Thích Ân Truyền - Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp. HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022
Tu tập theo Tịnh độ tông
Tại miền Bắc, trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo, pháp môn tu tập chủ yếu là Tịnh độ tông, bởi vì người dân ở đây số nhiều làm nghề trồng lúa nước, họ không có nhiều thời gian hành trì thiền quán cũng như tiếp cận những giáo lý chuyên sâu về Thiền tông. Bởi vậy họ chỉ cần một pháp môn dễ thực hành trong mọi lúc mọi nơi, phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, thì pháp môn Tịnh độ đáp ứng được những nguyện vọng trên, tu tập pháp môn Tịnh độ chỉ cần trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà và “phương pháp tu tập của Tịnh Độ dễ thực hành, dễ tu, dễ chứng, được cho là tiện ích không những về kiếp sau mà còn có lợi cho ngay cuộc sống hiện tại, rất phù hợp với tâm thức tín ngưỡng truyền thống của quảng đại cư dân nông nghiệp trồng lúa nước đến với tôn giáo chủ yếu qua nghi lễ chứ không hoàn toàn ở giáo lý, nên trong đời sống Phật giáo Việt Nam, pháp môn này tỏ ra ưu thắng so với Thiền Tông”(1). Chính vì lí do đó đã làm cho pháp môn Tịnh độ được hưởng ứng tu tập một cách rộng rãi.
Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn dễ tu tập, giản dị, gần gũi với mọi người, ai cũng có thể tu tập được, đây là một con đường có thể đưa người hành giả về cõi Cực lạc vô cùng nhanh chóng. Người tu tập chỉ cần trì niệm danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” hằng ngày là có thể đạt được những thành tựu ngay trong đời sống hằng ngày và cả tương lai. Nhưng để đạt được sự thành tựu để vãng sinh về thế giới Cực lạc thì người hành giả cần phải có ba món tư lương đó là Tín-Hạnh- Nguyện, đây là ba thứ rất quan trọng của người tu tập pháp môn Tịnh độ. Giống như người đi xa cần phải mang theo lương thực để dùng, cũng vậy ba món tư lương này chính là hành trang để người hành trì pháp môn Tịnh độ muốn được vãng sinh về thế giới Tây phương. Theo tác giả Phúc Chỉnh, ba món tư lương Tín-Hạnh-Nguyện được định nghĩa như sau:
Tín là sự tin tưởng một lòng chuyên chú duy nhất vào một đối tượng nào đó, qua đó giúp cho người đó có lòng tin vững chắc đối với đối tượng mà mình đang tin tưởng. Người hành trì pháp môn niệm Phật cần phải tin tưởng rằng, niệm Phật thì chắc chắn sẽ được vãng sinh về thế giới Cực lạc, khi niềm tin đã vững thì sẽ không xao lãng trong việc trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, để từ đó có kết quả viên mãn và được sinh về thế giới Cực lạc. Chính vì vậy, người tu pháp môn Tịnh độ thì đức Tín là điều quan trọng nhất cần phải có.
Hạnh là giới hạnh, người giữ giới hạnh sẽ phát sinh công đức, từ đó sẽ hoàn thành những việc làm của mình khi giới hạnh được giữ gìn, người tu Tịnh độ thì cần phải giữ gìn giới hạnh mới có kết quả như mong muốn. Giới sinh ra hạnh, muốn có hạnh tốt, thì nên giữ giới cho nghiêm mật. Người tại gia thì giữ gìn Ngũ giới, Thập thiện, người xuất gia thì giữ giới tùy theo cấp bậc của mình. Khi giới đã được giữ trọn vẹn thì làm việc sẽ hợp với đạo. Vì niềm tin vững chắc nên chuyên cần niệm Phật, do niệm Phật mà thiện căn ngày càng sinh trưởng, đem thiện căn giúp đỡ mọi người sẽ có công đức, từ đó sự tu tập sẽ được những lợi ích ngay trong đời sống hằng ngày(2).
Nguyện là sự phát nguyện, với mong muốn thành công trong công việc của mình, đó là thành Phật, được sinh về thế giới Cực lạc. Để đạt được những mong muốn trên, người hành giả tu tập trước tiên cần phải sám hối, xin sám hối những tội lỗi mà mình đã gây tạo trong quá khứ cho đến hiện tại do ba nghiệp tham, sân, si, nay xin phát nguyện trước Phật đà nguyện tiêu diệt hết. Khi đã trừ bỏ những nghiệp xấu ác rồi, tiếp tục phát nguyện làm những việc lành, tu các công đức để thành tựu quả phúc, với mong muốn cuối cùng là được vãng sinh về thế giới Tịnh độ của đức Phật A Di Đà(3).
