Tác giả: ThS.Trần Văn Mạnh Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
TÓM TẮT Phật giáo Nam tông ở Nam Bộ với quá trình du nhập và phát triển cho đến nay đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Với những giai đoạn và các thời kỳ lịch sử Phật giáo Nam tông Khmer ở vùng Nam Bộ có những biến đổi và vị trí riêng. Những giáo lý, giới luật đã được đức Phật chế định từ khi giác ngộ đến khi nhập diệt cho đến nay đã được người Khmer ở Nam Bộ giữ gìn và lưu truyền từ đời này sang đời khác, con tiếp nối cha đời tiếp nối đời. Những quy định không chỉ thể hiện trong giới luật nhà Phật mà còn được thể hiện trong thực tiễn cuộc sống của con người. Đó là những quan điểm về hạnh phúc và đau khổ, về đạo đức, v.v, những quan điểm này được thể hiện trên nhiều phương diện, nhiều nội dung trong kinh Phật.
1. Dẫn nhập
Tư tưởng giáo lý Phật giáo ban đầu chỉ truyền miệng, tâm khẩu tương truyền, bởi lúc Phật thuyết pháp Phật chỉ nói, không ghi chú thành văn tự và cũng không có đệ tử nào ghi chép tại chỗ. Nhưng khi đức Phật đã nhập diệt, giáo lý cao siêu mà Ngài đã dày công thuyết giảng và truyền bá trong bốn mươi lăm năm trường vẫn còn lưu lại đến ngày nay cho nhân loại, trọn vẹn, đầy đủ và hoàn toàn tinh túy. Nội dung giáo lý của Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ được dựa trên nền tảng của Đại tạng kinh điển là Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận hay còn gọi là Tam tạng (Tripitaka).
2. Nội dung cơ bản của đạo đức trong giáo lý Phật giáo Nam tông
Trong hai bộ phái của Phật giáo, thì bộ phái Nam tông vẫn trung thành với kinh điển của Phật giáo bằng tiếng Pali. Trong nội dung mà đức Phật truyền dạy không có nội dung triết học mang tính cách mạng, cũng không có tính sáng tạo ra những giá trị khoa học như toán học, sinh học… mà chỉ xoay quanh cuộc sống hiện tại và tương lai của con người, vạch ra con đường giải thoát cảnh đau khổ của cuộc đời. Trong kinh Trung A Hàm, quyển 4, đức Phật nói: “Như Lai chỉ dạy một điều là khổ não và sự chấm dứt mọi đau khổ”. Vì thế đức Phật cũng không dạy tất cả những điều ngài biết, mà chỉ dạy những điều cần thiết, lợi ích cho việc tu luyện đạo đức và trí tuệ để giác ngộ, giải thoát. Giải thoát là mục đích tối cao, là vấn đề trung tâm của triết lý Phật giáo. Nó vừa mang ý nghĩa đạo đức, vừa có ý nghĩa tôn giáo. Vì thế đức Phật nói: “Biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy… pháp và luật này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát”[6 tr. 563]. Mặt khác, Phật giáo lấy sự thực hành của cá nhân để đạt đến sự giác ngộ, nghĩa là tu để thành chính quả, chứ không phải nghe giảng để hiểu đạo. Vì thế Phật giáo không lấy giáo lý làm mục đích, mà chỉ coi là phương tiện để đạt đến chân lý cuối cùng.
Giáo lý cơ bản của Phật giáo Nam tông Khmer được thể hiện qua Tứ diệu đế và Bát chính đạo – con đường chủ yếu để giải thoát nỗi khổ của con người. Trong đó được thể hiện qua nhiều khái niệm như: vô thường, vô ngã, vô giả tạo, thập nhị nhân duyên, học thuyết về nhân quả, nghiệp, v.v…
Nội dung giáo lý cơ bản của Phật giáo thể hiện rõ nhất ở “Tứ diệu đế”, tức là bốn chân lý huyền diệu cao siêu để giải thoát nỗi khổ của chúng sinh. “Xét về mặt tôn giáo, giáo lý căn bản nhất của đạo Phật nói chung và Phật giáo Theravada nói riêng là học thuyết về bốn chân lý của Phật tổ (Tứ diệu đế)”[1, tr. 44]. “Tứ diệu đế là bốn chân lý cao thượng, chắc chắn, hiển nhiên. Bởi theo tiếng Pali là “Sacca”, nghĩa là chân lý, là cái gì sự thật có; còn theo tiếng sancrit là “Satya”, có nghĩa là sự thật hiển nhiên, không còn tranh luận”[2, tr 254]. Tứ diệu đế là “hạt nhân” cơ bản trong toàn bộ giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer.
