(Tiếp theo: Những lời gốc Phật dạy - Tập 1 - Phần 1)Nếu tâm không tham ái thì tâm được tịch tịnh. Tâm được tịch tịnh thì tâm mới an trú. Tâm có an trú thì tâm mới bất động trước các pháp, như câu kệ này dạy: “Với tâm an bất động”.
TỨ CHÁNH CẦN
LỜI PHẬT DẠY 1- Ngăn ác 2- Diệt ác pháp 3- Sanh thiện 4- Tăng trưởng thiện pháp |
CHÚ GIẢI:
Đó là lời dạy tu tập thiền định của Đạo Phật, một thứ thiền định ly dục ly ác pháp để khắc phục tâm tham ưu của hành giả, để đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn, làm chủ sanh già bệnh chết, và chấm dứt tái sanh luân hồi.
Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp là pháp môn “Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần tức là Tấn Lực, là Định Tư Cụ, là giới hành của Đạo Phật”.
Đây là pháp môn vô lậu đệ nhất của Đạo Phật. Khi một hành giả bước chân vào Đạo Phật mà được sự hướng dẫn tu tập ngay liền pháp môn này, thì chắc chắn phải thấy kết quả giải thoát không có thời gian chờ đợi. Người được hướng dẫn pháp môn này là người có duyên phước đầy đủ với đạo giải thoát sâu xa nhiều đời.
Chúng tôi không đủ nhân duyên, nên khi bước chân vào chùa lúc tám tuổi đời, không được dạy tu hành theo pháp này, mà chỉ được Thầy Tổ dạy cho hai thời công phu chiều và khuya rồi học thêm ứng phú đạo tràng, đánh đẩu, trống, mõ để tụng kinh, niệm Phật, tụng niệm đám ma chay, cầu siêu, cầu an, làm tuần làm tự, cúng vong tiễn linh, cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu cất nhà, dựng vợ, gả chồng, xây mồ mả và những lúc rảnh rang thì lần chuỗi niệm Phật lục tự Di Đà, v.v.. Làm được những việc này các Thầy Tổ cho đó là những công phu tu tập.
Đến bây giờ, chúng tôi mới hiểu ra Thầy Tổ của chúng tôi chỉ dạy cho chúng tôi một cái nghề để sống như bao nhiêu nghề khác trong xã hội. Nhưng những nghề khác thì lương thiện, còn nghề của chúng tôi thì không lương thiện chút nào cả, nó là một nghề mê tín chuyên lừa đảo, dối gạt người để ngồi mát ăn bát vàng. Chúng tôi ở trong chùa hằng ngày mang mõ, chuông, đẩu đi tụng niệm đám ma này hết, đến đám ma khác, không tụng đám ma thì lại tụng kinh cầu an, cầu siêu, làm tuần, làm tự, v.v..
Quanh năm suốt tháng chúng tôi hành nghề này, thấy sao mà giả dối... Chúng tôi suy tư nghĩ lại rất buồn khổ trong lòng nhưng không dám nói với ai, mà nếu hỏi đến các Thầy Tổ thì bị la rầy mắng và còn bảo rằng nói bậy sẽ bị đọa địa ngục.
Mãi đến khi chúng tôi được về thành phố vì chiến cuộc ở nông thôn bất an và được học thêm giáo lý của Đạo Phật, chừng đó chúng tôi nghiên cứu về Thiền Tông thì thấy Thiền Tông hay quá, không dạy làm những điều mê tín, lừa đảo, mà chỉ dạy tu tập ức chế tâm cho hết vọng tưởng để thành Phật hoặc giữ tâm không niệm thiện niệm ác thì kiến tánh thành Phật. Càng nghiên cứu sách kinh Thiền Tông thì lại càng thích thú. Những lời nói và hành động của các Tổ sao mà hay quá, nhất là những công án Thiền Tông lại tạo cho chúng tôi có một sức tò mò ghê gớm, cứ nghĩ rằng Thiền Tông có một cái gì bí ẩn ghê lắm không thể dùng tri kiến, ý thức mà hiểu được. Khi thấu hiểu Thiền Tông như thế, chúng tôi đặt trọn lòng tin ở pháp môn này. Từ đó, chúng tôi bỏ hết toàn bộ cuộc đời, quyết tâm theo tu tập thiền do HT Thanh Từ hướng dẫn. Suốt chín năm trời tu tập, đem hết sức tu tập để ức chế tâm không cho vọng tưởng. Trong đầu, niệm thiện niệm ác vắng bặt từ giờ này đến giờ khác. Lúc bấy giờ có 18 loại hỷ tưởng hiện ra (có thể gọi đó là thần thông), nhưng nhìn lại cũng không tìm thấy sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết, tâm tham, sân, si vẫn còn. Cái đặc biệt nhất là loại thiền này khi hết vọng tưởng thì tuệ tưởng xuất hiện. Khi nó xuất hiện thì tất cả các công án đều thông suốt, thấy tánh thì rất rõ ràng vì mỗi khi động tay, động chân đều là Phật Tánh nơi đó, nhưng lại có tật thường dùng ngôn ngữ công án, vì thế nên thường xảy ra những cuộc tranh luận hơn thua, dù ai nói một điều gì thì chúng tôi cũng đều dùng công án đối đáp và vấn nạn họ. Thấy những hiện tượng lạ lùng như vậy, nên chúng tôi đành bỏ, dù khi ấy chúng tôi đã nhập được Thức Vô Biên Xứ Định.
Khi tu tập không tìm được sự giải thoát nơi kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông, chúng tôi phải tìm pháp môn khác. Sau này nhờ giới luật, chúng tôi học tập và rèn luyện sống đúng giới đức làm Người, làm Thánh của Phật giáo Nguyên Thủy. Trong khi sống đúng giới luật như vậy, chúng tôi tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần và dùng pháp hướng tâm Như Lý Tác Ý: “Ly dục, ly ác pháp, tâm như cục đất, ly tham, sân, si cho thật sạch”. Chính nhờ sống đúng giới luật và tu tập như vậy chúng tôi cảm thấy tâm mình thanh thản, an lạc và vô sự, ít phóng dật, thường thích sống độc cư một mình. Và cũng chính nhờ tu tập như vậy tâm chúng tôi hết tham, sân, si và thường ở trong một trạng thái tâm bất động, an lạc vô cùng, không thể diễn tả cho các bạn hiểu được vì đó là trạng thái ly dục ly bất thiện pháp.
Sau khi tu xong chúng tôi mới hiểu Giới Hành của Đạo Phật không phải là pháp môn nào khác hơn là “Tứ Chánh Cần”. Tứ Chánh Cần là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, chỉ có pháp môn này tu tập trên Tứ Niệm Xứ mà chúng tôi làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Do thế, đức Phật dạy:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”
LÒNG TIN CHÂN CHÁNH
LỜI PHẬT DẠY
“Này các Kàlàmà! Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì nghe truyền thống, chớ có tin vì nghe người ta nói đồn, chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng, chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình, chớ có tin vì đúng theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình, chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền, chớ có tin vì bậc sa môn là đạo sư của mình v.v.. Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí hiểu biết chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”. Thời này, Kàlàmà hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”. |
CHÚ GIẢI:
Đức Phật đã xác định có 10 điều không nên vội tin:
1/ Chớ có tin vì nghe truyền thuyết.
2/ Chớ có tin vì nghe truyền thống.
3/ Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn.
4/ Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng.
5/ Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình.
6/ Chớ có tin vì đúng theo một lập trường.
7/ Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện.
8/ Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình.
9/ Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền.
10/ Chớ có tin vì bậc sa môn là đạo sư của mình, v.v..
+ Lời dạy thứ nhất: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin theo truyền thuyết. Vậy truyền thuyết nghĩa là gì?
Truyền thuyết là truyền miệng có nghĩa là kể chuyện, thuật chuyện như kể truyện dân gian về các nhân vật, kì tích lịch sử, chuyện thần tiên, chuyện ma quỷ, chuyện địa ngục, chuyện Thiên đàng, Cực lạc, v.v.. những câu chuyện thường mang nhiều yếu tố thần kì. Đó là những câu chuyện truyền miệng từ người này đến người kia nối tiếp nhau trong một quá trình thời gian dài vô cùng vô tận. Những chuyện ấy là những chuyện không có thật. Từ xưa đến giờ có nhiều truyền thuyết về đức Phật Thích Ca Mâu Ni như sinh ở hông và khi sinh ra đi bảy bước có bảy hoa sen đỡ chân. Tay chỉ trời chỉ đất, miệng tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”; sau khi Bồ Đề Đạt Ma chết, người ta còn gặp ông quảy một chiếc giày đi về phương Tây; gia đình ông Bàng Long Uẩn chết tự tại trong thiền định. Đó là những truyền thuyết không có thật, do người sau ghi chép lại trong sách. Do đó, đức Phật bảo chúng ta đừng có tin.
