về tu hành chúng tôi sẽ phân tích quá trình giáo dục trẻ trên khía cạnh từ tâm linh đến thực hành đạo và đời sống cho trẻ.

Theo tiến trình tâm linh Phật giáo, cha mẹ nếu tâm lý trước thụ thai trụ tham dục nhiều hơn khi thụ thai sẽ cộng hưởng với những cõi nặng về tham dục đến đầu thai. Nên những đứa con đầu lòng của họ khi được ra đời thường mang tỉ lệ rất cao tính cách như trên đã trình bày. Cho nên, khi hiểu được vấn đề này, chúng ta sẽ bỏ qua câu chuyện “cha mẹ sinh con, Trời sinh tính” của ông cha ta từ ngàn xưa. Bởi Phật giáo đã giải thích cặn kẽ nguồn gốc của nó là do cha mẹ trước khi thụ thai, do tâm tham dục quá nhiều thì sẽ làm ảnh hưởng đến đứa trẻ. Trên đây là cơ sở lý luận, còn bàn về kỹ thuật Tiền thai giáo ra sao dành cho cha mẹ đứa trẻ cũng rất quan trọng. Kỹ thuật này được đưa ra và áp dụng gồm: Cha mẹ tạo nhiều phước báu, giúp đỡ người khác theo “nguyên tắc muốn có là phải cho”, gieo thiện thì được thiện, tâm vui vẻ, con người hiền lành, không nặng về vấn đề Tham dục, Sân, Si trong khi thụ thai thì sẽ cộng hưởng với từ trường thiện lành để có đứa con là người tốt.

Theo chúng tôi nếu cha mẹ là người tu hành Phật giáo và có được một trình độ tâm linh nào đó thì phải biết cách thay đổi tính tình, phải thật hiền để dựa trên định luật cộng hưởng, trong lúc thụ thai có thể nhập định luôn, tốt nhất là từ Sơ Thiền trở lên thì sẽ cộng hưởng với những thần thức cõi đó về đầu thai. Trong vấn đề sinh con thì người mẹ được coi là mấu chốt quan trọng nhất, là người mà có thể giao hòa giữa linh hồn và các chúng hữu tình có thân xác, do đó vấn đề phước báu hoặc vấn đề người mẹ không đủ sức sinh mà khi đứa trẻ được đầu thai thì xảy ra những trường hợp đứa trẻ chết hoặc người mẹ chết khi sinh.

Tiếp theo nữa, có thể khẳng định gia đình là cầu nối để cho ra đời một đứa trẻ thông minh, họ là những gia đình thuần thiện, sống hiền lành, hay giúp đỡ người khác, có thể họ sống trong nghèo nàn, luôn bị ức hiếp nhưng luôn được mọi người yêu thương, giúp đỡ, theo Thiền Sư Nhất Hạnh thì gia đình cũng là gia đình tâm linh và “gia đình phật tử là một trong những thành trì cuối cùng mà chúng ta còn giữ được”4, với một gia đình như vậy thì những tâm thức thiện sinh tùy theo nghiệp lực sẽ tìm đầu thai vào gia đình ấy. Vai trò của người mẹ được đặt lên hàng đầu không có nghĩa là phủ nhận vai trò của người cha, người cha góp phần tạo nên đứa trẻ nên cũng phải xem xét giữa tham dục và mục đích sinh con.

Trẻ hình thành và ra đời đều do nhân quả, là tập hợp nhân quả các tiền kiếp của đứa trẻ. Do yếu tố cộng hưởng của người mẹ trong vấn đề tâm linh tức thiện và ác thì sẽ tạo nên một đứa trẻ mang tính cách thiên về hướng nào đó. Bởi vì đứa trẻ khi được thụ thai thì đã mang sẵn những nghiệp quả những kiếp trước đã tích lũy cộng với nghiệp quả của cha mẹ, cho nên về mặt thể xác là biểu hiện của những thói hư, tật xấu, thiện ác từ tiền kiếp. Vì sự chi phối nhân quả “gieo nhân nào gặt quả đấy”, cũng như Phật ngôn có nói: chính mình làm cho mình tốt và chính mình làm cho mình xấu. Theo cách lý giải trong Bách Khoa Thai giáo tập I là “nếu cả cha mẹ cả hai hoặc một phía mắc nhân tố di truyền tất cả hoặc một bộ phận con cái họ bị di truyền căn bệnh này”5 cũng chính là quy luật nhân quả của Phật giáo đã trình bày ở trên.