Khổ đế (Dukkha Satya) là chân lý nói về các nỗi khổ của con người. “Dukkha nghĩa là chịu đựng, khó khăn nhẫn, là đau khổ”[7, 406]. “Đế” là sự thật vững chắc, đúng đắn, hoàn toàn, cao hơn cả [7, tr. 406]. Đây là một khái niệm gắn liền với chính sự tồn tại của con người: khía cạnh nhân bản là sự thông cảm, chia sẻ, bênh vực người đau khổ.
Theo triết lý Phật giáo, tất cả loài vật, dù hữu tình hay vô tình trong thế giới đều ở trong khổ não[2, tr 254]. Kinh Chuyển Pháp Luân viết: “sinh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ và chết là khổ, yêu thương mà cách xa là khổ, điều mong cầu mà không được toại nguyện là khổ, chấp trược thân ngũ uẩn: (sắc, tưởng, thụ, hành, thức) là khổ”[2, tr 168]. Khổ là tất yếu, rất thường nhật trong cuộc sống hàng ngày của con người. Như vậy, trong các nỗi khổ mà chúng phải chịu đựng có bốn nỗi khổ lớn gọi là “tứ khổ”: sinh – lão – bệnh – tử.
Tập đế (Sammudaya Satya) là chân lý nói về nguyên nhân của sự khổ. Tập đế là sự thật đúng đắn, vững chắc về nguyên nhân của những nổi khổ đã góp chứa, tích trữ lâu ngày trong mỗi chúng sinh. “Tập”, nghĩa là “tích tập”, “tập hợp”, “góp chứa”. Đó là sự thật về cội gốc của sinh tử, luân hồi, của bể khổ trần gian. Phật giáo cho rằng, những khổ đau của con người không phải do di truyền hoặc do phạm tội mắc phải, cũng không do người khác áp đặt, mà cái khổ là do cuộc sống lầm lạc, đắm chìm trong đời thường. Theo Phật giáo, nguyên nhân trực tiếp, rõ rệt và phổ biến gây nên sự khổ của con người là do “tam độc”: “tham” (lòng tham vị kỷ); “sân” (sự giận giữ); “si” (sự si mê) gây ra nghiệp báo và luân hồi mãi mãi trong dòng sinh tử bất tận. Chân lý này vạch ra nguyên nhân của mọi khổ bằng thuyết thập nhị nhân duyên.
Duyên vô minh (avidyâ): là không nhận thức được bản chất của vạn pháp và không thấu đáo được chân tướng của chính mình.
Duyên hành (samskara): ý muốn thúc đẩy hành động để cố đạt nguyện vọng, mục đích. Đó là nghiệp thiện hoặc nghiệp ác tạo ra khi sống.
Duyên thức (vijnâna): là nhận thức, hiểu biết do hành mà có để phân biệt cái tâm trong sáng với cái tâm bị quẩn đục.
Duyên danh sắc (nâma rupa) là sự thống nhất, kết hợp giữa danh và sắc, “là sự hiểu biết tên các hình thái của sự vật, biết phân biệt cái tâm và vật”[1, tr. 45]. Đối với các sự vật hữu hình thì sự phối hợp danh và sắc sẽ tạo ra “lục căn”: Nhã, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý.
Duyên lục nhập (sadâyatana): là quá trình xâm nhập của thế giới xung quanh (lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) vào các cảm giác.
Duyên xúc (sparsa): là sự tiếp xúc va chạm với bên ngoài cùng với lục nhập dẫn tới thụ duyên.
Duyên thụ (vedanâ): là sự cảm thụ, sự nhận thức trước sự tác động của thế giới bên ngoài gây ra cảm giác sướng khổ, buồn vui.
