Từ khóa: Phật giáo Ninh Bình, kháng chiến, Phật giáo Cứu quốc, chùa, Phật pháp, tự do tín ngưỡng
1. Hoạt động trong vùng tự do
Ngày 17-18 tháng 12 năm 1946, Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc, Hà Đông do Hồ Chủ tịch chủ trì, đã quyết định phát động cả nước đứng lên kháng chiến. Đêm 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, quân và dân Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định và các thành phố, thị xã ở Trung Bộ và Bắc Bộ có quân Pháp chiếm đóng đã nhất tề đứng dậy kiên quyết chiến đấu vì độc lập tự do.
Đồng thời với việc xây dựng, củng cố các cơ quan quân sự cấp tỉnh, huyện, xã đã khẩn trương tiến hành xây dựng lực lượng bộ đội địa phương. Ngày 29 tháng 9 năm 1947, tại chùa Nội, thôn Phúc Am huyện Gia Khánh, đại đội chủ lực đầu tiên của tỉnh mang tên Đại đội Lê Lợi được thành lập. Đây cũng là nơi diễn ra hội nghị hai tổ chức Việt Minh và Liên Việt sáp nhập thành Mặt trận Liên Việt của tỉnh.
Tăng, ni, phật tử ở các địa phương sát cánh cùng quân và dân trong tỉnh tích cực tham gia kháng chiến.
Tại huyện Hoa Lư: Chùa Bích Động được chọn làm nơi đặt cơ sở quân giới Liên khu III. Trong khu vực này đặt 3 cơ sở sản xuất gọi là X1, X2, X3 là bí danh của các xưởng Lương Khánh Thiện, Trần Phú, Nguyễn Văn Tố, với số lượng 400 công nhân, rải rác ở trong hang động và các chùa. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các nhà sư, tín đồ Phật tử và nhân dân trong vùng, ngành quân giới đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời cung cấp vũ khí đạn dược cho tiền tuyến. Ngày 8 tháng 8 năm 1947, tại chùa- động Bàn Long, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, Ban Quân giới Liên khu III đặt cơ sở sản xuất và sửa chữa vũ khí cho trung đoàn 34 Tất Thắng cung cấp cho mặt trận Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, do ông Đỗ Văn Phan Trưởng ban Quân giới và ông Vũ Đình Đắc quản đốc Công binh xưởng phụ trách. Bí danh của cơ sở này là KO.
Chùa Hoa Sơn là nơi đặt sở chỉ huy hai chiến dịch Quang Trung và Tây Nam Ninh Bình của quân đội ta. Chùa là nơi làm việc của Tỉnh ủy Ninh Bình. Ông Đỗ Mười, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình đã thường xuyên làm việc và hội họp trong chùa.
Chùa Ngần còn có tên gọi khác là Kim Ngân (chùa Vàng) ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên là nơi thành lập tổ chức Đảng của địa phương, là địa điểm đón nhận, bảo vệ cán bộ và cất giấu tài liệu, vũ khí, đạn dược của ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chùa đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Chùa Gà Thanh Hạ có tên chữ Kim Kê tự, ở thôn Thanh Hạ, xã Ninh Hòa, trong kháng chiến chống Pháp là nơi các chiến sĩ cách mạng lui tới hội họp. Đây cũng là thành lập Đảng bộ xã Ninh Hòa.
Huyện Kim Sơn: Chùa Tuy Định ở xã Định Hóa là cơ sở hoạt động của cán bộ kháng chiến. Năm 1946, tại khu vực đền và chùa là nơi diễn ra các cuộc họp của các tổ chức, đoàn thể như Thanh niên Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc. Các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ phong trào cũng được mở tại đây, là nơi truyền bá các chủ trương của Mặt trận Việt Minh đến với nhân dân. Cùng năm 1946, đội tự vệ chiến đấu của địa phương ra mắt và thành lập tại đây. Năm 1948, tại khu vực đền và chùa Tuy Định nhân dân và đội du kích xã đã tập trung nghe hai hàng binh người Pháp nói chuyện về nhân dân Pháp chống lại chính phủ Pháp về việc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Năm 1951, một tiểu đội quân chủ lực huyện tập trung tại đền và chùa Tuy Định đi lùng sục bọn dõng, tề bắt bọn chúng không được hoạt động . Chùa Phúc Long thường gọi chùa Quảng Công ở thôn Quảng Công, xã Yên Thái trong kháng chiến chống Pháp các vị sư trụ trì đã nuôi giấu cán bộ và cho chú tiểu đi bộ đội chiến đấu đã hy sinh.
Chùa Yên Bình xã Yên Lộc từ năm 1945 đến 1954, do sư ông Thích Minh Thức-thành viên Hội Phật giáo Cứu quốc huyện làm trụ trì, là cơ sở nuôi dưỡng, giúp đỡ cán bộ, bộ đội đi về hoạt động.
Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, với khẩu hiệu “Tất cả cho kháng chiến” các Phật học đường do Thượng tọa Thích Đức Nhuận mở ở chùa Đồng Đắc huyện Kim Sơn và ở chùa Kỳ Lân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đều ngưng hoạt động. Thượng tọa đi tới các chùa vùng Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam vận động Tăng ni Phật tử ủng hộ và tham gia kháng chiến.
