Tác giả: Thích Nữ Ngọc Hạnh Chùa Hội Tôn, ấp 8, xã Quới Sơn, Châu Thành, Bến Tre

Hội Tôn cổ tự ngày nay thuộc ấp 8, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ngôi già lam này được Hòa thượng Long Thiền khai sơn tạo tự năm 1740 dưới triều vua Lê Hiển Tông (Đàng Ngoài) – thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (Đàng Trong).

Đây là ngôi chùa có niên đại xưa nhất tỉnh Bến Tre; so với chùa Giác Lâm (TP.Hồ Chí Minh), chùa Tây An (Châu Đốc), chùa Tam Bảo và chùa Phù Dung (Hà Tiên) chùa Hội Tôn, tỉnh Bến Tre được xếp vào hàng cỏ tự ở miền tây Nam bộ.

Hội Tôn cổ tự hiện nay.

Đất phương Nam nói chung hay Bến Tre nói riêng, vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII, vẫn còn là vùng hoang vu, lầy lội, là nơi sinh tồn của nhiều loại dã thú, lại thêm thời tiết khắc nghiệt; vì vậy mà công cuộc khai khẩn đất hoang mở rộng lãnh thổ của các chúa Nguyễn gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Tất cả những lưu dân đến đây đều phải chống chọi với nhiều loại chướng khí, bệnh tật, thú dữ rình rập; hơn lúc nào hết niềm tin tâm linh là điểm tựa tinh thần mạnh mẽ nhất giúp người dân vững vàng hoàn thành sứ mạng mở mang vùng đất hoang hóa. Trong dòng người tham gia công cuộc Nam tiến vĩ đại đó có Hòa thượng (HT) Long Thiền, vị tu sĩ từ bi, đầy trí tuệ... HT.Long Thiền tên thật là Đạt, người gốc Quảng Ngãi, thuở nhỏ tu học tại chùa Núi Đá, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi [1]. Ngài hiểu rằng ánh sáng của Phật pháp cần phải được chiếu soi đến vùng đất này, ánh sáng ấy như ngọn đuốc rực sáng vực dậy tinh thần và ý chí quật cường cho dòng người mở cõi khai hoang. Ngài đến để song hành cùng bà con tiếp thêm nguồn sức mạnh tâm linh giúp họ đối mặt hiểm nguy, đẩy lùi gian khó, tiến đến một đời sống mới ấm no, hạnh phúc và bình yên nhất. HT.Long Thiền đã theo dòng người di cư đi thuyền vượt biển đến cửa Đại vào sông Tiền, nhận thấy nơi hợp cảnh, hợp tình Ngài quyết định dừng chân tại vùng cù lao Bến Tre cùng người dân phá rừng dọn đất.

Lúc bấy giờ, Ngài gặp được gia đình bà Cù Thị Báu và con gái là Trần Thị Mỗi; hai vị này đã hiến cúng phần đất của mình cho Hòa thượng dựng ngôi thảo am nhỏ làm nơi tu hành và đặt tên là Hội Tông tự (về sau đến khoảng giữa thế kỷ XIX đời vua Thiệu Trị do kỵ húy vua là Nguyễn Phúc Miên Tông nên chùa đổi tên thành Hội Tôn Tự).

Trong suốt quá trình hoằng đạo, ngoài việc truyền trao giáo lý Phật đà, Ngài còn dạy cho bổn đạo cũng như cư dân trong vùng cách đóng thuyền bè, đan lưới, ươm tơ, dệt vải và kể cả việc truyền dạy võ nghệ phòng cho những lúc thú dữ tấn công… Năm Nhâm Dần (1782), hổ dữ tấn công dân làng, HT.Long Thiền đứng ra lập kế “ly ngưu sát hổ” giúp người dân ổn định cuộc sống. Bá tính quanh vùng nhớ ơn Ngài, hợp nhau xây dựng lại ngôi thảo am ngày nào, khanh trang hơn để bổn đạo có nơi về lễ Phật, tu tập. Lưu dấu cho sự kiện này là bức hoành phi hình chữ nhật đề “Hội Tông Tự” bằng Hán tự kiểu chữ triện, hiện nay đang được treo phía trên, trước Điện Tổ.

Hoành phi “Hội Tông Tự” được tạo tác năm 1782.

