1. Từ 1930 đến tháng 8 năm 1945
Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Ninh Giang (1930-1954)(1), thì vào khoảng năm 1926-1927, ông Nguyễn Văn Quế, người tỉnh Sơn Tây đến dạy học ở trường Sơ đẳng tiểu học tại đình Trung Trữ, tuyên truyền ảnh hưởng của Việt Nam Quốc dân đảng (phái Nguyễn Thái Học) ở Trung Trữ, gây được lòng yêu nước, ghét Pháp xâm lược trong nhân dân. Sách Lịch sử Đảng bộ Ninh Bình (1929-1945)(2) cho biết: khoảng tháng 12 năm 1930, ông Nguyễn Doãn Chấp, Uỷ viên Ban chấp hành tỉnh bộ Nam Định, phụ trách công tác thôn bộ, bắt liên lạc với ông Phạm Quang Thẩm. Ông Chấp đã lựa chọn những hội viên tích cực của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tổ chức một chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng gồm 5 người ở chùa Trung Trữ. Đó là các ông Phạm Quang Thẩm, Đinh Thanh, Nguyễn Viễn, Đinh Hữu Toại và Bùi Hồng Ân, do ông Phạm Quang Thẩm làm bí thư. Đây là chi bộ đầu tiên của huyện Gia Khánh cũ và cũng là một trong những chi bộ thành lập sớm của Đảng bộ Ninh Bình.
Từ Trung Trữ, cơ sở cách mạng lan truyền sang các thôn Thanh Khê, Bạch Cừ huyện Gia Khánh, Thượng Hòa, Địch Lộng huyện Gia Viễn. Chi bộ đã lấy chùa Trung Trữ làm cơ sở hội họp. Ông Phạm Quang Thẩm đã viết hai chữ “Việt Cường”, bút danh của ông Nguyễn Doãn Chấp lên vách hang để nêu cao tinh thần tự cường dân tộc. Từ đấy hang chùa còn có tên là hang “Việt Cường’’. Tên gọi của các chiến sĩ cách mạng. Sau đó chi bộ thành lập các tổ chức công hội đỏ, nông hội đỏ, thanh niên cộng sản đoàn, phụ nữ giải phóng để tập hợp quần chúng. Ông Phạm Quang Thẩm đã lấy hang Giai Nhân ở núi chùa làm nơi đọc sách báo của thanh niên. Sau khi đã chắp nối và thống nhất chỉ đạo các cơ sở cách mạng ở vùng nông thôn hai tỉnh Ninh Bình, Nam Định, đầu năm 1931, Tỉnh uỷ Nam Định đã chuyển cơ sở của báo Hưởng ứng của Đảng ở thôn An Cừ huyện Ý Yên vào hang Miếu Nội, Trung Trữ. Báo Hưởng ứng đã góp phần tích cực vào việc giáo dục, tuyên truyền cách mạng trong đảng viên và quần chúng hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cùng với việc in báo tại hang Miếu Nội, nhiều truyền đơn, tài liệu tuyên truyền cách mạng đã được ấn hành. Từ khi cơ sở in báo Hưởng ứng chuyển về hang Miếu Nội, phong trào cách mạng ở Trung Trữ được đẩy mạnh. Đây là nơi nhận, chuyển chỉ thị, tài liệu báo chí của cấp trên gửi về và từ Trung Trữ đi các nơi khác.
Giữa năm 1943, phong trào cách mạng ở Trung Trữ được phục hồi và lên dần. Tháng 7 năm 1944, một chi bộ ghép với Thanh Khê được thành lập. Đến cuối năm 1944, ông Nguyễn Văn Át cán bộ của tỉnh về công tác cùng hai ông Nguyễn Tốn (tức Đông) và Nguyễn Hiến (tức Bắc) thành lập lại chi bộ Trung Trữ ở chùa Trung Trữ, do Nguyễn Văn Át phụ trách. Chùa Trung Trữ một lần nữa lại trở thành cơ sở của Đảng. Năm 1931, chùa Thiện Hối (Phúc Thiện tự) ở xã Gia Tân là địa điểm thành lập chi bộ Đảng Thiện Hối, thuộc tổng Tri Hối, huyện Gia Viễn. Từ năm 1935-1939, tại chùa đã thành lập tổ đọc báo, tổ Nông hội do tổ chức đảng địa phương lãnh đạo. Những năm 1940-1944, chùa Lạc Khoái huyện Gia Viễn là cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng, là nơi đón tiếp cán bộ lãnh đạo cấp trên của đảng về họp bàn về xây dựng và phát triển phong trào cách mạng trong vùng. Đây cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Lạc Khoái, nơi thành lập Mặt trận Việt Minh của xã, nơi họp bàn tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở trong vùng. Chùa Mơ (Cao Sơn tự) xã Gia Sơn, huyện Nho Quan là nơi đi về, ẩn náu hoạt động, nơi hội họp của các chiến sĩ cách mạng.
