Mới đây trên trang điện tử (ĐPNN- 23/02/2018) có đăng tải bài viết: “Tại sao con người mê tín?” của tác giả Thích Đạt Ma Phổ Giác đề cập về vấn đề mê tín dị đoan hiện nay. Tác giả cho rằng: “Đất nước ta hàng năm có khoảng 8000 lễ hội lớn nhỏ, có lễ hội núp bóng lễ hội văn hóa thường mang lại nhiều tổn thất nặng nề, về lâu dài dẫn đến bất an cho những người tin nó một cách mù quáng. Từ mù quáng dẫn đến cuồng tín, mê tín…”. Để cùng góp thêm tiếng nói tích cực về chủ đề này, chúng ta cùng nhau dành chút thời gian tìm hiểu khái lược đôi nét về vấn đề: Mê tín dị đoan (một vấn đề dễ nói nhưng khó làm) nhằm ngăn chặn tệ nạn này qua kinh nghiệm của cha ông ta và cũng là để rút ra những kinh nhiệm cho thực tế hiện nay.

Dẫn nhập

Như chúng ta đã biết, nói đến mê tín dị đoan (một hàm nghĩa xấu), thì ai cũng thoái thác và cho rằng mình không có điều đó. Sự thật, người đã mê tín thì không biết mình đang bị mê tín. Bởi họ đâu có Chính pháp để đối chiếu với sự sai lầm này.

Vậy Chính pháp là gì?

Để trả lời thấu đáo câu hỏi này, thì thật dài dòng, nhưng chúng ta hãy tạm hiểu khái quát ngắn gọn: Chính pháp theo đạo Phật là những điều xuất phát từ kim khẩu của đức Phật nói ra và sau đó là những điều mà Bồ Tát, Tổ thầy răn dạy dựa trên kinh điển phù hợp với Tam pháp ấn của nhà Phật. Chính pháp đối ngược với tà pháp (tức mê tín dị đoan).

Vậy, để nhận diện được Chính pháp, chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là tà đạo và mê tín, dị đoan. Theo từ điển Tiếng Việt (Nxb Khoa học xã hội ấn hành năm 1969) cho rằng:

“Tà đạo”: 1. Là con đường không chính đáng/ 2. Tôn giáo khác với tôn giáo được coi là chính tông.

“Mê tín”: Lòng tin không căn cứ, cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hạnh phúc, hoặc gây ra tai họa. Ví dụ, theo mê tín: Quạ kêu là điềm báo nhà có người chết, tin một cách mù quáng.

Và cũng theo từ điển này, dị đoan có nghĩa là điều mê tín quái gở”.

Còn theo từ điển “Nho, Phật, Đạo của Lão Tử” do Thịnh Lê biên soạn (Nxb Văn học ấn hành 08/2001) thì cho rằng: “Mê tín theo thuật ngữ Đạo giáo cũng có nghĩa là mê tâm. Chỉ cho 10 thứ mê (thập mê) như: mê sự, mê lý, mê giáo, mê cảnh, mê khí, mê thân, mê thần, mê tiên, mê chân, mê thánh. Là những sự mê mà pháp lực của đạo nên bài trừ” (tr.870).

Cũng theo từ điển này, tà đạo: “Là chỉ đạo thuật ngoài chính thống như vu cổ (đồng cốt), yêu pháp và một số phương thuật nào đó. Thời cổ cho hữu (bên phải) là tôn chính, chính đạo là hữu, bất chính là tả, (tức tà giáo)”. Lê Hữu Chế đã nói: “Dùng tà đạo để làm loạn chính trị thì phải giết”. “Tự Trị Thông Giám” ghi rằng: “Năm Chính Hòa hai, phương sĩ cùng bọn thần vu (đồng cốt) tu tập tại kinh sử đều dùng tà thuật để mê hoặc dân chúng làm đủ mọi chuyện”. Đủ biết tà đạo đã là “bàng môn tả đạo”, mê hoặc nhân tâm, nhiễu loạn chính đạo. Cho nên còn gọi là “bàng môn” và cũng chẳng phải chính tông” (tr.1223) từ điển trên.

