Nhóm sinh viên: Trần Thị Minh Tâm, Trịnh Thị Ngọc Quỳnh, Lê Thị Hải Anh, Lại Tiến Anh, Nguyễn Thị Tố Diệp, Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Liên, Phạm Mai Linh, Phan Quỳnh Trang, Lê Thị Thư Học viện Ngoại giao Việt Nam

Tóm tắt: Bài báo phân tích góc nhìn của Phật giáo liên quan đến kinh tế, môi trường và xã hội, làm rõ những điểm chung, phù hợp giữa lý thuyết, quan điểm của tôn giáo với những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đề ra. Trong suốt quá trình đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đặc biệt ngày nay, vai trò của Phật giáo trong khía cạnh phát triển kinh tế đang được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Thông qua việc làm rõ cơ sở lý luận về kinh tế Phật giáo, đồng thời chứng minh vai trò của kinh tế Phật giáo qua hoạt động du lịch tâm linh, bài báo đã thể hiện được giá trị về lợi ích kinh tế cũng như sự phát triển bền vững mà ngành công nghiệp không khói đem lại. Đồng thời, những lợi thế về điều kiện của Việt Nam trong việc phát triển du lịch tâm linh cũng được nhận định khách quan và sâu sắc. Bên cạnh đó, một số biến tướng của kinh tế Phật giáo thông qua du lịch tâm linh cũng được nêu ra, kèm theo đó là các giải pháp khuyến nghị. Qua đây, những nhà lãnh đạo, những người thiết lập chính sách cũng như toàn bộ người dân có thể nhìn nhận rõ vấn đề đang tồn đọng và có phương án đóng góp, giải quyết kịp thời. Từ khóa: Phật giáo, phát triển bền vững, Kinh tế Phật giáo, du lịch tâm linh.

Phật giáo là tôn giáo có lịch sử phát triển hơn 2600 năm, cho đến nay, Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển và có nhiều ảnh hưởng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Phật giáo du nhập vào từ khoảng những năm đầu Công nguyên thông qua hai con đường là đường Biển (nay là Đồ Sơn - Hải Phòng) và đường Bộ (nay là khu vực Thuận Thành - Bắc Ninh). Sau khi vào Việt Nam, những nhà sư truyền đạo đã thích ứng với văn hóa bản địa, dân gian hóa tôn giáo này khi ckết hợp với Đạo Mẫu và các tín ngưỡng dân gian để hình thành nên Phật Mẫu Man Nương và Tứ Pháp.

Ngay từ khi du nhập, Đạo Phật đã nhanh chóng chiếm một vị thế quan trọng trong tinh thần người dân. Qua nhiều năm thăng trầm cùng lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Phật giáo đã luôn đồng hành cùng cả dân tộc Việt Nam trong mọi phương diện đời sống.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi thế giới phát triển với tốc độ chóng mặt cùng nhiều thành tựu về khoa học, công nghệ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, mỗi cá nhân đều có thể bị ảnh hưởng bởi những biến động đó. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội như thất nghiệp, chế độ an sinh xã hội thấp hay ô nhiễm môi trường,... Trong bối cảnh đó, Phật giáo trong quá trình nhập thế đã không tách khỏi xã hội mà tích cực tham gia vào công cuộc giải quyết các vấn đề xã hội trong khả năng của mình.

Tư tưởng nhập thế của Phật giáo góp phần xây dựng hệ thống đạo đức và chuẩn mực xã hội con người, hơn thế là thay đổi tư duy, giá trị cốt lõi trong phát triển kinh tế của nhiều doanh nghiệp. Đồng thời, Phật giáo cũng thúc đẩy sự phát triển về kinh tế văn hóa tâm linh. Thực tế cho thấy ngành du lịch tâm linh hiện nay là một loại hình được đông đảo công chúng ưa chuộng.

Nhiều điểm chùa nổi tiếng đã thu hút nhiều khách du lịch, giải quyết vấn đề việc làm cho hàng ngàn người lao động. Các công trình kiến trúc cũng đóng góp nhiều giá trị cả về văn hóa lẫn kinh tế. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự đóng góp của Phật giáo trong công tác phúc lợi xã hội với hệ thống cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo, dạy nghề hay các nhà trẻ, các trung tâm điều dưỡng... tại các chùa trên cả nước. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong hoạt động huy động vốn xã hội để đóng góp vào việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như nhà tình nghĩa, trường học, cầu đường,…

Tuy nhiên liệu quá trình “nhập thế”, tham gia vào đời sống của Phật giáo có đúng với những giáo lý và giá trị nguyên bản? Cách thức tham gia của Phật giáo vào việc giải quyết các vấn đề xã hội cũng như đồng hành phát triển kinh tế bền vững nên như thế nào là những vấn đề cần đặt ra và có những phản biện, góp ý để ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp hơn là một thực tế.

Du khách hành hương Chùa Đồng, Yên Tử, Quảng Ninh

Cơ sở lý thuyết về kinh tế Phật giáo và Phật giáo đồng hành cùng phát triển bền vững

Khi đọc lại những bộ Kinh hay giáo lý Phật giáo, húng ta sẽ phát hiện được rất nhiều nét tương đồng với các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đã đặt ra cho thế giới ngày nay. Phát triển bền vững ở đây xét trên sự phát triển bền vững kết hợp của ba khía cạnh là Xã hội, Môi trường và Kinh tế.

Xét trên khía cạnh xã hội, để phát triển bền vững cần đảm bảo được các yếu tố giảm đói nghèo, thúc đẩy an sinh và công bằng trong xã hội, hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, tương ứng trong đạo Phật là quan niệm về “bố thí” (tài thí, pháp thí và vô úy thí). Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích rằng "tài thí là những cố gắng của Bồ tát để làm giảm những khổ đau của con người về phương diện vật chất, tức là phương diện kinh tế và y tế, bao hàm những kế hoạch phát triển kinh tế, tái phân bổ lợi tức, xóa bỏ những bất cập, chênh lệch trong xã hội.

