1. Đặt vấn đề

Xã hội ngày nay đang phát triển, tiến bộ về mọi mặt đã nâng cao đời sống con người, con người ngày càng văn minh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển đã nảy sinh những mặt trái của xã hội đương đại. Ngoài những điểm tích cực, còn có những vấn đề tiêu cực đang nổi lên hàng ngày, cần sự quan tâm, chung sức giải quyết ở cấp độ quốc gia và toàn cầu, như: Vấn đề suy thoái đạo đức, con người trở nên vô cảm, bạo lực, bạo hành và thiếu niềm tin; biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên tai ngày một gia tăng; làm sao để phát triển kinh tế bền vững và nhiều vấn đề phức tạp khác, như: trí tuệ nhân tạo, vũ khí hủy diệt hàng loạt, chất độc sinh học… Vậy làm thế nào để đưa giáo lý Phật giáo ứng dụng vào cuộc sống của con người để giải quyết các vấn đề của xã hội đương đại? Đứng trước những thách thức đó, Phật giáo cần phải tiếp cận các vấn đề trên như thế nào ở góc độ tôn giáo; tinh thần nhập thế của Phật giáo đã giúp được gì cho đất nước Việt Nam; cũng như cho việc giải quyết những thách thức của nhân loại trong xã hội đương đại?

2. Phật giáo nhập thế - tư tưởng và nhận thức

2.1. Khái lược Phật giáo nhập thế

Phật giáo đã có mặt trên đất nước Việt Nam hơn 2000 năm, trải qua thời gian, Phật giáo với nền giáo dục đạo đức, hướng thượng đã sớm nhận thức được sứ mệnh truyền bá chính pháp và nhanh chóng trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, qua mỗi giai đoạn, Phật giáo đều có vai trò, vị trí và những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Tư tưởng nhập thế của Phật giáo đã đem lại hạnh phúc, an vui đến cho vạn loại chúng sinh, giáo lý đức Phật dạy cách đây hơn 2500 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị, dù chân lý đó được diễn giải theo nhiều cách khác nhau thì mục đích cuối cùng vẫn giúp con người trở về với bản tính “chân – thiện – mỹ”.

2. 2. Tư tưởng và nhận thức

Một khi nói đến tính nhập thế của Phật giáo đối với xã hội đương đại, là chúng ta nói đến tính ứng dụng của giáo pháp Phật giáo trong cuộc sống, mục đích ra đời của đạo Phật là để khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian.
Hòa thượng TS Thích Gia Quang (Ảnh: Minh Nam)

3. Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại ở Việt Nam

3.1. Phật giáo nhập thế và vấn đề gia đình và xã hội

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Nghiên cứu cho thấy, mâu thuẫn về “lối sống” là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Để tránh hôn nhân tan vỡ và bạo lực gia đình, đức Phật đã dạy về đời sống hạnh phúc gia đình của con người như trong Kinh Lễ Sáu Phương (Kinh Ca Thi La Việt) đức Phật dạy: Chồng đối với vợ thì phải thương yêu vợ, chung thủy với vợ, săn sóc đời sống vật chất cho vợ, trao cho vợ quyền quản lý những công việc trong gia đình, kính trọng gia đình vợ; còn vợ đối với chồng thì phải thương kính chồng, chung thủy với chồng, quản lý gia đình tốt, siêng năng làm việc, đối đãi thân thiện với gia đình chồng và bạn bè của chồng. Đấy là những phép ứng xử rất hợp tình hợp lý, là nếp sống đạo đức lành mạnh, là nhân tố tạo nên hạnh phúc trong đời sống hôn nhân gia đình. Hiện nay, bên cạnh các lễ cưới truyền thống, có không ít các lứa đôi chọn cách tổ chức lễ cưới tại chùa theo các nghi thức Phật giáo, lễ cưới này được gọi là lễ Hằng thuận. Đây được xem là nét văn hóa tâm linh đặc thù thể hiện rõ tinh thần nhập thế của Phật giáo về hạnh phúc gia đình của mỗi lứa đôi.

3.2. Phật giáo nhập thế và vấn đề từ thiện, nhân đạo

Phát huy tinh thần từ bi, cứu khổ, ngày nay các tổ chức từ thiện Phật giáo đứng đầu là các tăng, ni đã tích cực tham gia công tác từ thiện và an sinh xã hội như là vận động tăng ni, phật tử tích cực tham gia các phong trào hiến máu nhân đạo, đóng góp quỹ từ thiện, xây nhà tình thương, xây trường học, mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bữa ăn từ thiện tại các bệnh viện và nhiều công tác từ thiện, nhân đạo khác.
Ảnh: An Nhiên
Với trên 165 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, khám và phát thuốc nam, thuốc bắc; có trên 10 phòng khám Tây y, Đông Tây y kết hợp, đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Trên 1.000 lớp học tình thương; 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật,…với trên 20.000 em; trên 20 cơ sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già; và có khoảng 10 trường dạy nghề miễn phí đã đào tạo và giới thiệu cho hàng nghìn học viên có việc làm. Hiện nay hoạt động từ thiện được xem là một hình thức nhập thế nổi bật nhất của Phật giáo và được nhân rộng từ cơ sở chùa, tự viện cho đến cộng đồng phật tử trong và ngoài nước đã mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, thông qua đó giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, tương thân tương ái, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

