HT Nikkyo Niwano (Nhật Bản) trong Buddhism for Today Dịch: Huyền Cương Lê Trọng Cường
Pháp Niết Bàn là sự yên bặt (Hán-Việt: Niết bàn tịch tĩnh) là nguyên lí thứ ba trong ba nguyên lí cơ bản, quan trọng nhất của pháp Bụt. Pháp này đã bị hiểu lầm bởi sự giải thích sai từ Niết Bàn. Nhiều người cho rằng từ Niết Bàn đồng nghĩa với cái chết. Thông thường, câu “Bụt Thích Ca Mâu Ni vào Niết Bàn” (H-V: Thích Ca Mâu Ni Phật nhập Niết Bàn) được người ta dùng để ngầm chỉ cái chết của Bụt. Vì lẽ đó pháp ‘Niết bàn là sự yên bặt’ bị suy ra là ngầm chỉ một miền Cực Lạc nào đó, giống như Cõi Tịnh Độ của Bụt A-Di-Đà, nơi mà giáo lí của tông Tịnh Độ tin là ‘điểm hẹn’ lí tưởng cho người tu sau khi lìa bỏ cõi trần.
Trong tiếng Sanskrit thuật ngữ ‘Nirvana’ có ý nghĩa tiêu cực là ‘dập tắt’ hoặc ‘tiêu huỷ’. Vì thế thuật ngữ này cũng có nghĩa là cái hoàn cảnh mà ở đó thân thể một người nào đó chết đi hoặc là biến mất. Đồng thời ‘Nirvana’ cũng có nghĩa là trạng thái tâm thức đạt tới nhờ đã dập tắt mọi ảo tưởng. Thuật ngữ Niết Bàn trong lời dạy của Bụt được dùng theo nghĩa sau, tức là Niết Bàn là trạng thái tâm thức đạt tới sau khi đã tiêu huỷ mọi ảo tưởng và không bao giờ còn bị chúng cám dỗ nữa. Vậy câu “Bụt Thích Ca Mâu Ni vào Niết Bàn” là có ý nói đến sự tỉnh thức của Ngài, chứ không phải là nói về cái chết của Ngài.
Pháp Niết Bàn là sự yên bặt dạy rằng chúng ta có thể hoàn toàn dập tắt mọi đau khổ của đời người và có được sự yên lành và thanh thản một khi chúng ta huỷ diệt hết mọi ảo tưởng. Vậy thì làm cách nào có thể với tới được trạng thái này? Phương cách duy nhất là thực hành hai pháp cơ bản sau: ‘Mọi sự vật chẳng còn mãi’ (vô thường) và ‘Chẳng có cái gì có tự tính cả’ (vô ngã).
Lý do vì sao chúng ta phiền muộn về nhiều thứ khổ đau trên đời chính là ở chỗ chúng ta quên rằng mọi sự vật và hiện tượng trên thế gian này đều chẳng còn mãi, chúng luôn luôn đổi thay theo luật nhân quả và hoàn cảnh (nhân và duyên) mà không theo ý muốn của bất cứ ai cả (vô thường và vô ngã). Trái lại chúng ta dễ bị các hiện tượng làm cho lầm lẫn và bị những toan tính về sự ‘được/mất’ tác động làm cho tâm trí chúng ta luôn luôn đau khổ và phiền muộn. Nếu chúng ta tìm học phương pháp đưa tới trạng thái tỉnh thức và thực hành cần mẫn phương pháp đó chúng ta sẽ nhận ra được lẽ thật về sự chẳng còn mãi của mọi sự vật và hiện tượng, dần dà chúng ta có khả năng đạt tới một trạng thái yên lành và thanh thản. Nhờ đó chúng ta không bao giờ còn bị lay động do sự đổi thay của hoàn cảnh nữa. Đây chính là trạng thái ‘Niết Bàn là sự yên bặt’
HT Nikkyo Niwano (Nhật Bản) trong Buddhism for Today Dịch: Huyền Cương Lê Trọng Cường
Bình luận (0)