5. Từ năm 1975 đến năm 1981

Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Ninh Bình phấn khởi cùng cả nước đoàn kết nỗ lực thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 9 tháng 5 năm 1975, trên 100 đại biểu tăng, ni, phật tử các tỉnh (trong đó coa tỉnh Ninh Bình) đã về dự Hội nghị lần thứ 3 Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, để kiểm điểm đánh giá các mặt phụng đạo yêu nước của tăng ni Phật tử năm 1974, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 1975. Và, để bày tỏ lòng vui sướng tự hào về những chiến thắng dồn dập vẻ vang của quân và dân miền Nam anh hùng, trong đó có đóng góp xứng đáng của tăng ni Phật tử miền Nam.

Ngày 27 tháng 12 năm 1976, tỉnh Ninh Bình sáp nhập với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Hoà thượng Thích Quảng Khâm Chi hội trưởng và Thượng toạ Thích Thanh Thiệu Phó chi hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình chuyển sang làm Chi hội trưởng và Chi hội phó Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Hà Nam Ninh.

Lúc bấy giờ đã có sự giao lưu giữa Phật giáo miền Bắc với Phật giáo miền Nam, kinh sách Phật giáo được chuyển từ Nam ra Bắc giúp cho việc tu tập của tăng ni Phật tử miền Bắc nói chung và Hà Nam Ninh nói riêng được thuận lợi.

Tuy nhiên, cũng như thời kỳ trước vấn đề tôn giáo vẫn chưa có cách nhìn nhận khác. Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Nhiều ngôi chùa “vang bóng một thời” tàn lụi theo thời gian và trở thành phế tích, có nơi chùa bị hạ giải lấy vật liệu đi làm việc khác, như chùa Làng Nang (Hoa Chính tự) xã Văn Phú huyện Nho Quan: những năm 1960 thực hiện chính sách xoá bỏ mê tín dị đoan chùa bị phá bỏ nơi thờ phụng, tượng thờ, hoành phi, câu đối, biến thành sân kho hợp tác xã. Đến năm 1978 chùa bị phá bỏ hoàn toàn, mãi tới năm 2000 mới được dựng lại theo nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Nơi thì đất chùa được sử dụng vào mục đích khác, các hoạt động tôn giáo rơi vào tình trạng bị ngừng trệ. Đây là thời kỳ Phật giáo Ninh Bình gặp nhiều trở ngại khó khăn.

Tuy nhiên đây đó, với lòng mộ đạo kính Phật, một số nơi đã tổ chức tôn tạo, khôi phục, dựng chùa mới như: Tại huyện Nho Quan nhân dân xã Văn Phong dựng chùa Yên Thị (Hồng Ân tự) năm 1955; xã Lạng Phong khôi phục chùa Đồng Đinh năm 1970. Năm 1960, nhân dân xã Gia Thắng và xã Gia Sinh huyện Gia Viễn trùng tu chùa Thánh Văn (Cảnh Phúc tự) và Chùa Chợ. Bà con Phật tử xã Khánh Hải huyện Yên Khánh trùng tu chùa Hạ (Phúc Duyên tự) năm 1960.

Núi Non Nước-Dục Thúy Sơn: Ở chân núi, về phía Đông Nam núi có chùa Non Nước. Đời vua Gia Long (1802-1819) nhân dân đã chuyển dời chùa sang núi Cánh Diều nằm ở Đông Bắc thành phố Ninh Bình còn có tên gọi khác là Diên Sỉ, Nguyễn Công Trứ đặt tên là núi Ngọc Mỹ Nhân. Trong những năm 1976-1981, nhân dân thị xã Ninh Bình đã góp sức người, sức của trùng tu ngôi chùa này. Năm 1980 bà con Phật tử xã Ân Hoà, huyện Kim Sơn xây dựng chùa Hàm Ân (Thanh Liên tự).

Trong năm 1975, 1977, Chi hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Hà Nam Ninh tổ chức Đại giới đàn chùa Am Tiên 1975; đại giới đàn chùa Dầu 1977;

Từ ngày 3 đến 5 tháng 4 năm 1978 (Mậu Ngọ), Ban Chứng minh Đạo sư và Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam họp mở rộng tổng kết hoạt động năm 1977, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 1978, thảo luận và góp ý kiến xây dựng Dự thảo Hiến pháp mới.

Về hoạt động Phật giáo, bản tổng kết chỉ rõ: Giới tăng, ni, phật tử tỉnh Hà Nam Ninh (trong đó có Ninh Bình) năm 1977 đã cùng với nhân dân chống thiên tai úng lụt, bảo đảm việc trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề thủ công và tham gia phong trào trồng cây ở địa phương. Các chi hội đã cùng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân vận động con em địa phương lên đường làm nghĩa vụ quân sự và xây dựng đất nước. Các chi hội Phật giáo, trong đó có Chi hội Hà Nam Ninh đều có tiến bộ trong việc hành đạo và các lễ tiết khác, nhiều nơi đẩy lùi được những nghi lễ thờ cúng không đúng của đạo Phật.

Ngày 20 tháng 11 năm 1978 (Mậu Ngọ) Hội Phật giáo Thống nhất tỉnh Hà Nam Ninh mở giới đàn xuất gia tại chùa Yên Vệ (Phúc Hào tự) xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh:

Đàn đầu: Hoà thượng Thích Thanh Hào; Yết ma: Hoà thượng Thích Thanh Kính; Giáo thụ: Hoà thượng Thích Thanh Quí; Tôn chứng: Hoà thượng Thích Tường Vân. Giới tử là Quảng Hà thụ giới Sa di.

