Cư sĩ Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022

Ngày 1 tháng 9 năm 1858, tàu chiến của liên quân Pháp - Tây Ban Nha bắn phá đồn An Hải, Điện Hải, sau đó chúng đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn từ việc kiên quyết kháng Pháp đã từng bước đầu hàng kẻ thù thông qua việc ký các hòa ước đầu hàng và cắt đất cho thực dân Pháp. Với việc ký hòa ước Patơnốt triều đình Huế chính thức dâng nước ta cho Pháp.

Ngày 17 tháng 10 năm 1887, Tổng thống Pháp ký Sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương gồm Việt Nam và Cao Miên, trong đó Việt Nam bị chia thành 3 “xứ” là Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ; Nam Kỳ là “xứ thuộc địa” và do một viên Thống đốc trực tiếp cai trị; Trung-Bắc Kỳ là “xứ bảo hộ” do một viên Tổng trú xứ trực tiếp cai trị. Tỉnh Thanh Hoá thuộc xứ Trung Kỳ(1).

1. Phật giáo Thanh Hóa đồng hành cùng dân tộc trong phong trào chống thực dân Pháp

Không chịu nổi nỗi nhục mất nước, các tăng, ni, phật tử Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đã có những hoạt động nhập thế tích cực tham gia chống Pháp.

1.1. Nhiều chùa ở Thanh Hóa là nơi thường trú, địa điểm liên lạc của nghĩa quân chống Pháp

Chùa Báo Ân, toạ lạc ở chân núi Báo, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc có vai trò quan trọng đối với cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh. Năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương, Chánh sứ sơn phòng tỉnh Thanh Hóa Tống Duy Tân (1837-1892) đã lãnh đạo nghĩa quân Hùng Lĩnh khởi nghĩa chống Pháp từ 1887-1892. Chùa là nơi thường trú và thường xuyên lui tới của các lãnh tụ và nghĩa quân Hùng Lĩnh(2).

Chùa Ngọc Đới (chùa Cảm Cách), làng Ngọc Đới, xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc là nơi hội họp của nghĩa quân Ba Đình trước khi phất cờ kháng Pháp. Tháng 7 năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết (1835- 1913) đưa vua Hàm Nghi lên chiến khu Tân Sở (Quảng Trị) ban chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến, Phạm Bành (1827-1887) cùng em rể là Hoàng Bật Đạt, thủ lĩnh nghĩa quân vùng Hậu Lộc đã lấy chùa và làng Ngọc Đới làm căn cứ địa hoạt động chiêu mộ nghĩa quân và huấn luyện binh sĩ. Chùa Ngọc Đới là nơi họp các tướng lĩnh, các đầu mục, tổ chức tế cờ trước khi ra Ba Đình, huyện Nga Sơn hợp với khởi nghĩa của Đinh Công Tráng tổ chức khởi nghĩa chống Pháp(3).

Chùa Thông (Thung Sơn tự nghĩa là chùa trong núi), hay chùa Báo Văn gọi theo tên làng ở xã Ngũ Lĩnh, huyện Nga Sơn là vọng gác quan trọng của nghĩa quân Ba Đình trong phong trào Cần Vương chống Pháp thế kỷ XIX để bảo vệ căn cứ chống giặc(4).

Chùa Đa Bút (Phúc Long tự) tọa lạc ở bên ngọn núi Cổ Sơn, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tương truyền chùa được dựng từ thời Trần, là một trong những ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở Châu Ái. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX chùa là căn cứ của nghĩa quân Hùng Lĩnh(5) do Tống Duy Tân lãnh đạo (1885-1892). Tại đây đã chứng kiến những tấm gương chiến đấu anh dũng, hy sinh của nghĩa quân Hùng Lĩnh và nhân dân Đa Bút. Chùa bị giặc Pháp đốt phá trong cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh(6).

Chùa Đông Tác (Long Nhương tự) ở làng Đông Tác, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá. Trong phòng trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX chùa là điểm tập hợp của các văn thân, sĩ phu có lòng yêu nước tham gia vào lực lượng nghĩa quân của Đề đốc Trần Xuân Soạn (1849-1923) người Thọ Hạc, phường Đông Thọ(7).

