Trước khi Niết bàn, đức Phật nhiều lần hỏi các đệ tử có vấn đề gì cần Ngài giải đáp không? Điều này chứng tỏ Ngài có lòng từ bi bao la rộng lớn, luôn lo lắng cho mọi người trong mọi hoàn cảnh.
Tác giả: An Tường Anh
Hằng năm, đến ngày Rằm tháng Hai Âm lịch (ngày 15/02), người phật tử và người mộ đạo khắp nơi trên thế giới lại cùng nhau hướng về Đức Thế Tôn bằng sự tôn kính và xúc động, bởi đó là ngày Người thoát khỏi tục trần để về cõi Niết bàn. Từ khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề cho đến ngày nhập diệt, trải qua một thời gian 49 năm, đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ rộng lớn bao la, đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Bất cứ nơi nào có chân Ngài đặt đến là ánh Đạo vàng bừng tỏa huy hoàng. Nhân tưởng nhớ ngày Phật nhập Niết bàn, Người đã có công khởi sinh một nền tảng tư tưởng Phật giáo thâm diệu cho nhân loại, chúng ta hãy cùng thành kính tìm hiểu giai đoạn và ý nghĩa của ngày Lễ kỷ niệm này.
1. Trước khi nhập Niết bàn
1.1. Phật báo tin sắp nhập Niết bàn.
Khi giác hạnh của Ngài đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Đức Phật nhận thấy Đạo nay đã viên mãn, bản thân cũng không còn gì luyến tiếc nên Ngài chuẩn bị nhập cõi Niết bàn. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba La Nại chừng 129 dặm và gọi đệ tử A Nan để dặn dò. Đây là những lời dạy của đức Phật trước khi nhập Niết bàn mà chúng ta còn nhớ mãi:
“A Nan! Ðạo Ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay Ta đã có đủ bốn hạng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay Ta chuyển xe pháp, và đạo Ta cũng đã truyền bá khắp nơi.
Bây giờ Ta có thể rời các ngươi mà ra đi. Thân hình Ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở pháp, nay xe đã vừa mòn mà pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy Ta còn mến tiếc làm gì cái thân tiều tụy này nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa Ta sẽ nhập Niết bàn”.
1.2. Phật nói Kinh Di Giáo và những lời phó chúc
Lúc bấy giờ các đệ tử Ngài đều có mặt đông đủ, chỉ trừ ông Ca Diếp vì đi thuyết pháp xa, chưa kịp về. Đức Phật đã hội tất cả đệ tử và tín đồ đến quanh Ngài và dặn dò một lần cuối. Ngài phó chúc như sau:
(a) Y, bát của Ngài sẽ truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp.
(b) Các đệ tử phải lấy giới luật làm thầy; Lục căn bắt đầu từ tâm – hãy tự mình khắc chế tâm; Tinh tấn hoằng dương Phật pháp – tu đạo giữ chính niệm.
(c) Ở đầu các Kinh, phải nêu lên 5 chữ: “Như thị ngã văn”.
(d) Xá lợi của Ngài sẽ chia làm 3 phần:
- Một phần cho thiên cung,
- Một phần cho long cung,
- Một phần chia cho tám vị Quốc vương ở Ấn Độ.
Còn đây là lời di huấn cuối cùng mà Ngài đã để lại: “Này! Các người phải tự thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của Ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của Ta mà tự giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!”.
“Này! Các người đừng dục vọng mà quên lời Ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có đạo Ta là quý báu. Chỉ có chân lý của đạo Ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của Ta!”.
Sau khi đã dặn dò xong, đức Phật nằm nghiêng bên phải với tư thế chính niệm, Ngài đã nhập vào thiền định và vô dư Niết bàn ở giữa rừng cây Sa la, bên bờ sông Hiranyavati thuộc Kushinagar, vào mùa an cư cuối ở vùng đất Vaishali.
Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai Âm lịch, năm 544 TCN, Ngài được 80 tuổi. Ngay lúc Phật nhập diệt, mặt đất dường như rung chuyển, cả đất trời cùng muôn vật khủng khiếp kinh hoàng. Trời đất u ám, cỏ hoa héo úa, chim chóc muông thú im hơi bặt tiếng, vạn vật xung quanh không một tiếng động, chìm trong sự im lặng đau thương của giờ phút chia ly, chư thiên Trời Đao Lợi ở giữa hư không rải hoa cúng dường Đức Bổn Sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật nhập Niết bàn.
2. Sau khi nhập Niết bàn
Các đệ tử tẩm liệm xác thân Ngài vào kim quan và bảy ngày sau, đưa kim quan Ngài vào thành Câu Thi để làm lễ Trà tỳ (hỏa thiêu). Lễ Trà tỳ đức Phật được cử hành tại Mukut Bandhan. Dưới sự điều phối của Bà la môn Dona thì các xá lợi của đức Phật sẽ phân thành 8 phần giao cho 8 vương quốc miền Bắc Ấn Độ xây tháp đá tôn thờ.
Câu Thi Na (Kushinagar) là nơi đức Phật nhập Niết Bàn, cách thành phố Gorakhpur 52 km đường bộ, thuộc miền Đông Bắc Ấn Độ. Cũng như các Phật tích khác liên quan đến cuộc đời đức Phật, Câu Thi Na đã trở thành một trong "Tứ Động Tâm” để người hành hương khắp mọi nơi đến nơi đây chiêm bái đảnh lễ.
