Dẫn nhập

Dù bạn đang sống trong thời đại, quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đi nữa đạo đức luôn là vấn đề chính được đặt lên hàng đầu. Ở trong Phật giáo hay ngoài xã hội cũng vậy, khi nhắc đến con người là ta luôn có khái niệm người đó ra sao? Tốt hay xấu? Ý muốn nói đến đạo đức của họ. Những người đệ tử của đức Phật, một con người đôi khi đạo đức bị tha hóa, mất hết cả nhân tính như Angulimala, nhưng cuối cùng cũng được chuyển hóa lúc ngài đủ duyên gặp Phật.

Vậy không ai có thể thiếu "đạo đức", nó rất cần thiết, chúng ta không thể xem nhẹ và quan trọng hơn là khi một người càng trưởng thành lại có địa vị trong xã hội thì rất nguy hiểm nếu họ thiếu đi một phần đạo đức nhân bản.

Trong Đại Tạng Kinh đức Phật có dạy: Một con người để có được đạo đức mang tính nhân bản cần phải có ba phương diện quan trọng là Không làm ác, tình nguyện làm thiện hay làm thiện với động cơ cao quý. Nhưng chúng ta đôi khi lại sống trong sự lãng quên với trách nhiệm của chính mình, vì vậy thường có những hành động hay cả trong suy nghĩ bị xao lãng trong ý thức.

Để tránh đi những điều ấy chúng ta cần học sự an trú của tâm, chính niệm tỉnh thức trong mọi lúc mọi nơi và nhất là quan tâm đến vấn đề về đạo đức của con người.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, hôm nay người viết sẽ dùng những kiến thức cơ bản đã được học và sự hiểu của mình, phân tích nội dung về vấn đề đạo đức, nhưng chỉ gói gọn trong phạm vi “Đạo đức Phật giáo mang tính nhân bản”.

Bài viết sẽ dựa vào một vài bài kinh trong tạng Nikayā và một số tài liệu sách liên quan để làm phương tiện viết bài. Bên cạnh đó, bài viết còn sử dụng những phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh ,v..v để thực hiện.

Nội dung

Sau khi nước ta được giải phóng khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm, giai cấp phong kiến nhanh chóng tiến hành xây dựng nhà nước Đại Việt. Các triều đại Ngô – Đinh – Tiền – Lê đã đặt nền móng đầu tiên cho một nhà nước Đại Việt độc lập, và triều Lý thật sự đã mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước Đại Việt vững mạnh “Đây là một triều đại đã thực hiện một đại quy mô quốc gia cho dân tộc độc lập, hùng cường ở Đông Nam Á”[1].

Truyền thống lịch sử dân tộc của đất nước Việt Nam là truyền thống dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa. Nhưng dù ở trong giai đoạn nào thì đạo đức con người vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.

Ảnh minh hoạ (sưu tầm)
Ảnh minh hoạ (sưu tầm)

1. Khái niệm và sự dẫn đến mê lầm về đạo đức

Trong cuộc sống sinh hoạt của con người, thường có hai nhu cầu là ‘vật chất’ và ‘tinh thần’. Trong đó, về mặt tinh thần chính là đạo đức của con người nhưng nói về đạo đức thì có rất nhiều như đạo đức tâm lý học, giáo dục học, đạo đức gia đình, xã hội, v..v., ở đây người viết muốn trình bày nội dung “Đạo đức Phật giáo mang tính nhân bản” là chính.

Những hoạt động của con người cũng là hình thái đạo đức, một trong những hình thái ý thức của xã hội và có liên quan đến những kiến trúc thượng tầng hay hạ tầng mà xã hội đã và đang diễn ra.

1.1 Khái niệm về đạo đức

Trước tiên chúng ta cần hiểu: “Đạo” là con đường, là hướng đi. “Đức” là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. “Nhân” là người, “Bản” là gốc, là nguồn cội.

Như vậy, Đạo đức nhân bản là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích xã hội: “Ở trong nhà là báo hiếu cha mẹ, ra xã hội là giúp nước, ngồi một mình thì hoàn chỉnh bản thân”[2]. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống tâm hồn. Ngay từ buổi đầu khởi nguyên nhà nước Việt Nam độc lập đã mang tư tưởng Phật giáo, trong tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử cũng có nói: “Ở trong nhà có thể thờ cha mẹ, làm chủ nước có thể trị dân, đứng một mình có thể sửa thân”[3]. Như vậy Phật giáo thuở ban đầu đã trở thành một đạo Phật có nếp sống đạo, không chỉ từng cá nhân mà là một cộng đồng xã hội, tạo ra những nét đặt trưng riêng biệt.

Trong kinh đức Phật có dạy chúng ta sống phải biết nói yêu thương hòa nhã, thể hiện tinh thần đoàn kết trong sáu phép lục hòa của người xuất gia. Điều ấy, được thể hiện qua những hành động, cách sống đạo đức nhân bản của một cá nhân.

Giáo dục đạo đức Phật giáo chính là giáo dục của Giới – Định – Tuệ, giáo dục ấy đem lại sự hòa bình, hạnh phúc thật sự lâu dài cho loài người và thế giới. Đức Phật là người đã đi trước thời đại lịch sử, Ngài nhìn rõ được những gì đang xảy ra theo định luật vô thường của vũ trụ (sinh, trụ, dị, diệt) đang tiếp diễn. Vì thế, Ngài đã dạy về giáo dục những hành vi đạo đức của con người để làm cho xã hội an lạc, thế giới hòa bình. Bên cạnh đó, Đạo đức Phật giáo được định nghĩa như sau: “Đạo là chính pháp, đức là đắc đạo, là không làm sai lệch nền chính pháp”[4]. Như vậy, đạo đức Phật giáo cũng chính là sự Giáo dục thể hiện truyền thụ nhân cách đạo đức từ người có kiến thức và mẫu mực trong đời sống, tất nhiên là phải qua thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Cụ thể của hành vi đó là truyền trao kiến thức, kinh nghiệm sống, nhân cách đạo đức.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa:  Đạo đức là: “Hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội”[5], như vậy được gọi là đạo đức.

