Từ thời kỳ du nhập đến nay Phật giáo Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm, gắn liền với công cuộc dựng, xây và bảo vệ đất nước. Bài viết này khái quát tư tưởng nhập thế của các dòng Thiền du nhập và qua một số Thiền sư tiêu biểu từ Thiền sư Khương Tăng Hội; Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông, Thiền phái Thảo Đường, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đến một số dòng phái trong phong trào phục hưng Trúc Lâm thời Lê - Nguyễn như: Thiền phái Lâm Tế và Thiền phái Tào Động, là cơ sở để mạch Thiền Phật giáo duy trì, tồn tại và phát triển đến ngày nay ở Việt Nam.

1. Thiền sư Khương Tăng Hội

Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận cho rằng: “Tăng Hội là sáng tổ của Thiền học Việt Nam, ông cũng còn phải được xem là người đầu tiên đem thiền học phát huy ở Trung Hoa nữa”(1). Vì vậy, Khương Tăng Hội được coi là đặt nền móng cho Thiền học Việt và góp phần phát huy Thiền học ở Trung Quốc. Theo các nhà nghiên cứu, Khương Tăng Hội đã trước tác và hành đạo tại Luy Lâu, trung tâm Phật giáo của Giao Châu.

Cha mẹ Khương Tăng Hội gốc người Khang Cư (Sogiane), sang Giao Chỉ buôn bán rồi sinh ra Tăng Hội ở đó. Ông 10 tuổi đã mất cha mẹ nên xuất gia đầu Phật, quyết tâm học đến tinh thông cả Hán ngữ lẫn Phạn ngữ.

Ông đã biên tập nhiều sách Phật dịch, chú giải và viết tựa cho một số kinh Phật. Bộ tác phẩm quan trọng nhất được biết đến hiện nay của ông là Lục độ tập kinh. Theo Nguyễn Lang Tập Nê hoàn Phan Bối là một tập thi ca về đề tài Niết bàn ông tuyển dịch từ những bài thi tụng Phạn ngữ. Lục độ tập kinh của ông văn từ điển nhã tỏ rõ Tăng Hội chẳng thua gì người Trung Hoa thời ấy”(2).

Tư tưởng Thiền nhập thế của Khương Tăng Hội: Ông nhiều lần nhắc tới “Thiền”. Với ông “Thiền” không chỉ là những phương pháp hành đạo mà còn là cả một căn bản triết học về “tâm học”. Trong bài Tựa An Ban Thủ ý kinh chú giải, Khương Tăng Hội nói: “Trong khoảng búng tay, tâm chuyển chín trăm sáu mươi lần, một ngày một đêm, mười ba ức. Ý có một thân, tâm không tự biết, như kẻ gieo kia”(3). An Ban tức là An Na Ba Na nghĩa là hơi thở. Thủ ý là nhiếp tâm, định tâm. An Ban thủ ý tức là dùng phương pháp điều khiển hơi thở để phục vụ tâm ý. Khương Tăng Hội nói: “Người hành giả chứng đắc được phép An Ban thì tâm bừng sáng, dùng cái sáng ấy để quán chiếu thì không gì tối tăm mà không thấy” (Tựa kinh An ban thủ ý). Điều này đã được thể hiện qua việc Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền điểm tâm bừng sáng, tìm ra chân lý. Rõ ràng trước Khương Tăng Hội không ít người đã “thiền”, có người đã nhắc tới thuật ngữ “thiền”. Nhưng chỉ đến Khương Tăng Hội mới mới nâng thiền lên một môn học, có phương pháp. Hẳn là thế nên Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận có lý khi cho rằng: “Thiền học Việt Nam khởi đầu bằng Khương Tăng Hội”. Thiền học Việt Nam nằm trong tâm Bắc truyền Phật giáo thuộc Đại thừa nên Nguyễn Lang có lý khi nói như vậy.

