Cư sĩ Phúc Quang lược giải

Duyên khởi kinh

Một thời đức Thế Tôn du hành tại Ma – kiệt – đà (Magadha) cùng với khoảng 500 vị đại chúng tỳ kheo đến một làng Bà – la – môn tên là Khứ - nậu – bà – đế (Khànumata), tại đây, Thế Tôn trú tại vườn Ambalatthikà. Cùng khu vực đó, một vị Bà – la – môn là Cứu – la – đàn – đầu (Kùtadanta) đang lập 1 lễ tế đàn lớn theo tục lệ từ kinh Vệ - đà với vật cúng gồm có 700 con trâu đực, 700 con nghé đực, 700 con nghé cái, 700 con dê, 700 con cừu.

Vị Bà – la – môn nghe rằng Thế Tôn đang trú tại đây, ông nghe những lời truyền tụng rằng Thế Tôn là người am hiểu 3 cách thức tế tự và 16 tế vật, cho nên sau đó ông cùng với đại chúng Bà – la – môn đi tới chỗ Thế Tôn xin thỉnh giảng về 3 cách thức tế tự, 16 tế vật.

Ảnh: St
Ảnh: St

Nội dung kinh

Phần I.Thế Tôn kể về câu chuyện của vua tên là Mahàvijita

1. Vua Mahàvijita

Vị vua này giàu có, tài sản không thể nói hết, một hôm đức vua suy tư về tài sản vô lượng của mình, sự chinh phục địa cầu của mình, nay muốn tổ chức đại tế đàn để cầu xin hưởng sự an lạc lâu ngày. Suy tư như thế xong đức vua liền cho mời một vị Bà – la – môn tới để cố vấn. 

2. Lời khuyên của vị Bà – la – môn

Vị Bà – la – môn khuyên vua rằng vương quốc hiện nay đang chịu nhiều tai ương, đầy rẫy bọn cướp của, dân chúng nhiều khổ ách, nay đức vua nên nương theo phương pháp này:
(1). Cấp hạt giống và thực vật cho các nhà nông
(2). Cấp vốn đầu tư cho thương nghiệp
(3). Cấp vật thực và lương bổng cho quan chức
(4). Vị Bà - la - môn cố vấn tế tự khuyên vua nên mời các vị Sát Đế Lỵ, Bộ Trưởng, Bà - la - môn, và gia chủ đại diện 4 giai cấp trong xã hội đến chấp thuận ý định tổ chức lễ Tế Tự của vua. Bốn giai cấp này đã đồng thuận.

3. Những đức tính tốt đẹp của Vua Mahàvijita (8 nét)

(1). Thiện sinh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thông thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sinh. 
(2). Đẹp trai, khả ái, làm đẹp lòng mọi người, với màu da thù thắng, khôi ngô tuấn tú, cử chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng. 
(3). Là nhà giàu có, đại phú, sung túc tài sản, đầy rẫy vàng và bạc, đầy rẫy tài bảo, đầy rẫy sản nghiệp, ngũ cốc, thương khố sung mãn. 
(4). Có uy lực, đầy đủ bốn loại quân chủng, chinh phục địch quân nhu với oai danh (của mình). 
(5). Một vị có tín tâm, có từ tâm, một thí chủ, cửa nhà mở rộng, một vị làm các công đức. 
(6). Một vị bác học trong mọi vấn đề. 
(7). Thông hiểu ý nghĩa của lời nói: "Đây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩ của lời nói này". 
(8). Một nhà bác học, tinh luyện, sáng suốt và có thể suy tư về những vấn đề quá khứ, vị lai, hiện tại. 

4. Những đức tính tốt đẹp của vị Bà – la - môn được vua mời vào làm chủ tế tự (4 nét)

(1). Thiện sinh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, một dèm pha nào, về vấn đề huyết thống thọ sinh.
(2). Là nhà phúng tụng, là nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống.
(3). Thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biệt tài về Thuận thể (tự nhiên học) và tướng của vị đại nhân, có đức hạnh, đức độ cao dày, đầy đủ giới hạnh cao dày.
(4). Một vị bác học, tinh luyện, sáng suốt. 

