Thích Ân Truyền Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

1.Tu tập theo Tịnh độ tông

Tại miền Trung, trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo, ngoài việc chấn hưng về tăng già thì hình thức tu tập cũng được chú trọng, trong giai này pháp môn Tịnh độ và lối tu Phổ thông rất được đề cao tại các tự viện cũng như các chi Hội thuộc An Nam Phật học Hội.

Pháp môn Tịnh độ được xem “là một phép tuyệt diệu, lại dễ học, dễ tu, lại mau có hiệu quả”[1]. Với quan niệm này sẽ giúp cho các tín đồ không cảm thấy khó khăn về hình thức tu tập, dễ dàng tiếp cận lời Phật dạy cũng như nhanh chóng truyền bá giáo lý Phật giáo đến với người dân. Dù pháp môn niệm Phật tuy nhiều nhưng chủ yếu là niệm danh hiệu của Ngài, với câu hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật”. Từ “Nam mô” có nghĩa là sự kính lễ, quy ngưỡng, quy y, quy mạng... Khi hành giả trì niệm danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” với hàm ý là “nương theo đức Phật A Di Đà, là gửi thân mạng mình nơi đức Phật A Di Đà chứ không nương theo tính chúng sinh, không gửi thân mạng cho tính chúng sinh nữa”[2], sau khi chết sẽ được vãng sinh về thế giới Cực lạc, không còn luân chuyển trong vòng sinh tử luân hồi. Pháp môn Tịnh độ có 6 hình thức tu tập căn bản là: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiện. Niệm Phật nghĩa là “niệm cái tính toàn thiện của chúng ta. Nếu chúng ta không niệm Phật thì tất nhiên lại niệm ma, mà đã niệm ma thì khó bề tránh khỏi những hành vi sai lầm, độc ác. Vậy muốn bớt các niệm ma, chúng ta quyết định cần phải niệm Phật”[3]; niệm Pháp là trì tụng và diễn giảng những lời dạy của đức Phật, lấy đó làm hành trang cho sự tu tập, bỏ ác làm lành, áp dụng lời Phật vào đời sống hằng ngày, khuyên mọi người xung quanh thực hành theo lời Phật dạy; niệm Tăng là nhớ nghĩ đến những vị tăng đang tu tập theo lời Phật dạy, đoàn thể của những người sống cuộc đời tỉnh thức, họ vừa tu tập vừa đem giáo lý đức Phật truyền bá đến mọi người, cũng là những người đang duy trì đạo Phật; niệm Giới là nghĩ đến những giới pháp đã thọ nhận, luôn chính niệm để không vi phạm những giới pháp đang giữ gìn; niệm Thí là nhớ đến sự bố thí, cúng dường Tam bảo và bố thí cho những cảnh đời bất hạnh thiếu thốn, qua ba phương diện: tài thí, pháp thí và vô úy thí; niệm Thiện là nhớ nghĩ đến mười điều thiện đức Phật đã dạy để không phải vi phạm. Phương pháp tu tập pháp môn Tịnh độ là Tín, Hành và Nguyện.

Trong đó, “Tín là lòng tin, tin có luân hồi, tin có đạo Phật là giải thoát... Hành là thiết thực tu hành, nhớ nghĩ đến đức Phật... Nguyện là phát nguyện cầu mong về cực lạc thế giới, không sinh về cõi khác”[4]. Đối với Thiền tông và Mật tông, muốn đạt được sự giác ngộ thì người tu tập cần phải có một kiến thức sâu rộng, am hiểu về nghĩa lý Phật giáo mới mong chứng được sự viên mãn của chứng đạo, còn Tịnh độ tông chỉ cần niệm Phật, “căn trí nào cũng tu được cả. Vậy các ngài nên thiệt hành niệm Phật và khuyên mọi người thiệt hành niệm Phật, đến khi về đặng Tịnh-Độ, thấy đức Di-Đà, minh tâm kiến tính rồi, thì mặc dầu hiện ra trăm ngàn hóa thân đặng độ tất cả chúng sinh đều thành Phật đạo”[5], nên Tịnh độ tông được xem “là tông phái Phật giáo mang tính phổ thông, dân dã nên đã thu hút được đông đảo tín đồ”[6], mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể tu tập và thực hành một cách dễ dàng.

