Thích Quảng Hoàng Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Mot So Hoat Dong Cua Phat Giao Hue 1

Từ khi bắt đầu vào trấn thủ ở Thuận Hóa, và có sự quan tâm đến Phật giáo, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã sử dụng Phật giáo dưới hình thức thu phục lòng dân, xây dựng cứ địa ở Đàng Trong. Sự kiện xây dựng chùa Thiên Mụ và câu chuyện sau đó là một trong những hoạt động như vậy.

Các hoạt động Phật giáo thế kỷ XVII - XVIII đa số đều do các chúa Nguyễn tổ chức. Năm 1601, sau một lần đi xem địa thế núi sông tại Thuận Hóa, chúa đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, dựa trên nền móng cũ. Sau khi xây dựng chùa Thiên Mụ, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho mở hội lập đàn chay, bố thí. Tiếc là chúng ta không biết được cách thức thực hiện của việc này như thế nào. Chùa Sùng Hóa được xây dựng một năm sau đó, và chúa cho mở hội rất lớn ở đấy. Sách Nam triều công nghiệp diễn chí cho biết: “Năm Quý Mão, niên hiệu Hoàng Định thứ 4 (1603), mùa hạ, tháng tư, Đoan Vương Nguyễn Hoàng lại sai thỉnh nhà sư trụ trì đứng ra mở hội Đại pháp, đọc kinh thượng thặng, giảng Pháp thượng thặng cứu độ cho chúng sinh ba đường sáu lối, cầu siêu cho bảy tổ chín huyền được vẹn thành chính giác. Trong ngày hội ấy, thần dân thiên hạ kéo đến xem hội rất đông, ai nấy đều tấm tắc khen ngợi, cho là khá sánh với hội lớn Vô già. Mọi bề công đức hoàn thành, lòng chúa Đoan vương hết mực thư thái”(1). Trong đoạn trên có nhắc đến sư trụ trì chùa Sùng Hóa.

Theo Đại Nam thực lục, chùa Sùng Hóa được xây dựng dựa trên nền móng cũ, không có người chăm sóc, và cũng không được dân gian biết đến. Nhưng trên đó lại nhắc đến sư trụ trì, vậy vị sư đó trụ trì từ khi nào, và ông là ai, theo tông phái nào,…? Có rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên việc này lại càng chưa thấy tài liệu nào nhắc đến.

Việc tổ chức pháp hội lớn tại chùa Sùng Hóa được xem là một phương cách của Nguyễn Hoàng nhằm để người dân biết đến chùa Thiên Mụ, có thể sự tích chùa Thiên Mụ cũng được Nguyễn Hoàng truyền khắp rộng rãi trong lễ hội này. Điều này được chứng minh bởi lẽ sau khi xây dựng và tổ chức lễ hội lớn tại chùa Sùng Hóa, thì ngôi chùa này dường như bị bỏ quên, không có sự quan tâm và tu sửa về sau của các chúa. Ngược lại, chùa Thiên Mụ lại được các chúa chú ý, và những lần trùng tu liên tục đã giúp cho chùa Thiên Mụ ngày càng trở nên uy nghiêm, có tầm quan trọng lớn cho chính quyền chúa Nguyễn cũng như Phật giáo tại xứ Thuận Hóa. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, chúa đã cho xây dựng lại ngôi chùa rất lộng lẫy. Theo như văn bia của chúa Nguyễn Phúc Chu được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11, tháng 10 năm Ất Mùi (1715) chúa đã mô tả “Từ cửa chùa nhìn vào quang cảnh gồm: điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, Đại Hùng bảo điện, Thuyết pháp đường, Tàng kinh lâu, Chung cổ đường, Thập Vương điện, Vân Thuỷ đường, Tri Vị đường, Thiền đường, Đại Bi điện, Dược Sư điện, Tăng xá, Thiền xá. Tất cả không dưới vài mươi sở. Phía sau còn có vườn Tỳ da, bên trong còn có Phương Trượng và các nhà khác không dưới mười sở. Tất cả đều được trang hoàng lộng lẫy, ai thấy cũng phải khen ngợi. Nơi đây, chẳng khác thế giới vàng son. Đúng hơn, đây là một Việt Nam Quang Minh Tạng”(2). Theo như những lời mô tả đó, thì hẳn nhiên chùa Thiên Mụ đã được chúa cho xây dựng lại rất khang trang và lộng lẫy. Có đầy đủ tiện nghi trong thời đó. Và có thể nói là ngôi chùa đẹp bậc nhất xứ Thuận Hoá. Trước đó, chúa cũng đã cho đúc đại hồng chung rất lớn với 3285kg, dựng bia đá,… những hiện vật đó hiện nay vẫn đang còn nằm trong khuôn viên chùa Thiên Mụ.