Năm 1944, ông Đinh Duy Tân, cán bộ biệt phái của Trung ương về nằm vùng, lãnh đạo Cách mạng, xây dựng chi bộ đầu tiên thuộc xã Hợp Hòa sau này gọi là xã Thái Bình (gồm 3 xã Gia Lâm, Gia Thủy, Gia Sơn ngày nay). Chùa là nơi thành lập chi bộ đầu tiên do ông Bùi Xuân Cổn làm Bí thư, lấy chùa Mơ làm cơ sở hoạt động. Chùa Duy Khánh xã Thanh Lạc, huyện Nho Quan nằm trong vùng liền kề với khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, nơi đây là địa hình hiểm yếu, đồng chiêm trũng, xen lẫn một số núi đá, mùa mưa là vùng nước mênh mông, nhân dân vốn có truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc không chịu cảnh áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, quyết tâm đứng lên chống lại mọi sự áp bức và đồng hóa của kẻ thù, sẵn sàng đi theo Đảng, quyết tâm bảo vệ Đảng. Với truyền thống yêu nước sẵn có ấy, tại di tích năm 1930, chùa là nơi đi về hội họp của Chi bộ Đông Dương cộng sản đảng Ninh Bình(3). Chùa là nơi cất giấu truyền đơn của cách mạng, từ đây truyền đơn được đem đi rải trong vùng Sơn Thành, Văn Phú, Tùng Lộc, xã Phú Lộc, huyện Nho Quan phụ trách trong thời kỳ này là ông Đinh Tất Miễn-Hội viên Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1927, Xứ uỷ viên, Bí thư tỉnh uỷ Ninh Bình năm 1938.
Năm 1931, chùa là nơi tổ chức Hội nghị chi bộ đầu tiên của tổng Vân Trình, bàn việc cắm cờ đảng trên núi Cáp(4). Năm 1938, tại chùa truyền đơn của ta đòi cải cách dân chủ đòi giảm thuế cùng được đem từ đây đi rải khắp trong vùng. Năm 1939 đến năm 1945, chùa là nơi tổ chức nhiều cuộc họp bí mật của chi bộ tổng Vân Trình, nơi luyện tập quân sự của dân quân du kích trong vùng. Nơi tập trung nhân dân trong xã kéo đi tham gia đánh Nhật về đàn áp phong trào cách mạng Quỳnh Lưu ngày 11 tháng 8 năm 1945 tại Mô Mèm khi chúng bị quân và dân Quỳnh Lưu chặn đánh tháo chạy về Nho Quan. Đặc biệt là trong thời kỳ xây dựng khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, chùa Duy Khánh là nơi đi về hội họp của các vị lãnh đạo xứ uỷ Bắc Kỳ như Trần Kiên, Văn Tiến Dũng, Phan Long, Trương Đình Dần vào những năm 1941-1945 (tư liệu do cụ Trương Đình Dần đảng viên năm 1930, lão thành cách mạng người Quỳnh Lưu cung cấp). Các lớp huấn luyện quân sự, chính trị của tỉnh, của xứ uỷ Bắc Kỳ cũng được tổ chức tại chùa Am Trạch (chùa Lỗi Sơn), xã Gia Phong huyện Gia Viễn. Tháng 1 năm 1943 lớp huấn luyện quân sự của Xứ uỷ Bắc Kỳ do ông Trần Tử Bình tổ chức tại Đồng Bảng, tổng Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, có 20 học viên theo học, riêng tỉnh Ninh Bình có 12 học viên. Học xong, các học viên tỏa về các địa phương mở nhiều lớp huấn luyện chính trị quân sự ngắn ngày. Một số thanh niên trong thôn Lỗi Sơn cũng theo học chính trị và quân sự do cán bộ tổ chức tại chùa An Trạch (chùa Lỗi Sơn). Những học viên được huấn luyện và trở thành cán bộ lãnh đạo, huấn luyện cho các đội tự vệ sau này(5). Cuối năm 1943 lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày được mở tại đồi Xưng, thôn Sưa (nay thuộc xã Sơn Lai, huyện Hoàng Long). Tham gia tổ chức và huấn luyện có các ông Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình, Lê Quang Đạo, Minh Châu, Vũ Nhất. Lỗi Sơn có ông Đôi là học viên theo học lớp này, sau đó về làm giảng viên mở rộng cho đội tự vệ tiếp tục luyện tập tại chùa Lỗi Sơn.