Ý thức được vấn đề tác hại ghê gớm của tà đạo xâm nhập Chính pháp, ngay lúc còn tại thế: “Đức Thế Tôn đã lo ngại và luôn phòng ngừa những yếu tố độc hại của tà pháp gây nên không cho thâm nhập Phật giáo. Nhưng sau khi Ngài nhập diệt thì sáu thứ tệ đoan (1) chẳng những xâm chiếm dần toàn bộ Phật giáo mà còn ngày càng lộng hành hơn, nhưng tác hại của nó rốt cuộc cũng chẳng thể làm tổn thương hết bản chất chân thật của Phật giáo” (Trích “Yếu chỉ Phật pháp” - Thiền sư Duy Lực).

Trần Nhân Tông dạy con chống giặc và quản lý đất nước theo Chính pháp

Ngay từ khi còn tại vị, đức vua Trần Nhân Tông đã thiết lập tốt việc chăm lo cho Chính pháp đạo Phật. Cụ thể là chỉ đạo việc cai quản thờ phượng trong nước. Với lòng tự tôn dân tộc, Trần Nhân Tông đã phổ cập dần dần chữ Nôm vào các văn bản hành chính và trong các tác phẩm văn chương cũng như tác phẩm viết về Phật giáo của mình như “Cư trần lạc đạo”, gồm 13 hội đều được thể hiện bằng chữ Nôm.

Đặc biệt là về tín ngưỡng, Trần Nhân Tông là người đi đầu trong việc chống mê tín dị đoan, làm lành mạnh các quan hệ xã hội thời quốc gia Đại Việt. Với ngài, mê tín dị đoan là nguồn gốc đưa quốc gia đến chỗ suy vong. Và ngài cho rằng: Phần nhiều, những nước lớn họ sử dụng tín ngưỡng đi trước, sau đó mới đưa quân đội thôn tính sau.

Để minh chứng cho điều này, chúng ta thấy rất rõ nội dung này trong buổi lễ truyền ngôi cho con. Đức vua Trần Nhân Tông đã dạy Thái tử Trần Anh Tông hai điều, đó là: Dạy con giữ nước và tín ngưỡng.

Vì sao vậy?

Vì mê tín dị đoan là nguồn gốc đưa quốc gia đến chỗ suy vong. Phần nhiều, những nước lớn họ sử dụng tín ngưỡng đi trước, sau đó mới đem quân đội thôn tính sau, nên họ thành công rất dễ dàng.

Phụ vương nói cho con rõ:

- Ở thế gian vật lý này, những hiện tượng lạ ở trong không gian cũng như trong vạn vật đều là do biến chuyển của vật lý cả, chứ không có ông thần bà thánh hay ma, quỷ nào làm ra. Sở dĩ những người thấy những hiện tượng lạ, họ nói ra và thêu dệt thêm là họ có ý đồ không tốt.

Phụ vương dạy rõ thêm:

- Trong tam giới này là nói trung bình, còn nói rộng là mênh mông trong càn khôn vũ trụ, còn nói nhỏ hẹp là nơi địa cầu này, loài nào sinh hoạt theo loài đó.

Ví dụ: Loài người không sinh ra loài khác được, bất cứ loài nào cũng vậy. Vì vậy, các cõi khác họ cũng lo cho cõi của họ, chớ họ đâu có đến thế giới này mà ban phước cho ai.

Phần mê tín dị đoan, nếu con không dẹp bỏ, khi có giặc ngoại xâm chiếm nước ta, thì những người mê tín này, chắc chắn họ không đồng tình với con chống giặc ngoại xâm.

Vì sao vậy?

Như phụ vương đã nói ở trên, kẻ nào muốn xâm lăng nước khác. Trước tiên, họ đưa mê tín vào trước để cho nhân dân nước mà họ muốn chiếm không còn yêu nước nữa, mà tâm trí của những người này, ngày đêm cứ mơ mộng chuyện trên trời dưới đất. Thử hỏi, con làm sao giữ vững quốc gia Việt Nam của mình được.

