Thích Thiện Hưng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

DẪN NHẬP Giáo lý đạo Phật rất cao siêu, nếu chỉ dùng kiến thức hạn hẹp của phàm phu thì khó mà thấu hiểu hết được. Trong Tự Thuyết Kinh, đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, nước của đại dương chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, pháp và luật của ta nói ra cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát" [1]. Để chiêm nghiệm được hương vị thanh lương của sự giải thoát đó, hành giả phải không ngừng nỗ lực tu tập Giới, Định, Tuệ. Vì vậy, đức Phật mới chỉ bày phương pháp thực hành Tam Vô Lậu Học, ngõ hầu làm nền tảng để dẫn dắt chúng ta bước vào cánh cửa giải thoát. Cánh cửa ấy được trình bày trong Thanh Tịnh Đạo Luận một cách rõ ràng, chi tiết xuyên suốt lộ trình Giới - Định - Tuệ. Ở đó, quá trình thực hành Giới, chế ngự và phòng hộ các căn là một điều tiên quyết trong sự tu tập, để đạt đến đạo quả thanh tịnh.

1. Giới thiệu tác giả Buddhaghosa và tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Luận

Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhi-magga) là một bộ luận được trước tác bởi vị cao tăng người Ấn Độ vào khoảng giữa thế kỷ thứ V. Đó chính là Ngài Phật Âm (Buddhaghosa), còn gọi là Phật Minh, Phật Đà Cù Sa, người Phật Đà Già Da, nước Ma Kiệt Đà (Magadha), thuộc trung Ấn Độ. Ngài xuất thân trong gia đình Bà-la-môn.

Ban đầu, Ngài học Vệ Đà, tinh thông Du Già, Số luận... Về sau, Ngài quy y Phật giáo, tinh thông Kinh điển.

Vào năm 432 Tây lịch, Ngài vượt biển sang Tích Lan trú tại Mahavihara (Đại Tự). Theo trưởng lão Sanghapala Thera (Tăng già ba la) nghiên cứu Thánh Điển được tàng trữ tại đây, dịch sang Pali và soạn Thanh Tịnh Đạo Luận. Đồng thời, Ngài đem giáo nghĩa Thượng Tọa Bộ ra soạn thuật thành một hệ thống hoàn chỉnh. Trong đó, Thanh Tịnh Đạo Luận là một tác phẩm toát yếu toàn bộ Tam Tạng Kinh Điển và Luận Sớ.

Bộ Thanh Tịnh Đạo Luận đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau: tiếng Nhật, tiếng Anh, Hán.... trọn bộ gồm 23 chương, nhằm giải thích giáo nghĩa của Thượng Tọa Bộ. Chương 1 và 2 bàn về Giới, chương 3 đến 13 nói về Định, chương 14 đến 23 luận về Tuệ. Đây là bộ luận có quyền uy tối cao đối với Phật giáo Nam truyền. Nội dung của nó ví như một bộ Bách khoa toàn thư, có thể so sánh ngang với bộ Đại Tỳ Bà Sa Luận của Thượng Tọa Bộ.

2. Phân tích lợi ích của Giới trong Thanh Tịnh Đạo Luận

Thanh Tịnh Đạo Luận dùng tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ làm nhân tố để tu tập, quán chiếu về tính chất vô thường, khổ, vô ngã của vạn pháp. Trong nội dung bài viết này, tập trung tìm hiểu về Giới và lợi ích của Giới.

2.1. Định nghĩa về Giới

Thanh Tịnh Đạo Luận định nghĩa Giới gồm 4 nghĩa, như sau:

Thứ nhất, Giới có nghĩa là chế ngự. Chế ngự theo 5 cách:

Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha. Đây chính là giới bổn Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni…

Chế ngự bằng tĩnh giác: nghĩa là ba nghiệp thân, khẩu, ý luôn luôn được chế ngự trong sự giác tĩnh.

Chế ngự bằng tri kiến: chính là những tư duy, nhận định một cách sáng suốt về việc thực hành Giới.

Chế ngự bằng kham nhẫn: nghĩa là trong đời sống tu tập đối với những việc như ý hay bất như ý thì sự chịu đựng, sức kham nhẫn để vượt qua đó chính là cách tu tập Giới.

Chế ngự bằng sự tinh tấn: bằng cách thực hành Tứ Chính Cần. Những điều ác chưa sinh thì ngăn chặn không cho sinh khởi; Những việc ác đã sinh thì chế ngự không cho tăng trưởng; Những việc thiện chưa sinh thì cố gắng làm cho sinh khởi; Những việc thiện đã sinh thì tinh tấn làm cho tăng trưởng.

