Sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết (20 tháng 7 năm 1954), Việt Nam chia hai miền Nam Bắc bởi vĩ tuyến 17. Hòa bình được lập lại, miền Bắc tiến hành công cuộc hàn gắn chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế.
1. Hoạt động Phật giáo từ năm 1954 - 1964
Tháng 11 năm 1955, để giữ gìn mạng mạch Phật giáo miền Bắc, Hòa thượng Tuệ Tạng, Thượng thủ Giáo hội Tăng già Việt Nam và Hòa thượng Thích Mật Ứng-Pháp chủ Phật giáo Bắc Việt, hiệp cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tận chùa Đồng Đắc, huyện Kim Sơn, mời Hòa thượng Thích Đức Nhuận trở lên chùa Quán Sứ, Hà Nội nhận chức Phó hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian này, ngài được thỉnh về trụ trì chùa Tàu (Phổ Giác tự) ở khu Đống Đa, Hà Nội. Từ ngôi chùa này ngài thường xuyên sang làm việc tại chùa Quán Sứ trụ sở Trung ương của Hội.
Ngày 31 tháng 5 năm 1956, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2 họp tại Hà Nội. 425 đại biểu thuộc mọi tầng lớp, tôn giáo, dân tộc, xu hướng chính trị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm 57 vị do bà Nguyễn Thị Thập là Hội trưởng. Trong đó bầu 49 vị, dành 5 ghế cho đại biểu miền Nam, 3 ghế cho kiều bào ở nước ngoài. Trong 49 vị có sư cụ Đàm Hiên, trụ trì chùa Non Nước, thị xã Ninh Bình.
Ngày 8 tháng 1 năm 1957, lễ kỷ niệm đức Thích Ca thành đạo đã được tổ chức trọng thể tại nhiều tỉnh miền Bắc. Nhân dịp này, Hồ Chủ tịch đã gửi thư chúc mừng các vị tăng ni và tín đồ Phật giáo Việt Nam.
“Các vị tăng ni và tín đồ thân mến. Nhân dịp Lễ đức Phật Thích Ca thành đạo, tôi thân ái gửi đến các vị tăng ni và đồng bào tín đồ Phật giáo lời chào đại hòa hợp. Tôi có lời khen ngợi các vị Tăng Ni và tín đồ đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là Phật tử. Từ ngày hòa bình được lập lại, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, việc củng cố tuy gặp khó khăn nhưng đã đạt được nhiều thành tích. Trong Cải cách ruộng đất tuy có nơi đã phạm sai lầm trong thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, nhưng Đảng và Chính phủ đã có chính sách kiên quyết sửa chữa. Hiện nay giai cấp phong kiến địa chủ đã bị đánh đổ, ruộng đất đã về tay nông dân và nông dân đã thực sự làm chủ nông thôn, điều đó là một thắng lợi căn bản trong công cuộc củng cố miền Bắc. Đời sống của nhân dân ta dần dần càng được cải thiện, cũng giống như tôn chỉ mục đích của Đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm. Trong dịp này tôi mong các vị tăng ni đồng bào tín đồ đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn để góp phần xây dựng hòa bình chóng thắng lợi. Hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ - Diệm và bọn tay sai lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước. Cuối cùng tôi chúc các vị luôn luôn mạnh khỏe, tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”.
Ngày 8 tháng 1 năm 1957
Hồ Chí Minh
Ngày 14 tháng 9 năm 1957 (Đinh Dậu) một số vị Hòa thượng và cư sĩ đã đệ đơn lên Chính phủ xin phép thành lập Ban Vận động, tiến tới triệu tập Đại hội đại biểu Phật giáo, thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Pháp sư Thích Trí Độ được cử làm Trưởng ban.
