Kinh Địa Tạng và tín ngưỡng Rằm tháng Bảy, vấn đề địa ngục?
ISSN: 2734-9195
16:33 18/08/2024
Sống hướng thiện, thực hành những pháp lành trong mọi hành vi, lời nói, sống có tinh thần trách nhiệm, tri ân và báo ân đối với cha mẹ, tổ tiên, các bậc tiền nhân.
Theo truyền thống hằng năm, khi tiết trời tháng Bảy lả tả mưa rơi, gió lạnh của cơn mưa thấm sâu vào lòng hàng triệu trái tim của con người, như đánh thức một hoài niệm về ơn nghĩa sinh thành. Thế rồi, không ai bảo ai, mọi người đều đến chùa cầu nguyện cho hương linh tổ tiên, ông bà, cha mẹ quá vãng, người còn tại thế thì được bình an, sức khoẻ dồi dào, sống lâu với con cháu; đồng thời gắn liền với đó, dân gian còn cho rằng tháng bảy là tháng của “cô hồn”, tháng “mở cửa địa ngục” cho vong hồn trở về dương trần gần gũi bên dòng họ, người thân để được “hưởng bát cơm” nghĩa tình, hiếu hạnh của con cháu đối với người đã khuất.
Tháng bảy Vu lan đã có mối quan hệ không thể tách rời với việc tụng kinh Địa Tạng để siêu độ cho người đã mất, nhằm cứu độ vong nhân thoát khỏi cảnh địa ngục đen tối. Tuy nhiên, quan niệm cho rằng kinh Địa Tạng chỉ truyền thông điệp cho con người về vấn đề của địa ngục, điều này có thật sự đúng chăng?
Hay còn ý nghĩa khác sâu sắc và mang tính nhân văn hơn đối với con người trong đời sống hiện nay?
1. Đề cao tinh thần hiếu đạo
Kinh Địa Tạng Bản nguyện (Ksitigarbha – pranidhàna – sutra), một tác phẩm kinh văn của nền tảng Phật giáo Đại thừa, được phổ biến rộng rãi trong các chùa chiền, tự viện của Phật giáo.
Trong các nghi lễ cầu siêu cho người đã mất, giới tu sĩ cũng như các phật tử, cộng đồng Phật giáo thường xuyên tụng đọc kinh Địa Tạng để cầu nguyện cho hương linh siêu sinh, thoát cảnh u đồ. Vì vậy, đa phần nhiều người đánh giá cao kinh Địa Tạng là quyển kinh “gối đầu nằm” không thể thiếu đối với những người đã, đang và chuẩn bị đi trên hành trình từ giã cõi dương trần, trở về vùng đất mà lẽ ra con người không nên đến, nhưng lại phải đến; những nơi không nên đi mà cũng phải đi, vì nhiều lý do nghiệp thức của con người, bị chi phối bởi định luật nhân quả, nghiệp báo chính con người tạo ra. Nhiều người tin rằng, để không làm suy yếu thần thức trước khi linh hồn lìa khỏi xác thân hoặc trong bốn mươi chín ngày thì con người cần phải bày tỏ sự thành kính, đặt hết niềm tin vững chắc vào tụng đọc kinh Địa Tạng, nó như là một “chiếc phao mầu nhiệm” mà linh hồn có thể vượt đại dương trở về một kiếp sống khác an lành hơn.
Các dịch giả Trung Hoa đã dịch bản kinh từ chữ Phạn sang chữ Hán, như là một giải pháp giúp hoá giải những vấn đề thuộc về tâm linh một cách hữu hiện cho con người tụng đọc, trong đó có bản kinh của Ngài Thực – Xoa – Nan – Đà dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào thế kỷ thứ 7, đời nhà Đường, nhằm làm phong phú thêm kho tàng Pháp bảo kinh văn Hán tạng.
Tuy nhiên, vì tính chất quan trọng của bộ kinh đối với người phật tử Việt Nam, các nhà dịch thuật Việt Nam đã cố công dịch kinh Địa Tạng từ chữ Hán sang chữ Việt, để cho tín đồ tụng kinh, tu tập hằng ngày.
