Phật giáo đã trải qua bao nhiêu lần chấn hưng, nhưng thế kỉ XX là cuộc chấn hưng gian nan, trong đó khởi đầu là chấn hưng giáo dục Phật giáo.

1. Tình hình Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX

Đến thế kỉ 18 và 19, Phật giáo bị chìm lắng, chìm vào quên lãng “nhất là các dân tộc đông đảo như Ấn Ðộ, Trung Hoa, đều ruồng rẫy cái gia tài tinh thần của ông cha, để theo học đòi cái văn minh cơ khí, hùng mạnh của Tây phương. Ðạo Phật, cũng như các tôn giáo khác ở Á châu, chỉ còn lại hình thức lễ bái cổ truyền, còn lại, phần tinh hoa quý báu của nó bị chôn sâu trong lớp bụi quên lãng của thời gian”[1]. Nhưng sau cái hòa hoa, bóng nhoáng của những sự giao nhịp, tiếp xúc và hòa đồng thì, người Á Châu nhận thấy văn minh phương Tây chưa hẳn đã hoàn thiện. Những nhà tư tưởng, triết gia, lãnh đạo tôn giáo, đạo đức... đã quay về với tình thần truyền thống. Góp phần vào công việc ấy có những nhà bác học, khảo cổ, nhân chủng học đã tìm thấy được rất nhiều bằng chứng cụ thể nói lên giá trị của nền văn minh Á đông mà Phật giáo đã là động lực chính. Do đó Phật giáo được đặc biệt chú ý. Càng nghiên cứu sâu vào văn hóa Phật giáo, người ta lại càng ngạc nhiên vì tính chất thuần thiện, cao khiết, trong sáng ...Từ đấy, một luồng sinh khí mới thổi lên, đem lại cho tín đồ Phật giáo nhiều phấn khởi và tin tưởng ở giáo lý cao siêu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni và phong trào chấn hưng Phật giáo được khơi lên và mỗi ngày một lan rộng, ban đầu ở các nước Á châu, và lan ra khắp năm châu bốn biển.