Về lối tu Phổ thông ở đây là pháp tu thông thường của các vị cư sĩ tại gia, pháp tu này chỉ hình thức lạy Phật, niệm Phật và hồi hướng, lối tu này không có tụng kinh, bởi vì giai đoạn này kinh điển cũng chưa được phổ biến rộng rãi, cùng với đó, một số người dân chưa biết đọc chữ Quốc ngữ. Trong Nguyệt san Viên Âm có đề cập về pháp tụng niệm Phổ thông như sau: “Chúng tôi kính lạy qui-y theo đức Phật Thích ca, đức Phật A-Di-Đà, thập phương chư Phật, vô-thượng Phật-pháp cùng khắp mười phương các vị Bồ-tát và tứ-quả-A-La-hán. Chúng tôi lâu đời lâu kiếp nghiệp chướng nặng nề, thâm giận kiêu căn si mê lầm lạc; ngày nay chúng tôi nhờ Phật, biết sự lỗi lầm, quyết lòng tu tập, cúi xin thành tâm sám-hối các tội lỗi trước...., cùng tất cả chúng sinh đồng thành Phật-đạo”[7]. Phần tiếp theo của phép tu là lạy Phật, niệm Phật và hồi hướng. Chính vì sự dễ dàng trong khi thực hành nghi lễ này, đã giúp cho các tín đồ cư sĩ tại gia tu tập một cách hiệu quả và được hưởng ứng một cách sâu rộng.

Ngoài những cách tu vừa nêu, Chư tôn đức còn làm những bài thơ để khuyến hóa mọi người thực hành tu tập pháp môn Tịnh độ, Hòa thượng Huệ Đăng với bài thơ “Khuyên tu Tịnh độ” giúp cho hành giả dễ hiểu hơn về pháp môn này cũng như những diệu dụng khi thực hành.

“Mấy trùng cửa pháp ngó mơ màng,

Có cửa tây-phương rất mở mang.

Đã dễ tu hành, mau chứng quả,

Khuyên người niệm Phật chớ nghi nang.

Tu về tịnh-độ sướng hơn tiên,

Chẳng nhọc công phu chẳng tốn tiền.

Sáu chữ Di-Đà tiêu nghiệp chướng,

Một câu niệm Phật giải oan-khiên.

Cõi trần mới phát ba lời nguyện,

Ao báu đà nêu chín phẩm sen.

...Nguyện chúng-sinh tề thành chính-giác,

Chung hưởng phần khoái lạc tiêu-diêu.

Đồng tu tịnh-độ bao nhiêu,

Tề-đăng giác-ngạn cao siêu liên đài”[8].

Ngoài ra, trên báo Viên Âm số 7 đăng bài thơ “Nên tu Tịnh độ” với mong muốn khuyên mọi người nên tu tập pháp môn niệm Phật để đạt được những lợi ích cho hiện tại và tương lai.

“Cái nghiệp của mình,

Ngán cho cái nghiệp của mình;

Vô-thỉ đến giờ đã nặng kiếp tử, sinh.

Vì mê-mang ta không biết giữ;

Cái tính Bản-giác-diệu-minh,

Nên sinh ra lắm đều hư-vọng.

Như vòng tròn lần không ra mối,

Nhân sinh Quả rồi mà Quả lại cũng làm Nhân;

Cứ lộn quanh hoài ở trong sáu đường.

Biết mình đương mê muội,

Phải gắng công tìm cho rõ căn-nguyên;

Xét suy giáo-lý của Phật đã lưu-truyền,

Đặng mà lo tu tập,

Cho ra khỏi cái kiếp Luân-hồi, mới yên!

Thôi đừng nghi nan chi nữa,

Muốn quyết chí ra khỏi cõi Ta-bà,

Hôm sớm hãy tu tỉnh cái lòng tà,

Hằng ngày niệm Phật A-Di-Đà phương Tây, hỡi ai!

Giữ một lòng chính-niệm đừng sai,

Khi lâm chung mới chắc,

Sinh về Tịnh-độ thảnh-thơi!”[9].

