Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ Học viên Cao học Khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM

A DẪN NHẬP

Trong các bài sám pháp chúng ta thường nghe câu: “Dép dưới giường lên giường vội biệt, sống ngày nay biết chết ngày mai”. Cuộc đời của một con người tưởng chừng như quá dài, nhưng có ai biết được nay sống chết mai, không ai nói trước được điều gì. Cuộc đời ngắn ngủi như thế, vậy chúng ta phải làm gì có ích cho người, cho đời? Hay cứ để cuộc đời phiêu bạt nổi trôi như bèo trôi sông? Chắc hẳn tự cổ chí kim, con người luôn khát khao được khoẻ hoài không bệnh, sống hoài không chết. Thế nhưng định luật vô thường sinh, lão, bệnh, tử nào có chừa một ai? Theo quan điểm cá nhân, người viết cho rằng cái bất tử của con người có được phải chăng là những gì mà con người đã tận hiến cho cuộc đời khi còn tại thế. Ấy mới thật là chân bất tử của một kiếp người.

Trong đời sống hiện đại, con người đang tất bật ngược xuôi để tìm miếng cơm manh áo, người nghèo thì muốn được giàu sang, người giàu lại muốn giàu hơn. Vậy đâu là điểm dừng của lòng tham con người? Trong Kinh Di Giáo có câu: “Người biết đủ dù nằm trên đất cũng thấy hạnh phúc. Người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Cuộc đời với biết bao lo toan nhọc nhằn, đã khiến con người chìm dần trong tiền tài – danh lợi, tự cuốn mình vào thế cuộc xô bồ, một số ít người đang dần quên và đánh mất đi những giá trị tốt đẹp nơi con người mình.

Một trong những tấm gương như thế là lòng nhân ái và gương hy sinh của bác sĩ Trần Hữu Ngoạn. Phải chăng đó là một người đang thực hành con đường Bồ tát hạnh mang lại an lạc hạnh phúc, an lạc cho nhân sinh?

Ông Trần Hữu Ngoạn

B. NỘI DUNG

Chương 1. Tiểu sử và sự nghiệp Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn

Trần Hữu Ngoạn, một bác sĩ chuyên về bệnh phong và da liễu tại Việt Nam. Ra đời vào ngày 10 tháng 9 năm 1934, bác sĩ Ngoạn là con trai thứ trong một gia đình tiểu thương bình dị nhưng hiếu học tại làng cổ Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học Tiểu học tại trường Yên Thái, trung học tại trường Bưởi nay là trường Chu Văn An, tốt nghiệp phổ thông tại trường Paul Fracois Puginier, nay là trường Việt Đức, Hà Nội. Sau đó, ông thi đậu vào khoa Da liễu trường Đại học Y Dược vào năm 1956.

Khi còn là sinh viên năm cuối, năm 1961, bác sĩ Ngoạn đã kết hôn với cô giáo người Hà Nội – Phạm Thị Yến. Cô đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc và nguồn động viên chính trong những lần sóng gió trong sự nghiệp của bác sĩ.

Năm 1962, tốt nghiệp đại học, bác sĩ đã đề đạt nguyện vọng được nghiên cứu chăm sóc bệnh nhân phong và nhận công tác tại khu điều trị phong Quỳnh Lập – Quỳnh Lưu – Nghệ An. Chính nơi đây đã làm thay đổi cuộc đời và tư tưởng sống của bác sĩ.

Đến năm 1968 ông được kết nạp Đảng. Cũng vào năm này, khu điều trị Quỳnh Lập bị lính không quân Mỹ bắn phá, bác sĩ được điều về khu bệnh nhân phong tại bệnh viện Bạch mai, Hà Nội. Khi đất nước sắp hòa bình, năm 1974, bác sĩ Ngoạn được cử làm giám đốc Bệnh viện phong Quỳnh Lập. Tại đây, trong vòng 10 năm, cùng với sự giúp đỡ của các văn nghệ sĩ trong tỉnh và Hà Nội, ông đã cho xây dựng một mô hình mới về bệnh phong cả cơ sở hạ tầng và nhân sự. Những thay đổi đó đã làm thay đổi cuộc sống bệnh nhân phong tại đây và thay đổi cả cách nhìn nhận của dư luận xã hội về căn bệnh “quái ác” này.

Tháng 5 năm 1984, bác sĩ Ngoạn được Bộ Y tế chuyển công tác vào làm giám đốc Bệnh viện phong Quy Hòa, Quy Nhơn, Bình Định. Trong mười năm sau đó, ông đã xây dựng bệnh viện thành một thí điểm cho mô hình mới về việc chăm sóc bệnh nhân phong tại Việt Nam. Sau những thay đổi này, đến năm 1994, bác sĩ được điều về làm chuyên viên tại Vụ điều trị Bộ Y tế. Năm năm sau đó, bác sĩ Ngoạn nghỉ hưu. Mặc dù nghỉ hưu nhưng ông vẫn viết sách, viết báo, tham luận…. Năm 2001, ông đã cho xuất bản cuốn sách duy nhất của cuộc đời là Bệnh phong - lý thuyết và thực hành do nhà xuất bản Y học ấn hành. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn luôn đồng hành cùng những bệnh nhân phong qua những chương trình từ thiện do chính ông tổ chức.

