Tác giả: Bùi Thị Hồng Thoa GV Khoa Du Lịch - Trường ĐH Hải Phòng Nguyễn Trọng Thanh SV Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - ĐHQGHN

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tôn giáo là một trong những thành tố của văn hóa Việt Nam. Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, tôn giáo luôn có một vị trí và vai trò nhất định đối với xã hội. Tuy nhiên, việc nhìn nhận vai trò của tôn giáo ở mỗi giai đoạn lại có sự khác nhau. Thời kỳ trước đổi mới, chúng ta có sự nhìn nhận chưa đầy đủ vai trò của tôn giáo, gắn tôn giáo với những yếu tố mê tín dị đoan. Song những năm trở lại đây, nhất là sau nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16/10/1990 của Bộ chính trị (khóa VI) về “Tằng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”, nghị quyết trên được coi là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển về nhận thức tôn giáo của Đảng ta. Từ sau Nghị quyết 24/NQ-TW nói trên, Đảng ta còn có nhiều văn kiện khác khẳng định và phát triển tư duy đổi mới về tôn giáo. Đặc biệt, tháng 7/2004, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được ban hành, cũng như Nghị định số 22/2005/NĐ-CP “Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” của Chính phủ ban hành (3/2005). Như vậy, với những văn bản về tôn giáo được ban hành cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã có cái nhìn toàn diện hơn về tôn giáo, nhất là việc nhận định vai trò của nó đối với đời sống văn hóa xã hội hiện nay.

Mỗi một tôn giáo bên cạnh những giáo lý, tổ chức, tín đồ… thì còn bao gồm cả những nghi lễ nhất định. Do đó, tìm hiểu về một tôn giáo chúng ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu nghi lễ của tôn giáo đó. Bởi việc tìm hiểu nghi lễ cho ta thấy con người thể hiện cuộc sống tôn giáo của mình, không những vậy nghi lễ còn là những nghi thức được tiến hành theo những quy tắc, luật tục nhất định mang tính biểu trưng, kỷ niệm, cảm tạ, tôn vinh về một sự kiện, nhân vật nào đó, bên cạnh đó nó còn thể hiện ước nguyện nhận được những điều may mắn, tốt lành và sự giúp đỡ từ một đối tượng siêu hình nào đó nằm trong sự tưởng tượng của con người. Nghi lễ còn là những sinh hoạt mang tính tín ngưỡng thờ phụng của một tôn giáo, nghi lễ có tác dụng rất lớn đối với tôn giáo nó làm tăng yếu tố thần bí và tâm linh trong mỗi một tôn giáo.

Chùa Vẽ là một trong những ngôi chùa tiêu biểu của thành phố Hải Phòng. Chùa tọa lạc ở ngoại vi của thành phố Hải Phòng, thuộc phường Đông Hải I, quận Hải An. Thời gian qua, chùa Vẽ trở thành địa chỉ để người dân trong và ngoài địa bàn thành phố đến thực hành các nghi lễ và gửi gắm niềm tin của mình vào đức Phật.

Trong những nghi lễ tổ chức tại chùa Vẽ, nghi lễ Phật giáo luôn thu hút được sự tham gia đông đảo của các phật tử. Sự tham gia đông đảo của các phật tử, người dân địa phương vào nghi lễ Phật giáo diễn ra tại chùa Vẽ là cơ sở để chúng ta nhìn nhận và đánh giá về vai trò của Phật giáo nói chung, cũng như vai trò của ngôi chùa Vẽ nói riêng đối với đời sống văn hóa cộng đồng.

Đây là lý do để người viết lựa chọn vấn đề “Nghi lễ Phật giáo tại chùa Vẽ trong đời sống văn hóa của người dân Hải Phòng hiện nay” là nội dung nghiên cứu.

Chùa Vẽ, Hải Phòng. Ảnh: St

2.NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Các nghi lễ Phật giáo diễn ra tại chùa

2.1.1. Lễ Thượng Nguyên (ngày Rằm tháng Giêng)

Lễ Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng) là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm mới, đây cũng được xem là một ngày đại lễ đầu năm. Tên gọi của ngày lễ này theo tiếng Phạn là Maghapuja có nghĩa là ngày Rằm tháng Magha- tương đương với tháng Giêng theo Âm lịch, còn trong dân gian người ta gọi ngày này là Thượng Nguyên tức là tết hướng thiên cầu phúc.

Mỗi một ngày lễ trong nhà Phật thường mang theo một ý nghĩa nhất định, do đó ngày lễ Thượng Nguyên này theo quan niệm truyền thống Phật giáo mang ý nghĩa:

Ngày này là ngày kỷ niệm đức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo tại Thánh Hội Tăng Già, vì đây là bài kinh mang tính cô đọng nhất về giáo pháp của chư phật, căn bản của đời sống tu tập và tôn chỉ hoằng pháp; thứ hai nó đánh dấu ngày đức Phật công bố giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa. Vì vậy, ngày này cũng được xem là cột mốc hoàn tất ngôi nhà giáo pháp của đức Phật.

Dân gian người ta thường nhắn nhủ nhau rằng: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Xuất phát từ quan điểm dân gian cho rằng ngày Rằm tháng Giêng là ngày linh thiêng đầu năm, ngày mà đức Phật sẽ giáng lâm tại các chùa. Do đó, trong ngày này người dân đến chùa rất đông, bên cạnh những mâm cúng gia tiên được chuẩn bị ở nhà, khi đến chùa người ta còn chuẩn bị những mâm cúng Phật, đó là những đồ chay nhằm bày tỏ tấm lòng của mình đến với đức Phật và cầu mong đức Phật phù hộ cho gia đình một năm sức khỏe, hạnh phúc, bình an.

