Trong quá trình nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng tôi nhận thấy Phật giáo Bắc Ninh có 08 đặc điểm nổi bật:
1. Bắc Ninh là địa phương đầu tiên của Việt Nam tiếp nhận văn hóa Phật giáo
Căn cứ những ghi chép của một số thư tịch cổ (Hậu Hán thư, kinh Tứ thập nhị chương, Cao tăng truyện,...), chúng ta biết trung tâm Phật giáo Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành) được hình thành từ khoảng giữa thế kỷ thứ ii, có trước cả trung tâm Phật giáo Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Quốc. Sách “Thiền uyển tập anh” cho biết, trong một lần đàm đạo với các vị cao tăng vào sau ngày rằm tháng 2 năm Hội Phong thứ 5 (1096), Linh Nhân hoàng thái hậu hỏi: “Đạo Phật đến nước ta từ bao giờ? Việc truyền đạo ai trước, ai sau? Mà người niệm tên Phật, đạt tâm ấn của tổ chưa rõ là ai”. Sư Thông Biện dẫn dẫn lời sư Đàm Thiên (Trung Quốc), nói: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới 20 bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 bộ kinh rồi.
Trung tâm Phật giáo Luy Lâu sớm nổi tiếng, nhiều người ở vùng lân cận đã đến đây tu học đạo Phật và trở thành những danh tăng nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo. Đó là Mâu Tử, Chi Cương Lương Tiếp, Khương Tăng Hội và thu hút nhiều vị cao tăng Ấn Độ đến đây hành đạo, như Ma Ha Kỳ Vực, Khâu Đà La, Tỳ Ni Đa Lưu Chi,...
Trung tâm Phật giáo Luy Lâu cũng là nơi đầu tiên ở nước ta có tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) và thờ Thạch Quang Phật, tạo nên điểm nhấn về sự hòa đồng giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam.
Gần đây, có một số thông tin cho rằng Đồ Sơn (Hải Phòng) có Phật giáo từ thời vua A Dục (thế kỷ thứ ii TCN) và chùa Tây Thiên (Tam Đảo Vĩnh Phúc) có từ thời Hùng Vương. Nhưng vào thời đó, rất có thể Phật giáo chưa xuất hiện ở nước ta.
2. Bắc Ninh có những pho tượng cổ và độc đáo vào loại nhất Việt Nam
Phật giáo Việt Nam, chưa thấy ở đâu có pho tượng bằng chất liệu đá xanh nguyên khối có niên đại thời Lý (thế kỷ Xi) như ở Bắc Ninh. Đó là pho tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích (thuộc huyện Tiên Du). Thân tượng được tạo bằng chất liệu đá xanh nguyên khối. Cả phần thân tượng và phần bệ có chiều cao là 4,7m (trong đó phần bệ đá hoa sen có chiều dài là 1,7m, chiều rộng 0,8m, chiều cao 0,36m.
Ngoài ra, ở Bắc Ninh còn có bức tượng vào loại độc đáo nhất Việt Nam là bức tượng Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo ở chùa Bút Tháp (thuộc xã Đình Tổ huyện Thuận Thành). Tượng cao 3,7 mét. Quan âm Thiên thủ thiên nhãn được thể hiện 11 đầu mặt, 994 tay và mắt. Ngoài 42 cánh tay chính gắn sát vào thân tượng, còn lại 952 tay được bố trí rất khéo xung quanh thân tượng tạo thành lớp lớp hào quang hình lá đề. Trong mỗi lòng bàn tay hình lá đề được tạo một con mắt. Cho đến nay, bức tượng Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn ở chùa Bút Tháp được các nhà chuyên môn đánh giá là cổ kính và tinh xảo nhất Việt Nam.