Vậy, ở đây đạo đức được hiểu, “Những người không kể là xuất gia hay tại gia, một khi đã tin vào chân lý - giá trị triết lý đạo đức của đạo Phật và sống theo đúng theo, đều mặc nhiên trở thành những nhà giáo dục Phật giáo, bằng thân giáo, bằng mọi hành vi và lời nói của mình”[6]. Nó cũng đồng nghĩa với phạm hạnh đạo đức của một con người chuẩn mực, nếu không có giáo dục về đạo đức con người chỉ sống theo bản năng sinh tồn, tự vệ để sống không biết được đúng sai, nhân quả, nghiệp báo, hành vi gây ra tội lỗi rất cao, cho nên chúng ta cần phải hiểu về đạo đức nhân bản của con người, như cốt lõi của sự sống trong các mối quan hệ cộng đồng và cũng là nền tảng kiến thức cho một người công dân.

1.2 Những nguyên nhân dẫn đến sự mê lầm về đạo đức

Các nguyên nhân khiến chúng ta mê lầm là bởi chúng ta chưa có đủ niềm tin ở bản thân, không có được trí tuệ, thiếu sự hiểu biết về nhân quả rồi luôn sống trong lo sợ vì những việc mình đã làm không chân chính, một người chưa có đạo đức về nhân bản thì họ chưa có được sự tàm - quý của một người. Trong đó điều căn bản là do lòng tham và thiếu hiểu biết nên khiến họ sa lầy vào hố sâu tội lỗi.

Trong số đệ tử đức Phật, có Ngài Angulimāla ngày xưa vì bị ganh tị hiềm khích của bạn đồng môn mà hại ngài khiến cho sự hiểu lầm giữa thầy và trò, từ đó Ngài ra sức tạo tội nhưng không biết đó là tội, với tâm tham, mong muốn mình chóng đạt được quả vị cũng như có được sự tín nhiệm của người thầy, chính điều ấy mà ngài đã siêng năng, kiên trì làm những hành động giết người để chặt lấy ngón tay xâu lại, nhưng điều ấy lại là ác nghiệp mà chính người hành động cũng không biết. Khi quả bất thiện kết thúc khiến ngài đủ nhân duyên gặp Phật nên được giáo hóa và tu tập, với người luôn siêng năng tinh tấn trên con đường tu tập, tuy nghiệp quả không mất nhưng ngài đã chuyển hóa và mau chóng trở thành bậc Thánh A-la-hán.

Đức Phật cho rằng con người đóng vai trò quyết định quá trình giác ngộ và giải thoát của chính mình, ai cũng có thể thay đổi số phận bằng cách tu tập để chuyển nghiệp. Khi mê con người thường hay đau khổ, nhưng khi bắt đầu nhận biết được sự mê lầm ấy họ tự chuyển hóa để không còn vấp ngã. Chính những tư tưởng này mà Phật giáo đã thực hiện cuộc cách mạng nhất là ở Ấn Độ lúc bấy giờ, Ngài dạy họ chuyển hướng niềm tin tha lực viễn vong sang tìm vào niềm tin nơi chính mình chứ không phải ở bất kỳ vị thần linh nào. Ai cũng có thể tự bước đi bằng đôi chân, không nương tựa hay dựa dẫm vào người khác, khi dựa cây thì cây cũng ngã, dựa người người cũng đổi thay vì thế hãy tự mình.

Ảnh AI
Ảnh AI

2. Giáo dục đạo đức Phật giáo mang tính nhân bản

2.1 Đạo đức mang tính nhân bản

Vào thời Lý-Trần, các vị vua cũng luôn sống hết lòng vì đạo đức. Vua Lý Thái Tông, là vị tổ thứ hai của Thiền phái Thảo Đường, đã giảm bớt tội hình, đốt bỏ hình cụ, xóa một nửa tiền thuế cho dân: “Mùa Đông năm nay lại được mùa lớn, nên trăm họ đều no đủ trẫm còn lo gì thiếu thốn. Vậy, xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay”[7]. Mất mùa giảm thuế thì bình thường, nhưng ở đây được mùa vua cũng giảm thuế, điều ấy cho thấy việc chăm lo cho dân chẳng khác nào như con một, đây là hành động khác người mà chỉ có thời Lý mới có. Nhưng ở thời Trần thì không kém, Vua Trần Thái Tông nói: “Ta xem ngôi vua như đôi giày rách, bỏ lúc nào cũng được”[8], làm vua mà có thể bỏ ngai vàng một cách dễ dàng như vậy, coi ngôi cao lộc cả chỉ là của chung, chẳng những tha tội chết cho kẻ phản nghịch mà còn dám tin dùng tuyệt đối người con của kẻ nghịch với mình, đây quả thật là người rất hiếm.

Đức Phật dạy dứt ác làm lành không ngoài ba nghiệp Thân-khẩu-ý của con người, dựa theo những nguyên tắc giới luật mà tùy theo cấp độ khác nhau nhưng không ngoài mục đích thiết lập một đời sống gia đình hạnh phúc, xây dựng xã hội ổn định và kiến tạo  một đất nước thanh bình. Đây cũng chính là ‘Tam độc’ bởi nó có thể đưa ta trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi, nhưng nếu biết tu tập và chúng ta làm chủ được thân – khẩu – ý thì đây cũng là yếu tố quyết định đưa ta đến bến bờ giải thoát.

2.2 Đạo đức Phật giáo giải phóng con người thoát khỏi nô lệ Thượng đế và Thần linh

Thường thì con người mê tín những sự việc chưa hiểu rõ, tin vào sự may rủi, mê tín dị đoan một cách mù mờ qua cách thức tế lễ.

Trong khi đó, tế lễ cũng là hình thức tín ngưỡng từ rất xa xưa của loài người. Họ thường thiết lập ra đàn tràng, sắm sinh lễ vật để tạ ơn trời đất, ông bà tổ tiên. Nhưng đôi khi là lễ tế vì tin vào sự cầu xin thần linh tha tội hay ban phước,v..v, chính vì điều ấy mà họ đã thể hiện sự cúng tế để mong cầu phước báu nhưng chưa hiểu hết được nhân quả nên dẫn đến sự sai lầm. Họ lập ra những đàn tràng tế lễ rất dã man với những hình thức như phải có máu tươi, rượu thịt hay đôi khi là cô gái mới lớn để tế thần, do chưa hiểu và từ xưa họ đã bị theo phong tục hóa cổ hủ nhồi nhét khó mà thoát ra khỏi.

