Văn bia Phật giáo huyện Gia Lộc tuy không quá nhiều nhưng những văn bia và thác bản hiện còn có thể cung cấp nhiều thông tin, góp phần nghiên cứu lịch sử các chùa trên địa bàn huyện, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán ở Gia Lộc nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
Tác giả: Nguyễn Văn Thinh - Học viên Cao học Đại học Sư phạm Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số Tháng 3/2024
Tóm tắt: Huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương là vùng đất có lịch sử lâu đời và giàu bản sắc văn hóa. Trên địa bàn huyện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có vị thế quan trọng của tỉnh.
Văn bia huyện Gia Lộc, Hải Dương, đã ghi nhận những dấu tích lịch sử của các triều đại phong kiến; đặc biệt là nơi. Bài viết khảo sát văn bia Phật giáo huyện Gia Lộc và giới thiệu giá trị nội dung của văn bia góp phần nghiên cứu lịch, văn hóa liên quan đến Phật giáo mà cụ thể là văn bia các chùa trên địa bàn huyện.
1. Mở đầu
Văn bia Phật giáo nói chung và Văn bia Phật giáo huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương nói riêng là di sản tư liệu quan trọng, đáng tin cậy để nghiên cứu về các vấn đề lịch sử Phật giáo, văn hóa tín ngưỡng Phật giáo, lịch sử các tự viện và lịch sử truyền đăng tại các chùa.
Do đó tiếp cận nghiên cứu về văn bia Phật giáo ở địa phận huyện Gia Lộc góp phần cung cấp thêm những thông tin về lịch sử Phật giáo địa phương, giải mã những thông tin trên văn bia tại các chùa để lưu giữ bảo tồn các giá trị của văn hóa Phật giáo tại địa phương.
Tỉnh Hải Dương là tỉnh có lịch sử Phật giáo lâu đời, lại gắn liền với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mặc dù trải qua chiến tranh binh lửa, nhiều tư liệu văn bia đã bị hư hỏng, mất, vỡ, sứt. Tuy nhiên, một phần văn bia đã được in rập và thực tế nhiều chùa cũng còn giữ được nhiều văn bia.
Theo sách lịch sử Đồng khánh địa dư Chí năm 1886 - 1888, trong quyển viết về Phủ Ninh Giang ở trang 130 có ghi về huyện Gia Lộc: huyện Gia Lộc từ thời Hậu Lý đến đời Trần, thời thuộc Minh, thời Lê Sơ đều có tên là huyện Trường Tân, đến năm Quang thuận 10 (1469), huyện Trường Tân được đổi tên là huyện Gia Phúc thuộc Phủ Hạ Hồng, thừa tuyên Hải Dương.
Đến đời Tây Sơn do kiêng huý chữ Phúc huyện Gia Phúc được đổi tên là huyện Gia Lộc.
Với nguồn tư liệu văn bia hiện đã sưu tầm của EFEO Viện Viễn Đông Bác Cổ) và cá nhân sưu tầm khảo sát là tương đối phong phú, đa dạng; kéo dài từ thời Trần đến thời Nguyễn, số văn bia này phản ánh nhiều vấn đề của Phật giáo của địa phương.
Gia Lộc là nơi có nhiều di tích đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ có cảnh quan đẹp, nhiều công trình kiến trúc độc đáo, là nơi để nhân dân thờ phụng, đình đám, hội hè.
Gia Lộc đã có 22 công trình được Bộ Văn hoá - Thông tin và UBND Tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá và lịch sử cách mạng là:
Đền Quát (Yết Kiêu), khu di tích Nguyễn Chế Nghĩa, đình Phương Điếm (thị trấn Gia Lộc), đình Đồng Bào, đền Vàng (Gia Xuyên), đình An Tân, đình Lãng Xuyên, đình Phúc Tân (Gia Tân), chùa Dâu (Nhật Tân), đình Liễu Tràng (Tân Hưng), đình Đồng Tái, đình Đồng Đội (Thống Kênh), đình Quán Đào (Tân Tiến), đình Vo, Đền Đươi (Thống Nhất), đình Trình Xá (Gia Lương), miếu Thượng Cốc, đình Cao Dương (Gia Khánh), chùa Hậu Bổng , đình Hậu Bổng (Quang Minh), đình Bùi Hạ (Lê Lợi), miếu Lai Cầu (Hoàng Diệu), đình Phú Thọ (Thạch Khôi).
Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân Gia Lộc.
2. Đặc điểm văn bia Phật giáo huyện Gia Lộc
Về tư liệu
Văn bia Hán Nôm, xưa nay luôn được xem là nguồn sử liệu đích thực, có xuất xứ, có niên đại cụ thể. Văn bia Hán Nôm - những bài văn viết bằng chữ Hán, đôi chỗ xen chữ Nôm, khắc trên bia đá gắn với các di tích trong dân gian.
Trên mỗi bài văn bia đều ghi rõ từng sự kiện, từng việc làm, từng con người cụ thể, gắn với thời gian và không gian cụ thể. Mỗi bài văn bia, mỗi tấm bia đá đều có ý nghĩa nhất định đối với lịch sử di tích, con người và địa phương.
Nghiên cứu văn bia chùa ở huyện Gia Lộc là việc cần thiết đối với địa phương nói chung và các chùa trên địa bàn nói riêng.
Nghiên cứu về văn bia Hải Dương, có thể kể đến công trình 4 tập văn bia của nhóm tác giả Tăng Bá Hoành phiên dịch văn bia của khoảng 20 chùa trên toàn tỉnh Hải Dương, cuốn sách Di sản Hán Nôm Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn. Ngoài ra, trong công trình của tác giả Đinh Khắc Thuân đã có giới thiệu một số văn bia thời Mạc trên địa bàn Hải Dương.
Năm 2001 đến năm 2002, bảo tàng tỉnh Hải Dương đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu thực trạng về văn bia tỉnh Hải Dương, thu thập phân tích 36 văn bia ở các di tích: chùa, đền, đình, nhà thờ họ, mộ chí, tháp sư, hang động, văn miếu, văn chỉ, cầu.
Hiện nay, qua thống kê sơ bộ của chúng tôi, đối với huyện Gia Lộc có khoảng hơn 70 chùa, trong có có hơn 20 chùa còn bia đá, khoảng 50 chùa còn thác bản.
Có chùa mặc dù còn bia đá nhưng chưa được in rập như trường hợp của chùa Linh Ứng (chùa Hói) ở thôn Cao Dương, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc có bia niên hiệu Hoằng Định thứ 11, và thiên đài thạch trụ niên hiệu Vĩnh Thịnh, 1 bia niên hiệu Bảo Đại. Bia chùa Sùng Thiên, chùa Pháp Hoa, chùa Cầu Binh...
Ngoài ra có chùa còn giữ được nhiều thác bản là chùa Vĩnh Khánh thôn Hoàng Xá, xã Hồng Hưng có 5 thác bản, nhưng bên chùa chỉ còn bia niên hiệu Hoằng Định, còn một số đang đặt cùng các bia khác bên đình làng.
Chùa Viên Quang, xã Yết Kiêu (chùa đã bị hủy vì chiến tranh), hiện nay nơi đây là trường học, bia đá và thác bản vẫn còn, nhân dân địa phương vẫn bảo quản được các bia đá này.
Đặc biệt chùa Quang Minh ở thôn Hậu Bổng, xã Quang Minh còn giữ được 3 bia đá và 3 thác bản của Thiên đài thạch trụ và bia năm Diên Thành thứ 2, bia năm Vĩnh Tộ.
Chùa Sùng Thiên (chùa Dâu), ở thôn Thị Đức, xã Nhật Tân có từ đời thứ 7 thời Trần, còn được bảo quản nguyên vẹn trong nhà bia, vẫn còn lưu được thác bản. Ngoài ra còn in dập thêm được 9 bia (trong đó có bia niên hiệu Hưng Trị thứ 3 triều Mạc).