3. Bắc Ninh là nơi duy nhất có vị cao tăng có công kiến tạo vương triều Lý
Vào thời Đinh và Tiền Lê, một số vị thiền sư (như Ngô Chân Lưu, Viên Chiếu) được triều đình mời đến để tham dự một số công việc của triều đình, nhưng những công việc mà những vị thiền sư này được thực hiện cũng chỉ là giúp triều đình tiếp sứ giả. Còn đối với Thiền sư Vạn Hạnh (người Đình Bảng), ngài có công rất lớn trong việc tạo dư luận và thiết kế để cuộc chuyển giao quyền lực từ họ Lê sang họ Lý đạt hiệu quả.
Theo sách Thiền uyển tập anh (sách được biên soạn vào đời Trần, bản dịch của Viện nghiên cứu Hán- Nôm, NXB KHXH xuất bản năm 1997 và bản dịch của Lê Mạnh Thát, NXB Tp.Hồ Chí Minh năm 1999), sách Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội, H. 1972), Thiền sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, sinh vào khoảng năm 939- 940.
Năm 21 tuổi, ông xuất gia, cùng với Định Huệ thờ vị sư ở chùa Lục Tổ là Thiền Ông làm sư phụ, học hành hết sức chuyên cần. Sau khi Thiền Ông viên tịch, Vạn Hạnh chuyên tập pháp môn Tổng trì ma la địa. Ngay từ bấy giờ, thiền sư đã rất có uy tín trong xã hội. Hoàng đế Lê Đại Hành cũng hết lòng tôn kính thiền sư.
Năm Thiên Phúc thứ nhất (980), tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo kéo quân sang cướp nước ta, đóng quân tại Cương Giáp, Lãng Sơn (nay là Lạng Sơn?), Vua Lê Đại Hành hỏi Vạn Hạnh về chuyện thắng bại ra sao. Vạn Hạnh đáp: “Trong vòng ba, bảy ngày, giặc phải lui”. Sau, quả nhiên như thế. Năm Thiên Phúc thứ 3 (982), khi nhà vua muốn đánh Chiêm Thành, nhưng việc bàn định chưa dứt khoát, Vạn Hạnh tâu: “Xin mau cất binh, nếu không, ắt mất cơ hội”. Sau, quả nhiên thắng trận”.
Khi Lý Công uẩn được đưa vào chùa Lục Tổ - nơi thiền sư trụ trì - Vạn Hạnh đã khen cậu bé này: “Đứa bé này không phải là người thường. Sau này lớn lên tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”.
Vạn Hạnh đã chọn thời điểm thích hợp nói thẳng ý hướng của mình với Lý Công uẩn:
“Mới rồi tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng ông - một người khoan từ nhân thứ, lại được lòng dân chúng mà binh quyền nắm ở trong tay. Người đứng đầu muôn dân, chẳng phải ông thì còn ai đương nổi nữa! Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hoá của ông như thế nào, thực là sự may muôn năm mới gặp một lần” (ĐVSKTT, sđd, tr. 186). Như vậy, kể từ khi nhận thấy sự tàn bạo của Lê Ngoạ Triều để từ đấy nảy sinh ý hướng xây dựng một vương triều mới, tiến bộ hơn, cho đến khi Lý Công uẩn lên ngôi vua, Vạn Hạnh (và Đào Cam Mộc) đã dày công định hướng sự ủng hộ của nhân dân vào một đấng minh quân, và cuối cùng sự nghiệp này đã thành công. Vì vậy, có thể nói, Thiền sư Vạn Hạnh là người có công rất lớn đối với sự ra đời của vương triều Lý - một vương triều tiến bộ nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
Thiền sư Vạn Hạnh mất ngày 15 tháng 5 năm 1025.
