NNC Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023
1. Bối cảnh lịch sử
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, trong hoàn cảnh đó ngày 19 tháng 5 năm 1945, Việt Minh Nghệ Tĩnh ra đời.
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Chớp thời cơ, ngày 18 tháng 8 năm 1945 huyện Quỳnh Lưu khởi nghĩa giành chính quyền, tiếp đó là Hưng Nguyên (19/8), thị xã Vinh (21/8), Nghĩa Đàn (22/8), Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn (23/8), Nghi Lộc, Yên Thành (25/8), Con Cuông, Vĩnh Hòa, Tương Dương và Quỳ Châu (26/8). Ngày 23 tháng 8, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Nghệ An chính thức ra mắt(1).
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại ở Đông Dương, Việt Nam tạm thời chia cắt thành 2 miền Bắc - Nam, Nghệ An cũng như các tỉnh miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế rồi bắt tay thực hiện kế hoạch 5 năm (1961-1965) xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội đồng thời tiếp tục đấu tranh đòi thực hiện triệt để Hiệp định Giơnevơ, củng cố hòa bình và tiến tới thực hiện thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử; ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm.
Ngày 21 tháng 9, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị số 94-CT/TƯ về “Thi hành chính sách tôn giáo ở vùng mới giải phóng”.
Ngày 14 tháng 6 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 234/SL, ban hành chính sách tôn giáo nhằm bảo đảm tự do tín ngưỡng. Đây là văn bản qui định khá chi tiết về quyền tự do tín ngưỡng của công dân.
Trong những năm 1954-1956, nhất là từ khi Chính phủ ban hành Sắc lệnh bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng (14 tháng 6 năm 1955) nói trên ở miền Bắc đã có 25 nhà thờ và 6 ngôi chùa đền lớn được trùng tu. Trong các chùa có chùa Một Cột (Hà Nội), chùa Hương Tích (Hà Đông), chùa Cổ Lễ (Nam Định), các đền có đền Sòng (Thanh Hóa), đền Hùng (Phú Thọ).
Ngày 2 tháng 8 năm 1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 566-TTg về việc thành lập các Ban Tôn giáo ở Trung ương (Phủ Thủ tướng), khu, tỉnh. Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng (nay là Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ). Theo đó, Ban Tôn giáo các tỉnh được thành lập. Ban Tôn giáo các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình, Hà Tĩnh được biên chế mỗi tỉnh 10 người. Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An được biên chế 13 người. Tuy nhiên, ít khi Ban có đủ người theo biên chế.
Trung tuần tháng 7 năm 1956, Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương báo cáo tổng kết đợt V, đợt cuối cùng của công tác cải cách ruộng đất trước Hội đồng Chính phủ. Trong quá trình tiến hành CCRĐ, Nghệ An cũng như các tỉnh trên miền Bắc đã phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng trên một số vấn đề có tính nguyên tắc (đặc biệt là đợt IV và V). Nhiều nơi đã phá đền chùa, miếu mạo, nơi thờ tự, đốt các di sản văn hóa như gia phả, sách cổ...
Tháng 4 năm 1956, Đảng đã phát hiện sai lầm của CCRĐ và có Chỉ thị sửa chữa những sai lầm. Ngày 18 tháng 8 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ nói rõ thắng lợi và sai lầm của CCRĐ. Người nhấn mạnh: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”(2). Phật giáo trên cả nước cũng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tác động đến Phật giáo Nghệ An.
Lúc bấy giờ trên miền Bắc có bốn tổ chức Phật giáo (Hội Việt Nam Phật giáo, Giáo hội Tăng già Bắc Việt, Hội Phật giáo Cứu quốc, Hội Phật tử Việt Nam(3). Các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trước đây thuộc sự chỉ đạo của Hội Việt Nam Phật học nay đất nước chia cắt, các mối quan hệ đối với Ban Trị sự Hội Việt Nam Phật học đều bị đứt(4). Nhu cầu thành lập Hội Phật giáo thống nhất trở thành cấp thiết.
Nhận thức rõ việc này, pháp sư Thích Trí Độ cùng quý ngài Thượng tọa trong Hội Phật giáo Cứu quốc và Hội Việt Nam Phật giáo như: Kim Cương Tử, Thích Thanh Chân, Lê Phúc Tiến, ... đã vận động thành lập Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô (1956). Trên cơ sở Ban Đại diện Phật giáo Thủ đô, ngày 14 tháng 9 năm 1957, một số vị Hòa thượng và cư sĩ đã đệ đơn lên Chính phủ xin phép thành lập Ban Vận động, tiến tới triệu tập Đại hội đại biểu Phật giáo, thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Ban Vận động do Pháp sư Thích Trí Độ làm Trưởng ban.