Chùa Linh Mãn ở thôn Thị Đức, xã Nhật Tân cũng còn tấm bia 4 mặt niên hiệu Minh Mệnh, không có thác bản. Tình trạng bia còn rất tốt, 4 mặt rõ nét. Một số ngôi chùa đã mất nhưng vẫn còn giữ được 1 thác bản và 2 văn bia trước miếu như chùa Phổ Quang (xã Cao Triền – thôn Cao Lý).
Chùa Quang Khánh, còn chùa, còn thác bản nhưng bia đá đã mất.
Chùa thôn An Tân do mất văn bia, nên lấy tên làng làm tên chùa, nay tìm trong thác bản lại có tên chùa là Bát Vịnh. Có chùa chuyển chỗ địa điểm khác nhưng còn văn bia và thác bản như trường hợp chùa Phúc Hưng – Phương Điếm, Thị trấn Gia Lộc.
Chùa Bà Đồng hiện còn bia và thác bản nhưng vị trí chùa mới đã chuyển đi, tấm bia bây giờ hiện nằm tại khu vực nghĩa trang.
Chùa Kim Linh (Cầu Binh) ở Gia Khánh, khi mất chùa, người dân đã di dời bia đến miếu Cầu Binh, hiện nay tại miếu còn 5 bia đá ghi rõ tên chùa là Kim Linh. Khi dựng xây chùa còn được cụ Tiến sĩ người làng Thượng cốc là Nguyễn Quý Tân công đức cổ tiền nhất quan; và Tri phủ Võ Đình Bảo công đức cổ tiền tam quan.
Văn bia huyện Gia Lộc phản ánh quá trình xây dựng, trùng tu di tích, ký hậu gửi giỗ, bầu Hậu Phật và biểu dương công đức khuyến thập phương làm việc thiện.
Nhiều văn bia ca ngợi công lao của triều Mạc có công trong việc xây dựng Viên Quang khám ở thôn Hậu Bổng xã Quang Minh.
Nghiên cứu văn bia Phật giáo huyện Gia Lộc sẽ còn phát lộ nhiều những giá trị đối với văn hóa và Phật giáo, góp phần củng cố hồ sơ để trùng tu nhiều chùa bị mất hoặc trả lại tên chùa cho đúng với tên gọi vốn có ví du như chùa Tam Bảo.
Về tác giả soạn văn bia
Văn bia Phật giáo ở Hải Dương cũng ghi nhận đội ngũ soạn văn bia là những người hay chữ cao nhất là Tiến sĩ soạn văn bia như trường hợp Tiến sĩ Đỗ Uông.
Nguyễn Chuyết Phủ 阮拙甫 (tức Nguyễn Quán Giai 阮冠階); quê quán: xã An Tân huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng; học vị: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) đời vua Lê Dụ Tông; chức vị: Giám sát Ngự sử đạo Tuyên Quang soạn bia Quyến Linh tự.
Vũ Thoát Dĩnh 武脫穎; quê quán: xã Bao Trung, huyện Gia Phúc (nay thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương); học vị: Tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh; chức vị: Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Tả Thị lang, Thanh Hoa đạo Tán trị Tuyên xứ ty Thừa tuyên sứ, tước Minh Lễ bá soạn bia Phúc Long tự bi/Tín thí.
Trần Huy Liễn 陳輝璉, hiệu Dung Trai 融齋; quê quán: xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội); học vị: Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779) đời vua Lê Hiển Tông; chức vị: Tán trị Thừa Chánh sứ ty xứ Hải Dương, Thụ Tham chính, Đề hình Giám sát Ngự sử soạn bia Phổ Quang tự/Lập bi kí.
Nguyễn Văn Thái 阮文泰; quê quán: Vĩnh Lại; học vị: Tiến sĩ cập đệ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) đời vua Lê Hiến Tông; chức vị: Kim tử Vinh lộc Đại phu, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Trụ quốc, tước Đạo Xuyên bá soạn bia Cự Linh tự bi.
Bên cạnh đó còn có các giám sinh, sinh đồ, các cao tăng tham gia viết chữ, biên soạn. Do đó nghiên cứu văn bia Phật giáo tại huyện Gia Lộc, thứ nhất là để tìm hiểu lịch sử các chùa trên địa bàn qua mảng tư liệu văn bia.