Các vua quan triều đình nhà Nguyễn đã không mấy mặn mà, ủng hộ Phật giáo như những thế kỉ trước, chế độ hà khắc và chèn ép của thực dân Pháp để tạo điều kiện cho Thiên chúa giáo phát triển, lúc này Phật giáo thực sự yếu thế trước đạo mới từ Phương tây và các tôn giáo trong nước như Nho giáo và Đạo giáo cũng cạnh tranh với Phật giáo. Bản thân Phật giáo cũng bị chia rẽ và phân tán, như: “Đạo lành, Đạo Phật đường, Đạo Minh sư, Đạo Phật thầy, Đạo Cao Đài ra đời vào cuối năm 1925 đầu năm 1926”[2], ấy cũng bởi do thời thế vậy. Ở đầu thế kỉ XX ở Việt Nam bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục luôn nằm trong tình trạng bất ổn, Phật giáo gắn bó và đồng hành cùng với dân tộc đã hơn 2000 năm, đúng như lời nhận xét của Hòa thượng Thích Phước Sơn: “Phật giáo đóng một vai trò lịch sử không thể chối cãi ở Việt Nam. Vai trò lịch sử đó chủ yếu biểu hiện ở chỗ Phật giáo gắn chặt với nỗi thăng trầm của dân tộc Việt Nam”[3]. Và lịch sử đã mỉm cười với các nước như Ấn Độ, Tích Lan, Mianma, Campuchia, Trung Quốc... khí thế chấn hưng Phật giáo tại các quốc gia đó đang lên cao và đã có nhưng thành công nhất định. Các phong trào này đã ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam và các nhà tri thức của Phật giáo đương thời đã ý thức được rằng, muốn chấn hưng dân tộc thì phải chấn hưng Phật giáo vì Phật giáo là nội thể của dân tộc: “Noi gương thế giới, và nhất là Trung Quốc, một phong trào chấn hưng Phật giáo đã nổi lên tại Việt Nam vào khoảng năm 1920. Lúc đầu chỉ là những cố gắng lẻ tẻ của một số quý vị Tăng già lão thành trong nước, mong giữ lại một ít giềng mối của đạo”[4]. Được sự quan tâm của các nhà tri thức khởi xứng, nên miền Bắc có Hòa thượng Thanh Hanh ở chùa Vĩnh Nghiêm, sư Phan Trung Thứ ở chùa Tế Các, ở chùa Bằng Sở là sư Dương Văn Hiển... Ở miền Trung phong trào chấn hưng cũng đã bắt đầu lên cao, với sự tiên phong của những bậc danh tăng Phật giáo như: “Phật giáo Huế vẫn có các vị Cao tăng Thạc đức, vừa dấn thân vào việc chấn hưng Phật giáo, vừa làm chỗ dựa cho hai thành phần trên tin tưởng để đẩy mạnh cả hai phong trào. Đó là Ngài Huệ Pháp ở chùa Thiên Hưng; Ngài Tâm Tịnh ở chùa Tây Thiên; Ngài Viên Thành ở chùa Tra Am; Ngài Phước Hậu ở chùa Trường Xuân rồi lên chùa Báo Quốc; Ngài Tâm Truyền ở chùa Báo Quốc; Ngài Thanh Thái Phước Chỉ ở chùa Tường Vân và đặc biệt là Ngài Phước Huệ, tuy ở chùa Thập Tháp - Bình Định nhưng Ngài lại có cơ duyên với Phật giáo xứ Huế rất nhiều; Ngài Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm...”[5]. Huế là trung tâm Phật giáo của cả nước lúc bấy giờ, các thành phần tri thức nơi đây đứng ra vận động chấn hưng Phật giáo nước nhà là hết sức cần thiết và có ý nghĩa lớn đối với Phật giáo Việt Nam. Ở miền Nam lúc bấy giờ đã có những vị Hòa thượng nổi tiếng đương thời như: “Ngài Khánh Hòa, Ngài Huệ Quảng, Ngài Khánh Anh, Ngài Thiện Hòa lại có sáng kiến mở trường dạy một số đệ tử với mục đích gây giống đạo pháp cho thế hệ sau”[6]. Không riêng gì các nhà tri thức Phật giáo mà ngay cả các nhà yêu nước đương thời cũng hiểu được điều đó: “các học giả có tiếng tăm trong nước như ông Phạm Quỳnh, cụ Trần Trọng Kim... cũng có viết nhiều bài nghiên cứu về giáo lý đạo Phật rất có giá trị”[7].

Những dẫn chứng trên cho thấy phong trào chấn hưng Phạt giáo nước nhà, không chỉ nhận được sự quan tâm của các bậc đạo cao đức trọng trong Phậtgiáo như ngài: Hòa thượng Thanh Hanh, Hòa Thượng Tố Liên, Hòa thượng Tâm Tịnh, Hòa thượng Viên Thành, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Khánh Hòa... Mà còn được sự vào cuộc nhiệt tình của giới cư sĩ tri thức như: Tâm Minh Lê Đình Thám, cư sĩ Tân Hồng, Trần Trọng Kim, Trần xướng, Thiều Chửu, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Can Mộng ...

2. Tầm quan trọng của giáo dục Phật giáo trong giai đoạn lịch sử

Ai cũng cảm nhận được câu này: “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”[8]. có lẽ câu này nói lên tầm quan trọng của giáo dục đã vượt khỏi giới hạn của một một tôn giáo mà trở thành vấn đề của quốc gia và của mọi tôn giáo.