Bên cạnh đó, đức Phật không ngợi ca và cũng không chấp nhận bất cứ hình thức tế lễ nào mang đến sự giết hại chúng sinh hay con người. Tuy nhiên, Ngài lại ca ngợi việc cúng tế mang lại niềm an vui và sự hòa bình, bởi cúng tế cũng là nét truyền thống để tưởng nhớ người quá cố của chúng ta. Trong kinh Tăng Chi có câu chuyện như sau: “Một thời Thế Tôn ở Rājagaha. Có một người Bà-la-môn Ujjaya đến bạch rằng: Có phải Thế Tôn không tán thán việc tế đàn? … không phải ta không tán thán tất cả, nhưng ta không tán thán loại tế đàn nào có sự giết hại các loài bò, dê, cừu, gà, heo, .v..v, để tế lễ”[9]. Như vậy, đức Phật không ngăn cản chúng ta cúng tế mà Ngài khuyên chúng ta cúng tế để biết ơn và phải biết tạo ra phước lành để hồi hướng cho người quá cố mà ta mang ơn ấy mới là thiết thực.

Ai sinh ra cũng có quyền được tự do tín ngưỡng, nhưng đâu đó vẫn còn một vài nơi thuộc những vùng sâu vùng xa, thậm chí ngay trong chốn thành thị, nhưng do sự hiểu biết quá hạn hẹp khiến họ không thể thoát ra khỏi vòng xoáy của sự mê tín viễn vong, một sự việc không có căn cứ hay nói đúng hơn là sự hù dọa về tội lỗi. Về phía Bà-la-môn thì dễ thấy, “Bấy giờ, có một người Bà la môn cứ mỗi sáng thức dậy, ra sân lạy sáu phương. Rất nhiều người làm như vậy y như một cái máy mà không hề ý thức được việc làm này được gì”[10].

Phật hỏi họ tại sao lạy sáu phương. Họ trả lời vì đây truyền thống nên làm theo chứ thật ra họ không hiểu, mà cũng không cần biết ý nghĩa, một sự mê muội thật đáng thương, họ chỉ đặt niềm tin vào Thượng đế hay Phạm thiên mong được gia hộ. Trong khi đó, đức Phật giải thích về ý nghĩa lạy sáu phương và dạy cho Thiện Sanh qua bài kinh Phật Thuyết Thiện Sanh tử như sau: Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng (thầy giáo), phương Tây là vợ chồng, phương Bắc là bạn bè, phương dưới là tôi tớ, phương trên là Sa-môn hay Bà-la-môn và Thánh nhân. Nói xong đức Phật giải thích sự tương quan mật thiết về lạy sáu phương như: Bố thí là phương Đông, Trì giới là phương Nam, Nhẫn nhục là phương Tây, Tinh tấn là phương Bắc, Thiền định là phương Dưới, Trí tuệ là phương Trên. Nhờ vào sự giải thích như vậy Thiện Sanh hiểu ra và cầu xin đức Phật để được làm đệ tử.

Thuyết linh hồn bất tử thì họ tin vào Thượng đế, Thần linh. Họ cứ tạo ác bởi “Sau khi chết, những ai không tin vào Thượng đế, mặc dù có làm đủ điều thiện cũng sẽ bị trừng phạt, chịu cực hình đời đời dưới địa ngục. Những ai tôn kính Thượng đế thì dù làm đủ điều ác cũng được sinh lên Thiên đường vui hưởng lạc thú mãi mãi”[11]. Họ đặt trọn niềm tin vào thượng đế có quyền thưởng phạt nếu con người làm theo. Khi nói là một đấng tạo hóa tạo ra con người nghĩa là những người đó cũng là con của họ, nhưng tại sao lại có tình thương không công bằng, bị hành phạt xuống địa ngục hay được lên cõi thiên đàng nếu làm theo không đúng. Một người làm cha mẹ không ai không thương con, nhưng tại sao lại có đối xử phân biệt, như vậy niềm tin có điều kiện! Điều ấy chắc chắn không thể, nếu một người có niềm tin thì niềm tin ấy phải có sự tự nguyện và tìm hiểu theo cá nhân mỗi người, không thể đem một vị Thần linh tối cao nào đó ra mua bán trao đổi như vậy, cho nên khi nói tội thì Thượng đế là tội nhiều nhất. Vì Thượng đế ghét ai không nghe theo là đều cho xuống địa ngục, còn ai nghe lời lại được lên thiên đàng, đây là một điều hết sức phi lí. Mỗi người đều có quyền bình đẳng như nhau, đều tự do chọn cho mình một lối đi cũng như niềm tin tưởng về tâm linh.

Trong kinh Tương ưng đức Phật dạy:

Giả sử trăm ngàn kiếp,

Nghiệp đã tạo không mất.

Khi nhân duyên hội ngộ,

Quả báo tự mình mang”[12]

Như vậy, mỗi người chúng ta ai cũng có nhân quả nghiệp báo khi sinh ra cõi đời này, chính nhân duyên đã đủ nên chúng ta mới tái sinh theo nghiệp của mình.

Trong bài Kinh Lửa Cháy có nói về đạo thờ lửa của ba anh em ngài Ca Diếp. Họ có niềm tin về thần linh một cách tối cao, đến khi được gặp Phật họ được giáo hóa thì mới nhận ra rằng thần lửa không thể đem lại sự giải thoát, niềm tin về thần linh của mình đã lầm đường lạc lối bấy lâu, vì thế họ cùng với đồ chúng đã quy y theo Phật và Ngài Ca Diếp được chứng quả ngay trong kiếp hiện tại.

Với Phật giáo, đạo đức nhân bản có vai trò quan trọng như thế nào? Trong kinh Trường A Hàm có miêu tả như sau: “Hôm đó ông Cứu La Đàn Đầu đang soạn sửa thiết một lễ đại tế với 500 con bò đực, 500 bò cái, 500 con nghé đực, 500 con nghé cái, 500 con dê con, 500 con dê thiến”[13]. Lúc bấy giờ nghe tin đức Phật đang ở tại nước Kosala, ông liền đến để thỉnh ý muốn hỏi về việc tế lễ như vậy, đức Phật đã hóa độ ông bằng cách hãy dùng những tài sản quý báu mà cung cấp cho người nghèo, dân chúng cần dùng những gì mà bố thí, điều ấy sẽ được quả báo lớn tiếng tăm đồn xa, được người kính trọng. Bởi đức Phật cũng biết vị này không có ác tâm, được sinh ra trong gia đình bảy đời cha mẹ chân chính không bị gièm pha, được học thuộc lòng các kinh thánh Bà-la-môn.

