Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới. Việc truyền dạy giới luật cho Ni giới nhằm phát huy vai trò của họ là một điều hết sức cần thiết. Trong bài viết này chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu việc phát huy vai trò của Ni giới trong lịch sử Việt Nam để từ đó gợi mở những biện pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Ni giới trong xã hội ở Việt Nam.

Vai trò của Ni giới trong lịch sử Việt Nam

Chúng ta có thể dễ nhận thấy rằng việc phát huy vai trò cho Ni giới ngày nay là một trong những vấn đề cần thiết bởi điều đó không chỉ phù hợp với giáo lý đạo Phật mà còn là sự kế tục truyền thống quý báu của Ni giới Việt Nam. Nếu nhìn lại trong lịch sử Phật giáo thì nhiều thế hệ ni đoàn Phật giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc “xương minh Phật pháp”(1) và góp phần phát triển xã hội. Tuy nhiên, cũng có những giai đoạn lịch sử nhất định vai trò của Ni giới thể hiện một cách mờ nhạt thậm chí không xuất hiện. Trong những thập niên gần đây khi mà người phụ nữ trong xã hội dần được khẳng định thì Ni giới cũng có điều kiện khẳng định mình. Các hội phụ nữ Phật giáo trên thế giới lần lượt được tổ chức và đề ra phương hướng hành động nhằm tạo điều kiện cho Ni giới phát triển.

Ở Việt Nam khoảng nửa thế kỷ thứ nhất ở Phú Thọ, Thái Bình đã xuất hiện những nữ tu, phần lớn trong số này là những vị nữ tướng theo Hai Bà Trưng, Công chúa Bát Nàn, Công chúa Thánh Thiên, bà Lê Chân, v.v phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược giành lấy chính quyền, thống nhất đất nước. Nhưng vị ni sư đầu tiên ở Việt phát huy, phát triển Phật pháp thì phải kể đến Ni sư Diệu Nhân (1041- 1113). Ni sư Diệu Nhân xuất thân là công chúa nhà Lý có tên là Lý Thị Ngọc Kiều là con gái lớn của Lý Nhật Trung được vua Lý Thánh Tông phong làm công chúa năm 1058. Đây cũng là vị Ni sư kiệt xuất nhất thời nhà Lý. Ni sư là người nghiêm trì giới luật, thể ngộ sâu sắc giáo lý và thường mang giáo lý đạo Phật ra giảng giải cho mọi người. Ni sư là người an nhiên tự tại xem thường sinh tử “Sinh lão bệnh tử, tự cổ thường nhiên, dục cầu xuất ly, giải phược thiêm triền. Mê chi cầu Phật, hoặc chi cầu thiền. Thiền Phật bất cầu, uổng khẩu vô ngôn”(2). Kế tục tinh thần xiển dương chánh pháp, phát triển đạo Phật của Ni sư Diệu Nhân, các chư ni trưởng dần Phật giáo ở miền Bắc dần truyền vào phương Nam. Để làm được điều đó các chư ni trưởng qua các thời kỳ luôn chú trọng giảng dạy và đào tạo Ni giới, xây dựng chùa chiền, tịnh xá, nuôi dưỡng ni chúng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một số Ni giới đã không ngần ngại biến mình thành ngọn đuốc để phản đối sự xâm lược của kẻ thù. Các ni trưởng và phật tử hy sinh vì đạo pháp và dân tộc điển hình như: Thích Nữ Diệu Quang, Thích Nữ Diệu Tri, Đặng Ngọc Tuyền, Nguyễn Thị Vân, Đào Yến Phi, v.v. Trong thời bình các Ni sư đã góp công vào lĩnh vực như văn hoá - xã hội, khi thấy số lượng ni xuất gia ngày một tăng, để quản lý và gắn kết, ngày 06 tháng 7 năm 1956 Đại hội Ni giới đã được tổ chức. Mục đích của đại hội là chấn chỉnh Ni giới sống theo kỷ cương luật Phật. Năm 1964 thì ni bộ hai miền hợp nhất thành ni bộ Bắc tông trực thuộc Tổng vụ Tăng sự. Năm 1972 Đại hội đã được tổ chức trọng thể tại chùa Huê Lâm thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, các Ni trưởng trong lịch sử đã có những hoạt động hết sức thiết thực, những hoạt động này đã làm sáng tỏ hơn về vai trò của phụ nữ trong giáo lý đạo Phật được thể hiện trong xã hội hiện thực, mặt khác những hoạt động này hướng đến mục đích củng cố, xây dựng, chăm lo, đào tạo Ni giới. Các hoạt động của ni trưởng còn hướng đến sự chấn chỉnh, truyền dạy giới luật cho Ni giới nhằm đưa họ vào khuôn khổ để sống tốt đời, đẹp đạo. Trong xã hội ngày nay Ni giới phần nào đã được trang bị kiến thức đầy đủ để bắt kịp trào lưu. Tuy nhiên những mặt trái trong thời đại thông tin mang lại là không thể tránh khỏi, nhưng Ni giới vẫn oai nghi mẫu mực, phẩm hạnh xuất gia vẫn là mục tiêu giữ gìn hàng đầu. Một số lớn Ni trẻ vào đời thông minh, khoáng đạt nhưng phong cách trang nhã, khiêm cung. Ni giới ngày nay ở Việt Nam có nhiều nét chân thật, bình dị trong tình cảm bạn bè, biết chia sẻ, quan tâm, giữ gìn oai nghi, phẩm hạnh của người xuất gia là dấu ấn tốt đẹp trong xã hội.

Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội Việt Nam ngày nay

Ngày nay trong xu thế hội nhập đứng trước sự phát triển của khoa học và công nghệ đã làm cho con người chúng ta xích lại gần nhau hơn. Sự phát triển này vừa là cơ hội nhưng lại vừa là thách thức cho con người nói chung và Ni giới nói riêng. Sự tiếp cận về tri thức đã nâng trí tuệ Ni giới lên một tầm cao mới nhưng nó cũng đang thách thức quá trình tu hạnh một số Ni giới. Không ít Ni giới đã và đang quên đi mục tiêu chính của người xuất gia, họ bỏ qua lễ nghi mà người đi tu cần phải có. Trước thực trạng đó cần phải truyền dạy giới luật, phát huy năng lực của Ni giới là một điều hết sức cần thiết. Qua quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy để phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội Việt Nam hiện nay cần phải thúc đẩy những vấn đề sau:

Thứ nhất là, nâng cao trí tuệ cho Ni giới đặc biệt là Ni giới trẻ. Trong thời đại bùng nổ thông tin đã tạo điều kiện để chư ni tiếp xúc và tận dụng triệt để vào đời sống tu tập và hành đạo của họ. Sự phát triển của khoa học, công nghệ đã góp phần nâng cao trí tuệ cho Ni giới, giúp Ni giới học hỏi tại chỗ thậm chí là du học qua các nước khác. Chính vì những điều kiện thuận lợi đó mà trong những năm gần đây, Ni giới được cơ cấu vào các ban ngành của Phật giáo như văn hoá, xã hội, giáo dục, v.v ngày càng nhiều. Nhiều Ni giới đã thể hiện tốt vai trò của mình trong lĩnh vực giáo dục. Nếu như trước năm 1975, số lượng Ni giới được giáo dục khá khiêm tốn thì hiện nay số lượng Ni chúng tham gia các khóa học từ Sơ đẳng đến Đại học rất đông. Ni giới đã không ngừng cố gắng học tập để nâng cao trình độ ngang tầm như chư Tăng. Giáo hội phải tạo mọi điều kiện tạo điều kiện cho thế hệ Ni trẻ phát huy khả năng của mình, từng bước gánh vác phần nào công tác giáo dục. Việc nâng cao trí tuệ cho Ni giới sẽ góp phần vào việc dần xoá bỏ sự bất bình đẳng giữa tăng với ni, đồng thời cũng làm cho Ni giới có điều kiện tiếp cận văn hoá Phật giáo của các nước khác. Muốn làm được điều đó thì giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải xây dựng trường dạy học mang tính chuyên sâu nội điển cho Ni giới. Bên cạnh đó cũng cần phải có Ni viện, trường để Ni chúng có đủ điều kiện chiêm nghiệm, thực hành những gì mình đã được học. Đào tạo luật cho Ni giới theo hình thức thành lập trường luật cho Ni giới trẻ có nơi chuyên học giới luật. Vì giới luật là hàng rào làm ngăn ngừa tội lỗi cho tự thân và trang nghiêm Giáo hội, làm cho Phật pháp thường trú tại thế gian. Việc nâng cao trí tuệ cho Ni giới diễn ra không đồng đều ví dụ như: tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các thành phố lớn ở Việt Nam nói chung thì vị trí Giáo thọ Ni được đề cao, chư ni được khuyến khích thuyết pháp, thuyết trình tại các hội thảo lớn và trong Ban Hoằng pháp Trung ương có rất nhiều Ni giới tham gia. Tuy nhiên, một số vùng sâu, vùng xa của đất nước thì vai trò và Giáo thọ của Ni giới lại không bằng thậm chí là rất thấp. Việc nâng cao đồng đều trí tuệ cho Ni giới hiện nay vẫn là một vấn đề hết sức cấp bách cần làm ngay.