Chùa Vẽ từ trong tết không khí chùa đã tấp nập bởi người dân sinh sống quanh khu vực chùa như: quận Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân...và khách thập phương đến lễ Phật. Theo như ni sư trụ trì cho biết: “Càng ngày phật tử và khách thập phương đến chùa tham gia vào các nghi lễ nói chung và nghi lễ Thượng Nguyên nói riêng càng đông ví như: năm 2013 là gần 200 người thì đến năm nay là gần 300 người”. Đầu năm là dịp con người có thời gian rảnh rỗi nên họ thường đi chơi xuân và địa điểm được người dân lựa chọn nhiều chính là việc đi chùa lễ phật. Đối với người dân, đi chùa đầu năm đã trở thành thói quen đối với họ. Đầu năm đi chùa người dân thường cầu sức khỏe, bình an cho gia đình. Do đó, lễ Rằm tháng Giêng tổ chức tại chùa Vẽ được đông đảo các phật tử, khách thập phương đến tham dự. Đối với những người dân sinh sống gần khu vực chùa tuy không thực hiện lễ quy y nhưng họ vẫn đến tham dự và thường đến trước ngày lễ nhờ nhà chùa viết sớ để làm lễ cầu an cho gia đình. Còn đối với các phật tử tu tại chùa thì đó là điều hiển nhiên. Thầy trụ trì giao việc viết sớ và tập hợp các gia đình làm lễ ngày hôm đó cho ni sư Thích Giới Định phụ trách, các phật tử và tăng, ni trong chùa chuẩn bị đồ lễ cho ngày hôm sau. Đồ lễ chủ yếu là đồ chay tịnh, hương đăng, hoa quả, bánh, oản, xôi. Nhà chùa cũng hướng các phật tử đến chùa không nên đốt nhiều vàng mã. Vì vậy, trong các ngày lễ tổ chức ở chùa, nhà chùa cũng giảm thiểu việc đốt vàng mã. Riêng phần lễ hoa quả, bánh phẩm, oản xôi trong ngày lễ Thượng Nguyên chùa chuẩn bị nhiều hơn, bởi sau khi làm lễ xong nhà chùa phát lộc cho mọi người mang về nhà lấy may mắn cho cả năm.

2.1.2. Lễ Phật Đản (15 tháng 4 Âm lịch)

Tại các ngôi chùa Việt, ngày 15 tháng 4 là ngày mà các phật tử đến chùa rất đông và tại các ngôi chùa diễn ra nhiều hoạt động nghi thức kỷ niệm ngày Phật sinh. Ngày này còn gọi là ngày Vesak tên gọi tháng 4 theo lịch Ấn Độ, bởi người Ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo, xem tháng Vesak là tháng thiêng liêng. Vào ngày trăng tròn của tháng này đã diễn ra 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn. Đại lễ này diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Veska, tương ứng với ngày Rằm tháng Tư (Âm lịch) Việt Nam. Từ xa xưa, Đại lễ Veska, hay còn gọi là Lễ Tam hợp, đã được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, bắt đầu từ Sri Lanka sau đó truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia. Trong đó, một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền như: Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, thường tổ chức ba sự kiện trọng đại trên ba ngày khác nhau trong năm. Đại lễ này được xem là lễ hội văn hóa tôn giáo có quy mô quốc tế do Liên Hợp Quốc khởi xướng, bởi ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 nước, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình bất bạo động của đức Phật, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại phiên họp thứ 54, sau thảo luận đề mục 174 của chương trình nghị sự đã biểu quyết chính thức công nhận Đại lễ Phật Đản hay còn gọi là Đại lễ Vesak là lễ hội văn hóa, tôn giáo thế giới của Liên Hợp Quốc [6, tr19,23].

Mỗi buổi lễ được tổ chức tại chùa, thầy trụ trì đều ủy quyền cho ni sư Thích Giới Định dẫn chương trình, còn bản thân thầy đảm nhiệm phần thuyết giảng kinh phật, giảng đạo cho các phật tử. Chính vì vậy, sau khi giới thiệu đại biểu tham dự, thầy Định dẫn dắt mọi người đến phần lịch sử của ngày lễ Phật Đản trên thế giới cũng như ở Việt Nam, qua đó giúp các phật tử hiểu hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ mà mình tham dự. Những nội dung tổ chức trong ngày lễ Phật Đản được diễn ra tại chùa Vẽ nhằm giúp các phật tử hiểu hơn về cuộc đời đức Phật, con đường tu luyện của ngài và hiểu giáo lý nhà Phật, cũng như thông qua những giáo lý đó để cứu vớt cho cuộc sống của con người, nhằm đưa con người thoát khỏi những tội lỗi từ cuộc sống thực tại.

2.1.3. Lễ kết hạ (lễ Vu Lan)

Ngày Rằm tháng bảy còn được xem là xuất hạ hay giải hạ bởi lẽ trong các chùa, đều có mùa an cư kết hạ (ở yên trong mùa hè) tức là mùa mà các chư tăng họp nhau tịnh tu trì giới, học tập giáo lý, trong ba tháng không đi ra ngoài. Lễ kết hạ có nguồn gốc từ lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Người ta nói rằng đức Phật trong cuộc đời hoằng pháp của mình, đã đi nhiều nơi, nhưng đến mùa mưa thì nghỉ lại, chỉ giảng dạy cho các đệ tử ở gần mình. Lễ kết hạ là tiếp tục truyền thống đó. Ở Việt Nam lễ này theo ghi chép có từ thời nhà Lý. Trong các chùa Việt Nam, mùa kết hạ bắt đầu vào ngày Rằm tháng tư (Âm lịch) và được kết thúc vào ngày Rằm tháng bảy (Âm lịch) [3, tr.68].