Ba món tư lương trên là hành trang không thể thiếu của người hành trì tu tập pháp môn Tịnh độ, khi đã có đủ những tư lương cần thiết cho việc tu trì thì sự hành trì và kết quả sẽ đạt được vô cùng to lớn ngay trong đời sống hiện tại và tương lai. Đây được xem là kiềng ba chân, thiếu một trong ba sẽ không đứng vững, trong ba món tư lương này, Tín là cần nhất, vì nếu “không có tín thì không có nguyện lực, không có chỗ gốc để bắt tay làm”(4).
Người tu tập hành trì pháp môn Tịnh độ ngoài diệt trừ những bất thiện pháp ra còn có công năng trừ được ma chướng ở cõi Ta bà này. Trong cõi Dục giới có bốn loài ma hay được đề cập đó là: Phiền não ma; Ngũ ấm ma; Tử ma và Thiên ma. Đây là bốn loại ma thường hay làm cho con người luôn luôn bị bất an và gây ra không biết bao nhiêu nghiệp chướng, vì vậy cần phải đoạn trừ những ma chướng này. Phương pháp đoạn trừ tứ mà cũng có nhiều cách, nhưng người hành trì pháp môn Tịnh độ thì chỉ cần niệm “Nam mô A Di Đà Phật, đủ có hiệu lực hàng phục được cả Tứ ma”(5). Điều đó cho thấy rằng, pháp môn Tịnh độ có công năng rất lớn trong việc đoạn trừ ma chướng, làm cho thân tâm được bình yên, giúp cuộc sống trở nên hạnh phúc và an lạc hơn khi không còn phải lo sợ những nghiệp chướng làm trở ngại khi hành trì pháp môn niệm Phật.
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phap-mon-tinh-do-trong-phong-trao-chan-hung-phat-giao-o-mien-trung.htmlPháp môn Tịnh độ được người dân hành trì hằng ngày đã mang lại những lợi ích nhất định, thì cũng có những bài thơ tán thán, ca tụng về đức Phật A Di Đà như sau:
“Tịnh độ tu riêng một phái người, Niệm Di Đà Phật tiếng không ngơi. Mười lần danh hiệu nghe ai xướng, Một loạt siêu sinh tới cảnh vui. Reo nẩy hoa sen ba cõi đất, Phủ trùm bông liễu bốn phương giời. Phật đời quá khứ ngài làm chủ, Cứu vớt trầm luân đã mấy đời”(6).
Ngoài ra còn có bài thơ Khuyến Tu khuyên mọi người nên tu tập pháp môn niệm Phật để được vãng sinh về thế giới Cực lạc, không còn luân hồi khổ đau.
“...Mong giắt nhau về đất nước nhà, Khuyên nhau chuyện niệm Phật Di Đà. Bốn mươi tám nguyện siêng tu học, Mười vạn ức trình chẳng cách xa. Tới cõi Tịch Quang thân đã khỏe, Về làng An dưỡng tuổi không già. Cùng người thượng thiện vui ngày tháng, Xum họp cùng nhau chín phẩm hoa...”(7).Ngoài sự tu tập về pháp môn niệm Phật, thì hình thức không thể thiếu của những người theo pháp môn Tịnh độ đó là vấn đề thờ tự. Đối với những người theo đạo Phật thì hình thức thờ tự ai cũng phải có, nhưng đối với những hành giả tu tập pháp môn niệm Phật trong việc thờ tự rất được chú trọng. Hình thức thờ tượng Di Đà tam tôn ở các chùa như sau: “Tầng thứ hai có ba pho tượng lớn, pho tượng ngồi giữa là tượng đức A Di Đà, pho tượng đứng bên tả là đức Quan Thế Âm, pho tượng đứng bên hữu là tượng đức Đại Thế Chí. Ba pho tượng này thờ đức Phật và hai đức Bồ tát ở cõi Tây phương Cực lạc, chủ việc cứu độ chúng sinh. Tuy cõi Cực lạc là cõi Phật, nhưng có duyên với cõi Sa bà là cõi trần ta này, cho nên để gần hơn tầng thờ Phật tam thế”(8). Ngoài ra còn thờ những tôn tượng khác, từ chư Phật, chư Thiên, chư vị hộ pháp cũng được thờ phượng. Với cách thờ phụng này cho thấy tín ngưỡng tại miền Bắc luôn hài hòa trong các tín ngưỡng dân gian.