Bấy giờ, miền Bắc đã giải phóng được hơn ba năm nhưng vẫn có bốn tổ chức Phật giáo hoạt động là Hội Việt Nam Phật giáo, Giáo hội Tăng già Bắc Việt, Hội Phật tử Việt Nam, Hội Phật giáo Cứu quốc. Việc thống nhất các tổ chức này vào một tổ chức duy nhất là mong mỏi của tăng ni, Phật tử miền Bắc. Sau một thời gian tiến hành vận động, được phép của Chính phủ, từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 3 năm 1958 (Mậu Tuất), Đại hội đại biểu thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đã tiến hành tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Tham dự đại hội có hơn 200 vị Hòa thượng tôn túc tăng ni và các cư sĩ tiêu biểu trong Phật giáo. Có cả vị sư tăng Khme kiều và một vị sư Hoa kiều cùng tới dự đại hội. Pháp sư Thích Trí Độ đọc báo cáo công việc của Ban Vận động thành lập Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Bác sĩ Lê Đình Thám đọc bản báo cáo dự thảo Điều lệ; ông Ngô Duy Ban đọc bản kiến nghị của Đại hội hưởng ứng bức công hàm của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Ngày hôm sau, Đại hội đã bầu Ban Trị sự Trung ương Hội 45 vị trong đó có 2 ghế dành các hội viên sau này công tác tiến bộ được đề bạt; và 10 ghế dành các đại biểu Phật giáo miền Nam. Thực tế gồm 33 vị, Ban Trị sự đã bầu Ban Thường trực do Hòa thượng Thích Trí Độ làm Hội trưởng, Hòa thượng Tuệ Tạng-Thích Tâm Thi (Trần Thanh Thuyên), Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Thượng tọa Lê Đức Chính, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám được bầu làm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam(1).
Ngày 28 tháng 4 năm 1958: Hơn một tháng sau ngày thành lập, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được chính thức hoạt động theo tôn chỉ “Hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự tổ quốc, bảo vệ hòa bình”. Tôn chỉ này được quán triệt và thực thi ở khắp mọi cấp tổ chức của Giáo hội, khắp mọi nơi từ Trung ương tới địa phương, cũng như trong mọi lĩnh vực hoạt động của Hội.
Chi hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình được thành lập do Hòa thượng Đoàn Thanh Khâm làm Chi hội trưởng, hội quán đặt tại chùa Phúc Chỉnh, thành phố Ninh Bình. Ít lâu sau chi hội gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Sáng 10 tháng 8 năm 1958 hơn 500 Hòa thượng, Thượng tọa, tăng ni, tín đồ Phật giáo nội ngoại thành Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình đã họp tại chùa Quán Sứ, Hà Nội thông qua nghị quyết cực lực phản đối Mỹ - Diệm định phá chùa Linh Phước để làm đường quân sự Sài Gòn - Biên Hòa.
Ngày 5 tháng 1 năm 1960 các vị Hòa thượng, Thượng tọa, tăng ni trong Ban Trị sự Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã họp tại chùa Phúc Chỉnh, huyện Gia Khánh để tổng kết công tác năm 1959, thông qua chương trình công tác năm 1960 và phát động thi đua lập thành tích kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam. Hội nghị đã thông qua bức thư gửi lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam hứa: 1) Tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng; 2) Hăng hái chấp hành các chính sách của Đảng đề ra; 3) Noi gương Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Hồ Chủ tịch; 4) Đoàn kết với các tôn giáo khác thực hiện cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ năm 1961, nhân dân Ninh Bình cùng cả nước bước vào thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965) xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.