Theo quan niệm dân gian, ngày Rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân. Lễ này bắt nguồn từ công việc đồng áng của những người nông dân xưa. Người nông dân quanh năm với mảnh đất cày cấy, lạy trời mưa nắng thuận hòa để cho họ có vụ mùa bội thu. Chính vì vậy, vào vụ thu hoạch người nông dân thường cầu xin những vị thần linh, thổ địa tạm giam những yêu ma, oan hồn cho đỡ quấy quả. Rằm tháng bảy cũng là khoảng thời gian mà người nông dân đã gặt hái xong, đồng thời vào thời gian này cũng là lúc mà cửa ngục mở xá tội vong nhân. Để tránh những điều không hay cho gia đình, mọi nhà trong ngày này đều đốt vàng mã, cúng cho những linh hồn bơ vơ không có ai thờ tự mà chúng ta thường gọi là cô hồn…Còn đối với người dân miền Nam gọi ngày Rằm tháng bảy là lễ Vu Lan thắng hội (thắng hội tức là ngày hội lớn nhất, lớn hơn các ngày hội khác).

Còn trong sự tích nhà Phật ngày này bắt nguồn từ câu chuyện về vị Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì vậy, ngày lễ Vu Lan được xem là ngày đại báo hiếu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Phật giáo Hòa Hảo trong giáo lý của mình có tôn chỉ “Học Phật tu nhân”, noi theo giáo lý của đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết “tứ ân” (ơn): ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn tam bảo và ơn đồng bào nhân loại. Trong bốn ơn đó, ơn tổ tiên cha mẹ được xếp hàng thứ nhất, đó vốn là đạo lý của người Việt Nam [4, tr.473]. Như vậy, ngày lễ Vu Lan được xem là dịp để những người con thể hiện tình cảm của mình đối với cha mẹ, vào ngày này người Việt thường đến các chùa để cử hành các nghi lễ nhằm cầu phúc cho gia đình và giải tội cho những người chết. Nhiều năm trở lại đây các chùa ở miền Bắc trong ngày lễ Vu Lan còn có lễ tri ân phụ mẫu bằng biểu trưng gắn bông hồng trên ngực áo, đây là nghi lễ thường được tiến hành ở các chùa trong khu vực phía Nam. Trong ngày lễ đó người hạnh phúc là người được cài bông hồng thắm đỏ, tức là người đó vẫn còn có cơ hội để báo hiếu mẹ, còn những người cài bông hoa hồng màu trắng là những người bất hạnh vì họ không còn cơ hội để chăm sóc, báo hiếu công ơn của mẹ, bởi mẹ đã không còn trên cõi đời này nữa.

Hòa trong không khí của ngày lễ Vu Lan diễn ra trên khắp các chùa, ngày lễ Vu Lan tổ chức ở chùa Vẽ là ngày có sự tham dự đông đảo các phật tử ở nhiều độ tuổi khác nhau, có cả những người chưa quy y ở chùa trong ngày này họ cũng đến tham dự. Trước ngày Vu Lan rất nhiều gia đình phật tử và những người dân sống xung quanh địa bàn Hải phòng, những Phật tử ở các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Hạ Long... đến chùa nhờ sư thầy làm sớ để ngày hôm sau làm lễ cầu sức khỏe cho gia đình, cũng như mong cho những người mất được siêu thoát. Những nghi lễ tiến hành trong ngày Vu Lan tại chùa Vẽ bao gồm: niệm phật cầu gia bị; tuyên bố lý do giới thiệu thành phần tham dự trong buổi lễ; một phút hoài niệm về công ơn cha mẹ; đạo từ của sư thầy trụ trì; ca nhạc mừng lễ Vu Lan; lễ cài hoa hồng; cảm niệm về cha mẹ mùa Vu Lan; tụng kinh Vu Lan báo hiếu; lễ cúng cô hồn. Tất cả nghi lễ được diễn ra trong phật điện của chùa. Bao giờ cũng vâỵ, ở bất kỳ một ngày lễ nào thầy trụ trì cũng giao cho ni sư Thích Giới Định là người tu tập tại chùa đã lâu đảm nhận việc dẫn chương trình và giải thích về nguồn gốc từng ngày lễ đó cho các phật tử hiểu. Chính vì vậy, ngày lễ Vu Lan thầy giảng cho các phật tử về sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ và ý nghĩa của ngày này trong đạo phật cũng như trong cuộc sống hiện nay. Với bài từ của Ni sư Thích Tâm Chính đã để lại sự xúc động cho mọi người. Bài từ xoay quanh nội dung về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, trách nhiệm của người làm con, đặc biệt thầy so sánh, đối chiếu sự chăm sóc của cha mẹ cho con khi còn bé và trở ngược lại là sự chăm sóc của con cái khi cha mẹ về già. Bài giảng của thầy giúp chúng ta nhận thức rằng chúng ta vẫn chưa làm tròn bổn phận hiếu đễ đối với bố mẹ. Thầy cũng không ngần ngại khi nhận lỗi trước các phật tử, bởi trước kia nhiều khi thầy cũng làm cho bố mẹ buồn, nhưng rồi thầy đã hiểu ra và tự hứa với lòng là phải làm nhiều việc thiện để giúp đời, giúp người, để bố mẹ yên lòng. Thầy cũng dạy rằng, con người ai cũng có lúc phạm phải sai lầm, song chúng ta phải biết sửa chữa và nhận ra sai lầm của bản thân mình có như vậy chúng ta mới sống tốt hơn. Cuộc sống không chỉ để cho bản thân mình, mà cuộc sống này còn vì những người xung quanh, họ là những người thân yêu, những người hàng xóm láng giềng, sống tốt đời, đẹp đạo là điều mà thầy mong mỏi ở các phật tử. Là người Phật tử, hãy ghi nhớ lời phật dạy như vậy để hàng ngày tu niệm, hàng ngày hồi hướng công đức về cho tiền nhân của mình, nhất là trong ngày lễ Vu Lan, thành tâm chí kính, niệm phật, tụng kinh, lạy phật, cúng dàng Tam Bảo, cúng dàng chư Tăng cho tiền vong của mình thoát khỏi u đồ, mà siêu sinh Lạc Quốc, đó mới tạm gọi là người con có hiếu, là người phật tử thuần thành trong mùa báo hiếu. Cuối buổi, mọi người tham dự lễ cúng cô hồn, phóng sinh.

