4. Ứng dụng hạnh tu Bồ tát Thường Bất Khinh vào trong đời sống tu tập hiện nay

Bằng năng lượng yêu thương rộng lớn, Bồ tát muốn thức tỉnh tính Phật đang bị ngủ say trong các hành giả xuất gia và tại gia trên bước đường tu học Phật pháp.

Thường Bất Khinh gặp ai Cung kính lễ phép thưa Anh chị sẽ thành Phật Vì có sẵn Phật tính Siêng tu pháp lục độ Sống tích cực từ bi Làm việc thiện giúp người Tôi mãi luôn kính lễ Không bao giờ dám khinh Chúng ta cũng như vậy Muốn an vui hướng thượng Học Bồ tát Bất Khinh(1).

Đạo Phật hiện hữu giữa cuộc đời này, không phải đào tạo ra con người yếm thế, bi quan, không biết gì, mà đào tạo hành giả Bồ tát cứu nhân độ thế. Chính vì thế, là một hành giả tu học Phật pháp, dấn thân hoằng pháp thì không nên:

Giải đãi trụy lạc Thường hành tinh tấn Phá phiền não ác Tồi phục tứ ma Xuất ấm giới ngục(2).

Những hình tượng cao đẹp như ông trưởng giả cứu các người con chơi giỡn trong ngôi nhà lửa, ông trưởng giả thuê gã cùng tử về hốt phân, người bạn thân có việc đi xa bèn dấu viên ngọc trong chéo áo người bạn nghèo, Bồ tát Bất Khinh thức tỉnh tứ chúng tu học giác ngộ Phật tính... Bồ tát Thường Bất Khinh, dù gặp những khó khăn, có thể mất mạng nhưng vẫn không hề thối chuyển sở hành của Ngài, chứng tỏ tâm hồn Ngài lắng im cùng tột. Bồ tát đã mang chính thân ngũ uẩn của Ngài xả thân hành pháp để về vô ngã và rốt cuộc Ngài đã thành tựu. Lẽ nào chúng ta là những người xuất gia với trách nhiệm “sứ giả Như Lai, đại Phật tuyên dương Phật pháp” lại không lo tu tập vun trồng đạo hạnh tự thân, sao để cho những phiền não nhiễm ô mãi quấy rầy. Khi hành giả đã phát nguyện trì kinh Pháp Hoa cần phải ghi nhớ sâu sắc tấm gương sáng của Bồ tát Thường Bất Khinh: dù hiện hữu ở nơi nào cũng trang trải phước lành đến đó, không bị hoàn cảnh chi phối, không bị nghịch cảnh làm thối chí.

Mặc dù, Bồ tát Bất Khinh đã giác ngộ tri kiến Phật nơi mình, nhưng vì Ngài chưa đủ công hạnh và uy đức nên giáo hóa mọi người không nghe. Để rèn luyện sức định lực nhẫn nhịn, oai nghi đạo hạnh tu tập và trí tuệ rộng lớn, hành giả cần hạ thủ công phu tọa thiền, kinh hành, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, bố thí cúng dường,…ngõ hầu noi theo gương hạnh Bồ tát Thường Bất Khinh “gieo hạt giống tốt vào mảnh đất tâm chúng sinh”.

Do vì vô minh điên đảo, niệm niệm sinh diệt nối nhau không dứt, để rồi cứ mã lún chìm sâu trong hố sinh tử luân hồi khổ đau. Một mai trực nhận ra bản tâm, chẳng tự khinh mình, nhận rõ mình là Thường Bất Khinh Bồ tát thì sẽ “Không làm mọi điều ác. Thành tựu các hạnh lành. Tâm ý giữ trong sạch. Chính lời chư Phật dạy”(3). Hành giả luôn có niềm tin kiên cố tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin nhân quả và tin chính mình và công phu tu tập vun bồi hạt giống tự tâm hằng ngày ngõ hầu tâm Bồ đề kiên cố, hành các thiện pháp, nỗ lực công phu tu tập tự thân, và hóa độ chúng sinh đang trôi lăn trong biển khổ sinh tử. Trong sinh hoạt thường nhật, mình phải làm chủ được ý niệm, làm chủ được suy nghĩ, bởi vì:

Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý ô nhiễm Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe chân vật kéo. Nếu với ý thanh tịnh Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng không rời hình(4).