Như vậy, vai trò của tiền thai giáo là tiền đề trong sự hình thành của một đứa trẻ nó vừa là căn bản vừa là nội lực, cũng như sự hình thành đến tính cách của đứa trẻ. Suy cho cùng theo quan niệm của Phật giáo thì đó là do nhân quả của mỗi con người. Vì tính chất trên, nên chúng ta cần có những phương pháp giáo dục lẫn tu hành thật đúng đắn để hoàn thiện con người từ các giai đoạn từ tiền thai giáo, thai giáo, và lúc đứa trẻ ra đời. Những phương pháp này vừa là kinh nghiệm các bậc học giả xưa vừa là khoa học vừa là Phật học:

Thứ nhất, phương pháp phát triển tối đa tình thương, một phương pháp phi ngôn ngữ và được đặt lên hàng đầu bởi sau quá trình tiền thai giáo thì đứa trẻ được hình thành trong người mẹ. Vì vậy, giáo dục ngay những phút bào thai hình thành bằng phương pháp phát triển tối đa tình thương cho người con, đó là dành mọi thứ tốt đẹp đều dành hết cho con. Người mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với con bằng những lời hay như: “Mẹ thương con lắm, giờ mẹ cùng con niệm Phật nhé”, rồi hướng tâm vui vẻ đến đứa con và tác ý “con hãy mau lớn và luôn vui vẻ nhé!”. Gia đình nên tránh chuyện sân hận trong giai đoạn nhạy cảm này, bởi sự sân hận có thể là ngọn lửa đốt cháy tình thương.

Bậc cha mẹ có thể cho thai nhi nghe nhạc để phát triển tình thương đó, âm nhạc là một phương tiện để giáo dục, âm nhạc tốt cho trẻ là âm nhạc phù hợp các tiêu chuẩn về đạo đức, phù hợp với các giác quan tâm linh của thai nhi để chúng có thể cảm nhận được. đây là phương pháp mang tính khoa học. Nhạc cổ điển mang phong cách như những rễ cây mọc nhẹ nhàng, chầm chậm mà vững chắc, đó, liên hệ đến sự phát triển dần dần của bào thai. Tình thương yêu được hun đúc, bồi đắp càng sớm thì sẽ tạo nên cái quan trọng đầu tiên trong mỗi gia đình đó là chữ hiếu, mở rộng ra là tình yêu thương đối với tất cả các chúng sinh, một đứa trẻ được dạy sự yêu thương theo tinh thần Phật giáo, chắc chắn rằng đứa trẻ đó sẽ tu hành và đạt được đến đích.

Thứ hai, là giáo dục Bốn không của Phật giáo và nguyên tắc “muốn có là phải cho” cho đứa trẻ khi ra đời, đó là: Không nói, không nhìn, không nghe điều ác và không tham dục. Đây là một quan điểm được rất nhiều nhà tư tưởng từ Đông sang Tây từ trước đến nay nói đến, đã xuất hiện rất lâu ở Ấn Độ, Nhật Bản,... và trong tư tưởng triết học của Nho giáo. Ở Phương Tây hình ảnh Bốn con Khỉ là See no evil (không thấy điều ác); Hear no evil (không nghe điều ác); Speak no evil (không nói điều ác) và Have no fun (không tham dục).

Chúng ta có thể thấy tư tưởng này cũng chính là tư tưởng của Phật giáo, khi mà “Bốn không” này là công thức để thành Phật, mang ý nghĩa cốt lõi là sự thanh tịnh cả bên trong lẫn cả bên ngoài.