Chính kinh tạng của đức Phật cũng do kết tập theo kiểu truyền miệng, vì thế chúng ta cũng không nên tin theo trọn vẹn, nếu những lời dạy ấy không phải là thiện pháp thì không nên tin.
+ Lời dạy thứ hai: “Chớ có tin vì theo truyền thống”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin theo truyền thống. Vậy truyền thống nghĩa là gì?
Truyền thống là nền nếp thói quen tốt đẹp hay thói quen mê tín, lạc hậu được lưu giữ từ đời này, qua đời khác. Cho nên, những gì truyền thống lâu đời chúng ta cũng không nên đặt trọn lòng tin ở đó, vì không phải tất cả những truyền thống đều tốt đẹp cả.
+ Lời dạy thứ ba: “Chớ có tin vì nghe người ta nói đồn”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì nghe người ta đồn. Vậy tin đồn nghĩa là gì?
Tin đồn là tin tức truyền miệng từ người này đến người khác. Tin đồn thường là những tin tức thất thiệt không đúng sự thật. Ví dụ: Ở núi Bà Tây Ninh có Bà Đen, ở Miền Bắc có Bà Chúa Kho, ở Châu Đốc An Giang có Bà Chúa Xứ,... rất thiêng thường ban tài lộc cho người đến cầu xin. Hay ở Bến Củi có ông thầy nước lạnh, ai đau bệnh gì ông cho một chai nước lạnh về uống là hết bệnh. Đó là những tin đồn, chúng ta không nên tin.
+ Lời dạy thứ tư: “Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì được kinh tạng truyền tụng. Vậy kinh tạng truyền tụng nghĩa là gì?
Kinh tạng truyền tụng là những lời dạy của các bậc Thánh và chư Phật được ghi chép lại thành sách. Kinh tạng ở đây gồm có cả những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng tại sao đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại dạy chúng ta đừng tin lời Ngài dạy?
Ngài biết rất rõ ba lần chép lại một bản kinh là đã chép sai lời dạy của Ngài, chứ chưa nói chi là kiến giải, tưởng giải viết ra; nên người xưa nói: tam sao thất bổn.
Như thế, qua lời dạy này ngay cả kinh tạng Nguyên Thủy còn không tin trọn vẹn thì làm sao chúng ta tin kinh sách Đại Thừa được. Phải không các bạn?
+ Lời dạy thứ năm: “Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì nhân lý luận siêu hình. Vậy lý luận siêu hình nghĩa là gì?
Không có cõi Cực lạc, Thiên đàng mà lý luận bằng cách này, cách khác để cho có các cõi ấy; sau khi chết không có sự sống nhưng khéo lý luận bằng cách này, cách khác để cho mọi người tin rằng người chết còn có linh hồn; không có Phật tánh mà lý luận bằng cách này, cách khác để cho mọi người tin rằng có Phật tánh, v.v.. Đó là những lối lý luận siêu hình để lừa đảo mọi người, cho nên đức Phật khuyên chúng ta chớ có tin, vì nó không ích lợi gì cho chúng ta cả.
+ Lời dạy thứ sáu: “Chớ có tin vì đúng theo một lập trường”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin một điều gì dù đúng theo một lập trường của mình. Vậy, đúng theo một lập trường nghĩa là gì?
Trước tiên, chúng ta nên hiểu hai chữ lập trường. Lập trường là thái độ, chỗ đứng nhìn nhận và xử lý. Ví dụ: anh có lập trường đối với kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông nên không ai có thể lay chuyển hay bảo anh bỏ nó được. Ở đây đức Phật dạy: “Chớ có tin vì đúng theo một lập trường”, có nghĩa là kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông có lối lý luận giống như lập trường của anh.
Ví dụ: anh có lập trường rất vững về thế giới siêu hình, có nghĩa là thái độ, chỗ đứng, nhìn nhận và xét lý rõ ràng, vì vậy dù ai nói gì anh cũng không bỏ lập trường đó. Khi anh có lập trường như vậy thì có những loại kinh sách nói về thế giới siêu hình giống như lập trường của anh thì anh tin ngay. Nhưng điều này đức Phật khuyên anh: “Chớ có tin vì đúng theo một lập trường”. Tin như vậy vẫn không đem đến sự lợi ích cho anh, tin như vậy là tà tín, quá chủ quan ở lập trường của mình.
+ Lời dạy thứ bảy: “Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện. Vậy dự kiện nghĩa là gì?
Dự kiện có nghĩa là những cơ sở để tìm tòi, là những điều coi như biết trước, đã dự phòng trước. Nhưng ở đây, đức Phật khuyên chúng ta đừng tin một cách hời hợt đối với những dự kiện. Tại vì những dự kiện chưa hẳn đã mang lại lợi ích thiết thực cho mình.
Ví dụ: Thiền Tông lấy Phật tánh làm tiền đề (dự kiện) cho sự kiến tánh thành Phật của pháp môn. Ở đây, đức Phật khuyên chúng ta đừng vội tin mà hãy tư duy kỹ lưỡng, xem lại dự kiện Phật tánh có đúng không? Trong kinh Đại Thừa dạy: Phật tánh là tánh giác, thường biết, thường nghe, thường thấy. Như vậy, khi ngủ say, ngủ quên thì tánh thấy, tánh nghe, tánh biết ở đâu? Hay nó cũng ngủ theo... Như vậy những dự kiện có đáng tin không?
+ Lời dạy thứ tám: “Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì phù hợp với định kiến của mình. Vậy định kiến nghĩa là gì?
Định kiến là ý kiến riêng có sẵn từ trước, khó thay đổi. Từ lâu ta có định kiến về con người “Có sự sống sau khi chết”, nên khi đọc kinh sách Đại Thừa thấy nói nhiều về cảnh giới siêu hình như: cảnh giới Thiên đàng, cảnh giới Cực lạc, cảnh giới Niết bàn và cảnh giới địa ngục, v.v.. trong các cảnh giới đó có Thần, Thánh, Tiên, Phật, Ngọc Hoàng Thượng Đế, linh hồn, thần thức, Phật tánh, đại ngã, tiểu ngã, ma quỷ, yêu quái, v.v.. Do định kiến ta tin ngay liền không cần phải suy tư xem xét cho kỹ lại.
Ở đây, đức Phật khuyên chúng ta đừng có tin, vì tin như vậy sẽ trở thành những người mê tín, lạc hậu. Sự mê tín, lạc hậu mang đến nhiều điều bất hạnh, nhất là bị kẻ khác lừa đảo, tốn hao tiền của và công sức nhảm nhí không ích lợi cho mình, cho người mà còn làm hại mình.
+ Lời dạy thứ chín: “Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin nơi phát xuất có uy quyền. Vậy nơi phát xuất có uy quyền nghĩa là gì?
Uy quyền là quyền thế của vua, của quan, của những người có thế lực đông người.
Ngày xưa, trong thời phong kiến nước ta cũng như nước Trung Hoa, nếu nhà vua nào lấy tôn giáo làm quốc giáo thì bắt buộc dân chúng nước đó phải theo tin tôn giáo đó.
Thời nhà Lý ở nước ta, nhân dân sùng tin Phật giáo Đại Thừa là vì vua, quan, đều là tín đồ Phật giáo. Cho nên, thời đó người ta theo Phật giáo vì uy quyền của nhà vua. Ở đây, đức Phật khuyên chúng ta “Chớ có tin nơi phát xuất có uy quyền”. Lời khuyên của đức Phật muốn chúng ta tin một điều gì thì không phải vì thế lực, vì uy quyền, vì sợ mà tin hay vì thấy linh thiêng mà tin.
Ví dụ: Đình, miếu, chùa, Thần Thánh, quỷ ma, bà Chúa Kho, bà Chúa Xứ, cây đa, gốc cây, cục đá, gò mối, v.v.. linh thiêng. Đó là thấy uy quyền linh thiêng rồi mọi người tin theo đến cúng bái lạy lễ cầu xin.