Chùa Thất (Linh Thất tự) ở làng Vĩnh Thọ, xã Nga Vịnh, huyện Nga Sơn, trong khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887), các tướng lĩnh của nghĩa quân chọn nơi đây để cư ngụ và trinh sát, làm vọng gác tiền tiêu phía Bắc của căn cứ Ba Đình(8).

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/bia-chua-thoi-ly-o-thanh-hoa.html

1.2. Có “nhà sư” trở thành chiến sĩ

Những năm đầu thế kỷ XX, ba anh em họ Nguyễn ở làng Phượng Khê huyện Triệu Sơn là cử nhân Nguyễn Soạn (1873- 1948), Tú tài Nguyễn Lợi Thiệp, Cử nhân Nguyễn Xứng và Cử nhân Lê Trọng Nhị sau khi đỗ Cử nhân đều không ra làm quan mà ở lại quê hương tham gia hoạt động yêu nước chống thực dân Pháp như: phong trào Duy Tân, Đông Du, chống đi phu, chống sưu thuế ở Thanh Hóa. Ngày 30 tháng 1 năm 1909, thực dân Pháp kết án cụ Xứng án tử hình, các cụ còn lại được giảm án xuống còn 5 năm đến 9 năm và bị đày ra Côn Đảo.

Sau khi mãn hạn tù, cụ Nguyễn Soạn xuất gia tu hành ở chùa Hội Đồng, thành phố Thanh Hóa. Là người xuất gia, lại được vua Bảo Đại phong là Tăng cương, thiền sư Thanh Soạn vẫn tích cực trợ giúp cho các hoạt động yêu nước, thường xuyên giao lưu trao đổi với các bạn bè cũ. Để tránh sự dò xét của chính quyền thực dân, sư lánh về tu tại chùa Hoài Cảm tức chùa Hoa Cải ở xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Tại đây, Hòa thượng Thanh Soạn tiếp tục con đường tân văn, tham gia các hoạt động yêu nước cùng các bậc trí sĩ và những người yêu nước thời Tiền khởi nghĩa tại Cổ Định.

2. Nhiều chùa ở Thanh Hoá là cơ sở hoạt động, nuôi giấu cán bộ cách mạng từ 1925-1945

Năm 1925 Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập đã tiến hành các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo nhân dân cả nước làm cách mạng dân tộc dân chủ. Trong những năm tháng trứng nước đầy khó khăn, Phật giáo Thanh Hóa đã đồng hành cùng cách mạng.

Trong đêm trường nô lệ, nhiều thanh niên yêu nước Thanh Hóa đã ra tỉnh ngoài, nước ngoài tìm đường giải phóng quê hương, đất nước, tiêu biểu là Lê Hữu Lập, Lê Mạnh Trinh, Đinh Chương Dương... Lê Hữu Lập sang Trung Quốc tham gia lớp lý luận cách mạng đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, được phân công về nước tuyên truyền tổ chức cách mạng. Lê Hữu Lập về Thanh Hóa tháng 5 năm 1926, tổ chức Hội đọc sách báo cách mạng ở thị xã Thanh Hóa sau đó phát triển ra các huyện trong tỉnh. Trên cơ sở đó, tháng 4 năm 1927, thành lập tổ chức “Việt Nam cách mạng thanh niên” tỉnh Thanh Hóa, do ông Lê Hữu Lập làm Bí thư. Hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Đảng Tân Việt (hai tổ chức tiền thân của Đảng) đặt nền tảng về tư tưởng và tổ chức cho Đảng bộ Thanh Hóa ra đời.

Ngày 29 tháng 7 năm 1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, ông Nguyễn Doãn Chấp đã tổ chức hội nghị đảng viên của ba chi bộ cộng sản đầu tiên (chi bộ Hàm Hạ, chi bộ Thiệu Hóa, chi bộ Thọ Xuân) tuyên bố thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (đảng viên là quần chúng ưu tú lựa chọn trong tổ chức Thanh niên). Hội nghị định ra phương hướng nhiệm vụ trước mắt và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 người do ông Lê Thế Long làm Bí thư. Sau khi ra đời Đảng bộ tổ chức cơ quan ấn loát tài liệu, in ấn phát hành tờ báo “Tiến lên”, truyền đơn cộng sản, phát triển cơ sở đảng và các tổ chức Nông hội đỏ, Công hội đỏ, tổ chức phong trào đấu tranh chống thuế ở một số địa phương trong tỉnh. Cuối năm 1930, chính quyền thực dân phong kiến tập trung lực lượng khủng bố trắng, hầu hết cán bộ, đảng viên và một số quần chúng cách mạng bị bắt tù đày, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống(9).

