Nhắc tới vai trò của ông Táo, sách Kính Táo toàn thư chép rằng: “Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức khỏe cho người trong gia đình, theo dõi việc thiện ác của gia đình, tâu trình công tội của nhà đó”

Tác giả: Lợi Lê

Hàng năm, dịp Tết đến Xuân về, vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình người Việt lại tất bật chuẩn bị bữa cơm tiễn ông Táo về trời. Đến nay, phong tục này vẫn được gìn giữ và phát huy. Chúng ta cùng tìm hiểu xem nguồn gốc, ý nghĩa và các hoạt động trong dịp Tết này như thế nào?

Nguồn gốc

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Hoa nhưng được Việt hóa thành huyền tích 2 ông 1 bà là thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

Ông Táo của Trung Hoa

Táo quân là một vị thần có lịch sử lâu đời và lai lịch hiển hách trong văn hóa tín ngưỡng truyền thống Trung Hoa. Thời Tần Hán, thần Táo quân được coi là hiện thân hoặc hậu duệ của các bậc đế vương thời cổ đại Trung Hoa như Hoàng Đế[1], Viêm Đế[2], Chúc Dung[3]…

Sách Sự vật nguyên hội (事物原會) viết: “Hoàng đế tác táo, từ vi Táo thần” nghĩa là Hoàng Đế tạo ra bếp đun, sau khi mất được phong là Táo quân. Sách Hoài Nam Tử (淮男子), phần Phiếm Vật Luận (氾物論) có đoạn: 炎帝作火而死爲灶, phiên âm: “Viêm Đế tác hỏa nhi tử vi táo”, nghĩa là Viêm Đế tạo ra lửa, sau khi mất, được phong làm Táo quân”.

Sách Chu Lễ (周禮說) lại cho rằng: “Chuyên Húc thị hữu từ Viết Lê, vi Chúc Dung, tế dĩ vi táo thần”, nghĩa là Chuyên Húc có con là Lê, còn gọi là Chúc Dung, được thờ phụng như thần Táo quân[4]. Cuốn sách còn ghi rằng Ngài Tử Lê ở Dụ Tỏa là Táo Thần rồi. thờ phụng. Gồm:

Môn Thần (giữ cửa), Tỉnh Thần (thần giếng), Xí Thần (thần nhà cầu), Thần Trung Lựu (giữ nhà) Táo Thần (giữ bếp)

Bán mũ, đồ cúng ông Táo tại chợ Đồng Xuân năm 1920. Ảnh: St

Về sau, hình tượng Táo quân từng bước được thế tục hóa, trở thành một nhân thần có tên tuổi, lai lịch cụ thể: “Trong sách Ngũ Kinh dị nghĩa (五經異義), Hứa Thận thời Đông Hán ghi: “Táo thần, tính Tô, danh Cát Lợi, phụ tính Vương danh Bác Giáp” nghĩa là thần Táo quân, họ Tô tên là Cát Lợi, vợ thần họ Vương tên là Bác Giáp”[5].

Như vậy, theo ghi chép trong thư tịch cổ của Trung Hoa, ban đầu Táo quân là hiện thân của những vị thần, người đầu tiên biết sử dụng lửa hoặc phát minh ra bếp đun nấu về sau Táo lại là một vị nam nhân bình thường, có gia đình, vợ con.

Bên cạnh sử sách, trong dân gian cũng lưu truyền nhiều câu chuyện về nguồn gốc của Táo quân: “Vùng Phúc Châu lưu truyền câu chuyện về một người tên là Trương Định Phúc, gia cảnh bần hàn nhưng lại lười biếng, ham mê cơ bạc đến mức khuynh gia bại sản, phải bán cả vợ. Người vợ vẫn thương xót chồng, thường giấu giếm cho ăn. Về sau, Trương Định Phúc xấu hổ vô cùng, đâm đầu vào bếp lò chết. Sau khi chết, Thượng Đế cho anh ta làm Táo thần”[6].

Hay câu chuyện ở vùng Hồ Nam, con gái út của Ngọc Hoàng thượng đế đem lòng yêu một chàng trai nghèo đốt than. Tây Vương Mẫu thương con gái nên xin Ngọc Hoàng phong cho chàng trai là Táo vương. Từ đó, con gái út Ngọc Hoàng được làm Táo vương bà bà. Thương sự nghèo khó của dân gian nên bà thường lấy cớ về thăm cha mẹ để mang đồ ngon vật lạ về chia cho mọi người. Phát hiện điều này Ngọc Hoàng vô cùng giận dữ nên hạ lệnh mỗi năm chỉ cho vợ chồng con gái về Thiên Đình một lần vào ngày 23 tháng Chạp.