Sau một thời gian tuyên truyền vận động, từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 3 năm 1958, Đại hội đại biểu thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tiến hành tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Trị sự Trung ương Hội gồm 45 vị (10 ghế dành cho đại biểu Phật giáo miền Nam) thực tế gồm 33 vị. Ban Trị sự đã bầu Ban Thường trực do Pháp sư Thích Trí Độ làm Hội trưởng, Hòa thượng Thích Tâm Thi, Thượng tọa Thích Đức Nhuận, Thượng tọa Phạm Đức Chính, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám được bầu làm Phó Hội trưởng Hội PGTN Việt Nam. Mục đích của Hội là “hòa hợp tăng ni, cư sĩ, các vị nghiên cứu Phật pháp để chung sức chung lòng: Hoằng dương Phật pháp, Lợi lạc quần sinh, Phụng sự Tổ quốc, Bảo vệ hòa bình”, cụ thể là:
Phát huy lòng yêu nước.
Phát huy tinh thần “vô ngã vị tha” của đạo Phật. Phục vụ lợi ích của nhân dân.
Thực hiện cương lĩnh của MTTQ Việt Nam góp phần củng cố miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà(5).
Ngày 28 tháng 4 năm 1958, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 147 - NV, cho phép Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (HTNPGVN) được “hoạt động trong phạm vi luật lệ hiện hành và Điều lệ của Hội đã được duyệt, đính theo Nghị định này”. Điều lệ Hội có 14 mục với 23 điều, quy định Hội có hai cấp: BTS Trung ương và BTS các tỉnh thành (chi hội). Nhiệm kỳ BTS Trung ương là ba năm, BTS chi hội là hai năm. BTS Trung ương có ba Tiểu ban là Tiểu ban Tuyên giáo, Tiểu ban Nghi lễ và Tiểu ban Từ thiện xã hội.
Sau khi HPGTNVN được thành lập tại Hà Nội, các Chi hội lần lượt được thành lập ở các tỉnh. Đáng tiếc, Phật giáo Nghệ An không đủ lực lượng tăng, ni để thành lập BTS chi hội Phật giáo tỉnh mà chỉ có Ban Đại diện Phật giáo tỉnh.
2. Phật giáo Nghệ An từ năm 1945 đến năm 1981
Phật giáo Nghệ An từ năm 1945 đến năm 1954
Hòa cùng với dân tộc, thực hiện sứ mạng nhập thế, cứu độ chúng sinh, Phật giáo Nghệ An giai đoạn 1945- 1954 đã tích cực tham gia xây dựng chính quyền, tham gia kháng chiến, nhiều chùa trở thành nơi hội họp, trụ sở chính quyền, trường học.
Việc tham gia cách mạng, xây dựng chính quyền
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, cán bộ đã tỏa về khắp các vùng tỉnh, nhất là vùng cơ sở cách mạng còn yếu như miền núi, vùng Thiên chúa giáo để tổ chức vận động quần chúng. Nhờ vậy, các Hội Cứu quốc được phát triển khắp nơi. Ngoài Hội Công nhân Cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Hội Văn hóa cứu quốc, Nông dân cứu quốc còn có Hội Công giáo cứu quốc, Hội Phật giáo cứu quốc(6)... trong các cấp chính quyền, ngoài cán bộ của Đảng còn có nhiều đại biểu các tầng lớp nhân dân và nhân sĩ trong tôn giáo và dân tộc ít người tham gia.
Một biện pháp tích cực nhất để cứu đói là tăng gia sản xuất theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, các ngôi chùa trong tỉnh không những cấy lúa trồng màu các ruộng “hương đăng” của bản tự mà còn tận dụng tăng gia sản xuất đất trong khuôn viên chùa.
Tháng 9 năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, các tầng lớp nhân dân đã đem những vật quý giá nhất của mình tặng vào Quỹ Độc lập. Thành phố Vinh và 5 huyện của Nghệ An đã góp được 23,6kg vàng, Vinh còn đóng góp vào Quỹ Đảm phụ quốc phòng 161.116 đ. Đồng bào các dân tộc ít người huyện Quỳ Châu đã góp 150kg bạc các loại vào quỹ Độc lập. Người ta thấy có cả các tăng, ni trong danh sách đóng góp đó(7). Khi Chính phủ phát động “Tuần lễ Đồng”, Hội Phật giáo Cứu quốc đã vận động các chùa đem các đồ pháp khí như chuông, khánh,... ủng hộ công binh xưởng đúc vũ khí.