Có thể chúng ta tìm thấy được những nhà dịch giả thời danh như: Hoà thượng Thích Trí Tịnh (Sơ tổ Tịnh độ tông Việt Nam thời hiện đại) dịch kinh Địa Tạng vào năm 1947, Hoà thượng Thích Tuệ Nhuận dịch kinh Địa Tạng vào năm 1964; cả hai Ngài đều dịch bản kinh chữ Hán của ngài Tam Tạng Pháp sư Pháp Đăng sang chữ Việt. Năm 1970, Hoà thượng Thích Trí Quang cũng dịch bản kinh Địa Tạng, nhưng trong đó mở rộng sự so sánh, đối chiếu nhiều bản kinh khác hết sức sâu sắc để cho người đọc thấy được kinh Địa Tạng mang đến cho con người những giá trị cốt lõi của lời Phật dạy. Ngoài ra, còn có các tác giả khác để tâm nghiên cứu, dịch thuật, giảng giải, bình chú kinh Đại Tạng như Hoà thượng Thích Nhất Hạnh, Hoà thượng Thích Chơn Thiện, Chánh Trí Mai Thọ Truyền…góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong kho tàng kinh điển Phật giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, kinh Địa Tạng gắn liền với tên tuổi của vị Bồ tát Địa Tạng (Ksitigarbha), tiếng Phạn là Khất - Thoa - Đề - Bá – Sa ở cung trời Đao Lợi và được đức Thế Tôn phó chúc nhiệm vụ giáo hoá chúng sinh đang sinh sống trong lục đạo. Song, vẫn có nhiều thuyết cho rằng ngài Địa Tạng là hoá thân của Diêm La Vương; trong Mật giáo Ngài có biệt hiệu là Bi Nguyện Kim Cương hay Dữ Nguyện Kim Cương, còn trong Kim Cương giới thì xem Ngài là vị Bồ tát ở phương Nam có tên là Bảo Sinh Như Lai; trong Thai Tạng giới, Ngài được biết đến là vị Trung Tôn Địa Tạng Tát – Đoả…
Mặc dù vậy, những người theo Phật giáo cho rằng ngài Địa Tạng Bồ tát là một con người hiện thực bằng xương bằng thịt, có nguồn gốc, thân thế rõ ràng, sau khi đức Phật Niết bàn 1500 năm: “Địa Tạng Bồ tát giáng sinh trong một gia đình ở nước Tân - la, họ Kim, hiệu là Kiều Giác. Năm Vĩnh Huy 4, ngài 24 tuổi thì cắt tóc đi tu. Bồ tát thường dắt theo một con chó trắng rất giỏi đánh hơi, cưỡi thuyền đến đất Giang Nam, phủ Trì Châu”. Sau đó, ngài Kiều Giác tu tập thiền định ở núi Cửu Hoa ở phía đông huyện Thanh Dương, phủ Trì Châu. Đến năm Khai Nguyên 6, đời Đường thì ngài đắc đạo vào đêm 30 tháng 7, lúc đó Ngài được 99 tuổi. Do đó, từ xưa cho đến ngày nay mọi người có chung quan niệm cho rằng đầu tháng 7 Âm lịch là ngày “mở cửa địa ngục” cho các vong linh, cô hồn bị chết oan, bất đắc kỳ tử, những người đã khuất, tổ tiên, ông bà, cha mẹ…sẽ trở về dương trần để thọ hưởng những lễ vật cúng tế của người thân, dòng họ cho đến hết ngày 30 tháng 7 là ngày Bồ tát Địa Tạng thành đạo cũng là ngày vía của đức Địa Tạng Vương Bồ tát; đồng thời nhiều nơi còn lập đàn chẩn tế, nương nhờ oai lực của Bồ tát Địa Tạng trợ giúp cứu độ các vong nhân thoát khỏi cảnh u đồ.