Nền giáo dục Phật giáo có một quá trình hình thành và phát triển lâu đời, từ thời phong kiến tự chủ, trên thì Vua quan dưới thì sĩ, nông, công, thương rất sùng tín giáo lý Phật giáo, không chỉ có đến thời kỉ nguyên độc lập dân tộc mà ngay cả kỳ Bắc thuộc, mà ngay từ thời mới xuất hiện Phật giáo, các vua quan thường đem những khu vườn tịch mịch để cúng dường đức Phật làm nơi thuyết pháp gọi là Tinh xá. Đáng kể là Tinh xá Trúc Lâm ở gần thành Vương Xá là danh tiếng hơn cả, vốn của trưởng giả Karanda, xây trên núi Linh Thứu. Ngoài ra còn có Tinh xá Kỳ Hoàn, do Trưởng giả Cấp Cô Độc hiến cúng, xây trong vườn của Thái tử Kỳ Đà. Đức Phật thuyết pháp nhiều nhất ở hai Tinh xá đó. Chính vì coi trọng giáo dục nên Phật giáo Việt Nam việc dạy đạo và truyền bá giáo pháp bằng cách thiết lập và biến các chùa thành nhà trường.

Định nghĩa giáo dục Phật giáo

Hòa thượng Ấn Thuận cho rằng: “Cần phải vì Phật pháp mà học, Không được quên bổn phận của người xuất gia, Phải biết sử dụng học vấn, không để cho học vấn sử dụng, nên chú trọng sức khỏe …”[9]. Như vậy, Hòa thượng Ấn Thuận cho rằng người học Phật cần phải thực hiện ba điều trên. Còn Hòa thượng Thánh Nghiêm Sở trưởng Sở nghiên cứu Phật học Trung Hoa cũng khuyên: “Thứ nhất đạo tâm, thứ hai sức khỏe, thứ ba học vấn”, đó là bổn phận, tự giác và ý thức của người học trò hay gọi là người học. Còn học giả người Đài Loan cho rằng: “Phật pháp vốn xuất phát từ sự chính giác của đức Phật. Ngài vì thích ứng thời cơ giảng dạy giáo pháp, tùy nghi thuyết”. Với người dạy thì phải xuất phát từ sự giác ngộ, tùy thời, tùy căn cơ, tự tại giảng dạy. Từ căn cứ vào cơ sở trên thì Hòa thượng Thích Chơn Thiện cho rằng, giáo dục Phật giáo cần xác định một số nội dung của giáo dục: “Trí tuệ (wisdom) chứ không phải là kiến thức (knowledge). Kiến thức chỉ là sản phẩm của tư duy ngã tính, một phần tố của con người,

mà không phải là con người toàn diện. Nó không nói lên thực tại vô ngã và hạnh phúc chân thật vô ngã. Chỉ có khi trí tuệ (chính kiến và chính tư duy) có mặt thì con người toàn diện mới có mặt. Giáo dục toàn diện là giáo dục vừa cung cấp kiến thức vừa tạo điều kiện cho trí tuệ ấy sinh khởi”[10]. Giáo dục Phật giáo là một vấn đề rõ ràng dù cho có nhiều quan điểm khác nhau nhưng chung quy vẫn vì một nền giáo dục Phật giáo Việt Nam phát triển.

3. Bản chất và nội dung của nền Giáo dục Phật giáo

Đối với người học thì đức Phật dạy trong Kinh Kalama như sau: “Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận; chớ có tin vì nhân suy luận; chớ có tin sau khi suy tư về những dữ kiện, điều kiện; chớ có tin theo thiên kiến, định kiến; chớ có tin vì thấy thích hợp với khả năng; chớ có tin vì vị Sa môn là bậc Đạo sư của mình”[11]. Đức Phật không tin trong vũ trụ có một đấng toàn năng, toàn trí, hiện diện khắp nơi, cũng không có những khái niệm siêu nhiên hay những thiên sứ nào đó. Mà mặc nhiên người phật tử không nô lệ cho bất bất cứ thứ quyền lực siêu nhiên nào, cũng không quan trọng các luận thuyết khác, mà chỉ cố giắng học theo những lời Ngài dạy và thực hành để có kết quả. Đó chính là những điểm cấp tiến, đặc sắc chỉ thấy trong phật pháp, vượt khỏi mọi câu thúc của tôn giáo để đạt đến sự giáo dục toàn diện về nhân cách và phẩm chất hay nói ngắn gọn, đơn giản hơn là giáo dục hành vi và tinh thần.