Thứ hai là, thúc đẩy vai trò của Ni giới trong việc gắn đạo với việc đời. Có thể thấy rằng trong những năm gần đây chư ni Việt Nam đã luôn chú trọng gắn việc đạo với đời bằng hình thức tham gia tích cực các hoạt động xã hội, giáo dục, v.v. Ni giới luôn đề cao quan điểm nhập thế hành đạo, đã có rất nhiều Ni giới đem tất cả tâm huyết phụng sự chúng sinh. Ni giới đã góp phần vào việc xây dựng mái ấm nuôi trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa. Các chư ni hoạt động xã hội cũng là một cách hành đạo đem chánh pháp truyền rộng trong xã hội hướng các tín đồ sống tốt đời đẹp đạo. Muốn làm được điều đó chư ni phải luôn tu tập theo giới luật, trau dồi đạo đức cho mình. Việc sống tốt đời, đẹp đạo không chỉ ở quan niệm, ở phương châm hoạt động, mà Ni giới còn phải tham gia vào nhiều hoạt động xã hội mang tính thiết thực như: Cứu trợ người nghèo, người bất hạnh; khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; giúp đỡ những người bất hạnh, v.v và tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Ni giới phải xem việc gắn đạo với đời như một lẽ tất yếu trong đạo hạnh của mình bởi “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người. Khi và chỉ khi các hoạt động của Ni giới gắn liền đạo với đời thì Phật pháp mới xương minh và phù hợp với văn hoá dân tộc Việt Nam. Việc vận dụng những lời Phật dạy vào trong đời sống sẽ giúp góp công lớn trong việc truyền bá Phật giáo. Đạo Phật có thể phát triển hay không phải dựa vào chế độ thích nghi và sự dung hợp với văn hoá bản địa, muốn làm được điều đó Ni giới cần phải gắn đạo với đời để mọi đối tượng trong xã hội thấu hiểu, chấp thuận.

Thứ ba là, nâng cao phẩm hạnh cho Ni giới. Việc xây dựng lối sống hòa hợp thương yêu cho Ni giới là một yêu cầu cần thiết bởi vì, chỉ khi Ni giới có phẩm hạnh và đạo đức tốt thì việc thuyết pháp mới có hiệu quả cao. Nâng cao phẩm hạnh cho Ni giới sẽ làm cho họ có đời sống tinh thần hòa hợp, tuân theo “lục hoà kính”(3), luôn luôn khép mình vào khuôn khổ giới luật, gạt bỏ “vọng tình cố chấp sự vật, không chịu xa lìa”(4). Muốn làm được điều đó Ni giới phải khiêm tốn, lúc nào cũng thấy mình cần phải cố gắng về sở học, trau dồi phẩm hạnh. Xây dựng được nhiều hình ảnh Ni giới có đạo hạnh phong khả kính, giới hạnh trang nghiêm, luôn nhận thấy những mặt chưa tốt của mình. Luôn đem những hiểu biết của mình để phục vụ xã hội, biết yêu thương và chia sẻ, có đời sống giản dị, kính trên, nhường dưới thể hiện được phẩm hạnh ni lưu.

Thay lời kết

Trong suốt chiều dài lịch sử, Ni giới Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, có mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống từ việc thực thi đạo hạnh đến tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình. Ni giới Phật giáo luôn gắn việc đạo với việc đời, tham gia nhiều hoạt động trong xã hội. Những hành động, việc làm của Ni giới Phật giáo không chỉ góp phần chứng minh cho sự bình đẳng trong giáo lý đạo Phật mà còn xương minh Phật pháp. Ni giới Phật giáo đã phát huy được nhận thức trong sáng và năng lực của mình khi gắn đạo với đời. Những tấm gương sáng của Ni giới Phật giáo trong các hoạt động xã hội và gắn đạo pháp với dân tộc được xã hội ghi nhận và tôn vinh.

Tác giả: TS.Võ Văn Dũng Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2016 --------------------

CHÚ THÍCH: 1. http://www.thuvienphatgiao.com 2. http://giacngo.vn 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 684. 4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 227.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Võ Văn Dũng (2015), Sự dung hợp của đạo đức Phật giáo với phong tục tập quán người Nam bộ ở Việt Nam, hội thảo khoa học Quốc Tế Phật giáo vùng Mê-kông, quyển 2, Nxb. Đại học Quốc gia Tp.HCM. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2001 - 2004, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. 4. http://www.thuvienphatgiao.com 5. http://giacngo.vn