Lễ cúng cô hồn và phóng sinh được nhà chùa tổ chức ngoài sân chùa đây là phần lễ cuối cùng trong ngày lễ Vu Lan. Nói đến lễ cúng cô hồn, trước tiên ta cần hiểu hai chữ “cô hồn”. Phật giáo tin rằng con đường sinh tử luân hồi, chúng sinh có thể phân làm sáu nẻo: trời, a-tu-la, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Trong những nẻo trên thì ngạ quỷ và súc sinh là hai cõi thấp nhất. Kinh văn ghi rằng ngạ quỷ là loài quỷ bị đói khát khổ triền miên. Các loài quỷ này vì kiếp trước đã tạo nghiệp xấu ác, tham lam lúc sống không bao giờ bố thí cho người khác nên bị sinh vào loài quỷ đói. Theo quan niệm dân gian thì các cô hồn ngạ quỷ là những người bị chết oan, chết khi còn trẻ, chết khi còn nhiều luyến tiếc với cuộc đời, chết vì bị tai nạn hay chết rồi mà không được siêu sinh, nên lảng vảng đâu đó và ảnh hưởng đến những người còn sống. Để các cô hồn được siêu thoát theo quan niệm nhà Phật một trong những phương thức hữu hiệu nhất là thiết đàn chẩn tế cô hồn, cầu nguyện cho họ được siêu sinh về cõi tịnh độ. Xuất xứ của nghi thức chẩn tế cô hồn bắt nguồn từ câu chuyện ngài A nan gặp con quỷ đói có tên là Tiêu Diện, từ câu chuyện đó dẫn đến việc cúng cô hồn được diễn ra tại chùa nhất là vào ngày rằm tháng bảy [1, tr.10]. Với tinh thần trên nên chùa Vẽ thường tiến hành nghi thức cúng cô hồn nhằm cầu mong cho những oan hồn được tịnh độ, siêu sinh, đồng thời mang lại cuộc sống bình an cho những người còn sống.

2.1.4. Lễ giỗ tổ

Đối với người Việt, sống trọng tình trọng nghĩa là một trong những truyền thống từ ngàn xưa. Lối sống đó, đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt và được thể hiện ra ngoài cuộc sống là sự kính trọng, chăm sóc của con cháu đối với ông bà, cha mẹ khi còn sống và thờ tự, cúng giỗ ông bà, cha mẹ khi họ mất. Tập tục này được duy trì từ xa xưa và cho đến ngày nay nó vẫn còn tồn tại và hiện hữu trong từng gia đình, làng xã, cả quốc gia. Không những vậy, trong những ngôi chùa của người Việt, chúng ta cũng bắt gặp hình thức thờ tự này tại các gian nhà tổ, đó là việc thờ những vị sư tổ, họ là người trụ trì ở chùa, có công với chùa, gắn bó cuộc đời của mình với ngôi chùa. Vì vậy, khi họ viên tịch để tưởng nhớ đến công lao của những vị sư tổ, ở các chùa thường tổ chức nghi lễ giỗ tổ.

Ngày giỗ tổ của chùa Vẽ là ngày rất đông các phật tử quanh khu vực quận Hải An và các khu vực quận, huyện ở Hải Phòng về tham dự. Hàng năm cứ đến ngày 29 tháng 5 (Âm lịch) chùa tổ chức lễ giỗ tổ nhằm tưởng nhớ đến những vị sư trụ trì có công với chùa. Tất cả mọi thủ tục được chuẩn bị trước ngày giỗ, từ việc bày biện các đồ lễ trên Phật điện và trong nhà thờ tổ, đến việc chuẩn bị nguyên liệu phục vụ cho việc ăn uống của ngày hôm sau được các phật tử sống gần chùa đến giúp đỡ. Bên cạnh đó, còn có các bạn khóa sinh tham gia khóa tu mùa hè mỗi lần chùa có việc các em lại tình nguyện đến giúp đỡ nhà chùa, tham gia vào các nghi thức, nghi lễ. Bởi trong quá trình học tập tại khóa tu, các em cũng được học nhiều về nghi lễ, phép tắc khi đến chùa. Ngày giỗ tổ, ni sư Thích Tâm Chính là thầy trụ trì của chùa đảm nhiệm việc tiếp khách và điều hành việc thực hiện các nghi lễ. Lễ giỗ tổ diễn ra tại Phật điện và nhà tổ, cho nên việc trang hoàng đèn, hoa quả là không thể thiếu. Mọi tình cảm của thầy trụ trì, cũng như tấm lòng thành kính của các Phật tử đều hướng về ngày giỗ tổ, cho nên mọi việc đều được chuẩn bị chu toàn cho ngày lễ diễn ra. Nghi lễ trong ngày giỗ tổ bao gồm: lễ dâng hương cúng đức Phật được thực hiện tại Phật điện; lễ cúng tổ trong nhà tổ; niệm phật của thầy trụ trì cùng với các phật tử diễn ra tại Phật điện. Để ngày giỗ tổ mang tính trang nghiêm, thành kính, nhà chùa mời đội tế lễ cùng ban nhạc tế về điều hành phần lễ trên Phật điện và nhà tổ. Chủ trì cho buổi tế lễ đó chính là thầy Thích Quang Nghĩa. Đến tham dự phần lễ trong ngày giỗ tổ mọi người đều bày tỏ lòng biết ơn đối với sư tổ, người đã có công xây dựng, gìn giữ để ngôi chùa ngày một khang trang như hiện nay. Sau khi tham dự phần lễ xong, mọi người đều ở lại chùa ăn bữa cơm chay do nhà chùa chuẩn bị. Việc thụ lộc ở chùa là điều vinh dự cho những người đến chùa trong những ngày này, bởi họ quan niệm “một miếng lộc thánh, bằng một gánh lộc nhà”, không những vậy họ thấy tâm mình thanh thản hơn và họ cảm nhận mình đã tham gia trọn vẹn được ngày giỗ tổ.