Thứ hai là để phiên dịch cho nhân dân thiện tín được biết về nội dung của văn bia. Thứ ba là nghiên cứu bảo tồn phát huy giá trị truyền thống của tiền nhân để lại cho hậu thế. Thứ tư là làm cơ sở để trùng tu xây dựng và viết lịch sử của chùa nói riêng và lịch sử Phật giáo của huyện nói chung.
Về văn tự trong văn bia
Xét về mặt văn tự thì văn bia huyện Gia Lộc chủ yếu là văn bia chữ Hán, còn chữ Nôm rải rác để ghi địa danh, nhân danh, không có bia nào viết toàn bằng chữ Nôm.
- Chữ húy trong văn bia: trong các triều đại phong kiến, các nhà nho nước ta thành thạo các thể loại kiêng húy, các đặc điểm kiêng húy được thể hiện trên các thể loại văn bản khác nhau. Qua khảo sát chúng tôi tìm ra được các chữ húy: Nguyệt, Tân, Trần, Cửu, Đề.
Sớm nhất là trên văn Sùng Thiên tự dẫn kí hiệu 5114- 5115 niên đại Khai Hựu thứ 3 (1331), Kỵ huý chữ “nguyệt” Theo Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại của tác giả Ngô Đức Thọ, xuất bản năm 1997: “Từ khoảng niên hiệu Hoằng Định trở về sau, các văn bản có kiêng húy thường chọn chữ Tân 新, tên húy của Kính Tông Lê Duy Tân (1600-1619) với ý nghĩa tượng trưng sự nghiệp trung hưng của nhà Lê.”
Vì vậy trong văn bia Nghiêm Quang tự bi/ Trú tượng bi ký, Cảnh Hưng thứ 44 (1783) húy chữ Tân. Cũng theo Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại của tác giả Ngô Đức Thọ, xuất bản năm 1997:
“Kiêng húy chữ Trần 陳/ nguyên là một chữ húy quan trong của triều Lê sơ, được ban bố từ thời Lê Thái Tổ. Theo danh nghĩa chính thức, Trần là tên húy của bà Phạm Thị Ngọc Trần, vợ cả của vua Lê Lợi đã đi theo chồng trong cuộc hành quân của nghĩa quân vào Nghệ An tháng Chạp năm Ất Tị (1425).
Gương hy sinh cao cả của bà đương thời rất nhiều người biết đến, nhất là bà tự nguyện làm vật hy sinh để làm vật tế thần Phổ Hộ mang mầu sắc huyền thoại, lại càng làm cho sự tích của bà được truyền tụng lâu dài.
Do đó mặc dù triều Lê Trung Hưng không quy định việc viết kiêng húy, vẫn có một bộ phận nhân dân chọn cách viết kiêng húy chữ Trần để thể hiện lòng kính mộ công lao đức nghiệp của tiên triều”.
3. Giá trị văn bia Phật giáo huyện Gia Lộc
Qua khảo sát văn bia Phật giáo huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương cho thấy giá trị nhiều liên quan đến Phật giáo.
Số lượng văn bia Phật giáo huyện Gia Lộc tuy không quá nhiều nhưng những văn bia và thác bản hiện còn có thể cung cấp nhiều thông tin, góp phần nghiên cứu lịch sử các chùa trên địa bàn huyện, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán ở Gia Lộc nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
Đề hiểu sâu sắc hơn các giá trị của văn bia Phật giáo huyện Gia Lộc, chúng tôi điểm qua một số giá trị sau:
3.1 Xây dựng trùng tu chùa
Qua nghiên cứu văn bia Phật giáo tại các chùa có thể dễ dàng nhận thấy nhiều văn bia ghi chép lại quá trình xây dựng và trùng tu chùa, các hạng mục trong chùa như tòa thượng điện, tiền đường, lầu chuông, lầu trống, hành lang, dựng cửu phẩm liên hoa...nhiều văn bia cho biết qua thời gian trải mưa gió mà bị hư hỏng nên cần trùng tu.