Bắt đầu từ năm 2003, sức khỏe ông yếu dần, bị liệt nửa người, ngồi xe lăn. Lúc này, các con ông trở thành bác sĩ và người vợ thành điều dưỡng của ông. Đến ngày 22 tháng 5 năm 2014, Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang thôn Văn Ấp, Xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam1.

Chương 2. Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn qua lăng kính Đạo đức học Phật giáo

2.1. Ước mơ và động lực

Sinh ra trong gia đình hiếu học tại một ngôi làng cổ của vùng đất kinh đô, những kiến thức học được trên ghế nhà trường và đặc biệt những hình ảnh về bệnh nhân phong cùi trong cuộc sống đã tác động lớn đến ước mơ của cậu bé Trần Hữu Ngoạn.

Vốn đam mê âm nhạc cổ điển từ nhỏ, ông đã theo học đàn vĩ cầm và tố chất thiện nguyện có sẵn, ông ước mơ trở thành một người như bác sĩ Albert Scheweitzer – một nhà thần học, nhạc sĩ và bác sĩ y khoa người Đức đã dùng toàn bộ tiền giải thưởng Nobel hòa bình của mình để xây dựng khu điều trị phong tại Trung Phi.

Khi còn nhỏ, làng cổ nơi ông ở là khu đồng không mông quạnh. Vào những buổi trưa hè thường thấp thoáng những bóng người qua lại. Ông được biết đó là những người bị phong cùi. Không biết nhiều về họ nhưng mỗi khi thấy bóng dáng họ, ông lại cảm thấy băn khoăn. Qua những câu chuyện kể về họ làm người nghe rơi nước mắt, những thái độ kỳ thị, hất hủi của xã hội đối với họ càng làm ông trăn trở và thôi thúc ước mơ của ông. Với tính hiếu học và lòng thương cảm, ông muốn tìm hiểu rõ về căn bệnh này, muốn chữa trị cho những người bị bệnh phong để xóa bỏ khoảng cách xã hội đối với họ. Và đúng như ước nguyện, sau đó ông đã trở thành một bác sĩ bệnh phong tài đức nổi tiếng có tiếng vang lớn trong và ngoài nước bởi chính những hành động và việc làm mà không ai có thể làm được. Bên cạnh đó, ông vẫn nuôi dưỡng đam mê âm nhạc của mình và còn áp dụng niềm đam mê này vào các công trình xây dựng trong các bệnh viện phong.

Qua đó, chúng ta thấy ngay từ nhỏ Trần Hữu Ngoạn là một người đầy dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, biến ước mơ thành sự thật, thành những hành động giúp ích cho đời và cho người. Chính những việc thực hiện ước mơ của ông đã làm thay đổi cả cái nhìn của xã hội về những bệnh nhân phong.

2.2. Dấn thân- lấy mình làm thí nghiệm

Trong bài hát “Một Đời Người, Một Rừng Cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có đoạn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Quả thật, người đời phần đa đều muốn chọn những công việc nhẹ nhàng, dễ làm, ít có người chọn lựa ngược lại, âu đó cũng là tâm lý chung của thế nhân. Nhưng bác sĩ Trần Hữu Ngoạn thì không như vậy, ông rời gia đình, vợ con để đi đến làm việc ở bệnh viện chăm sóc, chữa trị, sống chung với những người bệnh phong cùi. Điều mà một người bình thường dễ mấy ai làm được, nhưng bằng tất cả tấm lòng bác sĩ đã mang ngọn lửa tình thương đến để sưởi ấm nơi đây.

Sinh ra trong thời chiến, miếng ăn còn khó khăn nên việc được đi học đối với người dân cũng rất là khó. Do đó, để hiểu biết về một căn bệnh, đặc biệt là bệnh phong lúc bấy giờ quả là rất hiếm. Vào thời đó, bệnh phong còn là cái gì đó rất khủng khiếp với xã hội. tuy nhiên, chính trong những hoàn cảnh khó khăn đó đã xuất hiện những con người phi thường, dám nghĩ, dám làm, đem lại lợi ích cho xã hội. Trong số đó có một bác sĩ đã từng làm chấn động dư luận một thời, đó là bác sĩ Trần Hữu Ngoạn. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thủ đô nhưng bác sĩ đã chọn cho mình con đường dấn thân và gắn bó với những bệnh nhân phong những nơi gần như tách biệt với bên ngoài.

