Xuất thân từ một gia đình theo đạo Cơ Đốc ở Hoa Kì, nhưng đã từng tu học pháp Bụt hơn 14 năm tại Ấn Độ và các nước khác ở châu Á, tiến sĩ Peter D.SANTINA là một học giả uyên thâm về pháp Bụt. Ông từng đi thuyết trình ở nhiều nơi trên thế giới về mô hình toàn bộ của pháp Bụt và đặc biệt nhấn mạnh những điều cốt lõi trong pháp Bụt một cách hết sức cụ thể, logic và có hệ thống theo cách nhìn khoa học của phương Tây.
Dưới đây là một đoạn trích dịch từ cuốn “Fundamentals of Buddhism” (Những nền tảng của Pháp Bụt), ghi lại loạt bài giảng mà ông đã thuyết trình tại tu viện Srilankaramaya (Singapore) năm 1984.
Có nhiều cách mà theo đó các dân tộc khác nhau với những nền văn hoá và truyền thống khác nhau hiểu về pháp Bụt. Riêng ở đây chúng tôi có thể đối chiếu thái độ của người phương Tây (hoặc thái độ hiện đại) với thái độ truyền thống đối với pháp Bụt. Sở dĩ cách nghiên cứu pháp Bụt từ nhiều phía như thế này rất có ích là bởi vì khi hiểu được những cách nhìn khác nhau của các dân tộc có nền văn hoá khác nhau đối với một vấn đề gì đó, chúng ta có thể thấy được mặt hạn chế hoặc tính phiến diện trong cách nhìn của chính chúng ta.
Pháp Bụt đã khơi dậy mối quan tâm và thiện cảm rất rộng rãi ở các nước phương Tây. Nhiều người có địa vị đáng nể trong các xã hội phương Tây rất có cảm tình hoặc đã theo hẳn pháp Bụt. Điều này được minh chứng bởi lời nói bộc bạch của Albert Einstein trong tự truyện của ông rằng ông là một người không tôn giáo, nhưng nếu ông là một người có tôn giáo thì ông phải là một người theo pháp Bụt. Điều này thật đáng ngạc nhiên và chúng ta không ngờ rằng cha đẻ của nền khoa học hiện đại lại bộc bạch như vậy. Hơn nữa, nếu chúng ta nhìn vào các xã hội phương Tây hiện nay chúng ta sẽ tìm thấy một nhà vật lí thiên văn theo pháp Bụt ở Pháp, chúng ta sẽ tìm thấy một nhà tâm lí học nổi tiếng theo pháp Bụt tại trường Đại học Roma và mới đây nhất một vị Chánh án ở nước Anh cũng theo pháp Bụt. Lát nữa chúng ta sẽ xét kĩ nguyên nhân vì sao pháp Bụt lại được quan tâm ở phương Tây đến như thế. Nhưng trước khi làm việc đó, chúng tôi muốn so sánh tình hình kể trên với tình hình tại các nơi khác trên thế giới.
Nói chung, tại châu Âu người ta cho rằng pháp Bụt là rất tiến bộ, rất hợp lí và rất tinh tế. Chính vì vậy mà chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi đi đến một số nước ở châu Á và nhận thấy rằng phần lớn những người ở đây nhìn nhận pháp Bụt như là đã lỗi thời, không hợp lí và dính líu quá nhiều đến thói mê tín dị đoan. Đó là một thái độ trái ngược hẳn (so với thái độ tại Phương Tây) khi nhận định về pháp Bụt. Ngoài ra ở đây còn có một thái độ thứ hai, lại cho rằng pháp Bụt quá sâu xa và quá trừu tượng “đến nỗi người ta không thể nào hiểu nổi”. Thái độ này là sự quay ngoắt hẳn lại. Đây chính là điều tôi muốn đề cập đến về cách nhìn từ nhiều phía, bởi vì trong mắt người phương Tây, pháp Bụt có một hình ảnh nào đó; trong khi đó với cách nhìn truyền thống lại có một hình ảnh khác, thậm chí khác hẳn. Hình ảnh tiêu cực nêu trên ở một số người nhận định về pháp Bụt cần phải được chuyển hoá trước khi người ta có thể thật sự tìm hiểu giá trị của những lời Bụt dạy, để có thể đi đến một cách nhìn đúng đắn và xứng đáng khi tìm hiểu pháp Bụt.