Theo chủ trương của trên, những chùa có diện tích đất canh tác (ruộng phúc) đều gia nhập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Hưởng ứng Lời kêu gọi Tết trồng cây của Hồ Chủ tịch (mùa Xuân năm 1960, Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến mồng 6 tháng Hai, chào mừng 30 năm hoạt động của Đảng), ngày 4 tháng 3 năm 1962 (Nhâm Dần), 14 sư ông ở các chùa trong huyện Kim Sơn đã trồng cây tại chùa Phúc Điền, xã Sào Nam (chùa Đồng Đắc cũng ở xã Sào Nam). Trước sân chùa mỗi vị trồng 3 cây nhãn. Có sư ông đã ngoài 80 tuổi và chú tiểu 12 tuổi cũng tham gia trồng cây. Ngoài số 45 cây đã trồng, các vị còn làm được một vườn ươm. Mặt trận Tổ quốc xã Sào Nam đã tặng các vị sư một gánh cây nhãn con để ươm vào vườn đó. Toàn thể các vị sư đã hứa quyết tâm trong tháng 3 này, sẽ trồng mỗi người 491 cây xoan, nhãn ở chùa mình, để lấy thành tích mừng ngày bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 4 sắp tới(2).
Trong những ngày 16, 17 tháng 3 năm 1962, tại chùa Phúc Chỉnh huyện Gia Khánh 109 vị tăng ni họp Đại hội Phật giáo thống nhất toàn tỉnh. Hòa thượng Thích Trí Độ Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, các vị trong Ủy ban Mặt trận và đại biểu một số ngành của tỉnh đã tới dự. Đại hội đã đánh giá những thành tích của Hội trong mấy năm qua và bàn công tác năm 1962.
Ngày 3 tháng 6 năm 1962, Ban Thường trực Chi hội Phật giáo thống nhất tỉnh đã họp kiểm điểm thi đua thực hiện nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh và đề ra chương trình hoạt động thời gian tới.
Sau gần 3 tháng thực hiện kế hoạch nhà nước quý II năm 1962, các vị tăng ni trong tỉnh đã tuyên truyền sâu rộng trong tín đồ thắng lợi của Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa III, tích cực tham gia các công tác ở địa phương, góp phần đẩy mạnh sản xuất. Tới nay các chùa đã trồng được 16.000 cây thầu dầu, 1120 cây lưu niên, nuôi 124 con lợn, 825 gà và làm 101 tấn phân chuẩn bị cho vụ mùa. Ngoài ra Hội còn cử các vị lên thăm anh chị em dân quân trên công trường Hoàng Long Giang, ủng hộ 134 đồng làm giải thưởng, tham gia xây dựng công nghiệp địa phương, các vị tăng ni đã mua được 503 vé sổ số kiến thiết đợt 1.(3)
Ngày 20 tháng 3 năm 1963, Ban Trị sự và các vị Hòa thượng Chứng minh Đạo sư Chi hội Phật giáo tỉnh đã họp sơ kết công tác quý 1 năm 1963 và bàn công tác quý 2. Qua kiểm điểm, hội nghị nhận xét phong trào có tiến bộ nhiều. Một số tăng ni đã vào hợp tác xã, có vị đã làm 1500 điểm trong một vụ như sư ông Bình Hải. Các chùa đã thực hiện tăng 5kg lương thực, riêng chùa Chấm, Duyên Mậu và chùa Nội tăng từ 40 đến 70 kg.
Các vị tăng ni huyện Yên Mô đã vỡ hoang 3 sào trồng ngô khoai. Phong trào sản xuất tự túc và bài trừ mê tín dị đoan đang mở rộng trong Hội.
Ngày 11 tháng 6 năm 1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trước 1000 tăng ni Phật tử tại một khu phố đông dân lao động ở Sài Gòn để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Mỹ- Diệm. Lúc bấy giờ, hầu hết các chùa trên miền Bắc đã làm lễ cầu siêu cho Phật tử và đồng bào miền Nam bị đế quốc Mỹ và tay sai giết hại; đã trồng hàng vạn “cây Từ Đàm”, “cây Xá Lợi”; đặt tên các khóa Hạ là “khóa Hạ Từ Đàm”… để khắc sâu tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai và để ghi nhớ những tấm gương đấu tranh bất khuất của Phật tử miền Nam.