Đứa trẻ “nhân chi sơ tính bản thiện”, trẻ hoàn toàn là mang tính thiện do chưa bị ảnh hưởng của xã hội và thiên nhiên, chỉ mang theo nhân quả. Cha mẹ có thể giáo dục con cái không nói những điều ác làm tổn hại đến người khác, phương pháp tốt nhất nên giáo dục con cái “ăn ngay nói thật”; không nghe điều ác là cha mẹ có thể hướng con đến những âm thanh vui vẻ, thiện và rộng tình thương yêu muôn loài bởi “thai nhi 4 tháng tuổi có cảm giác lạnh và thính giác”6 và cha mẹ và gia đình - tấm gương sáng cho con cái, bất kỳ lời ác ý nào cũng có thể kìm kẹp sự phát triển của đứa trẻ về mọi mặt; không nhìn điều ác làm cho đứa con sẽ có những hành động tốt đẹp sau khi nó lớn lên; còn không tham dục sẽ tạo tiền đề để cho đứa trẻ có lối sống bất vụ lợi, ích kỷ, biết giúp đỡ người khác. Bậc cha mẹ phải tránh tạo ra sự sân, si, tham trước mặt đứa trẻ, chuyện cãi nhau, kinh tế lời lỗ,... bởi vì đó là những lời lẽ không đẹp, trẻ có thể nhìn, nghe thấy điều ác đó.

Đây cũng là tinh thần giáo dục Phật giáo theo nguyên tắc “muốn có là phải cho” đi, cho những điều tốt đẹp sẽ nhận lại điều tốt đẹp. Cho nên, giáo dục cho trẻ một tinh thần “có là phải cho đi” không có toan tính, vụ lợi của người lớn mà rất tự nhiên của trẻ. Do đó, cha mẹ và mọi người phải tự mình hành động như một người chỉ đường “cho đi” dẫn dắt trẻ đi vào thực hành ở cả sinh hoạt hàng ngày, cũng như việc tu hành.

Việc giáo dục cho trẻ phương pháp Bốn không theo tinh thần Phật giáo sẽ giúp hình thành nên nhân cách, lá chắn sau này khi đứa trẻ lớn lên và tiếp xúc với môi trường xung quanh.

Thứ ba, giáo dục trẻ chữ Hiếu và Ăn ngay nói thật. Chữ hiếu Phật giáo không phải là niệm Phật, giữ ngũ Giới hay là Quy y, ăn chay mà là gặp thời không có Phật về thờ cha mẹ ấy là thờ Phật. Cha mẹ dạy cho con chữ hiếu thì cha mẹ phải là người đi đầu, hiếu là một cách để phân biệt ‘CON NGƯỜI” viết hoa với loài vật, tiêu chuẩn đầu tiên của tu hành. Không chỉ Phật giáo, mà tất cả các tôn giáo – tín ngưỡng đều đề cao, như Nho giáo coi hiếu chính Nhân. Phật giáo với những tấm gương của Phật Thích Ca, Đại Hiếu Mục Kiền Liên hay của Xá Lợi Phất là một minh chứng rõ ràng. Bằng phương pháp giáo dục đúng đắn con cái sẽ hiểu được rằng, chỉ bằng việc thực hiện chữ hiếu thì con tim sẽ chạy đúng đường, nhất là con đường tu hành Phật giáo.

Ăn ngay nói thật lại là một trong những tiêu chuẩn của người tu hành Phật giáo từ trước tới nay trong Ngũ giới có giới “không nói dối”, cái cần thiết để phát triển nhân cách, đạo đức của con cái, bởi nếu trẻ hay bất kỳ ai đó nói dối sẽ tạo nên một thói quen xấu, thói quen này sẽ dẫn tới tình trạng lừa gạt người khác và tạo nên nghiệp quả và trong tu hành thì tình trạng tâm không nghe theo lời nói, tư tưởng bị loạn động, dẫn tới một đứa trẻ không thể dạy dỗ và tu hành được nữa.

Thứ tư, lựa chọn phương pháp tu hành Phật giáo đúng đắn dành cho trẻ: Ngoài những cách giáo dục ở trên chúng ta cần hướng cho trẻ một phương pháp tu hành Phật giáo đúng đắn nhất trên con đường phát triển tâm linh của chúng. Bởi trẻ chưa tiếp xúc nhiều các vấn đề gia đình, xã hội,... nên Tâm của chúng không bị ảnh hưởng nhiều sẽ rất dễ dàng cho việc tu hành. Cho nên, khi đưa ra một phương pháp tu hành và khuyến khích chúng sẽ tạo nên những đứa trẻ vừa giỏi tâm linh vừa giỏi việc đời.