Đến khi nghe đức Phật giảng xong ông liền tỉnh ngộ mà không tế lễ bằng thân xác con vật nữa, thay vào đó ông làm việc thiện, phước lành được người khen ngợi, vì chính trong ông đạo đức nhân bản đã có sẵn, nhưng bị ngủ vùi không được khơi dậy, khi được Phật nhắc nhở khuyên bảo ông liền ngộ ra và thực hành theo lời Phật dạy.

Có người lại tin vào sự mê tín viễn vong như bão lũ, hạn hán là con người do bị phạt bởi thần linh nên cần phải cúng tế cầu cho tai qua nạn khỏi, nhưng đó là thời tiết, muốn thay đổi cần nhiều yếu tố từ môi trường không thể do cầu nguyện, cũng giống như lấy dầu đổ trên mặt nước mà tụng chú cầu nguyện cho dầu lặn xuống hay lấy đá ném xuống ao rồi cầu nguyện cho đá nổi lên là những điều không thể. Cũng vậy, sự tương quan giữa phước và tội nó “Giống như một viên đá dù bé như hạt tiêu nó vẫn bị chìm xuống nước”[14].

Nietzch cũng nhận xét: “Phật giáo không kích thích người ta làm chiến tranh chống các tôn giáo khác. Điều cảm động nhất, chính là ở chỗ giáo lý nhà Phật chống lại tư tưởng phục thù, hằn học, oán ghét”[15]. Nói đến giáo dục đạo đức có rất nhiều, nhưng đức Phật đề cao vai trò giáo dục của cha mẹ đối với con cái. Vì điều ấy, nó hình thành nền tảng nhân bản, nhân cách của con người. Khi sinh ra, ai cũng cần có sự dạy dỗ từ thuở bé thơ. Có thể nói, cha mẹ là những người thầy đầu đời vĩ đại nhất, nhờ có cha mẹ dạy mà ta biết ăn, biết nói, sau đó được đi học ở các trường tùy theo cấp bậc và độ tuổi. Bên cạnh đó, cha mẹ còn rèn luyện cho con về kỹ năng sống sao cho xứng đáng là một công dân tốt, có trách nhiệm với bản thân và tha nhân.

Bên cạnh đó, con người còn tin vào thuyết Định Mệnh Luận hay Thần Ý Luận, v..v, chủ trương tất cả đều nhờ vào ý chí của thần mà được sống hay tồn tại. Thuyết này lấy Bà-la-môn-giáo làm trung tâm và dĩ nhiên là chủ trương của các phái Hữu Thần đương thời, và Phạm Thiên là vị thần tối cao và tuyệt đối. “Thần ý ở đây cũng chỉ là ám chỉ ý chí của Phạm Thiên”[16]. Ở hiện tại, con người có ý chí tự do. Đồng thời, tuy có túc nghiệp quá khứ, nhưng nhờ nỗ lực, tập quán, tín ngưỡng và giác ngộ nó có thể được biến đổi, bởi tu là chuyển nghiệp.

Như vậy, đức Phật đã hướng dẫn con người đi từ bờ mê sang bến giác, từ sự nô lệ của thần linh trở thành người được tự do qua ý chí của người đó. Họ vẫn có niềm tin nơi tâm linh nhưng không phải là thần linh, niềm tin ban ơn giáng họa, mà niềm tin ấy chính là sự thật hiển nhiên, sự an lạc giải thoát ngay trong hiện tại.

Một trạng thái này chuyển sang trạng thái khác, một người mê tín trở thành chính tín. Niềm tin tâm linh là món ăn tinh thần của con người vì vậy không thể thiếu, nhưng do hiểu sai nên hành sai dẫn đến kết quả xấu.

2.3 Vai trò của Ý chí tự do trong hành vi đạo đức

Ý chí hay còn gọi là Cetanā, chủ ý để tác động ra thân và khẩu. Khi con người sống nhưng lại không biết việc mình làm là đúng hay sai, bởi họ chưa hiểu được, chỉ sống theo bản năng, không nghĩ đến nhân quả nghiệp báo hay đạo đức nhân cách của một con người.

Theo hiến pháp nhà nước quy định năm 2013, mỗi con người chúng ta ai cũng có được năm quyền tự do căn bản đó là: Quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do đi lại, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng. Ấy thế nhưng đâu đó cũng có vài nơi, vài tôn giáo họ lại hạn chế những quyền cơ bản đó của con người, khi họ áp đặt niềm tin ở một vị giáo chủ rồi buộc con cái, gia đình phải noi theo. Giống như đứa trẻ mới sinh ra chưa biết gì mà đã đem vô nhà thờ rửa tội, thực ra nó biết gì đâu là tội hay phước. Nếu nói đem nó đến để cầu nguyện mong cho nó được lớn lên trong sự khỏe mạnh, được yêu thương che chở của nền tảng đạo đức từ ông bà cha mẹ thì có vẻ hợp lý hơn. Nhưng họ lại không nghĩ được như vậy, họ luôn đặt áp lực niềm tin tôn giáo của chính mình lên một đứa trẻ sơ sinh.

Đạo đức trong Phật giáo được xem như Giới - Luật, có đạo đức, có trì giới tức là có niềm tin chân chính nơi giáo pháp cũng như luật nhân quả, nhờ vào điều đó mà người làm ác họ còn biết sợ tội sẽ giảm dần hoặc ít nhất sau khi làm ác xong họ biết ăn năn sám hối, chính vì thế mà được chuyển hóa một người ác thành thiện, người phàm thành Thánh nhân. Không gì có thể thay đổi được một con người bằng chính sự nhận thức trong tâm họ, có được sự nhận thức họ mới có được sự chuyển hóa.

Ví dụ trong hàng đệ tử tại gia của đức Phật có ông Trưởng giả Anāthapindika là một thương gia giàu có, là người Phật tử chân chính nên ông luôn giữ giới luật nghiêm ngặt, tin vào giáo Pháp cũng như những lời giảng dạy của đức Phật hay các bậc Thánh tăng đệ tử Ngài, lại có đức hạnh tốt biết giúp đỡ người nghèo khó. Nhờ vào đạo đức cũng như công hạnh của ông mà đức Phật khen ngợi ông là đệ tử bậc nhất về hạnh “Bố thí”, và cũng nhờ vào sự giữ giới trong sạch và những hành vi đạo đức của ông mà sau khi qua đời ông được sanh về cõi trời. (trích theo kinh Trung Bộ, kinh Giáo giới Cấp Cô Độc).

Những giới pháp do đức Phật chế định, dù trải qua thời gian hay không gian vẫn còn tồn tại, tuy có thay đổi do nhân loại nay đã văn minh hơn xưa, nhưng vẫn còn mang rõ nét tính chất thiết thực.