Văn bia Tu cấu Viên Quang khám tại chùa Quang Minh (Viên Quang) do Tiến sĩ Đỗ Uông soạn khi Phụ chính Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng và Thái hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cho dựng chùa đặt tên là Viên Quang khám.
"Quan Phụ chính Ứng vương thường từ phủ Vĩnh lên [Kinh] chầu vua qua đây; bởi mến mộ cảnh này bèn lập phủ ở cạnh chùa để làm nơi ở mỗi khi qua lại. Vương liền bỏ vàng vua ruộng, để mở rộng chùa, rồi chuyển gỗ họp thợ, xây Phật điện nghiêm chính điện, cùng tiền đường, hậu vũ, bốn mặt hồi lang bao quanh cùng tam quan lầu gác.
Chỗ cũ nát liền làm mới cái hư hỏng thì tu bổ lại, công việc xây dựng chẳng mấy mà xong, thực là lâu đài cõi đông, Thiền lâm Thiên Trúc, mọi thứ nhất thảy đều mới.”
Văn bia Tu tạo cửu phẩm liên hoa dựng tại chùa cho biết việc xây dựng tháp cửu phẩm:
"Vào năm Đinh Tỵ, Mậu Ngọ tháng giêng đến tháng chạp năm Kỷ Mùi thì hoàn thành, ngày hội mừng người đến xem quy tụ về cúi đầu bái lạy, tiếng ca vang đến cửu thiên, nguy nga mà như giáng cách muôn thánh nhất nhất giáng lâm, nhìn tháp có thể sánh như cột trụ do nữ Hoàng(1) luyện đá ngũ sắc để vá trời, như tiên nữ mở đóa hoa kinh Đại Nhật cùng sánh với đạo nhân cùng một phẩm vậy.
Nay làm đài này chẳng khác phúc lành kịp đến, ngợi ca đức trạch một thời, vả lại lưu truyền đến vạn đời, khiến cho đời nay đời sau, vui chơi trên cảnh xuân đài, dẫn lên được đến đường nhân cõi thọ”.
Văn bia tại chùa Linh Ứng, thôn Cao Dương cho biết việc trùng tu chùa vào năm Giáp Tuất (1574) trùng tu thượng điện, tô đắp tượng Phật tố hảo, việc đến ngày 19 tháng 11, Thiện sãi Đoàn Mĩ, Hoàng Thừa Tông lại tiếp tục khởi công xây dựng Tiền đường và trùng tu Tam quan, gác chuông, tường bao, quy mô hoàn hảo.
Văn bia chùa Quỳnh Khâu (Cương Xá) cho biết: “Chùa Quỳnh Khâu xưa là chốn Già lam(2). Nay đã linh ứng, vị Tì kheo tự Chân Trí tức Thiền sư Trang Nghiêm người họ Nguyễn ở bản thôn, khi làm Sa di đã phát tiền của để trùng tu Thượng điện, vào buổi sáng tươi đẹp mùa xuân năm Bính Thìn (1616), kẻ lớn người bé thôn Khương Xá xây dựng công trình, mua gỗ lệnh thợ khéo dựng thượng lương, lợp ngói thượng điện, bốn phía tường xây bằng gạch lớn, xây thềm đá”.
Văn bia chùa Phúc Long dựng năm Diên Thành thứ 6 (1583) cho biết trước kia chùa là danh thắng, qua thời gian lâu ngày mà đỏ nát, vì vậy “vào ngày 7 tháng tư, năm Nhâm Ngọ khởi công làm cửa trước, tam quan tươi mới khoáng đạt; tường bên hai bức cao chắc. Kế đó sửa am Phật Bà, tô 10 pho tượng Phật”.