Chùa Diệu Đế - Ảnh: Nhật An

Tổ Nguyên Thiều từ Bình Định ra Phú Xuân đã xây dựng chùa Hà Trung và chùa Quốc Ân. Việc xây dựng chùa Hà Trung đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm trong Lịch sử Phật giáo xứ Huế cho rằng chùa Hà Trung là ngôi chùa đã có từ trước, tên là Phổ Thành tự, Tổ Nguyên Thiều trong lúc đi về Phú Xuân đã có dừng chân tại đó và Tổ chỉ phụng lệnh về trú trì(3). Sau khi đến Phú Xuân, Ngài đã khai sơn chùa Quốc Ân, và sau đó đã được chúa Nguyễn Phúc Tần ban cho một ít ngân sách để trùng tu lại ngôi chùa và dựng tháp Phổ Đồng. Tuy nhiên, ngôi tháp Phổ Đồng đã bị phá trong thời chiến tranh Tây Sơn. Hiện nay không còn lại dấu vết gì.

Trong chuyến đi trở về Trung Hoa của Tổ sư Nguyên Thiều, ngài đã mời một số vị Tổ sư khác cùng sang Đàng Trong để hoằng hóa, cũng đã thỉnh được rất nhiều kinh sách, các pháp tượng, pháp khí mang về Đàng Trong. Sau khi trở về vì có những thành công lớn như vậy, nên Tổ Nguyên Thiều đã được chúa Nguyễn Phúc Chu cho mở đại giới đàn tại chùa Thiên Mụ, do chính Ngài làm đàn đầu. Những sự việc này được ghi chép trong Đại Nam lược truyện tiền biên. Nhưng về cách thức làm thế nào thì chúng ta không rõ, và cũng không biết được số lượng người thọ giới trong đại giới đàn đó. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận lại không tin vào điều đó. Vì ông chưa thấy tài liệu nào viết về vấn đề này.

Một trong những sự kiện quan trọng nhất của Phật giáo Thuận Hóa lúc này chính là việc mời được Hoà thượng Thạch Liêm sang Đàng Trong và đã mở đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm. Theo trong Hải ngoại kỷ sự, Hoà thượng Thạch Liêm bắt đầu lên thuyền vào ngày Rằm tháng Giêng năm Ất Hợi (1695), và đến Thuận Hóa vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi. Sau khi đến nơi, Hoà thượng đã được chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp đón theo cách của một người phật tử đón rước Sư phụ. Điều này thể hiện sự tôn trọng của chúa Nguyễn Phúc Chu với Hoà thượng Thạch Liêm. Sau đó, đã tổ chức đại giới đàn từ mồng 1 đến mồng 8 tháng Tư năm Ất Hợi, tại chùa Thiền Lâm. Chương trình của Đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm được tổ chức dài ngày. Bắt đầu ngày 24 tháng 3, tất cả các giới tử đều phải vân tập. Ngày mồng 1 tháng 4, truyền giới Sa di. Sau đó thỉnh Hoà thượng Thạch Liêm thuyết pháp, buổi lễ có cả sự tham dự của chúa Nguyên Phúc Chu, chúa đã tự mình thắp hương dâng lễ và cùng với các bậc quan lại khác đều cùng nghe hoà thượng Thạch Liêm thuyết pháp. Ngày mồng 6 tháng 4, truyền giới Tỳ kheo. Sau đó Quốc mẫu và Vương huynh đã đặt tiệc chay mời tất cả những người vừa thọ giới cùng dùng, và cùng để ghi chép những lời dạy của Hoà thượng Thạch Liêm. Ngày mồng 8 tháng 4, chúa Nguyễn Phúc Chu, cùng với Quốc mẫu, công chúa, và các hậu cung quyến thuộc đều cùng thọ giới Bồ tát trong nội viện phủ chúa, chiều trở về chùa Thiền Lâm làm lễ thọ giới Bồ tát cho vương huynh là Lệ Truyền Hầu, Thiều Dương Hầu và Cai bá chúng quan. Ngày mồng 9 tháng 4, truyền giới Bồ tát xuất gia tại chùa Thiền Lâm. Đến ngày 12 tháng 4, Hoà thượng Thạch Liêm đã thống suất, dắt dẫn hơn 1400 giới tử làm phép cổ Phật khất thực và tạ công đức thành tựu của Quốc vương(4). Trong tất cả các giới đàn đó, hoà thượng Thạch Liêm đều là nằm trên cương vị hoà thượng đường đầu, là người trực tiếp hướng dẫn cho các buổi lễ được thành tựu viên mãn.