Phụ vương cũng nói cho con hiểu thêm: Trước kia phụ vương chưa giác ngộ “Yếu chỉ Thiền tông” của đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, thì phụ vương cũng như bao người khác. Nhưng nay, phụ vương đã giác ngộ rồi, phụ vương biết tất cả những chuyện biến chuyển của vật chất là tự nhiên của nó. Còn nói về tinh thần, phụ vương cũng hiểu và biết rất rõ như sau:

- Về vật chất: Trên trái đất này không vật gì đứng yên một chỗ cả và nó phải luân chuyển theo dòng: thành, trụ, hoại, diệt.

- Về tinh thần: Con phải hiểu như sau, tất cả chủng loài động vật, trong đó có loài người. Loài nào cũng có tính của nó cả, loài người cũng vậy.

Đề cập về tính người và tam giới, Trần Nhân Tông cũng dạy cho Thái tử Anh Tông rõ như sau:

1. Tính người, người nào cũng mang một khối nghiệp mà họ đã tạo ra từ vô lượng kiếp trước đến nay.

2. Tứ đại hình thành ra một con người, phải qua công thức vật lý âm dương của cha mẹ, thì mới sinh thành ra được.

3. Khi cha mẹ giao hợp, rất nhiều “trung ấm thân” đến dự và nhào vô bào thai để làm con của cha mẹ đó. Nhưng, trung ấm thân nào có vay hoặc trả nhiều với cha mẹ thì tự nhiên được nghiệp hút vào, liền khi đó tâm người được hình thành, đủ ngày tháng một con người được sinh ra.

4. Về tinh thần mà loài người gọi là tâm, là sản phẩm duyên hợp vật chất mới có được.

5. Trên trái đất này, hay khắp trong tam giới, hoặc trong càn khôn vũ trụ này không có bàn tay quyền năng nào làm việc này cả. Năm Quý Tỵ (1293), Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, còn ngài lên làm Thái thượng hoàng, ở địa vị này 6 năm, ngài dạy bảo con cháu và sắp đặt việc xuất gia. Tháng 10 năm 1299, (41 tuổi) ngài xuất gia vào Yên Tử tu hành. Khi xuất gia, ngài đi khắp trong thôn ngoài làng trong cả nước dạy dân tu Thập thiện và dẹp bỏ các dâm từ xây dựng vô lối.

Tại các chùa lớn như chùa Siêu Loại, chùa Quỳnh Lâm, chùa Thanh Mai thuộc các tỉnh ngày nay như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Phủ Thiên Trường Nam Định, ngài đều giảng kinh, luật, luận, giác ngộ đạo pháp cho dân chúng và các tăng, ni, phật tử tại các chùa nói trên, nhằm mục đích giác ngộ Chính pháp, bài trừ mê tín dị đoan trong quần chúng nhân dân.

Theo ngài, người không hiểu được Chính pháp khi sa vào mê tín dị đoan họ sẽ có bốn cái mất:

1. Mất chính mình: Bởi mỗi con người đều có tính giác, tức Phật tính.

2. Mất sáng suốt: Bởi tâm mê mờ chạy theo tà đạo thần quyền.

3. Mất hạnh phúc gia đình: Vì theo mê tín dị đoan mà gia đình bất hòa với nhau.

4. Quốc gia mất hùng cường: Bởi trong đất nước nhiều người mê tín, mà thiếu giác ngộ Chính pháp.

Chính vì những điều này, mà lúc còn tại vị cũng như khi xuất gia, Trần Nhân Tông luôn luôn quan tâm và nỗ lực truyền bá Chính pháp đạo Phật để ngăn ngừa tà pháp xâm nhập ngôi nhà Như Lai. Phải chăng xuất phát từ những việc làm trên mà lịch sử đánh giá ngài là một trong những ông vua thương dân và là một vị sư nhân từ đức độ. Nói đến Trần Nhân Tông, thì người Việt Nam ai ai cũng biết đó là ông vua anh hùng và thương dân nhất mực. Nói đến ngài là nói đến một thời đại cực thịnh của nhà Trần, là nói đến vị Sư Tổ của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Cuộc đời của ngài là biểu hiện của sức sống kỳ diệu của đạo Phật trong mọi hoàn cảnh đời sống xã hội. Ngài đã chứng minh bằng chính cuộc đời của mình, đạo Phật luôn luôn biểu lộ trong mọi hoàn cảnh sống. Đạo Phật có mặt khi đang ở ngôi vua, đạo Phật có mặt trong giờ phút chiến tranh dầu sôi lửa bỏng, đạo Phật trên con đường đi khắp thôn làng, để giảng kinh Thập thiện…