Với sự tu tập về pháp môn Tịnh độ một cách miên mật, với mong muốn sẽ được vãng sinh, với tin như vậy người tu tập pháp môn niệm Phật chắc chắn sẽ được về thế giới Tây phương của đức Phật A Di Đà. Tại miền Bắc lúc bấy giờ, đã có một giáo hữu được vãng sinh về thế giới Cực lạc. Ông là người Hải Dương, sinh sống và làm việc tại tỉnh Nam Định, ông là người chuyên hành trì pháp môn niệm Phật, với sự tin tưởng cũng như mong muốn được vãng sinh về thế giới của đức Phật A Di Đà, ông đã được điềm báo biết trước ngày giờ mình sẽ vãng sinh. Ông đem điềm báo đó nói với gia đình và muốn được về quê của mình trước lúc lâm chung. Trước lúc lâm chung, gia đình đã cùng ông niệm Phật, ông “cứ nằm niệm Phật, trước to sau nhỏ dần dần cho tới hơi thở cuối cùng, đến lúc 5 giờ 30 không thấy có chứng bệnh gì cả”(9). Đây được xem là kết quả vô cùng to lớn đối với hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ, với những người có đủ Tín-Hạnh- Nguyện, sau khi mất sẽ được vãng sinh về cõi Tây phương. Chính điều đó làm cho pháp môn Tịnh độ ngày càng được nhiều người tu tập và phát triển rộng rãi.
Nghiên cứu và phổ biến pháp môn Tịnh độ
Ngoài những hoạt động đào tạo tăng tài và truyền bá pháp môn Tịnh độ đối với người dân thông qua các buổi giảng tại, Hội Phật giáo Bắc kỳ còn thông qua hình thức báo chí để truyền bá pháp môn Tịnh độ đến với quần chúng nhân dân. Trong số đầu tiên của báo Đuốc Tuệ (1935) với tựa đề “Sự tích đức Phật A Di Đà”, đã mở đầu cho sự nghiên cứu và trình bày về đức Phật A Di Đà cũng như cõi Tây phương Cực lạc đến với người dân.
Những người theo pháp môn Tịnh độ, sự tu tập chủ yếu qua việc trì niệm hồng danh đức Phật A Di Đà và được lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy, tuy nhiên người tín đồ “không hiểu ý nghĩa, ý kiến đôi khi rất khác nhau”(10), nhằm giúp tín đồ hiểu rõ về hồng danh đức Phật mà mình đang hành trì, Hội đã có bài viết để “giải nghĩa chữ Adiđà”(11), thông qua đó tín đồ biết được ý nghĩa về danh xưng của đức Phật A Di Đà.
Chữ “A Di Đà” là tiếng Phạn. “A” có nghĩa là “vô” hoặc “không”; “Di Đà” nghĩa là “lượng”. Vì vậy, chữ “A Di Đà” là “vô lượng”, nghĩa là đức Phật có ba đức tính vô lượng: Một là Vô lượng thọ, nghĩa là sống lâu vô cùng; hai là Vô lượng quang, nghĩa là ánh sáng vô cùng; ba là Vô lượng cam lồ, nghĩa là một thứ nước rất ngon ngọt, mát mẻ, bổ dưỡng về thể chất và tâm hồn. Cho nên trong kinh có chỗ gọi đức Phật A Di Đà là Cam Lồ Vương.
Nguồn cội về đức Phật A Di Đà và cõi Tây phương Cực lạc là do đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu qua bài kinh A Di Đà, tại cõi Tây phương nơi đức Phật A Di Đà đang ngự trị và thuyết pháp cho chúng sinh, Ngài luôn sẵn lòng tiếp dẫn chúng sinh về thế giới của Ngài nếu chúng sinh phát nguyện muốn sinh về. Tác giả Nguyễn Trọng Thuật qua bài viết “Sự tích đức Phật A Di Đà (Amita)” đã giới thiệu về tiền kiếp của đức Phật A Di Đà và 48 lời nguyện với mong muốn tiếp độ chúng sinh về thế giới an lành của Ngài. Trong những lời phát nguyện ấy, những “điều nào Ngài cũng phát-nguyện một cách quả quyết, là hễ khi Ngài thành Phật mà nhân-dân trong nước Ngài còn ai chưa được như lời Ngài đã nguyện, thì Ngài không chứng đạo chính-giác vội”(12). Với bài viết này đã mở đầu cho quá trình nghiên cứu và truyền bá pháp môn Tịnh độ đến với quần chúng nhân dân.
