Tiếp theo P.1 (số 157)

6. Sự hướng đến của giáo dục Phật giáo đầu thế kỉ XX

Muốn chấn hưng Phật giáo thì phải có tăng tài, cư sĩ đạo hạnh, tài năng mới có thế chấn hưng Phật giáo lâu dài được: “Năm 1934, Phật Học Đường Lưỡng Xuyên được khai giảng. Phật học đường này đã đào tạo được một số tăng tài trong đó ta thấy có các thiền sư Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ, Chí Quang, Hiển Thụy và Chánh Quang…”[25]. Nếu không có Phật học đường Lưỡng Xuyên, Phật học đường Nam Việt thì Phật giáo Việt Nam khó có thể xuất hiện các bậc danh tăng có đủ phẩm chất và đạo hạnh để làm trụ cột vượt qua Pháp nạn 1963. Do vậy đối tượng của giáo dục Phật giáo Việt Nam thời phong trào chấn hưng đầu thế kỉ XX, chính là tăng, ni và cư sĩ, việc mở ra các Phật học đường là nhằm giúp để đào tạo tăng tài, cư sĩ giỏi cho Phật giáo nước nhà để chuẩn bị nguồn nhân lực cho Phật giáo Việt Nam về sau.

7. Mô hình giáo dục Phật giáo đầu thế kỉ XX

Trước khi thành lập các hội Phật học trên cả nước, thì đã có các Thích học đường ở cả ba miền: Ở Nam kỳ có: Chùa Tuyên Linh ở Bến Tre; Chùa Phi Lai ở Châu Đốc; Chùa Long An ở Trà Ôn: Chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu: Chùa Kim Huê, Vạn An, Phước Long ở Sa Đéc…Ở Trung kỳ có: Chùa Thập Tháp ở Bình Định; Chùa Từ Quang, Bát Nhã ở Phú Yên; Chùa Thiên Ấn, Quang Lộc ở Quãng Ngãi, Chùa Báo Quốc, Từ Đàm, Tây Thiên ở Huế… Ở Bắc kỳ có: Chùa Bằng Sở, Trấn Quốc, Bồ Đề ở Hà Nội; Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh; Chùa Hương ở Hà Tây… Đó là các Thích học đường tại các chùa có được mô hình tổ chức vào những thập kỉ 30 của thế kỉ XX, cũng là lúc khởi xướng các phong trào chấn hưng Phật giáo, ban đầu là dạy chữ Hán và các bộ luật mang tính thiền môn đơn sơ, thầy truyền trao cho trò. Vào những năm 1931 đến 1934 Phong trào chấn hưng lên cao. Sau khi họp để bàn luận với Hòa thượng Khánh Hòa, Long Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải và sư Thiện Chiếu thì đưa ra bốn điểm: “Lập hội Phật giáo; Thỉnh ba tạng kinh điển dịch ra chữ quốc ngữ; Lập trường Phật học đào tạo tăng tài; Xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý; kêu gọi tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng quy củ thiền môn”[26]. Qua bốn điểm nêu trên thì có một điểm đáng lưu ý đó là “mở Phật học đường tại đây để đào tạo tăng tài”, chứng tỏ Hòa thượng Long Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải… cũng đồng tình với quan điểm thiết lập học đường là vấn đề quan trọng và rất cần thiết.
Chùa Giác Hoa (Bạc Liêu) - Ảnh: St
