Ngôn từ và ảnh dụ trong thi ca là ngôn ngữ tinh hoa tuyệt diệu. Chỉ có người chứng đắc, kinh nghiệm trong tu hành như đức Phật mới xuất khẩu thành những lời thơ giải thoát đó.
Như chúng ta đã tìm hiểu và được biết, ngôn ngữ (dụ) tức thí dụ trong kinh điển Phật giáo được chia theo hai hệ thống kinh tạng là Nguyên thủy và Đại thừa. Ở kinh tạng Nguyên thủy (Nikaya) các hình ảnh thí dụ phần lớn mang tính cách hiện thực và cụ thể. Trái lại, trong kinh tạng Đại thừa, các thí dụ đã phần nào mang tính cách triết lý uyên áo nhằm minh họa, hay tiến tới minh định sự vận hành của tâm-thức. Có khi các ví dụ được dẫn giải trong kinh điển biểu trưng cho thế giới thanh tịnh tuyệt đối của Chân như, cũng có khi nó biểu trưng cho thế giới vọng tưởng và cuồng si của con người. Theo các tổ thầy cũng như các nhà tìm hiểu và nghiên cứu kinh điển cho rằng: Đặc điểm đặc sắc và độc đáo của ngôn ngữ thí dụ trong kinh tạng Đại thừa là sự phô trần dòng chảy của tâm thức trên cả hai mặt Cấu nhiễm và Chân như. Và trên bình diện chân lý, nó biểu diễn xác thực và cụ thể sự diễn biến của hai mặt chân đế và tục đế trên cùng một tâm điểm. Do đó, các thí dụ luôn luôn được xem là những biểu hiện chân xác của tâm thức.
Nếu như trong kinh tạng Nguyên thủy những thí dụ là những hình ảnh (cụ thể, bình dị) trong đời sống thường nhật, thì ngược lại, trong kinh điển Đại thừa thí dụ chính là những ảnh tượng của tâm thức; nó mang tính siêu hình và chung nhất.
Để nhận diện đôi nét đặc trưng khác biệt trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa qua ngôn ngữ và ẩn dụ của hai tạng kinh. Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu cụ thể sự khác biệt về ngôn ngữ cũng như thí dụ trong kinh điển của hai hệ thống kinh điển nêu trên.
I - THUỘC HỆ - (NIKAYA) NGUYÊN THỦY
Theo các nhà nghiên cứu cũng như chúng ta từng đọc kinh tạng Phật giáo thường thấy: Trong kinh Nguyên thủy đức Phật đã sử dụng ngôn ngữ thí dụ như là một thể cách đặc biệt để đánh động tâm thức cuồng si của chúng sinh và làm cho họ thức tỉnh tâm thế có thể đứng dậy đi ra khỏi “giấc mộng hư ảo” của cuộc đời. Do đó, những thí dụ mà đức Phật dùng ở đây (kinh Nguyên thủy) là những thí dụ xác thực với thực tế của thế giới xum la vạn tượng với muôn ngàn sự thể khác biệt và đa thù. Đó là những hình ảnh chiếc đò, dòng sông, tảng đá, con chim, cây cỏ... Mỗi lời kinh, mỗi lời kệ trong (Nikaya) tức kinh Nguyên thủy đều nói nên một hình ảnh sinh động nào đó. Và thông qua mỗi hình ảnh, đức Phật đã chuyển tải gửi gắm đạo lý hiện thực tới con người và muôn loài.
Kinh Tương Ưng
Bài Kinh người đất phương Tây hay người đã chết được trích trong phẩm Tương Ưng thôn trưởng của Tương Ưng Bộ Kinh IV (Đại Tạng kinh Việt Nam) có một thí dụ rằng:
* “Có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một hôm quần chúng đông đảo tụ họp lại cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp và nói rằng: “Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!”. Ông nghĩ tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp của họ mà có thể trồi lên, nổi lên hay trôi dạt vào bờ không?”