Thành phố Tam Điệp: Những năm 1952-1953 chùa Quang Sơn thôn Tân Trung, xã Quang Sơn, Nho Quan, nay là thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn, Tp Tam Điệp. Nơi đây đã từng là Bệnh viện dã chiến tiền phương, đã đóng góp to lớn vào chiến dịch Tây Nam Ninh Bình và mặt trận Liên khu 4. Đây cũng là trụ sở hội họp của Ban Chấp hành Đảng bộ Quân khu III, điểm giao liên nối liền chiến khu Quỳnh Lưu huyện Nho Quan và chiến khu Ngọc Trạo tỉnh Thanh Hóa. Cũng có một thời gian chùa là nơi tổ chức học văn hóa cho con em địa phương.
Huyện Nho Quan: Chùa Đồng Dược xã Sơn Thành thuộc chiến khu Quỳnh Lưu trong những năm kháng chiến chống Pháp là nơi hội họp của lãnh đạo đảng, chính quyền các cấp. Chùa Làng Nang (Hoa Chính tự) xã Văn Phú, chùa Thanh La xã Thạch Bình là nơi nuôi giấu cán bộ. Chùa Hạ xã Gia Trung là nơi làm việc của Uỷ ban kháng chiến hành chính những năm 1946- 1953. Năm 1948, bệnh viện Nam Định đóng tại chùa Xuân Quang thôn Xuân Quế, xã Quỳnh Lưu. Những năm 1948-1950, chùa Xuân Quang là địa điểm cơ quan Ty Công an Ninh Bình đóng quân để hoạt động cách mạng .
Chùa Thái Sơn xã Sơn Lai: Tháng 10 năm 1946, chùa là địa điểm của Trường Quân chính Liên khu 3. Năm 1948, chùa là nơi hội họp của Ban Kinh tế tỉnh Ninh Bình. Những năm 1948-1949, chùa là nơi cất giấu vũ khí của công binh xưởng vũ khí Nam Định. Từ năm 1949- 1950, là nơi cất giấu vũ khí của công binh xưởng vũ khí Hồ Chí Minh. Năm 1951-1952, chùa là nơi ở của Ban chỉ huy tỉnh đội Ninh Bình. Phía Đông của ngôi chùa sư trụ trì đồng ý cho đào hầm làm nơi ở của các cán bộ Việt Minh trong những năm chống Pháp (hiện nay dấu tích vẫn còn)
Vào những năm 1948-1949, chùa Kho ở xã Phúc Lộc được sử dụng làm trường học. Năm 1952 chùa là nơi đón và chăm sóc thương binh. Ngày 16 tháng 9 năm 1953, giặc Pháp đánh vào Tây Nam Ninh Bình, biết nơi đây là cơ sở cách mạng chúng đã đốt phá chùa hòng tiêu diệt phong trào cách mạng ở nơi đây.
Huyện Gia Viễn: Chùa Giá Thượng ở xã Gia Hòa là nơi nuôi giấu cán bộ. Chùa Hạ (Chính Dương tự) xã Gia Trung năm 1946 là trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Gia Ninh, sau là Trạm xá nhân dân.
Năm 1949-1950, chùa Lỗi Sơn ở xã Gia Phong là địa điểm đóng quân của Ban Chỉ huy Trung đoàn 34 chủ lực địa phương tỉnh. Năm 1950-1951 Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Nam Định cũng lấy chùa Lỗi Sơn làm trụ sở, các ban ngành thì đóng ở nhà dân trong thôn. Năm 1952 chùa là trụ sở của bộ phận Uỷ ban Kháng chiến hành chính huyện Gia Viễn. Cũng trong năm 1949-1959 công xưởng 55 của Liên khu 3 về đóng quân ở thôn Lỗi Sơn, chùa là nơi hội họp của ban lãnh đạo công xưởng và anh em công nhân, núi Vò là nơi chế tạo, lắp ráp vũ khí, một số nhà dân là nơi đặt máy phay, máy tiện…Nhà in báo Cứu quốc cũng đóng một thời gian ở thôn Lỗi Sơn và cũng từ đây sách báo Cứu quốc được phát đi khắp nơi trong tỉnh, trong nước…
Chùa Đồi thôn Tam Sơn, xã Liên Sơn Thượng là địa điểm chi bộ đầu tiên của Liên Sơn hội họp (bấy giờ là chi bộ Hưng Quốc do ông Đỗ Kim Thoa làm Bí thư). Những năm 1951-1952, Thiếu tướng Hoàng Sâm cùng cán bộ, chiến sĩ về đây rèn cán chỉnh quân và chỉ huy chiến dịch Tây Nam Ninh Bình.
Chùa Lạc Khoái từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 là nơi làm việc của cơ quan in ấn giấy Việt Nam. Từ năm 1948 đến năm 1951 chùa là cơ sở của Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình, Tỉnh đội Ninh Bình, UBKCHC tỉnh Hà Nam, Tỉnh đội Hà Nam, là trạm trung chuyển thương binh. Chùa Chỉnh Đốn (Phúc Hưng tự) hay chùa Ba Xã, xã Gia Minh đầu năm 1947 tại Hang Trâu đơn vị công binh xưởng thuộc đơn vị Quân giới Quân khu II và Liên khu 3, đơn vị này có nhiệm vụ sửa chữa, sản xuất vũ khí đạn dược phục vụ kháng chiến chống Pháp .
