Chuyện về những cây cầu chùa Thiên Phước - Sẽ còn nữa… sẽ có nữa… những cây cầu giao thông nông thôn mang biển báo Thiên Phước sẽ được khánh thành trong tương lai. Và, cũng vì ý tưởng “…dù một việc nhỏ nào mà dân cần thì nhà chùa luôn cố gắng làm, miễn nó phù hợp với tư tưởng của đạo Phật, phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật.
Đã nhiều năm làm nghề báo truyền hình, những cung đường đi và về các xã nông thôn huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) đối với tôi đã quá quen thuộc. Quen đến nỗi thuộc từng cây cầu, từng khúc cua trên những tuyến đường “hoa” ngoằn ngoèo hay thẳng tắp.
Chỉ khác là hôm nay tôi nhận ra rằng, mình đã bao lần vội vã đi và đi để vụt qua những cây cầu bắc ngang sông, rạch đó chứ chưa kịp dừng lại để chiêm nghiệm hay nhìn kỹ là cầu đó mang biển báo tên gì? Số mấy? Vì thông thường ở bất kỳ cây cầu nào mới bắc cũng có mang biển báo theo dạng chọn đặt tên cầu trùng với tên sông, rạch bắc qua hoặc theo tên của địa phương, địa danh, tên người…
Chẳng hạn như: Cầu Đúc- Cây Điệp, cầu Vĩnh Xuân, cầu Thuận Thới, cầu Cống Đá, cầu Hựu Thành, cầu Nhà Thờ… Tuy nhiên, thời gian gần đây có một số cầu được treo biển báo mang tên một số cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng như tên chùa, nhà thờ, dòng họ để ghi nhận sự đóng góp của các phật tử, tín đồ, dòng họ trong việc phát triển giao thông ở địa phương. Chẳng hạn như: Cầu Thiên Phước 1, cầu Thiên Phước 5, cầu Thiên Phước 7, cầu Thiên Phước 9, cầu Thiên Phước 10...
Xây cầu, làm đường - trong ý nghĩ của mọi người thường là công việc của cánh đàn ông. Vậy mà, ở Trà Ôn có một người phụ nữ luôn nhiệt huyết với công việc này. Đó là Sư cô Thích nữ Đức Quang - Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Trà Ôn, Trụ trì chùa Thiên Phước (Khu 5, Thị trấn Trà Ôn). Bao năm qua, Sư cô đã tích cực vận động các mạnh thường quân quyên tiền, góp công sức nối những nhịp cầu giúp cho người dân miền quê đi lại dễ dàng.
Chỉ hơn 1 năm, từ năm 2023 đến 6 tháng đầu năm 2024, Sư cô Thích nữ Đức Quang đã vận động các nhà tài trợ, các phật tử trong, ngoài huyện, xây dựng 10 cây cầu giao thông nông thôn ở các xã trong huyện, được Giáo hội lấy tên chùa Thiên Phước đặt cho tên cầu và được đánh số thứ tự từ cầu Thiên Phước 1 đến cầu Thiên Phước 10.
Cô nói: “Nhận thấy nơi đây là vùng nông thôn, có nhiều sông rạch, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, gây trở ngại đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, Cô đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm, các phật tử gần xa, cùng chính quyền và nhân dân địa phương đóng góp kinh phí xây cầu”.
Tôi hỏi vì sao có phát tâm này? Cô nói: “Vì tôi rất tâm đắc câu nói của Bác Hồ, là dù một việc nhỏ nào mà dân cần thì Cô cố gắng làm, miễn nó phù hợp với tư tưởng của đạo Phật là mình phải tích đức, phải làm thiện, phải sống vì mọi người, nên Cô đi vận động bắc những nhịp cầu cho những vùng quê còn khó khăn về giao thông đi lại”.
Qua trò chuyện, tôi được biết Sư cô Thích nữ Đức Quang, sinh năm 1971 (54 tuổi), là con út trong một gia đình có đông anh chị em (10 người), tại một làng quê nghèo ở vùng đất “trăm chùa” Sóc Trăng. Năm 1992 Cô xuất gia đi tu và nguyện suốt đời sống với giáo lý đạo Phật.
