4. Từ năm 1965-1975

Kế hoạch năm năm lần thứ nhất 1961-1965 đang thực hiện thì ngày 22 tháng 5 năm 1965, máy bay Mỹ ném bom nông trường Đồng Giao, doanh trại Trung đoàn 154, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đối với Ninh Bình.

Một số nhà sư ở chùa Phúc Chỉnh, chùa Phượng Ban, chùa Cổ Linh … nghe theo tiếng gọi của non sông đã cởi áo cà sa mặc chiến bào. Một số vị đã anh dũng hy sinh ở chiến trường. Nhiều chùa trở thành nơi sơ tán các cơ quan nhà nước tỉnh Ninh Bình hoặc nơi trú đóng của các đơn vị quân đội.

Huyện Hoa Lư: Chùa Ngần ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên là nơi cất giữ lương thực, đón tiếp thương binh, nuôi dưỡng bộ đội quân khu III. Chùa được nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng 3 và một số bằng khen khác.

Chùa-động Bàn Long là nơi Viện Quân y 5 của Quân khu III tại thị xã Ninh Bình sơ tán. Chùa là nơi nuôi dưỡng bộ đội trước khi vào chiến trường. Chùa Hoa Sơn ở thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa là nơi sơ tán của kho Dược quân y quân khu III. Chùa Am thuộc sơn phận xóm Thông Bái, nay là thôn Yên Trung, xã Trường Yên, là một ngôi chùa thiên tạo, dùng hang động để làm chùa. Trong chùa có nhiều tượng Phật, tồn tại cho đến thời kỳ chống Mỹ.

Từ năm 1965 đến năm 1973, các tượng Phật được chuyển dời đến chùa Bà Ngô và chùa Đìa. Hang Thiên Am tự trở thành ngôi nhà để các cán bộ chủ chốt của tỉnh Ninh Bình ở và làm việc. Các lãnh đạo của Trung ương Đảng và nhà nước ta khi đó về làm việc với tỉnh Ninh Bình cũng ở trong hang này. Mãi đến năm 2003, nhân dân xóm Thông Bái mới tiến hành xây dựng lại chùa Am.(1)

Huyện Yên Khánh: Khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mở rộng toàn miền Bắc, chùa Kiến Ốc là cơ sở của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Khánh Trung. Năm 1967, Thượng tọa Thích Thanh Thiệu là Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, là Uỷ viên Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Thời kỳ này, chùa Kiến Ốc là nơi hội họp thường xuyên của xã, nơi phát động phong trào “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”, nơi tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ...Ngày 24 tháng 6 năm 1969, chùa là nơi tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm xã Khánh Trung, một xã có năng suất lúa cao nhất tỉnh và là xã điển hình về phong trào văn hóa quần chúng thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Huyện Yên Mô: Chùa Ninh Phúc ở thị trấn Vĩnh Thịnh là nơi trường Đảng huyện sơ tán trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Chùa Phượng Ban ở xã Khánh Thịnh là nơi sơ tán trường Đảng tỉnh Ninh Bình năm 1965, sau đó xưởng Dệt thảm sơ tán về đây. Chùa cũng là nơi tập kết trung đội dân quân phòng không do huyện đội quản lý tham gia bắn máy bay F111 ở Cầu Rào. Chùa Nộn Khê ở xã Yên Từ do sư Thích Minh Thức trụ trì là nơi làm kho cất giấu hàng hóa của ngành thương nghiệp huyện Yên Mô những năm 1965-1973..