Cũng vậy, người nào sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến dù được quần chúng đông đảo tụ họp lại cầu khẩn, tán dương và chắp tay đi cùng khắp nói rằng
“mong người này sau khi mạng chung được sinh lên thiện thú, Thiên giới và cõi đời này!”, người ấy sau khi chết vẫn sinh trong địa ngục.
Một trường hợp tiếp theo:
* “Có người nhấn chìm một ghè sữa đông hay một ghè dầu trong hồ nước sâu rồi đập vỡ ghè ấy. Ghè ấy vỡ thành từng miếng vụn và chìm xuống nước còn sữa đông hay dầu thì nổi lên. Rồi một hôm quần chúng đông đảo tụ họp và cầu khẩn: “Hãy chìm xuống này sữa đông và dầu!”. Ông nghĩ sữa đông và dầu ấy do nhân cầu khẩn của họ mà có thể bị chìm sâu xuống tận đáy không?”
Cũng vậy, người nào không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không có lòng tham sân và có chính tri kiến, dù có một quần chúng đông đảo tụ họp lại cầu khẩn
“mong rằng người này sau khi mạng chung sẽ sinh đọa xứ ác thú, vào cõi dữ, địa ngục!”. Người ấy sau khi chết vẫn sẽ sinh lên thiện thú, Thiên giới hay vào cõi đời này.
Với trí tuệ mẫn tiệp, Thế Tôn đã giải đáp tất cả các câu hỏi mà không làm tổn thương đến tình cảm của người thỉnh vấn. Giải pháp trình bầy sự thật trong đoạn kinh trên là minh chứng. Bằng phương pháp đặt ra các câu hỏi để người hỏi tự suy nghĩ, rút ra kết luận và bằng cách sử dụng các (vị) tức các đối tượng so sánh cụ thể, sinh động, đức Phật đã khéo léo trình bầy một bài học về ý nghĩa thực sự của cầu nguyện.
Qua đoạn kinh Người đất phương Tây hay người đã chết nêu trên: từ góc độ đạo đức, cầu nguyện thể hiện sự quan tâm với cá nhân. Những ao ước một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người quá cố là một nét đẹp tinh thần đáng trân trọng. Thế nhưng cao hơn tất cả những lời cầu nguyện, tán tụng vẫn là một nếp sống trong sạch được xây dựng trên nền tảng đạo đức của 5 giới trong đạo Phật mà nội dung đoạn kinh trên đã dụ. Từ đó có thể khẳng định đối với người phật tử nỗ lực tu tập thanh tịnh thân tâm theo 5 giới là điều kiện vững chắc quyết định cho sự giải thoát. Còn tất cả những gì trái ngược với quy luật của hiện tượng giới đều dẫn đến vô ích. Qua thí dụ “tảng đá lớn ném xuống hồ nước sâu” cầu nổi lên… rồi đến sữa đông và dầu- khi đập vỡ vỏ đựng (bản chất sữa, dầu là nhẹ) lại cầu mong nó chìm xuống… mượn hình thức, và hình ảnh này, đức Phật (dụ) thật tinh tế và độc đáo để dẫn người nghe nắm và hiểu được đạo lý sâu mầu của kinh điển muốn nói ở đây là giữ Giới luật.
Kinh Trung Bộ
Có một thí dụ khác trong kinh Xà Dụ (Trung Bộ kinh) tập I - HT.Thích Minh Châu dịch, trang 87 nói về người bắt rắn:
Đại để nội dung kinh như thế này:
“Có người ưa muốn bắt rắn nước, đi khắp chỗ để tìm rắn nước, người đó thấy một con rắn nước lớn và người đó bắt con rắn nước đó ở lưng hay ở đuôi. Con rắn đó có thể quay lại cắn người ấy nơi tay hay một thân phần nào khác ở cơ thể. Và do nhân này, bởi do nắm bắt rắn một cách sai lạc mà người đó bị chết hay bị đau khổ gần như chết”.