Đầu tiên, Cô vào tu tại chùa Thiên Phước (Khu 5, Thị trấn Trà Ôn). Sau đó Cô được sư trụ trì chùa tạo điều kiện theo học Trung cấp Phật học tại Vĩnh Long, xong, Cô học tiếp Cao đẳng Phật học tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Rồi sau đó khi học xong Cao đẳng, Cô ra Bắc học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Song song đó, Cô thi vào học Ngành Triết học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2006 Cô tốt nghiệp, ra trường và năm 1991 Sư cô Thích nữ Đức Quang được bổ nhiệm Trụ trì Chùa Thiên Phước (Khu 5, Thị trấn Trà Ôn).
Hướng dẫn tôi đi ra phía sau chùa, xem Tháp cốt và viếng khu mộ cổ của vị Hòa thượng khai sơn chùa Thiên Phước, Sư cô Thích nữ Đức Quang cho tôi biết là căn cứ vào các bảng gỗ khắc chữ Hán Nôm còn lưu lại, thì chùa Thiên Phước là một trong những ngôi chùa cổ được hình thành vào những năm cuối thế kỷ XVIII.
Qua nhiều đời sư trụ trì, trong đó và đầu tiên là Hòa thương khai sơn chùa này là Hòa thượng Trần Văn Hữu, pháp danh Thích Bổn Hữu (1766-1866), hiện ngôi mộ cổ của Hòa thượng khai sơn vẫn được tôn tạo và giữ gìn ở phía sau chùa.
Ngoài Hòa thượng Thích Bổn Hữu, còn có vị Hòa thượng nữa trụ thế gần trăm năm, đó là Hòa thượng Thích Thiện Đạo - pháp hiệu Hồng Liên, là vị trụ trì một đời cống hiến cho Phật giáo tỉnh Vĩnh Long, có công hoằng pháp lợi sinh, tạo dựng nhiều ngôi chùa ở huyện Trà Ôn, trong đó có chùa Thiên Phước. Ngài viên tịch năm 1974.
Theo thời gian, ngôi chùa bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng, cột kèo mục nát, tường vách đổ sập, mưa thì thấm dột, nắng thì mặt trời soi, chính điện nhỏ bé, chật hẹp. Nối tiếp sự nghiệp hoằng pháp độ sinh, năm 2016, sư cô Thích nữ Đức Quang, Trụ trì chùa, đã phát nguyện đại trùng tu lại chính điện, hậu tổ, giảng đường, trai đường, bảo tháp, đông lang, tây lang, cổng tam quan,… với tổng diện tích là 2.500 m2.
Nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ, đến nay công trình đã hoàn thành 2 hạng mục chính là Đài Quan Âm lộ thiên và chính điện, với kinh phí gần 20 tỷ đồng, đáp ứng được nhu cầu chiêm bái đảnh lễ cho thập phương bá tánh, đồng thời tạo cảnh quan khuôn viên chùa khang trang, tô điểm thêm nét đẹp văn hoá tâm linh.
Qua 32 năm xuất gia học tập giáo lý đạo Phật, 18 năm làm Trụ trì, Sư cô hiểu được trách nhiệm của người con Phật đem đạo vào đời, Cô luôn đi đầu về tấm gương người tốt việc tốt – hỗ trợ địa phương trong các công tác an sinh xã hội của thị trấn và huyện tổ chức.
Ban đầu, Sư cô vận động xây tặng một cây cầu giao thông nông thôn nối đôi bờ hai ấp Mỹ Phú và Mỹ An (xã Tân Mỹ). Cây cầu được Giáo hội huyện chọn đặt tên Thiên Phước, hàm ý mong muốn mọi người đi qua cây cầu này đều được an vui, hạnh phúc, có nhiều phước báu. Cầu bê tông kiên cố này có chiều dài 26m, rộng 3m, tải trọng 1 tấn, tổng kinh phí trên 200 triệu đồng, do sự phát tâm của gia đình Phật tử Diệu Minh (chùa Thiên Phước) tài trợ.