Chính vì lòng bi mẫn này mà Trần Nhân Tông đã nỗ lực dẹp bỏ tà đạo cứu dân ra khỏi mê tín dị đoan, bởi thời đó đất nước ta bị nô dịch văn hóa phương Bắc. Việc làm này, không chỉ với mục đích trước mắt là cứu người dân ra khỏi bóng ma thần quyền mà với tầm nhìn bi mẫn của đạo Phật, Trần Nhân Tông muốn cứu họ ra khỏi kiếp sống đọa lạc ở một tái sinh sau. Đây là tầm nhìn Chính biến tri của Phật hoàng Trần Nhân Tông với chiến lược dựng nước và giữ nước của dân tộc mà cách đây gần 800 năm vẫn còn nguyên giá trị hiện thực cả về đời và đạo.

Triều Nguyễn với việc chống tà thuật mê tín

Trong những năm trị quốc của hoàng đế Gia Long, cùng với giặc và thú dữ hoành hành, vấn nạn mê tín dị đoan cũng là mối quan tâm hàng đầu của nhà vua. Trước tình trạng dân chúng bị nhiều đạo sĩ dùng tà thuật mê hoặc, đắm chìm trong cơn đại hồng thủy cầu đảo, quật mồ mả làm bùa chú, trù yểm hại người, vị vua lập lên triều Nguyễn đã quyết liệt vào cuộc chống tà đạo.

Như chúng ta đã biết, chúa Nguyễn Ánh bình định được nhà Tây Sơn và lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long năm 1802. Thời bấy giờ, nạn mê tín dị đoan trong dân chúng gần như là quốc nạn, các đạo sĩ với những tà thuật ghê rợn tung hoành. Tin theo các đạo sĩ, thầy địa lý, nhiều phàm nhân có tục “rửa gân”, “nghiệm gân” bằng cách đào lấy hài cốt cha mẹ, bậc tôn trưởng để chiêm nghiệm việc tốt xấu. Không những thế, vì mê tín dị đoan mà người ta còn quật mồ mả để hủy hoại, vứt bỏ xác chết, gọt đầu, làm thương tổn đến tử thi, trộn quần áo của xác chết vào nơi ở để gây hấn việc sợ hãi trong dân chúng…

Luật hình - nhân mạng (quyển 196) trong “Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ” đề cập rất rõ tệ mê tín dị đoan trong dân chúng thời bấy giờ. Không chỉ quật mồ người thân chiêu hồn xem điềm tốt xấu, còn có tình trạng kẻ ngu muội, u mê giết người lấy nội tạng luyện bùa thuốc. Hình luật dành cho tội phạm này có đoạn viết: “Phàm những người lấy tai mắt, tạng phủ của người sống đem mổ xẻ ra làm thuốc, nếu bị tố giác, hoặc bắt nộp quan, thì nếu là hành động rồi, kẻ thủ phạm vẫn không được tha tội”.

Hoặc những kẻ thầy bà đã lợi dụng sự ngu muội trong dân chúng làm trò ma mị, đục khoét, gây thanh thế nên cần phải nghiêm trị: “Những thuật cầu đảo, giải ách đều là những chuyện vô ích cả. Kẻ dùng tà thuật, lừa dối cho người nghe sinh biến đổi rối loạn trong lòng, vẽ bùa, viết khoán, nhờ pháp thuật để sinh nhai; chuộc mạng chiêu hồn, lấy con bệnh làm của báu. Thậm chí có kẻ phù đồng ấp bóng, bịa ra lời nói của thần…lại có thuật làm người bằng giấy, làm người bằng cỏ,… lấy pháp thuật để quấy nhiễu người, lừa dối trăm cách, thực là mối hại lớn của nhân dân”.