2.1.5. Lễ cúng ngày tuần (ngày Rằm và ngày mồng Một hàng tháng)

Nếu như những người theo Thiên chúa giáo vào cuối tuần thứ bảy và chủ nhật họ đến nhà thờ làm lễ, thì đối với các phật tử Rằm ngày mồng Một họ đến chùa làm lễ sám hối cầu nguyện để bỏ những điều dữ, làm những điều tốt, còn đối với những tăng ni đây là ngày bản thân họ tự kiểm điểm mình xem có giữ giới luật không. Theo sự giải thích của Nho giáo và Lão giáo, ngày Sóc và ngày Vọng (tức ngày mồng Một và hôm Rằm) là ngày “Thiên Địa khai thông”, tức là ngày những chướng ngại giữa ba cõi Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân không còn, nên ngày này trời đất sẽ chứng giám cho hành vi của con người, còn ông bà tổ tiên sẽ cảm thông với lòng thành của con cháu qua lễ vật cúng dường, đồng thời quỷ ma ám chướng sẽ không tác hại ai. Vì vậy, ở gia đình Việt vào ngày Sóc, Vọng người Việt thường thắp hương gia tiên để ông bà chứng giám cho lòng thành của con cháu. Còn tại các chùa, ngày này thường tổ chức các khóa lễ cho các phật tử gần xa đến lễ phật. Đối với những phật tử và cả với những người không phải là phật tử ngày mồng Một và ngày Rằm là ngày họ đến chùa được tham dự những khóa lễ ở chùa, được tụng kinh, niệm phật, được nghe những lời giáo huấn của thầy trụ trì, đồng thời họ còn cầu cho sức khỏe gia đình, cho bản thân, họ hiểu hơn về con đường phật pháp mà các thầy tu luyện.

Ở chùa Vẽ như thường niên vào ngày này từ sáng chùa thường có đông khách thập phương đến lễ trên Phật điện, chủ yếu để cầu sức khỏe cho gia đình, bản thân, thăm thú cảnh chùa và nói chuyện cùng với thầy trụ trì. Còn đến buổi chiều 14h thầy trụ trì cùng với các phật tử tu tại chùa làm lễ cúng phật, đọc kinh phật, bên cạnh đó thầy trụ trì thường giảng cho các phật tử hiểu hơn về nội dung trong kinh phật, giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc thờ tự, những nghi lễ, và những giáo lý trong kinh phật mà các phật tử chưa thông suốt. Đây được xem là những ngày sinh hoạt định kỳ của các phật tử tại chùa, đối với các phật tử khi sinh hoạt tại chùa trong những ngày này họ thường chăm chú nghe thầy giảng dạy, tụng kinh niệm phật cho lòng thanh thản, ăn năn, xám hối nhằm giảm bớt những nghiệp chướng mà họ gây ra trong cuộc sống, đồng thời xen mỗi lần khóa lễ các phật tử còn biểu diễn những tiết mục ca nhạc, những bài thơ với chủ đề về đạo, về đời. Có thể nói, ngày Rằm, mồng Một đối với mỗi người phật tử khi đến chùa họ không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình là hướng đến Phật, mà họ còn cảm thấy bình an sau mỗi lần đến chùa lễ Phật. Đến chùa họ còn được hiểu hơn về giáo lý nhà Phật qua kinh sách, hiểu đạo và hiểu đời dưới lăng kinh của nhà Phật.

Khoa tu được tổ chức tại chùa Vẽ. Ảnh: St

2.2. Lễ Phật giáo kết hợp với tôn giáo khác

Trong tiến trình phát triển của lịch sử, văn hóa Việt Nam đã tiếp nhận hệ thống các tôn giáo khác nhau. Các tôn giáo du nhập vào Việt Nam, nhanh chóng được người Việt cải biến cho phù hợp với đời sống tôn giáo tín ngưỡng bản địa của người dân, đồng thời còn là sự kết hợp giữa bản thân các tôn giáo với nhau tiêu biểu phải kể đến sự kết hợp giữa Phật giáo và Đạo giáo.

Đến những ngôi chùa Đại thừa của người Việt ở khu vực phía Bắc, chúng ta không chỉ bắt gặp hệ thống tượng phật mà còn cả tượng của Đạo giáo như: tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu... Không chỉ sự phối kết hợp về hệ thống tượng thờ, ảnh hưởng của Đạo giáo còn có sự kết hợp của các nghi lễ như: lễ dâng sao giải hạn.