Pháp thí là những cố gắng giáo hóa và giáo dục để phá bỏ vô minh, bao hàm chương trình truyền bá kiến thức cần thiết cho đời sống cá nhân và xã hội như những kiến thức về văn tự, y tế, vệ sinh, pháp luật, chính trị. Vô úy thí là những cố gắng của những người thiện nguyện có đạo hạnh Bồ tát để che chở và bảo bọc mọi người khiến cho mọi người được yên tâm, không nơm nớp sợ hãi."1

Xét trên khía cạnh môi trường, hầu như trong tất cả các giáo lý của Phật đều hướng con người đến cuộc sống gắn bó và trân trọng thiên nhiên. Chúng ta có thể xét đến thuyết Duyên Khởi “Không có một chủng loại nào có thể tồn tại biệt lập, cái này sống nhờ cái kia, trong chuỗi nhân duyên trùng trùng không đầu không cuối.”2 Do đó con người không thể sống tách mình biệt lập được với thiên nhiên và phải bảo vệ thiên nhiên vì nếu cái này diệt vong thì cái kia cũng khó lòng tồn tại. Hay học thuyết Duy Thức trong Phật giáo cũng chỉ ra rằng, trong tâm thức của mỗi con người đều có liên hệ với thiên nhiên sông núi. Vì vậy những ảnh hưởng nặng nề đến thiên nhiên như xói mòn, ô nhiễm cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con người, dù là theo các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp khác nhau.3

Xét trên khía cạnh kinh tế, để phát triển kinh tế bền vững đòi hỏi những hoạt động kinh tế hiệu quả nhưng không làm ảnh hưởng đến người khác. Kinh tế bền vững có thể được giải thích dưới góc nhìn của Phật giáo theo học thuyết “bát chính đạo” với ba con đường chính nghiệp, chính mạng và chính tinh tấn.

Chính nghiệp chú trọng đến hành động của con người, chánh mạng đề cao lối sống thiện lương không ảnh hưởng người khác và chính tinh tấn nhắc nhở về sự không ngừng cố gắng để học hỏi và trau dồi. Theo Đại đức Thích Hữu Đạt thì "ba yếu tố này thể hiện trong hoạt động kinh tế tạo ra của cải vật chất, giữ gìn tài sản và tiêu dùng hợp lý, trong sự chính niệm và từ bi, không vì mưu lợi cho mình mà làm tổn hại đến đối tượng khác. Từ đó, nỗ lực tạo nên một cuộc sống tốt đẹp, không vì mục đích tăng trưởng lợi nhuận cho riêng mình mà là đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người."4

Phật giáo định hình con người là một hợp thể toàn diện dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố vật chất và tinh thần. Thế giới Phật giáo không bài trừ kinh tế vật chất, bởi đây là một trong những thành tố thiết yếu có khả năng đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người. Điều này được thể hiện rõ hơn trong tư tưởng của đức Phật, nhu cầu căn bản nhất của con người quan trọng hơn cả niềm tin tín ngưỡng. Đồng thời, Ngài cũng khẳng định rằng “Nghèo khó là tai nạn cần được xóa bỏ”.

Một nền kinh tế bền vững trước tiên phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu căn bản của con người để duy trì sự sống còn, để đủ đầy về vật chất thì mới có thể giúp họ tiếp cận gần hơn với đời sống tinh thần và mở ra con đường tu tập tâm linh.

Nhìn từ thực tế khách quan, nếu con người sống trong hoàn cảnh đói nghèo thiếu thốn, họ khó có thể tiến xa tới các giá trị tinh thần và niềm tin tín ngưỡng.5

Nhà Phật xưa nay đưa ra rất nhiều lời răn dạy về lòng tham của con người, ví dụ như “Nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ tham, sân, si”. Tham dục tồn tại như một bản chất điển hình mà mỗi con người cần phải tự mình chế ngự để tránh dẫn tới những hệ lụy cho cuộc sống của mọi chúng sinh tồn tại ở đời.6

Tuy động lực phát triển kinh tế là dựa trên mục đích mưu cầu lợi ích của cá nhân, nhưng Phật giáo hoàn toàn không chấp nhận tư tưởng tham dục, mưu cầu quá mức mà đánh mất sợi dây cân bằng mang tính liên kết giữa lợi ích của mình, của người và của mọi vật. Sự liên kết đó dần trở thành nền tảng tư tưởng góp phần làm cho con người có ý thức hơn trong các hoạt động phát triển kinh tế bền vững.

Từ đó, con người không được bất chấp lòng tham mà tiến hành các hoạt động kinh doanh, thương mại không lành mạnh và trái với pháp luật. So với các giá trị đạo đức vị nhân sinh, tiền bạc càng không phải là mục tiêu quan trọng nhất để hướng tới, nên con người tuyệt đối không được để đồng tiền chi phối. Phát triển kinh tế giản dị không được khai thác quá mức, kinh doanh sản xuất nhưng không được làm hại tới môi trường. Xa hơn nữa, cạnh tranh lành mạnh và đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân sẽ càng làm tôn thêm giá trị lâu dài của mỗi công ty, doanh nghiệp.