Tháp tại chùa Từ Hiếu, Thừa Thiên-Huế - Ảnh: Quốc Dũng

Đây là giới đàn có tầm quan trọng rất lớn với Phật giáo Thuận Hoá, giới đàn này đã quy tụ các giới tử khắp xứ trở về để cùng thọ giới. Và các độ điệp của các giới tử đều có ấn dấu của chúa Nguyễn Phúc Chu. Và điều đặc biệt trong đại giới đàn lần này chính là sự phát tâm thọ giới Bồ tát của tất cả các thành viên trong nội phủ của chúa. Điều này đã nói lên tất cả của sự ảnh hưởng Phật giáo đối với Phú Xuân nói riêng và xã hội Đàng Trong nói chung.

Ngày 24 tháng 4, chúa Nguyễn Phúc Chu đã tổ chức lễ hội trì tụng chú Đại Bi đà-ra-ni. Tất cả những buổi tổ chức này đều do chúa Nguyễn đứng ra tổ chức, và các buổi lễ đều do Hoà thượng Thạch Liêm làm chủ trì.

Sau khi hoàn thành những phật sự đó tại Thuận Hoá, cuối tháng 6, Hoà thượng Thạch Liêm quay lại Hội An để cùng thuyền tàu trở về Trung Quốc. Nhưng vì thời tiết không thuận lợi nên đã ở lại đây mấy ngày. Và có một số người đã đến xin Thiền sư Thạch Liêm thọ giới. Đến ngày mồng 7 tháng 7 Âm lịch, đã tổ chức và làm lễ thọ giới cho hơn 300 giới tử. Và tất cả cũng đều được ấn dấu của chúa Nguyễn. Sau đó, Hoà thượng Thạch Liêm đã được chúa mời ra lại Thuận Hoá, và sinh sống tại chùa Thiên Mụ, đến ngày 24 tháng 6 năm Bính Tý (1696), Hoà thượng trở về Trung Quốc.

Tại chùa Thiền Lâm, sau những thành tựu của Đại giới đàn do Hoà thượng Thạch Liêm tổ chức, ngôi chùa đã được trở nên đẹp đẻ và trang nghiêm hơn. Vì vậy, tại các mùa hạ, nơi đây đã vân tập chư tăng về tu tập trong ba tháng an cư.

Thiền sư Liễu Quán thọ giới Sa di tại chùa Thiền Lâm do Thiền sư Thạch Liêm làm Hoà thượng đường đầu. Sau khi thọ giới Tỷ kheo với Từ Lâm lão tổ và đắc pháp với Tổ Tử Dung, Ngài đã vào núi Thiên Thai lập chùa và ẩn tu tại đó. Tại đây, ngài đã khai sơn chùa Thiền Tôn, và đã tạo lập một thiền phái Tử Dung - Liễu Quán với kệ truyền thừa gồm 48 chữ. Mặc dù sống trong cảnh rừng thanh vắng, nhưng với ảnh hưởng của sự tu tập và danh tiếng của Ngài nên các đệ tử xin thọ giới xuất gia, và các giới tử tại gia rất đông. Tại đây, Ngài cũng đã lập ra ba giới đàn liên tiếp trong các năm Quý Sửu (1733), Giáp Dần (1734), và Ất Mão (1735) với số lượng giới tử khá đông.

Cũng trong giai đoạn này, các ngôi chùa lại được xây dựng thêm khác nhiều. Những ngôi chùa có sự bảo hộ của các chúa Nguyễn, hoặc vì danh tiếng của các vị Tổ nên đã được các chúa ban biển sắc tứ. Những hoạt động xây dựng chùa chiền, tổ chức lễ hội cũng đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ đến quần chúng trong xã hội. Với những sự ảnh hưởng và sự ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Việc này đã tạo cho Phật giáo tại Thuận Hoá nhanh chóng phát triển, và đã có những đóng góp lớn trong việc xây dựng, trùng tu một số chùa.

Thích Quảng Hoàng Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022 ***

CHÚ THÍCH: (1) Nguyễn Khoa Chiêm (1986), Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Nxb. Sở Văn hoá Thông tin, Huế, tr. 118. (2) Thích Giới Hương (1994), Văn bia chùa Huế, Sđd, tr. 19. (3) Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 136-137. (4) Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Sđd, tr. 82-90.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 136-137. 2. Nguyễn Khoa Chiêm (1986), Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Nxb. Sở Văn hoá Thông tin, Huế, tr. 118. 3. Thích Giới Hương (1994), Văn bia chùa Huế, Lưu hành nội bộ, tr. 19. 4. Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, tr. 82-90.