Duyên ái (trishna): là sự yêu thích mà nảy sinh ham muốn dục vọng do cảm thụ với thế giới bên ngoài.
Duyên thủ (upâdâna): tìm cách chiếm đoạt, chi phối sự vật mà mình ham muốn, yêu thích.
Duyên hữu (bhava): là sự tồn tại để tận hưởng cái đã chiếm đoạt.
Duyên sinh (jati): là sự ra đời, sinh thành con người trong cuộc sống thường nhật.
Duyên lão tử (jara marana): là già và chết.
Mười hai nhân duyên có mối quan hệ nhân quả và khởi đầu là vô minh. Vô minh là nguồn gốc của mọi đau khổ, của sinh, lão, bệnh, tử và là nguyên nhân gây ra nghiệp báo luân hồi bất tận, Phật giáo gọi là luân hồi: “đó là vòng khép kín mà con người cứ bị lẫn quẩn trong cõi vô minh”[1, tr 46]. Cho nên theo đạo Phật, chúng sinh muốn diệt trừ nỗi khổ thì đầu tiên phải diệt trừ “vô minh”. Nó chỉ chấm dứt nhờ trí tuệ thấy rõ thực tại, chân lí – Niết Bàn (Nirvana). Và chỉ có như vậy, chúng sinh mới thoát khỏi nỗi khổ vòng luân hồi.
Niết bàn là mục tiêu chính yếu của Phật giáo, là mục tiêu cuối cùng của người tu theo Đạo Phật. Người ta vì sợ sự thống khổ bởi phiền não sinh ra, nên cố gắng tinh tấn tu hành để đến Niết Bàn, là nơi không còn phiền não, hay trừ tận tuyệt, hoặc dụt tắt được ba ngọn lửa độc là tham, sân, si. Niết Bàn theo Nam Phạn là Nibbàna có nghĩa là ra khỏi rừng, ý nói rừng phiền não, đầy đau khổ. Vì vậy, Niết Bàn có nghĩa là người đã thoát ra khỏi phiền não trong tâm, vượt khỏi mọi sự kinh khủng, lo âu, sợ sệt.
Diệt đế (Nirodha Satya) là chân lý nói về lối thoát cho đau khổ dứt ra khỏi sự tiếp nối của nỗi khổ. Diệt là tiêu diệt, dứt trừ (diệt ở đây là diệt dục mê mờ, phiền não). Diệt đế là một chân lý chắc thật mà đức Phật đã thuyết minh về hoàn cảnh tốt đẹp mà mọi người có thể đạt tới khi đã diệt hết mọi phiền não, mê mờ. Diệt đế là nói về sự cần thiết phải làm mất nguyên nhân sinh khổ, thì mới diệt được khổ một cách triệt để. Phật giáo đưa ra ba phương pháp để diệt khổ và chúng có liên hệ chặt chẽ với nhau, đó là: Giới, Định, Tuệ.
Giới: thực hiện ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, sẽ diệt được tham.
Định (tĩnh): phải giữ cho mình luôn luôn ở trạng thái yên tĩnh tuyệt đối, hoàn toàn tách khỏi thế giới hữu hình, đạt tới trạng thái hoàn toàn không. Thực hiện được định sẽ diệt được “sân”.
Tuệ (giác ngộ): là đạt tới sự trong sáng tuyệt vời, không ngu muội, không tham, không sân sẽ diệt được “si”.
Đạo đế (Marga Satya) là chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ. Chân lý thứ tư là đơn thuốc để thực hiện chữ “diệt”. Trong bài pháp đầu tiên giảng cho năm vị đại đệ tử đầu tiên, đức Phật khuyên các tu sĩ rằng, “có hai cực đoan mà người xuất gia không nên nương nhờ”: một là lối sống lợi dưỡng, luyến ái nhục dục ngũ trần, vì nó giả tạm, nhất thời, tầm thường; và cực đoan thứ hai là lối tu khổ hạnh ép xác dẫn đến trí tuệ mờ tối. “Theo đức Phật đó là con đường ở giữa hai thái cực kia, là con đường tu luyện đạo đức theo giới luật và tu luyện tri thức trí tuệ bằng thực nghiệm tâm linh, trực giác”[2, tr 60]. Như vậy, theo Phật giáo Nam tông Khmer để diệt khổ thì mỗi phật tử phải thực hiện được bát chính đạo gồm:
Chính kiến (Sammà Ditthi): Thấy và hiểu đúng đắn, nghĩa là nhận thức đúng về đạo đức của cuộc sống, cái nào là thiện cái nào là ác. Hiểu biết ý nghĩa trong sáng, không để những điều sai trái che lấp sự sáng suốt của mình.