Vào những năm tháng trứng nước của cách mạng Việt Nam, Phật giáo nước ta nói chung và Phật giáo xứ Thanh nói riêng là chỗ dựa và là nơi liên lạc, hoạt động của các chiến sĩ cộng sản.

Chùa Đại Bi (còn gọi là chùa Mật Sơn), toạ lạc dưới chân núi Kỳ Lân phường Đông Vệ phía Nam thành phố Thanh Hoá là một địa điểm như vậy. Chùa là địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm Phan Chu Trinh, một nhà yêu nước cách mạng tiêu biểu của lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX. Phan Châu Trinh mất năm 1926 sau nhiều năm hoạt động cứu nước. Sáng Chủ Nhật ngày 27 tháng 3 năm 1927, bất chấp sự nghiêm cấm của chính quyền tỉnh, 200 học sinh các trường trong thành phố Thanh Hóa đã tụ hội về chùa để làm lễ tưởng niệm một năm ngày mất của cụ Phan Chu Trinh(10). Cũng tại chùa Đại Bi, trên ngọn núi Kỳ Lân, 18 năm sau (tháng 8 năm 1954) lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn tung bay báo một kỷ nguyên mới của đất nước - Kỷ nguyên của độc lập tự do(11). Chùa Đại Bi - núi Kỳ Lân đã được xếp hạng Cụm di tích Lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.

Chùa Tiên Sơn thuộcphường An Hoạch, thành phố Thanh Hoá là nơi tổ chức Hội nghị bầu Ban Chấp hành Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào tháng 4 năm 1928. Tại hội nghị này, ông Lê Hữu Lập, Bí thư Tỉnh bộ lâm thời, được bầu làm Bí thư chính thức Tỉnh bộ(12).

Chùa Báo Ân, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc thời kỳ trước tháng 8 năm 1945 là nơi liên lạc và ẩn náu của các chiến sĩ cộng sản(13).

Chùa Xuân Áng, thuộc địa phận làng Xuân Áng, xã Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc là nơi diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Vĩnh Thạch. Sách Những sự kiện lịch sử đảng bộ huyện Vĩnh Thạch 1925-1945, Nxb Thanh Hoá, 1982, tr. 28 chép: “… được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, một ngày tháng 4 năm 1934, Hội nghị thành lập chi bộ Đảng Vĩnh Thạch được triệu tập tại ngôi chùa làng Xuân Áng (xã Vĩnh Long). Tham dự hội nghị này có bảy đồng chí dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Chủ Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời…”. Trong quá trình đấu tranh cách mạng chùa Xuân Áng là địa điểm tập hợp các đội tự vệ cứu quốc trong cách mạng tháng Tám, các hội Thanh niên Cứu quốc, hội Phụ nữ Cứu quốc(14).

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/giai-phap-bao-ton-ton-tao-phuc-dung-chua-co-o-thanh-hoa.html

Chùa Phúc Hưng có tên chữ là Liên Hoa tự ở làng Phú Mỹ, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc là nơi lưu trú và hoạt động của cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Năm 1926, ông Lê Hữu Lập thành viên của tổ chức hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã về chùa sinh sống và hoạt động cách mạng. Sau khi rời khỏi chùa ông đã đặt lại tên cho chùa là “Phúc Hưng tự”.

Chùa Ngọc Đới (chùa Cách) huyện Hậu Lộc, những năm từ 1937 đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945, sư cụ Đàm Diêm trụ trì chùa đã nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng như ông Lê Chủ nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá, ông Lê Tất Đắc (nguyên Chủ tịch chính quyền cách mạng tỉnh), các lão thành cách mạng Hoàng Xung Phong, Lê Hồng Quế, Trần Quang Tịch(15).