Thu Đông năm 1948, trước trận càn ngày 9 tháng 12 thực dân Pháp tung hai tiểu đoàn lính Âu Phi đánh vào chùa Chỉnh Đốn. Do biết được ý đồ của địch, cơ quan đầu não Liên khu 3, Tỉnh uỷ Nam Định, Ninh Bình đã chuyển ra ngoài, Thôn trưởng Bùi Xuân Thụ đã chỉ huy du kích cùng công nhân trong công binh xưởng chôn cất vũ khí, máy móc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Năm 1950, tại chùa Chỉnh Đốn đã diễn ra hội nghị Công giáo vận của Liên khu 3 do hai linh mục là Bồ Xuân Luật và Bùi Văn Kỹ phụ trách. Tháng 3 năm 1951 diễn ra hội nghị Thanh niên xung phong của ba tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình động viên thanh niên xung phong đi phục vụ chiến dịch sông Lô do ông Lê Công-Bí thư Đoàn phụ trách. Cũng tại chùa Chỉnh Đốn và núi Mư, năm 1951 Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương mở hội nghị quyết định Chiến dịch Quang Trung trên địa bàn ba tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, nhân dân thôn Chỉnh Đốn được giao nhiệm vụ chuẩn bị nơi ăn nghỉ cho hội nghị. Cũng trong năm này Đại hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình lần thứ 2 họp tại hang chùa Chỉnh Đốn, bà Lê Kim Định được bầu làm Chủ tịch . Tháng 8 năm 1952 tại chùa Chỉnh Đốn diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Viễn lần thứ 3, họp tại Hang Trâu. Đại hội bầu Ban chấp hành đảng bộ mới do ông Hoàng Minh Cao làm Bí thư. Tại chùa Chỉnh Đốn tháng 1 năm 1953 đã diễn ra hội nghị Công trái kháng chiến, hội nghị do ông Lê Thanh Nghị - Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu 3 chủ trì. Hội nghị đã thu được hàng chục triệu đồng và hàng trăm tấn thóc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp chùa Chỉnh Đốn có 5 vị sư lên đường tòng quân là sư Thích Thiện Củng, sư Thích Thiện Lễ, sư Thích Thiện Kim, sư Thích Thiện Xuyên và sư tiểu Đinh Trọng Khiếu, 2 nhà sư đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ và ba sư khác bị thương được công nhận là thương binh.
Huyện Yên Mô: Chùa Bồ Vi (Khánh Ninh tự) cuối năm 1945, Thượng tọa Thích Thanh Duệ về trụ trì. Năm 1947 ông đi bộ đội. Năm 1948, Thượng tọa Thích Thanh Kiến về nhận chùa và hoạt động kháng chiến bí mật. Năm 1949, ông lên đường nhập ngũ.
Thu Đông năm 1947-1948, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng ác liệt, nhưng Yên Mạc lúc này là vùng tự do. Đầu năm 1947, trường Nguyễn Khuyến từ Nam Định sơ tán về xã Yên Mạc với hàng trăm giáo viên học sinh. Chùa Hang vinh dự là địa điểm để Ban chi ủy xã cùng giáo viên của trường tổ chức hội nghiên cứu Mác xít, nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lê nin và các chủ trương đường lối về kháng chiến kiến quốc của Đảng và Chính phủ.
Năm 1948, Quân khu III tổ chức cuộc triển lãm với quy mô lớn ở núi Voi, nhằm biểu dương những thành tích của toàn quân khu, sau bốn năm thực hiện chỉ thị kháng chiến kiến quốc của Đảng, biểu dương ý chí quyết tâm chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Tại cuộc triển lãm này, xã Yên Mạc đã vinh dự đón đoàn đại biểu của Quốc hội và Chính phủ do Luật sư Bồ Xuân Luật về thăm và cổ vũ phong trào. Tại cuộc mít tinh và chào mừng được tổ chức trọng thể ở núi Voi, ông Bồ Xuân Luật thay mặt Quốc hội, Chính phủ đã biểu dương xã về những cố gắng trong sản xuất, xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu, cùng với Quân khu tổ chức cuộc triển lãm này.
Tháng 7 năm 1950, Trung đoàn 57 lấy điểm này làm xuất phát đánh Chi Điền, trong chiến dịch Trần Hưng Đạo. Sáng 19 tháng 3 năm 1951, với lực lượng lớn lính Âu Phi chia làm hai mũi từ Kim Sơn, Tuy Lộc kéo vào Phượng Trì hòng chiếm núi Voi, núi Bảng - căn cứ địa vững chắc của du kích xã và các xã vùng Nam Kim Sơn. Sau hàng trăm quả đại bác điên cuồng bắn vào núi Voi, gần trưa địch chiếm được núi Voi.