4. Thiết lập nền giáo dục học đường Phật giáo đầu thế kỉ XX

Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX, bị suy thoái nghiệm trọng, các nhà tri thức Phật giáo lo lắng trước vận mệnh của dân tộc và đạo pháp đã đứng ra vận động phong trào chấn hưng Phật giáo với việc khẳng định và phát huy các giá trị tinh thần của dân tộc, hệ tư tưởng cốt lõi của Phật giáo vẫn luôn xuyên suốt vì sự tiếp biến và thích nghi của Phật giáo có sức lan tỏa khắp mọi nơi trên thế giới chứ không riêng gì thời đại chấn hưng Phật giáo Việt Nam: “xuyên suốt về dòng lịch sử của đạo Phật, một sự xuyên suốt về hệ tư tưởng của Phật giáo có thể dung nhiếp được tất cả các hệ phái theo đạo Phật trên khắp thế giới”[12] và nhà chùa là trường học, các nhà sư là thầy giáo như: Ngài Hòa thượng Thanh Hanh, Tố Liên, Tâm Tịnh, Phước Huệ, Tâm Thông, Tuệ Pháp, Khánh Anh, Khánh Hòa... có một vị trí đặc biệt trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam thời kì này. Chính các Hòa thượng này đã khởi xướng, cổ vũ và tham gia vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX, mà vấn đề giáo dục đặc biệt quan tâm và có các nhận định rất xác đáng: “Chấn hưng Phật giáo là cốt nhất tu luyện lấy một hạng sa môn cho có học thức, cho thông làu kinh sách, nghĩa là tập lấy một nhà ‘đạo viên’ như các seminaires bên Gia giáo”[13]. Khi tăng đồ không nỗ lực học hỏi nội, ngoại điển thì sẽ khó mà làm cho đạo sáng được, muốn hoằng hóa, xương minh đạo pháp thì phải đủ hai phương diện, thông nội điển, am tường ngoại điển, hai bên hộ trợ cho nhau mới có thể hoằng pháp lợi sinh, khai sáng mối đạo, không riêng gì Tăng ni lo tu học mà phải có sự đồng nhịp của Thiên nam, Tín nữ chung tay: “Đạo pháp xương minh do tăng già hoằng hóa /Thiền môn hưng thịnh nhờ tứ chúng đồng tu”[14]. Đó là một câu khẳng định chắc chắn, không chỉ ngày xưa, hiện nay, mãi mãi về sau luôn đúng với mọi thời đại. Có thể nói công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam được khởi xướng từ năm 1920 - 1945 đã tạo nên diện mạo mới cho hệ thống giáo dục Phật giáo, và chính hệ thống này đã đào tạo nhiều tăng tài, nhiều bậc cư sĩ đức trọng tài cao góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thế kỉ XX.

Hệ thống giáo dục Phật giáo nước ta những năm đầu thế kỉ XX là hệ thống ngang gồm các trường hạ, trường gia giáo của các Tổ đình, Sơn môn, Pháp phái và An cư kiết hạ (trường hạ) là truyền thống từ thời đức Phật còn tại thế. Đó là sự tu học tập trung bắt buộc đối với chư Tăng Phật giáo vào ba tháng mùa hạ. Các lớp tu học do các bậc Tôn trưởng đức cao đạo trọng mở và trực tiếp giảng dạy tại chùa (Tổ đình) do quý ngài trụ trì.

Ở Bắc kỳ: Các Tổ đình: Vĩnh Nghiêm, Bình Vọng (Bằng Sở), Tế Xuyên – Bảo Khám, Đồng Đắc, sơn môn Trung Hậu, Hồng Phúc, Bà Đá, Bồ Xuyên...

