Nghiệp là yếu tố xuất hiện do những hành động của con người không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn là từ quá khứ. Do vậy, để tránh xuất hiện những nghiệp xấu, mỗi người cần coi trọng việc tu tập, gieo những duyên lành và loại trừ những điều ác.
ThS. Mai Thị Huyền, Viện Sử học Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024
Tóm tắt: Bài viết đề cập đến khái niệm “Nghiệp”, khái niệm và cơ sở tồn tại cũng như biểu hiện của nó trong đời sống. Nghiệp là một vấn đề luôn gắn với con người, được khởi phát từ những hành động của chính họ. Do vậy, khi còn sự tồn tại của con người nghĩa là còn có sự phát triển của các nghiệp mà họ tạo ra.
Có nhiều loại nghiệp khác nhau, thiện nghiệp, ác nghiệp, nghiệp báo, vv… mỗi loại thể hiện những nét khác nhau của chính đời sống của con người theo những khía cạnh riêng biệt. Nghiệp là một vấn đề được coi là quan trọng nhất trong nội dung giáo lý Phật giáo. Trong số các loại nghiệp, khẩu nghiệp được coi là một trong những nghiệp nặng nhất mà con người thường mắc phải.
Từ khóa: Nghiệp, yếu tố, Phật giáo, xã hội, ảnh hưởng, khẩu nghiệp…
Giáo lý nhà Phật thể hiện triết lý sâu sắc về đời sống xã hội của con người. Đặc biệt, nội dung Phật giáo đã cho biết về gốc rễ sâu xa của những vấn đề nảy sinh trong đời sống. Trong những nội dung đó, khái niệm thường được đề cập khá nhiều đó là “Nghiệp”. Theo Phật học, “Nghiệp” giữ vai trò rất quan trọng. Vậy “Nghiệp” là gì? Nghiệp bao gồm những gì? Đó là nội dung trong bài viết này.
1. Khái niệm và phân loại “Nghiệp”
Sách Từ điển Tiếng Việt lý giải khái niệm “Nghiệp” có nghĩa là: “Tổng thể nói chung những điều một người làm ở kiếp này, tạo thành cái nhân mà kiếp sau người đó phải chịu cái quả, theo quan niệm của đạo Phật”(1). Bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng cho rằng: “Nghiệp là khái niệm của Phật giáo chỉ hành động, việc làm. Hành động về thân gọi là thân nghiệp, hành động về lời gọi là khẩu nghiệp hay ngữ nghiệp, hành động về ý gọi là ý nghiệp”(2).
Trong Phật Quang đại từ điển, khái niệm “Nghiệp” được diễn giải cụ thể hơn: “Nghiệp nghĩa là sự tạo tác, tức chỉ cho những hoạt động của thân tâm như hành vi, hành động, tác dụng, ý chí, hoặc chỉ cho những hoạt động của thân tâm do ý chí sinh ra. Nếu kết hợp với quan hệ nhân quả thì nghiệp là năng lực được hình thành bởi những hành vi từ quá khứ kéo dài đến hiện tại và cho mãi tới vị lai.
Ngoài ra “Nghiệp” cũng bao hàm từ tưởng nhân quả báo ứng về hành vi thiện ác như khổ vui và tư tưởng luân hồi trong 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Nghiệp vốn là tư tưởng cố hữu của Ấn Độ, Phật giáo dùng nó làm căn cứ để khuyên con người nỗ lực hướng tới tương lai”(3).
“Nghiệp” được hiểu là những việc làm, hành động của con người sẽ tạo ra cái quả mà họ sẽ phải gặt. Cơ sở tồn tại của “Nghiệp” là do sự luân hồi của con người. Thuyết “luân hồi” cho rằng con người không mất đi, mà luôn tồn tại,... Theo khái niệm thì luân hồi là sinh tử, luân hồi chuyển sinh, lưu chuyển, luân chuyển. Bánh xe quay vòng, chúng sinh do ác nghiệp (tham sân si) chết trong kiếp này, rồi lại sinh vào kiếp khác, hệt như cái bánh xe, cứ quay vòng mãi trong 3 cõi(4).
Cũng chính vì có luân hồi, nên Phật học cho rằng những việc con người làm trong kiếp trước chưa hết, thì đến kiếp sống hiện tại, người đó sẽ tiếp tục thực hành cái nghiệp của mình. Điều này cũng có ít nhiều liên quan đến chữ “duyên”. Khi đủ duyên và có nghiệp thì tạo ra sự gặp gỡ giữa người và người trong kiếp sống hiện tại.