Chiến dịch Quang Trung năm 1951, Trung đoàn 57, Trung đoàn 66, Đại đoàn 304 đóng quân tại chùa Hang. Đầu năm 1952, sau chiến dịch Hòa Bình kết thúc, địch từ Phát Diệm mở trận càn lớn qua các xã của Yên Mô, đó là trận càn có quy mô lớn. Như vậy, sau trận càn này, địch đã bọc chặt lực lượng của ta, làm khó khăn cho cách mạng, nhưng cơ sở cách mạng của ta vẫn lớn mạnh. Núi Voi, núi Bảng vẫn là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ ta.
Ngày 1 tháng 5 năm 1950, ông Trịnh Văn Xước và ông Đoàn Văn Tố đã cắm cờ Việt Minh trên ngọn cây muỗm trước cửa chùa Cổ Linh, xã Khánh Thịnh để phát động kháng chiến chống Pháp trên toàn xã.
Chùa Hang là căn cứ hậu phương của cuộc chiến tranh chống Pháp, bảo đảm an toàn cho hàng trăm thương binh từ mặt trận về điều trị tại bệnh viện tiền phương của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 vào năm 1951, Trung đoàn 66, Đại đoàn 320 năm 1952. Ông Nguyễn Văn Phúc, Tỉnh đội phó Ninh Bình đã ở đây, chỉ huy bộ đội đại đội 198 Ninh Bình, Trung đội 147 Yên Mô và đơn vị 40 Kim Sơn đánh địch trong chiến dịch Hải Âu. Năm 1953, địch từ Kim Sơn tấn công vào Phượng Trì, do chủ động của lực lượng du kích ở Phượng Trì, đã phối hợp với đơn vị 40 Kim Sơn, từ núi Voi ta tổ chức nổ súng chiến đấu, đánh bại hàng chục đợt tấn công của địch. Địch đã dùng hàng ngàn quả đại bác bắn liên tiếp vào núi Voi, làm cho đá phải sờn, cây bật tung rễ gốc, nhưng địch vẫn không chiếm được núi Voi. Ngày 25 đến ngày 30 tháng 1 năm 1954, địch tập trung một tiểu đoàn Âu Phi từ Kim Sơn kéo vào càn núi Voi. Núi Voi-chùa Hang là căn cứ vững chắc của quân dân xã Yên Mạc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Là trung tâm chỉ huy của các chiến dịch tiến đánh vào Kim Sơn, Phát Diệm. Cơ quan nghiên cứu chính trị Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Yên Mô năm 1954 làm việc tại đây.
Huyện Yên Khánh: Chùa Phúc Nhạc (Già Lê tự) ở xã Khánh Nhạc là cơ sở hoạt động của cán bộ Việt Minh và bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946- 1954). Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945, nhất là từ cuối năm 1946, bọn phản động đội lốt tôn giáo hoạt động ráo riết ở Phúc Nhạc chúng lôi kéo, mua chuộc các tín đồ Phật tử ở chùa cùng tham gia vào các đảng phái phản động nhưng các tín đồ đều cự tuyệt không tham gia. Điển hình là vụ tháng 4 năm 1947, chúng cho người sang chùa hỏi ý kiến sư cụ. Song các vị ở đây đều không đồng tình ủng hộ và không tham gia.
Cuối năm 1947, Đại hội thành lập Phật giáo Cứu quốc tỉnh Ninh Bình được tổ chức tại chùa Phúc Nhạc. Sư cụ Phan Thanh Sán được bầu làm Chủ tịch Hội. Để góp phần bảo vệ thành quả của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh huyện, Hội Phật giáo Cứu quốc huyện Yên Khánh đã thành lập đơn vị Thanh niên Phật giáo bán vũ trang với số lượng là 186 người, trong đó phần đông là thanh niên Phật tử ở chùa Phúc Nhạc tham gia.
Bọn côn đồ gây ra vụ bạo loạn ở Phúc Nhạc , sư cụ chùa Phúc Nhạc đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ anh em trong đơn vị Thanh niên Phật tử bán vũ trang như mua sắm vũ khí, cung cấp tiền gạo, tổ chức nuôi quân...cho đến khi bộ đội ta về bao vây, tiêu diệt bọn côn đồ. Chùa Phúc Nhạc là địa điểm hoạt động bí mật của Đảng bộ, là nơi liên lạc, lưu giữ, nhận công văn, tài liệu, tin tức trong những năm kháng chiến chống Pháp ở vùng địch hậu.
Năm 1947, chùa Dầu có vinh dự được đón Đặc ủy Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do ông Trần Đăng Ninh và ông Nguyễn Khánh Toàn về kiểm tra phong trào cách mạng ba xã Khánh Hòa, Khánh An và Khánh Phú và huyện Yên Khánh lúc bấy giờ. Qua một đêm tạm trú và xem xét địa hình cảnh tích nơi đây, ông Trần Đăng Ninh đã phát biểu “…Đây là nơi danh lam thắng tích có giá trị của dân tộc nói chung, của địa phương nói riêng nên nhân dân cần phải cố gắng bảo tồn, gìn giữ cho tốt…”
Năm 1951, địch đóng bốt chùa Dầu (Linh Nha tự), chúng lấy Tam quan làm pháo đài, bệ thờ làm nơi cư trú, nghiêm cấm tín đồ ra vào nơi danh tích, chốn kỳ quan. Nhưng được sự chỉ đạo của Đảng, nhân dân đấu tranh quyết liệt để gìn giữ danh tích quê mình, nên tượng Phật và các đồ tế tự được di chuyển vào đền Trung Yên Khang.