Ông Lương Nhân được Trung ương cử về phụ trách quân sự tỉnh Ninh Bình đã từng sống và trực tiếp huấn luyện cho tự vệ Lỗi Sơn tại chùa Am Trạch(6). Cũng năm 1943 cuộc tuyên truyền rộng lớn dưới hình thức treo cờ Đảng, rải truyền đơn phản đối chính quyền địch bắt nhân dân các nơi trong tỉnh đi đào sông từ Giang Nại đến Chính Đại (huyện Yên Mô). Chi bộ Đảng Lỗi Sơn đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh, dân tập chung ở chùa bàn biện pháp và nêu cao khẩu hiệu “năm hết tết đến không đi đâu và không làm gì cả…” buộc hương lý trong làng phải nhượng bộ. Cũng trong thời gian này ông Phan Vĩ (tức Phan Long) Uỷ viên ban cán sự Đảng tỉnh, phụ trách huyện Gia Viễn đã tực tiếp đối thoại với bọn hương lý, lý trưởng Lỗi Sơn lúc bấy giờ nhằm tạo uy thế cho cách mạng, kìm hãm sự hung hăng phá hủy bọn phản động ở địa phương. Chùa Lỗi Sơn (Am Trạch tự) là địa điểm xuất phát của đoàn quân khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân Ngày 17 tháng 8 năm 1945 ông Trần Tử Bình, Uỷ viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ đem lệnh tổng khởi nghĩa về tới căn cứ địa cách mạng Quỳnh Lưu. Tỉnh ủy Ninh Bình liền triệu tập các tỉnh ủy viên, các vị phụ trách quân sự của tỉnh để bàn kế hoạch phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Hội nghị đã nhất trí với chủ trương tập trung lực lượng đánh chiếm lấy một huyện trước, giành thắng lợi ban đầu, động viên nhân dân các huyện khác nổi dậy. Gia Viễn được tỉnh chọn làm huyện giành chính quyền đầu tiên vì huyện lỵ Gia Viễn xa căn cứ của quân Nhật, huyện trưởng và bọn lính cơ tinh thần hoang mang đến cao độ. Lực lượng Việt Minh ở Gia Viễn nhiều, lại gần khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, thời điểm đánh chiếm huyện lỵ Gia Viễn được ấn định đúng vào phiên chợ Me sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945(7). Các vị lãnh đạo của tỉnh về Lỗi Sơn phổ biến chủ trương cướp chính quyền ở huyện Gia Viễn và giao cho chi bộ Đảng Lỗi Sơn chuẩn bị thuyền để chở trung đội giải phóng quân và tự vệ Lỗi Sơn về phố Me cướp chính quyền địch. Tại chùa Lỗi Sơn đã tổ chức cuộc mít tinh lớn, các đoàn thể cứu quốc đứng theo hàng ngũ chỉnh tề nghe vị lãnh đạo tỉnh nói về tình hình cách mạng trong nước và thế giới(8).
Theo đúng kế hoạch, sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945 Trung đội giải phóng quân của chiến khu Quỳnh Lưu và đội tự vệ Lỗi Sơn làm lễ xuất phát tại chùa Am Trạch, dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Lương Nhân tiến về huyện lỵ Gia Viễn. Ba tiểu đội giải phóng quân và tự vệ Lỗi Sơn chia làm ba mũi đột nhập vào đồn lính cơ từ phía chính diện và hai bên sườn đồn. Toàn bộ bọn lính trong đồn chấp thuận đầu hàng quân giải phóng, chúng được tự do trở về quê quán. Quân cách mạng thu toàn bộ vũ khí, giấy tờ, tiền bạc đem tất cả xuống thuyền trở về chùa Lỗi Sơn trong khu căn cứ cách mạng. Số vũ khí thu được một phần trang bị cho giải phóng quân và tự vệ tổng Lê Xá để thành lập một đơn vị vũ trang thoát ly mà nòng cốt là tự vệ Lỗi Sơn. Tin khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Gia Viễn nhanh chóng lan tỏa khắp nơi trong tỉnh, cổ vũ, động viên nhân dân và quân cách mạng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân(9).