Xuất phát từ thân phận cao quý của Táo mà lễ cúng luôn được tổ chức một cách trang trọng. Như Trần Hạnh Nguyên cho biết: “Tư Mã Thiên đã ghi trong Sử ký – Vũ đế bản ghi: “Thiên tử sử thần tư táo” nghĩa là Thiên tử đích thân chủ tế Táo Quân. Sách Hán thư viết:“Đại phu tế môn, hộ, tỉnh, táo, trung lưu, ngũ tế” nghĩa là Đại phu đảm trách năm loại tế lễ: Môn thần, Hộ thần, Tính thần (thần Giếng), Táo thần (thần Bếp) và trung lưu thần”[7].

Nhắc tới vai trò của ông Táo, sách Kính Táo toàn thư chép rằng: “Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức khỏe cho người trong gia đình, theo dõi việc thiện ác của gia đình, tâu trình công tội của nhà đó” (thụ nhất gia hương hỏa, bảo nhất gia khang thái, sát nhất gia thiện ác, tấu nhất gia công quá). Với nhiệm vụ bảo hộ sinh mạng cho gia chủ nên Táo quân còn được gọi là Tư mệnh Thần quân.

Hình tượng Táo quân trong tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: St

Ông Táo ở Việt Nam

Theo tác giả Trần Hạnh Nguyên: “Tín ngưỡng thờ cúng Táo quân của người Việt chịu ảnh hưởng của người Hán từ thời Tống”[8]. Tuy nhiên, người Việt tiếp thu tín ngưỡng thờ Táo quân có chọn lọc và cải biên cho phù hợp với đời sống văn hóa của dân tộc ta.

Nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh có ghi chép sự tích Táo quân được lưu truyền ở Việt Nam: “Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia, chồng là Trọng Cao vợ là Thị Nhi. Đôi vợ chồng lấy nhau đã lâu không có con, buồn phiền thường cãi cọ nhau rồi đến một hôm, Trọng Cao giận quá đánh vợ.

Bị chồng đánh, bực mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, gặp một chàng trai là Phạm Lang đem lời khéo léo quyến rũ nên được cùng Thị Nhi ăn ở thành vợ chồng. Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ đã bỏ đi mất, liền đi lùng kiếm khắp nơi để xin lỗi nhưng tìm mãi không thấy vợ, bỏ cả công ăn việc làm, đi khắp chốn này qua chốn khác. Hết tiền Trọng Cao phải hành khất lần hồi.

Một ngày nọ, Trọng Cao vào một nhà kia ăn xin. Bà chủ nhà mang cơm ra cho thì Trọng Cao nhìn chính là Thị Nhi, và Thị Nhi cũng nhận ra chồng cũ của mình. Đôi bên tỏ hết nỗi niềm cùng nhau. Thị Nhi cũng hối hận vì đã trót lấy Phạm Lang. Đôi bên cùng nhau hàn huyên một chập, nhưng chợt Thị Nhi nghĩ nếu bất thần Phạm Lang trở về bắt gặp thì thật là khó ăn khó nói, nàng liền bảo người chồng cũ hãy tạm ra ẩn ở đống rơm ngoài vườn để nàng lo liệu sao cho mọi việc được vẹn toàn.

Hôm đó, khi Phạm Lang về bỗng nhớ đến ngày mai không có tro bỏ ruộng, châm lửa đốt đống rơm để hôm sau lấy tro. Trọng Cao lúc ấy vì ban ngày đi nhiều mỏi mệt đã ngủ say trong đống rơm và ở trong nhà, Thị Nhi cũng đã ngon giấc. Trọng Cao bị đốt chết, lửa đống rơm bốc cháy phừng phừng. Thị Nhi ở trong nhà chạy ra biết Trọng Cao đã bị đốt chết, thương quá cũng nhảy vào chết trong đống rơm đang cháy.

Phạm Lang thấy vợ chết, thương xót, nhảy vào đống rơm theo vợ và cũng chết cháy nốt. Thế là cả hai ông và một bà đều bị chết thiêu”[9].