Mỗi yếu tố đều có công dụng trong quá trình chế ngự, giúp hành giả thực hành Giới phù hợp theo căn tính của chính mình. Chẳng hạn như: chế ngự bằng giới bổn Patimokkha phải thực hành Giới; Chế ngự bằng tĩnh giác và kham nhẫn thì phải thực hành Giới cộng Tuệ; Chế ngự bằng kham nhẫn thì hành giả phải thực hành Định cộng Giới; Chế ngự bằng tinh tấn thì phải thực hành Định. Như vậy, có thể thấy được tam vô lậu học chính là giáo lý xuyên suốt Thanh Tịnh Đạo Luận.

Thứ hai, Giới có nghĩa là kết hợp. Kết hợp 3 nghiệp thân, khẩu, ý hướng đến con đường thánh thiện.

Thứ ba, Giới có nghĩa là nền tảng. Vì nó là cơ sở để cho các thiện pháp phát sinh.

Thứ tư, Giới có nghĩa là thanh lương, làm cho người giữ Giới cảm thấy thân tâm mát mẻ. Giữ Giới nào đảm bảo giải thoát, nhẹ nhàng của Giới ấy.

2.2. Lợi ích của giới

Lợi ích của Giới là nhằm ngăn chặn và chấm dứt các tà hạnh, ngõ hầu thành tựu các chính hạnh. Ở đây, Giới ngăn chặn các hành động của thân, khẩu, ý về ác bất thiện pháp; chế ngự những nhân duyên về ác bất thiện pháp đó. Đồng thời, Giới giúp cho thân hành, khẩu hành, ý hành được nuôi dưỡng trong thiện hạnh và thành tựu.

Phật giáo nhìn nhận về các pháp khác những tôn giáo khác, Phật giáo nhìn nhận các pháp đều không có tự tính, luôn luôn biến đổi theo duyên. Những điều làm cho tham, sân, si sinh khởi thì đó là ác pháp. Những điều giúp đoạn diệt tham, sân, si là thiện pháp. Đạo đức là những điều lợi mình, lợi người trong hiện tại và trong tương lai. Đạo đức chính là thiện và ngược lại.

3. Mối liên hệ về lợi ích của Giới qua Tam Tạng: Kinh, Luật và Luận

Trong Kinh Trường Bộ II có dạy về 5 lợi ích của Giới như sau:

* Người có Giới đức sẽ được hưởng gia tài pháp bảo nhờ tinh cần.

* Người có Giới đức được tiếng tốt đồn xa.

* Người có Giới đức không sợ hãi, rụt rè khi đến trước các hội chúng đông đảo.

* Người có Giới đức khi chết tâm không rối loạn.

* Người có Giới đức sau khi mệnh chung được sinh vào cõi trời [3, tr.25].

Thật vậy, người có Giới đức nghĩa là người thành tựu Giới chắc chắn sẽ đưa đến sự lợi lạc. Xét xem trong cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng xã hội nói chung và cuộc sống tu tập của hành giả nói riêng, chúng ta dễ dàng thấy được những người sống đạo đức, khuôn phép, lấy việc thực hiện điều thiện làm chân lý của cuộc sống, lấy lợi ích chung của mọi người làm nền tảng của sự tu tập thì những người đó được mọi người nể phục, kính lễ. Giới chính là thiện, đức chính là sự huân tu. Thiện nghĩa là không lợi mình, hại người. Huân tu nghĩa là siêng năng bồi đắp. Ngay trong thời của chúng ta: cố HT.Minh Châu, cố HT.Trí Tịnh, cố HT.Trí Quang… nếu không vì một đại nguyện lớn lao giữa cuộc đời, nếu không phải vì sự trường tồn của Đạo Pháp, nếu không phải vì thương tưởng cho hàng hậu học thì sự nghiệp phiên dịch Kinh điển của các Ngài đâu thể thành tựu, chí nguyện tự lợi, lợi tha đâu dễ vuông tròn?

Vậy thử hỏi, gia tài pháp bảo chẳng từ đây mà sinh! Tiếng lành đồn xa chẳng phải từ đây mà hưng khởi! Giới đức tròn đầy thì đâu thể rụt rè trước hội chúng đông đảo! Tâm không khiếp sợ thì dù thân hoại, mạng chung có gì phải lo lắng!