Chiều ngày 15 tháng 6 năm 1963, Chi hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tổ chức một cuộc mít tinh để biểu thị sự đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam, phải bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, phản đối Mỹ - Diệm đàn áp, khủng bố các tín đồ đạo Phật và làm lễ cầu siêu cho Hòa thượng Thích Quảng Đức tại chùa Phúc Chỉnh. Dự cuộc mít tinh có toàn thể Ban Thường trực Chi hội Phật giáo Ninh Bình, đại biểu Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện Gia Khánh, các vị Hòa thượng, tăng ni và gần 400 tín đồ theo đạo Phật. Sau khi nghe nói chuyện về cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật ở miền Nam, bất chấp cả đàn áp, bạo lực, toàn thể cuộc mít tinh vô cùng khâm phục trước tinh thần đấu tranh anh dũng đó và thông qua kiến nghị gửi Uỷ ban quốc tế đòi có biện pháp ngăn chặn những hành động xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng của Mỹ-Diệm đối với đồng bào theo đạo Phật, gửi thư cho giới Phật giáo miền Nam tỏ rõ sự đồng tình ủng hộ và quyết tâm thư lên Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất hứa ra sức đấu tranh chống Mỹ-Diệm đòi hòa bình thống nhất Tổ quốc. Cuộc mít tinh đã biến thành một cuộc tuần hành phản đối Mỹ-Diệm qua các phố của thị xã.
Tiếp tục hưởng ứng cuộc đấu tranh của các tăng ni và tín đồ Phật giáo miền Nam, từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 28 tháng 6 năm 1963, toàn tỉnh đã có 4522 tăng ni, tín đồ Phật giáo và đồng bào Công giáo tham dự các cuộc mít tinh, biểu tình phản đối Mỹ-Diệm. Toàn thể các chùa đã làm lễ cầu siêu cho Hòa thượng Thích Quảng Đức và cầu siêu nhân ngày chung thất cho các Phật tử bị tàn sát ở Huế trong ngày 8 tháng 5 năm 1963. Riêng ngày 25 tháng 6 năm 1963, tại Gia Khánh, 34 Thượng tọa, tăng ni, Chánh trương, trùm trưởng, quản giáo, đông y, 1239 tín đồ Phật giáo và Công giáo đã họp mít tinh phản đối Mỹ-Diệm và ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam đòi tự do tín ngưỡng, tự do dân chủ.
Đến đầu tháng 12 năm 1963, Chi hội Phật giáo Ninh Bình đã tổ chức xong hội nghị cho toàn thể các tăng ni ở các huyện trong toàn tỉnh để bàn kế hoạch đẩy mạnh phong trào thi đua với chi hội Phật giáo Nam Định. Tại hai huyện Gia Viễn và Nho Quan, ngoài việc thực hiện 4 chỉ tiêu chính, các tăng ni còn nhận mỗi chùa sẽ trồng thêm 4 hố gấc, bầu, bí, vỡ hoang trồng 3 thước (72m2 ) dâu tầm và gai, tiến hành nuôi cánh kiến. 14 chùa ở huyện Gia Khánh đã nhận từ nay tới 19 tháng 5 năm 1964 sẽ đạt 1,1 tấn thịt lợn, 113 gia cầm…22 chùa ở Yên Mô cũng hạ quyết tâm đạt chỉ tiêu 2,5 tấn thịt lợn, 250 gia cầm. Các tăng ni ở huyện Kim Sơn đã đề ra chỉ tiêu sản xuất, phấn đấu để hoàn toàn tự túc lương thực trong cả năm 1964.
Năm 1963-1964, trên công trường đắp đê sông Hoàng Long ở làng Đất, cách đền thờ vua Đinh khoảng 2 km, khu vực kinh đô Hoa Lư dân công đào đất ở độ sâu từ 10cm xuống hơn 200cm so với mặt ruộng đã phát hiện được 20 cột kinh bằng đá. Cột kinh ghi rõ rằng Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn đã dựng 100 cột kinh vào năm Quí Dậu (973).