Một số tích khác lại cho rằng, sau khi Thị Nhi đã lấy Phạm Lang, một hôm trong nhà cúng đốt mã ngoài sân, có một người hành khất vào ăn xin, Thị Nhi trông thấy là chồng cũ của mình, động lòng thương đem tiền gạo ra cho, bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ đâm đầu vào đống lửa đốt mã tự tử. Trọng Cao cảm tình ân nghĩa cũng đâm đầu vào lửa chết theo. Phạm Lang thương vợ cũng nhảy luôn vào đống lửa. Nhưng lửa đốt mã to tới đâu để có thể đốt cháy được ba người đây?

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thiên Đình gặp Ngọc Hoàng, thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân nhưng mỗi người có nhiệm vụ khác nhau.

Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp, danh hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân; Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, danh hiệu là Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần; Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa, danh hiệu là Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần. Đúng như câu ca dao được lưu truyền trong dân gian:

“Thế gian một vợ một chồng Không như nhà Táo, hai ông một bà”

Sự tích này cũng mang nét tương đồng với hình ảnh ba ông đầu rau trong bếp người Việt xưa. Ba ông đầu rau là ba hòn đất sét to được gọt đẽo cẩn thận, có hình thù như những chú ếch ngồi châu đầu vào nhau tạo thế ba chân để đỡ chiếc nồi trong quá trình nấu nướng.

Người ta dùng những tảng đất to để khô từ trước Tết rồi gần đến ngày 23 mang ra gọt đẽo hoặc dùng đất sét nhão, đắp nặn thành hình ba ông đầu rau rồi đợi khô. Hàng năm, cứ ngày 23 tháng Chạp là ngày thay ba ông đầu rau mới, ba ông cũ sẽ được thả xuống ao để hóa.

Bàn thờ Táo quân

Bàn thờ Táo quân rất đa dạng, phổ biến là dùng mặt tủ để làm ban thờ hoặc dùng mảnh gỗ treo lên trên vách tường hoặc dùng khung tre làm khám thờ. Vị trí thờ thần Táo quân thường đặt ở phía đầu hồi phía tây của ngôi nhà. Vì theo kinh nghiệm của dân gian “Đông phòng Tây Táo”, có nghĩa là buồng ngủ thì làm bên hướng Đông, thờ Táo quân thì ở hướng Tây.

Theo Toan Ánh: “Bàn thờ Thổ công (thờ chung Thổ Địa, Thổ Kỳ gọi là Táo quân) thường đặt ngay ở gian bên, cạnh bàn thờ tổ tiên. Tại những gia đình không có bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Thổ công được đặt ngay ở gian chính giữa nhà. Bàn thờ Thổ công giản dị hơn bàn thờ tổ tiên, và gồm một chiếc hương án kê liền với hậu tường gian nhà. Trên hương án có chiếc mâm nhỏ, giống chiếc bàn đặt trên hương án bàn thờ gia tiên, và ở trên cũng có ba đài rượu có nắp đậy như trên bàn thờ gia tiên vậy.

Đằng sau chiếc bàn nhỏ này, kê cao hơn là bài vị Thổ công, hoặc có khi được thay thế bằng một cỗ mũ gồm ba chiếc, chiếc mũ đàn bà đặt ngay ở giữa và hai bên chiếc mũ đàn ông, cũng có nhà chỉ thờ một chiếc mũ. Đằng trước bàn thờ là bình hương hoặc đỉnh trầm. Hai bên bình hương hoặc đỉnh trầm là đôi nến, đôi ống hương. Ở những gia đình túng thiếu, bàn thờ Thổ công lại càng giản dị hơn.

Có khi chỉ là một chiếc bàn, trên bàn có một bình hương và một cỗ mục đặt ngay sau bình hương. Dù bàn thờ có giản dị thế nào cũng vẫn là một bàn thờ và đủ biểu lộ sự thành kính của gia chủ đối với vị thần săn sóc gia cư mình”[10].

Bàn cúng Táo quân của một gia đình Hà Nội năm 1955. Ảnh: St

Táo quân trông coi mọi hoạt động của gia chủ, ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư. Theo dân gian thì đây là vị thần liên quan đến việc họa, việc phúc của gia chủ. Bởi vậy, bài vị thường đề chung là “Định phúc Táo quân”. Ông được tôn là Đệ nhất gia chi chủ nghĩa, là vị chủ thứ nhất tại một nhà nên mỗi khi muốn cúng lễ điều gì gia chủ đều phải cúng Táo quân trước và xin phép ngài để những vị được cúng lễ có thể tới phối hưởng.