Nhiều thế hệ nhà sư chùa Cổ Linh thị trấn Yên Thịnh đã trở thành chiến sỹ. Sư bác Thích Thanh Kiều đã hy sinh trong những năm tháng chống Mỹ ở giai đoạn khốc liệt nhất với hình ảnh “cả nước ra quân, toàn dân ra trận’’. Sư tiểu Thích Thanh Thanh đã tình nguyện cởi áo cà sa, xin ra mặt trận để chiến đấu và đã anh dũng hy sinh tại chiến trường ngày 14 tháng 7 năm 1969. Tiếp sau đó, những ngày giao quân lên đường chiến đấu diễn ra sôi nổi ở khắp các thôn, xóm, làng xã. Hàng trăm người con của quê hương đã lên đường ra mặt trận. Để động viên tinh thần cho các chiến sỹ, chùa Cổ Linh đã đóng góp lương thực, thực phẩm đồng thời là nơi nuôi quân trước ngày nhập ngũ. Chùa cũng tham gia tích cực vào phong trào chăm sóc thương bệnh binh. Ngày 10 tháng 4 năm 1970, Thiếu tướng Tô Ký, Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu III có thư cảm ơn, trong thư ông viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, chùa Cổ Linh đã giúp đỡ tích cực cho thương bệnh binh góp phần cùng Quân khu hoàn thành nhiệm vụ nuôi dưỡng anh em thương bệnh binh. Bộ Tư lệnh Quân khu nhiệt liệt cảm ơn và hoan nghênh’’. Vinh dự cho chùa Cổ Linh, Thượng tọa Thích Thanh Lũy được Chính phủ tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì vì “Đã có thành tích trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc’’, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Huy chương cùng nhiều bằng khen vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân. Sư bác Thích Thanh Côi sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được về hưu an lạc tuổi già với quân hàm Thượng tá. Sư thầy Dương Thị Thuấn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng “đã có con độc nhất hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc’’. Có thể thấy, hiếm có ngôi chùa nào mà số lượng nhà sư gác nghiệp tu hành để tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nhiều như chùa Cổ Linh. Đó là những tấm gương của những con người đức cao, đạo trọng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc với tinh thần yêu nước nồng nàn “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh’’.(2)

Huyện Nho Quan: Chùa Thần Nông (An Lạc tự) xã Thanh Lạc là nơi một số cơ quan huyện sơ tán về làm việc ở đây. Chùa Mơ (Cao Sơn tự) xã là nơi sơ tán của Trại thương binh miền Nam, Viện Quân y 5. Năm 1965, tại đây trận đánh bằng tên lửa đầu tiên của Ninh Bình đã bắn rơi máy bay của giặc Mỹ.

Thành phố Ninh Bình: Chùa A Nậu là nơi ở làm việc của ngành bưu điện tỉnh và trung ương. Thời gian Mỹ bắn phá miền Bắc, đỉnh núi chùa là viễn vọng tiền canh gác ngày đêm để báo cho dân làng chủ động phòng tránh máy bay địch.

Ni sư Thích Đàm Lý chuyển xuống bếp ăn ở, để dành toàn bộ các nhà trong chùa Hạ (Thiện Trạo) xã Ninh Sơn cho chuyên gia Liên Xô sơ tán. Chùa Yên Khoái là nơi sơ tán của nhà trẻ địa phương. Nhà Tiền đường làm nơi hội họp của nhân dân nghe phổ biến kỹ thuật cấy lúa, chăn nuôi… Trong khuôn viên chùa còn xây nhiều hầm trú ẩn cho cho nhân dân để tránh bom của máy bay Mỹ (hiện nay vẫn còn dấu tích). Chùa Phúc Am là trụ sở của Đảng và Chính quyền xã Ninh Thành; nơi đặt Trạm cứu thương chống Mỹ (1965); Nơi tuyển quân và xuất quân của huyện Gia Khánh, là trạm cứu thương thời kỳ chống Mỹ (giai đoạn 1972-1975).

Huyện Gia Viễn: Chùa Đồi ở thôn Tam Sơn, xã Liên Sơn Thượng là cơ sở để chỉ huy đơn vị Phòng không chỉ đạo đào hào xung quanh khu chùa và trực tiếp bắn máy bay địch. Năm 1967, đơn vị du kích của xã phối hợp với bộ đội phòng không bắn rơi chiếc máy bay Mỹ (vị trí rơi tại xóm Thượng Hưng, xã Liên Sơn).

Để phục vụ cho nhiệm vụ đánh trả máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc từ 1965 đến 1973 chùa Xuân Đài (Vân Đài tự) xã Gia Lập đã cho Ban Chỉ huy xã đội mượn 5 gian chùa ngoài làm nơi ăn ở cho dân quân phục vụ chiến đấu tại hai trận địa pháo phòng không cầu Gián và cầu Khuất thời gian là 9 năm(3).