Sau khi thất bại trong mô hình xây dựng Phật học đường của Hội nghiên cứu Phật học Nam kỳ. Các lớp Phật học được tổ chức một cách linh động tại chùa rất phù hợp trong một giai đoạn Phật giáo bị áp bức và phân biệt đối xử. Các chùa được tổ chức thành lớp học, đó là giải pháp tối ưu bởi ban đầu lập hội kinh phí không có để xây trường. Ở mỗi trung tâm có một lớp học là cần thiết, nên trong hoàn cảnh của Phật giáo thời bấy giờ thì lựa chọn giải pháp tình thế này của các vị Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang là thích hợp: “Năm 1928 ông cùng ba vị tăng sĩ đồng chí là Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm lo tổ chức việc xây dựng Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại chùa Linh Sơn đường Duaumonht Sài Gòn. Năm 1929, Khánh Hòa và Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ hữu tâm ở Trà Vinh gửi mua cho Thư Xã một bộ Tục Tạng Kinh gồm 750 tập và an trí tại chùa Linh Sơn”[27]. Vì kinh tế khó khăn nên Hòa thượng Khánh Hòa đã phải tổ chức Phật học đường lưu động khắp các tỉnh miền Đông và miền Tây mãi cho đến khi sát nhập được với Phật học đường Nam Việt. Ở Trung kỳ thì có Hội An Nam Phật học ra đời vào năm 1932, với Phật học đường chùa Trúc Lâm sau dời về chùa Báo Quốc, Sơn môn Phật học đường của Hòa thượng Phước Huệ ở chùa Vạn Phước, Tường Vân, Từ Đàm, Phật học đường Đà Thành ở Đà Nẵng, Phật học đường Long Khánh ở Bình Định…và đặc biệt có “Đoàn thanh niên Phật học đức dục”[28] của Cư sĩ Tâm Minh (Lê Đình Thám) đào tạo phật tử trẻ, và Ban ấu đồng đã quy tụ được trên 400 đoàn viên sinh tại đồi Quảng Tế, có thể xem là một thành công của Phật giáo Trung kỳ. Với mô hình tổ chức một tổ chức và sinh hoạt đa dạng đã tạo cho Phật giáo tại Trung kỳ có thêm sức sống mới trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà đầu thế kỉ XX. Tuy ra đời muộn nhất nhưng Hội Phật giáo Bắc kỳ đã quy tụ khá nhiều cư sĩ trí thức và cũng cho ra đời các Phật học đường chùa Cao Phong ở Yên Phúc, Phật học đường chùa Côn Sơn ở Hải Dương, Phật học đường Quán Sứ, Phật học đường chùa Bồ Đề ở Hà Nội, Phật học đường chùa Sở ở Hà Đông…cũng giống với mô hình tổ chức ở Nam kỳ và Trung kỳ. Cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều có các cấp học từ (Tiểu học đến Đại học) khởi đầu miền Bắc có 60 vị cho ba cấp học, miền Trung hơn 110 vị cho ba cấp học và miền Nam thì nhiều hơn. Đây là thành tựu có tính nên tảng của mô hình tổ chức các Phật học đường ở cả ba miền, khi xác định quan điểm chấn hưng bằng việc thiết lập nền giáo dục học đường trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX là hoàn toàn đúng.