Một trong những điều đầu tiên mà người phương Tây thấy được giá trị của pháp Bụt là ở chỗ pháp Bụt không bị giới hạn bởi một nền văn hoá nào, không gắn kết với một xã hội nào, một dòng giống nào hoặc một dân tộc riêng biệt nào cả. Có những tôn giáo bị hạn chế bởi một nền văn hoá nào đó, như đạo Do Thái chẳng hạn. Điều đó giải thích tại sao về mặt lịch sử chúng ta thấy có những người theo pháp Bụt là người Ấn Độ, người Trung Hoa, người Thái Lan, người Sri Lanka, người Myanmar… và chúng ta cũng sắp thấy có những người theo pháp Bụt là người Anh, người Mĩ, người Pháp… Đó là vì pháp Bụt không bị giới hạn bởi một nền văn hoá nào cả.
Pháp Bụt rất dễ dàng dịch chuyển từ nền văn hoá này sang nền văn hoá khác, bởi vì pháp Bụt chú trọng vào việc thực tập bên trong lòng (nội tâm) hơn là thực hành các nghi thức bên ngoài. Pháp Bụt nhấn mạnh về phương cách bạn trau dồi và mở mang tâm trí của chính bạn hơn là cách thức bạn chăm sóc mái tóc trên đầu bạn…
Điều thứ hai mà chúng tôi muốn lưu ý là tính thực dụng hoặc là tính thực tiễn của pháp Bụt. Thay vì quan tâm tới siêu hình học và những lí thuyết kinh viện, pháp Bụt giải quyết những vấn đề tự thân và tiếp cận những vấn đề ấy một cách rất cụ thể. Đây lại là điều rất phù hợp với tư tưởng phương Tây về thuyết tiện ích rằng “vật gì làm việc tốt mới dùng”. Đó chính là một bộ phận của triết lí khoa học, kinh tế và chính trị của phương Tây. Thái độ thực dụng này đã được trình bày rõ ràng trong kinh Culama-Lunkya, trong đó Bụt đã lấy ví dụ về một người bị thương (trúng tên độc). Người bị trúng tên muốn biết kẻ nào đã bắn mũi tên, mũi tên bay tới từ hướng nào tới, đầu mũi tên làm bằng loại gỗ gì trước khi anh ta đồng ý cho rút mũi tên độc ra. Người ấy cũng giống như những ai muốn biết nguồn gốc của vũ trụ, rằng thế giới có tồn tại mãi hay không, có giới hạn hay không có giới hạn, trước khi thực hành pháp Bụt. Chắc chắn người bị trúng tên độc sẽ chết trước khi có đủ các câu trả lời mà anh ta muốn biết về nguồn gốc và tính chất của mũi tên. Cũng như vậy, con người sẽ chết trước khi họ có được các câu trả lời cho tất cả các câu hỏi không dính dáng gì đến họ. Điều này minh hoạ cho cái mà chúng ta gọi là thái độ thực tiễn của Bụt. Có nhiều điều để nói về tất cả những câu hỏi ưu tiên và vấn đề cần giải quyết. Chúng ta không thể mở mang tâm trí nếu như chúng ta đặt những câu hỏi sai lầm. Điều mấu chốt ở đây chính là một câu hỏi ưu tiên. Đối với tất cả chúng ta việc ưu tiên số một chính là câu hỏi về nỗi đau khổ trong lòng mỗi người. Bụt đã nhận ra điều đó và nói rằng đối với mỗi người chúng ta chẳng cần suy đoán xem thế giới này có còn mãi hay không, bởi vì mỗi người chúng ta đều có một mũi tên ẩn chứa trong ngực mình, mũi tên của nỗi đau khổ trong lòng. Chúng ta cần phải đặt những câu hỏi nhằm đưa tới việc loại bỏ mũi tên này ra khỏi lòng mình đi.