Chùa Vĩnh Phúc (Hoà Luật) ở xã Thành Tân, huyện Thạch Thành vào những năm 1937- 1941, sư Xước là một chiến sĩ cách mạng hoạt động ở vùng Ngọc Trạo - Thạch Thành đã cho dựng lại chùa(16).

Chùa Vĩnh Thái, xã Hoằng Giang, huyện Nông Cống là cơ sở của cách mạng. Trong thời kỳ cách mạng 1930-1945, chùa là cơ sở cách mạng của 2 huyện Nông Cống, Thọ Xuân và là nơi liên lạc của Xứ uỷ Trung Kỳ. Chùa trở thành cơ sở cách mạng gắn liền vơi một nhân vật mà nhân dân trong vùng ai ai cũng biết đó là cụ Nguyễn Thị Hoè (còn gọi là cụ Bát Diệp (hay bà Bát Mợi) là thân sinh ông Đào Duy Anh, đảng viên Tân Việt, sau này trở thành nhà văn hoá lớn của đất nước. Sáu người em đều tham gia hoạt động cách mạng nơi xa, bà buồn vì cảnh cô đơn hiu quạnh, năm 1936 bà đã bán ngôi nhà gỗ 3 gian lấy tiền cúng vào chùa và vào ở hẳn trong chùa. Con trai thứ hai của bà là Đào Duy Dinh, lúc bấy giờ hoạt động cách mạng ở Vinh (Nghệ An) bị ốm nặng phải về ở với mẹ. Thời gian này ông Dinh đã truyền bá tư tưởng cách mạng cho một số thanh niên có tư tưởng tiến bộ trong vùng. Các con của bà Bát Mợi cũng nhiều lần về thăm mẹ và thực hiện nhiệm vụ tại chùa.

Chùa Vĩnh Thái trở thành địa điểm liên lạc, lui tới của các chiến sĩ cách mạng ở địa phương kể cả miền Trung. Năm 1938, thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương lên cao, nhân việc khánh thành các hạng mục công trình mới được xây dựng, các chiến sĩ cách mạng đã phối hợp với nhà chùa tổ chức lễ khánh thành khá rầm rộ thu hút hàng vạn người tham gia. Việc làm trên vừa khuếch trương thanh thế nhà chùa, thu hút khách thập phương vãn cảnh lễ Phật, đồng thời cũng là dịp để các chiến sĩ cách mạng tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng. Đây cũng là cơ hội các chiến sĩ cách mạng móc nối liên lạc, trao đổi tài liệu, kinh nghiệm và thống nhất chỉ đạo phong trào cách mạng. Năm 1939, khi Đảng Cộng sản rút vào hoạt động bí mật, ông Nguyễn Văn Linh được phân công về miền Trung xây dựng lại Xứ uỷ Trung Kỳ. Từ 1939-1941, ông thường xuyên đến chùa Vĩnh Thái để gặp gỡ và làm việc với các cán bộ cách mạng ở Thanh Hoá cho đến khi bị bắt và bị đày đi Côn Đảo(17).

Chùa Đô Mỹ còn gọi là chùa Kho, ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung, trước cách mạng tháng Tám năm 1945(18) theo tinh thần nhà Phật Hoà quang đồng trần, Phật pháp bất ly thế gian giác các vị tu hành ở chùa đã nhiệt tình tham gia cách mạng, che giấu cán bộ và làm liên lạc cho Việt Minh. Nơi đây được đón các ông Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Lê Chủ về chỉ đạo phong trào, cũng là nơi nuôi giấu các cán bộ cốt cán của huyện như Nguyễn Văn Huệ, Tạ Quý Quynh. Các nhà sư trong chùa trở thành giao liên chắp nối cơ sở của tỉnh Thanh Hóa. Chùa là nơi đặt cơ quan ấn loát tài liệu của tỉnh. Năm 1941, chùa là nơi tiếp nhận lương thực, tiền của các nơi trong huyện ủng hộ mà sư thầy Đàm Hiên là người thu nhận để chuyển giao cho chiến khu Ngọc Trạo ở huyện Thạch Thành (thành lập ngày 19 tháng 9 năm 1941). Ni sư được tặng bằng có công với nước. Chú tiểu Tường trở thành đảng viên Đảng Cộng sản - lão thành cách mạng(19).