Cuối thế kỷ XVIII, trong chuyến về thăm quê hương, HT.Long Thiền lâm bệnh rồi viên tịch tại Quảng Ngãi, chùa Hội Tôn bấy giờ không có người trông coi, chăm sóc hương quả. Trước tình hình này, bổn đạo quanh vùng tìm đến chùa Đức Lâm, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) thỉnh Hòa thượng Khánh Hưng về Hội Tôn kế thế trụ trì, đưa ngôi già lam này phát triển hưng thịnh. Đầu thế kỷ XIX, HT.Khánh Hưng cùng bổn đạo bắt đầu khuyết trương tôn tạo lại hoàn toàn ngôi già lam, kiến trúc trong lần xây dựng này gồm 03 gian: phía trước là gian tiền đường thờ 06 vị Hộ pháp, ở giữa là gian Chính điện thờ Phật và Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí v.v…, phía sau là gian Hậu Tổ thờ di ảnh và linh vị chư vị trụ trì.

Sân chùa khá rộng là một hoa viên trồng nhiều hoa kiểng, trước đó có ao phóng sinh, bên cạnh có trồng một cây dương ước chừng đến nay đã ngoài 200 năm tuổi. Khuôn viên của chùa từ trước đời HT.Quảng Đạo trụ trì gồm 27 hecta đất ruộng và vườn; chứng tích còn để lại là 05 ngôi bảo tháp nằm riêng lẻ tại các khu vực quanh chùa Hội Tôn hiện nay:

1. Tháp của Hòa thượng Khánh Hưng và Hòa thượng Tâm Định là 02 bảo tháp nằm phía Tây trong khuôn viên chùa hiện nay.

2. Tháp của Hòa thượng Bảo Chất nằm tại khu vườn phía Tây cách khuôn chùa hiện tại của chùa 200 mét.

3. Tháp Hòa thượng Chơn Tịnh nằm về hướng chính Nam ngang trước cổng chính của chùa cách khuôn viên 100 mét.

4. Tháp Hòa thượng Quảng Giáo nằm về phía Tây Nam tại một khu vườn khá xa ngoài 300 mét.

Từ giữa thế kỷ XIX đến những thập niên đầu của thế kỷ XX, lính Pháp ở Mỹ Tho mở nhiều cuộc ruồng bố lớn vào làng Quới Sơn để đàn áp tinh thần nổi dậy của nhân dân. Trong mỗi cuộc càn quét của họ đều rất đông người già, phụ nữ, trẻ em “chạy giặc” đến chùa, được các sư tăng hết lòng bảo vệ. Từ năm 1926 đến năm 1945, cùng với phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Quới Sơn, chùa Hội Tôn sớm trở thành nơi hội họp thường xuyên của lực lượng yêu nước vùng Hòa Quới. Trong đó có các ông như Lê Văn Xuyên (Thiên Địa Hội), Lưu Văn Hò (Hội kín Nguyễn An Ninh), Võ Minh Khai (Quốc Gia Đảng), Lê Quang Chuẩn và Trần Văn Cấm (Việt Nam Thanh Niên Đồng Chí Hội), bác sĩ Trần Hữu nghiệp (Mặt trận Việt Minh)… Sôi nổi nhất là trong năm 1945, sân chùa được dùng làm nơi tập luyện võ nghệ của lực lượng Thanh niên Tiền Phong do ông Phan Lương Trực làm thủ lĩnh (viên đá mài gươm của họ cân nặng 12 kg hiện còn lưu tại Nhà Bảo Tàng Quân Sự Tỉnh Bến Tre, do một nữ phật tử tên gọi Bùi Thị Nguyện cất giữ từ năm 1946; đến năm 1975 bà đem giao nộp cho Nhà Bảo Tàng Bến Tre).

Năm 1945, hưởng ứng chủ trương của Đảng và Chính Quyền Việt Minh, sư Quảng Đạo giao hẳn quyền sử dụng 20 hecta đất vườn và ruộng của nhà chùa cho 60 hộ nông dân phật tử, không còn thu tô như trước. (Sau 30/4/1975, nhà chùa tiếp tục hiến thêm cho chính quyền cách mạng hơn 06 hecta đất để trang trải cho dân nghèo, nhà chùa chì còn quản lý gần 01 hecta đất đến nay)