Về phương diện thờ tự: tại chùa Từ Đàm – Huế là trụ sở của An Nam Phật học Hội, trên chính điện “thờ tôn tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni, cao khoảng 1,30m, hai tay đang quyết ấn Tam muội, ngồi trên tòa sen. Tượng Phật và tòa sen được đúc bằng đồng, do hai nhà điêu khắc Nguyễn Khoa Toàn và Nguyễn Hữu Tuân thực hiện vào năm 1940. Tượng Phật này được tạc theo dáng người Việt Nam,...”[10]. Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn “thì chùa Tỉnh hội chỉ thờ đức Phật Bổn sư Thích ca, phía trước chính điện hai bên là chuông trống, còn không gian để cho phật tử đến dự lễ. Và các Niệm Phật đường tại Huế đều thờ tự theo mô hình của chùa Từ Đàm”. Cũng theo Hòa thượng Thích Quang Nhuận cho rằng: “bắt đầu từ xứ Huế cho đến tỉnh Phan Thiết, tất cả đều có một mẫu số chung khi An Nam Phật học Hội đi thành lập các Khuôn hội, hình thức các chùa đều giống nhau, chỉ thờ một đức Phật Bổn sư. Theo các Ngài quan niệm sợ chúng sinh phân tâm, vì đức Phật Bổn sư là người giới thiệu đức Phật A Di Đà cho mình, cho nên những người tu pháp môn Tịnh độ trước tiên phải thờ đức Phật Bổn sư Thích Ca”.

Chùa Từ Đàm, Thừa Thiên Huế

2. Nghiên cứu và phổ biến pháp môn Tịnh độ

Trong giai đoạn chấn hưng tại miền Trung, nghiên cứu và phổ biến về pháp môn Tịnh độ được chú trọng, những bài giảng cùng những bài thơ đều khuyên mọi người nên tu tập pháp môn niệm Phật. Trong bài số đầu tiên của báo, tác giả Tâm Minh giảng tựa đề “Nhân quả luân hồi” với mục đích khuyên mọi người bỏ ác làm lành để được đời sống an lạc ở hiện tại và tương lai, cuối bài giảng tác giả đã khuyên mọi người nên suy xét lý nhân quả cho kỹ, nên làm việc lành, niệm Phật, “để sau đặng gần đức Phật A-Di-Đà, thì có lo chi mà không khỏi luân-hồi, không thành Chính-quả”[11]. Đây là bước mở đầu cho việc truyền bá tư tưởng Tịnh độ đối với người dân.

Truyền bá tư tưởng Tịnh độ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội đề ra để hoạt động cho công cuộc chấn hưng Phật giáo, ngoài những bộ kinh về Tịnh độ được đưa vào chương trình giảng dạy tại trường như kinh Vô Lượng Thọ, Di Đà sớ sao thì pháp môn niệm Phật được giảng dạy đến giới cư sĩ. Mục đích của Hội đề ra là: “khuyên người đời ai ai cũng biết niệm Phật, mong sao cái thế-giới phiền-não này thành ra thế-giới an-lạc”[12]. Với mục đích đó, Hội đã truyền bá về pháp môn niệm Phật đến với người dân một cách rộng rãi trên mọi phương diện, với những buổi giảng và những bài viết về pháp môn niệm Phật được thực hiện. Pháp môn niệm Phật dành cho mọi tầng lớp, người làm quan thì cứ việc làm quan, khi rảnh rỗi nên niệm Phật, người lao động cứ việc làm lao động, khi xong việc thì niệm Phật. Có như vậy thì sự tu tập và công việc không bị ảnh hưởng, điều đó làm cho pháp môn niệm Phật được phổ biến một cách rộng rãi và được đón nhận.