Chùa Phương Tích Sơn còn gọi là chùa Quan Chiêm và chùa Khánh Long ở xã Hà Giang, huyện Hà Trung những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945 là một trong những nơi các cán bộ cách mạng thường lui tới hoạt động. Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Hà Trung cho biết: “…tháng 2 năm 1942, ông Nguyễn Văn Huệ - một chiến sĩ cộng sản từ nhà tù Buôn Ma Thuột đã trở về địa phương để tiếp tục hoạt động…Từ sau hội nghị, tổ chức Thanh niên cứu quốc, đã dần dần được mở rộng và đi vào hoạt động ở các làng như: Quan Chiêm, Đà Sơn, Trạng Sơn…Trong tháng 7 năm 1945, nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự liên tiếp được mở ra ở rú Phạm làng Quan Chiêm”. Sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Giang viết: “Chùa Quan Chiêm được xây dựng từ thời Hậu Lê… đây là nơi cán bộ Việt Minh và du kích hoạt động trong những năm 1941-1945”(20).

Chùa Ban Phúc (chùa Chìa) làng Đông Trung, xã Hà Bình, huyện Hà Trung, dựng năm 1176 thời Lý Cao Tông. Trong thời kỳ Tiền khởi nghĩa (trước tháng 8 năm 1945), chùa Ban Phúc là nơi cán bộ Việt Minh thường xuyên lui tới đây liên lạc, hoạt động cách mạng(21).

Chùa Long Yên ở làng Yên Thôn, xã Hà Hải, huyện Hà Trung dựng từ thời Hậu Lê. Trước năm 1945, chùa là địa điểm ẩn náu và hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Với tinh thần yêu nước thương nòi, các nhà sư đã tìm cách chở che bảo vệ cán bộ cách mạng được an toàn trước nanh vuốt của kẻ thù(22).

Chùa Trần (Phúc Linh tự), làng Kim Liên, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, dựng từ thời Trần đã được trùng tu nhiều lần. Năm Kỷ Sửu 1889 niên hiệu Thành Thái thứ nhất, dân làng xây gác chuông cao chót vót ở chùa. Tại gác chuông này đã diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc huyện Hà Trung thời kỳ 1930-1945. Đó là sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hà Trung vào đầu tháng 10 năm 1930. Với sự chứng kiến của đại diện Xứ uỷ Trung Kỳ, những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của huyện Hà Trung như các ông: Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Văn Huệ, Mai Tự Cường, Đào Xuân Ty, Đào Văn Nghinh đã có mặt bí mật tại gác chuông chùa Trần để thành lập Chi bộ Đảng.

Ông Nguyễn Xuân Phương người làng Hà Lâm, một đội viên Xích vệ đỏ ở thành phố Vinh trước đó đã trở về quê hương hoạt động cách mạng được cử làm Bí thư chi bộ. Từ chùa Trần, những đảng viên đầu tiên của chi bộ Hà Trung đã nhóm lên phong trào cách mạng đi lên từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ lẻ tẻ một vài làng, tiến đến quy mô rộng lớn trong toàn huyện. Gác chuông đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá và cách mạng(23).

Chùa Yên Hạnh, còn gọi là chùa Kim Quy ở thị trấn Nga Sơn, trước cách mạng tháng Tám là nơi liên lạc bí mật của lực lượng tự vệ cứu quốc(24).

Chùa Thung Sơn (chùa Thông), hay chùa Báo Văn gọi theo tên làng ở xã Ngũ Lĩnh, huyện Nga Sơn. Thời kỳ tiền khởi nghĩa chùa là nơi nuôi giấu cán bộ. Trước và trong khi xây dựng cơ sở cách mạng ở làng Thượng, làng Sến (Nga Thắng), Tứ Thôn (Nga Vịnh), Nga Thành thuộc huyện Nga Sơn, các ông Tố Hữu, Trịnh Ngọc Diệt, Lê Tất Đắc, Hoàng Xung Phong và nhiều cán bộ Tiền khởi nghĩa khác đã lấy chùa Thông làm nơi trú chân liên lạc và hoạt động. Chùa được cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hoá và cách mạng cấp tỉnh ngày 30 tháng 12 năm 1999(25).