Địch đóng bốt chùa Dầu sau 4 tháng thì được giải phóng, phần do đạn, bộc phá lúc công đồn, phần bị địch phá, nên bị tiêu hủy 7 gian Nội điện, 14 gian Giải vũ, 15 gian vừa nhà Tăng, nhà Trù (bếp), một cổng chính, một cổng bên và các mái của 7 gian Tiền đường bị hư hại nghiêm trọng.
Sau khi thực dân Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm năm 1949, Uỷ ban kháng chiến hành chính xã Ninh Thắng chuyển về làm việc ở chùa. Nhiều hội nghị quan trọng đã diễn ra ở đây. Chùa còn là cơ sở của đại đội 18, đại đội 20 thuộc Liên khu 3. Trong chiến dịch Quang Trung năm 1951 chùa là cơ sở chữa trị cho thương binh, là cơ sở của dân quân du kích địa phương.
Chùa Dầu đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, sư Tổ Đàm Quang Thụ được tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất.
Từ cuối năm 1948, chiến tranh ngày càng ác liệt và lan rộng địch thường cho ca nô, tàu chiến theo đường sông Đáy qua xã hành quân càn quét ở các thôn, xóm. Ngày 1 tháng 12 năm 1947 chúng đã đổ bộ lên bến đò Vệ, hành quân càn quét hai xã Khánh An, Khánh Phú cướp phá bắn giết dân lành, gây thiệt hại về người và của. Đặc biệt ngày 16 tháng 10 năm 1949, Pháp đã cho 2.000 quân đổ bộ, nhảy dù xuống Phát Diệm. Sau khi chiếm đóng Phát Diệm, ngày 18 tháng 10 năm 1949 địch đánh lên khu Khánh Cư, Khánh An, Khánh Phú thành lập vành đai trắng, đi đến đâu chúng lập đồn bốt đến đó. Làng Yên Xuyên nằm giữa 3 đồn giặc. Cách khoảng 1 km về phía Đông Nam là bốt Chùa Cao. Cách 800m về phía Tây Bắc là bốt Cầu Vệ. Cách 1 km phía Nam là bốt Chùa Hựu. Hằng ngày, chúng mở những cuộc càn quét, chặt phá cây cối đốt nhà dân lấy gỗ, gạch ngói về làm đồn bốt. Trong thời gian này đền Tam Thánh và chùa Yên Lữ là cơ sở cách mạng trung kiên trong xã. Lực lượng du kích trong xã đã dùng khu vực đền chùa làm vị trí chiến đấu, đặt hỏa lực tấn công địch càn quét. Chính vì thế thực dân Pháp và bọn tay sai đã dùng mọi cách phá hoại, tấn công khu di tích, dùng đại bác phá hủy đền chùa.
Tháng 10 năm 1952, các đồn bốt chúng đóng quân như: bốt Chùa Cao, bốt Cầu Vệ, bốt Chùa Hựu, chùa Dầu, địa bàn của xã. Lúc này Đảng, chính quyền chỉ đạo Ban chỉ huy xã đội do ông Lê Ngọc Ánh xã đội trưởng, Đoàn Chính Phương chính trị viên, ông Phạm Quang Bình, Đinh Ngọc Khi, Phạm Văn Thiệp, Đoàn Văn Cuôn, An Viết Thân, Bùi Văn Sanh, chị Xuân, chị Lụa và chị Quyết đã tổ chức lực lượng du kích bao vây đánh địch phá Tề, đã giết tên Xưng, là tổng ủy Yên Phú và nhiều tên khác. Ngoài ra các tên tề dõng bắt ra đầu thú cải tạo. Như vậy, do nằm ở vị trí quan trọng, ở gần đường thủy và đường 10 đi Kim Sơn nên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Yên Lữ từng là địa điểm quan trọng trong hoạt động kháng chiến của quân và dân xã Khánh An. Những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp có đóng góp của khu di tích đền Tam Thánh và chùa Yên Lữ.