Chính tư duy (Sammà Sankappa): Suy nghĩ đúng đắn để đạt đến chân lý.
Chính ngữ (Sammà Vàcà): Ngôn ngữ đúng đắn, nghĩa là không nói những lời đưa đến đau khổ, chia rẽ, hung bạo. Chỉ nói những điều đưa đến xây dựng niềm tin, đoàn kết hòa hợp, thương yêu và lợi ích.
Chính nghiệp (Sammà Kammanta): hành động, làm việc đúng đắn, không làm những điều giả dối, điều xấu.
Chính mệnh (Sammà Ajivà): cư xử đúng đắn, nghĩa là phương tiện mưu sinh, nghề nghiệp chân chính.
Chính tinh tiến (Sammà Vàyàma): Nỗ lực đúng đắn, khát vọng đúng đắn, nghĩa là nỗ lực đoạn trừ điều ác, nỗ lực thực hành điều thiện.
Chính niệm (Sammà Sati): Phải luôn suy nghĩ đến đạo lý chân chính, không được nghĩ đến điều xấu.
Chính định (Sammà Samàthi): kiên định tập trung tư tưởng vào con đường chân chính.
Bát chính đạo là con đường đúng đắn đắn dẫn đến thực chứng chân lý tối hậu, dẫn đến tự do hoàn toàn, hạnh phúc và bình an nhờ sự toàn thiện về đạo đức, tâm linh và trí tuệ. Bát chính đạo có thể chia làm ba bước là Giới, Định, Tuệ.
Giới: là những điều cấm quy định với những người tu hành để không phạm sai lầm do thân và ý tạo ra.
Định: là phương pháp làm cho người tu hành không tán loạn phân tâm, loại trừ ý nghĩ sai lầm tạo điều kiện cho trí tuệ bừng sáng.
Tuệ: là yêu cầu đòi hỏi phải có trí tuệ sáng suốt để diệt trừ vô minh, tham dục. Chỉ có như vậy mới diệt trừ được nỗi khổ.
Trong ba yếu tố trên, Giới được nhà Phật coi là quan trọng nhất, ngăn cản con người không phạm vào “ngũ giới” để Định và Tuệ phát sáng.
“Về sau những phương pháp tu luyện của Phật giáo còn được bổ sung khá phong phú, nhất là Phật giáo chia thành các môn phái khác nhau. Song phương pháp tu luyện vẫn là: Bát chính đạo, ngũ giới, lục độ”[2, tr 264]. Trong ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu là phép tu bước đầu của người đi tu; lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ là phép tu của các bậc tu hành đắc đạo.
Vô giả tạo. Phật giáo Nam tông Khmer cho rằng, thế giới do các loài vật chất tạo thành. Mọi sự vật trong vũ trụ gọi là “vạn pháp” không do bất kỳ một thần linh nào tạo ra bằng những phép mầu mà là do những phần tử vật chất nhỏ bé nhất tạo nên. Những vật chất nhỏ bé đó được gọi là “bản thể” hay “thực tướng”. Đây được xem là nội dung cơ bản nhất và khác các tôn giáo khác.
Vô thường (Anitya): Đạo Phật cho rằng, mọi sự vật trong vũ trụ bao la không đứng yên, không có gì là thường trụ bất biến mà nó luôn luôn trong trạng thái biến đổi không ngừng. Sự biến đổi, chuyển hóa của sự vật theo quy luật nhân quả, chúng biến đổi vô cùng vô tận. Nhưng trong sợi dây chuyền đó, thì mỗi sự vật hiện tượng trong trời đất đều phải trải qua bốn thời kỳ là: thành – trụ – hoại – không đối với vạn vật trong vũ trụ và sinh – trụ – dị – diệt đối với các sinh vật. Đó là luật vô thường.