Chùa Mại Đức (Kim Liên tự), huyện Nga Sơn là cơ sở cách mạng của xã Tân Đức. Tháng 6 năm 1944 đã thành lập Mặt trận Việt Minh của làng Mại Đức do ông Trịnh Kế Thế làm Hội trưởng.

Chùa Ngoại Thôn (Thanh Quang tự) ở làng Hồ Đông, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn dựng thời Nguyễn. Từ năm 1937 chùa là cơ sở cách mạng. Năm 1941 chùa là đầu mối liên lạc của các cán bộ Việt Minh, là nơi nuôi giấu cán bộ về đây hoạt động cách mạng và cũng là tai mắt để kịp thời báo động cho cán bộ biết mỗi khi giặc vào làng lùng sục bắt bớ(26).

Chùa Hàn Sơn ở cạnh chân núi Cọc Đó, làng Chính Đại, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn. Thời kỳ 1936 - 1939, chùa Hàn Sơn, đặc biệt là hang núi sau điện thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, nhiều cán bộ cách mạng thường lui tới hoạt động tại đây như: ông Tạ, ông Quỳnh, các ông: Tôn Thất Toại, Nguyễn Hữu Kiều, Phạm Văn An, Mai Văn Tam(27).

Chùa Cầu Hải (Hải Vân tự), làng Cầu Hải, xã Nga Hải, huyện Nga Sơn, là nơi hội họp của cán bộ cách mạng trong vùng. Theo cụ Mai Sỹ Tình (92 tuổi) ở làng Cầu Hải cho biết: năm 1937, mật thám Pháp đã bắt vị sư trụ trì chùa là cụ Đặng Văn Đa và giam tại nhà tù La Hán. Do bị tra tấn và khí hậu cụ bị bệnh nặng nên được tha về. Cụ viên tịch ngày 17-8 năm Quý Mùi (1943)(28).

Chùa Yên Lộ được xây dựng trên sườn ngọn núi đá cách làng Yên Lộ, xã Thiệu Vũ huyện Thiệu Hoá chừng 300m, được trùng tu năm 1928. Đây là địa điểm hoạt động của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ 1930 - 1945(29).

Chùa Trào (Trào Âm tự), xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hoá. Nơi đây, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cụ Nguyễn Chiến (Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hoá) và cụ Nguyễn Trọng Khôi chỉ huy, mở nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ Việt Minh huyện và cho các thôn phía Đông tổng Bái Trạch. Tháng 3 năm 1945, ông Tố Hữu, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã đến tuyên truyền lệnh Tổng Khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, phát động nhân dân tham gia phá kho thóc của Nhật ở xã Hoằng Quang, tham gia lực lượng vũ trang. Tại sân chùa Trào Âm, đội tự vệ chiến đấu được thành lập, cùng với tự vệ các xã trong huyện đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân vào tháng 7 năm 1945(30).

Chùa Hồi Long, xã Lương Hà, huyện Hoằng Hoá. Trước năm 1945 đây là nơi thường xuyên lui tới hội họp của các cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông Tố Hữu đã về đây cùng ông Lê Quang Trường và một số vị khác là cán bộ tại địa phương gây dựng cơ sở cách mạng, các ông đã lấy chùa Hồi Long làm đầu mối liên lạc hoạt động bí mật. Những lớp học về chủ nghĩa Mác-Lênin và cách mạng tháng Mười Nga cũng được tổ chức nhiều đêm tại chùa này(31).

Cách chùa Hùng Vương ở làng Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hoá không xa là khu di tích Cồn Ba Cây. Nơi đây ghi lại sự kiện ngày 24 tháng 7 năm 1945, tự vệ xã Hoằng Thắng và một số địa phương thuộc huyện Hoằng Hóa đã phục kích bắt sống Tri phủ Hoằng Hóa là Phạm Trung Bảo và 12 lính, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa Hoằng Hóa. Trong những ngày sôi sục chuẩn bị khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 chùa là nơi các cán bộ về đây hội họp. Đây cũng là nơi luyện tập của tự vệ Hồng Nhuệ. Giếng chùa là chỗ cất giấu vũ khí, giáo mác, mã tấu để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa(32).