Nhờ làm chủ được ý niệm, hành giả tu tập sẽ làm chủ được lời nói, làm chủ được hành động, tin tưởng nơi mình có tri kiến Phật thì sẽ tinh tấn tu hành thành Phật, không còn gây tạo nghiệp chướng và tổn hại đến chúng sinh nữa. Bên cạnh đó, chính mình cũng không để cho tự ngã dấy khởi nghĩ rằng mình thấy có tri kiến Phật thì mình đã là Phật, rồi cống cao ngã mạn, làm điều càng quấy, thật là hết sức nguy hiểm. Bởi vì, chính tâm ngã mạn sẽ đánh đổ toàn bộ công đức tu tập của chúng ta, lúc ấy đọa vào tam đồ ác đạo, thật luống uổng phí công tu hành bấy lâu nay. Chính vì thế, hành giả cần thực hành hạnh khiêm tốn, nhẫn nhục của Bồ tát Thường Bất Khinh để đường đường chính chính dấn thân trên con đường Phật pháp thênh thang sáng suốt, đừng vì một phút mê lầm mà rơi vào con đường nhỏ hẹp tối tăm.

Khi trong ta lóe lên những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, khó chịu, chán nản, bất an, phiền muộn trong mình, thay vì tìm cách chối bỏ và gạt chúng sang một bên, thì hành giả hãy quán sát thấu đạo, học cách yêu thương những cảm giác khó chịu trong ta, thực tập lòng bao dung vị tha, như thể người mẹ nâng niu con nhỏ trong chiếc chăn ấm áp và đầy tình thương. Chính điều đó sẽ khiến những cảm giác sân giận, những nỗi ưu phiền dần dần ngủ yên thực sự, những vết thương lòng sẽ thôi đau đớn và những cảm xúc tiêu cực hại người sẽ từ từ không còn chỗ tồn tại trong chúng ta. Hành giả thực tập sống đơn giản bình dị, không đắm mình trong lối sống xa hoa ngũ dục, tâm bao dung độ lượng, tu tập đức khiêm hạ ngõ hầu tiêu mòn những hẹp hòi “cái Ta” thì sẽ gần với đạo hơn, gần tịnh độ hơn, gần bờ giải thoát hơn, cuộc sống sẽ an vui hạnh phúc hơn.

Vì mạng mạch Phật pháp, cho nên khi đến cư ngụ nơi khác, nhìn thấy đại chúng trú xứ đó không gắng công tu tập, nên Tỳ-kheo Bất Khinh đã khích lệ đại chúng hãy tu tập chứng ngộ “quý Ngài đều sẽ thành Phật”. Bồ tát sách tấn mọi người ý thức thực hành sáu pháp lục hòa, tuân thủ thanh quy thiền môn, luôn sách tấn nhau tu tập, biết lắng nghe ý kiến của người khác để nhiếp phục lại chính mình mà nỗ lực tu hành chân chính diệt tận khổ đau. Ngày ngày trôi qua, hành giả luôn răn nhắc chính mình rằng:

Lời sỉ nhục ta nghe ra răn dạy Người dạy ta là thiện tri thức của ta Nhờ ân sư mà đạo lực kiên cường Lòng thánh thiện, ta thọ dụng vô vàn an lạc. Câu hủy báng, ta không quan tâm để dạ Kết oan cừu nào có lợi chi Để minh chứng sức từ nhẫn vô sinh Hãy mở rộng cửa lòng bao la như biển(5).

Tâm chúng sinh như thể làn sóng và nước. Khi gặp thuận duyên thì tĩnh lặng sáng suốt, tâm Phật với những đặc tính tốt đẹp và cao thượng, từ bi, chân thật, khiêm tốn, nhẫn nại, vị tha, bao dung, hỷ xả,… thể hiện ra bên ngoài khiến ai thấy cũng hoan hỷ, thương kính, quý trọng và gần gũi. Còn khi gặp nghịch cảnh trái ý nghịch lòng thì những tính xấu như tham lam, ích kỷ, ganh ghét, thù hận, tranh giành, hơn thua,… bộc lộ ra ngoài nhìn ai cũng thấy chán ghét, xa lánh. Chính trong đời sống tham muốn quá nhiều, luôn tìm cách thỏa mãn tham muốn, thiếu năng lượng yêu thương thật sự, thiếu năng lực bao dung nhẫn nại, ít thực hành nhìn lại chính mình,... nên khi người khác có một xúc phạm nhỏ bèn khởi sân hận, thậm chí trừng mắt, lớn tiếng mắng chửi, mặt mày nhăn nhó, thậm chí đánh nhau nữa. Trong thiền môn thì huynh đệ tương tàn, giận hờn nhau; trong gia đình thì cha con, anh em giết hại lẫn nhau; chốn học đường hay tập thể thì gây thương tích, bạo tàn lẫn nhau hơn cả loài chim cú, diều hâu; độc hiểm hơn cả loài ong, bò cạp hay sao? Chính vì thế:

Hận thù diệt hận thù, Đời này không có được. Không hận diệt hận thù, Là định luật ngàn thu(6).