Con người cũng không được vì lòng tham vô đáy, phục vụ lợi ích cá nhân mà dẫm đạp lên quyền lợi của người khác. Trọng tâm hàng đầu của các mục tiêu phát triển bền vững là an sinh của con người, nhất là người nghèo khó. Một nền kinh tế phát triển bền vững sẽ không có chỗ cho khoảng cách giàu nghèo và sự tồn tại đầy rẫy các tệ nạn xã hội như quan liêu, tham ô, tham nhũng… Dân chúng ai ai cũng có quyền được sống trong một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.7

Các tài liệu nghiên cứu về kinh tế Phật giáo (Buddhist economics) đều thường đào sâu vào tư tưởng “trung đạo” và “bát chính đạo” là nền tảng phát triển kinh tế của Phật giáo. Đây cũng chính là những giáo lý căn bản của Phật giáo.

Trước hết, kinh tế được xây dựng trên nền tảng tư tưởng “trung đạo” của Phật giáo. “Trung Đạo” (madhyamā-pratipad) chính là không đắm chìm vào 2 cực đoan: dục lạc và khổ hạnh.8 Trên con đường giác ngộ, Đức Phật nhận ra rằng con người không nên sống quá buông thả, hưởng thụ vật dục hay sống quá khổ hạnh bởi vì cả hai lối sống trên đều không giải quyết được nỗi khổ của con người mà còn mang lại những phiền não và khổ đau,... Trong kinh Trường Bộ (Dìgha Nikaya) có dạy: “Sự thiếu thốn về văn minh vật chất làm cho nghèo khổ phát sinh, từ trong nghèo khổ mà trộm cắp hoành hành. Hơn nữa giết người, bạo lực, phỉ báng, chửi rủa, vọng tưởng, tà kiến, phi đạo đức và những dục vọng biến thái cũng từ đó phát sinh, thậm chí còn dẫn đến sự leo thang của tội ác, niềm tin tôn giáo bị phá vỡ và sự ổn định của trật tự xã hội sẽ không giữ được.”9 Do đó, phật giáo cho rằng chỉ khi nào nhu cầu sống căn bản của con người được đáp ứng thì mới có thể phát triển thế giới tinh thần được.

Kinh tế Phật Giáo nhằm giúp con người có cuộc sống an lạc và hạnh phúc theo con đường “trung đạo”, tức không đề cao vật chất nhưng cũng không loại trừ vật chất, không chấp nhận đói nghèo nhưng đồng thời cũng cấm tham dục. Mọi hoạt động kinh tế cũng đều phải tuân thủ nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu căn bản nhất của con người chứ không nên xuất phát từ lòng tham, dục vọng. Hòa thượng Phra Brahmagunabhorn - tác giả cuốn “Kinh tế học Phật giáo” (Buddhist Economics) xuất bản năm 1992 cũng đã chỉ ra hai đặc điểm nổi bật của nền kinh tế đi theo con đường "trung đạo" chính là mưu cầu hạnh phúc chân chính và không làm hại mình cũng như không làm hại người.

Ngoài ra, “bát chính đạo” (con đường chân chính chia làm tám chi) cũng là tư tưởng quan trọng của Phật giá trong phát triển kinh tế. Trong “bát chính đạo” có ba chi liên quan trực tiếp đến nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh tế Phật giáo gồm: chính nghiệp (hành động sáng suốt), chính mệnh (sống một cách chân chính) và chính tinh tấn (siêng năng, nỗ lực). Tương ứng trong kinh tế, đức Phật răn dạy phải lao động chân chính tạo ra của cải vật chất, giữ gìn và tiêu dùng tài sản hợp lý, kinh doanh lương thiện, không làm tổn hại đến người khác và nỗ lực tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho chính mình cũng như cộng đồng xung quanh.10

Trong cuốn sách “Small is Beautiful: A study of Economics as if people mattered”, nhà kinh tế học người Anh E.F.Schumacher cũng đã bắt đầu luận giải về kinh tế học Phật giáo với giáo lý “bát chính đạo”. Trong đó, yếu tố chính mệnh, tức cách sống đúng đắn đã được Schumacher nhấn mạnh là điều không thể thiếu trong nền kinh tế mang tư tưởng Phật giáo.

Du lịch tâm linh Phật giáo - ngành công nghiệp không khói phát triển kinh tế bền vững

Du lịch tâm linh là loại hình du lịch xanh dựa vào văn hoá, tôn giáo kết hợp với các danh lam thắng cảnh tự nhiên góp phần hạn chế những tác động xấu tới môi trường như xả khói, xả thải, tàn phá động thực vật, khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên văn hoá, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trong tình hình tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, môi trường bị tàn phá nặng nề, cả con người và động thực vật đều bị đe dọa nghiêm trọng, thiên nhiên đang đáp lại bằng những cơn giận dữ, việc hình thành du lịch xanh là tất yếu, là phương pháp cứu vãn tương lai.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Du Lich Tam Linh 1

Các khu du lịch tâm linh được xây dựng trên cơ sở có sẵn về mặt tự nhiên như đồi núi, hang động,... nơi có cảnh quan thiên nhiên trong lành, hùng vĩ. Chính vì vậy, du lịch tâm linh góp phần giữ lại vẻ tự nhiên của cảnh quan, hạn chế sự can thiệp của xây dựng, máy móc và khí thải độc hại.

Không chỉ mang ý nghĩa với thiên nhiên, du lịch tâm linh mang lại nguồn lợi kinh tế vô cùng to lớn. Thứ nhất, du lịch xanh giúp nâng cao cơ hội việc làm cho những người dân ở vùng núi, vùng sâu vùng xa nơi khó khăn nhưng lại có bề dày văn hoá và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ. Thứ hai, du lịch tâm linh giúp tiết kiệm chi phí xây dựng và quy hoạch. Các khu du lịch xanh được phát triển dựa trên “gốc gác” tự nhiên, không cần quá nhiều các yếu tố nhân tạo như những khu du lịch nghỉ dưỡng giải trí hiện đại, do đó giúp tiết kiệm chi phí cầu đường, quy hoạch cho các nhà đầu tư. Đây cũng chính là ưu điểm khiến du lịch xanh nói chung, hay du lịch tâm linh nói riêng, được nhà đầu tư săn đón, rót vốn đầu tư vì tính tiết kiệm chi phí.