Tuy nhiên, Phật giáo cho rằng, chết không phải là hết mà là chuẩn bị cho sự hình thành mới. Sinh – diệt là hai quá trình diễn ra đồng thời trong từng sự vật hiện tượng, không gian và thời gian gọi là “sắc – không”. Các pháp chuyển động, biến đổi đều bị chi phối bởi luật nhân duyên.
Thuyết Nhân – duyên: Phật giáo cho rằng tất cả mọi sự vật hiện tượng chuyển động không ngừng, biến đổi không ngừng và chịu sự chi phối bởi quy luật nhân duyên. Trong đó, nhân (heta) là mầm của quả, quả (phala) là kết tập của nhân. Còn duyên (pratitya) là phương tiện tạo ra quả đó. Khi nhân duyên hòa hợp thì sự vật sinh. Khi nhân duyên tan rã thì sự vật diệt. Tùy theo nhân – duyên mà hợp thành sự vật, hiện tượng như thế này hay thế khác. Các nhân duyên trong sự vật hiện tượng tác động chi phối lẫn nhau. “Cái gì phát động ra ở vật, làm cho nó biến đổi, gây ra một hay nhiều kết quả nào đó gọi là nhân. Cái gì được kết tập lại do một hay nhiều nhân gọi là quả. Duyên là điều kiện, là mối liên hệ trợ giúp cho nhân (ở trạng thái khả năng) biến thành quả (ở trạng thái hiện thực). Như thế duyên không phải là một cái gì đó cụ thể, xác định mà còn là điều kiện, sự tương hợp tương sinh nói chung giúp cho vạn pháp sinh thành và biến đổi[2, tr 239].
Như vậy, theo quan niệm của Phật giáo Nam tông Khmer mọi sự vật đều biến đổi, vô thủy, vô chung; không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm kết thúc là do nhân – duyên. Thế giới khách quan đang tồn tại chỉ là hư ảo, không có thực, là vô thường.
Vô ngã (Anatman) Giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer cho rằng, bản thân con người là “một pháp” đặc biệt của thế giới, là sự kết hợp của Ngũ uẫn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức). Như thế, theo đạo Phật cái ngã, cái tôi không chỉ là một tập hợp của Ngũ uẩn (Panca skandha), luôn luôn thay đổi và mất đi, nhà Phật cho là cái tôi chỉ là một sự giả tưởng, là không có thật, gắn liền với cái khổ. Ngoài ngũ uẩn đó không có gì khác, nên con người chỉ được xem có thật một cách quy ước và trong kinh nghiệm thông thường.
Theo Phật giáo Nam tông tính vô ngã chỉ liên hệ đến cá nhân con người. Theo Phật giáo Bắc tông thì tính vô ngã có giá trị cho tất cả các Pháp (dhama), vốn tùy thuộc lẫn nhau như thuyết thập nhị nhân duyên chỉ rõ.
Luân lý đạo đức Phật giáo không ngoài “cấm dục”, sở dĩ luân hồi là dục vọng, dục vọng là do lầm lạc, tại vô minh mà tạo ra nghiệp chướng cho bản thân. Muốn giải thoát phải diệt nghiệp bằng sự sáng suốt, bằng sự diệt dục[10, tr. 503].
Nghiệp tiếng Pali là Kamma. Nguyên nghĩa là hành động hay việc làm. Đây là một khái niệm rất quan trọng của Phật giáo, dù chỉ là quy luật chung của Phật giáo về luật nhân quả. Theo Phật giáo nói chung cũng như Phật giáo Theravada thì mỗi tác động của nghiệp – dưới một điều kiện nhất định sẽ tạo thành một quả. Một khi quả đó chín, nó sẽ rơi trở lại người tạo ra nó. Muốn thành quả, một nghiệp tốt hay xấu và là một hành động cố ý hay vô ý, nó sẽ tạo nên trong tâm thức của con người hướng đến tạo tác nghiệp của chính mình. Thời gian để một quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu và chính nó tác động lên sự tái sinh làm loài hữu tình trong thế giới hiện tại, trong đó có con người. Chính điều đó làm cho “vạn vật trong nhân sinh và cả con người” cứ lưu mãi trong luân hồi.