Về giáo dục, tới tháng 3 năm 1946, toàn tỉnh có tới 2200 lớp học bình dân với 7780 giáo viên và 31.369 học viên. Về văn hoá-xã hội: đời sống mới được khởi sắc ở khắp mọi vùng, mọi lĩnh vực sinh hoạt. Những hủ tục, tệ nạn: Cờ bạc, rượu chè, cầu cúng, bói toán... được triệt để bài trừ. Việc tế lễ, đình đám, ma chay, cưới hỏi, yến lão... được cải cách theo đời sống mới. Lúc bấy giờ các chùa ở tỉnh Nghệ An đều treo Khẩu hiệu vận động Đời sống mới của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa:
Tại các đền chùa:
1) Đức Phật không dạy phải đốt vàng mã. 2) Đồng bóng bói di là trái tinh thần đạo Phật. 3) Có bệnh đi hỏi thày thuốc, chớ uống nhảm nhí. Ốm là do bệnh chứ không phải do ma quỷ Thần Thánh làm. 4) Lễ bái cốt lòng thành, phi hối lộ đâu mà phải làm lễ vật linh đình. 5) Cúng tiền xây nhà thương, trường học, cầu, chợ, đường xá, tốt hơn là xây đền đài chùa miếu.
Đối với các tăng, ni
1) Vàng mã, bói toán là mê tín dị đoan, trái với tinh thần nhà Phật. 2) Tăng, ni cũng là phần tử quốc gia. Phải tham gia công việc xã hội, phải làm tròn bổn phận công dân.(8)
Nhiều chùa trở thành nơi hội họp, trụ sở chính quyền, trường học, phục vụ kháng chiến.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa Thiên Tạo, huyện Yên Thành là nơi diễn ra nhiều cuộc họp của Việt Minh, của chi bộ Đảng xã Giai Lạc.
Trong những năm toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Ân Hậu được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Hành chính xã Nghi Đức, thành phố Vinh.
Chùa Phúc Tài, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Nơi đây trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp là lớp học Bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ cho dân làng, Chùa cũng là địa điểm hội họp của làng xã để bàn bạc kế hoạch triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, động viên con em tham gia quân đội.
Những năm 1947- 1954, chùa Bảo Lâm ở huyện Yên Thành là nơi được chính quyền cách mạng sử dụng làm chỗ hội họp, tập huấn cho cán bộ, bộ đội, dân quân. Đây cũng là nơi dạy chữ quốc ngữ, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua kháng chiến, kiến quốc, do Đảng và Bác Hồ kêu gọi.
Chùa Bà Bụt (Tiên Tích tự) ở thôn Trạch Thành, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương. Trong những năm 1949- 1953, địa điểm chùa Bà Bụt được dùng làm xưởng da Quân khu 4. Ngôi nhà năm gian hai chái dùng sản xuất giầy da trang bị cho quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1949, dùng làm lớp học trường tư thục Phan Châu Trinh, truyền bá chữ quốc ngữ trong vùng.
Chùa Tuyết Sơn, còn gọi là chùa Hải Thanh, huyện Nghi Lộc. Với địa thế nằm giữa cánh đồng, Hậu cung lại bí mật, kín đáo, chùa Tuyết Sơn trong kháng chiến chống Pháp, sân chùa là nơi tập quân sự và khuôn viên chùa đã diễn ra nhiều cuộc diễn tập của lực lượng dân quân, tự vệ địa phương và bộ đội. Đồng thời, chùa còn là nơi hội họp bí mật của cấp uỷ, chính quyền xã. Từ năm 1949-1955, chùa Tuyết Sơn được chọn làm trường học của con em trong vùng.
Năm 1941, sau khi xử tử hình Đội Cung, chính quyền Pháp cho người đem thi hài ông chôn ở nghĩa địa chùa Tập Phúc, nơi trồng nhiều cây phi lao. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền thành phố Vinh di dời hài cốt ông về địa điểm hiện nay. Trong nạn đói khủng khiếp 1945, chùa Tập Phúc đã tổ chức nhiều đợt phát chẩn cứu dân. Nhiều nạn nhân chết đói được qui tập về mai táng tại nghĩa địa chùa, vị trí đến nay nhiều người còn nhớ. Năm 1945, cán bộ và nhân dân đã họp tại chùa Tập Phúc để bàn phương án giành chính quyền.