Pháp môn Tịnh độ được coi là một pháp môn dễ tu hành, ai ai cũng có thể thực hành được, từ giới trí thức cho đến người dân ít học đều có thể tiếp cận một cách nhanh chóng, và sự diệu dụng của pháp môn mang lại vô cùng lớn lao. Đức Phật Thích Ca vì lòng từ bi mẫn mà dạy “pháp-môn niệm Phật. Phép ấy đã dễ tu hành, lại chắc chắn hơn hết, không hao công nhọc sức, không trãi qua tầng bậc, mà ai đã tu theo đều có thể đến quả Phật cả. Vì Phật biết chúng sinh căn-cơ không đồng, cao thấp khác nhau, đường tu nhiều khi trễ nãi, đến nổi sai lầm, uổng công vô ích, nên Phật bày ra pháp môn tuyệt diệu như vậy”[13]. Với sự dễ dàng của pháp môn niệm Phật, người tu tập chỉ cần lòng tin kiên cố và trì niệm danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” khi lâm chung chắc chắn sẽ được vãng sinh về cõi Tịnh độ, thì nhất định sẽ thành Phật.

Pháp môn Tịnh độ được hầu hết các vị trong Hội diễn giảng, nhằm giúp người dân có cái nhìn tường tận về pháp môn niệm Phật này. Trong bài giảng với tựa đề “Pháp môn Tịnh độ” của tác giả Tâm Minh, tác giả đã khái quát về sự ra đời của pháp môn niệm Phật, từ những bộ kinh có liên quan, những vị Bồ tát tu tập và phát nguyện sinh về thế giới Cực lạc, cũng như các vị danh tăng tại nước nhà thực hành pháp môn niệm Phật và sự chứng ngộ đã được thể hiện qua đời sống cũng như trước lúc lâm chung được đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn.

Theo tác giả Tâm Minh cho rằng, để thực hành và đạt được những diệu dụng thì người tu tập cần phải có một niềm tin vững chắc với pháp môn niệm Phật, và có bốn điều làm đối với lòng tin vững vàng như sau:

Thứ nhất là có kinh điển làm bằng chứng: Những bộ kinh nói về pháp môn Tịnh độ như kinh A Di Đà, kinh Vô lượng thọ và kinh Quán vô lượng thọ, ngoài ra còn có những bộ kinh khác cũng dạy về phép niệm Phật, như kinh A-hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn, Hoa Nghiêm. Đó là pháp môn niệm Phật phù hợp với mọi căn cơ, từ Bồ tát cho đến chúng sinh đều có thể tu tập được.

Thứ hai là có nhiều vị Bồ tát tu tập pháp môn niệm Phật: Ngài Văn Thù Bồ tát nguyện đến lúc lâm chung, dứt trừ tất cả các chướng ngại, được thấy đức Phật A Di Đà, liền vãng sinh về thế giới Cực lạc. Ngài Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm phát nguyện được sinh về thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà. Trong Kinh Chúc Lụy, ngài Di Lặc cũng phát nguyện tu pháp môn niệm Phật để được vãng sinh về thế giới Tịnh độ.

Thứ ba là Lịch đại Tổ sư: Long Thọ, Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân..., các Ngài là những người học rộng hiểu sâu, là những luận sư nổi tiếng của Phật giáo, các ngài luôn khuyên bảo mọi người nên tu tập pháp môn niệm Phật để được vãng sinh về thế giới Tịnh độ.

Thứ tư là pháp môn Tịnh độ có sự diệu dụng rõ ràng: Từ xưa đến nay, pháp môn niệm Phật đã mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn mà những vị tu tập đạt được. Ngài Huệ Viễn thấy cõi Tịnh độ hiện ra trước mắt, ngài Nhất Định chùa Từ Hiếu và ngài Phước Chỉ chùa Tường Vân – Huế, thực hành pháp môn niệm Phật đều biết trước ngày giờ mất ba ngày và ra đi một cách nhẹ nhàng[14].

Với những hoạt động nghiên cứu và phổ biến pháp môn niệm Phật đến với mọi người, Hội đã truyền bá tư tưởng cũng như phương pháp hành trì về pháp môn Tịnh độ, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thực hành pháp môn Tịnh độ một cách hiệu quả. Hướng đến một đời sống an lạc ngay trong hiện tại và sau khi vãng sinh sẽ được sinh về thế giới an lành của cõi Tây phương cực lạc.