Cuối cùng, văn hoá bản địa và tôn giáo sẽ được giữ gìn nhờ du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh giữ gìn những nét tự nhiên của điểm đến và văn hoá bản địa. Du lịch tâm linh thay vì lấn chiếm diện tích sống của người bản địa mà ngược lại còn để mục đích kinh doanh và nét sống của họ hoà chung với nhau, đưa đến cho khách lịch thấy được nét đẹp của văn hoá bản địa và tôn giáo.

Du lịch tâm linh tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây. Đặc điểm của du lịch tâm linh Việt Nam là thường gắn với đức tin và tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo,... trong đó chủ yếu là Phật giáo, chiếm khoảng 90% (Theo Viện Nghiên Cứu Phát Triển Du Lịch - Tổng cục Du lịch).11

Việt Nam có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh Phật giáo, từ ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Phật, số lượng tín đồ đến điều kiện về cơ sở tôn giáo, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch.

Phật giáo là tôn giáo có tiềm lực lớn về tinh thần tại Việt Nam. Phật giáo gắn bó với đời sống con người Việt Nam, đồng hành trên con đường lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhiều nhà sư có những đóng góp lớn lao, là những anh hùng dân tộc, những nhân vật lịch sử. Phật giáo nói chung và cộng đồng phật tử nói riêng đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu của xã hội Việt Nam.

Phật giáo có tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, tư tưởng của người Việt. Đạo lý sống nhân ái, hướng thiện, vị tha của đạo Phật rất phù hợp với văn hóa làng xã ở Việt Nam, với truyền thống sống tình nghĩa, đoàn kết, gắn bó, càng làm mạnh mẽ thêm đặc tính văn hóa ấy. Sinh hoạt Phật giáo ở Việt Nam không chỉ là tìm kiếm sự an tĩnh trong tâm hồn mà còn là hoạt động sinh hoạt văn hóa, gắn kết cộng đồng.

Theo báo cáo của Ban Tăng sự T.Ư – GHPGVN năm 2019, tăng, ni Phật giáo có 53.941 người gồm 38.629 Bắc tông, 8.574 Nam tông Khmer, 1754 Nam tông Kinh, 4.984 Khất sĩ. Tín đồ khoảng 60% / 93.000.000 dân số.12 Tuy nhiên những thống kê này chưa thực sự phản ánh được lực lượng tín đồ Phật giáo dông đảo tại Việt Nam, bởi có rất nhiều người tin theo Phật giáo nhưng trên giấy tờ vẫn ghi “không có tôn giáo”.

Hệ thống cơ sở chùa chiền ở Việt Nam có số lượng lớn và rất phong phú về quy mô, đặc điểm. Trên cả nước có hàng nghìn cơ sở tự viện, chùa chiền, danh lam thắng cảnh Phật giáo, có hơn 257 tự viện được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, hàng trăm tự viện là di tích tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thành.13

Những địa điểm du lịch, danh lanh thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử… thu hút số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước hàng năm. Đây là một trong những nguồn doanh thu đóng góp tỷ trọng lớn vào nền kinh tế của Việt Nam.

Trong khoảng gần 2 thập kỷ đó, du lịch tâm linh Việt Nam đã chứng kiến những con số biết nói về doanh thu và lượng du khách, cho thấy tình hình và những kết quả đạt được là rất tích cực. Số lượng khách du lịch đến những địa điểm tâm linh ngày càng tăng mạnh, không chỉ có khách nội địa mà số lượng khách nước ngoài cũng tăng đáng kể. Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch (TCDL), trong số 32,5 triệu lượt khách du lịch nội địa năm 2012, đã có khoảng 13,5 triệu lượt khách đến du lịch, tham quan tại các địa điểm tâm linh như chùa, đền, phủ, toà thánh.14 Còn theo số liệu thống kê trên Tạp chí Công Thương, năm 2019, trong số 85 triệu lượt khách nội địa, có 34,85 triệu lượt khách đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh), chiếm khoảng 42%.15 Đây là tỷ lệ tương đối lớn cho một ngành du lịch, điều này cho thấy du lịch tâm linh đóng góp không nhỏ vào ngành du lịch chung của đất nước, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ.

Mặc dù bị gián đoạn 2 năm do đại dịch Covid-19, thế nhưng ngay sau khi mở cửa trở lại, nhiều địa điểm du lịch tâm linh lớn của nước ta đã đón được số lượng khách tham quan đáng kinh ngạc, thậm chí còn cao hơn so với thời kỳ tiền đại dịch. Đến đầu năm 2022, nhiều địa phương trên cả nước đón một lượng khách du lịch tâm linh đông đảo chưa từng có, đặc biệt là vào những dịp lễ đặc biệt như Tết Nguyên Đán hay những đợt nghỉ lễ dài ngày.

Đơn cử như Quảng Ninh, ngay từ những ngày đầu năm 2022, du khách đã tấp nập đổ về những địa điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong 5 ngày Tết, Yên Tử đã đón trên 52.000 lượt khách và đạt doanh thu tiền bán vé hơn 1 tỷ đồng (Theo Báo Lao động).16 Tỉnh Ninh Bình, theo thống kê trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, lượng khách đổ về đây trong dịp lễ 30/4-1/5/2022 tăng cao với 210.1 lượt khách, tăng 220% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính đón 32.650 lượt khách, đứng thứ hai về số lượng du khách toàn tỉnh, chỉ xếp sau khu du lịch Tràng An với 39.000 lượt khách.17 Con số này cho thấy, chùa Bái Đính nói riêng và du lịch tâm linh nói chung là một trong những nguồn đóng góp kinh tế chủ lực cho kinh tế địa phương, từ đó góp phần nâng cao nền kinh tế quốc gia.