Tư tưởng của Khương Tăng Hội là tư tưởng Phật giáo Thiền. Trong ông vừa có ảnh hưởng của Phật giáo Tiểu thừa, vừa có ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa. “Tư tưởng của Tiểu thừa khiến ông “chính tâm” (làm cho tâm chân chính), khống chế tâm để đạt tới tĩnh lặng vô dục, ngoài ra còn khiến ông tin tưởng ở giáo lý thần thông, linh nghiệm như làm xuất hiện xá lợi Phật để dâng cho Tôn Quyền nước Ngô. Tư tưởng “đại thừa” khiến ông thực hiện “cứu thế”, “cứu khổ”, “cứu nạn”(4) tức nhập thế được thể hiện qua tư tưởng về đạo đức nhân sinh, ông tuyên truyền tư tưởng từ bi, cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo.

Tư tưởng cơ bản về Thiền tông của Khương Tăng Hội rút lại là “Phật tại tâm”. Vì thế mà thiền học cũng gọi là “tâm học” và Thiền tông cũng được gọi là “Phật tâm tông”. Thiền học với tư cách là môn học có phương pháp, được Khương Tăng Hội phân tích đề lên bốn phương cách thiền là: “chính tâm, nhất ý, tập trung điều thiện duy trì từ trong tâm, ý thức những ý niệm dơ bẩn mà khử diệt”.

2. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi

Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi: Bắt nguồn từ Thiền tông Trung Quốc với ông tổ là Bồ Đề Đạt Ma. Theo “Thiền uyển tập anh”, tông phái này gồm 19 thế hệ và 28 vị Thiền sư. “Thiền ở Việt Nam trở thành tông phái bắt đầu từ Tỳ Ni Đa Lưu Chi”(5).

Tỳ Ni Đa Lưu Chi là học trò của Tăng Xán, Tổ thứ ba của Thiền tông Trung Hoa, trước Huệ Năng đến ba thế hệ, thời mà Thiền học Trung Hoa mang nặng dấu ấn của Thiền Ấn Độ - một loại Thiền rất trú trọng tu định và qua tiến bộ trong việc tu định mà trí tuệ Bát Nhã bừng sáng. Vào thế kỷ thứ VI, năm 582 một nhà sư Ấn Độ là Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến chùa Pháp Vân ở Việt Nam và xây dựng nên một dòng thiền đầu tiên ở Việt Nam là dòng Thiền mang tên ông: dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Dòng Thiền này chịu ảnh hưởng của ba cuốn kinh Phật giáo: Lăng già, Tượng đầu tinh xá và Phương Quảng Tổng Trì. Trong đó, kinh Lăng già và Tượng đầu tinh xá mang tư tưởng thiền Bát Nhã, kinh Phương Quảng Tổng Trì mang tư tưởng Mật giáo.

Tư tưởng nhập thế của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi: Thiền phái này giữ vững sự định tâm để cho trí tuệ Bát nhã vốn có trong mỗi con người xuất hiện, đưa con người từ sông mê bể khổ đến bờ bến giác ngộ, giúp con người nhìn ra thực tướng của vạn pháp và chân bản tính của mình. Vì vậy, thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi không đi theo khuynh hướng cực đoan. Mục đích của các Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi là giác ngộ và để đi đến giác ngộ đầu tiên họ phải thanh lọc thân tâm, nhà Phật gọi là “giới”. “Phật giáo Việt Nam lôi cuốn được đông đảo tín đồ, quần chúng chủ yếu không phải bằng giáo lý cao siêu của nhà Phật mà có lẽ chủ yếu bằng nếp sống, tác phong, đạo đức của các Thiền sư”(6). Giới luật đối với các Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi được thể hiện ở việc không tham dục, không tham danh lợi, tin ở nghiệp lực, sống bố thí, không chấp trước.

Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đưa ra quan niệm về Tâm Phật: “tròn đầy như thái hư, không thiếu không thừa, không đi không tới, không được không mất, chẳng một chẳng khác, không thường không đoạn, vốn không chỗ sinh, cũng không chỗ diệt, không lìa xa mà cũng chẳng không lìa xa”(7). Với quan niệm về Tâm Phật như vậy nên Thiền tông chủ trương tu tập thiền định, tập trung tư tưởng để phát huy công năng trực giác của con người trong nhận thức và đạt được Tâm Phật.