Một nghiệp được gây ra bằng một hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ, tất cả những hành vi này dù có hình hay vô hình đều sẽ tạo thành nghiệp. Vì thế người ta làm cái gì cũng tạo nghiệp (dù đó là những suy nghĩ trong tư tưởng) cho chính bản thân, không nhất thiết việc đó có xảy ra hay không trong thực tế. Một hành động sẽ không tạo nghiệp nếu nó thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Một nghiệp tốt sẽ mang lại kết quả tốt trong sự tái sinh của nghiệp. Muốn thoát khỏi luân hồi, con người phải từ bỏ nghiệp của chính bản thân con người (cho dù nghiệp đó là nghiệp tốt hay nghiệp xấu). Nghiệp làm cho con người tái sinh trong một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định; nghiệp sinh ra hoàn cảnh, sự phản ứng đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người.
Theo thuyết nhân quả thì đạo đức Phật giáo Nam tông được thể hiện ở quan niệm về thiện và ác. Thiện và ác được thể hiện qua hành vi của con người. Thiện chính là làm những việc có lợi cho mình mà không gây hại cho người khác. Ác là những việc làm có hại cho mình và cho cả người khác. Tiêu chí đầu tiên của thiện là bất sát. Vì thế, giới luật đầu tiên trong Ngũ giới mà Phật giáo quy định là bất sát sinh. Để giúp con người hướng tới việc thiện, Phật giáo đã đề ra thuyết Tứ vô lượng tâm.
Tứ vô lượng tâm là nền tảng của đạo đức Phật giáo Nam tông, bao gồm bốn yếu tố là Từ (Maitri), bi (Karuna), hỷ (Mudita) và xả (Upeksha). Từ có nghĩa là khả năng hiến tặng niềm vui, hạnh phúc. Bi có nghĩa là khả năng làm vơi đi nỗi khổ của con người và gồm cả phương pháp và khả năng chuyển hóa nỗi khổ. Hỷ là sự vui vẻ với mình kể cả sự thất bại và trong nghịch cảnh, vui vẻ với thành công của người khác. Xả là tâm luôn xả bỏ những điều trái ý nghịch lòng, không chấp ngã và luôn bao dung độ lượng với người khác.
Nhìn chung, trong hầu hết các tư tưởng đạo đức xã hội đều có tư tưởng từ, bi, hỷ, xả nhưng nét đặc trưng của Phật giáo là ở cái tâm rộng lớn, bao la, bao phủ tất cả các chúng sinh. Do đó, khi nhắc đến mẫu người đạo đức trong Phật giáo người ta hay nói đến Tứ vô lượng tâm, thể hiện là con người luôn vui vẻ, không ganh tỵ trước hạnh phúc của người khác. Vì thế, Tứ vô lượng tâm được xem là đức thiện hoàn chỉnh.
Đức Phật khuyên mọi người nên hành thiện tích đức bằng cách bố thí. Bố thí là cho cùng khắp, cho tất cả mọi người. Bố thí là việc làm xuất phát từ lòng từ bi, từ tình thương người, cho nên dù bất kỳ hình thức nào cũng là hành vi đạo đức cao thượng, có ý nghĩa tốt đẹp. Nó có tác dụng tích cực, khuyến khích mọi người làm điều thiện. Hạnh bố thí là thiện nghiệp nên sẽ cho quả báo tốt, giúp hình thành nhân cách đạo đức cao đẹp, củng cố niềm tin hướng thiện trong mỗi cá nhân, là lối sống có đạo đức có ảnh hưởng đến việc xây dựng nền tảng đạo đức cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội.
Bình đẳng là ngang nhau về quyền lợi và địa vị, không phân biệt nam nữ, sang hèn. Truyền trao chân lý Phật giáo cho mọi người để phá bỏ trước hết sự bất công đang ngự trị trong xã hội Ấn Độ bấy giờ. Một người có thiện tâm, có bình đẳng tâm thì những người xung quanh họ đều được lợi lạc.
Bên cạnh tư tưởng bình đẳng, học thuyết đạo đức Phật giáo Nam tông đề cập đến phẩm chất hiếu đạo của con người, lòng yêu thương giữa con người với con người.