Chùa Thiện Hội xã Gia Tân là nơi phục vụ, cấp phát lương thực chi viện cho tiền tuyến miền Nam và là địa điểm làm trường học cho học sinh xã Tri Tân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chùa Phù Long xã Gia Vân là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan cửa hàng ăn uống huyện Gia Viễn sơ tán về để phục vụ đời sống bộ đội, nhân dân qua lại nhằm tránh bom đạn của máy bay Mỹ bắn phá. Huyện Kim Sơn Chùa Tuy Định xã Định Hóa là nơi chứa vũ khí của huyện đội Kim Sơn và bộ đội tỉnh bảo vệ bờ biển. Đây cũng là nơi chứa đựng hàng hóa dự trữ cho chiến đấu được huyện đánh giá là cái nôi của phong trào cách mạng trong huyện.

Các chùa tích cực tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất và gửi tiền tiết kiệm

Ngoài việc thờ phụng, chăm sóc chùa chiền luôn “sạch cỏ đỏ hương” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các vị sư nhiều chùa trong tỉnh đã tích cực lao động sản xuất lương thực thực phẩm ngoài đảm bảo đủ ăn còn bán cho nhà nước. Ni sư Thích Đàm Lý trụ trì chùa Thiện Trạo, xã Ninh Sơn, huyện Gia Khánh (nay thuộc thành phố Ninh Bình) cho biết: Năm 1967, ngoài việc sản xuất tự túc, các tăng ni tỉnh Ninh Bình đã bán cho nhà nước 2650kg lạc, gần 5 tạ gia cầm, gần 9 tấn lợn thịt, hơn 14 tấn thóc. Nhiều thửa ruộng của nhà chùa đã đạt năng suất cao. Riêng chùa Đồng Đắc ở huyện Kim Sơn đạt tới 7 tấn thóc/1ha.(4)

Thi đua với Chi hội Phật giáo tỉnh Nam Hà, Chi hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình đã phát động phong trào lập “Hũ gạo chống Mỹ cứu nước” và “Gửi tiền tiết kiệm”. Phong trào đã được tăng ni các chùa trong tỉnh nhiệt liệt hưởng ứng. Số lượng tăng ni trong tỉnh tuy ít số lượng tiền gửi tiết kiệm chưa nhiều nhưng cũng là sự đóng góp vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc và giải phóng miền Nam. Trong phiên họp cuối cùng của Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa V (4/1965-4/1968), sư Đàm Lý giọng hồ hởi phát biểu: Các tăng ni, tín đồ Phật giáo rất phấn khởi vì giới Phật giáo có người được tham gia chính quyền. Nhờ tỉnh ủy, nhờ Hội đồng Nhân dân dìu dắt, ba năm qua phong trào sản xuất, tiết kiệm ở các chùa chùa bàn Long - Ảnh: St trong tỉnh phát triển tốt. Đã có chùa “5 tấn”, một chùa “7 tấn”.

Điển hình trong phong trào trên có chùa Đồng Đắc huyện Kim Sơn, chùa Phượng Ban huyện Yên Mô. Sư cụ Thích Thanh Tiếp trụ trì chùa Bích Động, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư lao động sản xuất giỏi, trồng hàng nghìn cây đã được bầu là chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc.

Tham gia xây dựng chính quyền các cấp

Thực hiện lời chư Tổ dạy “Phật pháp bất ly thế gian giác” nhiều vị tăng ni đã hăng hái tham gia xây dựng và củng cố chính quyền và đoàn thể các cấp. Đã có một số vị tham gia Mặt trận Tổ quốc cấp xã, huyện. Ni sư Đàm Lý và Thượng tọa Thích Quảng Khâm, Thượng tọa Thích Thanh Thiệu đã tham gia Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V nhiệm kỳ 1965-1968. Ni sư Đàm Lý khi ứng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VI đã phát biểu như hứa hẹn: “Dù khó khăn đến mấy, tôi cũng nguyện đem công sức ra vận động các tăng ni, tín đồ tích cực sản xuất tự túc và dành phần lương thực, thực phẩm cung cấp ngày một nhiều cho nhà nước, gọi là góp phần cùng toàn dân đánh Mỹ”.(5)

Trong cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VI (1968-1971) Thượng tọa Thích Quảng Khâm, Chi hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình và Ni sư Thích Đàm Lý trụ trì chùa Thiện Trạo, xã Ninh Sơn, huyện Gia Khánh đều tái đắc cử.