5. Vị Bà – la – môn giảng cho vua 3 pháp trước khi tế lễ

(1). Trước khi muốn làm tế lễ, không được có sự hối tiếc về tài sản
(2). Trong khi đang làm tế lễ, không được có sự hối tiếc về tài sản
(3). Sau khi làm xong tế lễ, không được có sự hối tiếc về tài sản

6. Vị Bà – la – môn giảng cho vua 10 pháp để ngăn chặn sự hối tiếc

Từ bỏ thập thiện ác nghiệp, đối với hạng người ác, để yên không đụng tới trong tế lễ, với người thiện lành, thì làm cho hoan hỷ.

7. Vị Bà – la – môn giảng cho vua 16 pháp để làm tâm hoan hỷ khi đang tế lễ   

(1). Nếu trong lúc đang tế lễ, có người nói với nhà vua rằng tổ chức tế lễ mà không mời các vị Sát Đế Lỵ thân tộc, thì phải biết đó là sự xuyên tạc, vua nên biết mình đã mời và tổ chức tế lễ cho nội tâm hoan hỷ. 
(2). Tương tự với các vị đại thần quyến thuộc.
(3). Tương tự với các vị Bà – la – môn đại gia.
(4). Tương tự với các vị gia chủ phú hào.
(5) – (12). Nhà vua đủ 8 nét đẹp cao quý.
(13) – (16). Vị Bà – la – môn chủ tế lễ đủ 8 nét đẹp cao quý.

8. “Vật tế” trong lễ tế đàn

Không có trâu bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, cây cối các loài không bị hại, không dùng loại cỏ dabbha (cỏ cát tường) bị cắt để rải xung quanh đàn tế. Và những người gia bộc, người đem tin hay những người làm thuê,... không bị dọa nạt bởi hình phạt, không bị dọa nạt bởi sợ hãi và không làm việc trong than khóc với nước mắt tràn đầy mặt mày. Tế đàn nay được hoàn tất chỉ với dâu, sanh tô, thục tô, mật và đường miếng.

Tế đàn của vua xong, vua không nhận vàng bạc, cúng tế của 4 giai cấp, vua nói tài sản của vua đã đủ rồi, những thứ này của cải này của ai hãy giữ lấy. Vì thế mà các giai cấp sau khi về cũng tổ chức những tế đàn tương tự nhà vua. 

Nhờ đó, mà nhà vua đã thành tựu được 8 nét đức tính tốt, vị Bà – la – môn tế lễ thành tựu 4 nét đức tính tốt, cũng nhờ như vậy mà đức vua đã thành tựu 3 pháp tế tự (không hối tiếc) và 16 vật tế tự (thiện lành).


Phần II. Sau câu chuyện

1. Ẩn ý

Từ câu chuyện trên, mục đích của đức Phật là thuyết giảng về 1 lễ tế đàn giảm thiểu tối đa sự tốn kém, không lãng phí, không gây tổn hại tới các chúng sinh, chủng loài khác, không lấy của cải của những giai cấp khác phục vụ cho mục đích tế lễ.

2. Giảng về tế đàn ít phiền tạp hơn nhưng lại có nhiều phước báu hơn lễ tế đàn trên

(1). Bố thí thường xuyên
(2). Cúng dường cho người, cho sa môn có giới đức
(3). Xây dựng tịnh xá cho bốn phương tăng
(4). Quy y Tam bảo: Phật, pháp, tăng
(5). Thành tâm thọ trì giới luật không sát sinh, không buông lung, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Trình bày sự nguy hiểm, sự nhiễm ô của dục lạc, và sự lợi ích của xuất ly
(6). Thực hành sa môn hạnh và thành tựu kết quả hiện thực từ quả báo sa môn hạnh (Kinh sa môn quả)

 

Phần III. Lời kết

Vị Bà – la – môn Cứu – la – đàn – đầu trong kinh thực hiện nghi lễ tế tự theo đúng tinh thần của Bà – la – môn, và chúng ta có thể xét rằng có những yếu tố mê tín trong đó. Đức Phật không bác bỏ, không bài trừ những phong tục cũ, mà chỉ cải tổ lại bằng cách thay sự mê tín bằng yếu tố từ bi. Sự đối trị của đức Phật thể hiện tinh thần tôn trọng, cho cả tục lễ cũ, lẫn muôn loài, và vẫn đi kèm sự khéo léo trong đó. 

 

Cư sĩ Phúc Quang lược giải
***

TÀI LIỆU NGUỒN
Đại Tạng kinh Việt Nam - Trường Bộ kinh (Digha Nikaya)/ Tập 1 - Kinh Kùtadanta (Cứu – la – đàn – đầu)