Năm 1963, Bảo tàng Ninh Bình đã xem xét và sưu tầm một cột kinh tại một gia đình có nhà ở dưới chân núi Hang Quàn, phía trước đền Đinh, hướng Đông, 500m. Cho đến nay, tổng số các cột được Bảo tàng Ninh Bình cất giữ là 20 cột; Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giữ 1 cột, cộng 21 cột. Số còn lại đã bị thất lạc từ mấy chục năm nay. Số cột 21 cũng không đầy đủ cả 6 bộ phận, đa số mất tảng, chóp, bát. Trên cột kinh tìm được năm 1964, ngoài bài chú Phật Đỉnh Tôn Thắng gia cố linh nghiệm Đà la ni, còn một bài kệ bằng chữ Hán khá dài liên quan đến Phật giáo Đại thừa. Chủ yếu là ca ngợi tài trí và công đức của Phật, và kêu gọi mọi người hãy làm theo những lời nói của Phật để được thoát khỏi kiếp luân hồi bảy lần thác sinh làm cầm thú, và trở thành Phật. Phải tuyên truyền ngàn vạn lần Phật pháp khắp chúng sinh(4).
Người dựng cột kinh được giới khoa học hiện nay xác định là Đinh Khuông Liễn con trưởng vua Đinh Tiên Hoàng, có chức tước: “Suy thành thuận hoá công thần Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, đặc tiến Kiêm hiệu Thái sư Nam Việt Vương” Niên đại dựng cột kinh khoảng từ năm 973 đến năm 979.
Tháng 5 năm 1964, Tỉnh hội Phật giáo Ninh Bình tổ chức trường Hạ tại chùa Phúc Chỉnh, thị xã Ninh Bình có trên 70 vị tăng ni an cư. Hòa thượng Thích Thanh Tân tỉnh Ninh Bình một vị Chứng minh Đạo sư tiêu biểu của Trung ương Hội chẳng những đã dành số tiền tiết kiệm giúp cho công việc của tỉnh hội mà còn giúp đỡ địa phương mở trường học cho con em nhân dân và giúp đỡ nhân dân đi xây dựng quê hương mới ở Tuyên Quang.
Ngày 20 tháng 6 năm 1964, Đại hội Chi hội Phật giáo thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình lần thứ 3 đã khai mạc. Về dự Đại hội có 150 vị tăng ni, tín đồ Phật giáo trong tỉnh. Đại biểu Phật giáo các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình và các vị Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc 7 huyện, thị trong tỉnh đã tới dự. Đại hội đã vinh dự được đón tiếp ông Vũ Công Hoan Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh và ông Phạm Văn Hồng Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Trong 5 ngày làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, học tập nghị quyết 9 của Trung ương Đảng về đấu tranh thống nhất đất nước. Đại hội đã đánh giá tình hình hoạt động của Chi hội Phật giáo tỉnh nhà trong 2 năm qua.
Đại hội đã nhất trí nhận định: Hai năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Mặt trận Tổ quốc, các vị tăng ni tỉnh nhà đã thể hiện tinh thần phụng đạo yêu nước, góp phần vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Toàn tỉnh đã có 154 vị tăng ni đã sản xuất bình quân mỗi năm được 422kg thóc vượt mức chỉ tiêu 62kg. Ngoài ra các vị còn thu hoạch gần 12 tấn hoa màu (quy ra thóc), vượt mức kế hoạch 100%. Về chăn nuôi cũng vượt mức 50%, trồng cây ăn quả và lấy gỗ vượt 128%. Nhờ tích cực tham gia sản xuất, tăng thu nhập, các vị tăng ni đã bán cho nhà nước 11 tấn thóc và trên 12 tấn thịt. Các vị đã ủng hộ đồng bào Bạc Liêu kết nghĩa trên 300 đồng.
Do có thành tích trong công tác và sản xuất, Chi hội đã được Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng cờ thi đua. 54 vị tăng ni đã được Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng giấy khen. Phấn khởi trước thành tích đã đạt được, Đại hội đã phát động phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, giành cờ thi đua khá nhất của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đại hội đã bầu Ban Trị sự mới và bế mạc ngày 26 tháng 4 năm 1964.