Bên cạnh đó, chùa Tam Chúc (Hà Nam) - ngôi chùa lớn nhất thế giới cũng là một trong những địa điểm du lịch tâm linh thu hút du khách cả trong và ngoài nước. Lượng khách đến chùa Tam Chúc có thể lên tới vài nghìn người, kể cả những ngày không diễn ra lễ hội. Ngoài ra còn rất nhiều địa điểm du lịch tâm linh khác như Chùa Hương, Miếu Bà Chúa Xứ An Giang, khu du lịch Núi Bà Đen, Côn Sơn Kiếp Bạc,... trên khắp cả nước thu hút được lượng du khách đông đảo hàng năm.

Đến nay, Việt Nam có hơn 44.000 địa danh,18 danh thắng và di tích lịch sử, hơn một nửa số đó có thể khai thác và phát triển mô hình du lịch tâm linh. Vì vậy, du lịch tâm linh đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại lợi ích kinh tế. Năm 2019, trong số 85 triệu lượt khách nội địa, có khoảng 34 triệu lượt khách đến các điểm tâm linh như chùa, đền, phủ, chiếm khoảng 42%.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo doanh thu, đóng góp vào nền kinh tế chung của đất nước, du lịch tâm linh Phật giáo còn có những đóng thiết thực và ý nghĩa cho xã hội nhờ nguồn kinh phí thu được từ hoạt động kinh doanh du lịch. Các tăng ni, Phật tử luôn tích cực ủng hộ và tham gia các hoạt động cứu trợ đồng bào thiên tai, lũ lụt, xóa đói giảm nghèo, đối tượng người có công, người yếu thế, tham gia các phong trào thiện nguyện … Ước tính nguồn kinh phí dành cho công tác xã hội của tăng ni, phật tử cả nước đạt khoảng trên 7.000 tỷ đồng.19

Với nguồn thu từ hoạt động du lịch tâm linh, các cơ sở Phật giáo, chùa chiền, danh lam thắng cảnh có nguồn kinh phí để xây dựng và tu bổ. Rất nhiều khu vực, địa điểm đã được khai phá và phát triển thêm các loại hình giải trí, du lịch không chỉ thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, phục vụ nhu cầu tâm linh mà còn phục vụ khách thập phương. Từ đó càng thu hút thêm khách du lịch trong nước và quốc tế, đóng góp vào nền doanh thu du lịch. Điển hình có tỉnh Quảng Ninh đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng, khai thác nét đẹp văn hóa truyền thống, kết hợp với những loại hình khác như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, mở ra rất nhiều hoạt động hấp dẫn trong khu du lịch tâm linh nhằm giữ chân khách thập phương.

Đồng thời, nguồn doanh thu này cũng được sử dụng hợp lý nhằm đào tạo tăng tài, phục vụ cho nhà chùa trong thời gian dài. Cũng không thể thiếu được nguồn lực để tổ chức các hoạt động tâm linh, sinh hoạt tôn giáo, giảng pháp, đặc biệt là những ngày lễ, ngày kỉ niệm trọng đại.

Ngoài ra, nhà nước và chính các cơ sở tôn giáo nhờ đó cũng có nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động đóng góp, tài trợ, từ thiện trên địa bản cả nước. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được diễn ra, nhằm xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh. Từ đó ngày càng nâng cao đời sống người dân và cộng đồng.

Những mặt trái tiềm ẩn ở khắp nơi

Hoạt động kinh tế Phật giáo thông qua hình thức du lịch tâm linh mang lại lợi nhuận về kinh tế không hề nhỏ. Song, sự phát triển mạnh mẽ này cũng dẫn đến nhiều hệ lụy làm biến chất giá trị nguyên bản mà du lịch tâm linh đề ra là nuôi dưỡng tâm hồn, củng cố niềm tin tín ngưỡng, lan tỏa các giá trị văn hóa, đời sống tâm linh.

Thứ nhất là vấn đề tham nhũng. Đối với một vài thành phần bất hảo, du lịch tâm linh trở thành công cụ để các nhóm đối tượng này thực hiện hành vi trục lợi, rửa tiền. Trước sự hấp dẫn từ món hời về kinh tế mà du lịch tâm linh tạo ra, không ít đối tượng đổ tiền vào xây dựng lên các khu du lịch tâm linh mà không được Nhà nước cấp phép. Bởi vậy mới có hiện tượng những công trình đội lốt chùa mọc lên như nấm sau mưa, điển hình như sự việc 42 động giả, chùa giả trong khuôn viên thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) vào năm 2002.20 Cũng có một nhóm đối tượng đã lợi dụng hình thức du lịch tâm linh để hợp pháp hóa dòng tiền bất chính.

Bên cạnh đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế Phật giáo nhiều phật tử không vững vàng trong tu tập, có thể bị u mê, lạc lối, nổi lòng tham,... Một bộ phận người tu hành dễ bị lay động bởi sức hút của đồng tiền trong khi tâm hồn chưa được khai phóng triệt để (trình độ nhận thức của tín đồ chưa đạt đến tầm cao) dẫn đến suy thoái đạo đức Phật giáo.