Chùa Kho xã Phúc Lộc huyện Nho Quan trong thời kỳ Tiền khởi nghĩa đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại(10). Nơi đây là địa bàn hoạt động cách mạng, từ năm 1936 của hai lão thành cách mạng là các ông Phan Văn Thành và Trần Dần.
Năm 1944 cán bộ cách mạng đã về chùa Kho dán áp phích “Đánh đuổi đế quốc Pháp và Phát xít Nhật, đánh đổ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, ủng hộ Việt Minh” đồng thời tổ chức, huấn luyện lực lượng tự vệ chuẩn bị cho việc giành chính quyền từ tay Nhật.
Tháng 1 năm 1945 ông Đặng Văn Tài, tổ chức cuộc mít tinh phổ biến chỉ thị của Trung ương “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nêu cao thanh thế Việt Minh, phát động hội viên gia nhập tự vệ. Cũng tại đây trung đội tự vệ được thành lập, tổ chức luyện tập, vận động gây quỹ binh, lương, vận động các gia đình khá giả ủng hộ tiền, thóc, có hai gia đình mua 2 khẩu súng ủng hộ. Trong làng mở lò rèn, rèn mã tấu, kiếm, dao găm, giáo mác. Lực lượng tự vệ ở đây làm tốt an ninh thôn xóm, bảo vệ cán bộ cách mạng, tổ chức bảo vệ cán bộ diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng.
Tháng 3 năm 1945, ông Mầu Quang Thủy tổ chức cuộc họp tại chùa Kho, triệu tập thành phần cách mạng nòng cốt của ba làng: Làng Kho; làng Rịa; làng Bái Ngọc để tuyên truyền cách mạng, tổ chức và củng cố huấn luyện tự vệ chiến đấu, tổ chức các đoàn thể cứu quốc, nông hội phụ nữ, thanh thiếu niên.
Sư ông trụ trì chùa Kho là người có cảm tình với cách mạng, đã ủng hộ, cảnh giới cho những cuộc họp bí mật của Đảng, của các đoàn thể, là nơi chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945: chùa Xuân Quang, thôn Quế, xã Quỳnh Lưu huyện Nho Quan là địa điểm hội họp của cơ sở Đảng làng Xuân, nơi luyện tập của quân dân du kích làng Xuân, làng Xanh xã Quỳnh Lưu; làng Chạ, làng Rịa, xã Phú Lộc.
Năm 1927-1929, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, ông Tạ Uyên sử dụng Bích Động làm nơi in tài liệu và đã rải tài liệu cách mạng ở chùa Hang, huyện Yên Mô kêu gọi nhân dân đi theo Đảng. Năm 1939-1940, các cơ sở Đảng ở Ninh Bình được củng cố, tỉnh cử ông Xuân Đề và Phan Lang nhiều lần về để xây dựng cơ sở Việt Minh ở xã Yên Mạc. Dưới núi Càn Nhai trong ngôi miếu, các chiến sỹ cách mạng đã mở lớp bồi dưỡng đối tượng, kết nạp Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội lần thứ nhất của chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam xã Yên Mạc cũng diễn ra tại đây. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chùa Dầu xã Khánh Hòa huyện Yên Khánh là nơi thành lập Ủy ban lâm thời của xã Khang Du, rồi tiếp đến thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của ba xã Khánh Hòa, Khánh Phú, Khánh An, sau lấy tên chung là xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh.
Đến cuối tháng 5 năm 1945, hầu hết địa bàn tỉnh đã xây dựng được các cơ sở của Việt Minh, các đoàn thể như Công nhân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc… đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó có không ít linh mục, nhà sư, nhà giáo, thương nhân và cả những địa chủ yếu nước.
Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào Tuyên Quang chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Uỷ ban khởi nghĩa Toàn quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Ngay trong đêm 13 tháng 8 năm 1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, lệnh cho đồng bào và chiến sỹ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành quyền độc lập cho đất nước.