Tin như vậy, đối với Đạo Phật không chấp nhận vì đó là tin mù quáng. Tin mù quáng là đem lại sự tai hại cho chúng ta chứ không ích lợi gì, biến chúng ta trở thành kẻ ngu si dễ bị uy quyền và sự linh thiêng sai khiến.
+ Lời dạy thứ mười: “Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình”. Đức Phật khuyên chúng ta không nên tin vì bậc Sa Môn là Đạo Sư của mình. Tại sao ở đây đức Phật dạy chúng ta không nên tin những Sa Môn là Đạo Sư của mình? Vậy Sa Môn và Đạo Sư nghĩa là gì? Sa Môn có nghĩa là một nhà tu hành, một vị tu sĩ; Đạo sư là một vị thầy dạy phương pháp tu hành.
Trong cuộc đời của chúng ta gặp biết bao nhiêu là bậc Sa Môn đều là những tu sĩ Phật giáo, nhưng đừng tin họ là Đạo Sư của chúng ta, vì có nhiều loại Sa Môn: Sa Môn phạm giới, Sa Môn phá giới, Sa Môn bẻ vụn giới, Sa Môn chỉ biết dựa vào kinh thuyết giảng nói láo, chứ chưa có một ngày tu tập hoặc tu tập chưa đến nơi đến chốn, tâm tham, sân, si còn ngút ngàn, họ còn tham danh, đắm lợi như người thế gian. Có những Sa Môn dám lấy Phật giáo biến làm nghề mê tín, chuyên cúng bái tụng niệm, bói khoa, xem ngày giờ tốt xấu, v.v.. Đối với những Sa Môn này đức Phật khuyên chúng ta chớ có tin họ là bậc Đạo Sư của mình.
Phần đông tín đồ Phật giáo, hễ thấy ai cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa thì cúng dường và lạy lễ mà không chịu xem họ có phải là những người tu thật hay những người tu giả.
Trên đây là 10 điều dạy của đức Phật, Ngài khuyên chúng ta không nên tin từ các pháp môn, đến những bậc Sa Môn và ngay cả những lời dạy của Ngài cũng chẳng nên tin. Chỉ tin là khi nào chúng ta thực hành thấy có kết quả, bằng không kết quả thì không tin. Có kết quả tức là có giải thoát nơi thân tâm. Có giải thoát tức là phải sống đúng đạo đức làm Người, làm Thánh; có sống đúng đạo đức làm Người, làm Thánh thì mới không làm khổ mình, khổ người; không làm khổ mình, khổ người là người đã ly dục ly ác pháp. Nếu có kết quả ly dục ly ác pháp như vậy thì chúng ta mới tin.
Chỉ vì các bạn không nghe lời dạy của Phật, gặp pháp môn nào cũng tin, hay nghe người nào thuyết giảng hợp lý với mình là tin ngay, nhất là nghe nói bài kinh đó của Phật thuyết là tin liền. Tin một cách mù quáng không cần tìm hiểu cho rõ ràng, có đúng là Phật thuyết hay không. Do tin mù quáng nên dễ bị kinh sách Đại Thừa lừa đảo, vì thế cuộc đời tu hành của chúng ta đến nay vẫn là số không, chỉ sống trong ảo tưởng tôn giáo.
THIỀN XẢ TÂM
LỜI PHẬT DẠY “Giữ thân được nhẹ nhàng Giữ tâm khéo giải thoát Không còn các sở hành Chánh niệm không tham trước Biết rõ được chánh pháp Không tầm tu thiền định Không phẫn nộ vọng niệm Không thuỳ miên giải đãi Như vậy vị tu sĩ Sống giữa nhiều chướng ngại Đã vượt năm bộc lưu Lại gắng vượt thứ sáu Như vậy tu thiền tư (xả)” |
CHÚ GIẢI:
Trong thời đại chúng ta nói đến tu thiền thì ai cũng đều hiểu là phải ngồi bán già hay kiết già rồi tập trung gom tâm, giữ tâm không vọng tưởng. Như Tịnh Độ Tông trong kinh Di Đà dạy: “Thất nhật nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật”, tức là bảy ngày đêm niệm Phật A Di Đà không có niệm vọng tưởng xen vào câu niệm Phật thì khi lâm chung được đức Phật A Di Đà rước về cõi Cực Lạc Tây phương. Thiền Tông trong kinh Pháp Bảo Đàn dạy: “chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền” tức là kiến tánh thành Phật. Trong kinh sách Đại Thừa Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, có nghĩa là đừng nên trụ tâm vào bất cứ một chỗ nào thì tâm kia là Phật. Pháp An Ban Thủ Ý, Lục Diệu Pháp Môn của các Tổ dạy đều đếm hơi thở hoặc tùy hơi thở ra vô để ức chế tâm không cho vọng tưởng xen vào. Từ xưa cho đến ngày nay, người ta đã tu tập thiền ức chế tâm như vậy, nhưng kết quả không thấy ai giải thoát cả, chỉ huyền thoại những câu chuyện lừa đảo chúng ta mà thôi, cho nên một Thiền sư Việt Nam, Ngài Thường Chiếu nói về Thiền Đông Độ, Ngài cho đó là bọn đại bịp, một con chó sủa một bầy chó sủa theo. Biết tu không kết quả nhưng chẳng có Thầy Tổ nào dám nói thật cho chúng ta biết.
Đến ngày nay, chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng quá sâu đậm, nên ngồi lại tu thiền người nào cũng gom tâm tập trung, chỉ mong diệt sạch vọng tưởng. Đó là một tập khí thói quen, mọi người không thể bỏ được. Ngược lại, Đạo Phật dạy thiền xả tâm “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”, chứ không phải ngồi bán già, kiết già ức chế tâm như vậy.
Qua bài kệ trên đây chúng tôi xin hỏi quý vị, quý vị cứ thành thật mà trả lời.
Khi ngồi bán già, hoặc kiết già mà cố chịu đựng khi hai chân bị đau hoặc tê hoặc nóng, đó là ác pháp hay là thiện pháp? Đây có phải là tự mình làm khổ mình chăng?
Khi tập trung gom tâm đầu nặng hay nhức đầu mà cố kéo dài chịu trận, đây là thiện pháp hay là ác pháp? Đây có phải tự mình làm khổ mình chăng?
Đức Phật dạy ngăn ác diệt ác pháp mà tự làm khổ mình thì có ngăn ác diệt ác pháp không? Xin quý vị trả lời.
Trong bài kệ đức Phật dạy: “giữ thân được nhẹ nhàng”, tức là thân khinh an, thân khinh an ở đây thân có đau, tê, nóng không quý vị?
Câu kệ thứ hai: “giữ tâm khéo giải thoát”. Ở đây tâm hữu sự hay vô sự? Nếu bảo rằng vô sự thì sao tâm Thiền Tông, Đại Thừa lại làm việc quá nhiều (gom tâm tập trung vào hơi thở, dùng câu niệm Phật, đi kinh hành, khởi nghi tình đến nỗi nặng đầu, v.v..). Khéo giữ tâm giải thoát có nghĩa là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Câu kệ thứ ba: “Không còn các sở hành”. Ở đây, chúng ta cần phải hiểu nghĩa sở hành. Vậy sở hành nghĩa là gì? Sở hành nghĩa là bản tính thói quen của một con người.
Khi tu tập khéo giữ gìn tâm bằng cách dùng ý thức tri kiến ly dục, ly ác pháp thì tâm sẽ được thanh thản, an lạc và vô sự. Do tâm được thanh thản, an lạc và vô sự, nên không còn các sở hành tức là thói quen không còn, hay nói cách khác là tập khí không còn.
Thiền Tông hay Đại Thừa khi tu hành kiến tánh thành Phật rồi mà tâm tham, sân, si, mạn, nghi vẫn còn thì họ bảo rằng “Bồ Tát vẫn còn tập khí”. Đó cũng là lời nói lừa mình, lừa người của kinh sách Đại Thừa. Còn Phật giáo Nguyên Thủy thì đức Phật xác định “Không còn các sở hành”, tức là không còn tập khí (thói quen).