3. Thiền phái Vô Ngôn Thông

Dòng thiền này vào Việt Nam từ thế kỷ IX. Theo Thiền uyển tập anh: dòng thiền này trải qua 15 thế hệ và 38 Thiền sư. Một số Thiền sư tiêu biểu: Thiền sư Vô Ngôn Thông, Thiền sư Cảm Thành, Thiền sư Thiện Hội. Thiền phái này mang đậm sắc thái của Phật giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, nó gần gũi với đời sống xã hội, hòa nhập vào đời sống người dân trong khi vấn đề tâm linh vẫn giữ sự độc lập riêng.

Vô Ngôn Thông người Quảng Châu, họ Trịnh, xuất gia tu học tại chùa Song Lâm ở Vũ Châu. Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 15 đời Đường (820). Ông đến Việt Nam, ở lại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, nay thuộc Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

Tư tưởng Thiền của Vô Ngôn Thông ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa sâu đậm hơn Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, biểu hiện ở việc tổ chức tu viện, sử dụng thoại đầu. Kinh điển của Thiền Vô Ngôn Thông không chỉ là bộ Bát Nhã, mà còn nhiều bộ khác như: Viên Giác, Pháp Hoa, nhấn mạnh giáo pháp “vô đắc”, dòng thiền này chủ trương giác ngộ ngay tức khắc, gọi là “đốn ngộ”. Nói cách khác, Thiền Vô Ngôn Thông khuyến khích các biện pháp tu chứng, tự cá nhân nhận thức thế giới bằng “thiền định” (vô đắc), “đạt ngộ” thì tâm là Phật, Pháp cũng là Phật (đốn ngộ). Do nguyên tắc “vô đắc” và giáo pháp “đốn ngộ” mà các Thiền sư Vô Ngôn Thông coi trọng thực tế, nhập thế có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Thiền Vô Ngôn Thông tạo nên cơ sở để người đời gọi Phật giáo là Thiền giáo, gọi tu Phật là tu Thiền, gọi sư tăng là Thiền sư. Từ thế kỷ thứ III, Tăng Hội đã nêu lên tính cách thiết yếu của tâm học và của sự giác ngộ tự tâm như đường lối duy nhất để chứng đạo. Và để thực hiện sự chứng ngộ này, thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh đến nguyên tắc thiền định “vô đắc” (không có đối tượng của sự giác ngộ, sự giác ngộ không thể ai truyền cho mình mà phải tự thực hiện lấy)

“Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết chủ trương con người có thể, trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến”(8). Thuyết “đốn ngộ” được căn cứ trên quan niệm “tâm địa”.

Các Thiền sư của thiền phái Vô Ngôn Thông đều chú tâm vào đạo thiền, làm rõ những nguyên lý, nguyên tắc, con đường, biện pháp của thiền để đưa hành giả tới giác ngộ. Ngoài ra, thiền phái Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng nhiều bởi lối dùng thiền ngữ thi ca. Mặc dù “Thiền học của Vô Ngôn Thông không có mầu sắc của Mật giáo”(9), nhưng cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của Mật giáo thể hiện qua các Thiền sư: Không Lộ, Giác Hải và Nguyện Học.

4. Thiền phái Thảo Đường

Vào thế kỷ XI, có một dòng Thiền thứ ba được truyền bá vào Việt Nam, hình thành nên dòng Thiền Thảo Đường do vua Lý Thánh Tông và thiền sư Thảo Đường sáng lập. Nếu hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và thiền phái Vô Ngôn Thông du nhập từ sớm thì hai dòng thiền này tiếp tục phát triển trong thời Lý.