Trung kỳ: Huế có các đạo tràng - trường Hạ: Thiên Hưng, Báo Quốc, Thuyền Tôn, Bình Định có Long Khánh, Thập Tháp...

Nam kỳ: Các chùa Giác Hoa (Bạc Liêu), Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), Bửu Lâm (Cao Lãnh), Long Khánh, Long Phước (Trà Vình), Giác Lâm và Phụng Sơn ở Sài Gòn...

Chung quy cũng vì nhưng nguyên nhân nội tại và ngoại tại mà phải tiến hành chấn hưng Phật giáo Việt Nam: “Tuy nhiên từ thời Lê Nguyễn, Nho giáo lấn sân, Phật giáo thiếu sự hộ pháp của triều đình, bản thân Phật giáo không có một sự cải cách nào, nên tăng đồ thì hủ bại, Phật giáo suy vi mà nguyên nhân chính là do tăng đồ thất học”[15]. Cần phải chấn hưng Phật giáo mà nhiệm vụ cấp bách, với sự ra đời các tổ chức Phật giáo và xây dựng hệ thống giáo dục Phật giáo mới để đào tạo các tu sĩ truyền giáo có phẩm hạnh và học thức cho nguồn tăng tài phục vụ chấn hưng Phật giáo nước nhà lâu dài.

5. Các Hội Phật học ra đời vào đầu thế kỉ XX

Phật giáo đầu thế kỉ XX như được thổi vào luồng sinh khi mới với phong trào chấn hưng có ý nghĩa sống còn của Phật giáo Việt Nam với các hội Phật học ra đời đầu tiên là hội Phật học được thành lập tại Sài Gòn là: “Ngày 26 tháng 8 năm 1931 Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont, Sài Gòn, Gia Định”[16]. Hội này cho xuất bản tạp chí Từ Bi Âm. Sau này còn có Hội Lưỡng Xuyên Phật Học Hội tại Trà Vinh, cho xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học và Phật Học Kiêm Tế Hội ở Rạch Giá, Kiên Giang cho ra đời tạp chí Tiến Hóa.

Vào năm 1932, tại Trung kỳ các Ngài Giác Tiên, Phước Huệ và một nhóm Cư sĩ Tân Hồng mà đứng đầu là Cư sĩ Tâm Minh (Lê Ðình Thám) đã thành lập Phật học hội mà hội quán là chùa Từ Ðàm “Hội An Nam Phật học”[17] cho xuất bản tạp chí Viên Âm, mở Phật học đường Báo Quốc, trụ sở của Hội đặt tại chùa Từ Đàm ở Huế.

Sau khi Nam kỳ và Trung kỳ thành lập các hội Phật học thì đến lượt: “Bắc kỳ Phật giáo hội được thành lập năm 1934”[18], ở Bắc kỳ có thượng tọa Tố Liên, thượng tọa Trí Hải, Cư sĩ Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim cùng một số quý vị Ðại đức và Cư sĩ lập ra trụ sở của hội đóng tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội, Hội cho xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ, xuất bản báo Bồ đề Tân thanh, Tiếng chuông sớm. Hội còn mở Tăng học đường chùa Quán Sứ.

Sau cùng là: “Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Những vị có công khởi xướng lên các hội này là Ngài Khánh Hòa, Ngài Huệ Quang, Ngài Khánh Anh cùng một số quý vị Tăng già và Cư sĩ Tân Tiến”[19], Hội được thành lập vào năm 1934, trụ sở đặt tại chùa Long Phước, huyện Tiểu Cân, tỉnh Trà Vinh, xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học.