Là sinh viên khoa da liễu, những tháng ngày là sinh viên thực tập, ông đã từng chứng kiến cảnh người đi khám bệnh, biết mình bị cùi hủi là về nhà tự tử. Sự xa lánh, kỳ thị của chính những người thân trong gia đình và các y bác sĩ với các bệnh nhân phong. Sự dấn thân đầu tiên của ông cho việc xóa bỏ sự kì thị đó là vào sống chung với bệnh nhân phong. Sau khi tốt nghiệp, mới cưới vợ được 2 tháng, ông đã tạm biệt người vợ trẻ nhận công tác ở khu chữa bệnh phong Quỳnh Lập. Mặc dù ở cương vị giám đốc nhưng lúc nào ông cũng bên cạnh chữa trị và động viên người bệnh. Tại đây, ông đã thực hiện ba cùng với cán bộ và bệnh nhân phong: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Bằng cả sự nhiệt huyết của mình, ông đã xây dựng cơ sở này thành mô hình khoa học và đầy nhân ái.

Những người khi biết mình mắc căn bệnh này họ thường lăn lộn gào khóc, họ bị người thân bỏ rơi, có người tự tử ngay sau khi biết mình mắc bệnh. Không gì là tự nhiên cả, chính những cư xử sợ hải, lánh xa, lo sợ, kì thị của chính những người thân quen và mọi người xung quanh, đã vô tình làm cho bệnh nhân rơi vào trạng thái đó. Vậy chúng ta nên có một thái độ như thế nào đối với họ? Điều họ cần nhất lúc này là sự đồng cảm, quan tâm, yêu thương giúp đỡ, chứ không phải là những thái độ lạnh nhạt vô tâm đến như thế. Chúng ta hãy tự đặt bản thân mình vào trong đó thì chúng ta sẽ tự rút ra cho mình một thái độ cư xử đúng cách. Nhưng mấy ai có đủ từ tâm để làm được những việc đó. Chính bác sĩ Trần Hữu Ngoạn đã hy sinh tất cả tuổi thanh xuân, mái ấm gia đình để vào trại phong cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người mắc bệnh phong cùi. Ông quan điểm rằng: “Xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta sống với nhau bằng lòng nhân ái”2.

Không những vậy, trong 10 năm ông làm giám đốc, nhằm xoá bỏ sự kỳ thị và xa lánh bệnh nhân phong, ông đã nỗ lực biến trại phong Quy Hòa xơ xác ngày nào đã trở thành một khu Du lịch văn hóa vườn tượng danh nhân Y học và sân khấu ngoài trời ngay bên bờ biển, trong khuôn viên khu điều trị.

Tháng 10 năm 1984, bác sĩ Ngoạn tới thăm Bệnh viện Da Liễu Nha Trang, tại đây có một số giường cho bệnh nhân phong. Nhân viên y tế nơi này có thái độ phân biệt không tốt với các bệnh nhân phong. Bác sĩ Ngoạn đã giải thích về công việc nhưng các nhân viên y tế không tin. Cùng với sự chứng kiến của Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang, tiến sĩ vi trùng học Nguyễn Thị Thế Trâm và nhiều bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn đã lấy 200 milligram u phong tiêm vào người mình. Ông thực hiện điều đó vì tin vào kiến thức Y học và nhằm chứng minh việc bệnh phong không lây nhiễm để xóa mặc cảm cho người bệnh. “Sách vở ngành y thì từ lâu đã khẳng định: bệnh phong (hủi) rất khó lây tỉ lệ lây do tiếp xúc vợ chồng suốt đời cũng chỉ là 2-3%. Các thứ thuốc đặc trị cho bệnh phong cũng đã chứng tỏ hiệu nghiệm”3. Mặc dù, được khẳng định như thế nhưng mấy ai chịu tin và dám can đảm làm như ông. Ai cũng muốn bảo vệ bản thân, muốn bản thân được bình an, ít có người có được hành động cao cả đó. Ngay cả những người có kiến thức rõ về bệnh nhưng họ vẫn tỏ thái độ muốn xa lấn, lo sợ khi tiếp xúc. Điều này càng khiến bác đau lòng mà nói rằng: “Người bệnh phong có tội gì mà bị hắt hủi! Suốt đời mang tên thằng hủi, chết chôn rồi vẫn đeo tiếng mả hủi”4. Yêu thương chăm sóc bệnh nhân càng nhiều thì ông càng đau lòng khi thấy bệnh nhân bị kì thị, xa lánh. Ông đã tự thân mình thực nghiệm để biết rõ ngọn nguồn, vượt ra ngoài những định kiến của thế gian. Bác sĩ không tin vào tin đồn, truyền miệng, truyền thống…mà bằng chính bản thân trải nghiệm, thí nghiệm, học tập, nghiên cứu để biết rõ về căn nguyên của căn bệnh. Đức Phật đã từng dạy những người dân Kalama rằng: “chớ tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì nghe truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói…”5. Mặc dù, xã hội dị nghị xa lánh, nhưng ông vẫn giữ vững lập trường dựa trên thực nghiệm của chính bản thân, ông không hề có một chút thối chí hay nhụt lòng. Bằng tình thương đó, sự hy sinh đó đã mang lại nguồn động lực, niềm tin cho bệnh nhân.