3. Ý nghĩa lời giáo huấn của đức Phật
Con đường hạnh nguyện của đức Phật mang lại sự bình an cho mọi chúng sinh, gieo trồng những ngọn bồ đề hạnh phúc, an lạc cho muôn loài trên vũ trụ. Hằng năm, để tưởng nhớ đến ngày Phật nhập Niết bàn – ngày Rằm tháng Hai Âm lịch, các Phật tử ở khắp mọi nơi trên thế giới lại thành tâm đảnh lễ kỷ niệm ngày Nhập Diệt của Đức Từ Phụ, những việc được tổ chức trong nghi lễ này nhằm nhắc lại quá trình hoằng hóa chúng sinh, tán thán công đức cũng như hạnh nguyện tu hành của Phật.
Là dịp để mỗi người con Phật vun bồi tâm đạo, xiển dương công đức, thực hành những điều thiện nguyện, qua đó sẽ nhận thức sâu sắc hơn về lời giáo huấn của Ngài, đó là:
3.1. Thân ngũ uẩn không bền chắc
Ngay cả Kim thân ngũ uẩn của Đức Bổn Sư còn tuân theo quy luật “Hễ có sinh là có diệt” nên đây là quy luật vô thường tất yếu mà tất cả nhân loại đều phải trải qua. Chỉ cần buông xả những điều phiền muộn thì cuộc đời sẽ tự an yên.
3.2. Phật có lòng tư bi bao la rộng lớn
Trước khi Niết bàn, mặc dù sức đã dần cạn kiệt nhưng đức Phật vẫn nhiều lần hỏi các đệ tử có vấn đề gì cần Ngài giải đáp không. Điều này chứng tỏ Ngài có lòng từ bi bao la rộng lớn, dù thân thể đau đớn nhưng vẫn lo lắng cho mọi người trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra, Ngài còn dạy mọi người cách kiểm soát tinh thần, mặc dù cơ thể đớn đau nhưng vẫn giữ tâm an yên, người bệnh nhưng tâm không bệnh.
3.3. Tự hào khi là người con của đức Phật
Đức Phật Thích Ca đã từ bỏ thân mạng một cách nhẹ nhàng, dịu êm với hình ảnh vô cùng đẹp đẽ. Ngài bắt đầu vào định theo thứ tự từ Sơ thiền đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng rồi từ định theo chiều ngược lại. Ngài tiếp tục từ định Sơ thiền đến định Tứ thiền rồi đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Có thể thấy, mặc dù sắp Niết bàn nhưng đức Phật vẫn tự tại ra vào trong thiền định, không để sinh tử nhấn chìm dẫn đến tiêu cực.
3.4. Trở thành tấm gương sáng cho muôn đời
Suốt 49 năm truyền đạo, đức Phật luôn là tấm gương sáng về trí tuệ, lòng từ bi và ý chí dũng mãnh trong mọi hoàn cảnh để nhân loại nhìn theo học tập. Việc tu theo giáo pháp của Ngài sẽ giúp cuộc đời an yên và thanh tịnh hơn, giải thoát con người khỏi những khổ đau, tránh xa điều ác.
3.5. Thực hiện lời phó chúc của Phật Thích Ca
Con người nên ghi nhớ và tu theo những lời phó chúc của Phật mới được báo đáp phần nào ân đức. Chúng ta hãy lấy Phật pháp làm đuốc để tự tìm cách giải thoát bản thân và đừng mong chờ vào người khác. Mọi vật trên đời đều có thể tan ra và biến mất, kể cả phần thân thể của con người, chỉ có chân lý Phật pháp tồn tại mãi mãi trên cõi đời này.
4. Ý nghĩa ngày Phật nhập Niết bàn
Đức Phật đã nhập Niết bàn gần 26 thế kỷ, nhưng cuộc đời và giáo pháp của Ngài để lại như một con đường trải đầy ánh sáng để nhân loại vượt qua nỗi đau khổ trong trầm lao, sinh tử. Ngài đã mang đến cho con người lòng từ bi, trí tuệ và giác ngộ, đó là ngọn đuốc để chúng sinh thoát khỏi biển bờ chấp ngộ, đen tối, vô minh. Đức hạnh, tuệ giác của Ngài đã dẫn dắt chúng ta lên con đường hạnh phúc an vui và giải thoát.
Những gì đức Phật để lại cho nhân loại là sự diệu kỳ, vi tế, là những lợi ích vĩ đại lớn lao về mặt tâm sinh, mang lại hòa bình, an vui cho thế giới bởi giáo pháp và ánh sáng của đạo Phật chứa đựng tình thương, hóa giải mọi hận thù, là tận diệt tham, dục, lậu, nguồn gốc gây ra những khổ đau, chiến tranh, thù hận.
Ngày nay, nhiều nhà chế tác, điêu khắc Tôn tượng đã chế tác ra những bức tượng Phật Niết bàn với những ý nghĩa triết lý sâu xa. Các bức tượng Phật nhập Niết bàn không mang hàm ý gây ra trạng thái buồn hay mất mát cho những người theo Phật giáo mà ngược lại, hình ảnh đức Phật nằm nghiêng, khuôn mặt toát lên vẻ yên bình được coi là một hình ảnh khuyến khích rằng tất cả chúng sinh đều có khả năng thức tỉnh, giác ngộ và giải thoát khỏi đau khổ bởi vòng luân hồi.
Biểu cảm thanh thản và nụ cười của đức Phật trong bức tượng Phật nằm nghiêng thể hiện lòng từ bi và tĩnh tại. Vì thế ngày nay, tượng Phật Niết bàn vẫn được nhiều Chùa chiền, Tự viện và phật tử đặt thờ tự như một biểu tượng của sự bình yên và giác ngộ.
Tác giả: An Tường Anh (T/h)
Bình luận (0)