Đầu năm 1946, Pháp tái chiếm Cù lao An Hóa và tỉnh Bến Tre. Tại Quới Sơn, mặc dù Pháp đã chiếm đóng 02 đồn ở Phú Thành Đông và Phú Thành Tây ven sông Tiền nhưng sân chùa Hội Tôn vẫn còn là nơi tập luyện quân sự của lực lượng dân quân tự vệ xã. Sau đó cũng tại sân chùa, tăng, ni, phật tử cũng vinh dự được chứng kiến Lễ Tuyên Thệ của hàng trăm cán bộ chiến sĩ đơn vị Vệ Quốc Đoàn mang tên Phân đội Lê Lợi thuộc chi đội 17 Tỉnh đội Mỹ Tho do ông Phan Lương Trực làm chính trị viên và ông Lê Bài làm phân Đội Trưởng. Giữa năm 1946, giặc Pháp chiếm đóng thêm 01 đồn tại cầu Quới Lợi, chỉ cách chùa Hội Tôn 400 mét, nhưng các sư tăng của chùa vẫn thường xuyên liên lạc với cán bộ Việt Minh cung cấp tình hình âm mưu hoạt động phía lính Pháp.

Tháng 7/1946, trong một cuộc ruồng bố lớn của tiểu đoàn lính Bắc Phi, lính Pháp vô cớ bắt 20 người dân Quới Thạnh Đông – Quới Hưng – Quới Lợi. Trong đó có 03 vị đệ tử chùa Hội Tôn, tất cả đều bị đưa về đồn khảo tra tàn nhẫn để tìm nơi ẩn náo của cán bộ Việt Minh. Lúc bấy giờ, HT.Quảng Đạo tranh thủ được sự đồng tình của tên Đội Chỉ, đứng ra bảo lãnh cho tất cả 20 người bị bắt được trả tự do. Hành động này của nhà sư đã khiến nhân dân Quới Sơn vô cùng vô cùng cảm kích. Từ đó sư Quảng Đạo chính thức trở thành thành viên bí mật của Mặt Trận Việt Minh làng Quới Sơn do ông Ngô Văn Thâu làm chủ tịch [2].

Tháng 9/1949, tại chùa Hội Tôn, phòng ngủ của sư Quảng Đạo được lực lượng công an xung phong vùng An Hóa dùng làm nơi “ém quân” để chờ đánh tên Léon le Roy đi đám cưới từ Tân Thạch trở về Bình Đại. Ngày hôm đó các chiến sĩ Sanh, Cối của lục lượng công an xung phong do ông Bảy Thiều chỉ huy hoàn thành nhiệm vụ bắn trọng thương tên Léon LeRoy tại ngã ba lộ Diệu trên đường 17 (Nay là tỉnh lộ 883) khiến hắn bị mất 01 chân, phải đưa về Pháp dưỡng thương và làm chân giả.

Sau đình chiến từ năm 1954 – 1956, làng lính Quới Sơn cùng mật vụ và công an Ngô Quyền luôn coi chùa Hội Tôn là điểm tình nghi nuôi chứa cán bộ cộng sản, nên họ thường xuyên có mặt quanh chùa để theo dõi, xét hỏi và ngăn cấm người lạ mặt, nhưng các sư tăng vẫn kiên gan, bền chí nuôi dấu an toàn ông Tô Bửu (cán bộ huyện huấn của khu) và ông Ba Năng (huyện ủy Sóc Sải).

Năm 1959, Dân biểu quốc hội Sài Gòn là Bùi Quang Út, giữ đúng theo lời hứa của mình với ông Tô Bửu và ông Ba Năng; sau khi được đắc cử liền vận động một số nhà hảo tâm, cùng các tăng, ni, phật tử chùa Hội Tôn tôn tạo mở rộng gian chính điện bằng vật liệu nặng nhưng vẫn không mất phần cổ kính. Từ đó, chùa Hội Tôn không còn gian Tiền Đường và tượng Hộ Pháp được đưa vào thờ chung trong chính điện.

Từ năm 1960 đến năm 1968, cùng với phòng trào cách mạng không ngừng lớn mạnh của nhân dân Quới Sơn, chùa Hội Tôn lại trở thành nơi hội họp, đóng quân của Chi bộ – Xã hội và các Ban ngành xã. Trong thời gian này, khu vực chùa Hội Tôn xảy ra nhiều trận đánh của các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và xã, khiến lính ở Chi khu Trúc Giang lấy làm cay cú. Chúng đặt chùa Hội Tôn vào “vùng tự do pháo kích, tự do oanh tạc”. Do vậy, khoảng thời gian từ năm 1969 đến năm 1972, có tới hàng trăm quả đại bác của địch rơi trúng vào khu vực quanh chùa bao gồm khu hoa viên, chính điện, hậu Tổ làm chết 02 nữ Phật tử là bà Nguyễn Thị Hai và bà Hồ Thị Chính, mái chùa bị hư hỏng nặng, một số tượng Phật bị gãy đổ không còn khả năng phục chế.