Xuất gia học Đạo nếu không lấy sự tinh tấn, cần mẫn để tôi luyện bản thân thì sự an lạc, giải thoát khó mong đạt tới. Sơ phát Bồ-đề tâm, động cơ thọ Giới nếu không vì mục tiêu trên cầu chính Pháp (vị kỷ), dưới độ chúng sinh (vị tha) thì khó mà vững bền. Nếu không vị kỷ, chúng ta không thể siêng năng tu tập Giới - Định - Tuệ. Nếu không vị tha, chúng ta không thể cần mẫn thực hành thiện pháp. Để từ đó có thể thấy sự thiết thực của việc học Phật và pháp Phật luôn luôn đưa đến tự lợi, lợi tha chứ không ở góc độ phiến diện; cũng chẳng phải là Đạo yếm thế, “tiêu nha bại chủng”, hay “độc thiện kỳ thân”.

Trong Luật Tạng, Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da lại dạy về 10 lợi ích khác của Giới như sau:

* Vì để thu nhiếp chúng tăng.

* Vì muốn cho chúng tăng hoan hỉ.

* Vì muốn cho chúng tăng sống an lạc.

* Vì để hàng phục những kẻ phá giới.

* Vì để cho những người có tàm, có quí được an ổn.

* Vì để cho những người không tin tưởng phải tin tưởng.

* Vì để cho những người đã tin càng thêm tin.

* Vì muốn đoạn trừ các pháp hữu lậu trong hiện tại.

* Vì muốn đoạn trừ các pháp hữu lậu trong tương lai.

* Vì muốn cho nếp sống phạm hạnh được tồn tại lâu dài [2, tr.20-21].

Qua 10 lợi ích của Giới trong Luật Tạng, chúng ta có thể thấy được rằng Giới chế ngự những người phá giới ở ác bất thiện pháp nhưng lại chế ngự để những người giữ Giới được an lạc. Ở đây, chúng ta sẽ đánh giá lợi ích của Giới theo các vấn đề sau:

Thứ nhất, Giới giúp uốn nắn đời sống của tu sĩ. Như chúng ta biết, Giới Luật là sinh mạng của chúng tăng và bản chất của Giới Luật đưa đến sự hòa hợp và thanh tịnh. Trong bất cứ một tập thể nào, nếu không có những qui định làm khuôn phép cho quá trình vận hành thì chắc chắn tập thể đó sẽ sớm bị tan rã. Nhưng khi qui định đó đã trở thành tiêu chuẩn chung để đánh giá đạo đức thì mỗi thành viên trong tập thể phải thực hành một cách đúng đắn. Chẳng hạn vào buổi sáng, tất cả đại chúng đều phải chấp tác. Đó là công việc thường nhật, nhằm rèn luyện sự tinh tấn. Nhưng mùa đông ở xứ Huế rất lạnh, chúng ta trễ nải, bỏ bê công việc mình đảm nhiệm, đi ngược lại qui định chung của tập thể. Nhờ công năng của Giới, khiến cho chúng ta phát sinh tàm quý, chế ngự bằng sự tinh tấn đã thúc dục chúng ta phải cố gắng vượt qua sự biếng nhác đó để hoàn thành bổn phận và trách nhiệm của mình trong tập thể. Qua đó, chúng ta thấy được rằng nhờ công năng của Giới đã thu nhiếp chúng tăng trong hoạt động chung, khiến cho chúng tăng sống hoan hỉ và an ổn. Đồng thời, mang một ý nghĩa vi tế trong sự tự lợi và lợi tha giữa cá nhân và tập thể, cùng hướng đến lợi ích chung trong nếp sống Phạm hạnh.

Thứ hai, bản chất của Giới hoàn toàn đúng đắn và chắc thật. Vì sao? Vì Giới chính là nền tảng làm phát sinh các hạnh lành, không những đem lại lợi ích cho ngay bản thân người thực hành Giới mà còn đem lại lợi ích cho người khác. Giới không sai, sai do người thực hành giới bị sai. Ví dụ trong thời đại ngày nay với sự phát triển của công nghệ 4.0, mạng lưới thông tin là một hệ thống cần thiết và thuận lợi trong vấn đề hoằng Pháp, truyền tải giáo lý đến mọi tầng lớp trong xã hội. Giúp cho những người chưa có cơ hội tiếp xúc với Giáo lý thì có cơ hội tiếp xúc, chưa phát khởi tín tâm thì phát khởi tín tâm. Những người đã phát lòng tin thì cũng nhờ đây mà tin tưởng hơn. Nhưng, nếu chúng ta không khéo sử dụng một cách hợp lý, thì mạng lưới thông tin đó cũng chính là con dao hai lưỡi làm hại chính bạn và chính tín đồ mà bạn đang hướng tới.