Hiếu đạo là một trong những phẩm chất đạo đức cao quý mà mỗi người đều phải có. Hiếu được thể hiện ở việc kính trọng bề trên, con cái hiếu với cha me, trò hiếu với thầy, trong quan hệ vợ chồng, quan hệ anh em, bạn bè.
Nhìn chung, nội dung cơ bản của giáo lý Phật giáo Nam tông Khmer nhằm điều chỉnh hành vi của con người, hướng hành động của con người đến những việc làm tốt. Điều chỉnh hành vi của con người trên tất cả các lĩnh vực: hành, tâm, ý.
Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông có điểm chung là đều tin thờ vào giáo lý cơ bản của Phật giáo như “Tứ diệu đế”, “Bát Chính Đạo”, “Thập nhị nhân duyên”, đều hướng con người đến con đường giải thoát khỏi nỗi khổ đau trong cuộc sống của con người, tìm ra cuộc sống chân thực nhưng cách biểu hiện và phương thức thực hiện khác nhau. Cho nên, có thể phân biệt hai bộ phái này ở những điểm sau:
(1) Về giới luật, sự thờ phụng: Phật giáo Nam tông “chủ trương gìn giữ nghiêm giới luật truyền thống, theo sát nghĩa kinh điển, trung thành với lời Phật dạy, phái này còn chủ trương không thờ cúng các thần và nếu có thì chỉ thờ Thích Ca Mâu Ni”[2, tr. 267]. Còn Phật giáo Bắc tông gồm những tăng đoàn trẻ “chủ trương tiến bộ, cách tân, không cố chấp nghĩa kinh điển mà chủ trương theo tinh thần trong lời Phật dạy, tùy tình hình mà bổ sung, phát triển thêm”[2, tr. 267]. Phật giáo Bắc tông bên cạnh thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn có đức Phật A Di Đà, Dược Sư và các vị Bồ tát; còn Phật giáo Nam tông chỉ thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, không có một vị Phật nào khác. Phật giáo Nam tông không có ni sư trong khi Phật giáo Bắc tông thì ngược lại.
(2) Nếu như Phật giáo Bắc tông hướng tới một “Hữu dư Niết Bàn” trạng thái Niết Bàn đạt được khi còn đang sống – một trạng thái Niết Bàn nhân bản, nhập thế và hoạt động cùng những buồn vui của nhân thế, thì Phật giáo Nam tông lại hướng tới một “Vô dư Niết Bàn” trạng thái Niết bàn đã đoạn được cái nhân sinh tử, không còn luân hồi nữa, người tu hành đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát, lìa bỏ xác phàm, được tự tại vô ngại.
(3) Phật giáo Bắc tông chủ trương “tự độ tự tha, tự giác tự tha”, nghĩa là vừa tự giác ngộ, tự giải thoát cho chính bản thân mình, đồng thời vừa giác ngộ, giải thoát cho người khác, cho toàn thể chúng sinh. Trong chúng sinh, ai chí thành chí tâm tu đạo đều được các vị Bồ tát tiếp dẫn vào cõi cực lạc. Vì vậy, mà con đường giải thoát mở ra cho cả người xuất gia lẫn các cư sĩ. Trong khi đó, Phật giáo Nam tông cho rằng chỉ có “tự độ, tự tha” cho chính bản thân của mỗi con người, mỗi cá nhân trong quá trình tu luyện. Theo Phật giáo Nam tông thì lại cho rằng, ai tu hành đắc đạo thì người ấy và chỉ người ấy thôi. Chính vì quan niệm này mà có tên gọi là “Đại chúng bộ” (con đường cứu vớt rộng, hay cỗ xe lớn, chở được nhiều người) và “Trưởng lão bộ” (con đường cứu vớt hẹp, hay cỗ xe nhỏ, chở ít người).