Chùa Hưng Viên (Liên Hoa tự) ở làng Quỳ Chử, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 chùa là nơi hoạt động của Hội Tương tế Ái hữu, tổ chức cách mạng đầu tiên của xã Hoằng Quỳ, tiền thân của chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam xã(33).

Chùa Là (còn goi là chùa La), làng Là, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hoá. Trước Cách mạng tháng Tám ông Nguyễn Lương Bằng (biệt hiệu Sao Đỏ, sau là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và các đồng chí, ban ngày ẩn nấp trong hang núi Là; ban đêm họp và ngủ tại chùa Là. Sau này do cơ sở cách mạng tại chùa Là và núi Là bị lộ nên nhân dân và chính quyền địa phương quyết định phá chùa để không cho bọn Việt gian lấy chùa làm cơ sở hoạt động. Cũng theo ông Hoàng Văn Tôn, ở làng Là có ông Hoàng Văn Môn là một trong những người nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng đã được Nhà nước cấp Bằng Người có công với cách mạng(34).

Cư sĩ Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022 ***

CHÚ THÍCH: (1) Xem Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858 – 1918, Nxb Giáo dục, tr.184. Cũng theo sách này: Tới năm 1899, nước Lào cũng bị thực dân Pháp sáp nhập vào Liên bang Đông Dương và cũng đặt chức Tổng trú sứ để trực tiếp cai trị Lào. Như vậy Liên bang Đông Dương gồm 5 xứ. (2) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.44. (3) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.188. (4) Như trên, tr.230. (5) Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Viện Sử học, tập 2, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 299: "Núi Hùng Lĩnh ở cách huyện Vĩnh Lộc 11 dặm về phía Tây, mạch núi từ phía Tây núi Mông Cù kéo xuống. Sản nhiều nhân sâm, về phía Tây chân núi có giếng, nước vọt ra như nước sôi” (6) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 2, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.205-206. (7) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 2, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.130. (8) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 4, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.156. (9) Lịch sử Đảng bộ Thanh Hoá. (10) Phan Chu Trinh, hiệu Tây Hồ, sinh ngày 9-9-1872 ở Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là nhà yêu nước theo lập trường đấu tranh dân chủ bất bạo động. Ngày 24 tháng 3 năm 1926, Phan Châu Trinh mất tại Sài Gòn. Cái chết của ông vào giữa lúc cách mạng Việt Nam đang có những chuyển biến lớn lao và khí thế quần chúng đang khao khát đấu tranh đã gây nên xúc động lớn. Sự ngưỡng mộ đối với tấm lòng yêu nước của ông đã dẫn đến một phong trào quần chúng trên toàn quốc tổ chức đám tang Phan Châu Trinh và tưởng niệm ngày ông mất sau này. (11) Đỗ Hoài Tuyên (chủ biên), Chùa Việt Nam tiêu biểu, Nxb Tôn giáo, 2011, tr.95. (12) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.78. (13) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.44 (14) HPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 4, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.311. (15) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.188. (16) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.268. (17) Như trên, tr. 273-274. (18) Nguyên văn: trong kháng chiến chống pháp, xét theo lịch sử thì phải là trước cách mạng tháng Tám. (19) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr. 90-91. (20) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 4, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr. 220-221. (21) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 2, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr. 45.` (22) Như trên, tr. 133. (23) Như trên, tr.197-198. (24) Ủy ban nhân dân xã Tuy Lộc, Ban Quản lý và tôn tạo di tích chùa Ngọc Đới, Chùa Ngọc Đới Lịch sử và di tích, 2006, tr.29-30; GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017,tr.126. (25) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.231. (26) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 4, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.176. (27) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 3, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.107. (28) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 3, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.113-114. (29) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 2, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr. 325 (30) Như trên, tr. 277. (31) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 3, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr. 121. (32) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 3, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.131. (33) Như trên, tr.141. (34) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 4, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr. 131.

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phong-trao-chan-hung-phat-giao-o-thanh-hoa-ky-2.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phong-trao-chan-hung-phat-giao-o-thanh-hoa-p-1.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tim-hieu-ve-phat-giao-thanh-hoa.html