Thuật ngữ cúng dâng sao giải hạn không có trong kinh điển Phật giáo. Theo quan điểm của Đạo giáo, con người sống trong sự ảnh hưởng và tác động của vũ trụ. Mỗi cá nhân thuộc về một không gian vũ trụ xác định, vòng quay của trái đất, không gian của vũ trụ có ảnh hưởng đến từng cá nhân. Chính vì vậy, mà có nhiều học thuyết xoay quanh vấn đề này tất cả đều để lý giải cho cuộc đời của con người trong đó phải kể đến việc các sao ứng với con người, bộ sao được nói tới trong phép cúng sao giải hạn là thất tinh. Đạo giáo cho rằng trong bảy vì sao đó mỗi một năm con người sẽ ứng với một sao nhất định, tính chất của mỗi sao sẽ ứng vào vận mệnh của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh bảy sao mà Đạo giáo nêu ra thì người Việt đã cho thêm hai sao nữa thành cửu tinh gồm: Thái Bạch, Thái Âm, La Hầu, Thổ Tú, Kế Đô, Vân Hán, Thủy Diệu, Mộc Đức và Thái Dương. Chín sao này, mỗi sao sẽ mang theo những tính chất tốt xấu nhất định, trong chín sao này có ba sao mang tính chất xấu nhiều hơn đó là sao: Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô. Đối với người gặp phải sao Thái Bạch coi như năm ấy người đó tiêu tán nhiều tiền bạc, tài sản bởi sao Thái Bạch mang ý nghĩa quét sạch cửa nhà; còn sao La Hầu và Kế Đô là sao chủ sự đau ốm, bệnh tật, đồng thời cũng chỉ sự không may mắn. Đối với nam giới thì sao La Hầu chỉ sự bất lợi trong năm đó, còn đối với nữ giới là sao Kế Đô. Chính vì vậy, mà ở Việt Nam người ta thường cúng dâng sao giải hạn cho ba sao xấu trên là chủ yếu. Cúng dâng sao giải hạn là sự kết hợp của Đạo giáo và cả tín ngưỡng dân gian của người dân nhưng hình thức cũng lễ đó đã chuyển thành một nghi lễ Phật giáo dân gian được tổ chức định kỳ tại các chùa trong dịp đầu xuân năm mới, đồng thời cách thức tiến hành lễ thức này tại chùa hoàn toàn theo nghi lễ Phật giáo [2, tr.76,77].

Vào đầu năm chùa Vẽ rất đông các gia đình phật tử, thường mỗi khóa lễ tổ chức ở chùa có đến 100 đến 200 người tham dự bao gồm: người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Hải Phòng và cả những tỉnh thành khác đến chùa nhờ sư thầy làm lễ dâng sao giải hạn. Những người đến làm lễ dâng sao này thường đăng ký trước với nhà chùa bởi trên cơ sở danh sách đăng ký nhà chùa sắp xếp lịch, tức là mỗi lần tiến hành lễ dâng sao gồm nhiều gia đình làm cùng một ngày, bên cạnh đó nhà chùa viết sớ cho từng gia đình để sau khi dâng sao giải hạn xong thì tiến hành lễ cầu an. Phần lễ vật chủ yếu là đồ chay, hương hoa, nến, oản, hoa quả, phần lễ này do nhà chùa chuẩn bị. Trong buổi lễ thầy trụ trì hướng dẫn mọi người tụng niệm kinh phật, tức là dùng kinh phật để khai thông tư tưởng, diệt mọi u tối giúp con người hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, an lạc. Nghi lễ dâng sao giải hạn nhà chùa tổ chức từ sau ngày mồng bốn (Âm lịch) tức là sau ngày lễ cho Đức Ông đến hết ngày lễ Thượng Nguyên. Nhiều gia đình do muốn được làm lễ sớm nên đã đăng ký với nhà chùa từ trước ngày tết Nguyên Đán. Khi được hỏi ông bà có thường xuyên làm lễ dâng sao giải hạn ở chùa Vẽ không? tôi đều nhận được câu trả lời rằng năm nào họ cũng làm lễ ở đây, bởi làm lễ dâng sao giải hạn họ làm cho các thành viên trong gia đình, chính vì vậy có năm người này sao tốt, sang năm lại sao xấu nên hầu như năm nào họ cũng làm lễ tại chùa. Đồng thời họ chọn chùa Vẽ bởi lẽ từ xưa đến nay họ quen với việc hành lễ ở chùa, họ yên tâm khi nhờ thầy trụ trì làm lễ cho gia đình họ, đồng thời sau khi làm lễ xong, tâm họ cũng thanh thản hơn khi đối mặt với những biến cố của cuộc sống vì trong tâm trí của họ, bên họ bao giờ cũng có đức Phật che chở.

Mặc dầu không phải là nghi lễ của phật giáo, thế nhưng nghi lễ dâng sao giải hạn vẫn được diễn ra hàng năm tại chùa Vẽ, bởi cùng với thời gian, nghi lễ này đã trở thành thói quen trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân ở nơi đây.

2.3. Một vài nhận xét về hoạt động nghi lễ Phật giáo tại chùa Vẽ ảnh hưởng đến đời sống văn hóa cộng đồng

Thông qua những hoạt động nghi lễ, tôn giáo diễn ra tại chùa là cơ sở để chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn về vai trò của ngôi chùa trong đời sống của người dân hiện nay mà cụ thể đó chính là đời sống tinh thần.