Chính vì “mục đích của giới pháp được đặt trên nền tảng đạo đức nhân bản, nhằm hoàn thiện phẩm giá của con người”[17], đem lại an lạc cho cá nhân, hạnh phúc cho gia đình, ổn định cho xã hội và thanh bình cho toàn thể nhân loại.

Khi có ý chí giúp con người vượt qua chủ nghĩa ngẫu nhiên thực tại, bởi tất cả mọi sự hiện hữu đều có sự kết nối với nhau mà Phật giáo gọi là duyên sinh hay duyên diệt.

Do cái này có mặt nên cái kia có mặt,

Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt,

Do cái này sinh nên cái kia sinh,

Do cái này diệt nên cái kia diệt”[18].

Mối quan hệ mật thiết giữa con người với nhau nên rất cần có động cơ ý chí. Khác hẳn với các tôn giáo khác trên thế giới đều dạy tín đồ của mình toàn tâm toàn ý hướng đến đấng giáo chủ, thì giáo lý nhà Phật lại nhắc nhở con người không nên tin theo Phật một cách mù quáng.

Đức Phật từng dạy các đệ tử của mình chớ tin vào những điều chỉ nghe mà chưa hiểu, đạo Phật là đạo “đến để mà thấy”[19]. Đức Phật đã từng nói tin ta mà không hiểu ta chẳng khác gì phỉ báng ta, vì thế đạo Phật luôn dạy con người về đạo đức nhân bản, luôn tôn trọng tự do ý chí của cá nhân, không theo tư tưởng lôi kéo tín đồ mà khuyên họ nên tin vào thực tế. 

Trong kinh Trường Bộ tập 2 đức Phật dạy: Làm tất cả điều thiện bắt đầu bằng sự làm chủ ba cánh cửa của Thân – Khẩu – Ý qua ba phương diện quan trọng là không làm ác, tình nguyện làm thiện, làm thiện với động cơ cao quý. Theo ngài Phật Âm, có 5 tiêu chí để đánh giá về Thiện trong Phật giáo là: thoát khỏi độc lập, không bị cấu uế, dựa vào trí tuệ, giải phóng mọi khổ lụy, hướng đến hạnh phúc.

Bên cạnh đó, vấn đề Thiện và Ác như trong kinh Tăng Chi, kinh Pháp Cú,… và nhiều kinh khác đức Phật đưa ra vấn đề thiện ác gồm có: Phòng phi là ngăn chặn những điều xấu quấy không có cơ hội xảy ra, chỉ ác là chấm dứt những điều xấu đã làm, hành thiện để tạo ra phước báu trong hiện tại và tương lai. Nhưng đôi khi có người hiểu chưa hết ý, cứ nghĩ không giết người, không uống rượu như vậy những trẻ nhỏ đều làm được nên thấy yên tâm, nhưng thực ra chúng ta nên đề cao hành thiện dấn thân mới tạo ra được giá trị và chính động cơ thanh tịnh ấy là Thánh thiện.

Trong kinh Trung Bộ cũng nêu đạo đức Phật giáo là những hành vi thiện và bất thiện: “…thế nào là bất thiện?… sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, tham dục, sân hận, si muội… là bất thiện. Và thế nào là thiện? từ bỏ các điều bất thiện trên là thiện”[20].

Trong Phật giáo thì thiện hay bất thiện là bản tính sẵn có của con người, không phải do đấng siêu nhiên quy định, khi bất thiện xuất hiện ở một người chính là nguyên nhân sâu xa do con người thiếu hiểu biết, sự thiếu hụt về tâm trí ấy gọi là Vô minh, nên họ luôn chấp là thường hằng vĩnh cữu, từ đó nảy sinh dục vọng của tham-sân-si, tạo tác thành Nghiệp.

Ở đây, nguyên nhân chính dẫn đến bất thiện là do tham-sân-si, còn nguyên nhân của thiện là do không tham, không sân, không si và tu để chuyển nghiệp. Khi con người đã có sự liễu ngộ tự thân, hiểu và đạt tới giải thoát thì không còn chấp vào thiện hay bất thiện nữa, khi ấy đạo đức trở thành bản tính tự nhiên của con người.

Nơi nào đề cao ý chí tự lực là nơi đó đề cao nhân bản, nhưng chúng ta thường sống trong sự lãng quên, chỉ biết hành động theo ý mình nhưng lại không phải đề cao ý chí mà là để đáp ứng những ước muốn thấp hèn của Ngũ dục lục trần, phục vụ cho cái thân giả tạm hay cái tôi ích kỷ trong chính con người mình nên chúng ta luôn trôi lăn mãi trong kiếp luân hồi chưa được ra khỏi.

Tựu trung lại, giáo dục Phật giáo là toàn bộ nội dung giáo pháp đức Phật dạy. Nó được gói gọn trong Kinh – Luật – Luận nhằm mục đích khai thị, giáo hóa chúng sinh để hướng tới một xã hội an lạc và hạnh phúc trong sự hòa bình và bình đẳng của mọi loài.

Giáo dục đạo đức bắt nguồn từ ngàn xưa của xã hội loài người chúng ta, không chỉ nằm ở khía cạnh một lĩnh vực nào riêng biệt, nhưng quan trọng hơn đó là nhân bản đạo đức của một con người, bởi ai cũng muốn hòa đồng trong một lối sống tư duy lành mạnh và trong sáng.

Giáo dục Phật giáo hướng con người đến hoàn thiện đạo đức cá nhân, trước hết là việc giáo dục tinh thần từ bi, hướng thiện, mọi người đều bình đẳng, nếu chúng ta biết yêu thương lẫn nhau. Hãy nhìn những gì đang hiện ra quanh ta bằng ánh mắt vị tha, bao dung cũng như tâm từ bi, lòng yêu thương con người, chính điều ấy đã phá đi hàng rào ngăn cách giữa con người với con người mà xã hội thường gọi là “Vô tâm”.

3. Cách chuyển hoá đạo đức bằng phương pháp giáo dục

Một người khi được hiểu thế nào là thiện thế nào là bất thiện tự nhiên họ thay đổi. Giáo dục Phật giáo luôn đề cao về nhân cách của con người, trong các kinh điển cũng như giáo lý mà đức Phật dạy đều gói gọn trong Tứ Thánh Đế. Được hiểu: “Ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều bị nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này là lớn nhất trong tất cả dấu chân về mặt to lớn. Cũng vậy, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong Tứ Thánh Đế”[21]. Khi học và thực hành giáo lý này ai cũng được chuyển hóa từ những hành vi nhỏ nhặt nhất của chính mình.