Với khí thế cách mạng lên cao, ngày 20 tháng 8 năm 1945, hơn một vạn quần chúng nhân dân ở các vùng huyện Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh cùng các đội tự vệ có vũ trang đã tập trung ở phía trước động Thiên Tôn với cờ đỏ sao vàng, các biểu ngữ mang những dòng chữ: “Việt Nam Độc Lập”, “Ủng Hộ Việt Minh”, “Tiễu Trừ Việt Gian”, “Đả Đảo Chính Phủ Bù Nhìn Trần Trọng Kim”, “Thành Lập Chính Quyền Cách Mạng Nhân Dân”,… rực rỡ cả một vùng trời với khí thế sục sôi cách mạng. Chiều ngày 20 tháng 8 năm 1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại sân vận động Non Nước (thị xã Ninh Bình) có hàng vạn quần chúng tham dự. Đại diện Mặt trận Việt Minh tuyên bố xóa chính quyền tay sai, kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh. Cùng ngày, cơ sở Việt Minh lãnh đạo quần chúng cách mạng các huyện Yên Khánh, Nho Quan, Kim Sơn nổi dậy, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 21 tháng 8 năm 1945, quần chúng huyện Yên Mô, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng (lâm thời) tỉnh Ninh Bình do ông Văn Tiến Dũng làm Chủ tịch ra mắt nhân dân. Trước 2 vạn đồng bào, ông Văn Tiến Dũng tuyên bố: “Ninh Bình hoàn toàn giải phóng, thành lập chính quyền cách mạng trong toàn tỉnh”(11).
2. Từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, tăng ni, Phật tử Hà Nội sang Gia Lâm đón Hồ Chủ tịch và Chính phủ Lâm thời từ chiến khu Tân Trào về Hà Nội. Ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chùa Bà Đá thăm nơi thờ Phật và nhà thờ Tổ, đến phòng riêng thăm Hòa thượng trụ trì Thích Thanh Thao (tức Tăng cương Đỗ Văn Hỷ), khuyến khích ngài vận động chư tăng ni, các tín đồ ủng hộ cách mạng, góp công sức đánh đổ giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc.
Ngày 28 tháng 8 năm 1945, một cuộc họp trọng thể được tổ chức tại trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức (gần chùa Bà Đá) gồm trên 100 nhà sư đại diện cho các sơn môn ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên... do Hòa thượng Thích Thanh Thao chủ trì, có các ông Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt đại diện Mặt trận Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định thành lập một tổ chức của Phật giáo yêu nước lấy tên là Hội Phật giáo Cứu quốc. Ban chấp hành Hội gồm 9 người do Hòa thượng Thích Thanh Thao (Đỗ Văn Hỷ) làm Chủ tịch, Thượng tọa Thích Thanh Đặc (Vũ Đại Nguyên) và bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Phó Chủ tịch.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cùng ngày, Phật giáo Hộ quốc đoàn (tức Phật giáo Cứu quốc) đã gửi “Lời chúc từ Chính phủ Lâm thời”. Bài chúc từ tỏ lòng cầu mong:
“Chính phủ Lâm thời nhanh chóng thu xếp ổn thỏa vấn đề trị nội, đối ngoại để có thể tiến hành mau chóng chương trình kiến thiết quốc gia của Mặt trận Việt Minh mà 4, 5 năm nay chúng tôi đã từng ghi sâu trong tâm khảm, chúng tôi tuy bất tài nhưng cũng hết sức hi sinh để giúp đỡ Chính phủ mỗi khi cần đến”.
Bấy giờ, Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Ninh Bình được thành lập do Thượng tọa Thích Trí Dũng phụ trách. Một số huyện, thị như Gia Khánh, Yên Khánh, Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, thị xã Ninh Bình, cũng thành lập Phật giáo Cứu quốc với sự tham gia của các tu sĩ Phật giáo: Thích Thanh Thực, Thích Thanh Tiêu, Thích Đàm Hiên, Thích Đàm Lý, Thích Thanh Thiệu, Thích Quảng Khâm v.v…vận động Phật tử tham gia các phong trào do Việt Minh phát động.