Nếu để qua ngày trọng đại đó thì “cửa địa ngục sẽ đóng lại”? Chính vì vậy, một câu hỏi được đặt ra khi chúng ta tiếp cận với kinh Địa Tạng là vấn đề địa ngục, có phải kinh Địa Tạng chỉ đề cập đến vấn đề của địa ngục chăng? Địa ngục là gì? Hiểu thế nào cho đúng?
Địa ngục (地獄), được hiểu là một nơi giam giữ và trừng phạt các linh hồn tạo nghiệp ác, tội lỗi, ngược lại với cảnh giới an lành, thánh thiện, không bị giam cầm, không bị trừng phạt. Nó là một địa danh siêu nhiên mà các tôn giáo hay các nền văn minh thường đề cập đến như: đạo Phật, đạo Kytô giáo, đạo Jaina, đạo Sikl, đạo Hindu, Hồi giáo…
Theo Phật giáo, có sáu con đường luân hồi gọi là địa ngục đạo: “Là một trong sáu con đường luân hồi của chúng sinh. Đó là con đường mà chúng sinh mắc phải tội ác sau khi chết phải đoạ vào”. Mặc dù, chúng ta chưa tìm thấy và giải đáp rõ ràng về nơi chốn của địa ngục trong lòng đất, nhưng ít nhất chúng ta đã xác định được danh tính của các địa ngục mà kinh Địa Tạng đã trình bày.
Trong kinh Địa Tạng, phẩm thứ năm – Danh hiệu của địa ngục, ngài Địa Tạng Bồ tát đã chỉ ra hàng trăm danh hiệu của các địa ngục: “Thưa nhân giả! Trong dãy núi Thiết Vi có những địa ngục như thế số nhiều vô hạn. Lại có địa ngục Kiếu Oán, địa ngục Bạt Thiệt, địa ngục Phẩn Niếu, địa ngục Đồng Toả, địa ngục Hoả Tượng, địa ngục Hoả Cẩu, địa ngục Hoả Mã, địa ngục Hoả Ngưu, địa ngục Hoả Sơn, địa ngục Hoả Thạch, địa ngục Hoả Sàng, địa ngục Hoả Lương, địa ngục Hoả Ưng, địa ngục Cứ Nha…” .
Khi nói về địa ngục là một câu chuyện hết sức phức tạp, vì nó xuất phát từ thế giới siêu nhiên, thế giới tâm linh của con người và cũng không thể phủ nhận rằng kinh Địa Tạng không nói về vấn đề địa ngục; song địa ngục ở đâu? Nếu có thì địa ngục ở chỗ nào trong lòng đất? Nếu không có thì tại sao kinh Địa Tạng lại đề cập đến vấn đề địa ngục? Đây có thể là một trong những bài toán mà “độ khó” của nó không phải ai trong số các nhà tư tưởng, tôn giáo, thần học, triết gia đều có thể giải đáp một cách rốt ráo theo đúng nghĩa của nó.
Các nhà tư tưởng Đại thừa giáo tiếp cận bản kinh trên quan điểm triết lý của Đại thừa để lý giải về vấn đề của địa ngục. Nếu trong chúng ta làm tăng trưởng điều ác, tội lỗi, nghiệp dữ lấy làm niềm vui của chính mình thì khi đó sự xuất hiện của địa ngục là có thật, tự mình chịu lấy sự đau khổ, giam cầm; ngược lại, địa ngục sẽ không tồn tại, địa ngục không có thật, khi con người từ bỏ, loại trừ những điều ác, bất thiện, sống vì lợi ích của tha nhân và tu tập đúng chính pháp đức Phật dạy. Do đó, có thể thấy rằng địa ngục là biểu tượng của bóng tối, đau khổ, tuyệt vọng, điều ác, tội lỗi và nó sẽ có mặt ở khắp nơi trên trần gian và ngược lại.