Cũng thế, người muốn tìm hiểu giáo pháp của Như Lai, nhưng không được quan sát với trí tuệ nên những pháp ấy không trở thành rõ ràng. Họ học pháp chỉ vì muốn chỉ trích người khác, muốn biện luận hơn người, không có ý hướng đến mục đích của Pháp là giải thoát. Vì sai lạc nên đưa đến bất hạnh, đau khổ lâu dài.
Ngược lại, nếu thấy rắn nước đó có thể khéo đè con rắn với cây gậy có nạng và khéo nắm giữ cổ rắn. Dầu cho con rắn có thể cuốn thân nó xung quanh tay hay một thân phần nào khác của cơ thể thì người ấy không bị rắn cắn chết.
Cũng vậy, người học Pháp họ quan sát pháp ấy với trí tuệ nên hiểu được một cách rõ ràng. Học pháp không vì lợi ích muốn chỉ trích người khác, không vì mục đích muốn khoái khẩu biện luận nên họ đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng tới những pháp ấy vì khéo nắm giữ nên đưa họ đến hạnh phúc lâu dài.
Hoặc có một ví dụ khác như chiếc bè:
“Có người đang đi trên con đường lớn dài, đến một vùng nước sông, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu để bắc qua từ bờ bên này đến bờ bên kia. Người đó suy tư như vậy, rồi bèn thâu góp cỏ cây, nhành là cột lại thành chiếc bè và dựa trên chiếc bè này tinh tấn dùng tay chân, có thể vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Khi qua bờ bên kia rồi, người ấy suy nghĩ: “chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này nên dầu cho hay vác nó trên vai và đi đến chỗ nào ta muốn”.
“Chiếc bè” là ví dụ cho Pháp. Như chúng ta thấy,bình thường thuyền bè được làm để đưa người qua sông. Nhưng khi sang bờ bên kia rồi, nếu ta quý nó mà mang vác theo mình thì sẽ trở thành một gánh nặng. Cũng vậy, Pháp là phương tiện đưa đường chỉ lối, vượt khỏi sông mê. Nhưng sang đến bến giác rồi mà còn nương ‘chấp’ vào lời dạy của đấng Như Lai, không tự làm chủ lấy mình, tùy cơ ứng biến, phổ độ quần mê, thì suốt đời chỉ là một cái đẫy sách, không giúp ích gì cho giáo hội, tăng đoàn.
Kinh Pháp Cú
Những bài kệ như sau:
“Người ngu dầu trọn đời
Thân gần người có trí (mà)
Không biết được chính pháp (thì)
Như muỗng với vị canh” (64)
Hoặc:
“Người trí dầu một khắc
Thân gần người có trí
Biết ngay được chính pháp
Như lưỡi với vị canh” (65)
Hoặc:
“Ai phiền não đoạn sạch
Ăn uống không tham đắm
Tự tại trong hành xứ
Không, vô tướng, giải thoát
Như chim giữa hư không
Dấu chân không tìm thấy”(93)
Hoặc:
“Người tỉnh giấc, chính niệm
Không bám vào chốn nào
Như thiên nga rời ao
Bỏ sau mọi trú ẩn” (911)
Hoặc:
“Khi nào chưa cắt tiệt
Tình ái giữa gái trai
Tâm ý vẫn ràng buộc
Như bò con, vú mẹ” (204)
Hoặc:
“Như hoa vassika
Quăng bỏ cánh úa tàn
Cũng vậy, thầy Tỳ kheo
Hãy giải thoát tham sân”(377)