Thảo Đường vốn là một nhà sư Trung Hoa tu ở Chiêm Thành, trở thành tù binh trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành của vua Lý Thánh Tông vào năm 1069. Khi bị bắt về Đại Việt, do duyên kỳ ngộ mà Thảo Đường được vua Lý Thánh Tông trọng dụng, cho trụ trì chùa Khai Quốc, phong là Quốc sư. Lập nên một dòng Thiền mang tên ông.

Thảo Đường là đệ tử của Tuyết Đậu, một Thiền phái Trung Hoa, thuộc dòng Vân Môn. Thiền phái Tuyết Đậu có đặc điểm bác học, chuộng thi ca, dung hợp Nho giáo và Phật giáo. Do khuynh hướng đó, tư tưởng Thảo Đường hợp thời khi mà thời Lý đạo Phật khá phát triển và đang có nhu cầu bắt rễ vào những Phật tử thuộc tầng lớp Nho sĩ. Thiền sư Thảo Đường đã giảng Tuyết Đậu Ngữ Lục nhiều lần tại chùa Khai Quốc, khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca đã từ đó ảnh hưởng đến hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. “Vì khuynh hướng thiên trọng trí thức và văn chương của nó, thiền phái Thảo Đường không cắm rễ được trong quần chúng mà chỉ ảnh hưởng tới một số tri thức có khuynh hướng văn học”(10). Mặc dù hiện nay không còn tác phẩm nào của Thảo Đường được lưu lại, nhưng có lẽ ông vẫn trung thành với khuynh hướng của thầy Tuyết Đậu là kết hợp giữa Phật và Nho.

Vua Lý Thánh Tông (1054 - 1071) có thái độ thân dân, có lòng nhân từ, cởi mở, đi theo khuynh hướng có tính chất tổng hợp, vừa tôn sùng Phật giáo, lại vừa xây dựng một nền Phật giáo có tính chất tổng hợp, đó là sự kết hợp giữa Thiền (nghĩa là tĩnh lự, là phép tu thiền dẫn con người tới trạng thái tập trung, lắng đọng thân tâm, thần trí, thục nghiệm,

tâm linh, giác ngộ, giải thoát), Tịnh suddha (là sự trong sạch, thanh khiết, không nhiễm ô, phiền não, không còn sinh khởi vọng tưởng, là cõi thanh tịnh, cõi Phật). Lý Thánh Tông đã đi theo khuynh hướng tổng hợp, kết hợp tính chất bác học với tính chất dân gian, giữa văn hóa truyền thống Đại Việt với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Chiêm Thành, “sáng lập ra thiền phái Thảo Đường, một hệ tư tưởng tổng hợp, thống nhất tương xứng với thực tiễn xã hội Việt Nam thời bấy giờ”(11).

5. Phật giáo Trúc Lâm

Xã hội Việt Nam thế kỷ XIII - XIV đã tạo ra những tiền đề cần thiết cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trước hết, sự phân hóa giai cấp ngày một gay gắt và nhiệm vụ lịch sử lớn lao chống lại sự xâm lược của giặc Nguyên - Mông chính là cơ sở xã hội và nhu cầu thực tiễn để hình thành nên Thiền phái này, một Thiền phái vừa thống nhất về mặt tư tưởng tôn giáo triết học, xoa dịu bớt những mâu thuẫn nói trên, vừa mang tính nhập thế tích cực để đoàn kết các lực lượng xã hội chống ngoại xâm.

Nếu tư tưởng triết học của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ bước đầu tạo cơ sở cho sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì Trần Nhân Tông không chỉ là hậu duệ mà còn là người học trò biết tiếp thu và phát triển tư tưởng của tiền bối để trở thành Trúc Lâm đệ nhất tổ.

Trần Nhân Tông và hai vị tổ kế tiếp ông là Pháp Loa và Huyền Quang không chỉ tiếp thu tư tưởng của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ, mà còn tiếp thu và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam, chắt lọc trong đó những yếu tố tư tưởng triết lý chính trị, đạo đức nhân sinh của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Nhờ đó mà tinh thần nhập thế tích cực ở họ luôn được phát huy mạnh mẽ khi đất nước cần.

Tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm trở thành một trong những đặc trưng nổi bật của Thiền Tông Việt Nam và đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Trong cuộc đời mình, dù ngồi trên ngai vàng hay xuất gia tu hành, Trần Nhân Tông đều dốc lòng cho sự nghiệp thực tiễn thế tục và thiện đạo. Trong Tam Tổ hành trạng, Ngô Thì Nhậm đã viết về Phật Hoàng Trần Nhân Tông như sau: “Lĩnh hội được đạo Thiền, vua bèn quyết chí đi tu, lấy pháp danh là Điều Ngự Đầu Đà. Vua thường đi vân du mọi nơi, bài trừ những đền miếu thờ dâm thần và bố thí pháp dược cho nhân dân”(12). Trần Nhân Tông đã thấu hiểu cốt tủy của thiền là “Phật tại tâm”, “Phật tức tâm” và “tâm tức Phật”, do đó muốn tìm phật tính, chân như, người tu hành phải trở về với bản tâm của mình, không nên tìm ở đâu xa. Là Đệ nhất tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ông chú trọng đến việc cụ thể hóa con đường trở về với tự tính. Trần Nhân Tông nói: “Này các ngươi! Thời gian thấm thoát trôi qua, số mệnh không hề dừng lại. Cớ sao ăn cháo, ăn chay lại không hiểu cái việc của cái bát, cái thìa, đôi đũa”(13). Đó chính là sự nhập thế và nó được xuất phát từ tôn chỉ của Trúc Lâm Việt Nam.

Vận dụng triết lý thiền vào việc trị quốc yên dân, trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (1285, 1288), Trần Nhân Tông đã lãnh đạo đất nước tiến hành thắng lợi, dẹp yên bờ cõi, giữ vững độc lập chủ quyền, trở thành ngọn cờ đoàn kết nhân dân, dân tộc, cùng chia ngọt sẻ bùi. Chính tinh thần ấy là sức mạnh khiến cho vua tôi một dạ, vượt qua gian nan, thử thách, cùng nhau giữ vững nền độc lập của nước nhà. Đó chính là tư tưởng chính trị thân dân, gần dân và biết dựa vào dân của Trần Nhân Tông. Nếu không có tư tưởng nhập thế tích cực thì vua không thể quan tâm đến dân cả trong trường hợp thời bình cũng như thời chiến.

Pháp Loa và Huyền Quang đã kế thừa làm phong phú hơn những tư tưởng thiền của Trần Nhân Tông trên cơ sở phổ cập và cụ thể con đường Thiền bằng giới, định, tuệ.

Nói đến tư tưởng nhập thế của Pháp Loa, chúng ta không thể không đề cập tới quan điểm của ông về cách học làm người. Trong Yếu minh học thuật, ông viết: “Đối với người học, trước tiên là xét khảo kinh pháp, sau mới tu hành. Kinh có năm bậc, pháp có bốn phép… Về bạn có bốn loại hơn mình: một là học Đại Thừa; hai là đọc rộng kinh điển; ba là khuyên can điều vô ích và bốn là giúp nhau trong khó khăn hoạn nạn. Đó là những hạng người có thể gần gũi, cũng gọi là vào bậc gia hạnh vậy…Đi sát bốn bạn tốt, một, bạn tốt ngăn cản điều sai trái, nghĩa là khi gặp điều ác thì cùng khuyên can nhau; hai, bạn tốt từ mẫu, nghĩa là gặp điều khổ ải thường cứu đỡ nhau; ba, bạn tốt làm điều lợi chung, nghĩa là khi có việc vui cùng san sẻ; bốn, bạn tốt cùng làm việc với nhau, nghĩa là khi có việc thiện thì cùng chung tay đóng góp”(14).