Bằng những việc làm tích cực và có hiệu quả của chính quyền cách mạng các cấp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh được đảm bảo và ngày càng cải thiện: nạn đói được khắc phục, nạn mù chữ từng bước được xóa bỏ. Quần chúng ngày càng tin theo Việt Minh và gắn bó với chế độ mới. Do đó nhiều cuộc vận động cách mạng liên tiếp do Hồ Chủ tịch và Chính phủ đề ra, được Đảng bộ Ninh Bình phát động trong toàn tỉnh như “Tuần lễ vàng”, đóng góp cho “Quỹ Độc lập”, mua công phiếu kháng chiến, động viên thanh niên gia nhập đội quân Nam tiến… đều được nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia. Chỉ tính riêng phong trào “Tuần lễ vàng” và đóng góp cho “Quỹ Độc lập” từ 17-24/9/1945, toàn tỉnh đã góp được 105 lạng vàng và 1,20 triệu đồng Đông Dương (viết tắt $) cho cách mạng Sư Tổ chùa Phúc Chỉnh là Hòa thượng Nguyễn Thanh Thịnh đã ủng hộ Quỹ kháng chiến 100$00 ;
Ngày 6 tháng 1 năm 1946, tăng ni, Phật tử Ninh Bình lại hòa cùng dòng người trong tỉnh và cả nước với các khẩu hiệu: “Ủng hộ Tổng tuyển cử”, “Đoàn kết chống xâm lăng” nô nức cầm lá phiếu đi bầu những người đại biểu chân chính của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước dân chủ cộng hòa. Trên 90% cử tri đã đi bỏ phiếu để bầu ra 6 đại biểu quốc hội khóa I ở khu vực của tỉnh. Sau ngày bầu cử Quốc hội, từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1946, Phật tử các địa phương lại tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Thắng lợi của hai cuộc bầu cử đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý thức làm chủ và nghĩa vụ của mỗi người công dân trong đó có các tăng ni, Phật tử đối với nhà nước cách mạng. Sau khi bầu cử, bộ máy chính quyền từ tỉnh đến xã được chấn chỉnh lại. Ủy ban Nhân dân cách mạng Lâm thời được đổi tên thành Ủy ban Hành chính. Thắng lợi của cuộc bầu cử đã làm tăng thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Mặt trận Việt Minh, vào chính quyền, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, quyết tâm giữ vững và bảo vệ chính quyền của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh.
Ngày 13 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và nói chuyện với nhân dân và cán bộ thị xã Ninh Bình, sau đó người về thăm đồng bào vùng Kim Sơn- Phát Diệm. Đồng bào Công giáo và Phật giáo được nghe Hồ Chủ tịch nói chuyện đã nhất trí ủng hộ những hoạt động của Chính phủ do Người đứng đầu.
(còn tiếp)
Tác giả: NNC Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2020 -------------------CHÚ THÍCH: (1) Ban chấp hành Đảng bộ xã Ninh Giang, huyện Gia Viễn Lịch sử Đảng bộ xã Ninh Giang (1930-1954) , xuất bản năm 1978. (2) Lịch sử Đảng bộ Ninh Bình (1929-1945) do Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Ninh Bình, xuất bản năm 1976. (3) Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Lạc, bản chép tay (dẫn theo Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch). (4) Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Thành, xuất bản năm 2000 (Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch). (5) Lớp huấn luyện này hiện nay còn các ông, bà: Lê Văn Tính, Dương Phi Hùng, Dương Thị Trước… (6) Hà Nam Ninh kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Chỉ huy quân sự Hà Nam Ninh (Nxb Quân đội nhân dân, 1986) và theo bản xác nhận của Thiếu tướng Lương Nhân nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đã nghỉ hưu tại khu tập thể Cục Quân trang, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội, Phan Vĩ ở số nhà 10 đường Thanh Niên, quận Ba Đình (nay thuộc quận Tây Hồ), Hà Nội ngày 2 tháng 11 năm 1992 (Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch). (7) Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Ninh Bình xuất bản 1974 và theo sự kiện lịch sử Đảng Hà Nam Ninh, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Hà Nam Ninh (cũ) xuất bản năm 1976. (8) Ông Phan Vĩ (tức Phan Long) về Lỗi Sơn trực tiếp chủ trì hội nghị, phổ biến chủ trương cướp chính quyền của địch tại nhà ông Đoàn Văn Hồng, tư liệu Lỗi Sơn, bản đánh máy, tài liệu đã dẫn. (9) Theo sách Lịch sử Đảng Hà Nam Ninh, sách đã dẫn thì chiều ngày 19 tháng 8 năm 1945 chiếm Phủ lị Nho Quan, sáng 20 tháng 8 năm 1945 chiếm Tỉnh lị Ninh Bình, huyện Yên Khánh. (10) Theo tờ trình xin xếp hạng di tích ngày 25 tháng 9 năm 2010 của địa phương nơi có di tích có sự xác nhận của chính quyền xã Phú Lộc (Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch). (11) Website Tỉnh đoàn Ninh Bình. (12) Địa chí Ninh Bình, Nxb Chính trị quốc gia, 2010. (13) Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), Nxb Tôn giáo, 2008.
Bình luận (0)