Câu kệ thứ tư: “Chánh niệm không tham trước”. Vậy tham trước nghĩa là gì? Tham trước có nghĩa là do tâm tham muốn dính mắc các pháp. Toàn câu kệ “Chánh niệm không tham trước” có nghĩa là tu tập Tứ Niệm Xứ nên tâm đã khắc phục được những tham ưu trên thân, thọ, tâm, và pháp. Nhờ đó, mà tâm không còn phóng dật.
Câu kệ thứ năm: “Biết rõ được chánh pháp”. Biết rõ được chánh pháp tức là biết cách tu tập của pháp Tứ Niệm Xứ.
Câu kệ thứ sáu: “Không tầm tu thiền định”. Ở đây đức Phật dạy: Biết cách tu tập của pháp Tứ Niệm Xứ thì không cần phải đi tìm pháp tu tập thiền định nào khác nữa.
Câu kệ thứ bảy: “Không phẫn nộ vọng niệm”. Người tu tập theo thiền xả tâm của Tứ Niệm Xứ thì vọng niệm đến càng tốt, vì có đối tượng dùng pháp tác ý trong chánh tư duy. Nhờ có tu tập như vậy tri kiến giải thoát sẽ hiện bày. Do tri kiến giải thoát hiện bày thì sở hành và tham trước không còn. Sở hành và tham trước không còn thì tâm không phóng dật; tâm không phóng dật thì thành chánh giác. “Nhờ Tâm không phóng dật mà Ta thành Chánh Giác”, đây là lời di chúc của đức Phật đã xác định lúc sắp nhập Niết bàn.
Người tu hành hiện nay ngồi hoặc đi kinh hành thấy không vọng niệm là cho mình tu tập có kết quả tốt, còn có vọng niệm xen vào là cho tu tập xấu, không tốt. Đó là một quan niệm hết sức sai lầm trong vấn đề tu tập để làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Đối với Phật giáo thì vọng niệm là một đối tượng để tu tập Định Vô Lậu. Có tu tập Định Vô Lậu thì mới chứng quả A La Hán vô lậu. Phải không các bạn?
Bởi vậy câu kệ dạy: “Không phẫn nộ vọng niệm” xác định được pháp tu không ức chế tâm. Xin các bạn lưu ý câu kệ này, nó giúp các bạn tu tập đúng pháp.
Câu kệ thứ tám: “Không thuỳ miên giải đãi”. Vậy thuỳ miên, giải đãi nghĩa là gì? Thùy miên là buồn ngủ; giải đãi là lười biếng. Khi biết cách tu tập Tứ Niệm Xứ thì phải thiện xảo phá cho sạch buồn ngủ và lười biếng, vì trạng thái buồn ngủ và lười biếng thuộc về tâm si nên rất khó dẹp, phải kiên trì, bền chí đi kinh hành Chánh Niệm tỉnh giác hoặc tu tập pháp môn Thân Hành Niệm thì mới có hy vọng dẹp bỏ được.
Câu kệ thứ chín: “Như vậy vị tu sĩ”. Câu này đức Phật xác định nếu vị tu sĩ tu tập được như trên, thì dù bất cứ ở nơi đâu chẳng còn lo sợ các ác pháp, vì tu tập như vậy thì không có ác pháp nào tác động vào tâm được, tâm luôn luôn bất động.
Câu kệ thứ mười: “Sống giữa nhiều chướng ngại”. Câu này lại chỉ rõ hơn, không còn sợ chướng ngại nào tác động vào tâm tư họ được, có nghĩa là người tu sĩ tu tập được như vậy dù sống giữa nhiều chướng ngại pháp mà tâm vẫn thanh thản, an lạc và vô sự một cách tự nhiên.
Câu kệ thứ mười một: “Đã vượt năm bộc lưu”. Khi người tu sĩ tu tập như vậy, dù sống giữa nhiều chướng ngại mà tâm vẫn bất động, đó là đã vượt những bộc lưu. Chúng ta cần phải hiểu nghĩa bộc lưu trong câu kệ thứ mười. Vậy bộc lưu là gì? Bộc lưu là dòng thác. Ở đây có năm bộc lưu, tức là năm dòng thác:
1- Dục bộc lưu
2- Hữu bộc lưu
3- Kiến bộc lưu
4- Vô minh bộc lưu
5- Ái bộc lưu.
Bộc lưu là dòng thác; dòng thác là chỉ cho sức mạnh của nước từ trên cao đổ xuống khó có ai vượt qua. Như vậy, người tu sĩ Đạo Phật phải vượt qua năm dòng thác này mới tìm thấy sự chân thật giải thoát. Vậy nghĩa của năm dòng thác này là gì?
- Dục bộc lưu: là dòng thác dục tức là sức mạnh của lòng tham muốn.
- Hữu bộc lưu: là dòng thác của các vật sở hữu tức là sức mạnh dính mắc của các vật sở hữu.
- Kiến bộc lưu: là dòng thác kiến chấp tức là sức mạnh của kiến chấp.
- Vô minh bộc lưu: là dòng thác ngu si không thấy như thật các pháp tức là sức mạnh của ngu si khiến cho chúng ta thấy các pháp không như thật.
- Ái bộc lưu: là dòng thác thất tình: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục tức là sức mạnh của bảy thứ tình, người tầm thường không thể vượt qua được.
Khi vượt qua năm bộc lưu này còn chưa đủ giải thoát rốt ráo, nên đức Phật dạy câu kệ thứ mười hai: “Lại gắng vượt thứ sáu”.
Câu kệ này xác định người tu sĩ phải vượt qua sáu bộc lưu. Vậy bộc lưu thứ sáu là gì?
Bộc lưu thứ sáu là tưởng bộc lưu, tưởng bộc lưu là dòng thác tưởng tức là sức mạnh của tưởng dục (tưởng lực). Tưởng dục gồm có 18 loại hỷ tưởng và bốn định vô sắc, bốn định vô sắc gồm có: Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thức Vô Biên Xứ Tưởng, Vô Sở Hữu Xứ Tưởng, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Người vượt qua được sáu bộc lưu này là do tu thiền quán tức là Định Vô Lậu, chứ không phải thiền ức chế tâm cho hết vọng tưởng. Vì thế, đến câu kệ thứ mười ba đức Phật đã xác định cho chúng ta thấy: “Như vậy tu thiền tư”. Tu như vậy tức là tu thiền tư. Vậy thiền tư là gì?
Thiền tư là thiền quán, quán bằng ý thức tri kiến. Thiền tư còn gọi là Định Vô Lậu, là thiền xả tâm, tu tập bằng sự tư duy quán xét.
Thiền tư phải tu tập bằng ý thức để ly dục ly ác pháp. Muốn tu tập Thiền tư thì phải dùng Định Vô Lậu, Định sáng suốt, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Niệm Hơi Thở, Tứ Niệm Xứ, Thân Hành Niệm và pháp Như Lý Tác Ý.
Tóm lại, thiền xả tâm là một thứ thiền tu hành bất cứ trong oai nghi nào cũng đều giữ gìn thân được khinh an, an lạc và tâm được thanh thản và vô sự.
Thiền xả tâm là một thứ thiền, tu hành có giải thoát ngay liền, càng tu càng thấy thân tâm nhẹ nhàng, an ổn, sống một đời sống trọn đầy đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người và cũng không làm những điều mê tín, lừa đảo người khác.
Xin quý vị đọc lại bài kệ thiền xả tâm của đức Phật trên đây rồi suy tư từng câu đã giảng thì quý vị sẽ rõ và không còn nghi ngờ gì nữa.
PHÁP HƯỚNG TÂM
LỜI PHẬT DẠY
“Này các Thầy Tỳ Kheo! Do không như lý tác ý các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng”. “Này các Thầy Tỳ Kheo! Do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh được đoạn trừ”. |
CHÚ GIẢI:
Người phàm phu tục tử và những người tu hành theo pháp môn của Đại Thừa, do không biết pháp Như Lý Tác Ý nên hằng ngày sống trong các lậu hoặc mà không biết lậu hoặc, vì thế lậu hoặc chưa sinh lại sinh khởi, lậu hoặc đã sinh lại tăng trưởng, do đó cuộc sống khổ đau lại càng khổ đau hơn. Cho nên, đoạn kinh này dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo! Do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng”.