Nối nghiệp Pháp Loa, trở thành tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tinh thần nhập thế tích cực của ông thể hiện qua những đóng góp lớn lao trong việc phổ biến, giảng giải giáo lý Thiền phái Trúc Lâm. Biên soạn sách giáo khoa, phổ cập hóa giáo lý Thiền cho tăng ni. Đó cũng chính là tinh thần nhập thế tích cực của ông. Tư tưởng Thiền học cơ bản của Huyền Quang là con đường chứng ngộ về lẽ sinh tử. Theo ông, giới, định, tuệ là con đường chứng ngộ của các Thiền sư. Giới, định là những bức tường chắc chắn để ngăn chặn dòng lăng xăng, xao động của tâm. Nhờ Giới mà dòng sinh, diệt của ngũ uẩn ngừng nghỉ, “vạn duyên không quấy nhiễu”. Nhờ Định mà cái tâm an tịnh, tĩnh lặng. Còn nhờ Tuệ mà tâm mới bừng sáng, nhập vào bản thể tối cao huyền diệu, viên đồng “thị”, “phi”, “mê”, “ngộ”, “ma”, “Phật”.

Như vậy, nhập thế trong tư tưởng của các thiền sư - sáng lập gia Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã được thể hiện qua sự kế thừa từ các dòng Thiền đã được du nhập vào nước ta, đặc biệt là Thiền phái Vô Ngôn Thông, tức Thiền Nam tông Trung Hoa do Lục tổ Huệ Năng sáng lập.

6. Thiền phái Lâm Tế và Thiền phái Tào Động

Tông Lâm Tế đầu tiên truyền vào Đại Việt do Thiền sư Thiên Phong người Trung Hoa khoảng thế kỷ XIII. Vua Trần Thái Tông và Quốc sư Đại Đăng là hai vị đệ tử đầu và xuất sắc nhất của phái này. Đến thời Nam Bắc phân tranh ở Đàng ngoài có Thiền sư Thuyết Chuyết (hay Chuyết Công) và đệ tử là Minh Hành đến xiển dương lần nữa(15).

Thiền sư Thuyết Chuyết tên Thiên Tộ, họ Lý, pháp danh là Hải Trừng, pháp hiệu là Viên Văn, thường được gọi là Chuyết Công, sinh năm 1950, quê Tiệm Sơn, Hải Trừng, quận Thanh Chương, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ngài thuở nhỏ thông minh, lớn lên thông bác kinh sử, chăm chỉ học hành rồi tĩnh tập trong chùa Tiệm Sơn. Sau đó, Ngài bỏ học Nho, học Phật đến chùa Nam Sơn cầu pháp với trạng nguyên Tăng Đà Đà pháp sư, người được vua Minh Thái Tông phong hiệu là Khuông Quốc đại sư.

Năm 1630, ông rời Trung Hoa đến đất Cao Miên, qua Chiêm Thành sang Đại Việt, từ Đàng trong, Ngài cùng các đệ tử ra Đàng ngoài dừng chân tại chùa Thiên Tượng ở Nghệ An và chùa Thạch Lâm ở Thanh Hóa hoằng pháp một thời gian. Đến năm 1633, tới được kinh thành Thăng Long, ông và đệ tử ở lại chùa Khán Sơn và bắt đầu giảng dậy Phật pháp, thuyết pháp giảng kinh, người người theo học rất đông. Vua Lê Huyền Tông cùng các bậc công thần tôn kính Ngài như bậc thầy. Ông thuộc thế hệ thứ 34, dòng Lâm Tế ở Trung Quốc, truyền bá thiền phái này ở Đại Việt. Đặc biệt, dòng Lâm Tế là hành pháp theo “tứ liệu giản”, công thức phân biệt và chọn lựa từng cấp bậc nhận thức nhìn theo chủ thể và khách thể.

Thiền phái Tào Động: Đây là phái thiền do một cao tăng người Việt sang Trung Quốc thụ giáo, được nơi thiền sư Nhất Cú Trí Giáo rồi mang về Đại Việt truyền bá, đó là thiền sư Thủy Nguyệt. Tào Động từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam theo Thiền sư Thủy Nguyệt hiệu là Tông Giác, sinh năm 1936, quê làng Thanh Triều, ở Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Ngài vốn theo Nho học tại một ngôi chùa trên núi Hồng Lĩnh.