Mặt khác, vấn đề về địa ngục không phải là điểm đến cuối cùng mà kinh Địa Tạng trình bày, nó còn phản ánh những khía cạnh khác của đời sống con người, hướng con người đến những vấn đề tu dưỡng thân tâm, tu luyện nội tâm, thực hiện hạnh hiếu, tri ân và báo ân công đức sinh thành, hướng dẫn con người đến những việc làm thánh thiện vì lợi ích của chúng sinh. Cho nên hạnh hiếu là một trong những vấn đề quan trọng đối với con người, là bức thông điệp của ngài Địa Tạng gửi đến cho chúng ta; nó dường như có mối tương quan mật thiết với lòng hiếu hạnh của con người được trình bày trong kinh Vu lan – Báo hiếu.
Trong kinh Địa Tạng đã cho chúng ta cảm nhận được một tình yêu thương sâu sắc, vô bờ bến của Thánh nữ đối với người mẹ đã khuất: “Cúi xin đức Phật xót thương bảo ngay cho rõ chỗ thác sinh của mẹ con, nay thân tâm của con sắp chết mất”. Một Thánh nữ dù là xuất thân từ dòng họ Bà La Môn, nhưng tinh thần hiếu hạnh vẫn là cốt lõi của con người, không phân biệt bất kỳ đạo nào trong xã hội, họ vẫn thể hiện tinh thần hiếu hạnh cao cả đối với ông bà, cha mẹ, cố gắng hết sức để tìm mọi cách cứu cha mẹ thoát khỏi cảnh u đồ. Phải chăng lòng hiếu thảo đó tương đồng với tâm hiếu của đức Mục Kiền Liên khi thấy cảnh người mẹ tiều tụy hình hài: “Thấy vong mẫu sinh làm ngạ quỷ, không uống ăn tiều tuỵ hình hài, Mục Liên thấy vậy bi ai, biết mẹ đói khát ai hoài tình thâm”. Tinh thần hiếu hạnh là nền tảng đạo đức của con người, là đạo lý làm người, một truyền thống văn hoá tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, từ đó làm cơ sở niềm tin và động lực để chúng ta phát huy những giá trị cao đẹp của hạnh hiếu dưỡng, lòng tri ân và báo ân trong cuộc sống nhân sinh.
Vì vậy, kinh Vu lan và kinh Địa Tạng được đa số tín đồ Phật giáo tụng đọc trong tháng bảy, nó phản ánh một mối quan hệ gần gũi với những ý nghĩa tương đồng về sự báo đáp công đức sinh thành, không những lúc cha mẹ còn sống mà khi chết đi, chúng ta cần phải làm gì để báo đáp công ơn đó. Đó là bức thông điệp mà ngài Địa Tạng muốn gửi đến cho con người về tinh thần hiếu hạnh, về những phẩm chất tốt đẹp của đạo lý làm người trong cuộc sống, sống có nghĩa có tình, biết tri ân và báo ân đấng sinh thành, các bậc tiền bối hữu công của dân tộc. Đồng thời cần thiết phát huy những việc làm thánh thiện, tự thân phấn đấu tu tập để cứu độ chính mình, mọi người và tất cả chúng sinh, thoát khỏi u đồ.
2. Phát huy tính thiện của chính mình vì lợi ích tha nhân
Đọc kinh Địa Tạng chúng ta mới cảm nhận được một tấm lòng từ bi vô cùng to lớn, một đại nguyện vĩ đại của đức Địa Tạng đối với con người, một hành động mang tính nhân văn sâu sắc với những lời phát nguyện của một vị Bồ tát không vì bản thân, không vì vụ lợi cá nhân, một tình thương đồng loại cao cả, xem chúng sinh như là người thân, quyến thuộc của chính mình, ngài Địa Tạng (tiền thân tên là Quang Mục) đã phát nguyện rộng lớn: “Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm ngàn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sinh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ v.v.. Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chính Giác”.
Không phải ngẫu nhiên mà đức Phật phó chúc nhiệm vụ to lớn, cứu độ chúng sinh cho ngài Địa Tạng, một trách nhiệm vô cùng vĩ đại mà không phải bất kỳ vị nào cũng có thể làm được việc làm không thể nghĩ bàn như ngài Địa Tạng “địa ngục vị không thể bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng Bồ đề”; khi nào hết người phạm tội? Địa ngục không còn tội nhân bị hành hình? Và có lẽ ngài Địa Tạng sẽ không thành Phật, khi chúng sinh vẫn còn phạm tội.