Phật học chia nghiệp thành 3 loại, đó là Thân nghiệp, Ngữ nghiệp và Ý nghiệp. Đặc biệt xét theo tính chất thì Ý nghiệp thuộc về ý chí còn Thân nghiệp, Ngữ nghiệp thuộc về vật chất (hay còn gọi là sắc pháp). Nghiệp có 3 tính chất: Thiện nghiệp – nghiệp yên ổn, bất thiện- nghiệp không yên ổn do tâm ác sinh khởi, vô ký- không thiện không ác. Theo tính chất này thì nghiệp ác sẽ bị trừng phạt, nên gọi là Phạt nghiệp (hoặc là phạt), 3 nghiệp Thân, Khẩu, Ý gọi là Tam phạt(5).
Thiện nghiệp
Thiện nghiệp chính là những việc làm tạo ra quả thiện mà một người thực hiện. Theo quan niệm của Phật giáo, khi làm công việc thiện, họ sẽ nhận được quả thiện báo đáp. Giống như câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành” thường lưu truyền trong dân gian, làm việc thiện là nhân, còn gặt điều lành chính là quả.
Để đạt tới thiện nghiệp thì người tu hành nói riêng và con người nói chung phải tuân theo những điều thiện trong giáo lý nhà Phật. Nội dung của các điều thiện ấy là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Phật đã từng dạy một đệ tử của ngài làm thế nào để có cuộc sống hạnh phúc, thiện nghiệp:
- Chọn một nghề sinh sống có lợi ích cho nhiều người.
- Thân cận với những người hiền đức, với những thiện tri thức.
- Phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc vợ chồng, con cái.
- Chia xẻ thì giờ, tài vật, hạnh phúc với kẻ khác.
- Biết ơn, khiêm nhượng, ít ham muốn, biết đủ.
- Sống một cuộc đời trong sạch và cao thượng
- Cách thiền quán để diệt trừ mê lầm và phiền não ...(6)
Thiện nghiệp bao gồm thân, khẩu, ý nên các thiện nghiệp cũng gồm thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp cũng có có ba thiện: từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ lối sống theo tà hạnh đối với các dục. Khẩu nghiệp có bốn thiện: từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ; từ bỏ nói hai lưỡi; từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác; từ bỏ lời nói phù phiếm. Ý nghiệp có ba thiện: không tham lam tài vật của kẻ khác; không có tâm sân, hại người; có chính kiến, không có tư tưởng điên đảo.
Ác nghiệp
Trái với thiện nghiệp là ác nghiệp. Đó là những hành động bất thiện của con người gieo trong quá khứ, hiện tại mà bản thân họ sẽ gặt được những quả báo tương ứng. Ác nghiệp này biểu hiện bằng những hành động cụ thể. Ác nghiệp cũng gồm thân, khẩu, ý nên có các nghiệp tương ứng. Ba ác nghiệp của thân gồm: có tâm sát sinh tàn nhẫn; lấy của không cho; sống tà hạnh với các dục lạc.
Bốn ác nghiệp của khẩu: lời nói cố ý vọng ngữ; nói hai lưỡi; nói lời thô ác; nói lời phù phiếm. Ba ác nghiệp của ý: có tâm tham ái, tham lam tài vật của kẻ khác; có tâm sân, khởi lên hại ý, mong người gặp họa; có tà kiến, tư tưởng điên đảo. Mười ác nghiệp trên do thân, khẩu, ý tạo tác nếu không diệt trừ chúng thì sẽ xuất hiện khổ đau ngay trong đời sống hiện tại và sau khi thân thể của người đó kết thúc sẽ bị đọa vào trong địa ngục.
Nghiệp quả
Trong kinh Phật, đặc biệt là Kinh Nhân quả, yếu tố về nghiệp quả được trình bày khá rõ. Theo đó, những cá nhân đời trước đã gây ra nghiệp gì thì đến kiếp này sẽ nhận được quả và đời sau sẽ tiếp tục hành nghiệp của mình. Kinh Nhân quả chép về nghiệp quả:
Phật truyền Nhân Quả chư Kinh Soạn ra yếu nghĩa phân minh ghi lời. Ai mà trí tuệ vẹn mười Muôn điều thiện cả ấy người Phật thân ...Ai mà ngay thẳng thật thà Ăn chay giới sát rồi là sinh thiên Ai mà tu đạo chùa chiền Tấm thân đài cát ở miền thanh cao(7)
Nội dung Kinh Thiện Sinh cũng có đoạn đề cập đến vấn đề nghiệp quả. Khi đức Phật nói về Thiện Sinh, bàn về sự lười biếng và quả của nó, ngài đã nói:
“Này Thiện Sinh, lười biếng có sáu lỗi:
1. Khi giàu sang không chịu làm việc.
2. Khi nghèo không chịu siêng năng.
3. Lúc lạnh không chịu siêng năng.
4. Lúc nóng không chịu siêng năng.
5. Lúc sáng trời không chịu siêng năng
6. Lúc tối trời không chịu siêng năng.
Đó là sáu điều tai hại của sự lười biếng. Nếu trưởng giả hay con trưởng giả lười biếng mãi, thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán”(8).
2. Khẩu nghiệp
Biểu hiện cụ thể trong Kinh Nhân quả là các yếu tố của thiện nghiệp và ác nghiệp. Trong đó, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất mà mỗi người thường mắc phải, nhưng họ ít khi ý thức được mình đã phạm nghiệp này.
Theo Phật Quang đại từ điển, khẩu nghiệp cũng là ngữ nghiệp. Là lời nói bày tỏ ý muốn của nội tâm, từ đó dẫn đến Vô biểu nghiệp, một trong 3 nghiệp(9). Khẩu nghiệp nằm trong loại ác nghiệp, là những lỗi mắc phải do lời nói gây ra. Khẩu nghiệp gồm nói dối, nói hai lưỡi, nói độc ác và nói lời phù phiếm.
Hầu như ai cũng nhận thức được tác hại của những lời nói dối để lại hậu quả như thế nào đối với chính họ cũng như mối quan hệ giữa họ với người khác. Nhưng trong nhiều trường hợp bất khả kháng, hoặc để đạt được mục đích nhất định của mình, họ vẫn hay nói dối. Lời nói dối gây ra hậu quả mất lòng tin, bị người khác đề phòng, xa lánh.
Khác với nói dối, nói hai lưỡi là kiểu nói đơm đặt để được lòng đối phương. Bản thân của lời nói hai lưỡi đã thể hiện sự thiếu nhất quán trong tâm thức của người nói, thậm chí đó là những lời mà bản thân nó tự mâu thuẫn nhau. Lời nói hai lưỡi gây ra sự nghi ngờ, phá vỡ hòa khí dẫn tới mất đoàn kết giữa người với người trong xã hội. Tai hại hơn là lời nói độc ác và phù phiếm, nó là vũ khí làm sát thương con người mạnh nhất.
Đức Phật cho rằng những người nói lời cay nghiệt và có thái độ cay nghiệt với người khác sẽ làm giảm phúc khí, tuổi thọ của chính họ. Không phải ngẫu nhiên mà chữ Thọ 壽 trong Hán tự lại có bộ khẩu, tức là cái miệng, để nhấn mạnh tầm quan trọng của lời nói, cũng như không nên nói những lời làm giảm thọ mệnh của mình.
Người Việt rất quan tâm đến tầm quan trọng của lời nói. Dân gian thường có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, hay “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp”, “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng nhẹ nhàng dễ nghe”, “Rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”, hoặc “bệnh tật từ miệng ăn vào, hoạn nạn từ miệng nói ra”.
Những sai lầm trong lời nói vốn xuất phát từ ý nghiệp của một người. Theo Phật học thì ý nghiệp phát khởi thì thân nghiệp, khẩu nghiệp theo đó phát sinh.
Cơ sở của ý nghiệp có nguồn gốc từ tham, sân, si: “Ba nghiệp tham, sân, si làm cho chúng sinh đọa lạc trong ba đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu khổ vô cùng. Nếu được làm người cũng phải chịu những ác báo phiền não: nghèo nàn, túng thiếu, côi cút, lại thêm tính nết hung hăng, càn bướng, ngu độn, không biết phải quấy”(10). Trong số đó, tâm tham và tâm sân là hai loại tâm khiến con người giận dữ, mắc phải khẩu nghiệp nhanh nhất.
Cá nhân mỗi người cần có sự hợp nhất giữa thân, khẩu và ý, tạo ra sự hài hòa trong tâm mới có thể phát ngôn ra những lời tốt đẹp, không gây tổn thương đến người khác, tránh được khẩu nghiệp.
Tu tập là một quá trình mà ở đó người học Phật hay những người bình thường khác đều phải tu thân tâm mình trước tiên. Người Trung Quốc quan niệm rằng tu thân trước hết phải có “tâm bình, khí hòa” thì lời nói không bị lỗi.