Các hội Phật học ở Nam kỳ

Các nhà tri thức khởi xứng đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX, là các vị Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Trí Thiền, Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Từ Phong, Hòa thượng Chính Quả, Hòa thượng Thiện Dư cùng với các Cư sĩ Nguyễn Văn Chấn, Trần Văn Khuê, Phạm Ngọc Vinh, Lê Văn Phổ …với nhận định “Phật pháp suy đồi do tăng đồ thất học”[20]. Với nhận định đúng đắn này, đã gợi mở cho các Ngài phương hướng chấn hưng Phật giáo Nam kỳ bằng con đường giáo dục. Chắc chắn quan điểm đó là hoàn toàn phù hợp với Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam kỳ nói riêng và đó chính là cốt lõi của giáo dục Phật giáo, bởi nó được nghiệm chứng qua nhiều thế kỉ: “quan điểm Phật giáo về giáo dục không chỉ là việc dạy và học trên văn tự mà cần phải chuyển hóa nội tâm, cải thiện cái xấu thành cái tốt, bồi dưỡng và phát huy nhân tài. Giáo dục nhằm hoàn bị cho con người kiến thức về thế học và đạo học”[21]. Dù đã khởi động từ những năm 1920 nhưng phải đợi đến năm 1931, những cố gắng trên mới kết hợp thành lực lượng lớn mạnh có tổ chức và phương châm rõ ràng: “Ðầu tiên một hội Phật học được thành lập tại Sài Gòn lấy tên là Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội; kế đó là hội Lưỡng Xuyên Phật học kế đó là hội Lưỡng Xuyên Phật học. Những vị có công khởi xướng lên các hội này là Ngài Khánh Hòa, Ngài Huệ Quang, Ngài Khánh Anh cùng một số quý vị Tăng già và Cư sĩ tân tiến”[22]. Đây có thể nói là những bước thành tựu đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

Như vậy, ở Nam kỳ có hai trung tâm Phật học đầu tiên là: “Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học có trụ sở tại chùa Linh Sơn số 149 đường Douaumont”[23] ở Sài Gòn và Hội cũng đã xây dựng được một Phật học đường, gồm có sáu gian nhà ngói có trang bị đầy đủ để nhận học tăng nội trú. Nhưng phó hội trưởng không chịu nghe lời các Hòa thượng Khánh Hòa và Hòa thượng Huệ Quang, cho nên những cơ sở đó, được xây cất trên đất riêng của ông Chấn phó hội, nên Phật học đường không bao giờ được khai giảng và công việc hoằng pháp bị đình trệ. Sự kiện này là nhân duyên phát sinh ra hai hội Phật giáo khác. Lưỡng Xuyên Phật học Hội tại Trà Vinh và Phật học Kiêm Tế Hội tại Rạch Giá ở Kiên Giang. Lưỡng Xuyên Phật học Hội được Ngài Khánh Hòa và Ngài Huệ Quang làm quản trị, còn Phật học Kiêm Tế Hội do Ngài Trí Thiền sáng lập với sự cộng tác của sư Thiện Chiếu.

Sự ra đời và đi vào hoạt động thực chất đã bước mang lại lợi lạc rộng rãi cho Phật giáo và có ảnh hưởng và lan rộng ra phong trào Trung kỳ và Bắc kỳ, sau khi Nam kỳ thành lập Hội Phật học, đến lượt hội Phật học ở Trung kỳ cũng được thành lập như là bước tiếp nối, của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Các hội Phật học ở Trung kỳ