Nhẫn nhục và từ bi là phương thuốc hữu hiệu đối trị tâm sân giận trước những nghịch cảnh trái ý. Ngày ngày dụng công bái sám, lễ Phật sám hối, tọa thiền định tâm, biết lắng nghe và thấu hiểu… giúp cho mỗi người vững tâm trước những lời khen chê được mất, luôn tìm cách hóa giải những chướng duyên trong đại chúng một cách đúng đắn. Chính vì thế, việc vun trồng phước đức, thực hành pháp tu Bát chính đạo, điều chỉnh những sai phạm của mình trước, lấy tư tưởng từ bi sống chan hòa đại chúng và cứu độ khắp tất cả các loài hữu tình, ngõ hầu đem lại sự an lạc cho tự thân nói riêng và cho chúng sinh nói chung. Hãy đem trái tim yêu thương và hiểu biết san sẻ cho tập thể nói riêng và mọi người nói chung. Ca dao có câu:

Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Tất cả chúng sinh trong vạn vật vũ trụ này đều có mối tương quan tương duyên với nhau “tất cả các pháp không tách rời một pháp mà có, một pháp không rời khỏi tất cả pháp mà tồn tại” (7). Như trong kinh Phụ mẫu báo ân, đức Phật dạy tất cả đệ tử rằng: chúng sinh trong tam giới từng là cha, là mẹ, là anh chị em quyến thuộc của nhau. Thử nghĩ xem, nếu một em bé thất lạc cha mẹ ngay từ rất nhỏ, khi lớn lên dù được gặp lại, em cũng không thể nhận ra đó là cha mẹ của mình, hà huống từ vô thỉ kiếp đến nay, sao ta có thể nhận ra quyến thuộc của mình trong sáu nẻo luân hồi. Do đó, mình phải quán chiếu tất cả chúng sinh đều là quyến thuộc của mình thì tâm Từ bi mới phát khởi dễ dàng, nhờ đó mà chúng ta mới thành tựu được hạnh nguyện độ sinh “Mỗi người như đóa hoa sen góp phần tô điểm sơn hà đẹp tươi. Mỗi người như một nụ cười để cho nhân loại cùng vơi nỗi sầu”.

Mây kết tụ thành muôn hình vạn trạng, hợp rồi lại tan trước những đổi thay “thành - trụ - hoại - không” nhưng bản chất của mây không bao giờ mất. Dòng thời gian trôi qua chóng vánh, mình vội vã chạy theo ngũ dục lục trần, quên mất đi việc thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương, thì sẽ có biết bao người chết vì giá lạnh. Cuộc sống sẽ trở nên khô cằn và lạnh lẽo nếu thiếu tình thương yêu rộng lớn, con người sẽ sống đời sống đầy mưu toan, tàn hại lẫn nhau chỉ vì tham lam ích kỷ. Cuộc sống thiếu tình thương sẽ nhuốm đầy tang thương, chết chóc. Đời sống cần kết nối thương yêu, xoa dịu niềm đau, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển, thế giới an bình.

Trong thời buổi hiện nay và mai sau, những người học Phật dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc, tấn tu Bồ tát hạnh và thành tựu Phật quả, hãy học theo hạnh Bồ tát Thường Bất Khinh đem chính pháp đi vào cuộc đời, lan tỏa khắp mọi miền đất nước và truyền khắp các châu lục, ngõ hầu xây dựng một xã hội đạo đức an bình, một thế giới hòa bình hữu nghị.