Sự truyền bá về pháp môn Tịnh độ cũng như 48 lời nguyện của đức Phật A Di Đà của tác giả Đào Đình Phú qua Bài phú Phật học, giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về cõi Tịnh độ Tây phương:
“Niệm chín phương giời, niệm mười phương Phật, Bác ái từ bi, tế nhân lợi vật. Phật Di Đà nghe niệm mười lần danh hiệu, đưa sang cực lạc để yên vui. Phật Thích Ca nói rõ mười hai nhân-duyên, khuyên nhủ chúng-sinh đều dứt đứt... Phát bốn tám nguyện, một cành dương liễu vẩy vung, Tu ba sấu đường, chín phẩm liên hoa cao ngất. Đạo lý tuyệt vời mầu nhiệm, sáng tỏ xưa nay. Công duyên rất mực vô lường, so lầy giời đất. Thuộc lấy làm lòng, in sâu vào óc. Năm tháng dùi-mài, ngày đêm tụng đọc. Tỏ đến chốn sâu xa, Tìm tới nơi nguồn gốc. Niệm bách thiên biến: Nam Mô A Di Đà, Chứng Đại Bồ Đề: Tam Muội A La Nốc...”(13).
Tịnh độ tông trong thời gian này rất được đề cao và truyền bá một cách rộng rãi, vì pháp môn này dễ tu, dễ chứng và mang lại nhiều lợi ích ngay trong đời sống hiện tại. Chính vì điều đó, những nhà lãnh đạo Phật giáo Bắc kỳ đã nỗ lực nghiên cứu và truyền bá pháp môn niệm Phật đến với quần chúng nhân dân. Trên báo Đuốc Tuệ, từ năm 1941 đến năm 1942, ngoài những bài nghiên cứu và những bài viết liên quan đến pháp môn Tịnh độ, thì đã mở hẳn một chuyên mục Tôi tu Tịnh độ, nhằm “thuyết phục Phật tử và nhân dân, các nhà lý luận Phật giáo ở miền Bắc bắt đầu bằng việc so sánh pháp môn Tịnh Độ với các pháp môn khác của Phật giáo. Theo đó, có nhiều cách thức tu hành Phật giáo như Giáo Tông, Luật Tông, Mật Tông, Thiền Tông,... Tuy nhiên, các phương pháp này đều rất khó khăn nếu đem so sánh với cách thức niệm Phật dễ dàng của Tịnh Độ Tông”(14).
Người tu tập Thiền tông sẽ rất khó trong việc ngộ đạo, còn pháp môn niệm Phật là dễ dàng và sự chứng ngộ lại nhanh chóng. Theo tác giả Như Như cho rằng: “Tham thiền tuy có thể ngộ đạo, hiểu suốt lẽ sinh tử, song trăm người không được đến hai, ba; còn niệm Phật vãng sinh thì muôn người thì chẳng hề sai mất một”(15), những người tu tập của pháp môn Tịnh đều được chứng ngộ nên được mọi người hưởng ứng và truyền bá rộng khắp.
Để phổ biến và khuyến khích nhân dân thực hành pháp môn niệm Phật, các nhà lý luận Phật giáo chủ yếu dựa trên các kinh sách về pháp môn Tịnh độ, mà tiêu biểu là kinh Phật thuyết A Di Đà, để giới thiệu về cảnh giới Cực lạc, với nhiều phong cảnh đẹp đẽ, và vô cùng sung sướng khi được sinh về đây. Bởi vì những vẻ đẹp của cõi Tịnh độ được giới thiệu qua các hình ảnh như: “đất cát đều là vàng; cung điện, lầu các, ao hồ tuyệt đẹp được làm từ thất bảo (vàng, bạc, trân châu, lưu ly, pha lê, xà cừ, mã não); nhân dân toàn là bậc thiện trí thức; trong cuộc sống, muốn ăn gì có thức ấy, không ăn cũng không thấy đói, ăn nhiều cũng không thấy đầy, quần áo muốn mặc thứ gì có thứ ấy, không mặc không thấy rét, mặc nhiều cũng không thấy nóng, quanh năm không ốm đau, không bị chết; khí hậu bốn mùa như nhau, không nóng không rét, đều là một mùa ấm áp dễ chịu như mùa Xuân,...”(16). Đây là quốc độ lý tưởng mà người hành giả tu tập pháp môn niệm Phật muốn được sinh về.