Chùa Kiến Ốc huyện Yên Khánh nằm trên con đường liên xã và gần bến đò Tam Tòa sang tỉnh Nam Định, sư trụ trì là Tỷ khiêu Thích Thanh Thiệu (Đảng viên cộng sản từ năm 1947), được cử làm Trạm trưởng Trạm Giao thông liên lạc. Nhiều lần địch giả làm dân thường vào lễ Phật để theo dõi nhưng không làm gì được. Có lần địch trá hình là cán bộ, bộ đội ở vùng tự do về hoạt động và xin nghỉ ở chùa qua đêm. Sư Thanh Thiệu hỏi không đúng mật khẩu nên đã từ chối và kiên quyết mời chúng ra khỏi chùa. Hằng ngày địch phao tin đồn nhảm, gây hoang mang trong nhân dân, rải truyền đơn nói xấu cộng sản, chia rẽ lương giáo, xuyên tạc chính sách của ta, làm cho nhân dân không tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng. Mặt khác, địch tăng cường tuần tra canh gác, lùng sục bắt cóc cán bộ, tra tấn bắn chết dã man. Nhiều lần chúng vào lùng sục, khám xét nhưng không tìm ra dấu vết gì. Sư Thanh Thiệu đã dũng cảm đấu tranh kiên quyết trước mũi súng của địch. Chúng đã bắt ngài 4 lần về nhà xứ Phúc Hải và Phúc Nhạc để giam giữ và xét hỏi. Địch dùng nhiều thủ đoạn như mua chuộc, dụ dỗ, dọa nạt nhưng vẫn không có căn cứ gì nên chúng không buộc tội được sư, cuối cùng chúng phải trả ngài về. Trong chùa có hầm bí mật và cót lúa của chùa là hai nơi che giấu bộ đội.
Ngày Phật Đản 8/4 Canh Dần (1950), ta đã tổ chức mở hội, rước từ đền lên chùa và ngày hôm sau lại rước từ chùa về đền. Cán bộ ta đã đi lẫn vào đám rước để tuyên truyền đường lối kháng chiến. Buổi tối ta tổ chức vui chơi ca hát, tạo điều kiện cho các cơ sở bắt liên lạc với nhau. Từ đó phong trào hoạt động mạnh hơn, các cơ sở bí mật ở khắp các thôn xóm. Hệ thống đường dây liên lạc của ta ngày càng mạnh. Ta đã tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, dân quân du kích. Kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh địch vào ban đêm, làm cho địch phải rút khỏi nhà xứ Phúc Hải dồn ra đồn Trung và đồn Phúc Nhạc. Ta đã xây dựng được một khu di tích liên hoàn Khánh Trung, Khánh Thiện, Khu I, Khu II Kim Sơn mà chùa Kiến Ốc là một trạm liên lạc vững vàng.
Thành phố Ninh Bình: Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa A Nậu thành phố Ninh Bình và vùng núi Ninh Khánh là khu căn cứ cách mạng. Núi Thiệu Sơn và động Hưng Long, chùa A Nậu là nơi làm việc của Uỷ ban Hành chính huyện Gia Khánh, sau đó là trụ sở của Ty Bưu điện Ninh Bình. Xung quanh chùa mở rộng ra đến xóm Bình Khang (thôn Đá Nhân) cũng đã từng là nơi làm việc của các cơ quan tỉnh ủy, huyện ủy, công an, huyện đội, tòa án huyện, kho 104 của Tổng cục Bưu điện. Đây cũng là nơi bầu cử Quốc hội khóa 1; nơi luyện quân của Trung đoàn 34.
Trong hàng ngũ đông đảo tự vệ xung phong của thị xã Ninh Bình và huyện Gia Khánh, “có tới 60 sư nữ nai nịt gọn gàng trong bộ quần áo nâu, hăng hái trong đội ngũ làm công tác tiếp tế, tuần tiễu, … và sau đó phần lớn trở thành cứu thương của các đơn vị bộ đội chiến đấu hoặc hộ lý trong các trạm quân y”. Họ là các nữ tu sĩ Phật giáo ở các chùa Bát Long, Phúc Am, Non Nước, Bộ Đầu, Ba Vuông nghe theo tiếng gọi của non sông cũng cởi áo cà sa tham gia kháng chiến.
Chùa Đẩu Long ở xã Ninh Thành, huyện Gia Khánh nay là phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử lớn trên địa bàn, như: Thành lập Trung đội du kích Phúc Am (1946); Cơ sở Uỷ ban kháng chiến tập trung và họp lãnh đạo kháng chiến (1948); Nơi họp hành của Uỷ ban kháng chiến xã Ninh Thành và thôn Phúc Am.
Chùa Cổ Loan là nơi làm việc của Uỷ ban Nhân dân xã Ninh Tiến, đồng thời chùa là nơi nuôi giấu và thường trực của bộ đội Lê Lợi. Chùa còn ủng hộ đồng để đúc đạn và vận động ủng hộ hàng ngàn cây tre để bắc cầu cho bộ đội Lê Lợi tiến quân trong chiến dịch Quang Trung năm 1951. Trong những năm 1952 và 1953, để chuẩn bị cho chiến dịch Thu Đông, chùa Cổ Loan đã ủng hộ 2 tấn lúa cho bộ đội. Sau chiến dịch Quang Trung, chùa còn đào hầm để cho các cháu học sinh học tập và trú bom đạn, là nơi tản cư cho nhiều gia đình trong kháng chiến. Nhiều thế hệ chư tăng của chùa, ngoài việc hoằng truyền Phật Pháp phục vụ tự do tín ngưỡng cho nhân dân Phật tử địa phương, các ngài còn tích cực tham gia kháng chiến và ủng hộ cách mạng, tiêu biểu như: Hòa thượng Thích Thanh Thực trụ trì chùa lúc đó là người phụ trách Hội Phật giáo Cứu quốc huyện Gia Khánh. Vì có nhiều thành tích phục vụ kháng chiến nên ngài đã nhận được thư khen của Hồ Chủ tịch và Chính phủ. Hòa thượng Thích Thanh Tiêu người kế đăng cũng tham gia Mặt trận Liên Việt (thành lập tháng 3 năm 1951).