Thiền phái này do thiền sư Động Sơn Lương Giới (807- 869) và đệ tử của ông là Tào Sơn Bản Tịch (840-901) sáng lập. Phái Tào Động lấy nguyên tắc năm địa vị giữa thẳng (chính) tượng trưng cho tuyệt đối và nghiêng (thiên) tượng trưng cho tương đối làm tư tưởng chủ đạo của mình. Năm địa vị đó là: cái thẳng đi vào cái nghiêng (cái tượng đối nằm trọn trong cái tương đối); cái nghiêng đi vào cái thẳng (trong cái tương đối phải có cái tuyệt đối); cái thẳng trong tự thân của nó; cái nghiêng trong tự thân của nó; cái thẳng và cái nghiêng trong cùng một tự tính. Sau này phái Tào Động chủ trương: chỉ cần ngồi thiền mà không cần chủ đề thiền toạ; ngồi thiền và đạt đạo là một việc chứ không phải là hai việc; không trông chờ sự chứng đắc; không có đối tượng giác ngộ; tâm và thân nhất như.

Thiền phái Tào Động được truyền Việt Nam từ thế kỷ 17 ở cả Đàng Ngoài và Đàng Trong.

Ở Đàng Ngoài, Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1637-1704), người Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam. Năm 20 tuổi Sư đã từ bỏ nghiệp Nho và cuộc đời bọt bèo dâu bể xuống tóc xuất gia. Sư đã quyết chí sang Trung Quốc tìm học đạo. Sau bao ngày tháng vượt đường trường núi non hiểm trở, có lúc nguy hại đến cả tính mạng, cuối cùng Sư đã được báo mộng và tìm đến núi Phụng Hoàng. Sau thời gian sáu năm tu tập, nghiên cứu kinh luật miệt mài, Sư đã trở về nước truyền giảng tông chỉ Tào Động. Khác với các Thiền sư khác là người Trung Quốc đến Việt Nam truyền tông chỉ thiền, Thiền sư Thông Giác Thuỷ Nguyệt là người Việt Nam đã tìm con đường học đạo bên Trung Quốc, sau khi đã đắc đạo Sư lại trở về giảng dạy đạo thiền Tào Động tại Bắc Việt Nam. Sau đó Thiền sư đã trao mạch thiền Tào Động cho Thiền sư Tông Diễn. Phái Tào Động do Thiền sư Thuỷ Nguyệt và Tông Diễn truyền bá ở Đàng Ngoài rất thịnh hành vào cuối thế kỷ 17, và trong thế kỷ 18. Hiện nay các chùa như Hàm Long, Hoà Giai và Trấn Quốc ở Hà Nội đều thuộc tông phái Tào Động.

Quốc sư Hưng Liên là người đầu tiên đem tông phái Tào Động vào Đàng Trong. Ông là đệ tử của thiền sư Thạch Liêm và đã giới thiệu thầy của mình với chúa Nguyễn Phúc Trăn. Do đó, sau này thiền sư Thạch Liêm được mời sang Việt Nam hoằng hoá. Thiền sư Thạch Liêm hiệu là Hán Ông, thường gọi là Thạch Đầu Đà, người Chiết Tây, Trung Quốc. Là người có học vấn rất uyên bác, đã xuất gia theo học đạo Phật. Theo lời thỉnh cầu của thiền sư Nguyên Thiều, Sư đã sang Việt Nam và được làm trụ trì chùa Thiên Mụ. Sư cùng với thiền sư Nguyên Thiều đã có công đem văn hoá và học thuật Trung Quốc khai hoá cho dân Việt Nam. Tư tưởng của thiền sư Thạch Liêm tiêu biểu là lối tu: thiền tịnh song tu, Thiền tông và Tịnh Độ tông được phối hợp làm một, Tịnh độ trở thành một phương pháp hành thiền giản dị mà đại chúng ai cũng có thể tu tập. Ông còn chủ trương Nho Phật nhất trí, và kết hợp cả hai lối tu phái Lâm Tế và Tào Động để bổ sung cho nhau.