Trước hết, chùa Vẽ là nơi để người dân, cũng như các phật tử tìm hiểu sâu hơn giáo lý của Phật giáo thông qua những nghi lễ mà họ tham dự. Việc tìm hiểu và thực hành theo nghi thức tôn giáo là cơ sở để mọi người lý giải nhiều vấn đề trong cuộc sống, nó giống như cách thức nhằm động viên, khuyến khích con người vượt qua những khó khăn từ cuộc sống thực tại. Làm được điều này, là do trong giáo lý của nhà Phật luôn hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp như: từ bỏ những ham muốn trong cuộc sống, giúp đỡ người khác, sống bao dung, chân thật, kỷ luật, hiếu nghĩa...Đồng thời, trong các khóa lễ thông qua nội dung các bài thoại, thầy trụ trì luôn giảng dạy, hướng con người làm những điều thiện, điều hay, những giáo lý cao siêu của nhà Phật được thể chế hóa bằng những điều đơn giản mà phật tử có thể làm trong cuộc sống thường ngày. Như vậy, thông qua những nghi lễ tổ chức tại chùa Vẽ nó đã giúp chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn giáo lý của nhà Phật và hướng con người đến cuộc sống nhân văn hơn.

Chùa Vẽ là nơi giúp con người cân bằng đời sống tâm linh. Chúng ta thường nói văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra xuất phát từ nhu cầu của con người, đồng thời nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người trên hai phương diện đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Trong đời sống tinh thần của con người không thể thiếu sự tồn tại của các tôn giáo, do đó việc cân bằng đời sống tâm linh được thể hiện mọi người đến chùa thực hành sự sùng bái đối với Phật giáo. Đối với họ đến chùa ngoài việc được nghe giảng kinh phật, học quy y phép tắc, cách thức tu tập, họ còn cầu cho cuộc sống thực tại được bình an, sức khỏe, hạnh phúc. Bởi khi được hỏi về mục đích mà mọi người đến chùa cầu mong điều gì tôi đều nhận được hầu hết câu trả lời là cầu bình an, sức khỏe, hạnh phúc, đồng thời họ tâm niệm rằng trong cuộc sống thực tại của họ bao giờ cũng có sự che chở của Đức Phật. Có lẽ, với những lý do trên nên vào những ngày lễ của Phật giáo, mọi người thường đến chùa tham dự rất đông. Nhiều phật tử nói rằng: nếu như bỏ qua một nghi lễ nào đó tổ chức tại chùa thì họ cảm thấy bất an. Chính vì vậy, trước mỗi buổi lễ tổ chức tại chùa, dù bận công việc đến đâu, họ cũng phải sắp xếp để đến chùa tham dự. Như vậy, nói chùa Vẽ là nơi giúp họ cân bằng đời sống tâm linh tức là để tâm của họ được thanh thản hơn, tạo dựng niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Đức Phật, đồng thời là cơ sở để họ giải quyết những khó khăn trong cuộc sống thực tại.

Việc tham gia nhiều nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa Vẽ đã ảnh hưởng đến việc hình thành những tập tục mới của người dân nơi đây. Trước hết, đó là thói quen đến chùa hành lễ vào ngày mồng Một, ngày Rằm. Nếu như các phật tử họ thường đến chùa vào những ngày chùa tổ chức các nghi lễ lớn của nhà Phật thì người dân, phật tử sinh sống trên địa bàn quận Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân, bên cạnh việc tham gia những ngày lễ lớn đó, họ còn đến chùa đều đặn vào ngày Rằm, mồng Một. Thói quen đến chùa vào hai ngày này dường như đã trở thành cố hữu đối với họ, cho nên dù bận công việc đến đâu vào ngày này họ vẫn tranh thủ đến chùa hành lễ, đọc kinh, nghe thầy trụ trì giảng dạy.

Tiếp đến là thói quen lễ chùa vào dịp đầu năm mới, thường thì người Việt rất coi trọng ngày lễ tết. Vào ngày tết mọi công việc được hoãn lại bởi đó là khoảng thời gian cho sự sum họp gia đình. Tuy nhiên, đối với những người dân sinh sống quanh địa bàn chùa tọa lạc vào dịp năm mới họ không thể bỏ qua việc đến chùa Vẽ lễ phật. Có nhiều người khi chọn điểm xuất hành đầu tiên trong năm mới họ đã lựa chọn đến chùa Vẽ. Bởi theo họ, đến chùa vào đầu năm để Đức Phật có thể chứng giám tấm lòng thành, bên cạnh đó họ còn cầu nguyện một năm sức khỏe, hạnh phúc đến gia đình, đồng thời sau khi hành lễ xong họ không quên xin lộc về nhà với ước nguyện may mắn sẽ đến với gia đình họ trong năm nay.

Ngoài những thói quen trên, người dân nơi đây còn thường nhờ nhà chùa tổ chức các nghi lễ cho gia đình. Đầu năm, họ thường nhờ nhà chùa tổ chức lễ dâng sao giải hạn, lễ cầu an. Thông qua việc tổ chức nghi lễ ở chùa, họ mong muốn lòng từ bi của đức Phật soi sáng giúp họ tránh được những gánh nạn của cuộc sống thực tại và mang lại sự bình an cho gia đình. Đối với người thân đã mất như: ông bà, cha mẹ đến ngày 49 họ thường nhờ thầy trụ trì làm lễ cầu siêu để vong linh người mất được siêu thoát về thế giới bên kia.

Bên cạnh những yếu tố tích cực trên thì hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa Vẽ cũng ảnh hưởng một phần tiêu cực đến cuộc sống của người dân nơi đây. Đó là việc người dân, các phật tử sinh sống quanh khu vực chùa tọa lạc họ đặt nhiều niềm tin vào việc tổ chức các nghi lễ, họ cho rằng việc tổ chức các nghi lễ đó sẽ giúp họ tránh được những tác động của cuộc sống hiện tại, mà họ quên đi rằng tất cả sự thành công hay thất bại của con người đều dựa vào chính bản thân và sự lỗ lực của mình. Thói quen đặt niềm tin vào lực lượng siêu nhiên dần dần sẽ tác động và dẫn đến việc hình thành sự mê tín dị đoan ở con người. Nếu niềm tin của sự mê tín dị đoan hình thành thì nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần.