Sự truyền bá pháp môn niệm Phật ngày càng được đẩy mạnh, với mong muốn mọi người hãy chọn pháp môn niệm Phật là một pháp tu duy nhất để thoát khỏi khổ đau, đem lại nhiều ích lợi vô cùng to lớn. Trong một bài viết được đăng tải trên báo Đuốc Tuệ của tác giả Tịnh Tử Chỉ Hành với tựa đề Mau niệm Phật đi với mong muốn mọi người hãy niệm Phật sẽ được vãng sinh về thế giới Cực lạc, không còn tái sinh trong sáu đường lục đạo. Sự niệm Phật sẽ mang lại 50 điều công ích mà tác giả đã đề cập như sau: “1. Niệm hồng danh đức Phật A Di Đà được diệt hết mọi tội lỗi nghiệp chướng; 2. Được hưởng vô số công đức to lớn; 3. Được trừ khỏi các bệnh nạn khổ não; 4. Được Phật hằng soi bóng hào-quang quý báu đến ủng hộ cho; 5. Được Phật phóng quang minh để tiếp thụ cho; 6. Được chư Phật phù hộ cho; 7. Được chư Phật chứng minh cho; 8. Được khắp mười phương ba đời chư Phật khen ngợi khuyên nhủ dạy giỗ; 9. Được các vị Bồ tát ngầm hộ trì cho; 10. Được tám bộ Thần tướng ngày đêm coi sóc;... 49. Được an trụ vào ngôi Bất thoái chuyển; 50. Được dễ tiến vào đạo Vô thượng Bồ đề”(17). Với những lợi ích lớn lao như vậy sẽ được mọi người ngày càng tin theo và thực hành pháp môn Tịnh độ.
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phap-mon-tinh-do-viet-nam-giai-doan-the-ky-xx.htmlNhằm làm rõ vấn đề cho một số người còn hoài nghi về cõi Tây phương Cực lạc, những nhà lý luận Phật giáo đã khẳng định cõi Tây phương là có thật dựa trên hai luận cứ như sau: “Thứ nhất, trong lịch sử đã có rất nhiều người tin tưởng người và tu tập theo pháp môn Tịnh Độ, trong đó có những người học cao, kiến thức rộng, công danh lẫy lừng. Thứ hai, những chi tiết miêu tả cõi Tây phương Cực Lạc là do chính Phật tổ thuyết. Mà Phật Tổ là người không ưa sự nói xằng nên chắc chắn ngài không thể nói sai”(18). Chính lời khẳng định trên đã xác quyết rằng cõi Tịnh độ do đức Phật A Di Đà đang ở là có thật, không phải hư dối.
Ngoài truyền bá pháp môn Tịnh độ cũng như cách thức tu học đến với mọi người, trong chương trình giảng dạy hoạt động đào tạo tăng tài, Hội Phật giáo Bắc kỳ cũng đưa vào những bộ kinh liên quan đến pháp môn Tịnh độ lồng ghép với những môn học khác để giảng dạy. Trong mỗi cấp bậc học, đều có những bộ kinh và những bộ luận về pháp môn Tịnh độ được giảng dạy như sau:
Ở cấp Tiểu học (4 năm): năm thứ ba có môn Di Đà Sớ Sao, Tịnh độ hoặc vấn lục; năm thứ tư có môn Di Đà Đại Bản.
Ở cấp Đại học (3 năm): năm thứ nhất có môn Di Đà Viên Thông(19).
Tóm lại, với sự truyền bá sâu rộng qua các bài giảng, báo chí về pháp môn Tịnh độ đối với người dân, mong muốn mọi người nên chọn pháp môn niệm Phật làm pháp môn chủ đạo để tu tập hằng ngày, bởi vì đây là một pháp môn dễ thực hành lại phù hợp với tất cả mọi tầng lớp nhân dân, lợi ích của pháp môn Tịnh độ mang lại vô cùng lớn lao như trên đã đề cập. Qua đó, góp phần khôi phục Phật giáo Việt Nam tại miền Bắc sau một thời gian bị suy yếu. Theo tác giả Lê Tâm Đắc trong tác phẩm Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954) cho rằng sự truyền bá phương pháp tu tập pháp môn Tịnh độ là: “rất phù hợp với đặc điểm tâm thức tín ngưỡng truyền thống của đông đảo người dân Việt Nam”(20). Đây được xem là sự thành công của Hội Phật giáo Bắc kỳ về nghiên cứu và phổ biến pháp môn Tịnh độ cho tín đồ tại miền Bắc lúc bấy giờ.