Từ những bài kinh trên, chúng ta thấy rõ đức Phật đã dùng đến thí dụ như: cái muỗng (thìa), vị canh, cái lưỡi, dấu chân chim, con thiên nga, con bò con và vú mẹ, hoa lài… như những hình ảnh đầy ấn tượng để giáo dục người đời. Và trong cách dùng thí dụ Ngài luôn luôn trình bày theo quan hệ nhân quả, một quan hệ rất phổ biến và khách quan trong triết lý nhân sinh cũng như trong đời sống thiết thực. Đó là các cấu trúc “nếu…thì”, “hễ… thì”, “nếu…vậy”…Trên bình diện ngôn ngữ, các cấu trúc mang tính tương quan nhân quả như: “nếu…thì”, “hễ…thì” thường được dùng để diễn đạt chân lý khách quan hay sự thật tất yếu. Chức năng công ước ngôn ngữ của nó là dùng để xác định những giá trị bất biến như: “nếu đổ dầu vào nước thì dầu sẽ nổi lên” hoặc như “nếu ánh sáng đến thì bóng tối sẽ tan”. Vì thế, khi đức Phật dùng ngôn ngữ thí dụ để diễn đạt chân lý thì giá trị chân lý không những càng hiển lộ rõ lên mà nó còn đánh mạnh vào tiềm thức của con người - những kẻ đang
“lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Có lẽ đây là lý do Phật dùng ngôn ngữ thí dụ như một phương tiện thiện xảo để truyền đạt chính pháp. Điều đó cũng cho thấy năng lực “vô ngại biện tài” của Phật, ít ra ở đây là trên mặt tác dụng của ngôn ngữ.
Những chỉ dụ trực tiếp là những thí dụ rõ ràng nhất mà mọi đối tượng có thể thông hiểu.
Thấy sông Hằng trôi cần mẫn một cõi, xuôi chiều hăng hái chảy, Phật nói với các Thầy Tỳ kheo cố gắng như sông Hằng ấy thì các thầy cũng ra đến biển Niết bàn như sông Hằng ra biển Đông. Thấy nhà dột, Phật bảo nóc nhà giới luật, phòng ở căn môn (ví như cái tâm) các thầy nhìn kỹ thì không bị phiền não đắm nhiễu tham sân làm chảy mất trí tuệ như ngôi nhà lợp kỹ, thì không bao giờ bị dột. Thấy nước lũ lụt tràn bờ sông Hằng, kẻ này tìm chèo chống, kẻ kia lấy ghe chèo đi. Hết thảy tìm chỗ nào còn hơn mà tạm trú. Đức Phật liền bảo chủ Tỳ kheo rằng: “Ta đã đóng những con tầu vượt qua lũ lụt già chết của đại dương sinh tử lâu rồi…”
Qua pháp dụ đức Phật đã lấy ngay hiện trạng rồi gài trí khôn vào đó, khiến người nghe “sững hồn” tỉnh thức về trí tuệ mà nhìn lại mình.
*Khúc gỗ trôi sông:
“Một hôm đang đi trên bờ sông thuộc lưu vực sông Hằng, xứ Kosambi thấy khúc gỗ đang trôi bồng bềnh dưới sông, Phật liền kêu chủ vị khất sĩ, chỉ mà nói rằng: kìa khúc gỗ đang trôi, ta đảm bảo với các thầy là khúc gỗ sẽ ra biển Đông với điều kiện nó không bị vướng vào hai bờ, không vướng vào chỗ xoáy, không bị vướng lên cồn bãi, không bị mục rã tự chìm, không bị ai vớt lấy. A Nan nghe hay quá bèn thưa: “xin Ngài giải thích thế nào là hai bờ, nước xoáy, cồn bãi, tự chìm, người vớt lấy”.
Phật giải thích:
các thầy cũng sẽ đi đến biển Niết bàn, với điều kiện các thầy không vướng vào hai bờ chấp có và không, không bị vướng vào vòng xoáy của năm dục, không bị vướng lên cồn bãi kiêu ngạo, không tự ô uế trong tâm là tự chìm, không cầu phước báu hữu lậu cõi đời.