Ngày 23 tháng 3 năm 1947, sau khi thoát khỏi vòng vây của quân và dân Nam Định, quân Pháp dùng tàu chiến ca nô hành quân vào Ninh Bình theo đường xuôi sông Đào và ngược sông Đáy đổ bộ lên xã Tiên Phong, Yên Vệ huyện Yên Khánh và kéo lên thị xã Ninh Bình, Trường Yên (huyện Hoa Lư) và Lạng Phong huyện Nho Quan.
Tại chùa Hẹ (Linh Bảo tự) xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh và thị xã Ninh Bình, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, quân và dân đã tiêu diệt được một lực lượng đáng kể sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, nhưng cũng bị tổn thất khá lớn.
Năm 1947, hơn 2000 nhân sĩ, trí thức yêu nước bị phái phản động trong Công giáo bắt giam ở nhà hầm Phát Diệm huyện Kim Sơn. Lúc đó, ông Võ Nguyên Giáp và ông Hồ Tử Du với lá thư riêng của Hồ Chủ tịch đã đến chùa Đồng Đắc ủy nhiệm cho Hòa thượng Thích Trí Dũng trên cương vị Đại diện Phật giáo Cứu quốc Trung ương bằng mọi cách phải giải thoát. Nhờ sự hậu thuẫn của cách mạng, việc giải thoát đã thành công. Với thành tích này, Hòa thượng được Hồ Chủ tịch khen thưởng và được tướng Nguyễn Sơn Tư lệnh Quân khu IV mời làm cố vấn.
Ngày 28 và 29 tháng 4 năm 1950 quân Pháp đánh chiếm thị xã Ninh Bình và một số nơi trên quốc lộ I, chia cắt Ninh Bình thành 2 khu vực tạm chiếm và tự do. Đến giữa năm 1950, quân Pháp đã chiếm đóng phần lớn 3 huyện phía Nam tỉnh Ninh Bình, nhanh chóng lập ra 50 đồn bốt lớn nhỏ, mỗi vị trí có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội và hình thành hệ thống phòng ngự, gồm 4 tuyến trên bộ. Đến đây, địa bàn Ninh Bình bị chia cắt thành hai vùng rõ rệt: - Vùng tạm bị chiếm gồm 3 huyện phía Nam là Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô. - Vùng tự do gồm 3 huyện phía Bắc là Gia Viễn, Nho Quan, Gia Khánh.
2. Hoạt động Phật giáo trong vùng tạm chiếm
Tại các vùng tạm chiếm, về sau chính quyền Pháp - Nam gọi là vùng quốc gia, giới Phật tử có nhiều tâm lực hơn để hoạt động Phật sự. Những tang thương do chiến tranh gây nên và nhất là những thủ đoạn tàn ác của quân đội viễn chinh Pháp đã làm cho tăng ni, Phật tử quyết tâm đứng hẳn về phía kháng chiến.
Ngày 18 tháng 5 năm 1949, sau một thời gian chuẩn bị, Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt ra đời. Một Ban Trị sự lâm thời được thành lập do Thượng tọa Tố Liên làm Hội trưởng. Cùng thời gian này Hội Việt Nam Phật giáo tái thành lập do cư sĩ Bùi Thiện Cơ (em ruột Phó Hội trưởng Bùi Thiện Căn trước đây) làm Hội trưởng, Thượng tọa Tố Liên làm Phó Hội trưởng, cư sĩ Viên Quang làm Tổng Thư ký, Hội quán cũng đặt tại chùa Quán Sứ.
Năm 1950 sau ngày tái lập Hội Việt Nam Phật giáo ít lâu, nhờ nỗ lực hoạt động của Thượng tọa Thích Đức Nhuận Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình được thành lập, cùng Ban Đại diện Phật giáo 3 quận Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh và 5 khu Hàn Lâm, Lạc Thiện, Tuy Lộc, Bình Hải, Yên Nhân với gần 25.100 hội viên. Thượng tọa được cung thỉnh làm Giám luật Phật giáo tỉnh Ninh Bình. Ngài cùng Tăng ni Phật tử tỉnh thực hiện nhiều Phật sự lợi ích thực tế cho nhân sinh: Can thiệp 963 người bị giam giữ được tự do, cũng như động sản và bất động sản đều được trả lại. Tổ chức được những lớp học tại chùa Đồng Đắc và các chùa khác dạy về thế gian và Phật pháp. Mở được những lớp huấn luyện về giáo lý tại trụ sở Phật giáo: Phát Diệm 25 người; Yên Bình 29, Bình Hải 24, Hướng Đạo 26; Lạc Thiện 34, Tự Tân 24, Trì Chính 35 người. Lại còn đi diễn giảng tại nhiều nơi và đã thành lập được Ban Văn hóa lưu động, đem kinh sách cho dân chúng học tập nghiên cứu… ủng hộ đồng bào bị hỏa hoạn ở phố Phú Vinh 1000$; Tổ chức long trọng lễ kỷ niệm Phật đản ở Phát Diệm, Yên Khánh, Yên Mô có trên 2 vạn tín đồ tới dự kiêm cả lễ thượng kỳ Phật giáo thế giới. Tổ chức những cuộc lễ cầu siêu và viếng thăm an ủi tù binh cùng thương binh.
