Phật giáo Nam tông Kinh hình thành ở Nam Bộ vào năm 1938 và nhanh chóng phát triển ra các địa phương như: Sài Gòn, Đồng Nai, Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Ngay từ buổi đầu truyền vào Nam Bộ, Phật giáo Nam tông Kinh đã linh hoạt hòa nhập, trở thành một tôn giáo có vị trí quan trọng, được cộng đồng người Kinh đón nhận.

TS Lê Xuân Hậu Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Tp.Hồ Chí Minh

1. Vài nét về Phật giáo Nam tông Kinh

“Phật giáo Theravāda”, “Phật giáo Nam tông” hay còn gọi “Phật giáo Nam truyền” (南傳佛教) là cách mô tả địa dư của trường phái Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ, truyền sang các nước trong khu vực qua miền Nam Ấn, gồm các nước: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Cambodia. Đó là Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravāda上座部). Truyền từ miền Bắc Ấn Độ sang các nước được gọi là Phật giáo Bắc truyền (北傳佛教) hay Phật giáo Bắc tông, gồm các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng, Mông Cổ…[1]

Phật giáo Theravada (Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Nguyên thủy) phát triển mạnh và truyền bá vào cộng đồng người Khmer ở Việt Nam khoảng thế kỷ thứ III (TCN). Phật Giáo Theravada trong quá khứ và hiện nay là tôn giáo chính, chi phối những sinh hoạt tinh thần của người Khmer ở Nam Bộ. Phật giáo Theravada có hai hệ phái là: Phật giáo Nam tông Khmer (Phật giáo Nam tông của người Khmer) và Phật giáo Nam tông Kinh (hay còn gọi là Phật giáo Nam tông của người Kinh).

Đối với Phật giáo Nam tông Kinh hình thành ở Việt Nam muộn hơn, vào năm 1938. Người Việt không tiếp thu trực tiếp từ Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ mà từ hướng Campuchia truyền sang.

Theo nhiều tài liệu thì khi mới du nhập vào Việt Nam, Phật giáo Nam tông Kinh có tên gọi là Đạo Phật Thích Ca. “Trong giai đoạn từ năm 1957 đến năm 1964 Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; từ năm 1964 đến năm 1981: Phật giáo Nam tông. Từ năm 2010, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tên gọi là hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh để phân biệt với Phật giáo Nam tông Khmer[2]”.

Theo sách “Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam (1938 - 1963)” của tác giả Thiện Hậu thì: “năm 1930 được xem là bối cảnh thuận lợi cho sự phát triển các trường phái Phật giáo và học thuật Phật giáo tại miền Nam Việt Nam. Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học được thành lập vào năm 1930 tại Sài Gòn và Hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập vào năm 1935 tại Trà Vinh. Trong giai đoạn này, cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu và cư sĩ Lê Văn Giảng giác ngộ Phật pháp vào năm 1930, phát tâm cải sửa chùa Sùng Phước tại Cambodia. Vào năm 1940, cư sĩ Lê Văn Giảng xuất gia với phó Tăng Vương Chunat tại chùa Unalom, Phnom Penh và được đặt pháp danh là Hộ Tông. Vào năm 1938, cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu xây dựng chùa Bửu Quang, Gò Dưa, Sài Gòn làm trụ sở của Phật giáo Nam tông người Việt. Từ đây, Phật giáo Nam tông Kinh ngày càng phát triển[3]”. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu những ngày đầu “Khai sơn phá thạch” và những thành quả của chư Tăng, Phật tử trong quá trình duy trì và hoằng dương Phật giáo Nam Tông Kinh tại Nam Bộ.

Trong giai đoạn đầu có mặt tại Việt Nam, các Tu sĩ và cư sĩ Nam tông Kinh chỉ tập trung vào việc tu tập thiền quán, biên soạn kinh sách, thuyết giảng phật pháp, hướng dẫn cho Phật tử sơ cơ tu học và thực hành giáo lý chính truyền nguyên thuỷ của Đức Phật để giúp họ loại bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan không phù hợp với tín ngưỡng chính pháp của đạo Phật, tìm địa điển thích hợp để xây dựng cơ sở tòng lâm tự viện làm nơi tu học và hoằng pháp lợi sinh cho chư tăng và Phật tử, đơn giản hóa trong cách thờ phượng và nghi lễ cúng kiếng. Chính những sinh hoạt đặc thù nguyên thuỷ ấy đã thu hút nhiều người cảm kích xu hướng tin theo, và cũng vì vậy mà tuy hiện diện chưa được bao lâu, Phật giáo Nam tông Kinh đã càng lúc càng phát triển nhanh chóng và đáng kể về số lượng chư tăng và tín đồ[4].