Trong đạo đức học Phật giáo có sáu loại hình đạo đức, những việc làm của ông theo đạo đức học Phật giáo thì đó chính là đạo đức học vị tha, đạo đức học trách nhiệm, đạo đức học ứng dụng. Bản thân là một bác sĩ chữa trị bệnh phong hủi, ông không chỉ làm tròn trách nhiệm bổn phận của mình mà còn vượt xa hơn với tình thương yêu dành cho bệnh nhân hết mực chân thành, tận tuỵ. Một thầy thuốc đầy đủ tâm đức, tuệ đức. Không cần ai sai khiến mà những hành động của ông xuất phát từ trái tim. “Đạo đức học vị tha là một loại hình đạo đức vượt ngoài phạm vi giới luật và trách nhiệm cá nhân, nhắm đến lợi ích lớn nhất, vì người khác mà làm. Điều này thể hiện tinh thần Bồ-tát đạo”6. Hành Bồ-tát hạnh, nghĩa là mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều hướng về chúng sinh, vì lợi ích chúng sinh. Hành động bác sĩ tiêm chủng bệnh vào người đã đủ chứng minh rằng đó là việc làm không phải của người bình thường. Chỉ có những hạnh nguyện của các vị Bồ-tát mới làm được như thế. Không chỉ thế, suốt cuộc đời ông chỉ hy sinh cho ngành y, cho bệnh nhân, ông không màng đến lợi ích cá nhân, không một lần nghĩ cho riêng mình.

Là một người xuất gia, chúng ta nên dấn thân nhiều hơn nữa, hãy trãi rộng tình thương yêu đến tất cả, đừng chỉ nói trên lý thuyết mà hãy áp dụng và thực hành. Đức Phật dạy các đặc tính của một người chăm sóc bệnh: “Này các Tỳ-khưu, có năm đặc tính của một người có khả năng săn sóc người bệnh. Năm đặc tính đó là gì? 1. Người ấy biết cách pha thuốc; 2. Người ấy biết cái gì có lợi, cái gì có hại, vì thế người ấy cho những gì có lợi và cất giữ những gì có hại; 3. Người ấy săn sóc bệnh nhân vì lòng từ mẫn, không phải vì quyền lợi vật chất; 4. Người ấy không thấy ghê tởm dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra, hay đàm mủ; 5. Người ấy có khả năng thỉnh thoảng chia sẻ những bài Pháp thoại để giải thích, khích lệ, làm cho người bệnh phấn khởi, hoan hỷ. Đó là năm đặc tính của một người có khả năng săn sóc người bệnh”7. Tất cả những đặc tính đó đều có ở trong con người vĩ đại của bác sĩ, chỉ trừ phần thứ năm thì chúng ta chưa thấy rõ. Nhưng chúng ta thấy rằng bác sĩ đã giáo hoá bằng thân giáo, đã chăm sóc bệnh nhân về mặt thể xác lẫn tâm hồn, qua những việc làm như biến trại phong thành khu vườn tượng hay sân khấu tạo thành khu giải trí cho bệnh nhân. Qua đây, chúng ta thấy ông không những chăm lo về sức khoẻ mà kể cả đời sống sinh hoạt vui chơi trí, làm cho những người bệnh lấy lại được niềm tin cuộc sống, có động lực cho họ bước tiếp.

2.3. Khước từ danh vọng

Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn được nhiều người phong cho rất nhiều danh hiệu với sự kính nể lẫn khinh miệt như "Bác sĩ điên khùng", "Bác sĩ thích dây dưa với hủi", "Người của người bất hạnh", "Người của lòng nhân ái", "Người xúc cảm với bệnh nhân phong". Dù khen hay chê đối với ông không quan trọng, điều quan trọng nhất đó là làm sao cho bệnh nhân hết bệnh, làm sao cho bệnh nhân hết tự ti mặc cảm. Dũng cảm, kiên cường, quyết chí để vượt qua căn bệnh này. Đó là điều mà ông mông muốn nhất, hạnh phúc nhất.

Sự hy sinh cao cả của ông đã làm rung động hàng triệu con tim bao người, tên tuổi, danh tiếng ấy đã lan xa đến tất cả mọi người. Không chỉ thế ông được chọn để trao danh hiệu thầy thuốc ưu tú. Nhưng ông đã từ chối làm hồ sơ để nhận danh hiệu thầy thuốc ưu tú, anh hùng lao động. “Tháng 8 năm 1995, Liên hiệp Bệnh viện phong quốc tế (International Leprosy Union) của Ấn Độ đã bầu chọn bác sĩ Ngoạn để trao giải thưởng quốc tế Ghandi”8. Ông cũng khiêm tốn từ chối nhận vì cho rằng những đóng góp của mình không xứng đáng nhận giải thưởng cao quý này. Bộ Y tế đã đề nghị bác sĩ Ngoạn nhanh chóng làm hồ sơ để kịp đi nhưng bác sĩ Ngoạn đã viết thư trả lời: “Tôi làm công tác phục vụ bệnh nhân phong đã lâu, thấy người bệnh đang còn bao nỗi khổ mà bản thân vì nhiều lý do chưa phục vụ họ được nhiều lắm. Từ nay đến cuối đời, tôi sẽ để tâm trí phục vụ họ nhiều hơn nữa. Khi nào thấy mình xứng đáng với giải thưởng lấy tên là Gandhi, lúc đó tôi sẽ làm hồ sơ nhận giải thưởng”9.