Thứ hai là các giá trị nguyên bản của tôn giáo bị bóp méo, đi ngược lại giáo lý Phật giáo. Ý nghĩa đích thực khi tìm về nơi cửa Phật là cầu cho an yên, tìm về với sự bình yên, nhẹ nhõm từ sâu trong tâm hồn và tự thân tu tập. Thế nhưng giá trị này đã bị biến tướng bởi chính du khách tìm đến các khu du lịch tâm linh. Thay vì tự mình tu tập trong cuộc sống đời thường, sống khoan dung, hướng thiện thì không ít người cho rằng cứ mâm cao cỗ đầy sẽ được Phật độ, và rồi tình trạng chen lấn, người xô người; đua nhau đốt vàng mã; tranh nhau cướp lộc... làm xáo trộn, mất đi tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Thêm nữa là vấn nạn lợi dụng lòng tin của công chúng. Các hình thức mê tín dị đoan dần dần len lỏi vào trong không gian tâm linh. Nó có thể tồn tại dưới hình thức truyền bá những tư tưởng viển vông như ma quỷ là có thật, muốn có cuộc sống tốt hơn thì phải làm lễ giải vong hay việc tổ chức hàng loạt dịch vụ dâng lễ, dâng sao giải hạn có thu tiền; bói toán, gọi hồn, xem xăm,... Điều đáng nói là những thông tin này lại được đưa ra bởi chính những người khoác trên mình chiếc áo tu hành, lại càng dễ thao túng tâm lý con người. Từ đây đã có không ít câu chuyện dở khóc dở cười, đã có những người tốn cả trăm triệu đồng chỉ vì nhất thời mê muội, không phân biệt được đúng sai.

Ví dụ như sự việc chùa Ba Vàng cung cấp dịch vụ “thỉnh vong giải oán” năm 2019 đã làm xôn xao dư luận bấy giờ. Được biết, vào mùng 8 hàng tháng (theo âm lịch) nhà chùa sẽ tổ chức lễ thỉnh vong giải nghiệp. Theo đó, nếu muốn được gỡ bỏ những xui xẻo do oan hồn gây ra thì cần cúng bái và “trả nợ” cho vong hồn số tiền lên tới hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào chùa.21

Những tiêu cực, biến tướng nêu trên phần nhiều đến từ sự quản lý lỏng lẻo của hệ thống quản lý. Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động tâm linh thường diễn ra ở khu vực làng quê - nơi vốn chứa đựng những hủ tục lâu đời, việc quản lý càng cần thực hiện chặt chẽ hơn. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý còn rất nhiều điều phải làm để giải quyết tình trạng lợi dụng, biến tướng tâm linh tại Việt Nam.

Trước tiên, cần tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo và tâm linh. Lý do là bởi bất kỳ một nền kinh tế nào cũng không thể phát triển đơn lẻ, đặc biệt là du lịch. Do đó cần có sự định hướng và điều tiết của nhà nước để du lịch phát triển đúng với yêu cầu của xã hội. Để thực hiện được điều này, vai trò quản lý của nhà nước cần bao quát hai nội dung sau:

Một là, quản lý để định hướng phát triển kinh tế Phật giáo. Cụ thể, Ban Tôn giáo Chính phủ cần giữ vai trò chỉ đạo các hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, cần phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa cơ sở tôn giáo, chính quyền địa phương và nhà đầu tư, kinh doanh du lịch, đảm bảo tất cả các hoạt động đều phải đặt giá trị tốt đẹp của Phật giáo làm trung tâm.

Hai là, quản lý các địa điểm, doanh nghiệp, tập thể, tổ chức, cá nhận, hộ gia đình phát sinh hoạt động kinh doanh. Các cơ sở này vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của quản lý nhà nước về du lịch. Do đó cần nghiêm ngặt hơn trong khâu cấp phép cho các các cơ sở làm kinh tế Phật giáo. Đồng thời cần nghiêm khắc xử phạt làm gương cho các cơ sở cố tình lợi dụng yếu tố tâm linh nhằm gây lợi bất chính.

Cần sớm xây dựng và hoàn thiện bộ quy chuẩn thật chặt chẽ trong việc đánh giá và cấp phép đầu tư xây dựng các công trình tâm linh. Song song với bộ quy chuẩn này là bộ quy định xử lý nghiêm khắc và mạnh tay những sai phạm ngay từ quá trình xây dựng khu du lịch tâm linh. Tiến hành đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cho những cá nhân/hộ kinh doanh tâm linh đạt chuẩn.

Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo cũng cần quản lý chặt chẽ đối với tăng đoàn, và giới tu tập, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng “nhà sư hư hỏng”, vi phạm trắng trợn giáo luật và đạo đức xã hội.

Bên cạnh việc tăng cường vai trò của cấp quản lý, cần tăng cường hiểu biết cho quần chúng Phật tử về những giá trị cốt lõi của đạo Phật. Giá trị của Phật giáo là giúp cá nhân giải thoát khỏi mọi xiềng xích bằng chính sự tu tập tự thân.22 Nghĩa là, Phật giáo là đường lối tự mình tìm đến đạo chứ không phải do cầu xin hay lễ bái để đạt được mục đích, cầu lợi cá nhân. Hơn nữa, cần tận dụng triệt để công nghệ thông tin và kênh truyền thông để tuyên truyền, quảng bá giá trị tâm linh và định hướng hoạt động du lịch tâm linh văn minh, lành mạnh.

Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp thích hợp để đề phòng, sẵn sàng xử lý để không xảy ra những tình huống xấu. Trên thế giới hiện nay đang xuất hiện những hiện tượng giẫm đạp ở các điểm du lịch vào dịp cao điểm. Điều này cũng đã và đang được ghi nhận, mặc dù chưa ở mức độ nghiêm trọng, tại các điểm du lịch tâm linh của Việt Nam trong những ngày như lễ Tết,... Cấp quản lý cần sớm ban hành quy định và tăng cường nhân lực đảm bảo công tác an ninh trật tự vào mùa lễ hội cao điểm. Phối hợp với cục quản lý thị trường quy định và điều tiết giá cả với tất cả các dịch vụ tâm linh.