Là trung tâm Phật giáo của Việt Nam thời bấy giờ, nhưng Phật giáo Trung kỳ lại ra đời muộn hơn Nam kỳ, nhưng cái gì cũng có giá trị của nó, Phật giáo Trung kỳ là nơi quy tụ nhiều thành phần tri thức nhất của Phật giáo nhiều hơn nơi khác, dĩ nhiên cũng có nhưng cái khó của nó. Hội An Nam Phật học ra đời với sự chứng minh của Hòa thượng Giác Tiên, Hòa thượng Huệ Phước, Cư sĩ Tâm Minh (Lê Đình Thám) là một kết quả đúng thời. Mô hình tổ chức của Hội cũng như các hội Phật học ở Nam kỳ, Hội An Nam Phật học đã cho ra đời: “Phật học đường Báo Quốc, sau về chùa Kim Sơn”[24]. Như vậy, mặc dù ra đời có muộn hơn Nam kỳ “Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học”, nhưng Trung kỳ đã tiếp thu kinh nghiệm, thành quả của các Phật học đường của hội Nam kỳ. Với cách làm kĩ lưỡng, có chọn lọc, Hội An Nam Phật học đã có những thành công nhất định, cho ra đời các Phật học đường và duy trì khá ổn định. Phật học đường Báo Quốc với ba cấp học, Tiểu học, Trung học, Đại học, Trung Đẳng Phật học được mở tại Chùa Long Khánh, Bình Định, Chùa Tây Thiên, Phan Rang, Phật học đường Đà Thành ở Đà Nẵng. Đó là sự nỗ lực rất lớn, bắt nguồn quan điểm thiết lập học đường cho công trình giáo dục Phật giáo của các Bậc tôn trưởng Phật giáo và các Cư sĩ tâm huyết với Phật giáo Trung kỳ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, trước thách thức của thời cuộc đã đào tạo nên những danh tăng: Hòa thượng Trí Quang, Trí Tịnh, Trí Thành, Thiện Siêu, Thiện Minh...

Các hội Phật học ở Bắc kỳ

Ra đời muộn nhất đáng lẽ tiếp thu được những thành quả, kinh nghiệm, quan điểm và cách làm của Trung kỳ và Nam kỳ nhưng Phật giáo ở Bắc kỳ lại vận hành theo một hướng và cũng thành công dù chưa được như ý.

Thượng tọa Thái Hòa, sư Trí Hải và cư sĩ Nguyễn Quốc Năng, Trần Trọng Kim với chương trình hoạt động: “Đào tạo một thế hệ thanh niên tu sĩ chân chính, hữu tạo và hoằng dương Chính pháp. Để đạt được mục đích đó, hội mở trường học Tăng ở chùa Quán Sứ, Ni học tại chùa Bồ Đề”. Như vậy thì tiếp nối Hội nghiên cứu Phật học Nam kỳ và Hội An Nam Phật học Trung kỳ là Bắc kỳ Phật giáo tổng hội, với sự góp sức của các bậc Hòa thượng Thanh Hanh, Tuệ Tạng, Mật Ứng, Thanh Ất, Trung Thứ, Doãn Hà... đã cho các học đường chùa Quán Sứ và chùa Bồ Đề ở Hà Nội, chùa Trung Hậu ở Phúc Yên, chùa Bằng Sở ở Hà Đông, chùa Tề Cát ở Hà Nam...

Như vậy có thể kết luận rằng: Quan điểm về thiết lập học đường của cả ba miền Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với bối cảnh, là biết nhìn xa, thấy rộng, đáp ứng được bối cảnh lịch sử của thời đại, tạo nguồn tăng tài về sau.

Đầu thế kỉ XX, với quan điểm thiết lập học đường là quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX, đã tạo cho Phật giáo Việt Nam một sinh khí mới với các Phật học đường lần lượt ra đời như: Chùa Cao Phong ở Yên Phúc, chùa Côn Sơn ở Hải Dương, chùa Quán Sứ, chùa Bồ Đề ở Hà Nội, chùa Sở ở Hà Đông, Chùa Báo Quốc, chùa Diệu Đức, chùa Vạn Phước, chùa Tường Vân, chùa Từ Đàm ở Huế, chùa Long Khánh ở Bình Định, chùa Tây Thiên ở Phan Rang, Phật học đường Đà Thành ở Đà Nẵng, Phật học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, chùa Vĩnh Bưu ở Thơm... Có thể thấy trong một thời gian ngắn đã thiết lập các cơ sở giáo dục học đường Phật giáo khá lớn. Phục vụ cho công tác đào tạo tăng tài, chấn hưng thiền môn về sau. Cũng nhờ có các Phật học đường này mà có các bậc danh tăng về sau như: Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Quảng Minh... đã khởi động phong trào chấn hưng Phật giáo về sau.