*Ba thửa ruộng:
Một hôm các đệ tử tại gia đến viếng Phật, họ hỏi rằng sao chúng con thấy hình như Ngài chăm sóc cho các Thầy khất sĩ nhiều hơn tụi con, có phải vậy chăng?
Phật trả lời, thì như các vị cày cấy, thửa ruộng nào mầu mỡ trúng hoài thì các vị chăm bón kỹ hơn, còn thửa ruộng nào đất xấu, năng xuất kém thì các vị ít chăm bón hơn. Ta cũng vậy, các thầy khất sĩ là thửa ruộng tốt vì họ có điều kiện mau chóng đạt chính quả hơn, còn các vị là tại gia cư sĩ bị vướng bận chuyện gia đình này nọ khó thành công hơn, nên Ta nói mạnh và nhiều về các thầy khất sĩ đó là chuyện dĩ nhiên.
*Năm đám cháy:
Sự khát khao trần dục là không bao giờ cùng, nó đòi hỏi nhanh như lửa cháy nên Phật ví dụ là năm đám cháy dữ dội. Như mắt, nó nhìn không bao giờ biết no chán, như biển cả gom trăm sông vẫn mãi không bao giờ đầy. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng vậy.
*Thành phố bị bỏ hoang trong rừng:
Thủa xưa có thành phố bị bỏ hoang phế, dân chúng tản cư đi hết nơi này xứ nọ. Thành phố đó lần hồi bị cây mọc che khuất và rừng ăn lan phủ ngập cả vùng mênh mông, chợt có người khám phá, khi thông một con đường khiến người ta đến chiêm ngưỡng thành phố ấy.
Đó là Phật muốn nói đến khả năng giác ngộ của mỗi chúng ta, nhưng bị bao phủ trong rừng tà kiến như thành phố nọ bị rừng che phủ.
Từ các thí dụ trong kinh tạng Nikaya vừa được giới thiệu đã nói lên vai trò quan trọng của phương pháp (kỹ thuật) khai ngộ đánh thức tâm linh của đức Phật đối với mỗi người. Điều quan trọng của phương pháp này đã đến mức các thí dụ được dùng để đặt tên cho các bản kinh.
*Như kinh 21, ví dụ cái cưa:
giúp các Tỳ kheo nhớ để nhắc nhở mình nhiếp phục các tâm cấu uế, phát triển tùy tâm và tuệ tâm.
*Kinh 22, ví dụ con rắn: thì nhắc nhở Tỳ kheo cẩn trọng hiểu rõ Pháp và vai trò của pháp. Bởi ngộ nhận về Pháp sẽ chuốc lấy hậu quả như bắt rắn ở thân, đuôi của nó sẽ bị nó cắn chết đến mất mạng hay đau khổ gần như mất mạng.
*Kinh 24, Trạm xe:
Qua ví dụ bảy trạm xe được coi như là các thành tựu: Giới thanh tịnh, Tâm thanh tịnh, Kiến thanh tịnh, Đoan nghi thanh tịnh, Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, Đạo tri kiến thanh tịnh và Tri kiến thanh tịnh.
*Kinh 25 Bẫy mồi:
Thì cảnh báo các Tỳ kheo về các ma chướng ở đời và ở nội tâm, giác tỉnh bám chặt mục tiêu giải thoát, đi suốt lộ trình thiền định cho đến định cuối cùng: Diên thọ tưởng. Tỳ kheo cần nghiêm túc tiêu diệt tham ái cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.
*Kinh 26, Thánh cầu:
Giới thiệu con đường giải thoát mà Thế Tôn vượt qua ở hiện thế để các Tỳ kheo học tập. Ánh sáng từ sự thật duyên khởi sẽ chiếu rọi lộ trình đoạn diệt ái, tịnh chỉ các hành, hướng đến thẳng Niết bàn.