Tháng 3 năm 1952 (Nhâm Thìn), quê hương Thượng tọa Thích Đức Nhuận bị quân Pháp chiếm đóng, một số tín đồ Phật giáo bị ép bỏ đạo, chùa chiền bị phong tỏa hoặc đập phá, tinh thần Phật tử bị khủng hoảng nghiêm trọng. Với cương vị là người đứng đầu hàng cao Tăng trong vùng, Thượng tọa đã kiên quyết bảo vệ tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn mua chuộc hăm dọa tù đày hòng uy hiếp tinh thần ngài, nhưng Thượng tọa vẫn thản nhiên và hiên ngang trước mọi sự đe dọa. Để tránh nguy cơ bị ám hại, ngài phải tạm lánh lên Hà Nội. Tại trường Phật học Quán Sứ Hà Nội, ngài dạy chương trình Trung đẳng Phật học năm thứ hai, là giảng sư chủ nhiệm của hai bộ kinh là kinh Kim Cương và kinh Duy Ma Cật. Bấy giờ việc học Phật ở Ninh Bình có khó khăn, ngài đã đón một số vị tăng ở Ninh Bình lên theo học như thầy Quảng Thiện chùa Yên Hòa, thầy Thanh Huy chùa Phúc Chỉnh, thầy Thanh Ứng chùa Yên Bình, thầy Thanh Tiêu chùa Gôi và thầy Thanh Nhân chùa Giác Hoàng.
Cuối năm 1950 đầu năm 1951, quân Pháp chiếm chùa Cao ở xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, xây dựng thành cứ điểm phòng ngự có hệ thống công sự, vật cản vững chắc với 160 quân Commăngđô. Cứ điểm Chùa Cao đã gây nhiều khó khăn cho quân ta trong chiến dịch Quang Trung tháng 6 năm 1951.
Chùa Bát Long nằm ở phía Nam phường Đông Thành thành phố Ninh Bình. Chùa bị quân Pháp san bằng năm 1952 để lập vành đai trắng. Cạnh chùa có miếu Thượng thờ Lê Hoàn, ngôi miếu này cũng bị quân Pháp san bằng trong chiến tranh.
Ngày 16 tháng 12 năm 1952, nhận thấy Giáo hội Tăng già Bắc Việt cần phải có Ban Giám luật kiêm Duy na nên Hòa thượng Thích Mật Ứng - Pháp chủ Giáo hội đã ủy Thượng tọa Tố Liên thỉnh Thượng tọa Thích Đức Nhuận ở chùa Đồng Đắc, Ninh Bình sung chức Trưởng tòa Giám luật.
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch chiến tranh Đông Dương của H.Nava. Chính phủ Pháp cử Ely thay Nava và quyết định rút quân ở 174 vị trí tại Bắc Bộ và thu quân về phía Nam Đông Dương. Ngày 29 tháng 6 năm 1954, quân Pháp rút khỏi Phát Diệm huyện Kim Sơn.
Ngày 30 tháng 6 năm 1954, tỉnh Ninh Bình hoàn toàn giải phóng. (còn tiếp)
Tác giả: NNC Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2020 (Tiếp theo Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 164) ------------------CHÚ THÍCH: (1) Lịch sử Đảng bộ xã Định Hóa, xuất bản năm 1998. (2) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Cuộc đời và sự nghiệp (1897- 1993), Nxb Khoa học xã hội, 2013. (3) Trích Lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Lưu (1930-2005), xuất bản năm 2010, trang 99.(dẫn theo Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch). (4) Các mốc sự kiện trong thời kỳ kháng chiến do các cụ trong thôn Thái Sơn và Ủy ban nhân dân xã cung cấp trong Hội nghị thông qua di tích tại Ủy ban nhân dân xã. (Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) (5) Xác nhận của ông Đinh Văn Hải, nguyên Thường vụ Huyện uỷ huyện Gia Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện đã nghỉ hưu (Hồ sơ di tích của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch). (6) Tư liệu do ông Đinh Công Uẩn, Đảng viên thôn Chỉnh Đốn cung cấp và đã xác nhận của xã. (Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch). (7) Lịch sử Đảng bộ huyện Gia Viễn, xuất bản năm 2000, tr.19. (Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) (8) Bọn phản động đã giết hại dã man và chôn sống 30 người, trong đó có 22 cán bộ, theo những sự kiện lịch sử Đảng Hà Nam Ninh (1929-1954), Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh ủy Hà Nam Ninh, 1976, tr.148. (Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch). (9) Theo báo Nhân dân điện tử số ra chủ nhật 28 tháng 11 năm 2004. (10) Tạp chí Phương tiện số 35-36 ra ngày 15 tháng 12 năm Canh Dần và ngày 1 tháng giêng Tân Mão (1951).
Bình luận (0)