Giới trẻ là tương lai của đất nước, do đó ở tuổi ấu niên, thiếu niên, thanh niên, tráng niên, mà không được huấn luyện về các phẩm chất sống, kỹ năng sống, lý tưởng sống, thì các cháu sẽ dễ mất phương hướng. Cho nên tập trung vào giới trẻ cũng là cách tốt nhất chăm sóc tương lai của đất nước cũng như gia đình.

Ngày nay trên các trang web cộng đồng mạng, tình trạng trẻ em phạm tội rất nhiều khiến cho cộng đồng xôn xao và đau đầu nhất là các bậc cha mẹ, thầy tổ. Như vụ việc được trích lại trên mạng như sau: “…Nghiện game, nghiện ma túy nên nhóm đối tượng này đã phối hợp cùng một nhóm trẻ nhỏ khác cùng quận bỏ nhà lang thang, sống bầy đàn. Để có tiền phục vụ nhu cầu cho mình, các đối tượng đã liên tiếp thực hiện các vụ trộm, cướp tài sản, ... chỉ trong vòng vài ngày các đối tượng đã thực hiện 5 vụ trộm, cướp tài sản tại các cửa hàng ở quận 1... ”[22]. Phải chăng là do nguyên nhân chủ quan và khách quan của những người có trách nhiệm. Vì vậy đối với người lớn cần quan tâm và hạn chế sự giao tiếp những nơi không nên đến của các em.

Cần cho các em học tập quen dần với môi trường tốt như những khóa tu mùa hè, khóa tu dành cho thanh thiếu niên, v..v, mở ra một đường hướng giáo dục mới để em tiếp nhận và thực hành, rèn luyện sẽ trở nên thói quen, mà thói quen tốt cần được duy trì và phát triển, như Hồ Chí Minh từng nói: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.

Bên cạnh đó, cần phải chú ý đến phương pháp giáo dục ở trường học, ở các diễn đàn học tập dành cho thế hệ trẻ, cũng giống như trong chương trình giáo dục học phổ thông có nói: “Cách thức hoạt động phối hợp thống nhất của nhà giáo dục và người được giáo dục, được tiến hành dưới vai trò chủ đạo của nhà giáo dục nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục, phù hợp với mục đích giáo dục”[23].Tất cả mỗi người Phật tử tùy duyên mà có cách thức tu tập miễn sao đạt được mục đích là thành Phật ở đời này, đó chính là Phật tại tâm, và làm thế nào để Phật ở trong Tâm lại hóa hiện ra giữa cuộc đời! Muốn được như vậy, phải “dứt trừ nhân ngã, thì ra thực tướng kim cương; dứt hết tham sân, mới lảu lòng viên giác”[24], bởi do “Ngã” gây ra làm ta vướn bận nên cần phải bỏ đi cái ngã của chính mình.

Như vậy, vào thời đó đã xuất hiện những con người kiệt xuất như vậy thì thời nay lớp trẻ chúng ta tiếp bước và học hỏi được gì từ các Ngài, Phật giáo hưng thịnh hay đang dấu hiệu hủy hoại là ở Tăng– Ni trẻ ngày nay. Sự học đi đôi với hành mới có được sự thành vậy, vì thế chúng ta phải làm sao xứng với phương châm: “Tăng Ni trẻ hôm nay Phật giáo ngày mai”.

3.1 Giáo dục đạo đức nhân bản trong Phật giáo giúp con người ích lợi gì?

Phật giáo lấy con người làm trung tâm để giáo dục, muốn thấu hiểu nổi khổ của người khác ta phải đặt mình vào vị trí của họ, có như vậy ta mới hiểu được tại sao họ lại hành xử như vậy… như vậy. Chính điều ấy giúp ta tìm cách giải thoát người đó ra khỏi nỗi khổ.

Với phương châm từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, Phật giáo hướng con người đến lối sống nhân bản, biết yêu thương và đem tình yêu ấy trải khắp muôn loài chúng sanh mà không có sự phân biệt trong đó. Khi hiểu ra được đạo đức nhân bản, ai cũng sống đúng nghĩa và ít nhất họ luôn thấy mình còn tồn tại, không dám tạo ra những việc tội lỗi hay mất đi tính đạo đức của mình.

Nhờ giáo lý nhân bản của đức Phật đã hướng được con người vươn đến mục đích cao xa hơn trong cuộc sống. Giáo sư Trần Phương Lan đã nói: “Thật hiếm nhân vật trong lịch sử có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như đức Phật Siddhattha Gotama, … Đạo giáo do ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng”[25].

Giáo dục Phật giáo mang tính nhân bản, nhân văn, luôn nhắm đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, có niềm tin chân chính, đem đến lợi lạc cho bản thân, gia đình và xã hội, cùng chung tay xây dựng nền hòa bình thịnh vượng. Giáo dục có thành công hay không là nhờ vào đội ngũ tăng – ni phải ra sức học tập, rèn luyện trau dồi Giới – định – tuệ để trở thành một vị tu sĩ có phẩm chất, đạo hạnh chân chính thì mới đem lại nhiều hạnh phúc, an lạc cho mình và xã hội.

Cuộc đấu tranh toàn thiện về đạo đức là tự lực trên nền tảng trí tuệ. Kinh Pháp cú 183 đức Phật dạy: “Không làm mọi điều ác, thành tựu các hạnh lành, tâm ý giữ trong sạch, chính là lời Phật dạy”[26]. Như vậy, bản chất giáo lý nhà Phật là chỉ ra cái khổ, nguyên nhân của nỗi khổ ấy, niềm vui khi đoạn diệt khổ và con đường đoạn tận khổ đau. Mặt khác, đạo Phật dạy con người sống có ý thức trách nhiệm với bản thân. Không ỷ lại, đổ lỗi hay chạy trốn khi những hành vi mình đã tạo. Bởi không ai có thể làm cho mình hạnh phúc hay đau khổ bằng chính mình. Chủ thuyết nào đề cao con người thì chủ thuyết ấy đề cao nhân bản, đề cao tự lực (lí trí). Mỗi người tự thắp đuốc lên mà đi, không ai có thể thay thế cho ai chịu khổ, mình tự làm tự chịu, luật nhân quả không thể khác hơn. “Hãy sống tự mình làm hòn đảo của chính mình, này các Tỷ kheo, …. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác”[27].