Thứ ba, Giới đem lại lợi ích cho số đông. Bởi vì khi thực hành giới của bản thân đã có hàm chứa tự lợi và lợi tha ở ngay trong đó rồi. Tự lợi và lợi tha là hai mặt của một vấn đề, và mục tiêu của người tu sĩ là làm cho Đạo Pháp trường tồn, duy trì nếp sống Phạm hạnh được lâu dài. Khi chúng ta thực hành giới không sát sinh, thì bản thân chúng ta được thành tựu giới ấy và những chúng sinh khác cũng được nhờ việc không sát sinh đó mà được yên ổn. Khi chúng ta thực hành hạnh bố thí, thì chúng ta thành tựu được thiện hạnh và người khác cũng được an lạc, hạnh phúc vậy.

Nói tóm lại, dù đứng ở góc độ nhận định của Kinh Tạng, Luật Tạng hay Luận Tạng thì Giới đều đem lại những giá trị nhất định. Giá trị ấy được thể hiện không những ở lợi ích cho bản thân người thực hành giới mà còn lợi ích cho người khác. Đây chính là điều trọng tâm của Giới.

Trong 15 điều lợi ích của Giới được chỉ dạy ở trên, không phải là không thực tế và không thể đạt được. Điều quan trọng là chúng ta chiêm nghiệm về những lợi ích đó như thế nào trong quá trình tu tập. Bạn uống nước bạn sẽ biết nước nóng hay nước lạnh, ngọt mát hay lạt lẽo. Xét lại, bản thân khi chưa thể thực hành Giới một cách trọn vẹn chứ không phải không thể. Bây giờ, bản thân chưa trải nghiệm hết 15 điều lợi ích mà Giới đưa lại chứ không phải là không đạt được. Suy nghĩ như vậy để cố gắng tu tập nhiều hơn, không buông lung, biếng nhác. Đấy là tất cả những gì mà công năng của Giới đưa đến cho mỗi chúng ta.

Kết luận

Qua sự phân tích về lợi ích của Giới trong Thanh Tịnh Đạo Luận, chúng ta có thể thấy được rằng: Quá trình tu tập không phải là một vấn đề dễ dàng, để đem ra bàn bạc nghe cho vui tai, nói một cách sáo rỗng. Đó là cả một quá trình huân tu, chiêm nghiệm về giáo lý một cách liên tục và xuyên suốt. Nhưng không phải vì khó khăn mà chúng ta không cố gắng, không phải vì khó đạt được mà chúng ta buông lung. Sự tu tập và thực hành Giới là một vấn đề cần thiết để làm nền tảng cho quá trình vận hành Tam Vô Lậu Học. Dẫu biết rằng, hư không rộng lớn ta chưa thể thấu tột, đại chủng vô biên ta chưa thể xét soi; Nhưng với sự tin tưởng chắc chắn rằng: trong tương lai chúng ta sẽ trải nghiệm rõ ràng 15 điều lợi ích mà Giới đem lại cho đời sống tu tập của chúng ta nói riêng và cho cả đoàn thể Tăng già nói chung.

Trong cuộc sống hiện nay, với sự du nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau, tri thức con người ngày càng được mở rộng. Cũng chính vì lẽ đó, sự tha hóa về đạo đức của giới trẻ ngày càng cao. Với trách nhiệm là người dẫn dắt chúng sinh trên con đường hướng về sự giải thoát, hướng về nếp sống thiện hạnh, nếu bản thân chúng ta không khéo trong vấn đề tiếp nhận tri thức, củng cố bản thân thì ngay chính chúng ta cũng có lỗi với Đạo rồi. Muốn người khác không có sự nghi ngờ về Đạo giải thoát, thì ngay chính bản thân chúng ta phải thực hành được sự giải thoát ấy và đem điều lợi ích đó ra chỉ bày lại cho người khác.

Thích Thiện Hưng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022 ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. HT. Thích Minh Châu (dịch) (1999), Kinh Tiểu Bộ - Tập 1, NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 2. HT. Thích Thiện Siêu (2002), Cương yếu giới luật, NXB Tôn giáo, Hà Nội. 3. HT. Thích Phước Sơn (2010), Thanh Tịnh Đạo luận toản yếu, NXB Phương Đông, Cà Mau. 4. HT. Thích Phước Sơn (2010), Một số vấn đề về giới luật, NXB Phương Đông, Cà Mau. 5. Phật Đà Bạt Đà La - Sa môn Pháp Hiển (HT. Thích Phước Sơn dịch) (2011), Luật Ma Ha Tăng Kỳ - Tập 4, NXB Tôn giáo, Hà Nội. 6. Tuệ Sỹ, Nguyên An, Tâm Nhãn, Nguyên Thịnh, Hoằng Trí (dịch), Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-da sự - Tập 1-4, NXB Hồng Đức, Hà Nội. 7. Nanamoli (Thích Nữ Trí Hải dịch) (2014), Thanh Tịnh Đạo - Tập 1, NXB Hồng Đức, Hà Nội.