Trong cuốn “Quản lý nghiệp”, các tác giả phương Tây cũng khẳng định nên thành thật để tu thân tâm và đó cũng là cách quan trọng để có thể tránh được khẩu nghiệp: “Hãy thành thực: Đừng bao giờ nói dối, và nói dối nghĩa là trao cho người khác điều mà bạn biết rằng không thật”(11).
Trong phẩm thứ tám, tích lũy công đức của Kinh Vô lượng thọ, có nội dung đề cập đến quá trình tu tập và tích lũy công đức của đức Thế Tôn (đức Phật) và cho biết tác dụng của việc tu tập khẩu nghiệp của ngài đã đạt được chính quả, luân hồi làm vua trời, đạt những danh hiệu cao quý.
Kinh có đoạn viết: “Trong vô lượng kiếp vun trồng đức hạnh, không khởi tưởng dục ba độc, chẳng đắm sáu trần, chỉ chuyên nhớ nghĩ chư Phật thuở quá khứ đã tu căn lành, hành hạnh tịch tịnh, xa lìa luống dối, y chơn đế môn, làm các công đức, không nề các khổ, ít muốn biết đủ, chuyên cầu pháp thanh tịnh, đem ân huệ lợi ích quần sinh, chí nguyện không mỏi, thành tựu các nhẫn.
Đối với hữu tình nói lời từ ái vui vẻ hòa dịu khuyến dụ khích lệ. Cung kính Tam bảo, phụng sự sư trưởng. Không giả dối nịnh hót, nghiêm trang đứng đắn, khuôn phép nhứt mực. Quán pháp như huyễn, tam muội thường tịch. Giữ gìn khẩu nghiệp, không nói lỗi người, giữ gìn thân nghiệp, không mất oai nghi, giữ gìn ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm […].
Do thành thục các căn lành như vậy, nên sinh đến chỗ nào tự nhiên cảm ứng có vô lượng kho báu, hoặc làm trưởng giả cư sĩ, hào hiệp tôn quý, hoặc làm Sát lợi Quốc vương, Chuyển luân Thánh vương, hoặc làm vua trời cõi Lục dục cho đến Phạm vương, cung kính cúng dường chư Phật chưa từng gián đoạn”(12).
Câu chuyện về việc đức Phật đối diện với thị phi đã cho thấy cách tránh khẩu nghiệp và tác hại không nhỏ do khẩu nghiệp gây ra. Chuyện kể về việc đức Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều tu sĩ Bà La Môn. Họ vốn không thích việc các đệ tử đi theo Phật quá nhiều nên đã không tiếc lời mắng chửi, thấy vậy đức Phật vẫn thong thả, liền bị chặn lại hỏi:
- Ngài có điếc không?
- Ta không điếc.
- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
- Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi. Và theo quan niệm của đức Phật, người nào thọ nhận thì mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì sẽ an vui, nếu ai đó nói lời không tốt về mình, không thọ nhận thì sẽ được an vui. Ngài cũng cho rằng khẩu nghiệp là nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra, bởi vậy vết thương do lời nói gây ra thì rất khó có thể biết khi nào mới lành lại(13).
3. Nhận xét
Nghiệp là yếu tố xuất hiện do những hành động của con người không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn là từ quá khứ. Do vậy, để tránh xuất hiện những nghiệp xấu, mỗi người cần coi trọng việc tu tập, gieo những duyên lành và loại trừ những điều ác. Ý nghĩa của nghiệp trong Phật giáo chính là kêu gọi con người biết tu tập, sống hướng thiện để có thể thay đổi hoàn cảnh của họ ở tương lai.
Một trong những nghiệp nặng của con người chính là khẩu nghiệp. Do vậy, tu tập bản thân để không mắc phải khẩu nghiệp cũng là một việc làm rất quan trọng để cá nhân có thể dứt sạch những nghiệp do ý và hành động gây ra. Quá trình tu tập đó không phải dễ dàng và nhanh chóng mà yêu cầu phải có sự thống nhất giữa thân và tâm, loại bỏ dần các tham, sân, si. Tu tập thiện nghiệp, tránh thọ nhận những điều thị phi như lời đức Phật dạy sẽ là việc làm để tu thân và từ đó có thể tránh được phiền não do khẩu nghiệp mang lại.
ThS. Mai Thị Huyền, Viện Sử học Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024 ***
Bình luận (0)