Xác định phường thầy bà đồng cốt là mối hại lớn của nhân dân, để an dân triều đình Gia Long cấm ngặt những kẻ hành nghề phù thủy, làm đồng cốt. Theo lệnh vua, bộ Hình định rõ tội danh và trừng trị thẳng tay những kẻ can phạm.

Điều luật cấm chỉ các bọn thầy cúng, đồng cốt và tà thuật (luật lễ - nói về tế tự, quyển 186) đề cập chi tiết các hình phạt dành cho phường đồng cốt, thầy cúng, tăng đạo cả gan vi phạm, cấm lệnh bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan trong nhân dân.

Những hình thức hình phạt kể trên cho thấy thời Gia Long rất nghiêm khắc và quyết tâm trong việc trừ dẹp tệ nạn mê tín dị đoan trong nhân dân. Năm 1820, sau 18 năm trị vì, hoàng đế Gia Long băng hà, kế tục sự nghiệp của cha, hoàng đế Minh Mạng (1791-1841) cũng dốc lòng dốc sức tuyên chiến với tệ nạn mê tín dị đoan ổn định trật tự xã hội. Đây là bài học chúng ta cần suy ngẫm và tham khảo.

Đôi nét thực tại

Ngày nay, nạn mê tín dị đoan vẫn phổ biến với đủ mọi hình thức mê muội, nếu không muốn nói là tệ nạn này ngày càng gia tăng. Thực tế hiện nay lễ hội mở tràn lan, sự kiểm soát hoạt động này thiếu chặt chẽ cũng góp phần cho tệ nạn mê tín dị đoan có cơ hội bùng phát. Tình trạng xin thẻ, bói dựa, coi sao, xem đất cát, mồ mả tốt xấu vẫn thường diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.

Ví dụ một việc làm đơn giản như muốn thiết lập một bàn thờ Phật hay một bàn thờ gia tiên. Vì thiếu hiểu biết Chính pháp nên không ít thầy bà hướng dẫn sai lạc, rồi suy diễn bày đặt ra đủ điều, khiến người có tâm trong việc thờ phụng cũng bị ảnh hưởng nhiều phiền não trong việc này. Đơn cử như việc bàn thờ gia tiên có quá nhiều bát hương là không cần thiết. Bởi việc thờ phụng của người Việt ta phần lớn theo văn hóa cổ truyền.

Nhân đây, cũng xin nói về việc dâng cúng phẩm vật, hương hoa, trà quả biểu lộ lòng thành kính của mình lên chư Phật, Bồ Tát và gia tiên. Theo các tổ thầy dạy: Sự dâng cúng này chính là thể hiện tấm lòng thành kính và tri ân lên Tam bảo, vì nhờ có Tam bảo chúng ta mới có được lòng tin, sự hiểu biết về chân lý trong cuộc đời. Nhờ có Tam bảo chúng ta mới biết tu học, làm lành lánh dữ, tu nhân tích đức để được an vui và hạnh phúc lâu dài. Tâm chúng ta phải chí thành, sang suốt và tri ân như vậy, thì việc dâng cúng dù ít, dù nhiều sẽ có sự cảm ứng gia hộ tương ưng.

Khi tâm của chúng ta hướng về chư Phật, Bồ Tát, hiền thánh tăng và tổ tiên thì một niệm khởi lên đã lan tỏa đến mười phương pháp giới. Nói đến việc dâng hương và ý nghĩa của việc dâng hương thì trong đạo Phật mang ý nghĩa rất sâu xa. Hương này là biểu thị cho sự trang nghiêm, thanh tịnh và chí thành. Hương này cũng là hương của giới hương, của định và trí huệ hương. Đây là 3 yếu tố quý báu để trang nghiêm cho sự tu hành của một con người, cũng là để thành tựu sự tu tập giải thoát, giác ngộ.

Vì thế khi ta tự mình dâng nén hương lên bàn thờ Phật, Bồ Tát và Tổ tiên, đồng nghĩa ta đang tự biểu lộ lòng tri ân, thành kính, nguyện nương vào hương thơm: giới, định, huệ của chư Phật, Bồ Tát và gia tiên mà được gia hộ cho mình cũng được đầy đủ đức tính đó, để mai này chúng ta tu học, làm các việc phước thiện và lợi lạc cho mọi người, mọi loài. Sự dâng hương, cúng dường phẩm vật lên chư Phật, Bồ Tát và tổ tiên như vậy gọi là sự dâng cúng chân chính, có trí tuệ và được nhiều phước báo.