Ngày 9 tháng 8 năm 1964, gần 70 vị tăng ni toàn tỉnh đã họp mít tinh tại trụ sở Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình hoan nghênh chiến thắng vẻ vang của bộ đội ta và lên án hành động khiêu khích xâm lược của đế quốc Mỹ. Sau cuộc mít tinh, các tăng ni tổ chức hai ngày “lao động mừng công”. Ngoài việc quét vôi sửa chùa Bích Động, các vị đã quét dọn được trên 1000m đường, đào được 104 hố để chuẩn bị trồng cây.
Sáng ngày 31 tháng 8 năm 1964, Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh lần thứ IV khai mạc. Sáng ngày 2 tháng 9, đại hội đã bầu Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh mới gồm 49 vị. Ủy ban mới đã họp phân công 15 Uỷ viên Thường trực do ông Phạm Văn Hồng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục giữ chức Chủ tịch Mặt trận và 4 Phó Chủ tịch gồm các vị: An Viết Sử, Nguyễn Quang Huy, Thượng tọa Thích Quảng Khâm, linh mục Nguyễn Huy Vịnh.
Từ ngày 28 tháng 9 đến 1 tháng 10 năm 1964 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội diễn ra Đại hội đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam lần thứ 3, gồm 200 đại biểu tăng ni, cư sĩ và tín đồ, thể hiện tinh thần đại hòa hợp phấn khởi, tin tưởng. Đại hội vinh dự và phấn khởi được Hồ Chủ tịch viết thư thăm hỏi, căn dặn và Phó Chủ tịch nước- Chủ tịch đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tôn Đức Thắng đến thăm và nói chuyện. Sáng 30 tháng 9 năm 1964, Đại hội nghe tham luận của đoàn đại biểu Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Bình và tham luận của đại biểu cư sĩ tín đồ… sau giờ giải lao Đại hội đã bầu Ban Trị sự mới gồm 37 vị trong đó có 27 vị tăng, 7 vị ni và 3 cư sĩ. Đại hội đã bầu Ban Chứng minh Đạo sư gồm 22 vị, Phật giáo Ninh Bình có 3 vị: 1. Hòa thượng Thích Chính Long. 2. Hòa thượng Thích Thanh Trí. 3. Hòa thượng Thích Thông Uyển.
Ban Trị sự Trung ương gồm 30 vị, Phật giáo Ninh Bình có 3 vị: 1. Thượng tọa Thích Quảng Khâm, chùa Phúc Chỉnh. 2. Thượng tọa Thích Thanh Thiệu, chùa Kiến Ốc. 3. Sư bà Thích Đàm Hiên, chùa Non Nước. Ban Thường trực Trung ương Hội do Pháp sư Thích Trí Độ làm Hội trưởng và 6 Phó Hội trưởng: Hòa thượng Trần Quảng Dung, Bác sĩ Lê Đình Thám, Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Tâm An, Hòa thượng Thích Thái Hòa kiêm Tổng Thư ký.
Đọc tham luận tại Đại hội, Thượng tọa Thích Thanh Thiệu, trụ trì chùa Kiến Ốc, Trưởng đoàn đại biểu Phật giáo Ninh Bình tại Đại hội lần thứ 3 Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, cho biết: Trong ba năm qua, phấn đấu thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ II Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Chi hội Ninh Bình rất vui mừng là đã không ngừng thu thêm những thành tích mới tốt đẹp hơn trên cả hai mặt: Phụng đạo và yêu nước.