Chính việc thực hành những nghi lễ khác ngoài nghi lễ phật giáo là cơ sở cho sự ra đời các loại hình “dịch vụ phật giáo” được ra đời tại đây. Bởi “dịch vụ Phật giáo” là sự kết hợp của các yếu tố nghi lễ Phật giáo với Đạo giáo và các tín ngưỡng bản địa đi vào cuộc sống thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống đời thường nhằm: an định tinh thần; sức khỏe; kinh tế. Sự kết hợp trên nhiều khi làm cho đời sống tôn giáo tín ngưỡng ở đây thêm phức tạp.

Trong những ngày lễ, nhà chùa thường sử dụng loa đài hỗ trợ cho việc thực hành nghi lễ điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân cư sống quanh khu vực chùa. Trong những năm gần đây, hiện tượng ô nhiễm âm thanh dường như đã được chúng ta đề cập nhiều. Chính vì vậy, việc thường xuyên sử dụng âm thanh của loa đài đã ảnh hưởng không ít đến cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân xung quanh khu vực chùa.

Bên cạnh đó, vào những ngày lễ lớn tổ chức ở chùa rất đông phật tử gần xa về tham dự, trong khi đó công tác quản lý trong những ngày lễ diễn ra ở chùa chưa được thực hiện tốt, do đó nó là cơ sở cho một số tội phạm trà trộn vào chùa để ăn cắp, móc túi người đi lễ. Thực tế trên không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trong chùa mà còn ảnh hưởng đến an ninh xung quanh khu vực chùa trong đó có cả những hộ dân sống gần chùa.

Như vậy, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng diễn ra tại chùa Vẽ đã tác động không ít đến đời sống văn hóa của người dân nơi đây trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Song dù ảnh hưởng như thế nào thì chùa Vẽ là ngôi chùa có vai trò vô cùng quan trọng đối với người dân, phật tử Hải Phòng.

3. KẾT LUẬN

Chùa Vẽ là một trong những ngôi chùa tiêu biểu của Hải Phòng, đồng thời đây là ngôi chùa gắn liền với những mốc lịch sử quan trọng của đất nước, đó là chiến thắng trên dòng sông Bạch Đằng năm 938 và năm 1288. Với những giá trị mang trong mình, ngày 25 tháng 1 năm 1994 chùa Vẽ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chùa Vẽ cũng giống như bao nhiêu ngôi chùa khác của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, chùa là nơi để người dân đến gửi gắm niềm tin của mình vào đức Phật thông qua việc tham gia các nghi lễ. Việc tổ chức các nghi lễ, nhất là các nghi lễ Phật giáo ở chùa Vẽ là cơ sở để ngôi chùa góp phần trong việc truyền bá giáo lý của nhà Phật đến đông đảo với người dân, đồng thời hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp hơn đúng theo tinh thần Phật pháp, sống tốt đời đẹp đạo.

Từ thực tế nghiên cứu cho thấy việc tìm hiểu về ngôi chùa không chỉ dừng lại ở những giá trị kiến trúc, lịch sử của ngôi chùa mà cần có những hướng nghiên cứu khác nhau như: nghiên cứu về vai trò của ngôi chùa trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, nội dung nghiên cứu trong bài viết phần nào đã giúp người đọc có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về chức năng, vai trò của ngôi chùa, cũng như sự nhập thế của Phật giáo hiện nay.

Trong khoảng thời gian ngắn, bài viết dừng lại ở việc đánh giá những nghi lễ Phật giáo ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong khi đó, ở chùa Vẽ còn có nhiều nghi lễ khác được diễn ra như: những những nghi lễ mang tính thế tục của người dân địa phương; nghi lễ Phật giáo kết hợp với các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở Việt Nam. Bên cạnh đó còn có những hoạt động của chùa Vẽ hướng đến cộng đồng xã hội trong những năm gần đây. Như vậy, những nội dung trên là những hạn chế mà trong nội dung bài viết tác giả chưa đề cập đến. Do đó, đây cũng là hướng đi cho những nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu và đánh giá về ngôi chùa Vẽ trong đời sống văn hóa cộng đồng hiện nay.

Tác giả: Bùi Thị Hồng Thoa GV Khoa Du Lịch - Trường ĐH Hải Phòng Nguyễn Trọng Thanh SV Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - ĐHQGHN ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quảng Chơn (2008), “Nguồn gốc nghi lễ, chức năng ý nghĩa của lễ cúng cô hồn và bán khoán trẻ” Văn hóa Phật giáo, (64), tr.9-12. 2. Lê Hồng Lý (chủ biên), Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, Nxb Thề giới, Hà Nội. 3. Hà Văn Tấn (1993), Chùa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 4. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phan Ngọc Long (1999), Chùa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 5. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh. 6. Thích Nhật Tư (2008), Ý nghĩa, nguồn gốc và lịch sử hình thành đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2008 tại Việt Nam, Nguyệt san Giác ngộ, (146), tr19-23. 7. Nguyễn Quốc Tuấn (2011) “Sự du nhập Việt Nam của Phật giáo từ Ấn Độ và những thành quả”Nghiên cứu Tôn giáo, (5), tr. 27-30. 8. Nguyễn Quốc Tuấn (chủ biên), Phật giáo tri thức cơ bản, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.