Văn bia chùa Cự Linh cho biết việc trùng tu các hạng mục của chùa: “vào năm Quý Tỵ, niên hiệu Đại Chính thứ 4 (1533), các thiện sĩ Diệu Giác, Chí Thiện, Quảng Đạt Huyền Sơn, phát lòng Bồ đề, rủ tay phương tiện, quyên góp vật liệu, mời thợ khởi công, sửa cũ thành mới: Cung Phật vòi vọi, tòa báu sen ngời, tiền đường, hậu đường trước sau vút cao; hành lang hai bên nối dài uốn lượn. Thật là một thế giới Đại Hùng”
Văn bia chùa Sủng Tháp xã Tăng Thượng, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng(3) cho biết: chùa vốn là một chốn cổ tích danh lam, nhưng chùa chưa có thềm đá và tiền Án. Nay có sư trụ trì chùa xã Phúc Mại trong huyện truyền y bát(4) cho Thiền tăng Trí Huệ tên hiệu là Pháp Tài đến hưng công xây dựng chùa. Khởi công từ năm Nhâm Ngọ (1702) đến năm Giáp Thân (1704) thì hoàn thành mọi việc. Văn bia công đức bi kí chùa Vĩnh Khánh thôn Hoàng Xá cho biết việc xây dựng cả chùa, đình, và chợ. Nay bản thôn hưng công đại sĩ Phạm Gia Mô và các kẻ sĩ thuê họp thợ làm chùa, chợ, đình, công việc bắt đầu từ ngày 2 tháng 8 năm Canh Tuất, đến năm Giáp Tuất xây dựng sửa sang, đến ngày 14 năm Nhâm Tuất thì hoàn thành viên mãn. Văn bia Chiêu Phúc tự bi kí cho biết việc Quốc sư giáo chủ vốn tôn sùng chùa Phật được chúa Trịnh Tráng phong cho là Nam Việt quốc sư Pháp Vân giáo chủ, là người đã giúp nước che chở cho dân. Ông đã xuất gia tài xây dựng chùa tạo tượng mua ruộng để làm tự điền lo việc hương khói xây dựng chùa và các công trình trong chùa, "các nhà trước sau hai bên trái phải, phòng ốc xung quanh, hành lang và tam phủ, cửa lớn các cung lâu tất cả đến 30 nhà, lại tu tạo các tòa Phật tượng, các vị thần thủy phủ thiên địa, lại mua gỗ lin rừng, sửa sang và lợp ngói đình". Văn bia chùa Phúc Long cũng cho biết Thiện sĩ Nguyễn Văn Thái, Phúc Đại, Phúc Sơn, Phúc Quả cùng nhau phát tâm bồ đề đóng góp tiền xây dựng chùa, ngày 7 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (1582) đón thợ dựng tam qua phía trước, xây tường cao, am thờ Phật tu lí 10 pho tượng.3.2. Giá trị tín ngưỡng văn hóa thờ Hậu
Số lượng bia Hậu Phật tại các chùa của huyện gia Lộc chiếm phần lớn. Có thể kể đến các chùa có nhiều bia Hậu như chùa Diên Phúc tự (chùa Liễu Chàng), chùa Pháp Hoa, chùa Phúc Hưng, chùa Nghiêm Quang, chùa Sùng Thiên, chùa Quyến Linh, chùa Phúc Hưng. Bia Hậu Phật phản ánh ghi nhận công đức, biểu dương việc thiện của những thiện tín có công xây dựng chùa như cúng tiền, cúng ruộng, cúng gỗ. Bên cạnh đó là phản ánh phong tục mua Hậu hoặc bầu Hậu của nhân dân địa phương. Trong số các bia Hậu Phật ở Gia Lộc phải kể đến bia Hậu Phật tại chùa Diên Phúc, và bia chùa Pháp Hoa, mặt trước là tượng Hậu mặt sau là minh văn. Theo tác giả Trần Trọng Dương thì đây gọi là bia tượng Hậu: nó có cấu trúc {minh văn + tượng Hậu} là loại văn bia khá phổ biến trong văn hóa thờ Hậu. Đặc điểm của nhóm này là tượng chân dung ngôi Hậu khắc ở mặt trước, còn minh văn khắc chen cùng tượng, hoặc diềm bia, hoặc ở mặt sau. Giống như bài vị, thì tượng Hậu đại diện cho người đã khuất, nó là hình ảnh thiêng liêng đã được vật chất hóa để thể hiện trạng thái “như tại” trong không gian thiêng. Những vị Hậu này có công đối với chùa và được dân địa phương bầu làm ngôi Hậu để ghi nhận công đức. Bia Thí điền Diên Phúc tự tam bảo vật/ Hoàng đế vạn tuế Hậu Phật bi kí 施田延福寺三寶物/皇 帝萬歲後佛碑記 (khắc năm 1677, No12892/12893) sưu tầm tại chùa Diên Phúc xã Liễu Chàng tổng Thạch Khôi huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Văn bia ghi việc bà Phạm Thị Thạc hiệu Từ Minh ở xã Liễu Chàng phát tâm Bồ Đề cúng cho làng 8 thửa ruộng, tổng cộng 19 sào. Quan viên, hương lão và già trẻ lớn bé dân xã Liễu Chàng tôn bầu bà làm Hậu Phật. Ông nội bà Phạm Thị Thạc tự Phúc Tráng hiệu Từ Ân, ông ngoại Phạm Thị Thạc tự Văn Khuê, bà ngoại Phạm Thị Thạc hiệu Thuận Tâm tự Thủ Tính đã cúng 10 quan tiền nên cũng được gửi giỗ. Mặt trước (No12893) khắc tượng Hậu. Ngạch khắc lưỡng long triều nhật. Diềm cạnh và diềm ngạch khắc hoa dây (cúc mãn khai) và hoa sen xen kẽ các loài chim. Diềm dưới khắc lớp cánh sen. Bên phải tượng khắc bài văn bia, bên trái khắc bài minh và nội dung kí dữ. Mặt sau khắc danh sách quan viên hương lão tham gia bầu Hậu, liệt kê số ruộng, và lạc khoản niên đại, cùng người khắc. Ngoài ra còn một loại bia Hậu nữa là bia bài vị Hậu, là loại văn bia có khắc bài vị và nội dung minh văn liên quan đến ngôi Hậu và các cam kết đi kèm (bảo văn). Đây là loại bia Hậu có khắc bài vị (thần chủ/ danh tính của nhân vật được bầu làm Hậu). Loại này phổ biến hơn là bia tượng Hậu. Bên cạnh đó còn có hình thức mua Hậu, gửi giỗ người thân vào chùa. Loại hình này khá phổ biến, phản ánh tín ngưỡng gửi người thân đã mất lên chùa để hàng ngày được nghe pháp. Văn bia ở chùa Vĩnh Khánh xã Phương Xá tổng Phương Xá huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương kí hiệu 13063/13064 cho biết: "Thờ phụng có Phật có Pháp, đáng kính đáng trọng, người có cha có mẹ, ắt có việc hiếu kính. Vậy nên người phụ nữ trong thôn là Lê Thị Khai hiệu Diệu Chân, dùng 70 quan tiền và 8 sào ruộng dâng lên làm vật Tam bảo, xin với bản thôn cho cha mẹ làm Hậu Phật, Quan viên lớn nhỏ thôn bản thôn cùng nhận ruộng và đồng ý đem việc này lập bia để lưu truyền mãi mãi".4. Tạm kết
Do đặc điểm trải dài của lịch sử từ triều Trần (bia chữ Phật chùa Sùng Thiên) đến thời Nguyễn, văn bia Phật giáo huyện Gia Lộc bao quát các vấn đề của dòng chảy Phật giáo, từ việc xây dựng kiến thiết đến việc sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng.
Văn bia chùa phản ánh tình hình phục vụ sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng phổ biến của cộng đồng làng xã trên địa bàn.
Trong số văn bia chùa thì bia Hậu Hậu Phật, gửi giỗ, bia công đức chiếm ưu thế, bia lịch sử về chùa có phần khiêm tốn.
Văn bia huyện thời kỳ này chủ yếu là văn bia chữ Hán, chữ Nôm chỉ xuất hiện ghi địa danh và nhân danh, không có văn bia chữ Nôm.
Nghiên cứu hệ thống văn bia huyện Gia Lộc sẽ bổ sung nhiều thôn tin có giá trị cho lịch sử Phật giáo tỉnh Hải Dương nói riêng và Phật giáo nước nhà nói chung.
Tác giả: Nguyễn Văn Thinh - Học viên Cao học Đại học Sư phạm Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số Tháng 3/2024
Bình luận (0)