Kết luận

Những giáo lý Phật giáo bắt nguồn từ thực tế cuộc sống của con người, mang tính định hướng và dẫn dắt con người một cách linh hoạt phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cá nhân. Đạo Phật không khiên cưỡng, ép buộc, cũng không đặt quyền quyết định số mạng và cuộc đời của con người vào tay bất kỳ một nhân vật tối cao nào mà cho rằng những gì con người phải trải qua đều là do chính những việc người đó đã làm, từ đó hướng mọi người đến hành trình tự mình tu tập, đề cao tính tự giác để có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Hoạt động kinh tế dựa trên những quan điểm này tạo nên một xã hội phát triển bền vững, loại bỏ được những mặt trái tiêu cực mà phát triển kinh tế thông thường kéo theo.

Du lịch tâm linh Phật giáo là ngành công nghiệp đáng để phát triển tại Việt Nam, nơi mà Phật giáo có đủ tiềm lực cả về vật chất và tinh thần. Du lịch tâm linh giúp phát triển kinh tế một cách bền vững đồng thời giúp phát triển và đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Du lịch tâm linh Phật giáo giải quyết vấn đề việc làm cho người dân địa phương, góp phần giáo hóa chúng sinh, tăng cường nhận thức của Phật tử về trách nhiệm cộng đồng.

Tuy nhiên phát triển kinh tế Phật giáo cũng cần rất cẩn trọng với những giới hạn, quy chuẩn cho phù hợp với giá trị tôn giáo. Phải cảnh giác và loại bỏ triệt để những biến tướng tiêu cực, không được làm ảnh hưởng đến đời sống tu hành của tu sĩ và không được vi phạm các giá trị cốt lõi của Phật giáo. Hoạt động du lịch tâm linh Phật giáo cần phải hướng đến mục đích cuối cùng là giá trị tinh thần, giáo huấn chúng sinh, tuyệt đối không được để bị tác động, bị tha hóa bởi những lợi ích vật chất trước mắt, lợi nhuận phải được tái đầu tư cho các hoạt động vì lợi ích cộng đồng.