3.3. Phật giáo nhập thế và vấn đề phát triển kinh tế

Dưới góc nhìn của nhà tu hành, tôi xin trình bày những khía cạnh giáo lý Phật giáo góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng hiệu quả kinh tế như sau: Thứ nhất về tư tưởng: Tư tưởng nhập thế Phật giáo đã góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức con người, đưa con người đến cuộc sống “chân – thiện – mỹ”, từ đó làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Thứ hai về kinh tế văn hóa tâm linh: Ngày nay ngành du lịch văn hóa tâm linh là loại hình rất được ưa chuộng. Những nơi như chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính đã thu hút hàng vạn lượt khách du lịch hàng năm và còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người ổn định cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cho xã hội. Các công trình kiến trúc Phật giáo tạo cơ hội cho các ngành nghề phát triển như nghề điêu khắc tượng, nghề đúc đồng, và tạo ra nhiều công trình văn hóa tâm linh có giá trị về văn hóa lẫn kinh tế. Thứ ba về đóng góp kinh tế trong công tác phúc lợi xã hội: với hệ thống trên 165 cơ sở khám chữa bệnh tại các chùa, tự viện trên cả nước, hàng năm đã điều trị và phát thuốc miễn phí cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng; các cơ sở đào tạo miễn phí đã dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hàng nghìn học viên. Phật giáo đã giúp giảm gánh nặng cho xã hội bằng việc chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, sớm vượt qua để ổn định cuộc sống. Thứ tư về huy động vốn xã hội: Với những tín đồ có niềm tin chính tín vào Phật giáo, họ sẵn sàng đóng góp một phần kinh phí vào các công trình phúc lợi xã hội như xây chùa, xây trường học, xây nhà tình nghĩa, xây cầu đường và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác đã thực hiện mỗi năm.

3.4. Phật giáo nhập thế và vấn đề giáo dục

Trải qua hơn 2500 năm, nhìn lại những quan điểm về giáo dục Phật giáo đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay giáo dục Phật giáo không những tập trung ở Tăng đoàn mà còn phát triển ra ngoài cộng đồng xã hội ở các tầng lớp từ các em thiếu niên nhi đồng đến tầng lớp thanh thiếu niên, người trung tuổi và người cao tuổi, có xu hướng tìm hiểu Phật giáo ngày càng tăng. Đường hướng giáo dục Phật giáo không đề cao, cổ vũ niềm tin mù quáng, ngược lại lấy chính trí, chính kiến làm nền tảng cho giác ngộ giải thoát, làm động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, cũng là nền móng cho sự thương yêu và cảm thông. Vì chỉ có trí tuệ và từ bi mới đẩy lùi những hành vi bất chính như các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, gia đình; tranh giành quyền lợi… vốn xuất phát từ vô minh. Một giải pháp hữu hiệu trong Phật giáo để giải quyết vấn đề bạo lực học đường đó là các bậc phụ huynh nên khuyến khích các con em đến chùa để các em được gieo trồng hạt giống yêu thương, nhân ái, hiểu được cội nguồn nhân quả, phân biệt được việc đúng sai, từ đó ngăn cản những hành vi bạo lực. Hiện nay nhiều chùa trên cả nước thường xuyên tổ chức khóa tu một ngày hay khóa tu mùa hè là khoảng thời gian quý giá để các em được trau dồi nhân cách, đạo đức, được tiếp xúc với những người bạn thân thiện, cảm thông, chia sẻ. Thông qua những khóa tu học ở chùa đã giúp các em có cơ hội nhìn ra lỗi lầm của mình, nhiều em sau khi đến chùa đã có lối sống tích cực hơn.

3.5. Phật giáo nhập thế và vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai

Lý thuyết duyên khởi trong Phật giáo cho rằng sự sống là sự hỗ tương giữa các loài và vạn vật, thiên nhiên chính là một bộ phận cơ thể của con người, con người không thể tồn tại được nếu không có môi trường. Nếu môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người sẽ bị hủy diệt.
Ảnh: Ngô Dũng
Đứng trước vấn đề môi trường đang xuống cấp như hiện nay, tính nhập thế của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường là sự khuyến khích tín đồ phật tử ăn chay, ăn chay ngoài việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân người ăn chay mà còn là một cách để bảo vệ môi trường sống; tổ chức các khóa tu với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường được chú trọng. Song song với đó là sự giáo dục nhận thức con người có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên và môi trường sống và đặc biệt là hướng dẫn mọi người thực hành nếp sống trên nền tảng đạo đức Phật giáo là hướng thiện, là tôn trọng sự sống của vạn loài.