Theo nội dung trên, ta thấy rằng cách sống và làm việc của ông chẳng khác gì đức tính cao quý “xả phú cầu bần” hay “thiểu dục tri túc” của một người con Phật. Không giống như người đời tham đắm của cải vật chất, cứ mãi rong ruổi đuổi bắt những những thứ không thật, để rồi cuối cuộc đời được gì ngoài nghiệp mình mang theo. Ông nguyện sống cuộc đời giản đơn mà đức hạnh, thương yêu chăm sóc những bệnh nhân cùi nghèo cùng khốn khổ. Tình thương ấy thật bao la rộng lớn tựa như một người cha yêu thương con cái của mình vậy, không chút so đo, không phần tính toán, chỉ một lòng mong muốn con mình được yên vui, hạnh phúc.

Luận bàn về tài sản, người đời thường chỉ nghĩ tới sự sở hữu nhiều thứ như nhà cửa, đất đai, tiền tài…và cho rằng càng có trong tay nhiều những thứ ấy thì càng được tiếng sang giàu, do vậy họ tìm đủ mọi phương cách để nhằm thỏa mãn cho kỳ được điều ấy. Thế nhưng, mấy ai biết rằng, xây dựng tài sản vật chất chỉ là một phần của cuộc sống. Sẽ là một thiếu sót nếu như mỗi cá nhân và xã hội chỉ chăm chăm vào gầy dựng tài vật mà khinh suất hay quên bẵng đi việc làm phong phú tài sản tinh thần. Trong quá trình phát triển, sự mất quân bình giữa vật chất và tinh thần sẽ tạo ra những lỗ hổng nghiêm trọng về các vấn đề liên quan đến đạo đức, nhân cách của con người.

Một nữ tu ở Quy Hòa kể: Một lần ông Ngoạn được bộ trưởng y tế mời đến họp. Ông bộ trưởng nói với bác sĩ Ngoạn rằng: người ta khi gặp ông lớn thường xin ba điều đó là cho tăng lương, tăng chức hoặc cho về ở gần gia đình. Anh nên xin một điều gì cho chính mình. Ông Ngoạn trả lời ngay: “Lương đối với tôi tương đối đủ sống. Chức thì anh biết rồi đó, đối với tôi chỉ là một trò cướp giật. Còn về ở gần gia đình thì người thầy thuốc ưu tiên là người của bệnh nhân trước đã”10. Qua đây chúng ta cũng thấy được rất rõ về con người ông, không màng danh lợi mà còn hiểu rất rõ về chốn quan trường. Ông cho rằng chức vị chỉ là trò cướp giật. Đúng thật vậy địa vị tên tuổi chỉ là một giả danh nó không thật, chỉ là một cái tên tạm gọi mà thôi. Nhưng biết bao người chỉ vì một cái giả danh đó mà phải dùng mọi thủ đoạn, mưu kế để đạt được mục đích. Theo quan điểm Phật giáo mà nói ông đã đoạn trừ được tham lam, ích kỉ thay vào đó bằng tâm hỷ xã, tận tuỵ giúp người giúp đời. Muốn ít biết đủ giúp con người bằng lòng với hiện tại, với những gì mình đang có. Không vì giàu có mà ăn chơi sa đoạ, không vì nghèo đói mà cướp giật. Hạnh phúc không nằm ở tiền tài danh vọng, nó nằm ở trái tim biết yêu thương chia sẻ, cống hiến, mang đến an lạc hạnh phúc cho mình cho người. Do đó, điều mà ông quan tâm không phải là địa vị danh vọng, mà chính là những người bệnh đang khổ sở, đang tuyệt vọng, đang bị xã hội xa lánh, đây mới là mục đích sống của ông.

Suốt một cuộc đời chỉ biết cống hiến tận tuỵ đối với bệnh nhân phong cùi. Cho đến khi không còn làm công tác quản lý, hễ có dịp ông lại đến nơi những bệnh nhân phong để gặp gỡ, thăm hỏi và làm công tác từ thiện. Cả cuộc đời sống giản dị, âm thầm và gắn bó với bệnh nhân phong, ông chỉ biết cho mà không nhận, thậm chí khi được đề nghị làm hồ sơ để công nhận thầy thuốc ưu tú, anh hùng lao động, hay nhận giải thưởng giải thưởng quốc tế Ghandi, ông cũng không muốn. Hoà thượng Minh Châu đã viết rằng: “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc cho con người, đề cao giá trị con người, một nếp sống trong sạch, thanh tịnh, lành mạnh, loại bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, một nếp sống đi đôi với lạc, không đi đôi với khổ…sống hài hoà với thiên nhiên, với con người, một nếp sống vô ngã vị tha”11. Qủa thật những việc làm của ông xuất phát từ trái tim, làm không phải vì danh lợi, làm không phải để người khác tán thán, làm với tâm vô ngã, vị tha.