Đời người sinh ra không gặp chánh pháp của Phật, nên phải chịu nhiều sự khổ đau của kiếp làm người trong qui luật nhân quả. Ngược lại, được sinh làm người, được gặp chánh pháp của Phật, thì người ấy là người có diễm phúc nhất trần gian, vì gặp được chánh pháp nên được nghe lời dạy này: “Này các Thầy Tỳ Kheo! Do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh được đoạn trừ”.
Nói đến lậu hoặc là nói đến sự đau khổ của con người; nhưng muốn cho kiếp làm người không còn khổ đau để được sống yên vui, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên y theo lời đức Phật nhắc nhở các vị Tỳ Kheo phải luôn luôn tu tập pháp hướng tâm “Như lý tác ý”. Nếu không dùng pháp hướng tâm như lý tác ý thì sự đau khổ sẽ đến với quý vị và sẽ làm cho quý vị khổ đau hơn nhiều. Nếu quý vị biết dùng pháp như lý tác ý hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm thì sự khổ đau sẽ không đến với quý vị và sẽ chấm dứt vĩnh viễn.
Qua đoạn kinh ngắn gọn như trên đức Phật đã xác định pháp “Như Lý Tác Ý” rất là nhiệm mầu, nó giúp cho chúng ta thoát mọi sự khổ đau trong kiếp sống làm người, làm chủ được nhân quả và cả sự tái sanh luân hồi.
Như thế, pháp “Như Lý Tác Ý” có một công năng rất lớn trên đường tu tập theo Đạo Phật để đạt được kết quả như ý muốn “làm chủ sanh già, bệnh, chết”.
Lúc còn đang nhập thất, chúng tôi ngộ được pháp “Như Lý Tác Ý” nên suốt trong sáu tháng tinh cần tu tập pháp này với câu trạch pháp: “tâm như cục đất phải ly dục ly ác pháp nhập sơ thiền”. Chỉ có câu gắn gọn như vậy, mà chúng tôi đã nhập được Sơ Thiền một cách dễ dàng không có khó khăn.
Chín năm trời nhập thất, tu không đúng pháp rất là vất vả gian nan, nhưng đến khi dùng pháp “Như Lý Tác Ý” chỉ có thời gian ngắn mà chúng tôi làm chủ được thân tâm, kết quả giải thoát hoàn toàn.
THIỀN THỨ TƯ
LỜI PHẬT DẠY “Không thở ra thở vào Tâm trú vào chánh định Không tham ái tịch tịnh Với tâm an bất động Như đèn sáng chợt tắt Tâm giải thoát Niết Bàn”. (Tương Ưng Kinh) |
CHÚ GIẢI:
Thiền Thứ Tư của Đạo Phật là một thứ thiền rất mầu nhiệm và tuyệt vời, nó tịnh chỉ được hơi thở, như câu kệ thứ nhất dạy: “Không thở ra thở vào”, nó làm chủ sự sống chết một cách tự tại, muốn thở là thở, muốn không thở là không thở.
Đọc bài kệ trên đức Phật đã xác định rõ ràng chứ không như các nhà Đại Thừa đã cố ý dìm mất loại thiền này bằng cách suy luận cho nó là thiền phàm phu, thiền Nhị Thừa và thiền ngoại đạo. Thật là đau lòng phải không các bạn?
Đây, các bạn hãy lắng nghe chánh định của Đạo Phật rất tuyệt vời, khi hành giả nhập định thì:
“Không thở ra, thở vào
Tâm trú vào chánh định”
Thưa các bạn! Thiền định của Đông Độ và Đại Thừa có nhập được như vậy không? Nếu nhập không được như vậy sao gọi là tự tại trong sinh tử được? Sao gọi là thu thần nhập Niết bàn?
Muốn nhập chánh định để làm chủ sự sống chết được như vậy thì tâm không còn tham ái; tâm không còn tham ái thì tâm mới tịch tịnh như câu kệ này: “Không tham ái tịch tịnh”.
Vậy tham ái là gì? Tham là ham muốn; ái là yêu thích. Con người vốn sinh ra đã bị đau khổ là vì tâm tham ái. Khi tâm tham ái diệt thì khổ đau và luân hồi chấm dứt.
Nếu tâm không tham ái thì tâm được tịch tịnh. Tâm được tịch tịnh thì tâm mới an trú. Tâm có an trú thì tâm mới bất động trước các pháp, như câu kệ này dạy: “Với tâm an bất động”.
Khi tâm đã an trú bất động thì lúc bây giờ chúng ta muốn chết lúc nào cũng dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc: “Như đèn sáng chợt tắt”.
Tu tập nhập định được như vậy, các bạn có thấy hạnh phúc không?
Lúc bây giờ, chúng ta chỉ cần lìa trạng thái Tứ Thiền bằng lệnh của bảy Năng Lực Giác Chi thì ngay tức khắc ta vào Niết Bàn như câu kệ đã dạy: “Tâm giải thoát Niết bàn”.
Tóm lại, bài kệ trên đây chỉ cho chúng ta biết pháp môn và cách thức tự tại nhập Niết bàn, chứ nó không phải là bài pháp để các bạn tu tập nhập Tứ Thiền suông. Các bạn nên lưu ý. Có người đã dùng bài kệ này để tu tập nhập Tứ Thiền là không đúng pháp.
Thưa các bạn! Nếu các bạn muốn nhập Tứ Thiền thì các bạn hãy trở về tu tập giới luật qua các giới hành như sau: Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Thân hành Niệm, v.v.. chứ các bạn đừng ở trên bài kệ này tu tập, bằng không thì các bạn đã tu tập sai pháp rồi các bạn ạ!
KHÔNG SỞ HỮU
LỜI PHẬT DẠY “Ai quá, hiện, vị lai Không một sở hữu gì Không sở hữu, không nắm Ta gọi Bà La Môn”. (Kinh Pháp Cú Phẩm Bà La Môn) |
CHÚ GIẢI:
Bốn câu kệ trên đây để xác định một vị tu sĩ Phật giáo đúng Thánh hạnh mà ngày xưa đức Phật thường xem mình như một Bà La Môn nghiêm trì giới luật không hề sai phạm.
Câu kệ thứ nhất dạy: “Ai quá, hiện, vị lai”. Có nghĩa là người tu sĩ nào trong ba thời gian quá khứ, vị lai và hiện tại sống không có của cải tài sản, sống không gia đình, không nhà cửa, đời sống luôn luôn thiểu dục tri túc, chỉ có ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Đó là Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Người sống đúng Phạm hạnh như vậy mới được gọi là Bà La Môn.
Vì thế, câu kệ thứ hai đã xác định điều này: “Không một sở hữu gì”. Cho nên, người tu sĩ không có của cải tài sản, không có gia đình, không có nhà cửa thì không có sự ràng buộc, không bị dính mắc. Do không bị tài sản, của cải ràng buộc, dính mắc thì đó là giải thoát các bạn ạ! Giải thoát phần thô về vật chất. Nếu phần vật chất đã lìa xa thì phần nội tâm quét cũng không còn khó khăn. Hai phần này gom lại là tâm đã ly dục ly ác pháp. Tâm ly dục ly ác pháp là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.
Cho nên, câu kệ thứ ba dạy: “Không sở hữu, không nắm”. Người tu sĩ tu tập mà đạt được tâm bất động như vậy thì đức Phật mới gọi là Bà La Môn. Một vị tu sĩ Bà La Môn mà được đức Phật chấp nhận là phải có những tiêu chuẩn hẳn hoi như trên đã nói. Các bạn có nhận xét điều này không?
Bởi vậy trong thời đại này, nhìn các tu sĩ Phật giáo trong các hệ phái khác nhau thì chúng ta biết rõ Phật giáo đã bị chia chẻ tan nát. Chia chẻ từ hình thức ăn mặc cho đến tinh thần giáo pháp, nhất là Đại Thừa Phật giáo tự vỗ ngực xưng mình có 84 ngàn pháp môn. Có 84 ngàn pháp môn, nếu ai chấp vào pháp môn nào thì có thể chia ra làm nhiều hệ phái khác nữa. Và như vậy, Phật giáo còn gì gọi là đoàn kết, giáo lý của Phật chỉ là những pháp môn góp nhặt. Đó là nói lên sự suy yếu rất lớn của Phật giáo.
Phật giáo chỉ có một pháp môn duy nhất, đó là Đạo Đế. Đạo Đế là một chân lý trong bốn chân lý bất di bất dịch của Đạo Phật, không ai có thể thay đổi được. Thế mà bây giờ lại có tám mươi bốn ngàn pháp môn thì các bạn nghĩ sao. Có đúng là pháp môn của Phật không?