4. Bắc Ninh là địa phương duy nhất có ngôi chùa được dùng làm địa điểm để tổ chức kỳ thi Thái học sinh cho cả nước.
Trong lịch sử Phật giáo và lịch sử khoa cử Việt Nam, chúng ta thấy duy nhất có một kỳ thi Thái học sinh (tương đương với kỳ thi Tiến sĩ sau này) được tổ chức tại một ngôi chùa. Đó là khoa thi Thái học sinh năm Giáp tý niên hiệu Xương Phù năm thứ 8 đời Trần phế đế (1384), được tổ chức tại chùa Vạn Phúc (tức chùa Phật Tích huyện Tiên Du) theo sắc chỉ của Thượng hoàng Trần Nghệ tông. Khoa này lấy đỗ 30 Thái học sinh, Đoàn Xuân Lôi, ngưỡi xã Ba Lỗ huyện Tân Phúc (nay là thôn Trâu Lỗ xã Mai Đình huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang) đỗ đầu.
5. Bắc Ninh là một trong 4 nơi thờ Tứ pháp vào loại đẹp nhất Việt Nam
Ở Việt Nam có một số nơi thờ Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), như Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Hà Nam, nhưng không ở đâu có những pho tượng tứ pháp cổ kính và mang nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam như tượng Tứ pháp ở vùng Dâu. Tín ngưỡng thờ Tứ pháp là hiện tượng độc đáo của một số ngôi chùa ở Việt Nam, trong đó có chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Dàn, chùa Tướng ở Thuận Thành.
6. Bắc Ninh là địa phương có những ngôi chùa được các vị hoàng đế thường xuyên thăm viếng, có thơ xướng họa
Trước thời Lý, ở Việt Nam không có vị vua nào đến thăm viếng và có thơ xướng họa tại các ngôi chùa. Nhưng đến thời Lý, một số ngôi chùa ở Bắc Ninh, thường xuyên có các vị hoàng đế đến đến thăm viếng. Chẳng hạn, năm 1087, vua Lý Nhân Tông đến dự yến tại chùa Đại Lãm (tức chùa Dạm, thuộc xã nam Sơn TP Bắc Ninh) và tổ chức xướng họa thơ với chủ đề “Lãm Sơn dạ yến”, năm 1383, vua Trần Nhân Tông đến thăm chùa Phật Tích và có tập thơ xướng họa “Bảo Hoa dư bút”.
7. Bắc Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước có một vị tăng sĩ có học vị Trạng nguyên.
Đó là Trạng nguyên Lý Đạo Tái. Ông sinh năm Giáp Dần (1254), người xã Vạn Ty huyện Gia Bình, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Tuất niên hiệu Bảo Phù đời Trần Thánh tông (1274). Sau đó, ông xuất gia với pháp hiệu Huyền Quang, từng trụ trì các chùa Vân Hoa, Báo Ân, Thanh Mai, Côn Sơn. Ngài được vua Trần Anh tông ban cho hiệu “Trúc Lâm đệ tam tổ”. Sinh thời, ngài có tập “Ngọc Tiên thi tập”, nhưng đã thất lạc từ lâu. Hiện nay còn một bài phú “Vịnh chùa Yên Hoa” và 24 bài thơ chữ Hán được người đời sau chép trong sách “Việt âm thi lục”, còn sách “Trích diếm thi tập” thì chép 19 bài.
8. Bắc Ninh là một trong những địa phương có số văn bia bầu hậu gửi giỗ vào loại nhiều nhất nước
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi thì trong tổng số 2.293 văn bia có nội dung bầu hậu gửi giỗ thì có đến 946 văn bia có nội dung bầu hậu Phật và gửi giỗ tại các ngôi chùa, trong đó có nhiều vị là hoàng thân quốc thích, hoàng hậu công chúa, phi tần,... cúng tiền, ruộng vào chùa để được bầu hậu, gửi giỗ. (xin xem Nguyễn Quang Khải, “Tìm hiểu tục bầu hậu gửi giỗ ở Bắc Ninh qua tư liệu Văn bia”, NXB Hội Nhà văn, H. 2016, tr.26).
Tác giả: Nguyễn Quang Khải Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2017
Bình luận (0)