Đạo Phật là đạo của hiểu biết và trí tuệ. Người phật tử tu tập chỉ tin theo lời Phật dạy trong kinh điển và qua lời giảng dạy của một số bậc thầy chân chính. Không nên tin và dựa vào các thầy cúng, thầy pháp, thầy đồng, thầy bói để rồi nay thì làm theo thầy này, mai lại làm theo thầy khác. Lòng tin không chân chính như vậy thì dù có quy y theo Phật cũng sẽ không thoát khỏi những mất mát và khổ đau.

Phật tử chân chính, phải là người phật tử có học pháp và tu theo pháp. Mang danh phật tử vì đã quy y và thọ trì năm giới, nhưng chưa từng học pháp và tu pháp thì người phật tử như vậy chỉ có cái danh phật tử, còn họ không phải là phật tử. Do đó, học pháp và tu theo pháp nên phật tử mới hiểu biết pháp Phật có trí tuệ và chính kiến để phân biệt đâu là chính, đâu là tà, đâu là thầy tu thật, đâu là thầy tu giả, đâu là bậc tu hành chứng đắc và đâu là dạng giả danh cầu lợi.

Một bậc thầy tu chứng quả A La Hán không bao giờ tự xưng là mình chứng quả A La Hán, đó là pháp của Phật, trừ phi các vị đó đạt được do các bậc thầy khác đắc quả ấn chứng. Tuy nhiên, theo HT.Tuyên Hóa (một bậc thánh tăng cận đại), ngài dạy và cũng xác tín như sau: “Căn cứ vào đâu để biết đó là một bậc thánh nhân đã chứng đắc quả vị thứ tư của hàng A La Hán? Khi bậc thánh nhân hàng tứ quả bước đi, chân không chạm đất, bàn chân ngài thường ở cách mặt đất khoảng ba phân, vì như thế mới khỏi dẫm chết các côn trùng hoặc kiến. Ngài chẳng phải như phàm phu chúng ta, thường đạp chết côn trùng và kiến trên lối đi. Ngài không dẫm lên trùng và kiến ở dưới chân, điều này chứng minh rằng ngài đã chứng Thánh quả!”.

Không những bậc Thánh nhân ở hàng tứ quả, mà ngay cả các bậc ở hàng sơ quả cũng có được khả năng ấy, cho nên trong kinh mới dạy rằng: “Các bậc A La Hán đều có thể phi hành biến hóa. Các bậc tứ quả A La Hán muốn đến nơi nào là có thể đến ngay nơi đó và các ngài đều có khả năng biến hóa khôn lường”.

Lợi dụng vào sự chứng đắc của một số vị chứng tứ quả, hiện nay một số thầy bà vì ham danh chuộc lợi không sợ nhân quả báo ứng đã ngang nhiên nhận mình là thầy nọ, pháp kia mà quên câu cổ ngữ dạy: “Người hiểu đạo thì không khoe, người hiểu nghĩa thì không tham”, đã rắp tâm lừa bịp dân chúng kiếm tiền bằng con đường tâm linh bất chính. Để minh chứng cho điều này, xin được mượn câu chuyện của Thầy Thích Hạnh Nguyên kể trong một bài viết có tiêu đề: “Sự khác biệt giữa lạy Phật, Bồ Tát với các vị thần linh?” (Bài đăng trên (PGVN) phatgiao. org.vn 01/05/2015). Nội dung câu chuyện đề cập về một phật tử đã được Thầy Hạnh Nguyên giác ngộ đạo pháp, nhân chuyến đi hành hương về đất Phật. Câu chuyện nội dung được tóm gọn nguyên văn dưới đây:

“Gần đây, (tôi) tức Thầy Hạnh Nguyên có độ cho một phật tử ở Quảng Ninh, phát tâm quy y (pháp danh là Đồng Tín) nhân chuyến đi hành hương lễ Phật, thầy kể: “Từ một người chưa từng biết ăn chay, là chủ một doanh nghiệp du lịch, cô ta là một cây nhậu số một, uống rượu bia thì nhiều hơn nam giới, về điều này đã khiến không ít cánh nam tử phải chịu thua và lắc đầu lè lưỡi bái phục… Cô còn là một “tài xế” có tay lái lụa trên các cung đường, nhưng cũng không ít lần xe hơi của cô va chạm móp chỗ này, méo chỗ kia vì tính lãng tử (anh chị). Còn về đám thầy bà phục vụ cho việc xem xét “xui - hên” trong kinh doanh làm ăn cô kể có tới trên dưới 20 người là thầy cúng, thầy pháp chuyên lo việc cúng bái. Cô quanh năm suốt tháng nghe lời thầy cúng, cúng hết lễ này đến lễ kia, thường thì đốt giấy vàng mã đến cả mấy xe”.

Trong lần được cơ duyên đi hành hương đất Phật gần đây, trên đường đi tôi (tức thầy Hạnh Nguyên) tận dụng thời gian tối đa thuyết giảng pháp Phật cho tất cả phật tử trong đoàn. Ai ngờ cho đến gần cuối đoạn đường hành hương, sau 10 ngày, cô “quậy” này bỗng dưng giác ngộ. Cô phát biểu trên xe rằng, từ đây về sau sẽ cải tà quy chính, không uống rượu bia, nhậu nhẹt nữa, phát tâm ăn chay mỗi tháng 10 ngày, mỗi ngày tụng kinh, niệm Phật và lạy Phật 108 lạy.

Hơn thế nữa, cô đã xóa hết danh sách 20 tên của các thầy cúng, thầy pháp trong điện thoại của cô. Và cô thẳng thừng từ chối gặp mặt mấy ông thầy cúng, thầy pháp và không cúng bất cứ gì theo họ nói nữa. Thế là mấy ông thầy kia quát mắng cô một tràng, không có đường thoái lui: “Mày mà không cúng thì để mày xem, không có cái bát mẻ mà ăn trong năm nay nghe con!”. Một ông thầy pháp khác cũng không tiếc lời nguyền rủa cô: “Mày mà không cúng thì mày sẽ chết sông chết biển nghe con, để mày xem mày có sống nổi không!”.

Rồi mới đây, cô trò chuyện qua điện thoại kể với Thầy Hạnh Nguyên rằng: “Thầy ơi, đâu như mấy ông đó nói, đầu năm nay tất cả tai nạn cũ của con đã qua hết, chỉ mấy ngày đầu năm mà con đã ký được bao nhiêu hợp đồng một cách dễ dàng, thật không ngờ. Cứ như là ai đó xếp đặt an bài sẵn cho con vậy”. Nghe phật tử Đồng Tín kể lại những điều nói trên, Thầy Hạnh Nguyên khuyến khích thêm: “Phật pháp là như vậy đó! Một khi mình tu theo Chính pháp, dứt bỏ mê tín, tà vay để sống dung với tất cả những lời Phật dạy thì phước báo chân thật sẽ tăng trưởng, thân tâm sẽ thường an vui. Chắc chắn nếu con tu hành tinh tấn hơn, bỏ các điều xấu, điều ác và sự phóng túng, giải đãi buông lung như trước đây, phước báu còn sẽ đến với con nhiều hơn nữa.” (Câu chuyện nhỏ chân thật này, gợi mở cho đạo hữu chúng ta và mọi người càng tin sâu hơn Tam bảo).

Thay lời kết

Như trên đã đề cập, việc chống mê tín dị đoan là việc dễ nói, nhưng khó làm triệt để tận gốc được. Bởi nó như một bệnh dịch lây truyền tồn tại hàng ngàn năm nay. Chính Pháp với tà giáo ngoại đạo, dường như cùng tồn tại khách quan.

Vậy giải pháp nào cho vấn đề này?