Ngày xưa tu hành đức Phật không có tham vọng như các Tổ ngày nay. Ngài tự thấy mình là một Bà La Môn, một Bà La Môn sống có đạo đức, không mê tín, không cúng bái, cầu siêu, cầu an, v.v.. không lừa đảo người, trước mặt cũng như sau lưng, chỉ tu hành sống đúng Phạm hạnh, nhờ đó Ngài mới tìm thấy có sự giải thoát rõ ràng, cụ thể. Cho nên, trong kinh Pháp Cú, Ngài thường nhắc nhở các vị Tỳ Kheo nào sống đúng giới luật thì người ấy được gọi là Bà La Môn chân chánh, còn những vị nào sống không đúng giới luật, phá giới, phạm giới thì đức Phật gọi là Bà La Môn ngoại đạo.
Trong thời gian hoằng hóa độ sanh, đức Phật cũng tự cảm thấy mình là một Bà La Môn, nhưng một Bà La Môn sống trước mặt cũng như sau lưng mọi người không hề thiếu mười hai Đức Thánh hạnh này. Đó là:
1- Như Lai
2- A La Hán
3- Ứng Cúng
4- Chánh Biến Tri
5- Minh Hạnh Túc
6- Thiện Thệ
7- Thế Gian Giải
8- Vô Thượng Sĩ
9- Điều Ngự Trượng Phu
10- Thiên Nhơn Sư
11- Phật.
12- Thế Tôn.
Chúng tôi xin giải nghĩa của mười hai hiệu Đức Thánh này:
1- Như Lai: Dịch âm tiếng Phạn Tathàgata có nghĩa là vì theo con đường như thật đi tới mà thành Chánh Giác. Như Lai cũng có nghĩa là bậc tu hành đã xong, không còn tái sinh trở lại cuộc đời này nữa tức là đã làm chủ sinh, tử và chấm dứt luân hồi.
Như Lai là một “Đức Thánh Không Đến Không Đi”.
2- A La Hán: Dịch âm tiếng Phạn Arahant. A La Hán đồng nghĩa với Ứng Cúng có nghĩa là giết giặc phiền não, bất sanh mãi mãi ở trong Niết bàn, xứng đáng nhận sự cúng dường của Trời Người. Tóm lại, bậc A La Hán đã thoát khỏi phiền não, được tự do tự tại, hoàn mỹ về mặt đạo lý, làm chủ được tư tưởng của mình, biết hết tất cả, có đủ sáu pháp huyền diệu, không phải chịu quả báo sống chết lần thứ hai. Danh hiệu này Đại Thừa cho là còn thấp kém chỉ là quả cao nhất của Tiểu Thừa.
A La Hán còn gọi là “Đức Thánh Vô Lậu”. Đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
3- Ứng Cúng: Dịch âm tiếng Phạn Arhat nghĩa là bậc đã xa lìa mọi điều ác, xứng đáng được hưởng thọ sự cúng dường của Người, Trời. Bậc đầy đủ phước báu không ai hơn.
Ứng Cúng là đức hạnh xa lìa những điều ác xứng đáng là nơi phước báu vô lượng để chúng sanh Trời Người cúng dường, nên gọi là “Đức Thánh Phước Điền”.
4- Chánh Biến Tri: Dịch âm tiếng Phạn Samyasambuddha nghĩa là chánh trí biết rõ mọi pháp như thật. Chánh biến tri còn có nghĩa là trí hiểu biết chân chánh không bị tà pháp, tà kiến, tưởng kiến, tà giáo lừa đảo, trí hiểu biết vượt ra khỏi sự hiểu biết trong khuôn khổ nề nếp phong tục, tập quán và các hệ tư tưởng của các tôn giáo trên thế gian này.
Chánh Biến Tri còn gọi là “Thánh Hạnh Liễu Tri”.
5- Minh Hạnh Túc: Dịch âm tiếng Phạn Vidyàcaranasampana có nghĩa là bậc có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh.
+ Trí Tuệ gồm đủ có ba:
- Ý thức tuệ.
- Tưởng thức tuệ.
- Tam minh tuệ.
+ Tam Minh Tuệ gồm có ba:
- Vô thời gian tuệ.
- Vô không gian tuệ.
- Vô lậu tuệ.
+ Thánh đức gồm có bốn: Đức từ, Đức bi, Đức hỷ, Đức xả.
+ Thánh hạnh gồm có năm hạnh: Thắng hạnh, Chánh hạnh, Trực hạnh, Diệu hạnh, Tịnh hạnh.
6- Thiện Thệ: Dịch từ tiếng Phạn Sugata nghĩa là bậc đã tu tập hoàn thành con đường Bát Chánh Đạo, bậc đã làm xong các hạnh lành, không còn trở lui về ác pháp và cuộc đời này nữa.
Thiện Thệ còn gọi là “Thánh hạnh tự tại sinh tử”.
7- Thế Gian Giải: Dịch từ tiếng Phạn Lokavit: có nghĩa là giải thích rõ các pháp trong thế gian, không còn pháp nào mà không giải thích được. Thế gian giải có nghĩa là bậc thông suốt tất cả các pháp thế gian. Bậc có thể hiểu rõ các lý và sự của loài hữu tình và vô tình.
Thế Gian Giải còn gọi là “Thánh hạnh giải thông suốt các pháp thế gian”.
8- Vô Thượng Sĩ: Dịch từ tiếng Phạn Anu Hara: có nghĩa là bậc cao hơn hết trong các hàng chúng sanh. Một con người làm chủ tột đỉnh giải thoát, không còn có sự giải thoát nào cao hơn nữa.
Vô thượng sĩ còn gọi là “Thánh hạnh giải thoát cao nhất”.
9- Điều Ngự Trượng Phu: Dịch từ tiếng Phạn Purusa-danya-sàrathi: có nghĩa là bậc điều khiển được mình và tất cả chúng sanh tức là bậc đã làm chủ được mình và tất cả các pháp, nói một cách dễ hiểu hơn là bậc tâm đã bất động trước các pháp và các cảm thọ.
Điều Ngự Trượng Phu còn gọi là “Thánh hạnh nhiếp phục các pháp và các cảm thọ”.
10- Thiên Nhân Sư: Dịch theo tiếng Phạn Sàtàde-vanàsyànàm: nghĩa là bậc Thầy của Trời, Người. Dạy cho Trời, Người những gì nên làm và những gì không nên làm.
Thiên Nhân Sư còn gọi là “Đức Thánh Thầy Trời, Người”.
11- Phật: Dịch âm chữ Buddha có nghĩa là bậc giải thoát hoàn toàn, bậc Giác Ngộ.
Phật còn gọi là “Đức Thánh Giác Ngộ”.
12- Thế Tôn: Dịch âm tiếng Phạn Bhagavat có nghĩa là bậc cao hơn hết trong cõi Trời, Người, được tất cả Trời, Người đều tôn kính trọng.
Thế Tôn còn gọi là “Đức Thánh tôn kính”.
Mười hai đức hạnh tối cao trên đây nếu người tu sĩ nào làm được thì đức Phật gọi người ấy là Bà La Môn.
Tóm lại, bài kệ trên đây đã xác định một người Bà La Môn đúng tiêu chuẩn của Phật giáo là không có một vật sở hữu nào cả suốt trong ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai thì mới đúng nghĩa:
“Ai quá, hiện, vị lai
Không một sở hữu gì
Không sở hữu, không nắm
Ta gọi Bà La Môn”.
Đúng vậy, lúc nào cũng nhớ giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh và hạnh tri túc thì mới xứng đáng là Bà La Môn của Phật giáo.
Đọc bài kệ này chúng ta mới biết Phật giáo là do người sau lập thành tôn giáo lấy tên là Phật giáo, còn riêng đức Phật thì không có ý đó. Tại sao vậy?