Người ta cũng có thể lí giải chuyện này một cách hết sức đơn giản. Trong đời sống hàng ngày chúng ta luôn luôn phải lựa chọn những việc cần làm trước. Ví dụ, nếu chúng ta luộc đậu trên lò và định trong khi chờ đậu sôi chúng ta quét nhà. Khi đang quét nhà ta bỗng ngửi thấy mùi khét. Chúng ta buộc phải có sự lựa chọn: hoặc là cứ tiếp tục quét nhà, hoặc phải hạ lửa trong lò xuống để đậu khỏi bị cháy. Cũng theo cách đó, nếu ta muốn tiến tới khơi mở tâm trí mình, ta phải nhận biết điều gì phải làm trước và điều này đã được trình bày rõ ràng trong câu chuyện về người bị trúng tên nói trên.
Điều thứ ba chúng tôi muốn đề cập đến là lời Bụt dạy về tầm quan trọng của việc kiểm chứng thông qua kinh nghiệm của chính mình. Điều này cũng đã dược làm rõ trong lời khuyên của Ngài đối với những người Kalama trong kinh Kesaputtiya. Những người Kalama rất giống chúng ta ngày nay khi mà chúng ta đứng trước quá nhiều giáo lí khác nhau. Những người Kalama đã tìm đến Bụt và hỏi Ngài rằng có nhiều vị thầy khác nhau và vị nào cũng cho rằng chủ thuyết của mình là đúng. Vậy thì làm thế nào để biết được rằng ai là người nói đúng sự thật. Bụt bảo họ rằng không nên chấp nhận bất kì điều gì chỉ vì uy tín cá nhân, không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều đó được ghi chép trong sách vở, không nên chấp nhận điều gì chỉ vì lòng kính nể thầy mình, hoặc chỉ vì lời đồn đại, hoặc chỉ vì điều đó hình như có lí, mà phải tự mình kiểm chứng, thử nghiệm cái điều mình được nghe dưới ánh sáng kinh nghiệm của chính bản thân mình. Khi mình tự biết được cái gì đó là độc hại thì nên loại bỏ đi; cái gì đó là ích lợi, đưa tới yên vui và hiểu biết thì nên nương theo. Bụt muốn khuyên rằng mọi người nên kiểm chứng bằng ánh sáng kinh nghiệm của chính mình tất cả những gì mình đã được nghe. Chúng tôi nghĩ rằng điều Bụt muốn nói trong lời khuyên này của Ngài là hãy dùng tâm trí của mình như là một ống nghiệm. Bạn có thể tự thấy được rằng khi mà lòng thèm khát (tham), nỗi giận hờn (sân) và sự ngu dốt (si) có mặt, chúng sẽ đưa bạn đến buồn khổ và lo âu. Bạn cũng có thể tự thấy khi thèm khát, giận hờn và ngu dốt không còn ở trong lòng, thì bạn sẽ có được niềm yên vui và hạnh phúc. Đó chính là một kinh nghiệm rất đơn giản mà tất cả chúng ta ai cũng có thể thực hiện được. Đây là một điều rất quan trọng, bởi vì lời Bụt dạy chỉ có hiệu quả, chỉ thực sự chuyển hoá cuộc sống của chúng ta nếu như chúng ta nhận biết được sự đúng đắn của nó và kiểm chứng nó thông qua kinh nghiệm của chính chúng ta. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể thật sự nói rằng chúng ta đang tiến bước trên đường tỉnh thức.
Ở đây chúng ta có thể nhận thấy sự giống nhau rất đáng ngạc nhiên giữa cách tiếp cận của Bụt và cách tiếp cận của khoa học hiện đại đối với vấn đề tri thức. Bụt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan sát đối tượng. Trong một nghĩa nào đó, việc quan sát (dõi theo) chính là chìa khoá của phương pháp nhận thức của Bụt. Có thể nói việc quan sát đã đem lại Lẽ Thật Sâu Mầu thứ nhất trong Bốn Lẽ Thật Sâu Mầu, đó là Lẽ Thật Sâu Mầu về nỗi đau khổ trong lòng. Lại nữa, ở giai đoạn cuối trong đường lối của Bụt, việc quan sát (dõi theo) đó đã làm rõ nhận thức của Bụt về sự chấm dứt hoàn toàn đau khổ. Như vậy ở đoạn đầu, ở đoạn giữa và cả đoạn cuối đường lối của Bụt việc quan sát (dõi theo) là hết sức quan trọng.