Trong nhiệm vụ phụng đạo, Chi hội Phật giáo Ninh Bình không ngừng tinh tiến trên các mặt đào tạo tăng ni, giáo hóa tín đồ, phát huy chính tín, phong quang chùa cảnh, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong hàng Phật tử, v.v… ba năm qua các khóa Hạ yên cư ở Ninh Bình hàng năm đều được tổ chức chu đáo, số tăng ni đi dự năm nay so năm khác ngày thêm đông đảo hơn lên. Việc học tập giảng dạy ở trường hàng năm đều được nâng lên về mặt chất lượng. Do đó trình độ giáo lý của tăng ni Ninh Bình không ngừng được nâng cao. Trong khi học tập giáo lý ở các trường, Chi hội Ninh Bình đã bố trí thời gian cho các vị tăng ni học bổ túc văn hóa, vì phải trên cơ sở nâng cao trình độ văn hóa mới càng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu giáo lý tốt đẹp hơn. Trong 178 vị tham gia các khóa Hạ ba năm qua thì 2/3 đã nâng thêm trình độ mỗi năm một lớp. Ở Ninh Bình, hầu hết các chùa cảnh nơi có các vị tăng ni chủ trì và các nơi danh lam thắng cảnh đều được tu bổ hoặc sửa sang lại phong quang hơn trước. Các ngày lễ lớn đều được tổ chức trang nghiêm trọng thể. Tín đồ đi lễ Phật càng đông vui phấn khởi. Một việc đáng mừng là Chi hội Phật giáo Ninh Bình rất coi trọng việc bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan trong tăng ni và tín đồ nhằm không ngừng nêu cao chính pháp của đạo Phật, các hàng tăng ni trong Chi hội không ngừng chỉ cho tín đồ thấy những tệ hại xấu xa của nạn đồng cô, bói cậu, xem tướng, xem số, bói thẻ, đồng bóng v.v… do đó trong nhân dân đã dần dần có sự phân biệt giữa chính tín và mê tín dị đoan, nhờ đó đạo Phật ngày thêm rạng tỏ. Chi hội Ninh Bình còn chú trọng đến việc giúp đỡ các ông tự ở chùa hiểu rõ chính sách tự do tín ngưỡng của nhà nước, thấy rõ chính tín, hiểu rõ tôn chỉ mục đích của hội giúp họ từ bỏ lối lạm dụng cửa chùa, lợi dụng đạo Phật làm điều mê tín, truyền bá dị đoan, làm hại đến sức khỏe và sản xuất của nhân dân và tín đồ. Đối với việc tương thân, tương trợ trong nội bộ tăng ni, một mặt Chi hội Ninh Bình luôn luôn đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống, mặt khác đối với các vị già yếu thì ngoài sự giúp đỡ thường xuyên của cơ quan địa phương, chi hội đã luôn luôn đặt vấn đề tương trợ giữa các vị trẻ, già còn sức, mất sức lao động, giữa nơi thuận lợi và nơi ít thuận lợi về điều kiện sản xuất v.v…do đó đời sống của các vị tăng ni ngày thêm cải thiện, các vị già yếu cũng yên tâm tu đạo và hành đạo. Đối với những vị ốm đau, Chi hội đã hết sức tận tình giúp đỡ, săn sóc thuốc men hoặc đưa đi bệnh viện và đều được giúp đỡ ân cần của cơ quan y tế. Trong 3 năm qua, Chi hội Ninh Bình đã giới thiệu cho 15 vị vào nằm bệnh viện và đều được chữa khỏi bệnh. Đối với những vị khi lâm tịch, Chi hội đều trực tiếp cùng địa phương tổ chức tang lễ trọng thể. Tất cả những việc đó làm cho tăng ni tỉnh Ninh Bình ngày càng thêm tin tưởng và càng thắt chặt hơn nữa đoàn kết trong Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.