Nhưng bên cạnh đó những điều không thể không tự lực mà ta cần phải có sự trợ giúp của tha lực. Ví dụ như khi mới sinh ra, đứa bé không thể tự ăn mà nhờ vào sự trợ giúp của người mẹ cho bú mớm, nhưng khi trưởng thành thì em bé tự biết ăn khi đói, nghĩa là nó phải tự lực, lớn lên em tự ăn, tự đi, chạy… giờ không còn tha lực của người mẹ mà chỉ là tự lực của chính nó.

Do nhu cầu cuộc sống mà con người cần vào tha lực rất nhiều như ăn mặc, ngủ nghỉ hay hưởng thụ dục lạc cho bản thân, v..v. nhưng hạnh phúc phải tự mình tạo ra cho mình không thể nhờ vào người khác. Như vậy chúng ta có quá đề cao tha lực không? Mặc dù cần có tha lực nhưng tự lực vẫn là chính. Nhưng nếu không có tha lực chúng ta cũng không thể tự lực. Chính tự lực lại là yếu tố hình thành nên đạo đức nhân bản. Chính vì vậy mà tha lực và tự lực là hai mặt trái phải cần có sự tương trợ lẫn nhau không thể tách rời. Trong kinh Tăng Chi đức Phật dạy: “Từ gốc độ đạo đức, trí tuệ được ẩn dụ với người có hai mắt toàn hảo, có thể nhìn thấy rõ và phân biệt thiện ác, trắng đen, đúng sai, lợi và bất lợi”[28]. Như vậy, con người cần có sự giáo dục đạo đức nhất là đạo đức nhân bản để có trí tuệ mà hiểu rõ cuộc đời của chính mình cần gì cho đúng nghĩa.

3.2 Đề xuất giáo dục đạo đức nhân bản cho giới trẻ là chính

Với một tri thức đầy đủ về cả trí tuệ lẫn đạo đức, trẻ em sẽ bước vào đời một cách tự tin, vui tươi và an lạc, đó cũng chính là mong mỏi của gia đình, nhà trường, xã hội đối với trẻ em tương lai của đất nước, nhân loại. Đúng như tôn chỉ của nhà Phật được chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tôn chỉ, mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng một cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm.

Nếu giáo dục đạo đức Phật giáo có khả năng định hướng thanh thiếu niên trong việc xây dựng mục đích sống, lý tưởng sống cao quý, hữu ích cho mình, có giá trị đời sống cho việc giảng dạy và khi chúng ta thực hành thiền trong nhà trường sẽ giúp cho các thế hệ học sinh và sinh viên trở nên điềm tĩnh, sâu sắc, làm chủ được bản thân cũng như những cảm xúc hay nghịch cảnh diễn ra trước mắt, có như vậy các em sẽ tự mình vượt qua được các sự cám dỗ để sống hạnh phúc ngay trong hiện tại. Việc đề xuất các kỹ năng sống cần giáo dục cho thiếu nhi Việt Nam trong thời gian tới cần hướng theo xu hướng phát triển giáo dục Việt Nam nhưng tất cả không đi lệch ra khỏi quỹ đạo của luật Nhân-Quả.

Mặt khác, giá trị đạo đức của con người trên thế gian chỉ ở mức tương đối. Thế nên, chúng ta đừng có thành kiến với những người đã từng phạm lỗi lầm; hãy cho họ cơ hội để sửa đổi. Hơn nữa,“Nhân vô thập toàn”, con người không có ai là hoàn mỹ cả, về ngoại hình lẫn tính cách. Chỉ có những người nào đoạn tận tham dục, sân hận và si mê mới được gọi là người thuần thiện. Trong cuộc sống, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai. Chẳng qua họ làm những việc sai trái vì bị rơi vào tình thế bất đắc dĩ, bất khả kháng. Do vậy, chúng ta đừng nhìn vấn đề theo một chiều hướng cá nhân; hãy đặt mình vào vị trí của họ để cảm thông, thấu hiểu nhiều hơn, nhìn nhận và tư duy vấn đề một cách chân chính.

Như vậy, giáo dục đạo đức nhân bản rất cần thiết cho một đời sống an lạc và hạnh phúc. Nhờ có được sự quan tâm, yêu thương mà giữa con người với con người dần dần không còn khoảng cách, dù bạn và tôi là hai người tuy không sinh ra trong một mái nhà nhưng lại sống chung trong một bầu trời hạnh phúc là điều có thể.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Kết luận

Nói tóm lại, Phật giáo Việt Nam luôn quan tâm đến sự giáo dục về đạo đức cũng như các vấn đề xã hội đang diễn ra. Trần Thái Tông chủ trương xây dựng đất nước Đại Việt không chỉ độc lập tự chủ trên cương giới lãnh thổ mà còn độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, kể cả tín ngưỡng tâm linh tạo được nền móng vững chắc và hướng đi mới cho Phật giáo thời Trần.

Ngày nay công nghệ thông tin phát triển, nhưng lại có hai mặt, nếu người biết dùng một cách có lợi ích, hoặc ngược lại chính nó lại nhận chìm ta trong đau khổ dài dài. Trong tiềm thức của chúng ta, luôn cất chứa rất nhiều hạt giống thiện có ác có. Đức Phật dạy, đạo đức nhân bản của con người cũng cần được rèn luyện, không một ai sinh ra là bản năng xấu, chỉ do thói quen huân tập mà thôi. Đa phần con người chỉ biết nhìn nhận, đánh giá người khác, chứ chưa bao giờ soi xét lại bản thân mình. Hoặc có người góp ý, sửa chữa thì mình lại không vui, tỏ ra lạnh lùng; do đó, mình không bao giờ thấy được khuyết điểm của mình.

Muốn hoàn thiện bản thân, mỗi người phải tự kiểm điểm, xem xét lại chính mình đã từng có phạm lỗi như thế không, nếu không, mỗi người hãy lấy đó làm bài học cho riêng mình đừng để phạm phải sai lầm tương tự; nếu có, mỗi người hãy sửa chữa những sai lầm đó, đừng cho tái phạm.

Nếu như ai cũng hiểu và thực hành được như thế thì đạo đức, nhân phẩm của mỗi người được nâng cao, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội ngay hiện tại và trong tương lai theo xu hướng tích cực.