*Kinh 27, Kinh ngắn Dấu chân voi:
Thì giới thiệu về sự việc Bà La Môn học giả bác học tán thán Thế Tôn như là bậc đạo sư vô tỷ đương thời. Sự tán thán chưa thật sự chân thật nếu chỉ dựa vào danh tiếng, vào sự cung kính tôn trọng của những người thời danh đối với Thế Tôn hay dựa vào giáo huấn đơn thuần của Thế Tôn. Chỉ khi nhìn thấy thành tựu giải thoát hết thảy lậu hoặc, chứng đắc Tam minh của các đệ tử của Thế Tôn thì lời tán thán
“Thế Tôn là bậc Chính đẳng giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chúng Tăng khéo hành trì” đây mới là chân thật, giá trị.
*Kinh 28, Kinh dài Dấu chân voi:
Ghi lại trường hợp tu tập thối thất của Tôn giả Đề Bà Đạt Đa dẫn đến sự “phá hòa hợp tăng” chia rẽ đoàn thể tăng già. Nhân sự việc này, Thế Tôn nhắc nhở các Tỳ kheo không nên tự mãn trước các thành tựu Giới, Định và các tri kiến mà phải nhất hướng tiến đến Bất động giải thoát. Bất động tâm giải thoát là mục tiêu mà không phải là các danh vọng, tôn kính, lợi dưỡng động viên một vị tu sĩ.
*Kinh 30, Kinh ngắn ví dụ lõi cây:
Ghi lại thái độ chỉ bày sự thật Chính đẳng giác của Thế Tôn cho một Bà La Môn học giả về sự kiện các giáo chủ ngoại đạo đều tự tuyên bố mình là Chính đẳng giác. Ai có thể tự mình chứng ngộ và giới thiệu con đường đi đến chứng ngộ mục tiêu phạm hạnh, Bất động tâm giải thoát, thì vị ấy có thể tuyên bố mình là Chính đẳng giác.
*Ẩn dụ về (hình ảnh)
Ở đây có thể nói, kinh Dhammapada (Pháp Cú) là một trong những loại hình của ngôn ngữ ẩn dụ đặc sắc nhất. Chẳng hạn, khi đề cập đến vấn đề yêu thương hay ái dục nói chung, đức Phật đã dùng đến các hình ảnh “dòng sông yêu thương” hay 36 dòng ái để nói lên sức mạnh bền bỉ của lòng yêu thương, ái dục:
“Dòng ái dục chảy khắp
Như dây leo mọc tràn” (30)
“Người say đắm ái dục
Tự lao mình xuống dòng
Như nhện sa vào lưới” (347)
“Ba mươi sáu dòng ái
Trôi người về biển ái
Các tư tưởng tham ái
Cuốn trôi kẻ cuồng si” (339).
Những câu kinh này cho thấy, đức Phật đã ẩn dụ cội nguồn ái dục của con người như dòng chảy luân lưu bất tận. Nó cuốn trôi đời người vào thế giới trầm luân sinh tử. Và chính ẩn dụ sâu sắc tinh tế và độc đáo này đã gợi lên trong tâm thức người nghe một ảnh tượng về sự “trôi chảy của dòng ái”. Trên bình diện chân lý, tâm thức của con người luôn luôn trôi chảy như một dòng sông. Trong một tích tắc thôi, nó trôi từ đối tượng này sang đối tượng khác. Và trong hầu hết các sự trôi lăn đó, dường như “khát vọng trở nên, hoặc trở thành” một cái gì đó, hay một điều gì đó-tức cái dục vọng của con người-luôn luôn có mặt. Mà ở đây, đức Phật đề cập đến ba mươi sáu dòng ái, thế có nghĩa là con người luôn luôn có nhu cầu: mong rằng tôi có mặt như thế này… và những khát vọng được trở thành như thế khác… chính cái nhu cầu hiện hữu, nó làý lực hay nguyện động lực để thúc đẩy dòng sông ái. Đó cũng là mấu chốt của sự trầm luân. Nó có mặt trong (36) ba mươi sáu dòng ái. Vì thế, sự giải thoát hay vượt dòng sông ái dục cũng có nghĩa là giải thoát dòng sinh tử luân hồi. Đây là lý do tại sao sự giải thoát của Phật giáo gọi là vượt bộc lưu - vượt dòng thác sinh tử.