Dần dần, hoạt động từ thiện của sư cô lan tỏa, thu hút nhiều tấm lòng thiện nguyện góp sức xây dựng thêm 9 cây cầu khác. Đó là… cầu giao thông Thiên Phước 7, tại ấp Giồng Gòn, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn. Cầu bê tông kiên cố có chiều dài 26m, rộng 3m, tải trọng 1 tấn, tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.
Đó là… cầu Thiên Phước 8, tại xã Nhơn Bình. Cầu có chiều dài 26m, mặt cầu rộng 3m, tải trọng 1 tấn. Kinh phí xây cầu gần 200 triệu đồng, do phật tử Phước Hoàng - Diệu Hòa (chùa Thiên Phước) tài trợ. Đó là… cầu Thiên Phước 9, ở ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Mỹ có chiều dài 27m, ngang 3m, tải trọng 1 tấn. Tổng kinh phí xây dựng 210 triệu đồng, do gia đình phật tử Phước Từ tài trợ.
Đó là… cầu Thiên Phước 10 tại xã Hòa Bình. Cầu dài 38m, ngang 3m, tải trọng hơn 2 tấn được bắc qua sông nối liền 2 ấp Hiệp Hòa - Ngãi Hòa, xã Hòa Bình với gần 1.000 hộ dân. Kinh phí xây dựng khoảng 350 triệu đồng, do phật tử trong Giáo hội tài trợ…
Khi thực hiện bài bút ký này, chị Đặng Thị Bé Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, giới thiệu tôi xuống cơ sở gặp một số người dân để phỏng vấn, tìm hiểu thêm.
Bà Trương Ngọc Diệp (84 tuổi, ngụ ấp Tường Ngãi, xã Nhơn Bình) cho biết: “Trước kia đây là cầu khỉ, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn, giờ được nhà tài trợ bắc cho cây cầu đẹp như thế này, dân ở đây ai cũng phấn khởi hết”.
Bà Thạch Thị Mương phấn khởi cho hay: “Có cây cầu mới ai cũng mừng, giờ đi qua đây không còn lo lắng gì nữa!”. Ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Ba Chùa, xã Nhơn Bình, nói: “Cũng nhờ Sư cô vận động các nhà tài trợ xây được cây cầu mà việc đi lại, giao thông của bà con mình được thuận tiện.
Thứ hai nữa là buôn bán hàng hóa cũng dễ dàng, rồi học sinh ở mấy ấp vùng sâu bên trong đi học cũng dễ hơn”. Bà Lê Thị Cúc ở cùng ấp cũng vui mừng nói: “Sư cô Trụ trì vận động xây cây cầu này cho ấp, tôi và nhân dân trong ấp trước là cám ơn Sư cô, sau là cám ơn các nhà tài trợ là gia đình Phật tử rất nhiều vì bà con đi lại đã thuận tiện hơn”.
Thời gian dẫu có như "bóng câu qua cửa sổ" thì với những người như Sư cô Thích nữ Đức Quang đã hơn nửa đời người “mang đạo đi làm đẹp cho đời”, ký ức về những năm tháng cùng Phật tử dấn thân trên con đường phụng sự đất nước, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân là thứ không dễ lãng quên. Cô nhớ vanh vách từng cây một.
Cô nói: “10 cây cầu đều là tâm huyết dành cho đời, vì vậy mỗi nơi đến, đi qua đều nhớ và tâm nguyện khi nào còn sức khỏe thì tiếp tục đi làm cầu cho bà con. Điều đáng quan tâm là khi hỗ trợ các địa phương xây dựng những cây cầu, trong suốt quá trình thi công, có sự quan tâm của UBND huyện, chính quyền địa phương sở tại, nhất là sự nhiệt tâm, nhiệt huyết của bà con địa phương đã chung tay góp công, góp sức xây cầu, nhờ vậy, những chiếc cầu đã được nối nhịp đôi bờ như mong muốn”.