8. Mục đích của giáo dục Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX

Với sự đóng góp công sức của các bậc tiền bối hữu công như: Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang, Trí Thiền, Pháp Hải…ở Nam kỳ, Hòa thượng Tịnh Khiết, Thiền Tôn, Quốc sư Huệ Phước, Phổ Huệ, Mật Khế, Mật Nguyện…ở Trung kỳ, Hòa thượng Thanh Hanh, Tuệ Tạng, Trung Thứ, Quảng Nghiêm, Thanh Triệu, Tố Liên, Trí Hải... ở Bắc kỳ cùng với các cư sĩ Tâm Minh (Lê Đình Thám), Nguyễn Quốc Năng, Trần Trọng Kim, Nguyễn Khoa Toàn, Đoàn Trung Còn, Phạm Văn Liêu... đã có công gây dựng nền giáo dục Phật giáo nhằm đào tạo tăng tài. Mục đích nâng cao trình độ về cả nội điển và ngoại điển cho tăng, ni và cư sĩ, chuẩn bị nguồn nhân lực tri thức cho cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam đi đến thành tựu.

9. Kết luận

Mục đích của Giáo dục Phật giáo là cấu thành sản phẩm của trí tuệ cứu cánh giải thoát, muốn có được trí tuệ thì chỉ có hai con đường kết hợp lại, đó là tu và học, khơi dậy tàng thức, gia tài có sẵn đã bị bỏ quên bên trong từ lâu. Mục đích của giáo dục Phật giáo theo kinh Pháp Hoa là: “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật chi tri kiến”[29], là đích đến cuối cùng của giáo dục Phật giáo. Nhưng trước khi con người đến được đích ấy thì phải có sự hiểu biết đúng, nhận thức đúng, dẫn tới việc làm đúng thì phải trải qua giai đoạn học đường cả thế học lẫn Phật học. Tuy nói như vậy, nhưng vấn đề giáo dục Phật giáo, có nhiều phần khác hơn giáo dục ngoài đời. Giáo dục Phật giáo phải là nền giáo dục toàn hảo trên ba phương diện: Thân giáo, khẩu giáo và ý giáo.
Chùa Phi Lai (An Giang) - Ảnh: St
Giáo dục Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX, cũng chính là dựa trên nền tảng thiết lập giáo dục học đường Phật giáo, nó cũng tương thích với câu nói của dân gian “Không thầy đố mày làm nên”. Do đó, việc thiết lập giáo dục học đường trong Phật giáo không chỉ dựa vào lý luận và tri thức, tinh thần và thực tiễn nữa, chứ không phải dựa vào lòng tin không được thẩm xét và mù quáng. Xuất phát từ giáo dục học đường Phật giáo là làm cho trong và ngoài nhà chùa được ổn định, mang giáo lý của đức Phật ra nhằm phục vụ cho lợi ích của con người và xã hội. Giáo dục Phật giáo không bao giờ ràng buộc hay áp đặt dưới bất cứ hình thức cố định nào, mà uyển chuyển mọi lúc, mọi thời.
Chùa Bồ Đề (Hà Nội) - Ảnh: St
Hiện nay Phật giáo Việt Nam đang có nền học đường giáo dục khá tốt, thoạt nhìn hoạt động khá sôi nổi trên toàn quốc với bốn Học viện Phật giáo Việt Nam, chín lớp Cao đẳng Phật học, ba mươi ba Trường Trung cấp Phật học và gần một trăm lớp Sơ cấp Phật học nói lên phần nào về sự thành tựu, cũng như giá trị của nền giáo dục học đường Phật giáo Việt Nam đã thực sự có chỗ đứng trong xã hội nhưng ít ai biết được để có được nền tảng này là Phật giáo Việt Nam đã được đặt nền móng từ những năm 30 của thế kỉ XX với những quan điểm xây dựng học đường để đào tạo nhân tài cho Phật giáo Việt Nam. Nguyên tắc căn bản nhất nền Giáo dục Phật giáo Việt Nam từ khi có mặt cho đến hôm nay nó vẫn xoay quanh trục ba yếu tố không thể tách rời là: Giới – Định – Tuệ. Với vấn đề Phật giáo Việt Nam trong quan điểm thiết lập nền giáo dục học đường trong thời đại chấn hưng Phật giáo đầu thế kỉ XX, đã cho ta cái nhìn khách quan của buổi đầu xây dựng nền giáo dục học đường Phật giáo đầu thế kỉ XX, với vô vàn khó khăn và gắn với việc chuyển biến thời cuộc của buổi li loạn. Quan điểm thiết lập nền giáo dục học đường của Phật giáo Việt Nam đã thành hiện thực không những cho thời chấn hưng Phật giáo buổi đầu mà còn mở ra tiền đề cho việc: “Phục hưng mọi giá trị văn hóa lịch sự và tâm linh của ông cha ta”[30]. Trong công cuộc chấn hưng quy củ thiền môn, làm cho Phật pháp cửu trụ ở thế gian, mang lại lợi lạc cho nhiều người. [irp posts="1789" name="Giáo dục Phật giáo Việt Nam đầu thế kỉ XX (P.1)"] Thích Giác Minh Hữu, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2019
CHÚ THÍCH: Nguyễn Lang (2009)……………….. tr.572. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Hội thảo khoa học Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam và truyền thông Bến Tre, Hòa thượng Khánh Hòa – Người dành cả cuộc đời ưu tư cho sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài, Bến Tre, tr 13. Nguyễn Lang (2009)……….……….. tr.580. Trần Quang Thuận (2014) ………… tr. 797. HT. Thích Chơn Thiện(2013). Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa, III. Ý nghĩa tên kinh - IV. Nội dung kinh Pháp hoa, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.16. Thích Phước Đạt (2013). Giá trị Văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.296.