Từ năm 1938 trở đi, chùa, thiền viện, tịnh thất… thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh được xây dựng ngày càng nhiều, ở khắp các địa phương. Số lượng các tín đồ, Phật tử tăng lên đáng kể. Các nhà sư không ngừng hoằng dương Phật pháp, mở các khóa thiền, thuyết pháp, mỗi sáng trì bình khất thực khắp nơi. Từ một cơ sở ban đầu là chùa Bửu Quang - đã trở thành trung tâm lan rộng đến Đồng Nai, ra đến Đà Nẵng và Huế. Các cơ sở thờ tự được kiến tạo trên tinh thần chung hoằng dương Chính pháp vì Đạo pháp và dân tộc.

Phật giáo Nam Tông Kinh tham gia thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam vào năm 1957. Ngoài ra, Phật giáo Nam Tông Kinh còn tham gia các hoạt động Phật sự quốc tế; tham gia phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963; hoàn chỉnh nghi lễ của hệ phái. Phiên dịch Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp nhằm đáp ứng kinh sách phục vụ cho truyền bá Chính pháp, chư tăng có tài liệu học tập, nghiên cứu pháp học.

Sau năm 1981, với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam Tông Kinh luôn đồng hành cùng dân tộc, có những đóng góp tích cực trong việc đa dạng hóa và phong phú hóa văn hóa Phật giáo Việt Nam.

2. Phật giáo Nam tông Kinh ở Đồng Nai

Phật giáo Nam tông Kinh hình thành ở Nam Bộ vào năm 1938 và nhanh chóng phát triển ra các địa phương như: Sài Gòn, Đồng Nai, Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Ngay từ buổi đầu truyền vào Nam Bộ, Phật giáo Nam tông Kinh đã linh hoạt hòa nhập, trở thành một tôn giáo có vị trí quan trọng, được cộng đồng người Kinh đón nhận.

Từ hạt nhân ban đầu hình thành ở chùa Bửu Quang (Sài Gòn), Phật giáo Nam tông Kinh phát triển, lan tỏa về các khu vực trong đó có Đồng Nai. Theo Thượng tọa, TS.Bửu Chánh – Viện chủ Thiền viện Phước Sơn (Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thì: do đặc thù lúc bấy giờ đất nước đang chiến tranh, Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh chưa có điều kiện mở rộng ảnh hưởng ra cả Việt Nam mà mới chỉ từng bước lan rộng đến các vùng miền, mà chỉ mới ở: Đà Nẵng, Huế (năm 1953), miền Đông Nam Bộ (năm 1961). Theo đó, có các ngôi chùa được thành lập như: Kỳ Viên – 1947; Định Quang ở Lâm Đồng – 1963; Bửu Long – Thủ Đức 1964; Bồ Đề ở Vũng Tàu – 1969; Nguyên thủy Cát Lái - 1970[5]. Theo đó, Phật giáo Nam tông Kinh phát triển ở Đồng Nai trong thời gia này, được người dân đón nhận, tin theo. Một số các ngôi chùa mọc lên với mục đích là hoằng dương Phật pháp của hệ phái Nam tông Kinh, lễ bái, tụng niệm, cầu cho quốc thái dân an. Chùa không trở thành trung tâm của các hoạt động hội họp, bàn bạc các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương như Phật giáo Nam tông Khmer; nhưng là địa điểm được người dân lui tới sùng kính, có mối gắn kết bền chặt với cộng đồng làng xã. Những ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh ở Đồng Nai đã nhanh chóng định hình, hòa nhập có chỗ đứng trong cộng đồng người Kinh. Với triết lý là khuyên răn con người làm điều lành, tránh điều dữ, mỗi ngày làm việc tốt là ngày lành.

Nghi lễ của Phật giáo Nam tông Kinh dựa vào truyền thống Kinh điển Nguyên thủy, gần gũi và trung thành như thời đức Phật hiện tiền cũng gần gũi với văn hóa, con người Việt Nam. Hàng tháng, vào 2 ngày các chùa thường thường thuyết pháp cho Phật tử nghe (vào ngày 15 hoặc ngày 30 tùy từng chùa), nhiều chùa như Thiền viện Phước Sơn cứ có làm lễ là có thuyết pháp, vào ngày 16 của các lễ lớn có đốt hoa đăng ở chùa. Trong năm theo âm lịch hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh tổ chức 4 lễ lớn vào: tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy và tháng Mười (lễ dâng y).

Trong chuỗi hình thành và phát triển ở Đồng Nai, hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh vẫn luôn có vai trò quan trọng trong việc chăm lo đời sống tâm linh cho đồng bào, bảo vệ tự do tín ngưỡng và Đạo pháp; là chỗ dựa tin cậy về mặt tâm linh cho cộng đồng.

Ngôi chùa đầu tiên của hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh trên đất Đồng Nai là Thiền viện Phước Sơn do Cố Hòa thượng Giới Nghiêm khai sơn vào năm 1970. Với cơ sở ban đầu như vậy, Phật giáo Nam tông Kinh với những triết lý vị nhân sinh, có tính ưu việt riêng đã góp phần hình thành nhiều ngôi chùa khắp các địa bàn trong tỉnh[6]. Phật giáo Nam tông Kinh trên đất Đồng Nai đã đóng góp nhiều công sức của mình cho đạo pháp, gắn kết cộng đồng, lan tỏa những giá trị nhân văn của con người Việt, tâm hồn Việt.