Thích Ân Truyền - Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp. HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022 ***CHÚ THÍCH: (1) Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 140. (2) Phúc Chỉnh (1935), “Ba món tư-lương sang Tịnh-độ”, Đuốc Tuệ, số 3, tr. 25-26. (3) Phúc Chỉnh (1935), “Ba món tư-lương sang Tịnh-độ”, Đuốc Tuệ, số 4, tr. 5. (4) Như như, (1942), “Tôi tu Tịnh-độ”, Đuốc Tuệ, số 190-191, tr. 26. (5) Tuệ Nhuận (1940), “Phép tu Tịnh độ II”, Đuốc Tuệ, số 133, tr. 9. (6) Phượng-Sơn Nguyễn Thiện Chánh (1936), “Tán thán A Di-Đà”, Đuốc Tuệ, số 37, tr. 29-30. (7) Sa-môn Ngọc Thụ (1937), “Khuyến Tu”, Đuốc Tuệ, số 64, tr. 31. (8) Phật lục (1937), Đuốc Tuệ, số 64, tr. 36. (9) Đ. T (1941), “Tin mừng Tịnh độ”, Đuốc Tuệ, số 163, tr. 26. (10) Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ trường hợp hội Phật giáo (1934-1945), Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 320. (11) Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ trường hợp hội Phật giáo (1934-1945), Sđd, tr. 310. (12) Nguyễn Trọng Thuật (1935), “Sự tích đức Phật A Di Đà (Amita)”, Đuốc Tuệ, số 1, tr. 12-13. (13) Đào Đình Phú (1936), “Bài phú Phật học”, Đuốc Tuệ, số 8, tr. 27. (14) Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Sđd, tr. 141. (15) Như Như (1942), “Tôi tu Tịnh độ: Bàn về chỗ dễ và khó của phép tu Sam thuyền và Tịnh độ”, Đuốc Tuệ, số 188-189, tr. 11. (16) T.C. (1941), “Tôi tu Tịnh độ”, Đuốc Tuệ, số 155, tr. 37-39. (17) Tịnh Tử Chỉ Hành (1942), “Mau niệm Phật đi”, Đuốc Tuệ, số 173, tr. 5-6. (18) T. C (1941), “Tôi Tu Tịnh Độ”, Đuốc Tuệ, số 163-164, tr. 29-30. (19) Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Sđd, tr. 179-180. (20) Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Sđd, tr. 147.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia. 2. Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ trường hợp hội Phật giáo (1934-1945), Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 3. Nguyễn Trọng Thuật (1935), “Sự tích đức Phật A Di Đà (Amita)”, Đuốc Tuệ, số 1. 4. Phúc Chỉnh (1935), “Ba món tư-lương sang Tịnh-độ”, Đuốc Tuệ, số 3. 5. Phúc Chỉnh (1935), “Ba món tư-lương sang Tịnh-độ”, Đuốc Tuệ, số 4. 6. Đào Đình Phú (1936), “Bài phú Phật học”, Đuốc Tuệ, số 8. 7. Phượng-Sơn Nguyễn Thiện Chánh (1936), “Tán thán A Di-Đà”, Đuốc Tuệ, số 37. 8. Sa-môn Ngọc Thụ (1937), “Khuyến Tu”, Đuốc Tuệ, số 64. 9. Phật lục (1937), Đuốc Tuệ, số 64. 10. Tuệ Nhuận (1940), “Phép tu Tịnh độ II”, Đuốc Tuệ, số 133. 11. T.C. (1941), “Tôi tu Tịnh độ”, Đuốc Tuệ, số 155. 12. Đ. T (1941), “Tin mừng Tịnh độ”, Đuốc Tuệ, số 163. 13. T. C (1941), “Tôi Tu Tịnh Độ”, Đuốc Tuệ, số 163-164.
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phap-tu-tinh-do-cua-phat-giao-viet-nam-thoi-le-nguyen.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hoa-thuong-bich-lien-va-tu-tuong-ve-phap-mon-tinh-do.html
Bình luận (0)