Qua sự truyền bá về pháp môn Tịnh độ, với sự nhiệm màu và kết quả của pháp môn Tịnh độ mang lại cho người hành giả khi thực hành pháp môn này vô cùng to lớn, chính vì điều đó đã làm cho một số vị tín đồ vẫn còn hoài nghi về sự thành tựu đạt được nếu thực hành pháp môn niệm Phật, cho nên các tín đồ đã đặt những câu hỏi nhằm giải đáp những nghi ngờ. Với từng câu hỏi đã được đặt ra đã được Hội trả lời một cách chi tiết, nhằm giúp cho mọi người có được sự thông suốt, qua đó giúp cho người dân có thêm động lực và lòng tin chắc chắn về pháp môn Tịnh độ. Hội đã hân hoan khi thính chúng đặt câu hỏi: “kỳ trước chúng tôi giảng về “Pháp môn niệm Phật”, trong hàng thính giả có ngài còn hồ nghi vài chỗ đến hỏi, chúng tôi lấy làm mừng lắm. Mừng là mừng Phật pháp ngày nay có người thành tâm tham học”[15].

Khi người dân đã thấm nhuần tư tưởng Tịnh độ, áp dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày đúng như ý nguyện ban đầu của Hội thành lập là: “nguyện một lòng hoằng pháp lợi-sinh, khuyên người tu học, tự tỉnh lấy mình, thâu bao nhiêu vọng niệm về nơi chính-niệm. Niệm một câu hiệu Phật thì trừ được một phần phiền-não, niệm mười câu hiệu Phật thì trừ được mười phần phiền-não; nếu ai hoàn toàn niệm Phật không hở, thì sự phiền não biết chen vào đâu mà ràng buộc được nữa. Vậy xin khuyên các ngài đều niệm Phật, mình niệm Phật lại dạy cho người niệm Phật, cả thế-giới đều niệm Phật, thì những đều hung tàn bạo ngược quyết phải tiêu trừ, mà Tịnh-Độ Di-Đà chắc có ngày thiệt hiện”[16].

So với những bài giảng trước về pháp môn niệm Phật, việc nghiên cứu và truyền bá về pháp môn Tịnh độ tiếp tục được Hội trình bày đến với quần chúng nhân dân. Mở đầu của bài nghiên cứu với chủ đề “Phật học dị giải” về pháp môn Tịnh độ như sau: “Đức Phật A-Di-Đà theo tiếng Phạm có ba tên là Amitayus (Tàu dịch là Vô-lượng-thọ), Amitabha (Tàu dịch là Vô-lượng-quang), Amrta (Tàu dịch là Cam-lộ). Vì ngài thọ-mạng vô-lượng, hào-quang vô-lượng, giác-hạnh vô-lượng nên có hiệu là A-Di-Đà”[17].  Bài nghiên cứu đã trình bày về danh hiệu đức Phật A Di Đà cho đến những bộ kinh điển liên quan đến tiền kiếp và những hạnh nguyện mà Ngài đã phát nguyện để độ chúng sinh. Trải qua vô lượng kiếp trong quá khứ, vì lòng thương tưởng đến chúng sinh, và muốn cứu độ nhân sinh thoát khỏi luân hồi khổ đau, đức Phật A Di Đà đã phát ra 48 lời thệ nguyện để độ sinh. Với sự thệ nguyện rộng lớn và bất khả tư nghì như vậy đã hình thành nên thế giới Tây phương Cực lạc, với mong muốn tiếp dẫn vô lượng chúng sinh.

Sự truyền bá về pháp môn Tịnh độ trên mang tính học thuật cao về mặt tư tưởng, không chỉ là phương pháp thực hành so với những bài giảng trước, đối với bài giảng “Phật học dị giảng” giúp cho người nghe có được cái nhìn mang tính học thuật về sự nghiên cứu và sự tin cậy của pháp môn Tịnh độ thông qua những bộ kinh có đề cập về đức Phật A Di Đà.

Ngoài sự truyền bá về pháp môn Tịnh độ của những vị tăng, tại miền Trung, có những vị Ni cũng truyền bá về pháp môn Tịnh độ đến với người dân. Trong một bài giảng nhân ngày Phật đản sinh, Sư bà Thích Diệu Viên đã thuyết giảng cho quần chúng nhân dân, nội dung bài giảng ngoài việc khuyên người phụ nữ làm tròn trách nhiệm của mình, tác giả còn khuyên phải tu tập pháp môn niệm Phật, vì đây là pháp môn dễ tu tập và mang lại nhiều điều ích lợi cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Theo Sư bà, người niệm Phật phải biết hai yếu tố đó là Sự và Lý.