5. Kết luận

Hình ảnh Thường Bất Khinh Bồ tát là một tấm gương hoằng pháp vĩ đại mà hàng hậu học chúng ta cần phải noi theo. Đức Phật nhắc nhở hàng đệ tử phải luôn cảnh tỉnh chính bản thân mình, điều chỉnh những sai lầm mắc phải, ngày ngày hạ thủ công phu tu tập trau dồi đạo hạnh, gieo trồng thiện duyên với các chúng sinh bằng tâm từ bi, bằng tâm hỷ xả thì mọi việc đều trôi chảy hanh thông, vượt thoát mọi chướng duyên. Sự tinh cần trong các thời khóa công phu hằng ngày, chính niệm tỉnh giác trong lời nói, trong hành động và trong suy nghĩ; nghiêm trì thực hành giới luật tránh xa những mật ngọt cám dỗ của thế gian, tâm định tĩnh trước những thô tế lăng xăng của ngoại cảnh và trí tuệ quán sát chặt đứt những sợi dây phiền não trói buộc đó như là tham lam, sân giận, si mê, mạn, nghi, tà kiến,… thì mới thoát khỏi trầm luân sinh tử khổ đau, chứng đắc từng phần Thánh quả, hướng đến thành tựu tri kiến Phật.

Một lòng kính lạy Phật đà, Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai, Con nguyền mặc áo Như Lai, Con ngồi pháp tòa Như Lai muôn đời.

Kỳ II, tiếp theo Tạp chí NCPH số 168

Thích Thiện Mãn - Học viên Thạc sĩ khóa III, Học Viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2021

---------------

CHÚ THÍCH: (1) Hạnh Tuệ (2017), Hạnh phúc minh trần, Nxb Lao động, Tp. HCM, tr. 237-238. (2) Thích Nguyên Ngôn (1995), Kinh Bát đại nhân giác lược giảng, Thành hội PG Tp. HCM ấn hành, tr. 87. (3) Thích Minh Châu Việt dịch (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền (13q), Kinh Tiểu bộ (5 tập, tập I), kinh Pháp cú kệ số 183, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 68. (4) Thích Minh Châu Việt dịch (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền (13q), Kinh Tiểu bộ (5 tập, tập I), kinh Pháp cú kệ số 1 và 2, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 41. (5) Thích Từ Thông dịch (2013), Chứng đạo ca trực chỉ đề cương, Nxb Tôn giáo, tr. 56-57. (6) Thích Minh Châu Việt dịch (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền (13q), Kinh Tiểu bộ (5 tập, tập I), kinh Pháp cú, Nxb Tôn giáo, HN, tr. 41. (7) Thích Hạnh Bình dịch (2007), Phật giáo và cuộc sống, Nxb phương Đông, tr. 133.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Hạnh Bình dịch (2007), Phật giáo và cuộc sống, Nxb phương Đông. 2. Thích Minh Cảnh chủ biên (2016), Từ điển Phật học Huệ Quang (8 tập), Nxb Tổng hợp Tp. HCM. 3. Thích Minh Châu Việt dịch (2018), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền (13q), Nxb Tôn giáo, HN. 4. Thích Nguyên Chơn chủ biên (2018), Hương hoa vườn giáo pháp (5 tập), Nxb Hồng Đức 5. Thích Huệ Đăng (2010), Luận giảng Diệu pháp Liên hoa kinh toàn tập, Nxb Tôn giáo, HN. 6. Thích Thiện Hoa (2015), Phật học phổ thông (3q), Nxb Tôn giáo, HN. 7. Thích Thanh Kiểm (1990), Đại ý kinh Pháp Hoa, Thành hội PG Tp. HCM ấn hành. 8. Thích Nguyên Ngôn (1995), Kinh Bát đại nhân giác lược giảng, Thành hội PG Tp. HCM ấn hành. 9. Thích Trí Quảng (1991), Lược giải kinh Pháp Hoa, Thành hội PG Tp. HCM ấn hành. 10. Thích Thiện Siêu (1999), Kinh Pháp Hoa giữa các kinh điển Đại thừa, Nxb Tp. HCM. 11. Tuệ Sỹ dịch (2007), Tinh hoa triết học Phật giáo, Nxb phương Đông. 12. Thích Từ Thông dịch (2010), Pháp Hoa thâm nghĩa đề cương, Nxb Tôn giáo, HN. 13. Trần Quang Thuận (2008), Phật giáo Nhật Bản, Nxb Tôn giáo, HN. 14. Thích Trí Tịnh (2017), Kinh Diệu pháp liên hoa (tái bản lần thứ mười bảy), Nxb Tôn giáo, HN. 15. Hạnh Tuệ (2017), Hạnh phúc minh trần, Nxb Lao động, Tp. HCM.