Trong hệ thống cầu đường nông thôn, xã Thiện Mỹ được xem là một trong những điểm sáng huy động sức dân tham gia xây cầu, đường giao thông nông thôn. Ngoài đóng góp tiền của, nhân dân còn tích cực đóng góp ngày công để xây cầu, đường. Người góp tiền, người góp sức. Thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, năm 2023, xã Thiện Mỹ đã vận động xây dựng 2 cầu giao thông nông thôn và xây dựng đường đan, đường đèn năng lượng mặt trời dài hàng trăm mét, trị giá trên 600 triệu đồng.
Một hộ dân ở địa phương cho hay: “Để cây cầu sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhiều hộ dân trong ấp không chỉ tự nguyện hiến đất mà còn sẵn sàng chặt bỏ hoa màu, cây cối... giúp đơn vị thi công có mặt bằng để làm cầu. Khi công trình thi công, tôi và người dân nơi đây chung tay góp sức. Xây được cây cầu, đường đi đẹp, sáng điện ban đêm, bà con rất là mừng. Vùng nông thôn có được cầu mới, đường mới khang trang, bà con đi lại dễ dàng, thật là vui không còn gì bằng”.
Sẽ còn nữa… sẽ có nữa… những cây cầu giao thông nông thôn mang biển báo Thiên Phước sẽ được khánh thành trong tương lai. Và, cũng vì ý tưởng “…dù một việc nhỏ nào mà dân cần thì Cô cố gắng làm, miễn nó phù hợp với tư tưởng của đạo Phật là mình phải tích đức, phải làm thiện, phải sống vì mọi người, nên Cô đi vận động bắc những nhịp cầu cho những vùng quê còn khó khăn về giao thông đi lại”, mà giờ đây, sức sống của một vùng đất được minh chứng bằng những xóm làng khang trang, những vườn cam oằn sai trái, những vườn chuối có giá trị kinh tế cao...
Bất ngờ có đoàn khách vào viếng chùa, có người nói: “Về đây (Trà Ôn) ít thấy cầu khỉ”? Người khác đáp: “Bê tông hóa hết rồi. Lại nhớ câu hát ru: Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi...”. Người khách phát biểu đầu tiên nói vui: “Thôi đi ông bạn. Thử tưởng tượng hình ảnh một dàn máy vi tính trí tuệ đi qua lắt lẻo gập ghềnh..., nên lúc này chỉ có mây trên trời là nhẹ tênh bay. Giữ chiếc cầu tre, cây đa cũ, bến đò xưa hoài sao được!”.
Với phương châm “nhập thế giúp đời”, ngoài xây cầu, đường nông thôn, bản thân Sư cô cùng với Ban Trị sự Phật giáo và các cơ sở tôn giáo phật giáo trên địa bàn huyện, đã tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội, vận động bà con phật tử tích cực tham gia đóng góp vào các chương trình an sinh xã hội thông qua việc vận động kinh phí hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn như: xây nhà, mổ mắt, hùn tiền làm bếp ăn từ thiện, tặng quà cho các gia đình nghèo vào các dịp lễ, Tết...
Năm 2023, Sư cô Thích nữ Đức Quang được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long trao tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chủ đề năm 2023; Bằng khen của UB T.Ư MTTQVN vì có thành tích xuất sắc trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước năm 2023 và nhiều phần thưởng cao quí khác cùng sự kính trọng, yêu mến của người dân địa phương chính là sự ghi nhận những đóng góp vì cộng đồng của Sư cô.
Hiện tại, Sư cô Thích nữ Đức Quang và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện, vẫn đang tiếp tục khởi công xây dựng nhiều công trình mới. Rồi sẽ có thêm những cây cầu giao thông bằng bê tông được xây dựng từ sự chung tay góp sức của cộng đồng, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hoàn thành, nối liền huyết mạch giao thông nông thôn tại các địa phương trong và ngoài huyện Trà Ôn, tạo thuận tiện cho việc đi lại và giúp cho diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Để từ đó lan tỏa rộng khắp hơn trong xã hội tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng; thực hành “Đạo pháp – Dân tộc”, góp phần cùng dân tộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tác giả: Kim Thị Thu Trường Tiểu học Kim Hòa B, Kim Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh
Bình luận (0)