Đây là một vấn đề nan giải, mấu chốt của nó liên quan đến trình độ nhận thức, trí tuệ của con người và cộng đồng xã hội. Theo giáo lý đạo Phật, xuất phát điểm của con người là “vô minh”. Vô minh là kết quả của nhân, hình thành vũ trụ vạn vật, loài người cũng tồn tại như vậy. Vì “nhân” vô minh sai lầm, nên quả tự nhiên cũng sai. Do nhân quả đều sai mà nhân sinh có phiền não và đau khổ. Mục đích của Phật pháp là đưa con người thoát khỏi vòng nhân quả sai lầm này, bằng phương pháp tu hành đạt giải thoát trở về bản lai không tính (tức bể tính thanh tịnh Phật giới - Niết bàn).

Theo “Duyên khởi luận” của Phật giáo: “Nhân tính bình đẳng” cho đến “Chúng sinh bình đẳng” là tư tưởng cốt lõi của giáo dục Phật đà, giá trị của Phật pháp chính là để hết thảy chúng sinh đươc ly khổ đắc lạc, đạt cứu cánh Niết bàn. Do đó Phật Thích Ca dùng phương pháp giáo dục chỉ dạy chúng sinh liễu tri Phật pháp, rồi dùng Phật pháp giác ngộ tha nhân; vì thế mà đề xướng chúng sinh bình đẳng “mọi chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể (tu) thành Phật”. Đó là chân lý thiên cổ không bao giờ mất đi giá trị. Phật giáo cho rằng vũ trụ vạn vật cho đến hết thảy hiện tượng trên thế gian này đều do “duyên khởi tính không, nhân duyên hòa hợp” mà tồn tại. Kinh Kim Cang nói: “Nếu thế giới thực có, tức là nói nhất hợp tướng, nhất hợp tướng tức là bất khả thuyết” chỉ do kẻ phàm phu còn lòng tham chấp. Lý luận này cũng là điểm khác biệt của Phật giáo so với các tôn giáo khác, ở chỗ phủ định Thần Tạo Luận (do thần thánh tạo ra thế giới) Đây là tư tưởng của Bà La Môn giáo cho rằng vũ trụ vạn vật đều do đấng Phạm Thiên (Brahma) tạo ra.

Theo “Huyền ký” của đức Phật dạy (cách ta trên 2500 năm), Ngài cho rằng: Đến khi xã hội văn minh tiến bộ, thì bóng ma thần quyền dần dần được đẩy lùi và số người giác ngộ - giải thoát ở thời kỳ này ngày càng gia tăng. Ở đây vấn đề Chính pháp được đặt lên hàng đầu trong việc đẩy lùi mê tín dị đoan hiện nay.

Đạo Phật là đạo trí tuệ, giáo lý ấy phải được phổ cập rộng rãi thường xuyên ở các chùa chiền, thiền viện, tịnh thất… để người dân nắm được Chính pháp của đạo Phật. Cùng với các tổ chức tôn giáo tuyên truyền Chính pháp, các cấp chính quyền với quyền lực của mình cũng phải thật sự nỗ lực bài trừ tệ nạn này, bằng việc ngăn ngừa, phát hiện, xử lý những đối tượng hành nghề mê tín dị đoan như đồng cốt, bói toán, xem quẻ… đưa ra trước cộng đồng dân chúng và ánh sáng của pháp luật. Có như vậy, mới ngăn chặn được vấn nạn nguy hiểm này, giúp người dân trở về với Chính pháp để có đời sống an vui thật sự.

Tác giả: Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 3/2018


CHÚ THÍCH: (1) Sáu tệ đoan, chỉ 6 yếu căn bản của tôn giáo nhân loại theo nghiên cứu của Giáo sư Huston Smith người Mỹ. Tài liệu tham khảo: - “Trần Nhân Tông dạy con cách trị nước, công thức giải thoát, sự thật nơi trái đất” - Soạn giả Nguyễn Nhân (Nxb Hồng Đức ấn hành năm 2017) - “Vua triều Nguyễn chống tà thuật dị đoan như thế nào?” - Tác giả N.T.Dũng (phatgiao.org.vn - 10/2016) - “Sự khác biệt giữa lạy Phật, Bồ Tát với các vị thần linh?” - TT.Thích Hạnh Nguyên (phatgiao.org.vn - 05/2015)