Nhờ có sự hướng dẫn của Trung ương hội, lại được Mặt trận Tổ quốc các cấp tận tình giúp đỡ, trong mấy năm qua, Chi hội Phật giáo Ninh Bình đã không ngừng phát động các phong trào thi đua yêu nước, nhằm đẩy mạnh mọi mặt hoạt động của tăng ni, đẩy mạnh sản xuất để góp phần vào việc củng cố và bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc. Trong phong trào thi đua nhất là trong cuộc thi đua giữa hai Chi hội Phật giáo Ninh Bình và Nam Định, tăng ni tỉnh Ninh Bình không kể già trẻ, khỏe yếu, đều tích cực tham gia với tinh thần phấn khởi tự nguyện. Chính nhờ có những phong trào thi đua đó mà sản xuất ở các chùa được phát triển các mặt công tác đạt kết quả tốt. Về trồng trọt và chăn nuôi, liên tiếp đều đạt và vượt kế hoạch: Lúa đã đạt bình quân 442kg/ người, hoa màu bình quân 76kg/người, nếu tính cả lúa và màu thì tăng ni trong tỉnh đã đạt bình quân 518kg lương thực một người. Một điều đáng chú ý là cuộc vận động thi đua giữa hai Chi hội Ninh Bình, Nam Định đã làm cho tăng ni hai tỉnh gần gũi đoàn kết với nhau hơn, thúc đẩy lẫn nhau trong tinh thần phụng đạo yêu nước.
Đối với nhiệm vụ đấu tranh thống nhất đất nước, Chi hội Phật giáo Ninh Bình không ngừng biểu thị lòng căm thù đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, biểu thị lòng biết ơn và khâm phục tinh thần đấu tranh anh dũng của đồng bào và giới Phật tử miền Nam. Bằng những hành động thực tế, Chi hội Phật giáo Ninh Bình đã tổ chức 15 cuộc đấu tranh, huy động hàng 7-8 nghìn lượt tăng ni và tín đồ tham gia. Có cuộc có hàng chục linh mục và hàng trăm đồng bào Công giáo cùng dự. Chi hội đã lập hàng trăm kiến nghị mang hàng ngàn chữ ký, 200 lá thư thăm hỏi đồng bào và Phật tử miền Nam. Để ủng hộ thiết thực đồng bào và Phật tử miền Nam, Chi hội Phật giáo Ninh Bình đã làm những vườn cây, thửa ruộng mang tên “Vườn Từ Đàm”, “Cây Xá Lợi” và nhiều hình thức đấu tranh khác rất phong phú, không chỉ làm từng thời gian, từng lúc, mà còn đưa nó trở thành thường xuyên liên tục, bất cứ lúc nào công việc gì, cũng phải gắn liền với việc đấu tranh thống nhất đất nước. Làm như vậy chính là để biểu thị tinh thần cảnh giác và lòng căm thù địch sâu sắc, chính là để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt.
Chi hội Ninh Bình vui mừng với những kết quả đó, vì nó đã nói lên tinh thần phụng đạo chân chính và truyền thống yêu nước vẻ vang của các hàng tăng ni và Phật tử trong tỉnh. Tuy nhiên trong phong trào Chi hội cũng còn thấy bộc lộ những khuyết nhược điểm.
Thay mặt Chi hội Phật giáo Ninh Bình, Thượng tọa Thích Thanh Thiệu xin hứa trước đại hội: Chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của Đại hội, nguyện tăng cường đoàn kết trong Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, ra sức học tập giáo lý, phát huy chính tín, bài trừ mê tín dị đoan, ra sức học tập văn hóa, nghiên cứu thời sự chính sách, nâng cao tinh thần cảnh giác, đẩy mạnh mọi hoạt động hơn nữa để góp phần vào việc xây dựng miền Bắc vững mạnh, làm cơ sở để đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình thế giới.
(còn tiếp)
(Tiếp theo Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 165) Tác giả: NNC Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2021
----------------------
CHÚ THÍCH: (1) Kỷ yếu Hội nghị đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, 1958. (2) Báo Ninh Bình xây dựng số 10 ngày 13-3-1962. (3) Báo Ninh Bình xây dựng số 37 ra ngày 15-6-1962. (4) PGS.TS Nguyễn Hồng Dương và Thượng tọa Thích Thọ Lạc (đồng chủ biên), Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Nxb Khoa học xã hội, 2010, xem bài của Đặng Công Nga từ trang 129-139.
Bình luận (0)