Điều này cũng giống như vai trò của quan sát đối tượng trong truyền thống khoa học. Đó là khi chúng ta nghiên cứu một vấn đề gì đó, trước hết chúng ta cần phải mô tả rõ ràng một lí thuyết tổng quát kèm theo là một giả thuyết riêng. Chúng ta cũng thấy có một cái gì đó rất giống như vậy trong lời dạy của Bụt về Bốn Lẽ Thật Sâu Mầu, mà ở đây lí thuyết tổng quát là ‘tất cả mọi hiện tượng đều có nguyên nhân của nó’, còn giả thuyết riêng là nguồn gốc của nỗi đau khổ trong lòng ta chính là nỗi thèm khát, lòng giận hờn và sự ngu dốt. Sự thật rằng nguồn gốc của đau khổ là thèm khát, giận hờn và ngu dốt có thể được kiểm chứng bằng phương pháp thực nghiệm. Trong phạm vi Bốn Lẽ Thật Sâu Mầu, phương pháp thực nghiệm chính là đường lối tu tập (thực hành). Thông qua đường lối tu tập này, Lẽ Thật Sâu Mầu thứ hai (nguyên nhân của đau khổ) và Lẽ Thật Sâu Mầu thứ ba (khả năng chấm dứt đau khổ) sẽ được kiểm chứng, bởi vì khi chuyên tâm thực hành đường lối tu tập người tu sẽ dần dần loại bỏ được lòng thèm khát, tính giận hờn và sự ngu dốt. Qua việc loại bỏ đó, người tu sẽ loại bỏ được nỗi đau khổ trong lòng. Hơn nữa, việc thực nghiệm này còn có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần giống như trong khoa học, bởi vì không chỉ riêng Bụt mà tất cả những ai thực hành theo đường lối của Bụt cũng đều sẽ đạt tới như vậy.
Cũng giống như thế, nếu chúng ta xem xét kĩ cách tiếp cận của Bụt đối với vấn đề tri thức, chúng ta sẽ nhận thấy rằng cách tiếp cận của Ngài rất giống cách tiếp cận của khoa học, và chính điều này đã gây một sự quan tâm thật sự đáng kể ở phương Tây. Bây giờ chúng ta mới hiểu được tại sao Albert Einstein đã có những lời bộc bạch nêu ra ở trên.
Kinh nghiệm trong pháp Bụt bao gồm hai thành phần: khách thể và chủ thể. Đó là những sự vật quanh chúng ta và chính chúng ta, người lĩnh hội. Pháp Bụt được nhiều người biết đến là nhờ phương pháp phân tích trong lĩnh vực triết học và tâm lí học. Điều mà chúng ta muốn nói đến là Bụt đã phân tích kinh nghiệm ra thành nhiều yếu tố, mà cơ bản nhất trong số các yếu tố đó là Năm Mối Ràng Buộc (Nhóm; Ngũ Uẩn) - hình sắc, cảm thụ, nghĩ nhớ, ý chí và sự để ý (sắc, thụ, tưởng, hành, thức). Năm mối ràng buộc này đến lượt mình lại có thể được phân tích thành 18 thành phần (sáu căn, sáu trần, sáu thức), chúng ta còn có cách phân tích tỉ mỉ hơn nữa thành 72 thành phần. Phương pháp này gọi là phương pháp phân tích vì nó tiến hành chia tách mọi sự vật. Một khi chúng ta không thoả mãn với một khái niệm mơ hồ nào đó của kinh nghiệm, chúng ta phân tích nó, giống như tháo gỡ một cỗ xe thành các bánh xe, trục xe… và chúng ta làm việc này nhằm có được khái niệm về sự vật đó hoạt động như thế nào. Ví dụ khi chúng ta nhìn một bông hoa, tất cả những kinh nghiệm này nảy sinh như là kết quả của các bộ phận cấu thành.