GS Trần Ngọc Thêm khẳng định vai của Táo rằng: “Sở dĩ Thổ công vừa là thần Thổ địa, vừa là Táo thần là bởi vì đất đai, nhà và bếp đối với các dân cư định canh định cư là đồng nhất, địa vị của chúng đều hết sức quan trọng”[11].

Tục lệ ngày Tết Táo Quân

Theo quan niệm dân gian, Táo quân có vai trò quan trọng trong việc định phúc đức của gia đình nên ngày tiễn ông về trời được tổ chức rất tử tế. Trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt, Gs Nguyễn Văn Huyên khẳng định: “Mọi người tìm cách lấy lòng các vị đó bằng cách cúng các vị một bữa cỗ lớn.

Người ra đốt cho các thần những chiếc mũ tuyệt đẹp trang điểm hoa sặc sỡ, nhiều thoi vàng và bạc bằng hàng mã. Người ta thả xuống con sông gần nhất những con cá chép dùng làm ngựa cho các thần đó cưỡi trên chặng đường mây dài từ đất lên trời”[12].

Trung Hoa có câu tục ngữ cổ rằng: “Quan tam, dân tứ, đại gia ngũ” chỉ ngày tổ chức lễ cúng ông Táo. “Tam”, “Tứ” và “Ngũ” chỉ ngày, tương ứng ám chỉ ngày 23, 24 và 25 tháng 12 âm lịch. Cái gọi là “Quan ba, dân bốn, đại gia ngũ” có nghĩa là quan lại ăn Tết từ ngày 23 tháng 12 Âm lịch, còn dân thường ăn Tết nhỏ vào ngày 24 tháng 12 Âm lịch.

Tục này xuất hiện từ thời nhà Thanh, chính xác là vào thời vua Ung Chính, trước đó cả quan và dân đều quen với việc đón Tết vào ngày 24 của tháng Chạp. Trong lịch sử, hoàng đế Ung Chính là một vị hoàng đế cần cù và tiết kiệm, vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, Ung Chính dẫn các hoàng tử và các phi tần đến cúng thần ở Cung Khôn Ninh như thường lệ.

Để tiết kiệm, Ung Chính đã đặt ra những điều nên làm, vào ngày 23 tháng 12 Âm lịch, ông Táo cũng được cúng vào ngày này. Từ đó trở đi, tất cả mọi người từ hoàng đế đến hoàng thất, và các quan lại các cấp đều bắt đầu cúng Thần Táo vào ngày 23 tháng 12 Âm lịch chứ không để sang hôm sau nữa.

Có lẽ bởi vậy mà người dân miền Bắc bị ảnh hưởng sâu sắc bởi người Trung Hoa nên cúng thần Bếp vào ngày 23 tháng 12 Âm lịch, trong khi người dân miền Nam vẫn theo tục lệ cũ và thờ thần bếp vào ngày 24 tháng 12 Âm lịch. Sự khác biệt vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Việc tổ chức lễ tiễn Táo quân vào ngày 24 tháng Chạp được chứng thực qua bài thơ Tế Táo từ của nhà thơ Phạm Thành Đại thời Nam Tống:

古傅臘月二十四, 灶君朝天欲言事。 雲車風馬小留連, 家有杯盤豐典祀。

Phiên âm

Cổ phó lạp nguyệt nhị thập tứ, Táo quân triều thiên dục ngôn sự. Vân xa phong mã tiểu lưu liên, Gia hữu bôi bàn phong điển tự.

Dân gian quan niệm rằng đó là ngày ông Táo về Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua nên nhà nhà đều làm cơm tiễn ông. Lễ cúng tùy phong tục từng nơi và nếp từng nhà nhưng mâm cúng thường bao gồm: Phục trang của ông Công, ông Táo (gồm một bộ 3 chiếc mũ, hia, vàng thoi); Ba con cá chép vàng (loại nhỏ để cúng) và một mâm cơm cúng với các món chính như gà luộc, xôi gấc, rau xào, nem cuốn…

Cá chép vàng được dân gian cho rằng nó vốn sống trên Thiên Đình, do phạm lỗi, nên bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian để tu hành, chuộc lại tội lỗi của mình. Sau khi tu thành chính quả, cá chép sẽ hóa thân thành rồng và bay lên Trời. Ông Táo muốn về trời cần có sự “trợ giúp” của cá chép.