Sau hội nghị của Ban Chứng minh Đạo sư và Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hà Nội từ ngày 8 đến 10 tháng 12 năm 1979. Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Hà Nam Ninh đã họp quán triệt tình hình nhiệm vụ năm 1980 cho các chi hội trong tỉnh.

1. Tổ chức nghiêm túc các khóa Xuân-Hạ an cư. Qua đó, để nâng cao trình độ tu học Phật pháp, Chùa Non Nước - Ảnh: St nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần phụng sự đạo Pháp và dân tộc, duy trì qui củ thiền gia thanh tịnh, gìn giữ chùa cảnh phong quang, bồi dưỡng đạo hạnh của Phật tử; cử hành trọng thể các ngày lễ lớn trong Đạo.

2. Động viên tăng, ni ở các chùa địa phương cùng với đồng bào nơi mình cư trú tham gia nghiên cứu, học tập quán triệt tinh thần Nghị quyết lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết có tầm quan trọng về xây dựng kinh tế và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Phật tử các nơi cùng nhân dân cả nước tham gia phong trào đồng khởi thi đua lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc, nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1980. Về phần tăng ni, mỗi chùa cần có kế hoạch lao động sản xuất trên mảnh đất trong khu nội tự mà mình đương phụ trách và nên hướng về trồng cây thuốc Nam.

4. Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện nếp sống văn minh trên cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh Bản Qui định “Về cải tiến lễ nghi tôn giáo ở các chùa” của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ban hành. Mỗi chùa là một đơn vị đăng ký thi đua xây dựng chùa tinh tiến.

Bước sang năm 1980 (Canh Thân), đất nước đã thống nhất được 5 năm, đã có nhiều cuộc thăm viếng giữa các đoàn Phật giáo và sự giao lưu giữa các tăng ni, Phật tử hai miền Nam Bắc. Thống nhất Phật giáo trở thành nhu cầu bức thiết đối với tăng ni, Phât tử Việt Nam

Để đáp ứng nguyện vọng trên, từ ngày 12-13 tháng 2 năm 1980, chư tôn giáo phẩm tiêu biểu khắp ba miền Bắc, Trung, Nam họp tại thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi bàn bạc đi đến quyết định thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam để làm nền tảng vững chắc cho công cuộc tiến đến thống nhất Phật giáo Việt Nam trong thời đại đất nước hoà bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Thành phần nhân sự Ban Vận động gồm:

a. Ban Chứng minh: 1- Hoà thượng Thích Đức Nhuận; 2- Hoà thượng Thích Đôn Hậu. 3- Hoà thượng Thích Thanh Duyệt; 4- Hoà thượng Thích Pháp Tràng; 5- Hoà thượng Thích Hoằng Thông.

b. Ban Thường trực, gồm 8 vị do Hoà thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban.

c. Ban Thư ký gồm 3 vị do Thượng toạ Thích Minh Châu làm Chánh Thư ký.

d. Các Uỷ viên Ban Vận đồng gồm 11 vị

e. Các Tiểu ban vận động:

1- Tiểu ban Tổ chức do Hoà thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban; 2- Tiểu ban Nhân sự do Hoà thượng Thích Thế Long làm Trưởng ban. 3- Tiểu ban Nội dung do Hoà thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban; 4- Tiểu ban Thông tin báo chí do Hoà thượng Thích Minh Nguyệt làm Trưởng ban.

Ngày 12 và 13 tháng 2 năm 1980 (Canh Thân), tại thành phố Hồ Chí Minh các vị giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo cả nước đã tiến hành cuộc họp mặt đầu xuân Canh Thân thân mật đạo tình. Phiên họp mặt buổi sáng kết thúc trong không khí hoan hỷ thắm tình đồng đạo và đoàn kết dân tộc. Phiên họp buổi chiều ngày 12 tháng 2 hoàn toàn có tính cách nội bộ Phật giáo. Hội nghị nhất trí suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Hòa thượng Thích Đôn Hậu, chứng minh buổi họp; Hòa thượng Thích Trí Thủ và Hòa thượng Thích Minh Nguyệt Chủ tọa điều hành buổi họp. Thượng tọa Thích Minh Châu và Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Thượng tọa Thích Từ Hạnh làm Thư ký.

Hội nghị đã hong qua nội dung chương trình làm việc gồm các điểm:

1. Quyết định thời gian thống nhất Phật giáo. 2. Nguyên tắc thống nhất. 3. Phương thức thực hiện thống nhất. 4. Danh xưng của tổ chức Phật giáo sau này. 5. Văn kiện công bố của cuộc họp mặt. 6. Kiến nghị với Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Buổi họp tiếp tục bàn những vấn đề chung quanh nhiệm vụ Ban Vận động:

1. Tổ chức lễ ra mắt Ban Vận động tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. 2. Dự kiến mời bổ sung vào Ban Vận động. 3. Quyết định xin đặt trụ sở và văn phòng thường trực Ban Vận động tại chùa Quán Sứ, Hà Nội và chùa Xá Lợi thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 9 tháng 4 năm 1980 Ban Vận động làm lễ ra mắt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội; ngày 15 tháng 5 năm 1980, lễ ra mắt Ban Vận động được cử hành trọng thể tại chùa Xá Lợi, thành phố Hồ Chí Minh và ngày 24 tháng 5 năm 1980, lễ ra mắt Ban Vận động được cử hành trọng thể tại chùa Từ Đàm, Huế tỉnh Bình Trị Thiên. Cũng trong năm 1980 đại giới đàn chùa Phúc Nhạc năm 1980 do Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam tỉnh Hà Nam Ninh tổ chức.

(tiếp theo số trước & hết) NNC Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2021