Bởi Đạo Phật là đạo đức của con người trên hành tinh này, nó là chân lý của loài người, nên không thể xây dựng nó thành tôn giáo được, vì tôn giáo sẽ bị hạn cuộc trong một số người rất ít, chứ không được phổ cập rộng rãi khắp mọi người, mọi nơi. Và khi thành lập ra tôn giáo là sẽ chia chẻ con người, mà chia chẻ con người thì không còn là đạo đức. Hình thức chia chẻ là vì quyền lợi riêng tư cho cá nhân hay tập thể nhỏ. Cho nên, các Tổ không hiểu điều này, vì quyền lợi riêng tư mà các Tổ đã làm một việc rất sai lầm, biến chân lý và đạo đức của loài người thành chân lý và đạo đức riêng tư của tôn giáo. Một bằng chứng rất hùng hồn, từ những tham vọng ấy, các Tổ đã chia nát Phật giáo ra nhiều hệ phái, làm cho Phật giáo suy yếu và mất gốc. Từ Phật giáo của chung của nhân loại đã trở thành của riêng và còn của riêng nhiều vị Tổ nữa. Thật là đau lòng, phải không hỡi các bạn?
Riêng đức Phật chỉ thấy mình là một Bà La Môn và cố gắng làm tốt hơn cho Bà La Môn Giáo, chứ không có mục đích thành lập tôn giáo riêng tư, chỉ vì người sau không hiểu ý Phật nên dựa vào 12 danh hiệu của Ngài mà đặt tên cho tôn giáo. Từ đó mới có tên là Phật giáo.
BẬC CHIẾN THẮNG
LỜI PHẬT DẠY “Bậc trâu chúa, thù thắng. Bậc anh hùng, đại sĩ. Bậc chiến thắng, không nhiễm. Bậc tẩy sạch, giác ngộ. Ta gọi Bà La Môn”. (Kinh Pháp Cú) |
CHÚ GIẢI:
Người tu hành theo Phật giáo phải như con trâu chúa, lúc nào cũng phải đứng lên trên Trời, Người, nên câu kệ thứ nhất trong bài này đức Phật dạy: “Bậc trâu chúa, thù thắng”. Đúng vậy, Người tu sĩ Phật giáo phải là người anh hùng, kiên gan, bền chí như đất trời không hề lùi bước trước gian nan, khó khăn nào cả. Nên câu thứ hai đức Phật dạy người tu sĩ theo Phật giáo xem cái chết nhẹ như lông hồng phải chứng tỏ mình: “Bậc anh hùng, đại sĩ”. Thế mà thời nay nhìn lại tu sĩ Phật giáo phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới thì còn gì là bậc trâu chúa, bậc thù thắng, bậc anh hùng đại sĩ. Phải không các bạn? Toàn là những bậc ăn bám vào tín đồ giống như loài ký sinh trùng (trùng trong lông sư tử).
Người tu sĩ Phật giáo phải luôn luôn là người chiến thắng giặc ăn, giặc ngủ, giặc hội họp, giặc tham, giặc sân, giặc si... Muốn chiến thắng được như vậy thì giới luật là khuôn phép để chúng ta khép mình, sống đúng Thánh hạnh, để tôi luyện mình trở thành những thanh thép hữu ích cho mình, cho người, cho đời, cho xã hội, cho quê hương đất nước, cho thế giới, cho cả sự sống trên hành tinh này.
Nếu không tôi luyện mình như vậy, thì thân tâm dễ bị ô nhiễm những dục lạc thế gian. Phải không các bạn? Bởi vậy, bậc chiến thắng đệ tử của đức Phật phải là những người không đắm nhiễm; không đắm nhiễm tất cả mọi dục lạc. Nếu chỉ còn đắm nhiễm một chút xíu dục lạc nhỏ như hạt phù sa sông Hồng[1] thì cũng chưa phải là người chiến thắng giặc sanh tử, cho nên đức Phật dạy: “Bậc chiến thắng, không nhiễm”.
Từ không nhiễm lớn đến không nhiễm nhỏ, hoàn toàn phải sạch bóng sự ô nhiễm thì mới được gọi là bậc Giác Ngộ. Vì thế, trong bài kinh Pháp Cú đã dạy:
“Bậc tẩy sạch, giác ngộ”
Nếu không quét sạch giặc tham, sân, si... ngũ triền cái, thất kiết sử... thì làm sao có sự thanh bình trong tâm hồn mình. Phải không hỡi các bạn?
Qua bài kệ này, muốn được đức Phật chấp nhận mình là một Bà La Môn đúng nghĩa của Bà La Môn thì phải sống đầy đủ đức hạnh không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Dựa vào lời dạy trên đây, chúng ta xét thấy trong thời đức Phật còn tại thế có thể chia ra bốn loại Bà La Môn:
1- Bà La Môn phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới.
2- Bà La Môn cúng bái tế tự, cầu siêu, cầu an, làm những điều mê tín, v.v..
3- Bà La Môn xây dựng thế giới tâm linh, sống trong ảo tưởng, mơ mộng hư ảo; lừa đảo, lường gạt người để được ngồi trong mát ăn bát vàng.
4- Bà La Môn chuyên tu tập luyện thần thông trừ tà, yểm quỷ, bắt ma trị bệnh bằng phù phép tạo ra một thế giới siêu hình huyền ảo khiến cho con người mất hết sức tự chủ, chỉ còn biết tựa nương vào Thần Thánh, Tiên, Phật hoặc Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.
Những hạng Ba La Môn này, ngày xưa đức Phật còn tại thế không bao giờ chấp nhận, chỉ có ngày nay Đại Thừa chấp nhận và vì thế, những người tu sĩ Đại Thừa có một nếp sống và những việc làm mơ hồ ảo tưởng, mê tín lạc hậu, bùa chú thần thông pháp thuật cũng giống như những Bà La Môn ngày xưa đã nói ở trên. Còn đức Phật thì cho những tu sĩ đó là Ma Ba Tuần đang phá và diệt Phật giáo.
Qua bài kệ này, chúng ta thấy rõ ràng đức Phật đã tự cho mình là Bà La Môn, “Ta gọi Bà La Môn” theo nghĩa Bà La Môn phải là những bậc:
1- Bậc trâu chúa, thù thắng.
2- Bậc anh hùng, đại sĩ.
3- Bậc chiến thắng, không nhiễm.
4- Bậc tẩy sạch, giác ngộ.
Nhìn vào tiêu chuẩn bốn bậc Bà La Môn ở trên đây thật khó cho một người không có quyết tâm cao, không có nhiệt tâm nồng cháy trong việc đi tìm đường giải thoát, đi tìm đường liễu sinh thoát tử trở thành những bậc này. Phải không hỡi các bạn?
BÀ LA MÔN
LỜI PHẬT DẠY “Ai biết được đời trước Thấy Thiên giới, đọa xứ Đạt được sanh diệt tận Thắng trí, tự viên thành Bậc Mâu Ni đạo sĩ Viên mãn mọi thành tựu Ta gọi Bà La Môn”. (Kinh Pháp Cú) |
CHÚ GIẢI:
Một lần nữa đức Phật xác định cho chúng ta thấy một tu sĩ Phật giáo được gọi như thế nào là một Bà La Môn chân chánh trong những tiêu chuẩn nào?
Đọc bài kệ trên đây trong kinh Pháp Cú chúng ta mới thấy rõ một vị tu sĩ Phật giáo được gọi là Bà La Môn chân chánh thì phải hội đủ những tiêu chuẩn:
1- Biết được đời trước của mình là phải có Tam Minh. Trong Tam Minh có Túc Mạng Minh. Có Túc Mạng Minh mới biết được nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ của mình và của người khác. Một Bà La Môn chân chánh tu tập phải có Túc Mạng Minh biết được nhiều đời của mình thì mới được gọi là một Bà La Môn, bằng không biết thì không được gọi là Bà La Môn. Cho nên, câu kệ này dạy: “Ai biết được đời trước”.
Chúng ta hiện giờ nhìn lại tu sĩ Phật giáo có vị nào tu tập biết được nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ của mình chưa? Nếu chưa biết thì chưa được gọi là Thánh Tăng, Thánh Ni, chưa được gọi là Bà La Môn chân chánh. Phải không các bạn?
2- Một người được gọi là Bà La Môn là phải có trí tuệ nhân quả thấy thiện và ác rất rõ ràng. Người thấy thiện ác rõ ràng là người có chánh tri kiến. Người có chánh tri kiến là người ly dục ly ác pháp. Người ly dục ly ác pháp là người tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Người có tâm bất động là người xứng đáng được gọi là Bà La Môn chân chánh.