3.6. Phật giáo nhập thế và vấn đề phát triển khoa học công nghệ

Chúng ta đang trên đà phát triển tiến lên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại công nghệ số phát triển trong các lĩnh vực của đời sống, con người đang chạm tới sự văn minh của thời đại mới, bên cạnh đó những hậu quả của sự phát triển khoa học công nghệ để lại cho toàn nhân loại cũng rất nghiêm trọng như: vấn đề vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học là sức mạnh tiềm ẩn của quốc gia này nhưng lại đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của quốc gia khác và một khi con người mất kiểm soát sẽ có nguy cơ hủy diệt toàn bộ trái đất. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, các nhà khoa học thừa nhận rằng Phật giáo đã đi trước khoa học, những gì đức Phật thuyết chưa bao giờ lạc hậu mà vẫn còn nguyên giá trị cho dù xã hội đã phát triển. Giáo lý của đức Phật phù hợp, soi sáng khoa học và đời sống xã hội con người đúng như lời của nhà khoa học Albert Einstein đã nói: “Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ những quan điểm của mình để chấp nhận khoa học, bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học, đồng thời cũng vượt qua khoa học. Phật giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá ra những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính con người và trong môi trường sống chung quanh. Phật giáo siêu việt thời gian và mãi mãi có giá trị”. Như vậy, vấn đề trí tuệ nhân tạo đang là thách thức đối với nhân loại, tinh thần nhập thế của Phật giáo sẽ giải quyết vấn đề như thế nào, phải nhận thức như thế nào về tâm thức, hành vi của trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đến nhân loại ra sao? Phải chăng, nếu nhân loại sử dụng những giá trị đạo đức Phật giáo thì đó là nền tảng để xây dựng đời sống hạnh phúc, xây dựng đời sống hòa bình và phát triển.

3.7. Phật giáo nhập thế và vấn đề quan hệ quốc tế

Trong bối cảnh mở rộng quan hệ quốc tế và hội nhập, Phật giáo Việt Nam hàng năm đã đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn Phật giáo trên thế giới đến tìm hiểu, trao đổi về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Phật giáo Việt Nam đã cử hàng chục đoàn đi dự hội nghị, hội thảo, đối thoại về tín ngưỡng tôn giáo và hoạt động tôn giáo quốc tế tại các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka, Ấn Độ, Nhật Bản… Kết quả của các hoạt động đối ngoại Phật giáo trong những năm gần đây đã góp phần làm cho thế giới ngày càng hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam. Hoạt động quan hệ quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời góp phần vào thành công chung của đường lối mở rộng, tăng cường ngoại giao nhà nước Việt Nam trong xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

4. Đề xuất một số giải pháp và kết luận

4.1. Từ thực tiễn đời sống, chúng tôi đưa ra một số giải pháp mang tính gợi ý cho tinh thần nhập thế của Phật giáo phát triển hơn trong tương lai như sau:

- Chương trình sinh hoạt Phật giáo ở các nơi trên khắp cả nước ngày càng được phát triển về chất lượng và số lượng có gia tăng đáng kể. Tuy nhiên chỉ mới tập trung tại các chùa ở thành phố lớn, chưa triển khai trên diện rộng, nhiều nơi chương trình sinh hoạt còn tự phát, chưa chú ý đến chất lượng. Vì vậy mỗi chùa cần phải nhanh chóng thành lập các câu lạc bộ, đạo tràng phù hợp với từng đối tượng và có chương trình sinh hoạt đều đặn để tạo thói quen cho phật tử đến chùa, tham dự các khóa tu và các bài giảng phải đi sát với thực tế làm sao cho dễ hiểu và dễ áp dụng. - Hoạt động từ thiện, nhân đạo ngày nay đang được đông đảo tín đồ phật tử trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng. Vì vậy các tổ chức đoàn thể khi làm từ thiện phải dựa trên tinh thần tứ vô lượng tâm “từ bi, hỷ xả”, “thương người như thể thương thân” để đạt được hiểu quả cao nhất, tránh những hành vi trục lợi, làm hình ảnh thương hiệu, gây ảnh hưởng xấu đến Phật giáo. - Hiện nay một số nhà kinh doanh đang chạy theo lợi nhuận kinh tế mà quên đi những đạo đức kinh doanh, vi phạm đạo đức và nhân quả một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Người phật tử khi làm kinh tế phải dựa vào nền tảng đạo đức Phật giáo để trở thành người làm kinh tế theo xu hướng cạnh tranh lành mạnh, cùng nhau phát triển, không làm hại đến vạn vật và không gây tổn hại đến con người và xã hội. - Nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt đều xuất phát từ con người, bởi vì môi trường đã cung cấp sự sống cho chúng ta. Trước tiên mỗi người phật tử cần có ý thức bảo vệ môi trường như bảo vệ thân thể của mình, các chùa, tăng, ni nên có nhiều chương trình sinh hoạt hướng đến việc giáo dục bảo vệ môi trường và có những hành động cụ thể tại địa phương như ngày chủ nhật xanh, ngày vì môi trường, phát động phong trào phục hồi và bảo vệ sông ngòi, biển cả, rừng núi và vạn vật xung quanh chúng ta. - Tăng cường mối quan hệ trên trường quốc tế để giao lưu học hỏi nền văn hóa Phật giáo giữa các nước và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau vì mục tiêu bảo vệ hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại.