Cũng vậy, hãy nhìn nhận ưu điểm của người khác hơn là tìm những khuyết điểm của họ để chỉ trích, phê phán. Ai cũng có thể trở nên tốt hơn nếu người đó biết sửa đổi chính mình. Bạn cho người khác một cơ hội cũng chính là bạn tự tạo cơ hội cho bản thân. Hãy mở rộng lòng mình ra, những điều tốt đẹp sẽ chào đón bạn ở phía trước. Nền tảng của giáo dục đạo đức nhân bản trong Phật giáo là một con đường có mục đích, nhắm đến việc đào luyện nhận thức và phẩm chất con người cho đời sống xã hội toàn cầu hóa hiện tại và mai sau.

Nói khác hơn, tuy chúng ta không thể chọn cho mình nơi sinh ra nhưng có thể chọn cho mình nơi để sống cũng như cách sống. Nhưng sống sao cho đúng mới là điều quan trọng, không chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn ảnh hưởng đến người khác thì cuộc sống mới có ý nghĩa.

Mỗi người trong chúng ta là một tế bào của xã hội, một tăng ni sinh trẻ là mầm non trong giáo pháp, nếu chúng ta sống không có trách nhiệm với bản thân thì cũng có được trách nhiệm với xã hội cũng như Tăng đoàn.

Thư mục tham khảo

Mai Văn Bính (Chủ biên, 2014), Giáo dục công dân lớp 10, NXB. Giáo dục Việt Nam.

Thích Minh Châu dịch (1988), Tăng Chi Bộ Kinh, Tập 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP.HCM.

Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ, tập 1, NXB. Tôn giáo.

Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương Ưng Bộ Tập 1, NXB. Tôn giáo.

Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Kinh Đại bát Niết-bàn, NXB. Tôn giáo.

Thích Minh Châu (2017), Kinh Pháp Cú, NXB. Hồng Đức.

Thích Minh Châu dịch (2017), Kinh Tương Ưng 1, Viện Nghiên Cứu Phật Giáo Việt Nam.

Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tăng Chi, chương 4, Phẩm Ujjaya, NXB. Tôn giáo.

Đoàn Trung Còn (1997), Phật học từ điển, quyển 2, NXB. TP.HCM.

Thích Minh Chi (2001), Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, NXB. TP.HCM.

Thích Quảng Độ dịch (2012), Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.

Thích Trí Quảng, (2011), Khai Thị-2009, NXB. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

Thích Chơn Thiện dịch (2009), Phật Học Khái Luận, Nxb Phương Đông, TP. HCM.

TT Thích Nhật Từ (2019), Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, NXB. Hồng Đức.

Thích Đức Trí (dịch, 2003), Kinh Trường A Hàm, Kinh Cứu La Đàn Đầu, NXB. Tôn Giáo.

Trần Thị Hương (2009), Giáo trình Giáo dục học phổ thông, NXB. Đại học Sư phạm.

Trần Phương Lan dịch (1997), Đức Phật Lịch Sử, NXB. Tp.HCM.

HT Giới Nghiêm (2010), Mi Tiên Vấn Đáp, NXB. Văn học Hà Nội.

Thích Quang Nhuận (2004), Phật học khái lược, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.

Thích Phước Sơn dịch (2010), Một số vấn đề Giới Luật, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

Http://www.baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/171257/sos-tinh-trang-ep-tre-em-pham-toi.

Chú thích

[1] Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 3, Nxb TP.HCM, tr 307.

[2] TT.TS Thích Phước Đạt (2022), Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam tiếp biến và hội nhập, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr 28

[3] Lê Mạnh Thát (1982), Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Trung Tâm Văn Hóa, Sài Gòn, tr 510.

[4] Đoàn Trung Còn (1997), Phật học từ điển, quyển 2, Nxb TP.HCM, tr 524.

[5] Mai Văn Bính (Chủ biên, 2014), Giáo dục công dân lớp 10, Nxb Giáo dục Việt Nam.

[6] Thích Minh Chi (2001), Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb TP.HCM, tr 88.

[7] Ngô Sĩ Liên (1998), Viện Sử Học (dịch), Đại việt sử ký Toàn thư, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội.

[8] Sdd, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

[9] Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tăng Chi, chương 4, Phẩm Ujjaya, Nxb Tôn giáo, Tr 380.

[10] Thích Trí Quảng, (2011), Khai Thị-2009, Nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, tr 291.

[11] Thích Quang Nhuận (2004), Phật học khái lược, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr 145.

[12] Thích Minh Châu dịch (2017), Kinh Tương Ưng 1, Viện Nghiên Cứu Phật Giáo Việt Nam, tr 128.

[13] Thích Đức Trí (dịch, 2003), Kinh Trường A Hàm, Kinh Cứu La Đàn Đầu, Nxb Tôn Giáo, tr 269

[14] HT Giới Nghiêm (2010), Mi Tiên Vấn Đáp, Nxb Văn học Hà Nội, tr 232.

[15] TT Thích Nhật Từ (2019), Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb Hồng Đức.

[16] Thích Quảng Độ dịch (2012), Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 110.

[17] Thích Phước Sơn dịch  (2010), Một số vấn đề Giới Luật, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr 41.

[18] Thích Chơn Thiện (1993), Phật Học Khái Luận, Ban Giáo dục Tăng Ni ấn hành, tr 138.

[19] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Kinh Đại bát Niết-bàn, Tụng phẩm 2, Nxb Tôn giáo, tr 293.

[20] Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung Bộ, tập 1,Kinh Chánh Tri Kiến, Nxb Tôn giáo, tr 75.

[21] Thích Chơn Thiện dịch (2009), Phật Học Khái Luận, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr 258.

[22] Http://www.baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/171257/sos-tinh-trang-ep-tre-em-pham-toi

[23] Trần Thị Hương (2009), Giáo trình Giáo dục học phổ thông, Nxb Đại học Sư phạm, tr 29.

[24] TT.TS Thích Phước Đạt (2013), Giá trị Văn Học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, NXB Hồng Đức, tr 124

[25] Trần Phương Lan dịch (1997), Đức Phật Lịch Sử, Nxb, Tp.HCM, tr 11.

[26] Thích Minh Châu (2016), Kinh Pháp Cú, Nxb Phương Đông, tr 85.

[27] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Tương Ưng Bộ Tập 1, Phẩm Tự mình làm hòn đảo, Nxb Tôn giáo, Tr 673.

[28] Thích Minh Châu dịch (1988), Tăng Chi Bộ Kinh, Tập 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP.HCM, tr 129.

Tác giả: Thích nữ An Hưng
Chùa Bảo Vân, 33/37, Vạn Kiếp, Phường 3, Quận Bình Thạnh, TP.HCM