Năm 1975, sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, thủ tọa Phước cùng bổn đạo tiến hành công việc trùng tu nhưng chỉ làm được công trình tôn tạo cổng chùa bên ngoài Lộ chùa với biển đề Hội Tôn Cổ Tự. Đến năm 1989, bổn đạo họp bầu Ban Trị sự do ông Phạm Văn Chư làm Trưởng ban, được Ủy ban nhân dân xã Quới Sơn cho phép. Ông Chư cùng bổn đạo lập kế hoạch tiếp tục trùng tu tôn tạo cảnh chùa. Đến năm 1992, Thượng tọa Thích Hoằng Đạt được Tỉnh Hội Phật giáo Bến Tre quyết định bổ nhiệm về Hội Tôn Cổ Tự nhận lãnh trách nhiệm trụ trì nhằm chấn chỉnh ngôi vị Tổ đình cho ngôi già lam này. Từ sau năm 1992, TT.Thích Hoằng Đạt vừa nhanh chóng ổn định nề nếp sinh hoạt trong bổn đạo, vừa ra sức hoàn thành trùng một số hạng mục như: Dọn cũ, trồng mới hoa kiểng khi hoa viên và khu Thiên tỉnh; phục chế các tượng Phật và bàn ghế bị hư hỏng trong chiến tranh; dùng ngói thay tôn lợp mới gian Hậu Tổ; xây dựng mới 02 dãy Đông và Tây lan nối liền gian Hậu Tổ và gian chính điện; xây dựng mới một miếu thờ Phật Tổ tham thiền và 02 miếu thờ Sơn thần, Thủy thần tại hoa viên; xây dựng mới hai cổng Đông và Tây môn dẫn vào gian chính điện và nhà khách nam, nữ; trùng tu mặt tiền chính điện thượng 03 tượng Tam Thế Phật ở gian giữa và đắp 02 cảnh Phật tích ở 02 gian bên cạnh.

Hội Tôn cổ tự giai đoạn 1992 – 2008.

Đến năm 2008, chùa Hội Tôn xuống cấp nghiêm trọng; khu chính điện, hậu Tổ… hư mục không thể tiếp tục trùng tu, HT.Hoằng Đạt – vị trụ trì hiện tại quyết định xây dựng mới lại toàn bộ chùa để bổn đạo phật tử có nơi về lễ Phật, tụng kinh an toàn. Nhưng tâm nguyện chưa hoàn thành do bệnh duyên Ngài thâu thần viên tịch vào ngày 11/08 Âm lịch năm 2010. Tiếp tục di nguyện thầy Tổ Thượng tọa Thích Minh Hải đã xây dựng được các hạng mục công trình như chính điện (thiết kế trên một tòa sen lớn với 49 cánh hoa sen và 49 thần kim quy), Điện Tổ, 09 trụ rồng tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ Tát phía trên đỉnh, khu Tây phương và công viên Bồ Tát, Liên đài chuông, Liên đài trống, Điện Thánh Tăng Sivaly, Điện Thánh Mẫu Maya,...

Như vậy, từ khi HT.Long Thiền khai sơn (năm 1740) đến năm 2010 chùa Hội Tôn đã trải qua 17 đời trụ trì. Tháng 8/2010, HT.Thích Hoằng Đạt viên tịch, kế thế trụ trì chùa Hội Tôn, tỉnh Bến Tre là đệ tử của HT, Thượng tọa Thích Minh Hải. Thượng tọa trở thành vị trụ trì đời thứ 18 của ngôi già lam này từ năm 2010 đến nay (năm 2022). Hiện tất cả những long vị Tổ khai sơn và chư Tổ sư trụ trì chùa Hội Tôn qua các thời kỳ, cũng như long vị tăng chúng, ni chúng… đều đang được tôn trí trang trọng, thờ tự tại Điện Tổ của chùa. Có thể nói Hòa thượng Long Thiền là vị Tổ khai sơn Hội Tôn Cổ Tự, là người đầu tiên đưa ánh sáng Phật giáo Bắc Tông đến đất Bến Tre [2]. Quý Ngài đều là những vị cao tăng thạc đức, đã tô điểm ngôi cổ tự này ngày càng nguy nga, tráng lệ hơn, nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam. Các thế hệ trụ trì chùa Hội Tôn từ khi thành lập đến nay gồm:

1. Hòa thượng Long Thiền giai đoạn 1740 – 1799 2. Hòa thượng Khánh Hưng (Tổ Trí – Khánh Hưng) giai đoạn 1800 – 1826 3. Hòa thượng Bảo Chất (Tiên Tịnh – Bảo Chất) giai đoạn 1826 – 1850 4. Hòa thượng Quảng Giáo (Minh Chánh – Quảng Giáo) giai đoạn 1850 – 1875 5. Hòa thượng Tâm Định (Như Ưng – Tâm Định) giai đoạn 1875 – 1908 6. Giáo thọ Chánh Hòa (Như Niệm – Chánh Hòa) giai đoạn 1908 – 1910 7. Hòa thượng Chơn Tịnh (Chơn Tịnh – Nguyên Thế) giai đoạn 1910 – 1932 8. Giáo thọ Quảng Tài (Minh Thu – Quảng Tu) giai đoạn 1932 – 1934 9. Hòa thượng Tâm Thông (Tâm Thông – Thục Hảo) giai đoạn 1937 – 1944 10. Hòa thượng Quảng Đạo giai đoạn 1944 – 1952 11. Hòa thượng Thiện Tường (Thanh Giới – Chơn Như) giai đoạn 1957 – 1962 12. Hòa thượng Hiển Pháp (Ngộ Chơn – Thiện Chơn) giai đoạn 1962 – 1965 13. Đại đức Thiện Hồng giai đoạn 1965 – 1968 14. Ni sư Giác Hòa giai đoạn 1972 – 1975 15. Giáo thọ Phước (Quảng Huệ – Thục Phước) giai đoạn 1975 – 1986 16. Đại đức Thiện Tánh giai đoạn 1986 – 1992 17. Hòa thượng Hoằng Đạt (Nhựt Quang – Lệ Thiện) giai đoạn 1992 – 2010 18. Thượng tọa Thích Minh Hải giai đoạn từ 2010 đến nay (năm 2022)

Hội Tôn Cổ Tự hiện nay còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử – văn hóa như:

- Bức hoàng phi bằng chữ Hán đề “Hội Tông tự” được tạo tác năm 1782 dưới thời HT.Long Thiền trụ trì.

- Một giâm trống, một giá trống làm bằng gỗ quý, là khúc gỗ do HT.Khánh Hưng cùng bổn đạo tìm thấy lúc đào giếng lấy đất tôn cao nền chùa năm 1804.

- Một đại hồng chung bằng đồng đường kính 0,6 m, cao 1,5 m đúc tại Huế do bổn đạo phát tâm cúng năm 1805 sau khi đã xây dựng xong ngôi chùa lần thứ nhất.

- Bộ tượng Thập Điện Diêm Vương và một số tượng cổ bằng đồng do HT.Tâm Định ra Huế đúc năm 1886

- Một số mộc bản có niên đại lịch sử vào khoảng thế kỷ XVIII, XIX; đặc biệt là Bản Mạn Đà La hoa sen có giá trị văn hóa tâm linh rất cao.

- Ngoài ra còn có một cây dương cổ thụ ngoài 200 năm tuổi trồng thời HT.Khánh Hưng, một cây khế 150 năm tuổi được phật tử hiến cúng vào thời HT.Hoằng Đạt trụ trì.

Điện Tổ của chùa Hội Tôn hiện nay.
Đại hồng chung được đúc năm 1805.
Mộc bản Mạn Đà La hoa sen.

Tác giả: Thích Nữ Ngọc Hạnh Chùa Hội Tôn, ấp 8, xã Quới Sơn, Châu Thành, Bến Tre

***

[1] Huỳnh Minh (2001), Kiến Hòa (Bến Tre) xưa, Nxb Thanh niên, Bến Tre. [2] Thích Hoằng Đạt và Trần Thanh Bảo (2001), Lịch sử những ngôi chùa Phật huyện Châu Thành – tỉnh Bến Tre, Nxb Tôn giáo, Bến Tre.

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/to-dinh-hoi-ton-tinh-ben-tre.html