Phục trang của táo quân mỗi năm mang màu sắc khác nhau nhằm phù hợp với ngũ hành. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tương ứng với năm màu: trắng, xanh, đen, đỏ, vàng.

Dựng cây nêu xua đuổi ma quỷ

Theo GS Trần Lâm Biền, người Việt xưa coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, kho ông Công, ông Táo lên chầu Trời sẽ không có người quản lý nhà cửa nên quỷ sẽ hoành hành và dữ tợn hơn.

Bởi vậy, dịp này bà con dân tộc Kinh thường dựng cây nêu trước nhà để xua đuổi ma quỷ khỏi khu đất nhà mình. Người dân tộc thiểu số thường đợi đến 30 tháng Chạp mới dựng. Cây nêu phải làm bằng tre vì tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi.

Thân cây nêu có thể được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió… Bên dưới gốc, rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma.

Đến ngày Khai Hạ, tức mùng 7 tháng Giêng, bà con sẽ làm lễ hạ cây nêu, bắt đầu có những hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Ông Táo trong văn học, nghệ thuật dân gian

Tập tục thờ cúng Táo quân đã tồn tại trong văn hóa Trung Hoa, Việt Nam từ hàng ngàn đời nay nên có rất nhiều ca dao tục ngữ cũng như các tác phẩm văn học, thơ ca nói về nét đẹp này. Trong đó, có thể nhắc tới bài thơ Canh Tý Tống Táo sự của Lỗ Tấn:

只雞膠牙糖, 典衣供瓣香。 家中無長物, 豈獨少黃羊。

Phiên âm:

Chỉ kê giao nha đường, Điển y cung biện hương. Gia trung vô trưởng vật, Khởi độc thiểu hoàng dương.

Bài thơ “Tiễn ông Công lên chầu giời” của Nhà thơ Tản Đà từng đăng trên báo Ngày Nay (số 99, 1938) có đoạn:

“Hăm ba tháng chạp tiễn ông Công Thường tục từ xưa có phải không? Chẳng biết hoàn cầu đâu cũng thế Hay chỉ người Nam lễ tục chung? …. Chút lòng tri kỉ xin ông giúp Minh bạch tâu lên đến Cửu Trùng: Hai chữ “Thiện lương” thằng Hiếu nhớ Dám mong không phụ Trời trông mong”[13]

Nhà thơ Tú Mỡ từng sáng tác bài thơ “Ông Táo… đình công” để nói lên “thân phận” của ông Táo, trong bài có đoạn:

“Hăm ba tháng chạp, Thần bếp táo công Gửi tới Cửu Trùng, Mấy lời khiếu nại …. Ròng rã năm trời, Sắm cho bộ cánh, Kể thì cũng bảnh, Mũ áo hẳn hoi, Nhưng phải cái tội, Manh quần không có” [14]

Trong ca dao, bếp của người Việt xưa chỉ có ba ông đầu rau:

“Mẹ già bước chân vào nhà Thò tay mở cửa Nắm củi ở giữa Ông Táo ba bên Bắc nồi cơm lên Cơm sôi sùng sục Làng vội làng giục Chắt nước đổ đi Trời ơi sinh giặc làm chi Cho con tôi phải ra đi chiến trường”

Đến nay, tục thờ Táo quân vẫn được hầu hết các gia đình người Việt gìn giữ. Dân gian quan niệm Táo quân không chỉ có nhiệm vụ trông coi đất đai, bếp lửa mà còn ghi chép lại những việc tốt, việc chưa tốt của gia chủ để báo cáo lên Ngọc Hoàng nhằm xác định công tội. Bởi vậy, người Việt rất coi trọng việc lễ lạt tiễn Táo về Trời và luôn răn mình sống sao cho tử tế, hạn chế việc chưa tốt để phần báo cáo về gia đình mình tốt đẹp hơn.

Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, hình ảnh Táo quân về Trời còn được Đài truyền hình Việt Nam xây dựng thành một seri chương trình Gặp nhau cuối năm, mô tả buổi chầu của các Táo quân với Ngọc Hoàng. Nó đã trở thành món ăn tinh thần ý nghĩa của nhiều gia đình Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tác giả: Lợi Lê

***