Chương 3. Thực trạng đạo đức hiện nay và ứng dụng tu tập bản thân

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…” Trong cuộc sống luôn cần có những tấm lòng biết yêu thương và sẻ chia, phải biết cho đi thì mới có thể nhận lại được. Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại, dường như con người càng trở nên khép mình, thờ ơ, thiếu quan tâm đến những người xung quanh hơn.

Con người không ai là không bệnh, không ai là chết, vậy mà chúng ta nở lòng nào có những định kiến bất di bất dịch như thế? Trong tác phẩm Chí Phèo của Nam cao có câu: “Tôi muốn làm người lương thiện, nhưng không ai cho tôi lương thiện”. Đôi khi chính xã hội, môi trường đã tạo nên con người ta như thế. Dưới sự áp bức, bất công giữa con người với con người…đã khiến họ phải đứng lên nói tiếng nói của mình. Có ai muốn mình là người xấu xa, hung tợn nhưng chính hoàn cảnh buộc họ phải như thế. Nhưng mấy ai thấu hiểu cho nổi khổ niềm đau của người khác, hay chỉ biết thoả mãn điều mình mong muốn, chỉ để đạt được mục đích. Có lúc do hoàn cảnh, xã hội, môi trường hay những biến cố lớn trong cuộc đời đã làm con người ta thay đổi. Nhưng không vì vậy mà chúng ta lấy đó để đánh giá phẩm chất một con người. Trong phút giây đó, trong chốc lát đó họ có lỡ làm sai nhưng đó chưa chắc là con người họ như thế. Đừng nhìn trên lăng kính của mình mà đặt cho họ một định kiến. Cũng thế, ai trên thế gian muốn mình bệnh, muốn những người xung quanh xa lánh. Nhưng sự thật quá phủ phàng khi những người bệnh đang rơi vào ngõ cụt, đang dần mất đi cơ hội được sống, nếu không có một lời động viên, hay một hành động thương yêu thì cũng đừng tỏ thái độ kì thị.

Là một người con Phật chúng ta hãy noi theo tấm gương sáng của đức Từ phụ. Bằng cả tâm từ bi Ngài đã thương yêu muôn loài, không phân giàu nghèo, không phân biệt chủng tộc…Ngài đều độ khắp. Sau đây là một việc làm rất xúc động, khi chính tay đức Phật chăm sóc cho đệ tử. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh kiết lỵ. Vị ấy nằm dài ở đống phân và nước tiểu của chính mình, bị lem luốc, Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị Tỳ-kheo ấy đang nằm dài ở đống phân và nước tiểu của chính mình, bị lem luốc, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần vị tỳ khưu ấy và hỏi vị ấy bị bệnh gì? Tỳ-kheo ấy trả lời đức Phật bị bệnh kiết lỵ. Lúc đó, Đức Phật hỏi có người phục vụ không? Vị ấy trả lời không có vì trước kia vị ấy không có làm gì cho các tỳ khưu, do đó các tỳ khưu không phục vụ.

“Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ananda rằng: - “Này Ananda, hãy đi và mang nước lại. Chúng ta sẽ tắm cho vị tỳ khưu này. Rồi đại đức Ananda nghe theo đức Thế Tôn đã mang nước lại. Đức Thế Tôn đã xối nước. Đại đức Ananda đã rửa ráy toàn bộ. Rồi đức Thế Tôn đã đỡ phần đầu, đại đức Ananda ở phần chân, đã nâng lên và đặt ở trên giường”12. Đức Phật là một bậc thầy cao cả, Ngài đã đích thân làm những việc người khác không làm. Thông thường chúng ta thường nói “có qua thì có lại”, nếu như vậy thì quá bình thường, đó không phải tình thường xuất phát từ trái tim, mà đó là tình thương có điều kiện. Vị Tỷ-kheo trên chỉ vì không làm gì cho người khác mà đến lúc bị bệnh không ai đoái hoài đến. Là một tu sĩ từ bỏ ngôi nhà thế gian để vào ngôi nhà Phật pháp thì Sư trưởng chính là cha mẹ, huynh đệ bạn bè chính là anh em. Do đó, chúng ta phải biết yêu thương giúp đỡ nhau trong lúc ốm đau hoạn nạn, có vui cùng hưởng có hoạ cùng chịu theo tinh thần lục hoà. Đây là một nếp sống thiền môn, đức hạnh cao quý của người con Phật.