Khi đi vào thực tiễn thực hành các phương pháp tu hành hiện nay, chúng tôi nhận thấy rằng “tất cả những phương pháp nào mà không dựa trên An trú chính niệm đằng trước mặt đều không đi đến đâu cả”8, phương pháp này là của Phật giáo Tiểu Thừa, được trình bày trong Trung Bộ Kinh tập III của Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu và Đại lão Hòa thượng Hộ Tông trong Phép chính định và Sưu tập pháp.

Điều kiện áp dụng là trẻ đã có nhận thức, độ tuổi thích hợp từ 7 tuổi trở lên. Phương pháp “An trú chính niệm đằng trước mặt” dựa trên một đề mục chọn sẵn hay còn gọi là thực hiện Phép chính định trên một đề mục, với 40 đề mục thiền định9, tùy vào nghiệp quả của từng đứa trẻ - tu sĩ này mà chọn đề mục phù hợp nhất. Đạo Phật là đi vào thực hành không phải là lý thuyết, Ngài Thích Ca đã nói rằng: Pháp của ta là để thực hành chứ không phải đến mà tin theo “pháp của Ta là đến để thấy chứ không phải để tin” và “hãy đến thì sẽ thấy” và Ngài chủ trương “hãy tự thắp đuốc mà đi” nên là tự mình tu hành chứ không phải dựa vào tha lực hay sự xuất nhập của các cõi giới trái với Phật giáo. Cho nên, phải dạy cho trẻ hiểu rằng tu hành Phật giáo là phải “tự thắp đuốc” mà đi rồi sẽ thấy được trí tuệ của sự giải thoát.

Thay lời kết

Trên tinh thần Phật giáo, từ quá trình Tiền thai giáo đến lúc đứa trẻ ra đời là những thời kỳ rất quan trọng để giáo dục nhân cách đạo đức cho trẻ tạo ra một tiền đề quan trọng trên con đường đạo và đời sau này. Tiền thai giáo, thai giáo và quá trình đứa trẻ ra đời đến lúc trưởng thành đều là những giai đoạn của một đời người. Dù là phương pháp giáo dục theo khoa học, tâm lý hay tôn giáo học hay các ngành khoa học khác với những phương pháp chuyên ngành khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích duy nhất là phục vụ con người.

Tác giả: Hoàng Văn Thuận (1) Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2020

----------------------

CHÚ THÍCH: 1. Thạc sĩ, Nhà nghiên cứu Phật giáo. 2. Đạo Sư Hai Lúa, người sáng lập Hoa Sen Trên Đá. 3. Hán Trúc(2014), Hành trình thai giá 280 ngày - Mỗi ngày đọc 1 trang, Nxb. Phụ nữ, tr.4. 4. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật của tuổi trẻ, Lá Bối, tài liêu đạo tràng Làng Mai, tr.6. 5. Vương Kỳ (2012), Bách khoa thai giáo tập 1, Nxb. Thời đại, Hà Nội. 6. Hán Trúc(2014), Hành trình thai giá 280 ngày - Mỗi ngày đọc 1 trang, Nxb. Phụ nữ,, tr.7. 7. Kinh Đại Tập. 8. Anh Sơn, một A - La - Hán ở Đà Lạt với quả vị Độc Giác Phật. 9. Đại trưởng lão Hòa Thượng, Tỳ Kheo Hộ Tông(2961), Phép chính định và sưu tập pháp , Bản in roneo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Nhất Hạnh (2016), Đạo Phật của tuổi trẻ, Nxb. Thế giới, Hà Nội. 2. Vương Kỳ (2012), Bách khoa thai giáo tập 1, Nxb. Thời đại, Hà Nội. 3. Phạm Kim Khánh (1970), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 4. Hộ Tông (1960), Phép chính định và sưu tập pháp, Tài liệu in roneo, Hà Nội. 5. Hán Trúc (2014), Hành trình thai giáo 280 ngày – Mỗi ngày đọc 1 trang, Nxb. Phụ Nữ, Hà Nội. 6. Website: langmai.org. 7. Website:hoasentrenda.org. 8. Website: thuvienhoasen.org. 9. Tham khảo chuyên gia, đạo sư.