Nhóm sinh viên: Trần Thị Minh Tâm, Trịnh Thị Ngọc Quỳnh, Lê Thị Hải Anh, Lại Tiến Anh, Nguyễn Thị Tố Diệp, Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Liên, Phạm Mai Linh, Phan Quỳnh Trang, Lê Thị Thư Học viện Ngoại giao Việt Nam *** 1. Thích Nhất Hạnh (2008). Đạo Phật hiện đại hóa, NXB Văn hóa thông tin Hà Nội. 2. Quán Như Phạm Văn Minh (2012). Kinh Tế Phật Giáo, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Văn Nghệ. 3. TS. Phạm Thanh Hằng (2022). Bảo vệ môi trường từ góc nhìn Phật giáo, có tại: <https://baotainguyenmoitruong.vn/bao-ve-moi-truong-tu-goc-nhin-phat-giao-335597.html >, xem ngày 29/11/2022. 4. Đại đức Thích Hữu Đạt (2022). Phật giáo nhập thế và vấn đề phát triển kinh tế bền vững, có tại: <https://phatgiao.org.vn/phat-giao-nhap-the-va-van-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung-d53237.html >, xem ngày 29/11/2022. 5. Thích Giải Hiền (2010). Kinh Tế Học Phật Giáo, có tại: <https://thuvienhoasen.org/a4309/kinh-te-hoc-phat-giao-thich-giai-hien>, xem ngày 29/11/2022. 6. Văn Hóa Tâm Linh (2022). Lời Phật dạy về lòng tham, sân, si và nghiệp báo, có tại: <https://vanhoatamlinh.com/loi-phat-day-ve-long-tham-san-si-va-nghiep-bao/>, xem ngày 30/11/2022. 7. Quán Như Phạm Văn Minh (2012). Kinh Tế Phật Giáo, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Văn Nghệ. 8. Thích Hạnh Bình (2010). Giáo lý Trung đạo, có tại: <https://thuvienhoasen.org/a16076/giao-ly-trung-dao>, xem ngày 29/11/2022. 9. TK Thích Giải Hiền (2009). Kinh tế học Phật giáo, có tại: <https://www.niemphat.vn/downloads/thuyet-phap/phat-giao-va-doanh-nhan/kinh-te-hoc-phat-giao-tk-thich-giai-hien.pdf>, xem ngày 29/11/2022. 10. Đại đức Thích Hữu Đạt (2022). Phật giáo nhập thế và vấn đề phát triển kinh tế bền vững, có tại: <https://phatgiao.org.vn/phat-giao-nhap-the-va-van-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung-d53237.html>, xem ngày 29/11/2022. 11. Hà Thái (2019). Du lịch tâm linh ở Việt Nam – Thực trạng và định hướng phát triển, có tại: <http://itdr.org.vn/du-lich-tam-linh-o-viet-nam-thuc-trang-va-dinh-huong-phat-trien/>, xem ngày 27/11/2022. 12. Minh Mẫn. Góc nhìn về vấn đề thống kê số lượng tín đồ Phật giáo, có tại: <https://phatgiao.org.vn/goc-nhin-ve-van-de-thong-ke-so-luong-tin-do-phat-giao-d39015.html>, xem ngày 27/11/2022. 13. Phật giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành với dân tộc, Vietnamnet, có tại: <https://vietnamnet.vn/phat-giao-viet-nam-gan-bo-dong-hanh-voi-dan-toc-338413.html>, xem ngày 27/11/2022. 14. Nguyệt Hà (2021). Mỏ vàng Chờ Khai Phá Của du Lịch Việt Nam, có tại: <https://baochinhphu.vn/mo-vang-cho-khai-pha-cua-du-lich-viet-nam-102153815.htm>, xem ngày 27/11/2022. 15. Du lịch tâm linh thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, có tại: <https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/du-lich-tam-linh-thuc-day-kinh-te-dia-phuong-phat-trien-85366.htm#:~:text=V%C3%AC%20v%E1%BA%ADy%2C%20kh%C3%B3%20c%C3%B3%20th%E1%BB%83>, xem ngày 27/11/2022. 16. Nguyễn Hùng (2022). Hơn 2 vạn du khách hành hương về Yên Tử trong ngày mồng 5 Tết, có tại: <https://laodong.vn/xa-hoi/hon-2-van-du-khach-hanh-huong-ve-yen-tu-trong-ngay-mong-5-tet-1001413.ldo>, xem ngày 27/11/2022. 17. Đăng Thủy (2022). Ninh Bình: Đón trên 210.000 lượt khách trong 3 ngày (30/4-01/5/2022), có tại: <https://www.ninhbinh.gov.vn/ubnd-ninhbinh/4/469/38347/244960/Van-hoa---Xa-hoi/Ninh-Binh--Don-tren-210-000-luot-khach-trong-3-ngay--30-4-01-5-2022-.aspx>, xem ngày 28/11/2022. 18. Ngọc Hà (2019). Du lịch tâm linh và những vấn đề cần quan tâm, có tại: <https://btgcp.gov.vn/tin-bai-nghien-cuu-va-trao-doi-y-kien-cua-doc-gia/Du_li_ch_tam_linh_va nhu_ng_va_n_de ca_n_quan_tam-postBmZEwxqW.html>, xem ngày 29/11/2022. 19. Mỹ Anh (2022). Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có tại: <https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/phat-giao-viet-nam-phat-huy-truyen-thong-yeu-nuoc-gan-bo- dong-hanh-cung-dan-toc-625867.html>, xem ngày 29/11/2022. 20. VnExpress (2002). Giải tỏa 42 chùa giả, động giả ở chùa Hương, có tại: <https://vnexpress.net/giai-toa-42-chua-gia-dong-gia-o-chua-huong-2050972.html>, xem ngày 29/11/2022. 21. Nhóm PV Lao Động (2019). Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ, <https://laodong.vn/xa-hoi/truyen-ba-chuyen-vong-bao-oan-chua-ba-vang-moi-nam-thu-tram-ti-663505.ldo>, xem ngày 30/11/2022. 22. ĐĐ. Thích Nhuận Lạc. Giáo dục – Giá trị cốt lõi của Phật giáo, có tại: <https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/8179>, xem ngày 30/11/2022.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Sách in 1. Thích Nhất Hạnh (2008). Đạo Phật hiện đại hóa, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin Hà Nội. 2. Quán Như Phạm Văn Minh (2012). Kinh Tế Phật Giáo, Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ. 3. E.F.Schumacher (2007). “Small is Beautiful: A study of Economics as if people mattered”, Nhà xuất bản Dịch Lâm, Nam Kinh, Trung Quốc. Nguồn Internet 1. Thích Giải Hiền (2010). Kinh Tế Học Phật Giáo, có tại: <https://thuvienhoasen.org/a4309/kinh-te-hoc-phat-giao-thich-giai-hien>, xem ngày 29/11/2022. 2. ThS Nguyễn Tiến Đạt, ThS Nguyễn Viết Tiến (2022). Giá trị văn hóa Phật giáo trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam hiện nay, Tạp chí nghiên cứu Phật học, có tại: <https://tapchinghiencuuphathoc.vn/gia-tri-van-hoa-phat-giao-trong-doi-song-tinh-than-cua-nguoi-dan-viet-nam-hien-nay.html#1_Tinh_hinh_Phat_giao_hien_ nay> , xem ngày 29/11/2022. 3. Văn Hóa Tâm Linh (2022). Lời Phật dạy về lòng tham, sân, si và nghiệp báo, có tại: <https://vanhoatamlinh.com/loi-phat-day-ve-long-tham-san-si-va-nghiep-bao/>, xem ngày 30/11/2022. 4. VnExpress (2002). Giải tỏa 42 chùa giả, động giả ở chùa Hương, có tại: <https://vnexpress.net/giai-toa-42-chua-gia-dong-gia-o-chua-huong-2050972.ht ml>, xem ngày 29/11/2022. 5. Nhóm PV Lao Động (2019). Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ, có tại: <https://laodong.vn/xa-hoi/truyen-ba-chuyen-vong-bao-oan-chua-ba-vang-moi- nam-thu-tram-ti-663505.ldo>, xem ngày 30/11/2022. 6. Thích Hạnh Bình (2010). Giáo lý Trung đạo, có tại: <https://thuvienhoasen.org/a16076/giao-ly-trung-dao>, xem ngày 29/11/2022. 7. TK. Thích Giải Hiền (2009). Kinh tế học Phật giáo, có tại: <https://www.niemphat.vn/downloads/thuyet-phap/phat-giao-va-doanh-nhan/ki nh-te-hoc-phat-giao-tk-thich-giai-hien.pdf>, xem ngày 29/11/2022. 8. Đại đức Thích Hữu Đạt (2022). Phật giáo nhập thế và vấn đề phát triển kinh tế bền vững, có tại: <https://phatgiao.org.vn/phat-giao-nhap-the-va-van-de-phat-trien-kinh-te-ben-v ung-d53237.html>, xem ngày 29/11/2022. 9. TS. Phạm Thanh Hằng (2022). Bảo vệ môi trường từ góc nhìn Phật giáo, có tại: <https://baotainguyenmoitruong.vn/bao-ve-moi-truong-tu-goc-nhin-phat-giao-3 35597.html> , xem ngày 29/11/2022.