3. Kết luận

Sự ra đời của Phật giáo Nam tông Kinh đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, có vai trò quan trọng đáp ứng được nhu cầu của người Kinh về một tôn giáo mang cốt cách của người Việt. Mối quan hệ giữa Phật giáo và cộng đồng dân cư làng xã là mối quan hệ đồng đẳng, qua lại, bổ sung cho nhau trên định hướng chung – hướng về con người, về các giá trị nhân văn của người Việt. Khắc phục những giáo lý khô cứng, Phật giáo Nam Tông Kinh với tư cách một tôn giáo mới đã linh hoạt, hòa quyện vào trong tâm hồn, nếp nghĩ, lối sống người dân gần gũi với tín ngưỡng bản địa thờ cúng tổ tiên ông bà và chiếm vị trí hết quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, văn hóa và giáo dục của người Kinh trong suốt lịch sử 80 năm hình thành và phát triển. Nhiều phép ứng xử, nhiều giá trị của Phật giáo Nam tông Kinh trở thành truyền thống và phong tục tập quán đối với người Việt Nam. Do vậy, mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Kinh và cộng đồng làng xã càng trở nên thân thiết, gắn bó hơn bao giờ hết. Và Phật giáo Nam tông Kinh đã trở thành một thành tố của văn hóa Việt Nam, gần gũi hơn với con người Việt Nam. Sự ra đời của Phật giáo Nam Tông Kinh không chỉ làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm đa dạng, phong phú mà còn góp phần tích cực vào việc duy trì ổn định xã hội, cuộc sống được bình an, no ấm. Bởi các giáo lý, giáo luật của Phật giáo Nam Tông Kinh có tính hướng thiện sâu sắc, trở thành chuẩn mực đạo đức hướng con người tìm về chân giá trị.

TS Lê Xuân Hậu Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Tp.Hồ Chí Minh ***

Tài liệu tham khảo 1. Đại Đức Thích Thiện Minh 2017, Toàn tập trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông, Nhà xuất bản Hồng Đức 2. Địa chí Đồng Nai, tâp 5, Văn hóa xã hội, Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai 2001 3. https://thuvienhoasen.org/a29637/phat-giao-nam-tong-kinh-viet-nam-1938-1963 4. ttp://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/danh-lam/6343-thien-vien-phuoc-son.html 5.http://phatgiaonguyenthuy.com/article/chua-viet-nam/danh-sach-cac-chua-thuoc-he-phai-theravada.html 6.https://thuvienhoasen.org/images/file/ewvIX22z1QgQANoz/phat-giao-nam-tong-kinh-viet-nam.pdf 7.http://vncphathoc.com/bai-nghien-cuu/phat-giao-nam-tong-tai-sai-gon-gia-dinh-tp-ho-chi-minh/ 8. http://www.vjol.info/index.php/rsr/article/download/23847/20387 9. http://phatgiaobinhdinh.vn/mPost/171/nghi-le-pg-nam-tong-kinh Phần phụ lục

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Giao Nam Tong Kinh O Dong Nai 1 Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Giao Nam Tong Kinh O Dong Nai 2 2. Hình ảnh các ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông Kinh
Chùa Bửu Quang (Thủ Đức, Tp.HCM)
Bửu tháp Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông (phường Long Bình, Quận 9, Tp.HCM)
Chùa Bửu Long (phường Long Bình, Quận 9, Tp.HCM)
Chính điện Chùa Bửu Long (phường Long Bình, Quận 9, Tp.HCM)
Thiền viện Phước Sơn (Phước Tân, Biên Hòa, Đồng Nai)
HT Bửu Chánh (Viện chủ Thiền viện Phước Sơn)
Kiến trúc truyền thống tại Thiền viện Phước Sơn
Chính điện Thiền viện Phước Sơn

CHÚ THÍCH: [1] Thiện Hậu (Kusalapacchā) 2016, Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam (1938-1963) [2] Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014) [3] Thiện Hậu (Kusalapacchā) 2016, Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam (1938-1963), trang 9 [4] http://vncphathoc.com/bai-nghien-cuu/phat-giao-nam-tong-tai-sai-gon-gia-dinh-tp-ho-chi-minh/ [5] Toàn tập trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông, Nhà xuất bản Hồng Đức, trang 20 [6] Qua khảo sát thực tế, hiện nay Đồng Nai có khoảng 27 ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh (xem danh sách ở phần phụ lục) [7] http://phatgiaonguyenthuy.com/article/chua-viet-nam/danh-sach-cac-chua-thuoc-he-phai-theravada.html