Chúng ta mới thấy được rằng tấm lòng cao cả của Bồ tát Địa Tạng mênh mông như trời đất, dung chứa tất cả mọi người, nguyện vì chúng sinh hy sinh tất cả. Do đó, đức Phật mới đặt trọn niềm tin vững chắc và phó chúc tín đồ, quyến thuộc chúng sinh cho ngài Địa Tạng: “Này Địa Tạng! Hôm nay ta ân cần đem chúng trời, người giao phó cho ông. Trong đời sau, như có hàng trời, người cùng thiện nam, thiện nữ nào trồng chút ít căn lành ở trong Phật pháp, chừng bằng sợi lông, mảy trần, hột cát, giọt nước, thời ông nên dùng đạo lực của ông ủng hộ người đó, làm cho người đó tu tập lần lần đạo hạnh Vô Thượng, chớ để họ thối thất”.
Vấn đề cốt lõi của câu chuyện “uỷ thác chúng sinh” mà đức Phật muốn giao nhiệm vụ cho ngài Địa Tạng là giáo hoá chúng sinh phát khởi “căn lành ở trong Phật pháp”, nghĩa là chúng ta cần phải tu dưỡng thân tâm, tích đức hành thiện, mang đến những việc làm thánh thiện vì lợi ích của con người trong xã hội.
Phương pháp mà ngài Địa Tạng chỉ dạy cho chúng sinh đó là sự tu tập của chính mình để loại bỏ tà kiến, tham, sân, si, tu tập các nghiệp lành, hoá giải nghiệp xấu, giải trừ được vô minh u ám nơi chính con người của mình. Chốn an lành, hạnh phúc không phải là nơi dung chứa những hành động xấu ác, những hành động gieo rắc những khổ đau cho con người bằng những việc ác như: ma tuý, giết người, cướp của…đó chính là cảnh giới của địa ngục, chốn u tối, con người cần phải từ bỏ, tránh xa những việc làm không mang lại hạnh phúc cho con người trong xã hội.
Những điều mà ngài Địa Tạng dạy đó là sự phát khởi những hành động mang tính hành thiện, tích đức, tạo phước đức như có bổn phận và trách nhiệm đối với cha mẹ, xã hội, dân tộc; phải có lòng tôn kính Tam bảo, tu tập, rèn luyện tự thân để loại trừ tham, sân, si chính mình; đồng thời hành động bố thí, mở lòng mình chăm lo, chia sẻ với nhiều nỗi bất hạnh của những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, vì lợi ích của mọi người hơn là vì lòng vị kỷ bản thân. Căn lành trong Phật pháp phải hàm ý ở nhiều khía cạnh rộng lớn hơn qua những hành động, việc làm thiết thực trong cuộc sống nhân sinh.
Chỉ có những hành động xuất phát từ thiện nghiệp mới có thể hướng đến tu tập để chứng quả Vô Thượng Bồ đề, hoá giải được “cảnh giới địa ngục” mà ngài Địa Tạng muốn chỉ dạy cho con người. Nhiều người trong chúng ta đã hiểu sai về ý nghĩa cao cả của đức Địa Tạng bằng những hành động, việc làm mang tính hình thức nghi lễ, bái tế, đốt vàng mã, như trong kinh đã nói rõ: “…ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỷ, Thần, cầu cúng ma quái”. Những việc làm đó không mang đến lợi ích thiết thực, không phát khởi căn lành, thiện nghiệp của con người; đồng thời sẽ không giúp ích để hoá giải nghiệp thức của hương linh nơi chốn địa ngục.
Phương pháp giải trừ nghiệp thức chốn địa ngục của ngài Địa Tạng là lối sống hướng thiện, giữ gìn ba nghiệp thanh tịnh, sống có đạo đức, mở lòng từ bi với tất cả mọi người, với quan niệm “cho đi là còn mãi” với ước nguyện “chúng sinh thành Phật” mình sẽ “thành Phật”, như lời đại nguyện của Bồ tát Địa Tạng.