Ni sư Thích Đàm Liên liên tục từ năm 1962-1981 là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc huyện Hoàng Long, Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân xã Đức Long, Đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Hoàng Long (nay là huyện Nho Quan). Từ năm 1982, tái lập huyện Yên Khánh, Ni sư là Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc huyện Kim Sơn trong 10 năm liền. Ngày 21 tháng 7 năm 1968, Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh đã họp nghiên cứu lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân ngày 20 tháng 7 năm 1968. Hơn 70 vị Hòa thượng, Thượng tọa, tăng ni dự họp đã gửi điện văn lên Hồ Chủ tịch hứa tăng cường đoàn kết lương giáo, đoàn kết nhân dân, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; ra sức động viên tín đồ làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Ngày 13 tháng 6 năm 1965, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình đã tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm 10 năm ngày Chính phủ ban hành Sắc lệnh tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân (14 tháng 6 năm 1965 . Tham dự có các vị Hòa thượng, đại diện Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, các vị Hòa thượng, Thượng tọa trong Ban Thường trực Chi hội Phật giáo Thống nhất tỉnh. Sau lời phát biểu của ông Phạm Văn Hồng Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Thượng tọa Thích Quảng Khâm Chi hội trưởng Chi hội Phật giáo Thống nhất Ninh Bình đã thay mặt các nhà tu hành và đồng bào theo đạo Phật phát biểu ý kiến hoan nghênh Sắc lệnh của Chính phủ ngày 14 tháng 6 năm 1955 tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho nhân dân(6). Ngày 16 tháng 5 năm 1965 (Bính Ngọ), Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Thông tư số 180 TT/TƯ về việc chấp hành chính sách tôn giáo đối với đạo Phật.

Ngày 24 tháng 10 năm 1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 188TTG/VG về việc bảo vệ và phát huy tác dụng di tích. Theo Chỉ thị này, các ngôi chùa là di tích lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, cách mạng đều được nhà nước bảo trợ.

Tháng 11 năm 1965, Chi hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tổ chức học tập hai tài liệu nói trên tại chùa Phúc Chỉnh cho Trưởng chi hội Phật giáo các huyện và tăng ni trụ trì các chùa ở thị xã Ninh Bình.

Sáng ngày 10 tháng 4 năm 1969 (Kỷ Dậu), Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam khai giảng Trường Tu học Phật pháp Trung ương tại chùa Quảng Bá, Hà Nội. Đây là Phật học đường đầu tiên từ sau ngày miền Bắc được giải phóng. Khóa học kéo dài 6 tháng. Pháp sư Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam đọc lời khai mạc, nêu rõ mục đích đào tạo của trường là: Đào tạo tăng ni Phật tử trở thành những người có tài có đức để làm tốt việc phụng đạo yêu nước. Nội dung học tập, học kinh điển giáo lý là chính, đồng thời học thêm văn hóa, nghiên cứu chính trị nhằm nâng cao nhận thức về giáo lý, văn hóa, chính trị lên từng bước phục vụ cho việc phụng đạo cũng như yêu nước có hiệu quả tốt.

Phật giáo Ninh Bình có 5 vị là Thượng tọa Thích Quảng Khâm, Thượng tọa Thích Thanh Thiệu và các Tỷ khiêu ni Thích Đàm Hiên, Thích Đàm Lý, Thích Đàm Tùy tham gia lớp học. Ni sư Đàm Tùy là Chánh Duy na lớp Ni. Hội đã thỉnh Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Hiệu trưởng. Thượng tọa Thích Tâm An là Phó hiệu trưởng phụ trách giảng dạy môn Luật tạng.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cuối tháng 1 năm 1970 (Canh Tuất), Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi thư phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Phật giáo miền Bắc nói chung và Phật giáo Ninh Bình nói riêng đã tích cực hưởng ứng phong trào này. Chỉ trong một thời gian ngắn các chùa trong tỉnh đã trồng được hàng nghìn cây bóng mát và cây ăn quả như bạch đàn, nhãn, mít… Tháng 8 năm 1970, Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam làm lễ khai giảng trường tu học Phật giáo Việt Nam khóa 2 tại chùa Quảng Bá, Hà Nội. Hơn 50 học viên là các tăng ni các chùa trên miền Bắc. Tuổi tác, trình độ, chức sắc của mỗi vị khác nhau. Có vị ngoài 60 tuổi đã từng nhiều năm nghiên cứu đạo Phật, nhưng cũng có vị 18-19 tuổi mới bước vào nghiên cứu đạo Phật. Hiệu trưởng là Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hiệu phó là Hòa thượng Thích Tâm An. Học viên Phật giáo tỉnh Ninh Bình có các vị: Thượng tọa Thích Ninh Quang, chùa Phúc Hà, Thượng tọa Thích Thanh Hào chùa Đọ và Tỷ khiêu ni Đàm Thục. Các tăng ni rất phấn khởi và quyết tâm học tập để sau này về địa phương dìu dắt tín đồ, xây dựng đất nước, xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày một rạng rỡ.