Chùa Nhân Bồi, xã Đức Bồi, huyện Đô Lương có niên đại xây dựng lâu đời, lại nằm trên một địa phương có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng. Tại đây, đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở nhiều giai đoạn khác nhau:
Đầu năm 1952, thực dân Pháp ném bom trên địa bàn xã, di tượng Uy Minh vương Lý Nhật Quang được rước về chùa Nhân Bồi lưu giữ. Chùa cũng là nơi cất giấu vũ khí, lương thực, trạm thương binh và cũng là nơi dạy học của trường Sư phạm Liên khu 4, do ông Hải Triều, phụ trách Tuyên giáo Liên khu 4 về trực tiếp giảng dạy(9). Cuối năm 1952, do chiến tranh tàn phá, toàn bộ tượng Phật cổ tại chùa Nhân Bồi chuyển lên chùa Bà Bụt cất giữ.
Chùa An Thái hay còn gọi là chùa Đót, xưa thuộc xã Ngọc Lâm nay là xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Theo lời kể của một số cụ cao niên: Năm 1945 du kích xã Ngọc Long thôn Ngọc Lâm thường xuyên được Hòa thượng Thích Thanh Bản cho tập luyện, huấn luyện ở chùa An Thái. Tháng 8 năm 1947, chi bộ thôn Ngọc Lâm thành lập gồm 3 người là ông Nguyễn Ngọc Hoàn làm Bí thư đó là tiền thân của đảng bộ xã Ngọc Long nay là xã Quỳnh Long, tháng 4 năm 1948 ông Hoàng Ngọc Nhân Bí thư Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu về dự họp với chi bộ tại chùa An Thái bàn việc sản xuất, kháng chiến huấn luyện quân sự chuẩn bị chống càn. Nghị quyết đó làm cơ sở cho việc chi bộ lãnh đạo lực lượng dân quân du kích, cùng với lực lượng bộ đội của huyện Quỳnh Lưu đánh thắng trận quân Pháp đổ bộ vào làng quèn và làng Ngọc Lâm thuộc xã Ngọc Long tháng 10 năm 1949.
Sau cải cách ruộng đất lúc Hòa thượng Thanh Bản qua đời, chính quyền cấp xã cử một số cụ ông, cụ bà đang là sãi ở chùa ở lại chùa để bảo quản giữ gìn ngôi chùa cổ để cho dân làng đến thắp hương theo dân tộc cổ truyền.
Từ năm 1941, sư cô Thích Diệu Niệm đến tu hành với Ni sư Thích Diệu Viên ở chùa Cần Linh, thành phố Vinh. Sau ngày sư Diệu Viên qua đời (1948), sư cô kế đăng trụ trì chùa. Là người sớm có ý thức vì nước, vì dân trong bản đạo, ngay từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến (năm 1946) sư Diệu Niệm đã tham gia các tổ chức cứu quốc như: Phụ nữ cứu quốc, Mặt trận Việt Minh, mua nhiều công trái cứu quốc, ủng hộ Quỹ Độc lập.
Chùa Vĩnh Phúc thường gọi là chùa Mơng (chùa Mưng theo tiếng địa phương) thuộc địa phận xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, được xây dựng vào thời nhà Lý. Trong những thời kỳ chiến tranh ác liệt, chùa là cơ sở hoạt động cách mạng và là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ xã Nam Xuân khóa I tháng 10 năm 1953. Trải qua sự biến thiên của lịch sử, chiến tranh, ngôi chùa bị tàn phá chỉ còn lại nền đá cũ.
Nhận định về tình hình Phật giáo Liên khu IV lúc bấy giờ, Thông tri của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 21 tháng 4 năm 1953. Mục Phật giáo viết:
- Hội Phật giáo Khu IV hoạt động mạnh, lấy danh nghĩa trong Mặt trận Liên Việt nhưng họ cứ tuyên truyền: chống Macxit không tôn trọng tự do tín ngưỡng; cho kháng chiến là khổ làm giảm tinh thần chịu đựng của nhân dân; kể cả thuế nông nghiệp nặng.
- Mới đây họ triệu tập Hội nghị Phật giáo toàn Khu trong đó họ bố trí mấy việc cụ thể phạm tín ngưỡng ở địa phương gây thành chuyện phản đối; tuyên bố thành lập Ban Hướng dẫn Thanh niên Phật giáo khu, đòi gia nhập Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, ở Thanh - Nghệ - Tĩnh đều có lập Tỉnh đoàn thanh niên Phật giáo và cũng yêu cầu gia nhập Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.
- Cơ sở của chúng phần nhiều ở các thôn trước đây đã tả khuynh trong khi thi hành chính sách ruộng đất, chúng thường dùng các hình thức diễn kịch, ca hát để hấp dẫn thanh niên.