Sự niệm Phật: khi xưa đức Phật A Di Đà có phát ra 48 lời nguyện để cứu độ chúng sinh, Ngài nguyện rằng: ai tin Phật, dứt lòng phiền não, chuyên tâm niệm Phật không, thì ngay đời sống hiện tại sẽ được đức Phật gia hộ, phò trì, đến khi lâm chung sẽ được đức Phật và Thánh chúng tiếp dẫn về cõi Tây phương Cực lạc. Pháp môn niệm Phật dành cho mọi đối tượng, từ người xuất gia, tại gia, thương gia, buôn bán, người giàu, người nghèo đều có thể tu tập được, chỉ cần có niềm tin vững chắc đối với đức Phật A Di Đà, chuyên tâm niệm Phật, thì mọi việc làm ăn đều được thuận lợi, và đến lúc lâm chung sẽ được vãng sinh về thế giới Cực lạc, hưởng phước đời đời.

Lý niệm Phật: hằng ngày tâm của chúng ta thường bị tam độc tham, sân, si chi phối, nếu chúng ta biết chuyên tâm niệm Phật, thì tam độc sẽ không còn xuất hiện nữa, tâm sẽ an tịnh, khi tâm an tịnh trí sẽ sáng suốt, có như vậy thì công việc mới có thể đạt được kết quả tốt đẹp. Khi đã nhìn thấy được bản tính chân thật của mình rồi, lúc đó tâm ta tức là tâm Phật, thì sự tu tập sẽ được viên mãn và chứng được Phật tính[18]. Ngoài ra, trong một bài giảng tại lễ khánh thành chi Hội của An Nam Phật học Hội tại Đà Nẵng, Sư bà cũng đã thuyết giảng về pháp môn niệm Phật dành cho giới phụ nữ. Nội dung bài giảng, tác giả đã nói về ba điều cần có của người tu tập pháp môn niệm Phật là Tín, Hạnh và Nguyện. So với các vị đã giải thích về ba tư lương của người tu tập pháp môn niệm Phật, thì bài giảng của Ni sư có mở rộng trong ba vấn đề này. Nói về Tín, ngoài những gì đã trình bày ở trên, phần này còn đề cập đến sự tin tưởng chắc chắn vào đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả của chư Phật là vô lượng vô biên, dù chúng sinh có sai trái, ngang ngược thì các Ngài vẫn yêu thương, không từ bỏ đó là đức tính Từ. Đối với tất cả chúng sinh, đức Phật đều bình đẳng như nhau, Ngài không từ bỏ một ai, thường cứu vớt chúng sinh thoát khỏi các khổ não, đây là đức tính Bi. Đức tính Hỷ của chư Phật thể hiện qua sự hoan hỷ khi thấy chúng sinh biết quy y Tam bảo, giữ gìn giới luật, bỏ ác làm lành, luôn sống trong chính niệm tỉnh thức và chuyên tâm niệm Phật, hoặc chúng sinh có mê lầm thì các Ngài vẫn hoan hỷ mà cứu độ tất cả. Đức tính Xả của các Ngài được hiện hữu qua việc cứu độ chúng sinh, các Ngài cứu độ chúng sinh nhưng không bị vướng mắc vào sự cứu độ, vì các Ngài đã nhận rõ các pháp tính như bình đẳng, giải thoát chính đức tính ấy đã làm cho chư Phật được vô lượng tinh tấn.

Đối với Hạnh, ngoài những gì đã trình bày, tác giả còn đề cập đến hai phép Trì danh và Quán tưởng khi niệm Phật. Nói về Trì danh chính là trì niệm danh hiệu của đức Phật, khi niệm Phật cần phải chính niệm để không bị các vọng tưởng làm cho thất niệm, khi trì niệm như vậy, thì ngay trong hiện tại chúng ta đã trở thành một người hiền lành và hưởng được niềm vui của hương vị giải thoát.