Năm 1970, Chi hội Phật giáo Ninh Bình tổ chức giới đàn tại Tổ đình Linh Quang (chùa Đọ). Hòa thượng đàn đầu: Hòa thượng chùa Diên Khánh. Giới sư: Thượng tọa Thích Thanh Kính. Thượng tọa Thích Thanh Thiệu. Giới tử: Thích Thanh Duệ thụ giới Sa di.

Cũng trong năm này Chi hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức Đại giới đàn Ni tại chùa Nhất Trụ, huyện Hoa Lư. Ngày 12-15/4/1972 (Nhâm Tý), Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam họp Đại hội lần thứ 4 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã gửi thư chúc mừng Đại hội. Sau lời khai mạc của Pháp sư Thích Trí Độ-Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Đại hội đã nghe Hòa thượng Thích Tâm An đọc báo cáo của Ban Trị sự Trung ương Hội: “Hoằng dương Phật pháp, Lợi lạc quần sinh, tích cực góp phần cùng toàn dân đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và xây dựng thành công chế độ mới ở miền Bắc”.

Đại hội đã suy bầu: Ban Chứng minh Đạo sư gồm 15 vị, trong đó Phật giáo Ninh Bình có 3 vị: 1. Hòa thượng Thích Chính Long. 2. Hòa thượng Thích Thanh Kiến. 3. Hòa thượng Thích Quảng Khâm. Ban Trị sự Trung ương, gồm 30 vị, Phật giáo Ninh Bình có 3 vị: 1. Hòa thượng Thích Quảng Khâm. 2. Thượng tọa Thích Thanh Thiệu. 3. Ni sư Thích Đàm Lý. Ban Thường trực Trung ương Hội có 9 vị do Pháp sư Thích Trí Độ làm Hội trưởng, 4 vị Phó Hội trưởng là: Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Tâm An, Hòa thượng Trần Quảng Dung, Hòa thượng Phạm Thế Long kiêm Tổng Thư ký.

Sau ngày bế mạc Đại hội ít lâu, Ban Trị sự Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị quán triệt thư Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi Đại hội và Công việc phụng đạo và yêu nước của Phật giáo tỉnh nhà trong thời gian tới theo tinh thần nghị quyết của Đại hội:

Ngày 15 tháng 1 năm 1973, Hoa Kỳ phải tuyên bố chấm dứt toàn bộ việc ném bom, bắn phá, thả mìn miền Bắc Việt Nam. Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) đã được chính thức ký kết tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Paris giữa 4 bên tham gia hội nghị. Ngày 29 tháng 1 năm 1973, Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Ngày 26 tháng 4 năm 1973 (Quý Sửu) Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị đã ký Chỉ thị số: 88 - TTg “Về việc chấp hành chính sách đối với việc bảo vệ các chùa thờ Phật và đối với Tăng Ni”. Cùng với Phật giáo miền Bắc, chi hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tiến hành tổ chức các chùa trong tỉnh học tập chỉ thị này.

Tháng 6 năm 1973, tại Tổ đình Kim Liên, huyện Kim Sơn Chi hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức đại giới đàn chùa Đồng Đắc.

(tiếp theo Tạp chí NCPH số 166) NNC Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2021 Còn nữa...

---------------

CHÚ THÍCH: (1) Lã Đăng Bật, Kinh đô Hoa Lư xưa và nay, Nxb Văn hóa dân tộc, 2009. (2) Có chứng nhận của Uỷ ban nhân dân hiện đang lưu giữ tại chùa; Theo Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. (3) Ông Đinh Hữu Năm, Xã đội trưởng xã Gia Lập xác nhận, theo Hồ sơ di tích của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. (4) Báo Ninh Bình số 641 ra ngày 23-4-1968. (5) Báo Ninh Bình số 641 ra ngày 23-4-1968. (6) Báo Ninh Bình xây dựng số 347 ra ngày 22-6-1965.