Hiện giờ nhìn xem những tu sĩ Phật giáo thì chúng ta biết ngay họ chưa ly dục ly ác pháp vì họ còn ăn uống và ngủ nghỉ phi thời, tâm còn ham vui, thích tài sản, của cải, tiền bạc, nhà cửa sang đẹp, như chùa to Phật lớn, v.v.. Chính họ không thấy những sự ham muốn đó là dục, là ác pháp. Do như vậy, họ chưa xứng đáng làm Thánh Tăng, Thánh Ni; chưa xứng đáng làm Thánh Tăng, Thánh Ni thì làm sao xứng đáng làm đệ tử của Phật được. Họ là những người không thấy nhân quả thiện ác thì làm sao được gọi là Bà La Môn chân chánh. Cho nên, câu kệ thứ hai đức Phật đã xác định: “Thấy Thiên giới, đọa xứ”. Câu này chúng ta phải hiểu nghĩa cho rõ ràng. Vậy Thiên giới và đọa xứ là gì?
Thiên giới là cõi Trời; đọa xứ là địa ngục. Ở đây không phải là cõi Trời mà là Thập thiện, ở đây không phải là địa ngục mà là Thập ác. Thấy thiên giới, đọa xứ là thấy Thập thiện, thập ác. Thấy Thập thiện và Thập ác là thấy nhân quả. Thấy được nhân quả thì mới được đức Phật chấp nhận là Bà La Môn chân chánh. Có hiểu nghĩa như vậy mới hiểu lời đức Phật dạy. Các bạn có hiểu đúng nghĩa như vậy không?
Nhưng một vị Bà La Môn chân chánh đâu phải tu tập có bấy nhiêu pháp thôi, mà còn phải tu tập nhiều hơn nữa, phải làm chủ sanh tử như câu kệ dưới đây: “Đạt được sanh diệt tận”. Vậy, sanh diệt tận nghĩa là gì?
Sanh là đời sống, sự sống; diệt là chết, sự chết; tận là tận cùng, cuối cùng, chấm dứt. Toàn nghĩa câu này là phải đạt cho được sự tận cùng sống chết của kiếp làm người thì mới được đức Phật chấp nhận là một Bà La Môn chân chánh, còn chưa tu tập được như vậy thì chưa xứng đáng là Tăng là Ni đệ tử của Phật.
Làm một đệ tử của đức Phật đâu phải dễ. Phải không hỡi các bạn? Phải đầy đủ thắng trí. Vậy thắng trí là gì? Thắng trí là một trí tuệ chiến thắng mọi ác pháp và các cảm thọ, một trí tuệ không bao giờ chịu khuất phục trước mọi trở ngại, gian nan hay mọi việc khó khăn nào, luôn luôn giành phần thắng về mình. Có thắng trí như vậy là có sự chiến thắng vẻ vang trong trận giặc sanh tử luân hồi. Người có thắng trí mới xứng đáng là đệ tử của đức Phật, mới xứng đáng là Bà La Môn chân chánh, nên câu kệ dạy:
“Thắng trí, tự viên thành”.
Người có thắng trí là người thành tựu đạo giải thoát dễ dàng, đâu cần gì tu tập nữa. Có đúng như vậy không các bạn?
Hai câu kệ cuối cùng để tán thán một người tu sĩ Phật giáo thành tựu viên mãn đạo giải thoát:
“Bậc Mâu Ni đạo sĩ
Viên mãn mọi thành tựu”.
Vậy, Mâu Ni và viên mãn nghĩa là gì? Mâu Ni dịch âm tiếng Phạn là Mouni có nghĩa là năng nhơn, năng từ, năng mãn, năng tịch, v.v.. Năng nhơn nghĩa là lòng thương người; năng từ là lòng từ bi; năng mãn là tâm tròn đầy đức hạnh; năng tịch là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Tóm lại, nghĩa của toàn câu kệ này là bậc đạo sĩ đầy đủ những năng lực siêu việt không có một người nào hơn được “Bậc Mâu Ni đạo sĩ”.
Viên mãn: là tròn đầy, đầy đủ, không còn thiếu khuyết một chỗ nào cả. Nghĩa của câu này là tất cả những pháp môn tu hành của Phật giáo đều đã tu hành xong: “Viên mãn mọi thành tựu”.
Đọc bài kệ trên đây chúng ta thấy được những kết quả vĩ đại của một người tu theo Phật giáo mà đáng được gọi là Bà La Môn đâu phải dễ như toàn bài kệ:
“Ai biết được đời trước
Thấy Thiên giới, đọa xứ
Đạt được sanh diệt tận
Thắng trí, tự viên thành
Bậc Mâu Ni đạo sĩ
Viên mãn mọi thành tựu
Ta gọi Bà La Môn”.
Được gọi là Bà La Môn là phải tu tập cho đến nơi đến chốn, chứ không phải tu danh, tu lợi theo kiểu Đại Thừa và Thiền Tông. Có đúng như vậy không các bạn?
CHỌN BẠN
LỜI PHẬT DẠY “Tìm không được bạn đường Bằng mình hay hơn mình Thà quyết sống một mình Không làm bạn kẻ ngu”. Kinh Pháp Cú (V- Balavagga - Phẩm Ngu) |
CHÚ GIẢI:
Ca dao Việt Nam có câu:
“Thói thường gần mực thì đen,
Anh em bạn hữu ta nên chọn người”
Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:
“Tìm không được bạn đường
Bằng mình hay hơn mình
Thà quyết sống một mình
Không làm bạn kẻ ngu”
Đọc câu ca dao và bốn câu kệ trên đây cho chúng ta thấy rằng, đời cũng như Đạo Phật đều dạy chúng ta nên chọn Thầy hay, bạn tốt, hoặc chọn bạn bằng mình hay hơn mình. Nếu Thầy, bạn kém hơn mình thì chẳng ích lợi gì cho mình, nhiều khi còn bị đắm nhiễm theo thói hư tật xấu của những người này. Thầy Tổ phạm giới, phá giới, sống không đúng Phạm hạnh và bạn bè thiếu đạo đức, do đó nhất định không nhận họ làm Thầy Tổ, không làm bạn với kẻ ngu.
Những câu kệ này đức Phật dạy chúng ta nên chọn một người bạn giỏi hơn mình, đó cũng là một vị Thầy của mình, để mình sẽ học hỏi được nhiều điều hay, điều tốt, còn chọn một người bạn dở hơn thì mình có học hỏi được gì đâu, đôi khi lại bị ô nhiễm tính xấu như gian tham, trộm cướp, nói láo, giết người, v.v..
Vào đạo tu học cũng nên chọn một vị Thầy giới luật nghiêm túc, đức hạnh đầy đủ. Vì thế, đức Phật thường dạy: “Này các Tỳ Kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không được thân cận các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không được nghe các bậc Chơn nhơn, không được thân cận các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn”. Đoạn kinh trên đây, đức Phật khuyên chúng ta nên chọn những bậc Thánh, bậc Chơn Nhơn đạo hạnh như vậy để thân cận mới được lợi ích cho mình cho người khác.
Bởi vì, chúng ta thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn Thầy, tìm bạn, nên sự lầm lẫn của chúng ta đã phải trả một giá quá đắt cho cuộc đời tìm đạo tu hành.
Vào đạo với lòng tin Phật, tin Thầy Tổ. Nhưng Phật đã mất đi rồi không còn gần gũi khuyên nhắc chúng ta nữa, chỉ còn Thầy Tổ mà thôi. Nhưng Thầy Tổ sống phạm giới phá giới, Thánh hạnh Thầy Tổ không còn thì biết tin và nương tựa vào ai nữa đây? Nhìn gương hạnh sống của Thầy Tổ hiện giờ mà lòng chúng ta đau xót tận cùng vì giới luật đức hạnh của Phật dạy còn đây mà Thầy Tổ thì ném bỏ vào sọt rác. Ôi, đau xót vô cùng! Còn biết nương tựa vào đâu nữa?
Thật là bất hạnh cho mỗi chúng ta biết chừng nào! Thầy hay khó gặp, bạn tốt khó tìm.
Chú thích: [1] Sông Hồng là một dòng sông lớn xuất phát từ bên nước Trung Quốc chảy ra biển Đông, ngang qua nước Việt Nam. Tác giả mượn tên sông Hồng là chỉ cho người Việt Nam cũng làm được một việc vĩ đại như người Ấn Độ. (còn tiếp) Trích từ sách: Những Lời Gốc Phật Dạy - Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc
Bình luận (0)