Kết luận:

Các thiền phái của Thiền tông Trung Quốc được truyền sang Việt Nam là: phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của thiền Ấn Độ, có xu hướng kết hợp với Mật giáo. Còn thiền phái Vô Ngôn Thông lại mang sắc thái thiền Trung Quốc rất đậm nét, chủ trương tu đốn ngộ, bằng phương pháp sử dụng các thoại đầu. Trong khi đó thiền phái Thảo Đường thì thường thiên về văn học và Mật giáo, chỉ được lưu truyền trong giới trí thức chứ không phổ biến rộng rãi trong dân gian. Chắt lọc và tổng hợp những tinh hoa từ ba dòng thiền sơ khởi trên, tiếp thu thiền Ấn Độ và Trung Quốc, dân tộc Việt Nam ta đã hình thành một thiền phái riêng cho mình, mang nét đặc trưng riêng của thiền Việt Nam, đó là phái thiền Trúc Lâm. Ngoài ra phải kể đến Thiền phái Lâm Tế và Tào Động đã tồn tại và phát triển tại Việt Nam, việt hóa để các dòng Thiền mang màu sắc Việt Nam.

Tiếp nối những tinh hoa của cha ông, tư tưởng nhập thế của thiền Phật giáo ngày nay không chỉ gìn giữ nhưng nét riêng của thiền dân tộc mà còn phát huy tối đa vai trò của nó trong cuộc sống, phục vụ con người trong hoàn cảnh xã hội hiện đại, duy trì và phát triển mạch Thiền Phật giáo nói chung và Thiền Phật giáo Việt Nam nói riêng để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tác giả: ThS Lê Thùy Dương - NCS Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2016 -----------------

CHÚ THÍCH: 1 Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận I, NXB. Văn hóa, Hà Nội, tr.85 2 Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận I, NXB. Văn hóa, Hà Nội, tr.86 3 HT.Thích Đạt Đạo (2013), Kinh An Ban Thủ y lược giải, NXB. Hồng Đức, tr.14 4 GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn (chủ biên) (2006), Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.106 5 PGS, TS. Doãn Chính (chủ biên) (2013), Lịch sử tư tưởng Triết hoc Việt Nam từ thời kỳ dựng nước đến đầu thế kỷ XX, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.222 6 PGS, TS. Doãn Chính (chủ biên) (2013), Lịch sử tư tưởng Triết hoc Việt Nam từ thời kỳ dựng nước đến đầu thế kỷ XX, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.241 7 Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch và chú giải, Nxb. Hồng Đức, tr.150 8 Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận I, NXB. Văn hóa, Hà Nội, tr. 193 - tr.194 9 Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận I, NXB. Văn hóa, Hà Nội, tr.215 10 Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận I, NXB. Văn hóa, Hà Nội, tr. 227 11 PGS, TS. Doãn Chính (chủ biên) (2013), Lịch sử tư tưởng Triết hoc Việt Nam từ thời kỳ dựng nước đến đầu thế kỷ XX, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.283 12 Thơ văn Ngô Thị Nhậm (1978), Nxb. Khoa học xã hội, tr.183 13 Thơ văn L‎ý Trần tập 2 (1989), Nxb. Khoa học xã hội, tr.66 14 Thơ văn L‎ý Trần tập 2 (1989), Nxb. Khoa học xã hội, tr.675 - tr.676 15 Nguyễn Quang Khải trong tham luận tại Hội thảo khoa học Chùa Phật Tích với tiến trình lịch sử, tổ chức tại chùa Phật Tích, tháng Năm năm 2011, dẫn sách Thiền uyển kế đăng lục cho rằng, Chuyết Công là người đầu tiên truyền thiền phái Lâm Tế vào Việt Nam.