Các quan điểm đúng đắn trong việc thiết lập học đường trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX, đã làm nền tảng cho các phong trào chấn hưng sau này. Việc chấn hưng giáo dục Phật giáo không phải thực hiện trong một thời gian ngắn mà phải trải qua trong suốt quá trình thời gian tồn tại của Phật giáo. Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam không phải chỉ làm một lần, mà phải làm liên tục. Một trong những việc chấn hưng để cho Phật giáo Việt Nam tồn tại lâu dài, mang lại lợi lạc cho dân tộc và đạo pháp được hưng thịnh thì việc thiết lập và phát triển giáo dục học đường của Phật giáo Việt Nam là việc làm luôn cần thiết. Cần được sự quan tâm bằng các chính sách đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách tôn giáo nhà nước, bằng sự nỗ lực của các nhà tri thức lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở học đường cho Phật giáo ngày nay và mai sau.

Tác giả: Thích Giác Minh Hữu

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 7/2019

-------------------

CHÚ THÍCH: 1. Hòa thượng Thích Thiện Hoa (2012) Phật học phổ thông 2, Khóa V. - Bài Thư Năm: Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 87. 2 &17. Thích Minh Tuệ (1993) Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. TP. Hồ Chí Minh. tr. 482. 3. HT: Thích Phước Sơn (2009) Phật Học Khái Yếu, Đạo Phật qua nhãn quang của giới tri thức, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr.301. 4. Hòa thượng Thích Thiện Hoa ……………tr.99. 5. Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn (2011) Chư Tôn Thiện Đức & Cư Sĩ Hữu Công Phật Giáo Thuận Hóa - Tập 1, Chương II: Bối Cảnh Lịch Sử Từ Đầu Thế Kỷ XIX Đến Giữa Thế Kỷ XX. Tiết 1 : Phần Khái Quát, Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr.112. 6, 7,19 & 22. Hòa thượng Thích Thiện Hoa ……………..tr.100. 8. Ban Giáo Dục Tăng Ni TW (2012) Hội Thảo Khoa Học: Giáo Dục Phật Giáo - Định Hướng & Phát Triển, Đôi Điều Trăn Trở Về Ni Trẻ Và Giáo Dục Phật Giáo Trong Thời Đại Mới, Lưu hành nội bộ, tr.190. 9. Thích Hậu Quán việt dịch (2012) Phước Huệ Tập 1, Đem Đạo Tâm Để Học, Phật Đà Giáo Dục, Đài Loan, tr.11. 10. Thích Chơn Thiện (20090 Phật Học Khái Luận, Tiết VI: Tinh Thần Giáo Dục Của Thế Tôn Và Sự Liên Hệ Giữa Ngài Với Các Đệ Tử, Chư Thiên, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 97. 11. Thích Minh Châu (1998). Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.14. 12. Hòa thượng Thích Trí Quảng (2002). Những Bài Giảng Về Hoằng Pháp Và Trụ Trì, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.231. 13. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh (sưu tầm và biên soạn) 2008. Các phong trào chấn hưng Phật giáo, Bài phong trào chấn hưng Phật giáo, Từ Bi Âm số 135, ngày 26/6/1936. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.415. 14 & 26. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Hội thảo khoa học Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam và truyền thông Bến Tre, Hòa thượng Khánh Hòa – Người dành cả cuộc đời ưu tư cho sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài, Bến Tre, tr 13. 15. Ban Giáo Dục Tăng Ni TW (2012) ………….. tr.424. 16. Trần Quang Thuận (2014) Phật giáo Việt Nam đi vào thời đại mới, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.873. 18. Nguyễn Lang (2012) Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông,HN, tr. 717. 20. Tạp chí Pháp Âm (1929). Tự trần, tr. 18. 21. Ban Giáo Dục Tăng Ni TW (2012) …………….. tr.113. 23. Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1970) 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Viện hóa đạo ấn hành, Sài Gòn. Tr.36. 24. Thích Minh Tuệ (1993) …………... tr. 487.