(4) Về đời sống tu hành, Phật giáo Bắc tông: ăn chay, người tu hành mặc áo nâu hoặc màu xanh nhạt và tự lao động để sống. Còn Phật giáo Nam tông Khmer ở vùng Nam Bộ Việt Nam, các sư vẫn ăn mặn và các thức ăn này không do sư sãi trực tiếp chế biến mà là do những tín đồ Phật giáo trong phum, sóc chế biến, chỉ ăn kiêng mười thứ thịt đó là: thịt người, thịt voi, thịt ngựa, thịt rắn, thịt sư tử, thịt chó, thịt hổ, thịt beo, thịt gấu, thịt chó sói[8, tr. 221- 226]; còn các thứ thịt khác đều được ăn nhưng phải do người khác giết dâng sư, nhà sư không được tự tay giết để ăn. Nhà sư chỉ ăn hai bữa sáng và trưa (trước giờ ngọ - tức là trước 12 giờ trưa). Sau giờ ngọ đến sáng hôm sau, nhà sư sẽ không được ăn các thức ăn chất đặc mà chỉ có thể dùng chất lỏng như sữa, nước trà, nước đường… Phật giáo Nam tông Khmer về mặt quy chế không chấp nhận sự tu hành của nữ giới, nhưng người phụ nữ Khmer vẫn có thể thực hiện việc tu hành tu tại gia và hàng tháng vẫn được đến chùa trong một số ngày lễ Phật, người tu hành mặc áo cà sa màu vàng.
3. Kết luận
Những giáo lý, giới luật đã được đức Phật chế định từ khi giác ngộ đến khi nhập diệt cho đến nay đã được người Khmer ở Nam Bộ giữ gìn và lưu truyền từ đời này sang đời khác, con tiếp nối cha đời tiếp nối đời. Những quy định không chỉ thể hiện trong giới luật nhà Phật mà còn được thể hiện trong thực tiễn cuộc sống của con người. Đó là những quan điểm trong cuộc sống của con người được đồng bào Khmer Nam Bộ thể hiện nhiều khía cạnh, nhiều nội dung ví như: quan điểm của đức Phật về hạnh phúc và đau khổ, về đạo đức…. những quan điểm này được thể hiện trên nhiều phương diện, nhiều nội dung mà bản thân của mỗi người trong cộng động Khmer ở Nam Bộ phải tuân theo với mục đích là tránh làm điều ác, khuyến khích làm điều thiện, điều tốt, điều lành. Phật giáo Nam tông có vai trò ổn định xã hội, cụ thể là điều tiết và hạn chế xung đột, mâu thuẫn về quan hệ lợi ích giữa các nhóm người với nhau để những mâu thuẫn về lợi ích ấy không trở thành mâu thuẫn đối kháng công khai, dẫn đến phá vỡ sự ổn định trật tự trong cộng đồng. Phật giáo có thể phát huy tác dụng hạn chế và điều chỉnh khiến các mâu thuẫn chồng chéo trong xã hội có thể hợp thành một chỉnh thể mà không đối lập nhau. Các tiêu chuẩn, giá trị đạo đức thấm sâu vào tâm hồn người Khmer Nam Bộ, như những nhu cầu tất yếu, cao cả mà mỗi người xem đó là thước đo phẩm giá, như nghĩa vụ của đạo làm người.
Tác giả: ThS.Trần Văn Mạnh Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trương Văn Chung - Lê Trọng Ân - Lê Hải, Tôn giáo ở các nước Đông Nam Á và Việt Nam (bản thảo). 2. Doãn Chính (1999), Lịch sử triết học Ấn Độ cổ đại, Nxb.Thanh niên, Tp. HCM. 3. C.Mác – Ph. Ănghen (1993), Toàn tập, t.8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 4. Võ Văn Dũng (2015), Sự dung hợp của đạo đức Phật giáo với phong tục tập quán người Nam bộ Việt Nam, Hội thảo Quốc tế Phật giáo vùng Mê- Kông, quyển 2. 5. Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb. Hà Nội. 6. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 3, bản dịch của Thích Minh Châu, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành. 7. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa (1992), Phật học phổ thông, Quyển nhứt, Thành hội Phật giáo Tp. HCM ấn hành. 8. Việc cấm ăn 10 loại thịt này theo quy định của Phật giáo Nam tông Khmer được ghi trong Tạng Luật, Đại phẩm II, Nxb. Tôn giáo, năm 2005. 9. Viện Ngôn Ngữ Học (1995), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng. 10. Thạch Voi (1993), Phong tục tập quán của người Khmer vùng ĐBSCL, Nxb. Văn hóa dân tộc.
Bình luận (0)