Chúng ta đã biết cách tiếp cận phân tích được dùng rất căn bản và rất quen trong khoa học hiện đại. Trong triết học truyền thống, cách tiếp cận phân tích đã được Bertrand Russell sử dụng tốt nhất. Có những công trình nghiên cứu so sánh rất thành công triết học của Bertrand Russell với triết học của Pháp Vi Diệu (Abhidharma) trong pháp Bụt. Như vậy ta thấy sự tương đồng gần gũi giữa khoa học và triết học phương Tây với phương pháp phân tích trong pháp Bụt và điều này cũng là nét nổi bật rất cuốn hút các viện sĩ hàn lâm phương Tây đến với pháp Bụt. Trong lĩnh vực tâm lí học, ngày nay nhiều nhà nghiên cứu tâm lí học đã quan tâm sâu sắc đến cách phân tích của pháp Bụt đối với các yếu tố của kinh nghiệm như là cảm xúc, nghĩ nhớ, thói quen, nếp sống… Hiện nay họ đang quay về với lời Bụt dạy để có được cái nhìn sáng suốt hơn đối với ngành nghiên cứu của mình.
Chính lúc này đây, sự quan tâm ngày càng tăng đối với pháp Bụt và việc nhận ra nhiều nét giống nhau giữa những lời Bụt dạy và những khuynh hướng phát triển của khoa học, triết học và tâm lí học hiện đại đã lên tới đỉnh cao của chúng, thể hiện trong những gợi ý do ngành vật lí lượng tử, những phát triển mới nhất trong ngành vật lí lí thuyết và vật lí thực nghiệm nêu lên. Rồi chúng ta cũng thấy rằng không chỉ phương pháp khoa học – quan sát, kiểm nghiệm và phân tích - đã được Bụt áp dụng từ trước đây trên 2500 năm, mà ngay cả một số những kết luận rất đúng đắn về bản chất con người và vũ trụ mà những phát triển mới nhất trong vật lí lượng tử nêu lên cũng đã được Bụt chỉ ra rồi. Ví dụ vai trò quan trọng của tâm trí con người. Cách đây không lâu một nhà vật lí nổi tiếng đã có nhận xét rằng vũ trụ thật ra là một cái gì đó giống như một tư tưởng vĩ đại. Điều này đã được nói tới trong kinh Lời Pháp (Dhammapada; Pháp Cú) rằng tâm trí dẫn trước mọi sự vật, rằng tâm trí tạo ra tất cả các trạng thái tâm thức (tâm trạng). Tương tự như vậy tính chất tương đối giữa vật chất và năng lượng cũng đã được đề cập đến. Không có sự phân chia rạch ròi giữa tâm trí và vật chất. Tất cả những chỉ dẫn này ngày nay cũng đã được những phát triển mới nhất của khoa học dần dần khám phá ra.
Vậy ngày nay ở phương Tây, các viện sĩ hàn lâm, các nhà tâm lí học và các nhà khoa học đã tìm thấy trong pháp Bụt một truyền thống phù hợp với một số chủ thuyết cơ bản của tư tưởng phương Tây. Thêm vào đó, họ còn thấy rằng pháp Bụt rất hấp dẫn, bởi vì không chỉ phương pháp và những phát minh khoa học rất giống với những phương pháp và những phát hiện của pháp Bụt, mà họ còn thấy được rằng cho tới nay trong khoa học chưa tìm ra được đường lối hoặc phương pháp nào thực hiện được việc chuyển hoá bên trong lòng con người (nội tâm). Họ đã có những phương pháp xây dựng tốt hơn đối với các thành phố hoặc các đường cao tốc, nhưng họ chưa có một hệ thống nào có thể xây dựng cho con người trở thành tốt lành hơn được. Cho nên người phương Tây đang quay về với pháp Bụt.
Rõ ràng pháp Bụt là một truyền thống lâu đời xuất phát từ phương Đông, có nhiều lĩnh vực rất giống với việc thực hành trong truyền thống khoa học của phương Tây, nhưng pháp Bụt đã vượt qua chủ nghĩa duy vật trong truyền thống khoa học phương Tây và đã vượt qua cả giới hạn của truyền thống khoa học nữa.
Tiến sĩ Peter D. SANTINA (Dịch: Huyền Cương Lê Trọng Cường)
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2018
Bình luận (0)