4.2. Kết luận:

Tinh thần nhập thế Phật giáo trong xã hội ngày nay đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống và đã góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội đương đại như đã nêu trên. Tuy nhiên, để vai trò của Phật giáo được nhân rộng và mang lại giá trị lớn cho xã hội thì Phật giáo cần phải ứng dụng giáo lý đạo Phật một cách thực tiễn hơn trong đời sống xã hội như đức Phật đã từng tuyên bố: Đức Phật xuất hiện ở đời vì sự khổ và sự diệt khổ cho chúng sinh, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người. Phật giáo cần có những chương trình hành động cụ thể. Ví dụ: nạn lũ lụt, phá rừng bừa bãi, Phật giáo nên xây dựng chuyên đề về góc nhìn của Phật giáo giải quyết vấn đề môi sinh và sự sống con người. Việt Nam bình quân mỗi năm trên 500 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD do thiên tai gây ra. Về vấn đề tai nạn giao thông, bình quân mỗi ngày cả nước có 22 người chết và hàng trăm người bị thương. Đứng trước vấn đề đó Phật giáo cần xây dựng chuyên đề văn hóa tham gia giao thông để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra. Một vấn đề nữa là nạn tham ô, tham nhũng trong xã hội, Phật giáo nên có hướng chung tay góp sức giải quyết vấn nạn tham nhũng cùng với Nhà nước và nhân dân thông qua việc truyền bá giáo lý Bát chính đạo, khuyên từ bỏ tham – sân – si để đất nước được ấm no, nhân dân được hưởng hạnh phúc. Như vậy, Phật giáo cần xây dựng một số chuyên đề về công tác phật sự đi sát với thực tế, giải quyết được vấn đề thực tiễn trong đời sống đương đại, tránh lý luận, kinh điển giáo điều. Có làm được như vậy mới phát huy được tinh thần nhập thế của Phật giáo để không hổ thẹn với lịch đại Tổ sư và các bậc tiền bối đã hy sinh cả đời mình vì đạo pháp, vì dân tộc. Tác giả: Hòa thượng TS Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 01/2018

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kỷ yếu Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII, Nhiệm kỳ 2012-2017. 2. Tạp chí Nghiên cứu Phật học – số 6 năm 2017 3. Giá trị của Khoa học & Quan trọng của Phật giáo – http://phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201704/Gia-tri-cua-Khoa-ho-c-Quan- trong-cua-Phat-giao-P-1-26501/ 4. Tinh thần nhập thế của Phật giáo đời Trần - https://thuvienhoasen.org/a15533/tinh-than-nhap-the-cua-phat-giao-doi-tran- thich-phap-nhu 5. Giáo dục và giáo dục Phật giáo: Bản chất và giá trị - http://www.daophatngaynay.com/vn/giao-duc/11090-giao-duc-va-giao-duc- phat-giao-ban-chat-va-gia-tri.html 6. Giá trị của đạo đức Phật giáo trong đời sống xã hội hiện nay - http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/9522/Gia_tri_ cua_dao_duc_Phat_giao_trong_doi_song_xa_hoi_hien_nay 7. Việt Nam đang có bao nhiêu người thất nghiệp? - https://news.zing.vn/viet-nam-dang-co-bao-nhieu-nguoi-that-nghiep- post761579.html 8. Quan điểm của Phật giáo về thái độ sống bảo vệ môi sinh - https://thuvienhoasen.org/a13025/quan-diem-cua-phat-giao-ve-thai- do-song-bao-ve-moi-sinh-ts-thich-phuoc-dat 9. Vài nét về : Phật giáo & Khoa học - http://sachhiem.net/TCN/TCNkh/TCNkh16.php 10. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hội nhập quốc tế - https://www.giacngo.vn/sukien/nhanvatvasukien/2016/10/30/524481/