Điều này đức Phật dạy:
“Ai sống ở đời này
Ái dục được đoạn tận
Sầu rơi khỏi người ấy
Như nước rời lá sen”.
Hoặc:
Tỳ kheo, tát thuyền này
Thuyền không nhẹ đi mau
Trừ tham, diệt sân hận
Đạt đến cõi Niết bàn” (368)
Nội dung bài kệ trên đề cập đến con thuyền không - tức một tâm thức ‘không’ còn cưu mang các yếu tố của (tham, sân, si) nữa. Tất nhiên chỉ có ai đi trên con thuyền ấy, mới có thể vượt dòng thác sinh tử.
Từ một vài dẫn chứng ít ỏi trên, thông qua những từ ngữ ẩn dụ cho thấy rằng, ngôn ngữ ẩn dụ là một đặc trưng tiêu biểu và rất phổ quát trong kinh tạng Phật giáo. Những ví dụ nêu trên đương nhiên chỉ là một trong số những trường hợp, xin được nhắc lại là ‘rất ít ỏi’ được trích dẫn từ giáo lý để trình bày.
Ngoài ra, đức Phật còn đưa ra những hình ảnh cụ thể để diễn tả khái niệm trừu tượng về sự ham mê tham dục như: “chó gặm cục xương hết thịt; như leo lên cây cao hái quả thình lình cây bị đốn ngã, té chết; như đồ trang sức mượn người ta đòi lại; như giấc mộng đêm xuân thức dậy không có gì hay không thấy gì; như cục thịt mà bao nhiêu chim xâu xé nhau ăn, ắt có con phải bỏ mạng; như hố than hừng hực cháy mà đem quăng ta vào đó ta phải tháo thân chạy thoát”. Dựa vào biển lớn có nhiều cái hay cái hữu dụng, Phật liền khai thị giáo pháp giải thoát và ví biển dù ở đâu vẫn có một vị duy nhất đó
là vị mặn, thì pháp Phật cũng có một vị đó là giải thoát! Với trường hợp như bà Paccara chồng chết, con chết, cha mẹ và em chết hóa khùng, hóa điên đến tịnh xá, Phật khai thị và nói, mọi khóc thương người đổ ra chính là ngươi cả. Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước trong đại dương.
Một yếu tố khác nữa cũng cần nói đến ở đây là yếu tố thi ca hay nghệ thuật thi ca tiềm tàng trong những hình ảnh thí dụ. Đó là trường hợp những bài kệ như:
“Hương các loài hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Hương của người đức hạnh
Người gió khắp tung bay” (54)
Hoặc:
“Hoa chiên đàn, già la
Hoa sen, hoa vũ quý
Giữa những dòng hoa ấy
Giới hương là vô thượng” (55)
Hoặc:
“Như ong đến với hoa
Không làm hại hương sắc
Che chở hoa, lấy nhụy
Bậc thánh đi vào làng” (44)
Tóm lại, ngôn từ và ảnh dụ trong thi ca là ngôn ngữ tinh hoa tuyệt diệu. Chỉ có người chứng đắc, kinh nghiệm trong tu hành như đức Phật mới xuất khẩu thành những lời thơ giải thoát đó. Khi nghe được ngôn ngữ thi ca này, như nhắc nhở con người hãy tỉnh thức, tỉnh thức… không thả hồn bay bổng như dòng thơ bản năng ‘phóng dật’ giả tạm của thế gian mà chúng ta thường gặp.
Còn nữa...
Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2019
Bình luận (0)