Mục đích của một tu sĩ đó là trên cầu thành Phật dưới hoá độ chúng sinh, như vậy nổi đau của chúng sinh chính là niềm đau của chính mình. Vì thế, chúng ta phải trải rộng lòng từ thương yêu muôn loài, học theo hạnh của đức Từ phụ. Đức Phật dạy chúng ta rằng: “Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc Ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta. Sỡ dĩ như thế là vì nay Ta đích thân coi sóc người tật bệnh. …Săn sóc người bệnh tức là đã săn sóc ta không khác. Các Thầy sẽ luôn luôn được phước đức lớn”13.

Một tấm gương mà chúng ta cần noi theo đó là đức hạnh của ngài Ma-ha-ca-diếp, qua hành động của Ngài đủ chứng minh cho chúng ta thấy bệnh phong cùi không dễ dàng lây. Những dị ghị, thái độ kì thị cần được lên án. Hãy cho họ một cơ hội được sống được hoà đồng với mọi người với xã hội. Đôi khi những lời nói hành động vô tâm của chúng ta khiến bệnh nhân không chết vì bệnh mà chết thì hành động cư xử của chúng ta. Do đó, mỗi chúng ta phải có một tâm thái bao dung hoà đồng khi tiếp cận với những bệnh nhân phong cùi. Dưới đây là một câu chuyện kể khi Ngài Ma-ha-ca-diếp đi khất thực gặp một người cùi:

“Từ trú xứ bước xuống Ta vào thành khất thực Ta cẩn thận đến gần Một người cùi đang ăn Với bàn tay lở loét Nó bỏ vào một muỗng Khi bỏ vào muỗng ấy Ngón tay rời rơi vào Dựa vào một chân tường Ta ăn miếng ăn ấy Đang ăn và ăn xong Ta không cảm ghê tởm Miếng ăn đứng nhận được Xem như thuốc tiêu hơi Chỗ nằm dưới gốc cây Và y từ đống rác Ai thọ dụng chúng được Được gọi người bốn phương”14.

C. KẾT LUẬN

Nếu ví cuộc đời này là một trường ca bất tận thì có lẽ, lối sống sẻ chia, cho đi là còn mãi là một nốt trầm sâu lắng chứa đựng giá trị nhân sinh sâu sắc về cách ứng xử của con người trong cuộc sống. Cho đi là cách ta sẻ chia, giúp đỡ ai đó về mặt vật chất hoặc tinh thần. Cho đi làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, yêu đời hơn, làm cho chính bản thân ta hoàn thiện hơn, cảm nhận cuộc đời này có ý nghĩa hơn. Không chỉ vậy cuộc sống là một ngọn núi, có lúc dốc, có lúc bằng phẳng khác nhau, bởi vậy luôn cần đến những con người biết chia sẻ, biết cho đi. Cuôc sống này còn nhiều những mảnh đời bất hạnh, họ cần lắm một ánh lửa sẻ chia từ chúng ta, đôi khi chỉ là cái nắm tay thật chặt, cái vỗ vai, lời an ủi, động viên cũng phần nào giúp họ. Nhắc đến lẽ sống đẹp này, chúng ta lại nhớ tấm gương sáng soi của bác sĩ Trần Hữu Ngoạn đã cống hiến trọn đời mình cho bệnh nhân phong hủi. Một nghĩa cử cao đẹp, bác là người đầu tiên tiêm hàng nghìn trực khuẩn phong hủi vào người nhằm đánh tan thái độ kì thị, xa lánh của xã hội đối với bệnh nhân phong hủi. Qua lăng kính của đạo đức học Phật giáo thì đó một việc làm vô ngã đầy tính vị tha. Cuộc sống thanh bạch, không mưu cầu danh lợi, thiểu dục tri túc.

Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn sẽ mãi in đậm trong trái tim mọi người đặc biệt là trái tim của bệnh nhân phong hủi. Trong cuộc sống nếu chúng ta biết quan tâm chăm sóc cho người khác thì tấm lòng vị tha đó cũng chính là hương thơm từ bi và đức hạnh sẽ lan toả khắp muôn phương.

Trái với hành động đẹp biết sống cho đi, cần lên án những người chỉ biết sống ích kỉ, luôn lo sợ, xa lánh kì thị đối với bệnh nhân phong cùi. Chúng ta cần phải biết mỗi ngày sống là một trải nghiệm, được yêu thương, được sẻ chia là điều hạnh phúc nhất. Cuộc sống sẽ tuyệt vời biết bao khi mỗi con người sẵn sàng cho đi, sẻ chia đối với những người xung quanh mình. Khi chúng ta có sự chia sẻ và quan tâm lẫn nhau thì cả người trao lẫn người nhận đều có được những tặng phẩm quý giá nhất của cuộc đời. Sự chia sẻ này góp phần làm cho nhân cách mỗi cá nhân trở nên hoàn thiện hơn. Những hành động cao cả sẽ đọng mãi nơi ký ức tốt đẹp của bạn bè, gia đình và xã hội. Sự chia sẻ luôn mang lại niềm vui, hạnh phúc, sức khỏe, và thậm chí là cả sự sống cho con người. Chỉ cần thật tâm, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mất đi khi chia sẻ những gì mình có, bởi vì cho đi là còn mãi.

Nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đã cảm xúc trước cuộc đời của bác sĩ Trần Hữu Ngoạn và viết nên vở kịch "Loài hoa bất tử". Lưu Quang Vũ đã lấy nguyên mẫu nhân vật chính trong tác phẩm là bác sĩ Ngoạn. Nhà biên kịch đã ca ngợi tinh thần dũng cảm, kiên cường của bác sĩ, người đã tuyên chiến với vi khuẩn Hansen và cách mà người bác sĩ đã cùng sống với các bệnh nhân phong của ông. Lưu Quang Vũ xem bác sĩ Ngạn như một bông hoa tỏa hương thơm ngát.

Tác giả: Thích Nữ Hạnh Từ Học viên Cao học Khóa V Học viện PGVN tại Tp.HCM ***

Chú thích: (1) Bách khoa toàn thư mở Trần Hữu Ngoạn, https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Hữu_Ngoạn#cite_note-Báo_VietNamNet-3 Truy cập 5/8/2020. (2) http://giadinh.net.vn/y-te/vinh-biet-nguoi-ban-cua-benh-nhan-phong-20140523041135111.htm truy cập 6/8/20. (3) https://www.facebook.com/notes/hà-khánh/bác-sĩ-trần-hữu-ngoạn-30-năm-sống-với-bệnh-nhân-phong/309583859160402/truy cập 6/8/20. (4) https://www.facebook.com/notes/hà-khánh/bác-sĩ-trần-hữu-ngoạn-30-năm-sống-với-bệnh-nhân-phong/309583859160402/truy cập 7/8/20. (5) HT. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi Bộ I, Chương 3, Phẩm Lớn, VNCPHVN ấn hành, tr.336. (6) ĐĐ. Giác Hoàng(2018), Đạo đức học Phật giáo, tr10. (7) HT. Thích Minh Châu dịch (2018), kinh Tăng Chi Bộ tập I, chương 5 pháp, XIII. Phẩm Bệnh, kinh Săn sóc bệnh, Nxb Tôn giáo Hà Nội, tr. 736. (8) https://tuoitre.vn/lay-than-minh-tiem-khuan-phong-lam-thi-nghiem-1338873.htm truy cập 11/8/20. (9) https://tuoitre.vn/lay-than-minh-tiem-khuan-phong-lam-thi-nghiem-1338873.htm truy cập 11/8/20. (10) https://tuoitre.vn/lay-than-minh-tiem-khuan-phong-lam-thi-nghiem-1338873.htm truy cập 22/8/20 (11) Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Nxb Tôn giáo Hà Nội, tr.3 (12) Tỳ Khưu INDACANA dịch (2017), Tam tạng Việt ngữ, tập 05, Bộ Hợp phần, Đại Phẩm, tập II, VIII. Chương Y phục, Câu chuyện về vị bị bệnh, NXB.Tôn giáo, tr. 193-194. (13) Kinh Tăng nhất A-hàm (1997), tập I, phẩm Nhập đạo, VNCPHVN ấn hành, tr.142. (14) HT. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ III, Trưởng lão Tăng kệ chương XVIII, Phẩm Bốn Mươi Kệ, Nxb Tôn giáo Hà Nội, tr.479-480.

THƯ MỤC THAM KHẢO 1.HT. Thích Minh Châu dịch (2017), Kinh Pháp Cú, Nxb Hồng Đức Hà Nội. 2.HT. Thích Minh Châu dịch (2018), kinh Tăng Chi Bộ I, chương 5 pháp, XIII. Phẩm Bệnh, kinh Săn sóc bệnh, Nxb Tôn giáo Hà Nội. 3.HT. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu Bộ III, Trưởng lão Tăng kệ chương XVIII, Phẩm Bốn Mươi Kệ, Nxb Tôn giáo Hà Nội. 4.Kinh Tăng nhất A-hàm (1997), tập I, phẩm Nhập đạo, VNCPHVN ấn hành. 5. Đại Phẩm, tập II, VIII. Chương Y phục, Câu chuyện về vị bị bệnh, Nxb Tôn giáo. 6.Thích Nữ Trí Hải dịch (1999), Nhật Bồ Tát Hạnh, Nxb TP. Hồ Chí Minh. 7.ĐĐ. Thích Giác Hoàng (2018), Đạo đức học Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam. 8.Tỳ Khưu INDACANA dịch (2017), Tam tạng Việt ngữ, tập 05, Bộ Hợp phần, 9.Damien Keown (2013), Nguyễn Thanh Vân dịch, Đạo đức học Phật giáo, Nxb Tri thức. 10. Thích Chân Quang (2012), Tâm Lý Đạo Đức, Nxb Tôn giáo Hà Nội. 11.Thích Chơn Thiện(2000), Tăng già thời Đức Phật, Nxb Tôn giáo Hà Nội. 12. Thích Nhật Từ (2017), Kinh Phật Về Đạo Đức Và Xã Hội, Nxb Hồng Đức.