Phép Quán tưởng chính là chuyên chú quán tưởng ra đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh độ, hành giả tu tập cần quán tất cả mọi thứ xung quanh mình đều là Tịnh độ, có đức Phật A Di Đà đang hiện hữu, tiếng chim hót là những bài pháp đang được giảng, khi người tu tập chuyên chú quán tưởng như vậy sẽ đạt đến chỗ “Phật tức tâm, tâm tức Phật”. Ở đây, người giảng đã mở rộng vấn đề giúp người nghe hiểu sâu và tin chắc vào pháp môn niệm Phật để áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Theo sư bà Thích Diệu Viên: “phép niệm Phật là một phép tu hành rất giản dị và rất thiết thiệt, một người niệm Phật là một người nhân-đức, một nhà niệm Phật là một nhà lương thiện, một nước niệm Phật là một nước đại-hùng, đại-lực, đại-từ-bi; một thế-giới niệm Phật là một cỏi Tịnh-Độ”[19]. Với quan niệm trên sẽ làm cho người tu tập pháp môn niệm Phật càng thêm vững tin vào pháp môn mình đang tu tập.

Qua đó, cho thấy An Nam Phật học Hội luôn chú trọng trong việc nghiên cứu và truyền bá pháp môn niệm Phật đến với người dân, giúp người dân có chỗ dựa tinh thần, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, được chư Phật ủng hộ trong mọi công việc, sau khi lâm chung sẽ được vãng sinh về thế giới Tây phương của đức Phật A Di Đà. Đây là mục đích của Hội đã đặt ra khi mới thành lập, từ đó góp phần cho sự thành công của phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Trung.

Thích Ân Truyền Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

CHÚ THÍCH [1] Hội An Nam Phật học (1934), “Phép tu luyện thường ngày theo Tịnh độ tông”, Nguyệt san Viên Âm, số 11, tr. 31. [2] Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2008), Tác phẩm của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, tập 3, Nxb. Văn hóa Sài gòn, tr. 42. [3] Tâm Văn (1935), “Ăn chay, niệm Phật có lợi ích gì không?”, Nguyệt san Viên Âm, số 18, tr. 23. [4] Thích Trung Hậu, Thích Hải Ấn (2008), Tác phẩm của bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, tập 5, Tp. Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hóa Sài gòn, tr. 42. [5] Thích Mật Khế (1934), “Bồ tát thừa”, Nguyệt san Viên Âm, số 5, tr. 25. [6] Diệu Không (1935), “Tu để làm gì?”, Nguyệt san Viên Âm, số 18, tr. 16-18. [7] Viên Âm (1934), “Phép tụng niệm Phổ thông”, Nguyệt san Viên Âm, số 11, tr. 56. [8] Huệ Đăng (1934), “Khuyên tu Tịnh độ”, Nguyệt san Viên Âm, số 5, tr. 42-44. [9] T. V (1934), “Nên tu Tịnh độ (Điệu hành-vân)”, Nguyệt san Viên Âm, số 7, tr. 44. [10] Thích Hải Ấn, Võ Văn Tường (2010), Chùa Từ Đàm, Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr. 6. [11] Tâm Minh (1933), “Nhơn quả luân hồi”, Nguyệt san Viên Âm, số 01, tr. 31. [12] Thích Mật Khế (1934), “Pháp-môn niệm Phật”, Nguyệt san Viên Âm, số 7, tr. 11. [13] Thích Mật Khế (1934), “Trạch pháp tu tâm”, Nguyệt san Viên Âm, số 2, tr. 23. [14] Tâm Minh (1934), “Pháp môn Tịnh độ”, Nguyệt san Viên Âm, số 6, tr. 14-15. [15] Mật Nguyện (1934), “Tịnh-Độ quyết nghi”, Nguyệt san Viêm Âm, số 8, tr. 10. [16] Thích Mật Khế (1934), “Pháp-môn niệm Phật”, Sđd, tr. 18. [17] Viên Âm (1934), “Phật học dị giải”, Nguyệt san Viên Âm, số 10, tr. 52. [18] “Bài giảng của bà sư Thích Diệu Viên” (1934), Nguyệt san Viên Âm, số 12, tr. 14-15. [19] Sư bà Thích Diệu Viên (1936), “Phật học của phái phụ nữ”, Nguyệt san Viên Âm, số 23, tr. 19.