Tóm lại, kinh Địa Tạng là một hệ kinh văn thuộc Đại thừa Phật giáo, được giới tu sĩ, tín đồ Phật giáo tụng kinh trong các nghi thức cầu nguyện, cầu siêu của Phật giáo.
Kinh Địa Tạng ngoài những ý nghĩa mang tính tín ngưỡng, tôn giáo, bản kinh còn phản ánh những triết lý sâu xa, tính nhân văn sâu sắc của ngài Địa Tạng về giá trị sống của con người trong cuộc sống. Vấn đề địa ngục nhưng là một giải pháp nhằm thể hiện những nỗ lực ngăn chặn hành động tội ác, điều xấu, tư tưởng lệch lạc của con người, hướng về với chính đạo và thực hiện những hành vi phù hợp với quy chuẩn của đạo đức.
Sống hướng thiện, thực hành những pháp lành trong mọi hành vi, lời nói, sống có tinh thần trách nhiệm, tri ân và báo ân đối với cha mẹ, tổ tiên, các bậc tiền nhân. Từ đó làm động lực thúc đẩy con người trên hành trình tìm về chân lý giác ngộ, thoát khỏi dòng xoáy của luân hồi sinh tử. Một bài học có giá trị từ hình tượng Bồ tát Địa Tạng là lòng vị tha vô bờ bến, đức hy sinh không biết mệt mỏi, một tình thương yêu sâu sắc đối với chúng sinh.
Mục tiêu cuối cùng trên lộ trình tu tập, hành đạo là thể hiện ý chí, hành động vì lợi ích của con người, giúp cho mọi người quay về chính đạo.
Kinh Địa Tạng không mang đến cho con người những sự mê tín, phù phiếm, cầu hướng về những nghi thức cúng bái phi thực tiễn, mà sự xuất hiện của ngài Địa Tạng như một chiếc phao nhân đạo cứu giúp chúng sinh lạc lối trên đại dương mênh mông tìm về mảnh đất của sự giác ngộ giải thoát. Chất liệu nuôi sống đời sống tâm linh con người không phải bằng hình thức, mà bằng những hành động thiết thực trong sự tu tập tự thân, sự rèn luyện nội tâm hướng về chính đạo và lòng kiên nhẫn vì một nhiệm vụ thiêng liêng như Bồ tát Địa Tạng đã làm không biết mệt mỏi vì lợi ích của con người.
Tiến sĩ Lệ Quang
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chánh trí Mai Thọ Truyền, Địa Tạng mật nghĩa, NXB. Tôn Giáo, 2006.
2. HT Thích Tuệ Nhuận, Kinh Địa Tạng bản nguyện công đức, NXB. chùa Bồ Đề, 1964.
3. HT. Thích Huệ Đăng (dịch), Kinh Vu Lan và Báo Hiếu, NXB. Tôn giáo, 2012.
4. HT. Thích Trí Quang, kinh Địa Tạng, NXB. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 1993.
5. HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện, NXB. Tôn giáo, 2018.
6. Phân viện Nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán – Việt, NXB. Khoa học xã hội, 2012.
Năm 2025 là lần thứ tư, Việt Nam một lần nữa có vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, với chủ đề “Đoàn kết, Thống nhất và Hợp tác: Phật giáo vì Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững”
Phật – Nho và Lão Trang là ba hệ tư tưởng cổ đại lớn, có sức ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân loại nói chung và các quốc gia phương Đông nói riêng. Chỉ nói đến Tam tạng kinh điển (kinh, luật, luận) của nhà Phật thôi, cũng ít có ai tham cứu hết
Việc ứng dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống lứa đôi mang lại rất nhiều tích cực cho cuộc sống gia đình của các phật tử, hướng phật tử đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp trên nền tảng đạo đức Phật giáo.
Thiền học Trúc Lâm cùng Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh có sự tương đồng về mặt bản chất khi hai luồng tư tưởng đều hướng đến mục tiêu giải phóng con người, xây dựng một xã hội tốt đẹp
Bình luận (0)