- Cơ sở của chúng chưa điều tra được hết nhưng ở Xuân Nam (Nam Đàn) đã có 200 thanh niên cứu quốc vào Thanh niên Phật tử, ở Nghệ An cũng có chừng 600 thanh niên gia nhập Thanh niên Phật tử(10).
Pháp sư Thích Trí Độ là người trước đây đã cùng cư sĩ bác sĩ Lê Đình Thám sáng lập Đoàn Thanh niên Đức dục - tiền thân của Đoàn Thanh niên Phật tử đã từ vùng tự do Thanh Hóa vào Nghệ An cùng một số vị trong Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh vận động các tu sĩ Phật giáo và đồng bào Phật tử phát huy tinh thần, ý thức dân tộc và đạo pháp chân chính đấu tranh loại bỏ mọi tiêu cực, không cho địch lợi dụng tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng để chống lại công cuộc kháng chiến kiến quốc. Nhờ vậy, việc lôi kéo thanh niên Nghệ An vào Đoàn Thanh niên Phật tử đã dừng lại.(11)
NNC Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023 ***CHÚ THÍCH: (1) Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945, Nxb Giáo dục, 2000, tr.413-414 (2) Viện Sử học, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945-1975), Nxb Giáo dục, 2006, tr 159-160. (3) Hội Việt Nam Phật giáo là hậu thân của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, đã được Bộ Nội vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công nhận tư cách pháp nhân ngày 23 tháng 5 năm 1946 theo quyết định số 158NV-PG. Hội Phật tử Việt Nam được thành lập tháng 9 năm 1949 tại chùa Chân Tiên, đường Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do một số cư sĩ mến mộ đạo Phật như các cư sĩ: Văn Quang Thùy, Nguyễn Văn Chế, Lê Văn Lâm, Bùi Hưng Gia góp sức. Hội ra tờ Bồ Đề Tân Thanh làm cơ quan hoằng dương Phật pháp. (4) Hội Việt Nam Phật học (hậu thân của Hội An Nam Phật học) thành lập tháng 6 năm 1948 tại Huế do cư sĩ Chơn An Lê Văn Định làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại số 1B đường Nguyễn Hoàng, tục bản tờ Viên âm. (5) Kỷ yếu Hội nghị thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam từ 16-18/3/1958, tr. 8-11.. (6) Hội Phật giáo Cứu quốc Nghệ An thành lập cuối năm 1945 do Hòa thượng Thích Thanh Bản trụ trì chùa xã Ngọc Lâm (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ Tĩnh), nay là chùa An Thái (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) làm Chu tịch. (7) Bùi Hữu Tam chủ biên, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, tập I, chương 5 (1930-1945), Nxb Chính trị quốc gia. 1999. (8) Báo Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa Cứu quốc , số 15,16,17 ra ngày 19 tháng 8 năm 1946. (9) Đảng ủy-HĐND-UBND- MTTQ xã Bồi Sơn, Lịch sử Đảng bộ xã Bồi Sơn 1930-2010, Nxb Nghệ An, tr.31. (10) Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1953, Nxb Chính trị quốc gia, 2007, tr.135. (11) Theo lời kể của Đại tá CCB Đinh Thế Hinh (1927-2019), cán bộ Tiền khởi nghĩa, tức Pháp Lữ - một trong 27 nhà sư “cởi Ca sa mặc chiến bào” năm 1947 ở chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Báo Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa Cứu quốc, số 15,16,17 ra ngày 19 tháng 8 năm 1946. 2. Kỷ yếu Hội nghị thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam từ 16-18/3/1958, tr. 8-11. 3. Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945, Nxb Giáo dục, 2000. 4. Viện Sử học, Việt Nam những sự kiện lịch sử từ 1945-1975, Nxb Giáo dục, 2006, tr. 201 5. Bùi Hữu Tam chủ biên, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, tập I, II, Nxb Chính trị quốc gia. 1999. 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, tập 5. 7. Đảng ủy-HĐND-UBND- MTTQ xã Bồi Sơn, Lịch sử Đảng bộ xã Bồi Sơn 1930-2010, Nxb Nghệ An. 8. Sơ thảo: Truyền thống đấu tranh và xây dựng của nhân dân Thanh Khai dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930 - 1975) của UBND xã Thanh Khai. 9. Lịch sử xã Nghi Tiến, Đảng uỷ, HDND, UBND, UBMTTQ xã Nghi Tiến, Nxb Văn hoá - Thông tin, 2013, tr.25 10. Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1953, Nxb Chính trị quốc gia, 2007, tr.135. 11. http://congannghean.vn/van-hoa-giao-duc/201208/22294-su-ba-chua-can-linh-hai-lan-duoc-gap-bac-395708/.
Bình luận (0)